Nhật Bản là quốc gia có mùa đông rất lạnh, nên người dân ở đây thường thích dùng các món nóng để giữ nhiệt và tạo cảm giác xua tan cái lạnh. Từ đó họ chế biến ra nhiều món ăn khác nhau như: mì Soba nước, Mì Ramen thơm lừng, lẩu Oden nóng hổi,… Thưởng thức chúng trong những ngày se lạnh ở “xứ Phù Tang” sẽ là trải nghiệm thú vị dành cho du khách.
1. Oden
Oden là một món canh hầm đậu phụ với nhiều nguyên liệu thơm ngon bậc nhất. Đặc biệt hơn không hề “đụng hàng” với bất cứ loại lẩu “ngoại nhập” nào, từ cách nấu, nguyên liệu cho đến nước dùng. Thay vì sử dụng nước dùng riêng và cho các nguyên liệu vào khi sôi, thì lẩu Oden có cách nấu gần giống như ninh và hầm.
Nguyên liệu cho món ăn này thường là củ cải trắng, trứng gà, đậu hũ, các loại chả cá, thạch Konnyaku,… Tùy địa phương, người ta có thể cho thêm bạch tuộc hoặc gân bò. Mặc dù, hầu như các nguyên liệu đều có thể thay đổi, nhưng duy chỉ có củ cải luôn luôn phải có trong nồi lẩu Oden. Chính nguyên liệu này là bí quyết tạo nên vị ngọt rất đặc trưng của lẩu Nhật nói chung. Và chả cá cũng là một nguyên liệu quan trọng góp phần tạo nên món lẩu Oden thơm ngon trứ danh của “xứ Phù Tang”.
Thần thái của món lẩu Oden lại nằm ở nước dùng Dashi được nấu từ tảo bẹ Kombu, cá bào Hana Katsuo và nước tương lạt Ushukuchi. Tuy nhiên, đối với một số vùng, nước dùng lại được chế biến từ nước hầm xương gà và nước tương đậm. Thứ nước dùng đặc biệt này thấm vào từ miếng chả cá, củ cải, thịt heo, khoai mỡ… mang đến cho thực khách cảm giác “cực đã” khi thưởng thức.
Không chỉ đơn giản là món ăn sưởi ấm mùa đông, Oden còn là món ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao. Các thành phần như rong biển cung cấp vitamin, giảm Cholesterol. Do đó, món ăn này khá là phù hợp cho người lớn tuổi, trẻ em biếng ăn hay phụ nữ mang thai.
2. Nabemono
Nhắc đến ẩm thực Nhật Bản vào mùa đông thì không thể không nhắc tới món lẩu Nabemono (những món ăn được chế biến từ hải sản, thịt gà, thịt heo và rau quả bằng cách nấu trong nồi hầm đặt ngay trên bàn ăn).
Ở Nhật Bản, có nhiều loại Nabemono khác nhau tùy thuộc vào các nguyên liệu làm nên chúng. Trong đó, có 7 món lẩu nổi tiếng nhất là: Shabu Shabu, Kani Nabe, Yosenabe, Sukiyaki, Mizutaki Nabe, Chanko Nabe và Motsu Nabe.
Mỗi món lẩu sẽ sử dụng các nguyên liệu đặc trưng nhưng tất cả đều có nước dùng được nấu từ khô cá bào, tảo bẹ hay xương gà, sau đó nêm nếm với nước tương Shoyu, rượu ngọt Mirin, có khi thêm cả tương Miso. Tùy theo lượng gia vị mà chúng ta có nước lẩu từ thanh nhạt như lẩu Yudofu đến đậm đà như Sukiyaki. Điểm nhấn đặc biệt nhất của nước dùng cho Nabemono chính là sự đơn giản và thanh đạm chứ không béo và ngậy mỡ như các loại nước dùng khác.
Cách thưởng thức món lẩu của người Nhật cũng vô cùng độc đáo. Một quả trứng gà tươi mới sẽ được đưa lên, người dùng sẽ đập trứng vào bát và đánh cho tới khi lòng trắng và lòng đỏ trứng hòa quyện vào nhau. Những nguyên liệu ngay khi vừa được gắp ra sẽ được chấm vào bát trứng sống kia. Lúc này hơi nóng từ thức ăn sẽ làm chín lớp trứng bao quanh. Chính cách ăn này sẽ khiến món ăn vào miệng thơm ngon hấp dẫn.
3. Ozoni
Du lịch Nhât Bản giữa tiết trời lạnh giá mà thưởng thức món súp Ozoni thì còn tuyệt vời gì cho bằng! Ozoni thường có nguyên liệu chính là bánh gạo Mochi và pha trộn với nhiều nguyên liệu khác.
Hiện nay, tại Nhật Bản có rất nhiều kiểu chế biến khác nhau tùy theo thói quen từng vùng miền. Ví dụ một số nơi, người dân sử dụng Sumashi-jiru (nước súp trong) được làm từ nước súp Kombu (nấu từ tảo bẹ) và kết hợp thêm vài thành phần khác. Một số vùng lại nấu Ozoni bằng nước súp Shiromiso và Dashi (súp Miso màu nâu nhạt). Đặc biệt hơn, có nơi thậm chí còn làm nước dùng từ mực, cá chuồn, cá nóc, cá hồi muối, tôm khô và các loại cá và hải sản khác.
Tuy nhiên, dù nơi nào thì Mochi vẫn được giữ là thành phần chính. Người dân chỉ thay đổi các thành phần phụ, chẳng hạn như ở các khu vực gần biển, sẽ có nhiều loại hải sản được thêm vào Ozoni, như phiên bản Ozoni đầy ắp trứng cá hồi của Hokkaido. Ngược lại, với các khu vực sâu trong đất liền, người dân có xu hướng sử dụng nhiều loại rau củ và các sản vật nông nghiệp địa phương. Ngoài ra, các thực phẩm độc đáo “chỉ riêng ở đây mới có” sẽ được thêm vào trong Ozoni. Các nguyên liệu phụ cũng có thể được nướng thay vì luộc, hoặc nguyên liệu có thể được cắt ở dạng hình dạng vuông hay tròn. Do đó, có rất nhiều phiên bản Ozoni rất thú vị và đặc trưng trên khắp đất nước Nhật Bản.
4. Yudofu
Yudofu có nghĩa đơn giản là “đậu phụ luộc” và được coi là một trong những món ăn quý trong ẩm thực thiền. Theo truyền thống, các nhà sư Phật giáo chuẩn bị và ăn Yudofu tại các ngôi đền trong những tháng mùa đông.
Nguyên liệu để tạo nên Yudofu mà người Nhật thường dùng là từ hạt mè trắng và đậu nành khô tách nước. Sau đó, đậu hủ sẽ được luộc trong một nồi nước hầm chứa các gia vị đặc trưng tùy theo bí quyết của mỗi nhà hàng, khi đậu chín và gia vị đã ngấm đều thì các đầu bếp sẽ thêm rau và tảo bẹ lên trên. Món này sẽ được dùng kèm với Yuzu kosho và Ponzu (hai loại gia vị đặc biệt). Người ta nói rằng cho dù bạn không thích ăn đậu hủ như thế nào thì cũng khó mà “chống lại” sức hút tuyệt vời của món Yudofu ngon tuyệt này.
5. Ramen
Du lịch Nhật Bản vào mùa đông, du khách sẽ được thưởng thức rất nhiều món ăn hấp dẫn, trong đó có món mì Ramen trứ danh. Món này bao gồm phần sợi mì được làm từ lúa mì, nước dùng thường nấu từ xương heo, xương gà hoặc cá, đồng thời ăn kèm với các món như thịt heo thái mỏng (xá xíu), rong biển sấy khô (Nori), măng chua (Menma) và hành lá.
Ở “xứ Phù Tang”, món mì Ramen sẽ có nhiều loại đa dạng để du khách lựa chọn như: Shoyu Ramen, Shio Ramen, Miso Ramen, Tonkotsu Ramen, Sapporo Ramen, Hakata Ramen, Kurume Ramen, Kagoshima Ramen, Kitakata Ramen, Wakayama Ramen, Onomichi Ramen, Hakodate Ramen, Tantan-men, Tsukemen Ramen, Abura-soba/Maze-soba. Mỗi loại mì Ramen này sẽ có những nguyên liệu và hương vị đặc trưng riêng theo từng vùng miền ở Nhật Bản.
Ở Nhật Bản vào mùa đông rất khắc nghiệt, vì vậy khi đến đây du lịch, du khách đừng quên thưởng thức một tô mì Ramen nóng hổi. Điều đó chắc chắn sẽ giúp du khách giữ ấm trong thời tiết se lạnh.
6. Okayu
Okayu là một món cháo truyền thống của người Nhật được ăn phổ biến trong mùa đông. Món cháo này được nấu từ gạo và nước hoặc nước dùng. Để tạo ra Okayu, tỷ lệ nước để nấu cơm được tăng lên cho đến khi nó trở thành một loại súp đặc. Có thể thêm các gia vị như hành lá cắt nhỏ, nước tương, mận ngâm chua Umeboshi để trang trí cho cháo.
Ngoài ra, khi các nguyên liệu chính của nồi lẩu đã được ăn hết, có thể cho thêm gạo đã nấu chín và trứng đã đánh tan để tạo thành món cháo có hương vị đậm đà.
7. Nikujaga
Nikujaga là một món hầm đơn giản, được phục vụ trong suốt những tháng mùa đông lạnh lẽo ở Nhật Bản. Món ăn này gồm có thịt, khoai tây và hành tây được hầm ngọt trong nước sốt đậu nành, đôi khi còn được nấu với rau quả và một nguyên liệu đặc biệt là khoai Konnyaku. Nhìn chung khoai tây được sử dụng phần lớn trong món ăn, thịt được phục vụ như là một thứ tạo thêm hương vị ăn kèm. Nikujaga được đun sôi cho đến khi nước dùng kẹo lại, tạo độ sệt và ngon ngọt. Phần thịt sử dụng chủ yếu là thịt bò thái lát mỏng, nhưng ở một số vùng miền khác ở Nhật Bản người ta lại sử dụng thịt heo để thay thế cho thịt bò. Nikujaga thường được phục vụ kèm với một bát cơm trắng và súp Miso.
8. Nikuman
Nikuman là một món bánh nóng với thịt heo xay và các nguyên liệu khác. Đó là một trong những món ngon mùa đông Nhật Bản khá nhẹ nhàng được mọi người yêu thích.
Kết cấu của bánh rất dai và mềm, cắn vào một miếng thật dễ chịu. Các thành phần được sử dụng để làm Nikuman được cắt nhỏ, bao gồm: thịt heo, hành lá, bắp cải, nấm hương khô và gừng. Đôi khi thịt bò được dùng thay cho thịt heo.
9. Oshiruko
Oshiroku (hay Shiruko, Zenzai) là một món súp tráng miệng truyền thống của Nhật Bản có vị ngọt được chế biến từ Anko (đậu Azuki) và bột nếp. Một số người thích ăn nó với Mochi, trong khi những người khác thích thưởng thức món ăn với bánh bao Dango. Oshiroku sẽ ngon hơn khi dùng nóng nên đây là món ngon rất thích hợp để ăn trong những ngày mùa đông lạnh giá.
10. Yakiimo
Yakiimo, khoai lang nướng là một món ăn đường phố lành mạnh mà du khách có thể ăn trong mùa thu và mùa đông ở Nhật Bản.
Vào thời điểm này, khoai lang được nướng và bán ở nhiều nơi từ cửa hàng tiện lợi trên đường phố cho đến quầy hàng thực phẩm tại các lễ hội… Du khách có thể tìm thấy nhiều biến thể và hương vị khác nhau của khoai lang nướng trên khắp Nhật Bản, từ khoai lang đỏ, vàng hay tím (loại khoai đặc biệt nổi tiếng ở Okinawa). Dưới tiết trời se se lạnh mà được quây quần bên bạn bè, người thân và thưởng thức vài củ khoai lang nướng nóng hổi, thơm ngon thì quả là một trải nghiệm đáng nhớ!
Ẩm thực mùa đông Nhật Bản khá đa dạng và phong phú nhưng vẫn mang một hương vị đặc trưng rất riêng mà không phải nơi nào cũng có, và càng đặc biệt hơn khi du khách thưởng thức chúng trong tiết trời lạnh giá. Hãy du lịch Nhật Bản và trải nghiệm ngay nhé!