Những năm gần đây, Nhật Bản trở thành địa điểm du lịch yêu thích của rất nhiều người. Nơi đây có nét văn hóa đặc sắc cùng với một nền ẩm thực tài hoa. Trong đó có những món ăn hấp dẫn du khách bốn mùa. Tuy nhiên thì nền ẩm thực của Nhật Bản vào mùa xuân được coi là phong phú nhất.
Vào mùa xuân, thời điểm báo hiệu cho mùa đông lạnh giá đã kết thúc và bắt đầu mùa hoa anh đào nở, người Nhật thường ăn những món ngon đặc biệt như: Sushi, Ozoni, Ikanago, bánh Mochi Sakura, bánh Donut Sakura,…
1. Sushi
Nhắc đến mùa xuân của Nhật Bản, điều đầu tiên mà người ta nhớ đến chính là hoa anh đào và Sushi. Vì thế, Sushi là món ăn mà du khách không thể bỏ qua khi ghé thăm “xứ Phù Tang” vào mùa xuân.
Vào mùa xuân, người Nhật thường ăn 5 món Sushi được làm từ hải sản. 5 loại Sushi này chính là: Hama-guri (được làm từ trai biển vỏ cứng), Sayori (được làm từ cá biển), Tori-gai (được làm từ sò trứng Nhật Bản), Muri-gai (được làm từ tôm, cua, sò, trai, vẹm) và cuối cùng là Kisu (được làm từ cá biển đen Nhật Bản).
Sushi luôn được trang trí rất đẹp mắt và tinh tế. Màu sắc nổi bật của món ăn này đến từ những nguyên liệu rất tự nhiên như hải sản tươi sống đặt ở bên trên nắm cơm trắng cuộn rong biển. Tất cả mang đến hương vị thanh mát và tươi ngon khi thưởng thức.
2. Ozoni
Ozoni là một món súp truyền thống thường được người Nhật nấu để ăn vào 3 ngày đầu tiên của năm mới (từ mồng 1 – 3 tháng Giêng). Theo truyền thuyết, vào ngày mùng 1 Tết, các vị thần đã xuất hiện và ban tặng món súp bánh dày cho các em bé ngoan. Đây là món quà từ thần linh, chình vì vậy người Nhật tin rằng chúng có thể mang đến nhiều may mắn trong năm mới.
Món súp Ozoni thường có nguyên liệu chính là bánh gạo Mochi và pha trộn với nhiều nguyên liệu khác. Hiện nay, tại Nhật Bản có rất nhiều kiểu chế biến khác nhau tùy theo thói quen từng vùng miền và từng gia đình. Ví dụ như ở các khu vực gần biển, sẽ có nhiều loại hải sản được thêm vào Ozoni, như phiên bản Ozoni đầy ắp trứng cá hồi của Hokkaido. Ngược lại, với các khu vực sâu trong đất liền, người dân có xu hướng sử dụng nhiều loại rau củ và các sản vật nông nghiệp địa phương. Ngoài ra, các thực phẩm độc đáo “chỉ riêng ở đây mới có” sẽ được thêm vào trong Ozoni. Mặc dù các thành phần trong Ozoni rất khác nhau nhưng Mochi vẫn là thành phần chính không thể thiếu.
Về phần nước dùng, ở một số nơi, người dân sử dụng Sumashi-jiru (nước súp trong) được làm từ nước súp Kombu (nấu từ tảo bẹ) và kết hợp thêm vài thành phần khác. Một số vùng lại nấu Ozoni bằng nước súp Shiromiso và Dashi (súp Miso màu nâu nhạt). Đặc biệt hơn, có nơi thậm chí còn làm nước dùng từ mực, cá chuồn, cá nóc, cá hồi muối, tôm khô và các loại cá và hải sản khác.
3. Shiro no Odorigui
Vào mùa xuân, người Nhật rất thích thưởng thức món Shirouo no Odorigui (cá nhảy múa). Trong tiếng Nhật, từ “Odorigui” nghĩa là “nhảy múa khi được ăn”. Đây là nét đặc trưng của món ăn này. Và nguyên liệu chính của món Shirouo no Odorigui là cá bống băng (Shirouo) có bề ngoài trong suốt.
Khi ăn Shirouo no Odorigui, thực khách được phục vụ một chén lớn đựng cá sống. Chén nhỏ bên cạnh đựng trứng trộn giấm. Giấm còn được rưới lên thân cá để chúng xót và “nhảy múa” mạnh hơn.
Vì được ăn sống, những con cá sẽ ngọ nguậy ngay trong miệng. Người Nhật không nhai từng con cá một mà là nuốt sống sau đó uống rượu Sake. Họ cho rằng đó là cách bạn cảm nhận được những con cá đang bơi lội, “nhảy múa” trong dạ dày.
4. Cá Houbou
Houbou được xem là loài cá hiếm thuộc phân khúc cá thịt trắng chất lượng cao với những miếng cá phảng phất màu hồng đẹp mắt, với chiếc vây xoè tựa đôi cánh. Houbou sinh sống và phát triển ở vùng nước ấm nơi có dòng hải lưu nóng đi qua, điển hình như vùng biển Fukuoka (phía nam Nhật Bản) và bước vào mùa sinh sản trùng với thời gian hoa anh đào nở.
Vào thời Edo, cá Houbou được xem là nguyên liệu cho bữa ăn của giới thượng lưu bởi vẻ ngoài lộng lẫy. Thịt cá trắng Shiromi vị thanh và chỉ sinh sản vào thời điểm mùa xuân đẹp nhất trong năm.
Với cá Houbou, người Nhật có thể chế biến ra rất nhiều món hấp dẫn, trong đó nổi tiếng nhất là “Houbou Usuzukuri” với những miếng cá thái mỏng, hương vị đặc biệt khi dùng kèm sốt Ponzu chua thanh, củ cải mài trộn bột ớt và hành lá xắt nhuyễn.
5. Ikanago
Đặc sản nổi tiếng của vùng Hyogo ở Nhật Bản là món cá khô xốt Ikenaga, được đánh bắt vào mùa xuân từ tháng 2 đến tháng 3. Cá được chế biến trong rượu gạo, nước tương, gừng và đường tạo nên màu sắc bắt mắt. Món cá này được người dân bản địa khá ưa thích vì hương vị mặn ngọt xen lẫn cay cay khi ăn cùng cơm trắng và uống rượu Sake. Thưởng thức Ikanago khi đi du lịch Nhật Bản mùa xuân là cách để du khách hiểu hơn về văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây.
6. Mực Hotaru Ika
Hotaru Ika là loại mực có thể phát sáng từ một cơ quan trên cơ thể, tập trung ở đầu xúc tu và mắt. Người dân Nhật Bản có câu rằng: “Đến mùa xuân, được thưởng thức mực đom đóm, đảm bảo khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được mùa xuân tràn ngập khắp nơi”.
Mùa mực đom đóm kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5, môi trường sống ngoài khơi với độ sâu 200-400m, chỉ nổi lên mặt biển và tập trung gần bờ vào ban đêm để sinh sản. Đó cũng là thời điểm mực đom đóm thể hiện khả năng phát quang sinh học, biến bờ biển Toyama thành dải lụa xanh tựa dải ngân hà.
Những tháng mùa xuân gõ cửa, vịnh Toyama ở Nhật Bản trở nên lung linh huyền ảo bởi hàng triệu sinh vật với khả năng tự phát sáng trải dài cả vùng vịnh. Đó là Hotura Ika – loài mực nhỏ có khả năng “thần kỳ” và là đặc sản mùa xuân nơi đây.
7. Tôm Sakura Ebi
Nhỏ bé nhưng đầy ắp dinh dưỡng, tôm Sakura thịt chắc và có vị ngọt dịu, hương thơm nhẹ. Qua chế biến, Sakura Ebi sẽ giải phóng hương vị umami độc đáo mà càng nhai kỹ, càng thấy thơm, ngọt và ngon hơn.
Lớp vỏ trong suốt óng ánh với sắc đỏ ánh cam, vẻ ngoài xinh đẹp, loại tôm này được người Nhật mệnh danh là viên ngọc của biển cả mùa xuân. Mùa xuân hàng năm, lễ hội tôm Sakura được tổ chức tại cảng Yui để cảm ơn thiên nhiên về lượng tôm thu hoạch được. Người dân cùng nhau thưởng thức món ngon từ đặc sản mùa xuân này.
8. Hàu sữa Magaki
Sở hữu chiếc bụng sữa hấp thụ dinh dưỡng từ vùng biển Hokkaido nên hàu Magaki căng đầy, có vị ngọt và thơm. Vì vậy, sữa hàu Magaki được ví như “sữa của đại dương”.
Hàu sữa Magaki sẽ được chế biến với 3 phong cách khác nhau, dưới đôi tay tài hoa của bếp trưởng Nhật Bản luôn mang đến hương vị tươi mới thuần khiết trong Magaki Sashimi, nướng sốt béo thơm đậm đà dưới phiên bản Cheese Yaki (nướng phô mai) và Miso Yaki (nướng xốt Miso).
9. Takenoko
Người Nhật rất thích ăn những món kèm Takenoko. Takenoko nghĩa là măng và món ăn xuất hiện phổ biến vào mùa xuân. Họ thường thu hoạch măng ở giai đoạn nảy mầm và luộc chín để loại bỏ độc tố bên trong. Để tránh măng có vị đắng cần phải được nấu chín sau khi hái về. Một trong những món ăn được người dân Nhật ưa thích là Takenoko Gohan (măng hầm gạo). Nhờ có hương vị thanh nhã, giàu vitamin B nên không khó hiểu khi măng được chọn là món ăn nằm trong danh sách thực đơn hàng ngày ở Nhật Bản.
10. Bánh Mochi Sakura
Bánh Mochi Sakura, hay còn có tên gọi là “bánh gạo Sakura”. Đây là món ăn đặc trưng không thể nào thiếu trong những ngày xuân của người Nhật.
Sakura Mochi thường xuất hiện vào ngày hội hoa Anh Đào. Đồng thời, cũng là món bánh chủ yếu trong các gia đình Nhật nhân ngày hội bé gái Hinamatsuri, và được người Nhật ăn trong suốt mùa xuân.
Về cơ bản, Mochi Sakura có phong vị hoàn toàn từ hoa Anh Đào. Lớp vỏ bên ngoài được làm bằng bột nếp, dẻo mềm, thơm phức với màu hồng đặc trưng của hoa Anh Đào. Bao bọc bên trong một lớp nhân đậu đỏ ngọt bùi, thơm mát. Người ta còn thường trang trí lên chúng một chiếc lá hoa Anh Đào hoặc Anh Đào muối. Chúng tạo nên một tổng thể món ăn cực kỳ đẹp mắt và hấp dẫn người nhìn. Thưởng thức Mochi Sakura cùng với một tách trà xanh, ngắm hoa anh đào rơi trong gió giữa tiết trời se lạnh của mùa xuân sẽ là một trải nghiệm thú vị đối với du khách.
11. Bánh Ichigo Daifuku
Thêm một món bánh ngọt truyền thống không thể thiếu trong mùa xuân Nhật Bản đó là Ichigo Daifuku. Với người Nhật, Ichigo Daifuku rất đặc biệt, không chỉ ở hương vị, mà còn về màu sắc, ý nghĩa của loại bánh nhỏ xinh này. “Daifuku” có nghĩa là “Đại Phúc” – người Nhật cho rằng, được ăn Ichigo Daifuku là một niềm vui lớn, nên dùng bánh này tặng nhau vào những dịp lễ lớn như năm mới, đầu xuân.
Ichigo Daifuku với lớp vỏ bánh làm từ gạo nếp Mochi dẻo dẹo, bên trong nhân là Shiro An – nhân làm từ đậu trắng, và chính giữa thì nhét vào một quả dâu tươi mọng nước, ngọt ngay rất ngon.
12. Bánh Donut Sakura
Ngoài Mochi Sakura và Ichigo Daifuku, mùa xuân Nhật Bản còn gắn liền với bánh Donut Sakura. Chiếc bánh Donut Sakura với phần nhân bên trong là kem tươi, bên ngoài được phủ lớp chocolate hồng nhạt như cánh hoa anh đào cùng lớp chocolate trắng ở bên trên. Điểm nhấn của món bánh chính là màu hồng nhạt của Donut tương tự như cánh hoa anh đào đang rơi.
13. Bánh Sakura Manju
Sakura Manju (Bánh bao anh đào) được làm từ bột nếp với nhân đậu đỏ ngọt truyền thống. Điểm khác biệt so với những loại bánh bao thông thường khác là mặt trên của bánh có đặt một bông hoa anh đào ướp muối. Tuy nhiên, không phải loại hoa nào cũng có thể dùng được, chỉ có hoa anh đào cánh kép (Yae Zakura) mới được sử dụng để làm loại bánh này. Bánh có hình tròn nhỏ đặt vừa trong lòng bàn tay, rất thích hợp để làm món ăn nhẹ hoặc món tráng miệng.
14. Bánh Sakura Yokan
Yokan là một loại bánh truyền thống (Wagashi) của người Nhật, vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó được du nhập vào Nhật Bản khoảng năm 1191. Bánh thường được làm từ bột đậu đỏ, thạch và đường, có dạng khối gần giống như thạch, khi ăn xắt thành từng miếng nhỏ.
Với Sakura Yokan, bánh sẽ được làm từ phần nước đã được dùng để làm bột đậu đỏ Sakura, sau đó hòa thêm muối để tạo nên hương vị cho bánh. Tiếp đến người ta sẽ trang trí thêm lá hoặc hoa anh đào để tạo điểm nhấn cho bánh. Món thạch độc đáo này rất thích hợp để thưởng thức vào những ngày hè oi nóng, nhưng vì là thạch hoa anh đào nên sẽ tuyệt vời hơn nếu du khách thưởng thức vào mùa xuân đúng mùa hoa anh đào nở.
15. Latte Sakura dâu
Trong sắc trời thanh mát cùng nhiều lễ hội mùa xuân, thì thức uống Latte Sakura dâu nổi tiếng không thể thiếu được. Thức uống đặc trưng này chỉ xuất hiện vào khoảng giữa tháng 2 đến giữa tháng 3.
Thành phần của Latte Sakura dâu gồm có lá anh đào ngâm muối, cánh hoa anh đào, nước sốt dâu, kem whipping dâu và phủ lên trên cùng là một lớp kem chocolate có vị dâu ngọt. Latte Sakura dâu có vị ngọt vừa phải rất dễ uống.
16. Pepsi Sakura
Sẽ là một thiếu sót vô cùng lớn nếu du khách khám phá các món ăn mùa xuân Nhật Bản mà lại thiếu mất Pepsi Sakura. Loại nước uống này có màu hồng nhạt, hương vị hơi chua chua, vừa ngọt vừa thơm.
Pepsi Sakura như một tiểu tượng của sự sáng tạo nét mới trong nền ẩm thực Nhật Bản. Đây là thức uống tuyệt hảo trong mùa hoa anh đào nở rộ.
Đến Nhật Bản vào mùa xuân, du khách sẽ ngỡ ngàng với những cánh hoa xuân rực rỡ, khung cảnh thiên nhiên đẹp và thơ mộng, cùng với những món ăn đậm chất xuân. Và thưởng thức ẩm thực cũng là cách giúp du khách tìm hiểu rõ hơn về văn hóa Nhật Bản, vì thế đừng bỏ qua cơ hội này trong hành trình du lịch Nhật Bản mùa xuân này nhé!