Văn học Nhật Bản với rất nhiều tên tuổi lớn như: Osamu Dazai, Natsume Soseki, Higuchi Ichiyo,… đến nay vẫn nhận được sự mến mộ rộng rãi từ độc giả trong và ngoài nước. Để tưởng nhớ các tác gia vĩ đại và lưu giữ di sản quan trọng của họ cho hậu thế, nhiều bảo tàng đã được xây dựng rải rác trên khắp Nhật Bản và thường được xây tại chính quê hương của tác giả hoặc khu vực gần đó.
1. Bảo tàng Văn học Hiện đại Kanagawa
- Địa chỉ: 110 Yamate, Naka, Yokohama.
Bảo tàng Văn học Hiện đại Kanagawa cung cấp thông tin về văn học và các nhà văn sinh ra và/hoặc liên quan đến Kanagawa. Bảo tàng được sử dụng như một thư viện văn học hiện đại Nhật Bản cũng như địa điểm tổ chức sự kiện. Bảo tàng sở hữu hơn 1,2 triệu bộ sưu tập. Một vài trong số được đặt tiêu đề theo tên của các nhà văn nổi tiếng, ví dụ như: thư viện Yasushi Inoue, thư viện Shohei Ooka và bộ sưu tập đặc biệt Soseki Natsume. Tại đây thường xuyên triển lãm về văn học Kanagawa. Ngoài ra còn có triển lãm cá nhân của Sosuke Natsume, Ryunosuke Akutagawa và các nhà văn khác liên quan đến Kanagawa.
2. Bảo tàng tưởng niệm Natsume Soseki
- Địa chỉ: 7 Wasedaminamicho, Shinjuku, Tokyo.
Natsume Soseki (1867 – 1916) tên thật là Natsume Kinnosuke, là một tiểu thuyết gia, một nhà phê bình với sở trường văn học Anh – đại văn hào của Nhật Bản trong thời kỳ Minh Trị. Chỉ sáng tác trong vòng 10 năm nhưng những tác phẩm của ông đã có những đóng góp to lớn vào giai đoạn đầu của nền văn học hiện đại Nhật Bản lúc bấy giờ.
Sinh trưởng trong bối cảnh sự đối đầu của hai nền văn hóa Đông – Tây len lỏi vào đời sống của người dân Nhật, Natsume Soseki đã hòa trộn tư tưởng lý luận Đông – Tây để tạo nên trường phái riêng cho mình. Vào năm Natsume Soseki 39 tuổi – tức năm 1905, sự nghiệp của ông chính thức bắt đầu với tác phẩm đầu tay “Tôi là mèo” (吾輩は猫である – Wagahai ha neko dearu). Một năm sau đó, ông tiếp tục cho ra đời tác phẩm “Cậu ấm” (坊ちゃん – Bocchan) và hàng loạt các tác phẩm khác.
Nhờ tài năng văn chương phong phú, cái nhìn sắc bén về con người, xã hội, những tác phẩm của ông nhanh chóng được đón nhận ở cả trong và ngoài nước. Sự kiện này đã đưa cái tên Natsume Soseki vào hàng ngũ một trong ba trụ cột của nền văn học hiện đại Nhật Bản thời bấy giờ.
So với những tác phẩm thời kỳ đầu được viết theo lối trào phúng và châm biếm, càng về sau lối viết của ông càng trở nên trau chuốt, tinh tế và sâu lắng hơn.
Ông qua đời ở tuổi 50 – khi đang sáng tác dang dở tác phẩm vĩ đại nhất đời ông: “Sáng tối” (明暗 – Meian). Một số tác phẩm khác cũng rất nổi tiếng của Natsume Soseki là: “Gối đầu lên cỏ” (草枕 – Kusa Makura), “Mười đêm mộng” (夢十夜 – Yume Juuya), “Nỗi lòng” (心 – Kokoro).
Bảo tàng tưởng niệm Natsume Soseki được xây dựng ở quận Shinjuku, Tokyo, nơi ông cất tiếng khóc chào đời và trải qua 9 năm cuối của cuộc đời. Ngoài các tác phẩm cùng tư liệu lịch sử về Natsume, nơi đây còn có thư viện ấn tượng với 3.500 cuốn sách và một quán cafe sách yên tĩnh.
3. Bảo tàng tưởng niệm Ichiyo
- Địa chỉ: 3-18-4 Ryusen, Taito, Tokyo.
Văn học Nhật Bản cận đại nổi tiếng với nhà văn nữ Higuchi ichiyo (1872 – 1896). Bà là một trong những nhà văn nữ đầu tiên tại Nhật Bản với những tác phẩm kinh điển. Mặc dù chỉ sống 24 năm nhưng bà đã mang đến những tác phẩm nổi tiếng và làm vang danh sự nghiệp văn chương của mình. Bà cũng là nữ nhà văn chuyên nghiệp đầu tiên của Nhật Bản và trở thành người phụ nữ thứ ba tại Nhật Bản được in chân dung lên tờ 5.000 Yên.
Tên thật của bà là “Higuchi Natsu” và bút danh là “Higuchi Ichiyo” (một chiếc lá đơn độc). Bà sinh ra và lớn lên tại Tokyo trong một gia đình nông dân nghèo gốc Kofu, Yamanashi. Cha bà từng phải bỏ ra rất nhiều tiền để mua một chức tước Samurai cấp thấp nhưng thất bại vì giai cấp Samurai sụp đổ và chế độ thay đổi trong thời kỳ Minh Trị.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó nhưng bà vẫn có một niềm đam mê với văn chương, luôn tìm đến những tác phẩm xuất sắc và kinh điển để làm động lực và tạo dựng nên phong cách viết văn của mình. Từ những khó khăn và xuất thân nghèo khó bà đã viết một cuốn nhật kỳ dài hàng trăm trang nói về sự tự ti và e dè khi có một xuất thân nghèo hèn.
Năm 9 tuổi bà tốt nghiệp tiểu học Oume và đến năm 14 tuổi và theo học tại trường dạy thi ca cổ điển tại Nagoya. Đây là một trong những ngôi trường dạy về thơ ca danh giá hàng đầu tại Nhật Bản. Tại đây bà được học về thơ ca của các thi sĩ thời kỳ Heian cũng như tìm hiểu về văn học Nhật Bản. Bà có một niềm đam mê với văn chương mãnh liệt. Dù trải qua nhiều sóng gió trong cuộc đời những bà vẫn theo đuổi văn thơ và mang lại những cảm hứng trong cuộc đời mình bằng việc sáng tác nên những tác phẩm kinh điển.
Trong những tác phẩm đầu tiên của mình với sự ảnh hưởng từ thi ca thời Heain, những tác phẩm này mang ít tình tiết nhân vật nhưng lại thể hiện mạnh mẽ những cảm xúc của cá nhân. Đến năm 1894, những tác phẩm của bà mới mang đến những màu sắc nhân vật nhiều hơn. Từ những cách quan sát về lối sống của những người khu đèn đỏ đã giúp bà tạo nên những tác phẩm kinh điển và đặc sắc với lối miêu tả đầy ẩn ý và tinh tế.
Mặc dù qua đời ở tuổi 24 với sự nghiệp thơ văn ngắn ngủi nhưng đã để lại cho nền văn học nhiều tác phẩm vô cùng đặc sắc. Tổng cộng và có 21 cuốn tiểu thuyết ngắn và gần 4.000 bài thơ Tanka. Trong đó, tác phẩm “Takekurabe” (năm 1896) của cố văn sĩ đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt với tựa đề “Một mùa thơ dại” (Hội Nhà Văn) và ra mắt độc giả Việt vào năm 2013. Bên cạnh đó, bà còn để lại những tập sách hay dành cho phụ nữ và một cuốn nhật ký được tìm thấy khi bà theo học tại trường thơ ca.
Bảo tàng tưởng niệm Ichiyo được xây dựng tại khu phố Ryosen thuộc quận Taito của Tokyo, nơi bà từng sống và lấy nguồn cảm hứng sáng tác nên tác phẩm “Takekurabe”. Đây cũng là bảo tàng đầu tiên tại Nhật Bản tưởng niệm một nhà văn nữ.
4. Bảo tàng tưởng niệm Dazai Osamu
- Địa chỉ: 412-1 Asahiyama, Kanagi-machi, Goshogawara, Aomori.
Dazai Osamu (1909 – 1948) tên thật là Tsushima Shuji, là một nhà văn hào, được cho là một trong những nhà văn giả tưởng đầu tiên khoảng thế kỷ 20 ở Nhật Bản. Ông là nhà văn tiêu biểu cho thời kỳ chấm dứt Thế chiến thứ 2 ở Nhật Bản, cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với những bi thương, khốn khổ.
Dazai Osamu là người con thứ 8 trong gia đình địa chủ giàu có ở Kanagi, phía Đông bắc Tsugaru, tỉnh Aomori. Gia tộc của ông có nguồn gốc nông dân, từ thời ông nội Tsushima đã hành nghề cho vay, sau đó cha của ông tiếp nối và nhanh chóng trở thành gia tộc có của cải, quyền lực tại vùng đó lúc bấy giờ.
Thời trung học, Dazai Osamu là một học sinh giỏi, đã cùng bạn bè viết văn làm báo những năm học cấp 3. Tuy nhiên, khi thần tượng văn học của ông là nhà văn Akutagawa Ryunosuke tự tử năm 1927 thì ông đã bỏ bê việc học, tham gia vào các cuộc tiệc tùng rượu chè và gái mại dâm. Dazai Osamu luôn cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi khi sống trong gia đình quý tộc, địa chủ, nên vào năm 1929, ông đã uống thuốc tự tử nhưng không thành và sau đó tham gia hoạt động chính trị cánh tả. Không lâu sau, ông bị bắt vì hoạt động chính trị ở Đảng Cộng sản Nhật Bản và phải nhờ anh trai can thiệp với điều kiện sẽ chuyên tâm vào học tập.
Những tác phẩm văn học của Dazai Osamu đều mang những phong cách khác nhau nhưng đầy tính nghiêm túc. Bên cạnh đó cũng đan xen một vài câu chuyện hài hước, hóm hỉnh. Với lối phong giản dị mà thuần túy, những tác phẩm của Dazai Osamu luôn mang màu sắc ảm đạm, u ám chính như cuộc đời của ông vậy. Các nhân vật chính đối thoại trực tiếp với tác giả, với những quan niệm coi thường cõi nhân gian. Lối viết của Dazai Osamu có sự ảnh hưởng ít nhiều từ Murasaki Shikibu, Fyodor Dostoyevsky và Akutagawa Ryunosuke.
Là người chứng kiến ngăn cách giữa kẻ giàu và người nghèo, nên Dazai Osamu đã trở thành người hay phê phán, chỉ trích kẻ mạnh. Ông chán nản với cuộc sống quý tộc giàu có, thế nên ông luôn cảm thông và đồng cảm với những kẻ yếu.
Sau khi kết hôn, ông Dazai Osamu đã có những thay đổi lớn trong văn phong viết của mình. Những tác phẩm của ông chứa những niềm hi vọng và đầy tính khích lệ. Đặc biệt nhất chính là nghệ thuật thao túng ngôn từ đã làm nên nét quyến rũ thu hút nhiều độc giả hơn. Đó cũng chính là phong cách văn học nổi bật của nhà văn Dazai Osamu.
Osamu Dazai được biết đến rộng rãi với tác phẩm “Ningen Shikkaku” (1948). Đây là một kiệt tác để đời của Osamu Dazai đề cập đến các chủ đề như tách biệt xã hội và chứng rối loạn trầm cảm mãn tính, cũng là cuốn sách bán chạy thứ hai tại Nhật Bản chỉ sau tác phẩm “Nỗi lòng” của Natsume Soseki.
Bảo tàng tưởng niệm Osamu Dazai ban đầu chính là ngôi nhà mà tác giả sống từ thuở ấu thơ, do cha ông, Genemon Tsushima, một địa chủ có sức ảnh hưởng lớn của tỉnh Aomori xây dựng vào năm 1907 – hai năm trước khi Osamu Dazai chào đời. Ngôi nhà kiểu Nhật truyền thống được xây dựng phần lớn bằng gỗ bách Aomori, nhưng chứa đựng một số đặc trưng của phương Tây, đặc biệt là ở thiết kế cầu thang và phần khung của mái nhà.
Sau khi nhà văn Osamu Dazai tự kết liễu đời mình vào năm 1948, căn nhà đã được chuyển thành một lữ quán và bảo tàng tư nhân nhỏ để tưởng nhớ cố nhà văn. Đến năm 1996, chính quyền tỉnh đã mua lại nơi đây, cải tạo nhưng vẫn giữ lại cấu trúc gỗ của ngôi nhà.
Bảo tàng mang đến cơ hội hiếm hoi cho du khách được khám phá về những năm thơ ấu của nhà văn khi chiếc áo choàng yêu thích của ông hay bút viết, thư từ và những bản nháp vẫn còn được gìn giữ nguyên vẹn.
5. Bảo tàng tưởng niệm Miyazawa Kenji
- Địa chỉ: Dai 1 Chiwari-1-36 Yasawa, Hanamaki, Iwate.
Nền văn học thiếu nhi tại Nhật Bản nổi lên với nhà văn Miyazawa Kenji (1896 – 1933). Ông là một trong số những người có đóng góp to lớn, làm nên sự thành công cho những tác phẩm văn học thiếu nhi. Ẩn sâu bên trong một nhà văn, ông là một người luôn đi tìm kiếm những điều hạnh phúc trong cuộc sống, một Phật tử, một nhà hoạt động xã hội chân chính.
Miyazawa Kenji sinh ra tại Hanamaki thuộc tỉnh Iwate, là con trai cả trong một gia đình giàu có trong vùng. Gia đình ông làm nghề cầm đồ và là một trong những gia đình có danh tiếng tại đây. Ở một vùng quê nghèo, gia đình ông thuộc hạng thương gia với nhiều của cải. Gia đình ông là một tín đồ của Tịnh độ tông, một trong những tôn giáo chính tại vùng này. Cha ông thường xuyên tổ chức các cuộc họp trong quận với các nhà sư và nhà Phật giáo giảng đạo. Ngay từ khi còn nhỏ ông và em gái cũng thường xuyên tham gia vào những cuộc họp này.
Mặc dù được sinh ra trong một gia đình giàu có, cha mẹ ông luôn hướng đến địa vị và quyền lực trong xã hội. Tuy nhiên, ông lại là một người quan tâm đến lịch sử tự nhiên, có niềm yêu thích thơ ca ngay từ khi còn nhỏ bởi những ảnh hưởng sâu sắc của một nhà thơ địa phương đến ông.
Ông tốt nghiệp trung học và giúp việc trong tiệm cầm đồ của cha mình. Ông nhanh chóng sáng tác những câu chuyện dành cho thiếu nhi theo thể loại Tanka trong thời gian này. Ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Nông lâm và ăn chay trường từ đó. Ông được đánh giá là một trong những sinh viên sáng giá của trường. Sau khi tốt nghiệp ông nhường lại quyền thừa kế cho em trai mình và chuyển đến Tokyo. Ông trải qua nhiều thời gian vất vả và nghèo đói tại đây. Sau nhiều tháng, ông trở lại sáng tác và đạt được nhiều thành công nhất định. Ông cũng trở thành một giáo viên trong nhiều năm sau đó và từ chức trở về làm một người nông dân. Cuộc đời ông trải qua nhiều sự biến chuyển thăng trầm và cuộc chiến chống lại bệnh tật.
Miyazawa Kenji có một phong cách viết truyện theo kiểu thoát ra khỏi hiện thực. Những điều mà không thể thực hiện trong thực tại. Những tác phẩm của ông dành cho nhiều lứa tuổi có thể là thiếu nhi hoặc ngay cả người lớn cũng có thể đặt dưới tâm trạng của trẻ em để trở về cõi mộng mơ. Trong các tác phẩm của ông cũng có thể nhận thấy những ảnh hưởng của Phật giáo Nichiren sâu sắc và những tư tưởng về xã hội nhân đạo. Phong cách viết truyện của ông được thể hiện theo kiểu thần tiên, những ảo tưởng về sự hạnh phúc ngoài mong đợi. Đặc biệt, những lời văn của ông qua các tác phẩm truyện mang tính mơ mộng, sự phóng khoáng trong cách miêu tả cũng như đem đến cho mọi người những mơ mộng hư ảo về một thế giới không có thật, một thế giới về những điều mà ta mong đợi.
Các tác phẩm nổi tiếng gắn liền với sự văn chương của Miyazawa Kenji có thể kể tới: “Đường tàu ngân hà trong đêm” (1928), “Cậu bé Matasaburo của gió”, “Sao Ó đêm”, “Hiệu ăn lắm yêu sách”, “Gauche the Cellist” (Người chơi đàn Cello), “Matasaburo” (Từ phương của gió),…
Đến với Bảo tàng Miyazawa Kenji, du khách được bước vào thế giới của ý tưởng và trí tưởng tượng vô hạn của tác giả. Đặc biệt, đừng bỏ lỡ tác phẩm “Ame ni mo Makezu”; không chỉ đơn thuần là một bài thơ, nó còn được ví như kim chỉ nam cho cuộc sống. Học sinh tiểu học tại quê nhà Iwate của thi sĩ thường thuộc làu bài thơ trước khi tốt nghiệp. Đến tận ngày nay, người dân Hanamaki vẫn rất mực tôn kính và gọi ông bằng cái tên thân mật là “Kenji-sensei”.
Bên ngoài bảo tàng là một khu vườn hoa khoe sắc. Từ bảo tàng, du khách có thể đi bộ đến “Miyazawa Kenji Dowa Mura” (Làng cổ tích Miyazawa). Nơi đây cũng trưng bày nhiều sáng tác của cố nhà thơ và sở hữu không gian rộng rãi rất phù hợp để dã ngoại hoặc cho trẻ em chơi đùa. Vào cuối tuần cũng như các ngày lễ, nhiều nghệ nhân địa phương dựng các gian hàng để bán đồ thủ công.
6. Bảo tàng Văn học Endo Shusaku
- Địa chỉ: 77 Higashishitsumachi, thành phố Nagasaki, tỉnh Nagasaki.
Với một niên biểu đời sáng tác dài trên 30 trang A4, thiết tưởng đã đủ chứng tỏ Endo Shusaku là một nhà văn ngoại hạng và khó lòng tóm tắt tiểu sử trong một câu nói ngắn kiểu “nhà văn chuyên viết tiểu thuyết dã sử”, “nhà văn Công giáo người Nhật” hay “nhà văn hiện đại có nhiều trăn trở về vấn đề tâm linh và muốn trình bày về sự xung đột giữa một tôn giáo Tây phương và bản sắc một dân tộc Đông phương trong tâm hồn mình”.
73 năm cuộc đời (1923-1996), sự nghiệp văn chương của ông đã đạt được thật là ngoài sức tưởng tượng. Là nhà văn, ông đã bao trùm một lĩnh vực lớn từ truyện dài, truyện ngắn, biên kịch, hồi ký, truyện ký, tùy bút, nghị luận và nghiên cứu. Là nghệ sĩ, ông đã có mặt trên một địa bàn khá rộng từ hợp xướng, kịch nói, ca vũ nhạc (musical, opera) cho đến điện ảnh. Là nhà hoạt động xã hội, ông đã tổ chức những nhóm thiện nguyện “Người già chăm sóc người già” như cơ sở Gin no Kai hay lên tiếng ủng hộ phong trào tranh đấu để có được những “Bệnh viện ấm áp tình người”. Là nhà giáo, ông đã dạy và diễn giảng ở nhiều trường đại học Nhật Bản và trên thế giới. Vinh quang đời văn của ông không đếm xiết, từ những chức vị Tiến sĩ danh dự văn chương (các ĐH Santa Clara, John Carroll, Fujien,…), vai trò Hội trưởng PEN Club Nhật Bản, các giải thưởng văn chương cao quý như: Giải Akutagawa, Asahi, Mainichi, Tanizaki, Noma,… cũng như Huân chương Văn hóa do Thiên Hoàng trao tặng.
Tuy mất Giải Nobel (1994) về tay Ôe Kenzaburô nhưng ông đã nhiều lần được đề cử cho giải này và là một cái tên đã có mặt trong nhiều vòng chung kết. Tài năng của ông có lẽ không hề thua kém Kawabata, Ôe hay Ishiguro nếu chúng ta tin vào những lời đánh giá về ông của những đồng nghiệp trứ danh như: Graham Greene, John Updike hay Irving Howe. Đặc biệt, văn hào Graham Greene là một tâm hồn tri kỷ, đã ngưỡng mộ ông như “một trong những nhà văn xuất sắc nhất của thời hiện đại”.
Tác phẩm của Shusaku có một số lượng khổng lồ, có thể nhắc tới: “Truyện hồi nhỏ” (Dôwa, 1963), “Bóng đổ lên đời” (Kagebôshi, 1968), “Bệnh viện Jourdan” (Ju-rudan byôin, 1956), “Những người mẹ” (Haha naru mono, 1969), “Cái thằng khó ưa” (Iyana yatsu, 1959), “Chàng da đen” (Kurombô, 1971), “Đến tận Aden” (Aden made, 1954), “Người da trắng” (Shiroi Hito, 1955), “Người da vàng” (Ki iro hito, 1955), “Biển và thuốc độc” (Umi to Dokuyaku, 1957), “Anh khùng đáng yêu” (Obakasan, 1959), “Núi lửa” (Kazan, 1960), “Những mảnh đời du học” (Ryuugaku, 1965), “Đất nước hoàng kim” (Ôgon no kuni, 1966), “Đời Chúa Giê-Su” (Iesu no shôgai, 1973), “Bên bờ Biển Chết” (Shikai no hotori, 1973), “Cái gông cổ bằng sắt – Truyện tướng Konishi Yukinaga” (Tetsu no kubikae – Konishi Yukinaga-den, 1977), “Những người tử đạo cuối cùng” (Saogo no Junkyôsha, 1985), “Địa ngục Unzen” (Unzen, 1965), “Người đàn ông 40 tuổi” (Yonjussai no otoko, 1964), “Người đàn bà mà tôi ruồng bỏ” (Watashi ga suteta onnna, 1964), “Loại tiểu thuyết tôi yêu” (Watashi ga aishita shôsetsu, 1985), “Dòng sông sâu thẳm” (Fukai kawa / Deep River, 1993),… Trong đó, cuốn tiểu thuyết “Chinmoku” (Trầm mặc, 1966) của ông rất nổi tiếng đã được Martin Scorsese chuyển thể thành bộ phim “Silence” vào năm 2016. Trước đó, “Chinmoku” đã được đạo diễn Masahiro Shinoda chuyển thể thành phim vào năm 1971. Tác phẩm là câu chuyện về một nhà truyền giáo Dòng Tên được cử đến Nhật Bản vào thế kỷ 17 và phải hoạt động ẩn danh. Một tác phẩm kinh điển khác của Endo Shusaku là “The Samurai” (1980), câu chuyện hư cấu về sứ mệnh ngoại giao của Hasekura Tsunenaga đến Tây Ban Nha, Mexico, Rome vào thế kỷ 17.
Bảo tàng Văn học Endo Shusaku được xây dựng gần bối cảnh diễn ra câu chuyện trong tác phẩm “Chinmoku”. Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng hàng loạt đồ dùng cá nhân cũng như các bản thảo của văn sĩ. Hơn nữa, kho tàng văn chương mà tác giả để lại vẫn còn vô cùng phong phú. Vào năm 2020, bảo tàng đã phát hiện ra một cuốn tiểu thuyết hoàn thiện vẫn chưa được xuất bản, cũng như trong đầu năm nay, là ba vở kịch khác của cố văn sĩ.
Với các bảo tàng trải dài từ Tohoku đến Kyushu, các fan hâm mộ có thể “ngược dòng lịch sử” để hiểu sâu hơn về những tác gia lớn của nền văn học Nhật Bản. Nếu du khách cũng có niềm đam mê với văn chương thì đừng bỏ lỡ những địa điểm này trong chuyến du lịch Nhật Bản nhé!