Rượu Sake – quốc tửu của người Nhật

Nhật Bản – vùng đất có nền ẩm thực độc đáo và đầy cuốn hút với những món ăn đặc trưng như Sushi hay Sashimi… Và sẽ là một thiếu sót lớn khi không nhắc đến Rượu Sake – quốc tửu của người dân “xứ Phù Tang”.

Sake trong tiếng Nhật có nghĩa là thức uống có cồn. Tuy nhiên, đây cũng là tên của một loại “rượu ủ” nổi tiếng của Nhật, khác với các loại “rượu cất” gọi là Shochu. Hẳn nhiều người cũng sẽ lầm tưởng rằng rượu Sake được làm từ trái Sake. Thật ra, rượu Sake chính là rượu gạo.

Nguồn gốc

Không ai biết rượu Sake ở Nhật Bản xuất hiện từ khi nào. Tuy nhiên, người ta cho rằng rượu Sake được làm vào thời Yayoi (năm 300 TCN – 250 SCN), khi người Nhật mang nghề trồng lúa gạo từ Trung Quốc về. Mãi cho đến nửa sau của thời kỳ Nara (710-794) thì phương pháp trồng lúa mới đi vào ổn định. Một tổ chức có tên Sake-no-Tsukasa được thành lập để sản xuất rượu phục vụ triều đình.

Trong thời kỳ Heian (794-1185), rượu Sake được sản xuất ở các đền thờ và trong công chúng. Những nhà máy sản xuất Sake xuất hiện ở thời kỳ Muromachi (1333-1573). Kể từ đó, Mạc phủ Muromachi bắt đầu đánh thuế làm Sake để thu ngân sách cho chính phủ. Vào nửa sau của thế kỷ thứ 16, người ta bắt đầu xay trắng gạo trước khi làm rượu Sake. Kỹ thuật khử trùng ở nhiệt độ cao (pasteurization), được gọi là “Hi-ire”, cùng được phát minh vào thời gian này. Dần dần, công nghệ làm những thùng gỗ lớn phát triển, cho phép các nhà làm rượu sản xuất và lưu trữ khối lượng Sake rất lớn.

Ngành sản xuất rượu Sake phát triển rất thịnh vượng vào thời kỳ Edo (1603-1868). Trong thời kỳ này, người ta phát minh ra cách thêm rượu chưng cất vào Sake để điều chỉnh hương vị và giúp bảo quản rượu tránh hư hỏng.

Năm 1904, Viện Nghiên cứu Ngâm ủ Rượu bia Quốc gia (NRIB) được thành lập bởi Bộ Tài chính. Đây là viện nghiên cứu đồ uống có cồn duy nhất tại Nhật Bản tiến hành những cuộc nghiên cứu khoa học vào việc sản xuất và phát triển công nghệ, kỹ thuật làm rượu Sake mới.

Từ thời cổ đại, rượu Sake đã được xem như thứ đồ uống đặc biệt được làm từ gạo quý. Người ta uống Sake vào những dịp đặc biệt như lễ hội, ngày cưới hay tang lễ. Ngày nay, người Nhật có thể thưởng thức Sake bất kỳ khi nào gặp gỡ và giao lưu với nhau.

Quy trình sản xuất rượu Sake

Sake trở thành thức uống quốc hồn Nhật Bản bởi quy trình sản xuất ra nó hầu như không thay đổi trong vòng 400 năm qua. Sake vốn được sản xuất theo kiểu thủ công, dưới sự chỉ đạo của một người nấu rượu chính giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên ngày nay, để tăng công suất sản xuất cũng như đơn giản hóa và giảm chi phí, nhiều hãng rượu lớn sử dụng máy móc để kiểm soát các công đoạn.

Đầu tiên rượu Sake được làm từ gạo sau khi qua quá trình chọn lọc kỹ lưỡng sẽ được xay xát thành tinh bột. Quá trình này sẽ loại bỏ đi bớt protein, chất béo và các tạp chất khác để tránh làm giảm chất lượng của rượu Sake. Tỷ lệ gạo xay xát khoảng 30 đến 65% so với ban đầu, đây là một thông số chủ yếu làm thước đo vị ngon của 4 loại rượu Nhật Bản nổi tiếng như Daiginjo, Ginjo, Honjozo, Junmai.

Quá trình kéo dài từ 2 đến 3 ngày, gạo sẽ được mang đi rửa và ngâm trong một khoảng thời gian nhất định rồi đem nấu thành cơm. Quá trình nấu cơm sẽ được kéo dài khoảng 1 ngày để đảm bảo có một nguyên liệu lên men tuyệt hảo nhất.

Quy trình quan trọng nhất trong các giai đoạn nấu rượu Sake đó chính là lên men rượu bằng một loại vi nấm có tên là Koji. Người Nhật sẽ để cơm lên men với loại vi nấm này trong thời gian 35 đến 48 giờ để tinh bột bị phân hủy hết và chuyển hóa thành đường. Để có một mẻ rượu sake Nhật Bản ngon phải duy trì nhiệt độ cùng với độ ẩm trong hầm nấu rượu thích hợp và sẽ được theo dõi điều chỉnh liên tục 3 đến 4 giờ một lần nhằm đảm bảo độ thơm ngon đúng vị của rượu.

Sau quá trình lên men kĩ lưỡng cùng với vi nấm Koji sẽ đến công đoạn thúc đẩy quá trình lên men làm tăng thêm hương vị cho rượu Sake như:

Công đoạn Moto: Đem vi nấm Koji, nấm men, cơm nấu hòa cùng với nước. Thời gian lên men của Moto vào khoảng 14 đến 28 ngày.

Công đoạn Moromi: Tiếp tục hòa trộn thêm vi nấm Koji, cơm nấu và một lượng nước vào trong Moto thành 3 giai đoạn liên tục trong 4 ngày. Thời gian lên men của Mormi khoảng 18 đến 32 ngày.

Hoàn tất quá trình lên men, rượu Sake thô sẽ được ép ra chia thành 2 loại rượu: Rượu trắng trong “Seishu” và rượu trắng có cạn “Sakekasu”. Sau đó tuỳ vào hãng sản xuất có thể cân nhắc việc có nên lọc rượu qua một loại than bột tinh chế hoặc không lọc để giữ lại nguyên vẹn hương vị tự nhiên, đặc trưng vốn có.

Và cuối cùng của việc nấu rượu là mang thành phẩm đi ủ một thời gian nhất định sẽ cho ra những bình rượu Sake nổi tiếng được đem đi xuất khẩu khắp nơi trên thế giới.

Các dòng rượu Sake nổi tiếng

Ở “xứ Phù Tang”, Rượu Sake được chia thành 4 loại là: Daiginjo, Ginjo, Junmai, và Honjozo.

Junmai

Đây là loại rượu Sake khá mạnh và cường tráng với vị acid nhẹ, được sản xuất hoàn toàn từ gạo, men Koji và nước lọc tinh khiết. Hương vị của nó hơi nồng và mùi thơm nhẹ. Điều đặc biệt, rượu Junmai phải uống nóng thì mới ngon.

Honjozo

Loại rượu này này cũng tương tự như rượu Junmai, nó được ủ từ gạo xay sát 70% với nước tinh khiết, men Koji và men bia. Người ta còn thêm một chút cồn vào giai đoạn lên men cuối cùng. Honjozo thanh nhẹ và thơm hơn so với Junmai, không ngọt và uống rất mềm môi. Rượu Honjozo thì du khách có thể uống bình thường, không cần hâm nóng.

Ginjo

Khác với 2 loại rượu Sake nổi tiếng kể trên, rượu Ginjo có bổ sung thêm nấm men nên nhiệt độ lên men của nó sẽ thấp hơn và giữ được hương thơm nhiều hơn. Hạt gạo nấu loại rượu này được xay nhuyễn 40-50%.

Nhà hàng thường phục vụ rượu Ginjo ướp lạnh để giữ hương vị của nó. Tuy nhiên nếu quá lạnh thì cũng không tốt vì có thể “giết chết” vị của rượu.

Daiginjo

Đây là loại rượu Sake cao cấp nhất của Nhật Bản với hương vị rất nhẹ nhàng và thơm mùi trái cây phảng phất. Vị dư của rượu cũng ngắn hơn làm người uống cảm thấy dễ chịu, ít bị nhức đầu. Loại rượu này có pha thêm rượu chưng cất để làm loãng nồng độ cồn.

Gạo dùng để sản xuất Daiginjo được chà xát 50-65% và phương thức sản xuất tỉ mỉ qua từng công đoạn. Rượu Daiginjo được thưởng thức lạnh hoặc ở nhiệt độ phòng.

Ngoài ra, rượu Sake còn một số dòng khác nữa như là: Nigori, Nama, và Ume Shu. Nigori là loại Sake không lọc, hơi có chút ngọt và có màu trắng xốp như mây. Nama (có nghĩa là tươi sống) là loại Sake thô, chưa được khử trùng và có hương vị tươi mới, sảng khoái hơn cả. Trong khí đó, Ume Shu là loại vang ngọt có vị quả mận, được sử dụng như vang khai vị hoặc tráng miệng.

Thưởng thức rượu Sake đúng chuẩn người Nhật

Tùy theo mùa và loại mà người ta sẽ chọn nhiệt độ nóng hay lạnh thích hợp khi thưởng thức Sake. Thông thường người ta dùng nhiệt trái mùa: Đông hâm nóng, còn Hạ uống lạnh hoặc thường. Sake nóng, gọi là “Atsukan”, được dùng trong các bình gốm nhỏ gọi là Tokkuri và dùng loại chén nhỏ gọi là Choko. Để hâm nóng Sake phải theo đúng nguyên tắc, người ta chuyển Sake sang chứa trong các chai bằng gốm, chai được ngâm trong nước nóng dần lên cho đến khi đạt tầm 50 độ trở lên.

Bên cạnh đó, nhiều loại Sake được đặc chế riêng dùng để uống lạnh. Sake còn được phân riêng thành loại cho nữ hoặc cho nam. Sake nam là loại làm từ nước cứng, có nhiều muối canxi và muối magiê, có vị hơi đắng. Sake nữ là loại làm bằng nước mềm, có vị dịu.

Thưởng thức Sake phải dùng đúng loại chén, có nhiều loại khác nhau dùng để thưởng thức Sake. Khi uống Sake theo cách tương đối trang trọng và mang tính truyền thống, người Nhật có thể dùng một cái đĩa nhỏ và nông gọi là Sakazuki, hoặc một chiếc chén nhỏ không có quai gọi là Ochoko. Trang trọng và đậm nét truyền thống hơn nữa, người Nhật dùng cốc bằng gỗ gọi là Masu. Masu thường có hình dạng như một chiếc hộp, hình vuông, có thể phủ sơn hoặc không. Ngoài ra, Sake có thể uống bằng ly thủy tinh.

Trong những đêm trời lạnh, rót một ly rượu Sake ấm nóng vào ly, ôm ly rượu trong lòng hai bàn tay để ủ ấm, lắc nhẹ ly để cảm thấy mùi thơm nồng nàn quyến rũ của hương gạo bốc lên, sau đó nhẹ nhàng hớp một hớp rượu, để nước rượu trong miệng vài giây, sau đó đưa nhẹ nhàng qua cổ để thưởng ngoạn hết cái thơm của mùi rượu, và vị ngon của loại rượu này. Thật tuyệt phải không nào?

Cũng như bất kỳ những loại rượu gạo nào khác thì mỗi một loại Sake đều có một mùi vị khách nhau. Du khách có thể uống trực tiếp hoặc dùng để chế biến với các món ăn đều mang lại hương vị rất tuyệt vời. Nhưng việc bảo quản lạnh là điều rất quan trọng để giữ được tuổi thọ của một chai rượu được 2 đến 3 tháng. Còn sau khi mở nắp thì sẽ là 2 đến 3 ngày.

Rượu Sake được nhiều người tin dùng không chỉ bởi hương vị độc đáo, “Quốc tửu” của Nhật Bản còn giúp tăng cường sức khỏe và cải thiện sắc đẹp. Đây cũng là một trong những lựa chọn yêu thích của khách du lịch bên cạnh những đặc sản khác của “xứ Phù Tang” như bánh quy, socola… mua về làm quà tặng người thân.

Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách hãy nhớ thưởng thức rượu Sake cùng với các món ăn Nhật Bản để hành trình khám phá và trải nghiệm văn hóa Nhật Bản thêm thú vị nhé!

Thú vị lễ hội ném đậu Setsubun của Nhật Bản

Nhật Bản là một quốc gia có đa dạng các nghi thức lễ hội được diễn ra trong năm. Vào mỗi khi giao mùa để xua đuổi những điều xui xẻo, không may mắn và các tà mà thì người dân nơi đây thường tổ chức Lễ hội Setsubun.

Lễ hội ném đậu Setsubun là một lễ hội truyền thống vô cùng thú vị của người dân “xứ Phù Tang”, đánh dấu ngày đầu tiên của mùa xuân (lập xuân). Đây là sự kiện văn hóa lớn được tổ chức rộng rãi tại các đền chùa và trên khắp đất nước Nhật Bản mỗi dịp xuân về.

“Setsubun” trong tiếng Nhật có nghĩa là “tiết phân”, là một lễ hội được tổ chức vào ngày 03 hoặc 04 tháng 2 trong Lễ hội Mùa xuân Haru Matsuri. Giống với Tết âm lịch được tổ chức ở khắp nơi trên thế giới, Setsubun được xem như đêm giao thừa. Đây là thời gian mọi người gột sạch các linh hồn tà ác sẽ mang bệnh tật và ngăn chặn may mắn trong năm tới.

Lễ hội bắt nguồn từ truyền thống Tsuina, một phong tục Trung Quốc được du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ thứ 8. Trong nhiều thế kỷ, người dân Nhật Bản đã thực hiện các nghi lễ với mục đích xua đuổi linh hồn ma quỷ khi mùa xuân bắt đầu.

Vào ngày này, người ta thường rắc đậu để xua đuổi ma quỷ, nghi lễ này được gọi là “Mamemaki”. Vì theo quan niệm của người Nhật, đậu nành mang ý nghĩa xua đuổi các linh hồn xấu, những sự xui xẻo. Bên cạnh đó, người ta sẽ ăn đậu nành tương ứng với số tuổi cộng thêm một hạt để mang may mắn đến trong năm mới.

Tuy Setsubun không được xem là quốc lễ, nhưng được tổ chức trên khắp các chùa chiền và đền thờ Nhật Bản. và được đông đảo người dân tham gia. Tại các đền, chùa người ta thường mời những người nổi tiếng, các đấu vật Sumo tham gia vào nghi lễ và được truyền hình trực tiếp trên cả nước. Tại đây, Thầy tu và các vị khách mời sẽ ném đậu tương nướng, những phong bì chứa tiền, đồ ngọt, kẹo và những món quà khác. Nhiều người dân thì đổ xô tới, và sự kiện trở nên hoang dại khi mọi người xô đẩy nhau để lấy được món quà được ném từ trên xuống.

Ngoài ra, trong lễ hội này những nghệ sĩ lưu động sẽ được mời đến để diễn các vở kịch, những điệu múa tôn giáo. Việc là người biểu diễn lưu động khiến cho họ có lợi thế trong những trường hợp như thế này, vì họ có thể mang các vong hồn đi theo mình. Bên cạnh đó những đồ vật đặt bên ngoài nhà cũng sẽ được mang vào bên trong để ma quỷ không làm hại đến người dân.

Những cô gái trẻ thì vấn tóc theo phong cách người già và ngược lại, đeo trang phục cải trang và ăn mặc chuyển đổi giới tính. Phong tục này vẫn được thực hiện bởi các Geisha và khách hàng của họ khi đang giải trí trong dịp lễ hội Setsubun.

Setsubun không chỉ được tổ chức tại các đền, chùa mà còn được thực hiện ở các gia đình người Nhật. Tại lễ hội này, người thực hiện là người đàn ông có tuổi hợp với năm đó, tính theo 12 con giáp của Trung Quốc, hoặc cũng có thể là trưởng nam trong gia đình, người thực hiện việc rắc đậu sẽ được gọi là Toshiotoko. Những hạt đậu nành sẽ được rắc vào một thành viên mà đeo mặt nạ quỷ Oni hoặc rắc khỏi cửa nhà. Khi rắc đậu người ta sẽ đọc câu thần chú: “Oni wa soto! Fuku wa uchi!” (“Quỷ cút ra! May mắn mời vào!”). Sau khi “con quỷ” bị đuổi ra ngoài, người ta đóng cửa lại thật mạnh để đuổi ma quỷ khỏi nhà và giữ may mắn bên trong. Sau khi nghi thức kết thúc thì trẻ em có thể lấy mặt nạ vui chơi.

Một số gia đình còn thực hiện việc treo những đồ trang trí nhỏ từ đầu cá mòi và lá của cây Ô rô (柊鰯 Hiragi Iwashi, tên tiếng anh là Holly Sardine) trên lối vào nhà để các linh hồn xấu không vào được nhà.

Vào bữa tối diễn ra lễ hội Setsubun, người dân Nhật còn có phong tục ăn Ehomaki, hay được gọi là Futomaki – tên gọi một loại Sushi cuốn rong biển rất phổ biến, phong tục này xuất hiện ở Kansai từ thời Endo. Đặc biệt trong ngày này, người ta sẽ không cắt Futomaki thành khoanh như thường lệ, bởi họ mong muốn may mắn được trọn vẹn. Futomaki cũng là một trong những món ăn cầu kỳ của ẩm thực Nhật Bản. Món Futomaki cần đủ 7 loại nhân khác nhau, nó như là biểu tượng của hạnh phúc, sức khỏe, và người ta tin rằng 7 loại này sẽ tượng trưng cho 7 vị thần may mắn Shichifukujin. Một vài nguyên liệu khá phổ biến dùng làm nhân cho Ehomaki là nấm Shiitake, Kanpyo, dưa chuột, Tamagoyaki, lươn, Sakura Denbu, đậu phụ khô Kouyadofu… tượng trưng cho sức khoẻ, hạnh phúc và thịnh vượng.

Trong lúc ăn Ehomaki, tất cả mọi người phải giữ im lặng để may mắn đến đươc trọn vẹn và một vật không thể thiếu khi ăn Ehomaki là chiếc la bàn. Vì theo truyền thống khi ăn Ehomaki người ta thường quay về hướng Eho – hướng may mắn, hướng may mắn sẽ khác nhau trong từng năm. Người ta nói nếu bạn làm như vậy và tập trung vào những ước nguyện của mình trong khi ăn Ehomaki thì nó sẽ giúp đem lại may mắn cho suốt cả năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, Rượu sake gừng theo truyền thống cũng thường được uống vào ngày lễ hội Setsubun.

Nếu có dịp đến với “xứ Phù Tang”, du khách đừng bỏ qua lễ hội Setsubun nhé! Book Tour Nhật Bản và hòa mình vào lễ hội độc đáo này chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị dành cho du khách.

16 món ăn “quái dị” của Nhật Bản không phải ai cũng dám thử

Ẩm thực Nhật Bản lúc nào cũng làm người ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bên cạnh những món ăn nổi tiếng về độ tinh tế, đặc sắc như mì Rmen, Sashimi hay đặc sản thịt bò Kobe đắt đỏ, “xứ sở hoa anh đào” còn sáng tạo ra nhiều món ăn “quái dị” cả về hình dạng lẫn hương vị mà chẳng ai nghĩ tới.

Sushi côn trùng

Sushi là món ăn nổi tiếng khi nhắc tới “xứ Phù Tang”. Người Nhật thường thích làm Sushi từ nguyên liệu thịt sống. Bởi vì vậy bản thân món Sushi rất khó ăn đối với những người không phải người Nhật. Và Sushi côn trùng còn “kinh dị” hơn thế nhiều…

Thay vì dùng thịt cá hay những món dễ ăn thì người Nhật lại có món đặc sản là côn trùng như gián hay các loại sâu bọ khác.

Món Sushi côn trùng do nhà văn Nhật Shoichi Uchiyama làm nên, nhà văn 58 tuổi này đã viết sách nấu ăn trong đó có 70 thực đơn là các món làm từ côn trùng và trong đó có món Sushi này. Anh Shoichi còn nói rằng anh thích ăn nhện nhất thì thịt nhện rất mềm và thơm ngon. Ngoài ra, anh Shoichi còn cho biết cách tốt nhất để nấu côn trùng là rim chúng trong chảo.

Sashimi Cá nóc (Sashimi Fugu)

Fugu hay cá nóc – một loại cá mà chắc hẳn chỉ cần nghe qua cái tên thôi là du khách đã muốn tránh xa vì hình thù của nó cực kì kinh dị cũng như loại độc tố ẩn chứa bên trong nó. Nhưng đối với người dân “xứ Phù Tang” thì cá nóc được dùng để chế biến ra những thực phẩm cao cấp.

Trên thực tế cá nóc đã từng là một món ăn “quốc cấm” của Nhật Bản trong thế kỷ 16, sau sự kiện một nhóm Samurai không thể tỉnh dậy sau khi ăn phải loài cá này. Trải qua rất nhiều thời gian sau khi phát hiện được nguồn gốc và nguyên nhân gây chết người của cá nóc, người Nhật đã có cách giải quyết để ngày nay có thể phục vụ cho khách du lịch và người dân địa phương món ăn tuyệt hảo này. Tuy nhiên, việc chọn lựa kỹ càng những người đầu bếp giỏi để thực hiện món ăn khó nhằn là điều cần thiết. Bởi lẽ, chỉ cần một sơ xuất dù rất nhỏ trong khâu sơ chế sẽ gây nguy hiểm tính mạng.

Để được đảm nhiệm trọng trách chế biến món cá nóc, các đầu bếp phải trải qua thời gian dài khổ luyện khoảng 4-5 năm. Các đầu bếp đa tài này phải trải qua các bài kiểm tra thực hành và lý thuyết yêu cầu đạt điểm tuyệt đối. Đặc biệt phải thành thạo kỹ thuật cắt Usu-Zukuri có nghĩa là “thái cá mỏng” để được cấp giấy phép từ Chính phủ.

Để thưởng thức trọn vẹn món Sashimi cá nóc, gia vị không thể thiếu đó là chén nước tương và chén súp Dashi làm từ cá ngừ khô và rong biển. Món Sashimi cá nóc càng trở nên hấp dẫn thực khách hơn khi dùng kèm với hành lá cọng nhỏ đặc trưng của văn hóa Nhật Bản. Sự kết hợp này khiến món ăn vừa đậm đà hương vị, vị ngọt của thịt cá hòa lẫn vị cay nồng của hành khiến vị giác và khứu giác hoạt động mạnh mẽ.

Tùy khẩu vị mỗi người, có thể vắt thêm một chút chanh lên thịt cá. Thịt cá có độ giòn, dai, vị ngọt tự nhiên hòa lẫn với vị chua của chanh, vị cay nồng của hành như đánh thức vị giác của người dùng.

Sashimi ếch

Nổi tiếng là quốc gia sở hữu nhiều món gỏi hải sản hấp dẫn trên thế giới. Các món Sashimi làm từ cá tôm đã khiến nhiều người e ngại không dám thử, thậm chí là thử nhưng không ăn được. Vậy mà người Nhật lại còn có món Sashimi ếch tươi.

Món Sashimi ếch tươi được đầu bếp Nhật Bản chế biến bằng cách chặt đầu, loại bỏ nội tạng và lột da. Sau khi sơ chế, toàn bộ số thịt sẽ được bày gọn gàng trong một bát ướp đầy đá lạnh cùng với những lát chanh mỏng. Món gỏi ếch này được ăn kèm với nước tương.

Chưa hết, phần da và nội tạng khi đã lột sạch và loại bỏ từ trước đó sẽ không vứt bỏ mà họ tận dụng để ninh nhỏ lửa tạo thành món súp cho khách hàng ăn tráng miệng sau khi dùng xong món Sashimi “đáng sợ” này.

Khi đĩa Sashimi ếch được bày trên bàn, con ếch vẫn còn sống, nó vẫn thở phập phồng và đôi mắt vẫn chớp chớp linh động. Cảm giác món ăn đó rất đáng sợ, nhưng người Nhật vẫn ăn được một cách ngon lành, chẳng ngại ngần ngay cả khi chân của những con ếch xấu số đang giãy giũa.

Zazamushi

Zazamushi tức là ấu trùng thủy sinh, món này gây tò mò cho nhiều thực khách sành ăn nhưng cũng không phải ai cũng sẵn sàng thưởng thức nó. Thậm chí món này còn được xếp vào danh sách các món ăn kinh dị trên thế giới.

Món ăn từ ấu trùng thủy sinh không thực sự phổ biến ở nhiều địa phương Nhật Bản, nó chỉ có ở tỉnh Nagano, nơi mà những người cao tuổi trong thị trấn lúc nào cũng khuyến khích lớp trẻ tuổi học hỏi các kỹ năng đánh bắt ấu trùng để duy trì nền ẩm thực truyền thống có nguy cơ biến mất này.

Ấu trùng và chuồn chuồn thường được gọi là Zazamushi, chỉ có thể đánh bắt ở thượng nguồn sông Tenryu gần thành phố Ina. Các ấu trùng khai thác sẽ thường được chế biến thành loại Tsukudani, một món ăn phổ biến của Nhật Bản được nấu bằng cách ninh nhừ nhiều loại nguyên liệu như cá, ngao hoặc rong biển trong nước tương, mirin (rượu gạo), đường và rượu Sake.

Zazamushi thường được ăn cùng với cơm trắng hoặc làm Sushi. Hương vị béo ngậy của nó kết hợp với các loại gia vị riêng tạo thành một món ăn rất ngon.

Ấu trùng ong (Hachinoko)

Ấu trùng ong là một trong những món ăn chơi phổ biến tại Nhật Bản. Hachinoko bắt nguồn từ vùng núi Nagano, nơi sinh sống của nhiều giống ong nhờ diện tích rừng núi rộng lớn. Ban đầu, món nhộng ong chỉ dùng chỉ được dành cho tầng lớp vua chúa. Theo thời gian, chúng đã trở nên phổ biến trong đời sống người dân và được sáng tạo thành nhiều hương vị hấp dẫn.

Sau khi thu hoạch và làm sạch, những con ấu trùng nhỏ nhắn này sẽ được sơ chế bằng cách chiên giòn trong dầu nóng. Tiếp đến, người ta ướp chúng cùng với hỗn hợp sánh sệt của nước đường và nước tương. Khi ấy bên ngoài lớp vỏ mỏng mềm quyện đều màu vàng nâu óng ánh trông rất kích thích.

Hachinoko thường được chế biến sẵn và bày bán như một món đồ hộp ở Nhật Bản. Người dân nơi đây cho rằng, khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt dịu, thanh thanh nguyên chất từ ong mang đến. Lớp ngoài của ấu trùng có độ giòn giòn nhưng bên trong lại có dẻo dai, mằn mặn lạ miệng. Bên cạnh hương vị độc đáo hấp dẫn, Hachinoko còn được yêu thích nhờ món cung cấp rất nhiều dưỡng chất tự nhiên. Ngoài protein, vitamin và chất béo thì lượng tinh bột dồi dào của nhộng ong cũng là điều được đánh giá cao.

Thông thường người Nhật sẽ thưởng thức Hachinoko như một món mồi nhấm cùng rượu Sake. Còn đối với những ai can đảm thì có thể ăn cùng cơm nóng, gỏi tươi hoặc cuộn Sushi.

Châu chấu (Inago no Tsukudani)

Inago no Tsukudani được chế biến từ châu chấu. Món ăn này phổ biến ở những vùng nông thôn như Yamagata, Nagano… Đây là món ăn yêu thích của người Nhật, ngay cả trẻ em Nhật cũng thích ăn món này. Inago no Tsukudani thường được dùng với cơm trắng.

Để chế biến món ăn này, trước khi đưa châu chấu vào chế biến, người ta phải để qua đêm để cho châu chấu tiêu hóa hết thức ăn trong dạ dày sau đó mới chế biến, đồng thời làm như vậy sẽ khiến nguyên liệu trở nên sạch sẽ hơn. Sau đó châu chấu sẽ được luộc qua nước sôi, để nguội, phơi khô dưới nắng từ 1 đến 2 ngày tiếp đến sẽ cho vào nấu chung với nước sốt Tsukudani và đường để thêm phần đậm đà.

Tuy món này có vẻ đỡ khó ăn hơn các món khác, nhưng nhiều người vẫn không dám thử món đặc sản dị này.

Cá thối (Kusaya)

Kusaya là món cá khô ngâm trong Kusaya Jiru, loại nước ướp có chứa muối và vi khuẩn lên men cá. Kusaya Jiru đã được sử dụng trong vài trăm năm ở Nhật Bản với công dụng như một loại thuốc tốt, có tác dụng chữa bệnh.

Món ăn này có hình dáng và màu sắc không quá khác biệt so với cá hun khói. Song chính mùi vị thối đặc trưng của riêng món này khiến nhiều người phải “sợ hãi”.

Để làm nên món Kusaya, người Nhật ngâm cá trong nước ướp Kusaya Jiru khoảng 10 giờ. Sau đó, cá được vớt ra và sấy khô trong vài ngày. Cách chế biến này xuất phát từ đảo Izu ở Nhật, vùng đất có nghề canh tác các ruộng muối. Người dân tại đảo thường chế biến các món ăn với nguyên liệu chính là muối. Việc ngâm cá với muối ban đầu chỉ để bảo quản, sau đó do ngâm đi ngâm lại quá nhiều lần nước ướp bắt đầu có mùi và thấm vào thịt cá.

Hải sản lên men (Shiokara)

Shiokara tên đầy đủ là “Ika no shiokara”, là một món ăn được làm từ những miếng hải sản nhỏ, thường là mực ống cắt nhỏ rồi ngâm trong nội tạng của chính nó. Tiếp đến, người ta sẽ cho thêm muối cùng các thành phần gia vị vào trộn cùng như Shichimi Wasabi và một ít bột gạo. Sau khi món ăn được trộn ướp cùng gia vị xong sẽ cất trong một hũ thủy tinh kín để lên men trong khoảng thời gian 1 tháng. Nhưng nếu để càng lâu thì món Shiokara lại càng ngon và đậm đà hương vị.

Người Nhật Bản cho rằng trong suốt quá trình ủ lên men thì Shiokara sẽ dần dần hòa quyện với các nguyên liệu được ướp cùng trước đó. Và kết quả sau cùng là sẽ cho ra một món ăn có màu nâu sền sệt, vừa nhớt, vừa dính. Nhiều thực khách sau khi nếm thử qua đã lí giải rằng, chính vì mùi tanh của mực và cộng thêm cả mùi chua lên men của gia vị trộn cùng khiến cho món ăn này rất dị với mùi hôi rất khó tả.

Khi lấy Shiokara trong hũ ra, người ta sẽ thường bày trong những chiếc bát nhỏ, phục vụ kèm cùng cơm trắng và rượu sake. Ngoài cái mùi tanh nồng đặc trưng thì hương vị của Shiokara lại thiên về vị mặn và hơi cay một chút. Mặc dù thoáng nhìn qua thì nhiều người sẽ cảm thấy món ăn này chẳng có chút gì hấp dẫn. Thế nhưng, khi trộn cùng cơm trắng thì Shiokara lại lan tỏa ra một hương vị rất hấp dẫn.

Đậu nành lên men (Natto)

Được biết đến là một mỹ thực truyền thống không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày của người Nhật, Natto được làm từ hạt đậu tương lên men, có một mùi vị vô cùng đặc trưng, nồng và có mùi hơi khó chịu đối với những người không quen ăn món này. Bởi vậy, Natto còn được nhiều bạn bè quốc tế gắn cho một cái tên khác là “đậu phụ thối phiên bản Nhật”.

Để làm món ăn này, sau khi ngâm hạt đậu nành nhỏ trong vòng một ngày, người Nhật đem luộc chín rồi cho lên men. Theo cách cổ truyền, đậu được ủ trong các túi rơm. Hiện nay, người Nhật sử dụng men Kosokin để ủ đậu nành trong khoảng 24 giờ ở nhiệt độ 40°C. Sau khi được lên men, đậu Natto sẵn sàng có mặt trên các mâm cơm gia đình Nhật. Món ăn này thường được ăn kèm với cơm, hoặc có thể nấu thành súp, làm nhân Sushi cuộn và nước dùng của mì Soba.

Theo kinh nghiệm được truyền lại, Natto càng nhớt và sợi nhớt càng dài thì vị càng ngọt và chất lượng càng tốt. Mặc dù có không ít người nước ngoài phải bỏ chạy khi ngửi thấy mùi vị đặc trưng của natto nhưng với những ai chịu được thì lại nghiện món này một cách lạ lùng như đứa trẻ nghiện chocolate vậy.

Cá nhảy múa (Shiro no Odorigui)

Shirouo no Odorigui là món ăn truyền thống được người Nhật Bản yêu thích. Nguyên liệu chính của món này là cá bống băng (Shirouo), có bề ngoài trong suốt. Trong tiếng Nhật, từ “Odorigui” nghĩa là “nhảy múa khi được ăn”. Đây cũng là nét đặc trưng của món ăn này.

Khi ăn Shirouo no Odorigui, thực khách được phục vụ một chén lớn đựng cá sống. Chén nhỏ bên cạnh đựng trứng trộn giấm. Giấm còn được rưới lên thân cá để chúng xót và “nhảy múa” mạnh hơn.

Vì được ăn sống, những con cá sẽ ngọ nguậy ngay trong miệng. Người Nhật không nhai từng con cá một mà là nuốt sống sau đó uống rượu Sake. Họ cho rằng đó là cách bạn cảm nhận được những con cá đang bơi lội, “nhảy múa” trong dạ dày.

Món ăn này có xuất xứ ở Fukuoka. Tương truyền rằng vào thời Edo cách đây hơn 300 năm, mùa xuân thường có lũ lụt lớn gây thiệt hại. Các địa chủ thuê nông dân dọn dẹp sau mỗi trận lũ và thưởng cho họ vài thùng rượu Sake. Những người nông dân lúc ấy thưởng thức rượu ngay bên bờ sông, vừa uống vừa túm lấy con cá nhỏ dưới nước cho luôn vào miệng. Sau khi phổ biến ở Fukuoka, Shiro no Odorigui bắt đầu lan rộng ra toàn Nhật Bản.

Mực nhảy múa

Món mực nhảy này là một màn trình diễn đánh lừa thực khách của những đầu bếp Nhật Bản. Con mực trong bát trông rất tươi, có vẻ như còn sống nhưng thực ra nó đã chết. Khi được rưới nước tương lên, các xúc tu của nó sẽ cử động y hệt như nó vẫn sống. Đây là phản ứng của các tế bào còn tươi trong xúc tu mực và muối trong nước tương. Sự tiếp xúc với muối sẽ tạo ra xung điện, làm những tế bào co giật như đang “nhảy múa” khiến mọi người lầm tưởng và hãi hùng.

Món ăn với cái tên mỹ miều “mực nhảy múa” không chỉ là màn biểu diễn “đỉnh cao” từ các chú mực còn sống mà còn khiến người ta khiếp sợ vì khi thưởng thức, các xúc tu của mực sẽ bám chặt vào phần miệng của thực khách. Nếu không khéo léo, đôi khi thực khách sẽ bó tay với những chú mực “quái chiêu” này ngay. Nhiều người khi thưởng thức món “mực nhảy múa” này đã cảm thấy ngẹt thở vì các xúc tua của mực. Tuy vậy, món ăn vẫn hấp dẫn khá nhiều khách du lịch vì sự tươi ngon, giòn ngọt của loại mực sống với cách chế biến đơn giản.

Người Nhật chỉ sử dụng loại nước tương đơn giản để ăn kèm với những chú mực để giữ lại hương vị tươi sống của nó. Món ăn có đôi phần kinh dị nhưng lại là nét đẹp trong ẩm thực của người Nhật.

Tinh hoàn cá (Shirako)

Shirako là một trong những món ăn kỳ lạ của người Nhật Bản, có không ít người ngần ngại khi quyết định nếm thử bởi thành phần chính của nó. Shirako là món ăn được chế biến từ nguyên liệu chính là tinh hoàn của cá đực (thường là cá nóc và cá tuyết) với nhiều cách thức chế biến và nguyên liệu phụ khác nhau nhằm mục đích át đi mùi tanh của nó hoặc để tôn lên vị béo ngậy của món ăn này.

Shirako với mùi hương vị mềm mịn dễ tan ngay khi thưởng thức, món ăn này còn chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng nên được người Nhật thường xuyên sử dụng.

Có hai cách chế biến món ăn này. Cách đầu tiên chính là thưởng thức ngay khi còn sống ăn kèm với hành lá, đây là cách mà nhiều người đã quá quen với món ăn này lựa chọn. Còn với những người mới lần đầu thưởng thức thì họ khá ngại khi ăn sống shirako, vì vẫn còn vị tanh nồng của món ăn. Cách chế biến thứ hai chính là nướng, chiên hoặc hấp và ăn cùng cơm. Song, ngon nhất là chưng shirako cùng nấm đông cô, nấm kim chi, củ cải và cà rốt. Cách chế biến này sẽ làm tăng vị béo và ngọt dịu của Shirako.

Rùa mai mềm (Suppon)

Từ lâu, người Nhật đã xem rùa như một loại thực phẩm vô cùng quý giá, có hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Đặc biệt món ăn này cũng giúp làm tăng cường sinh lý ở đàn ông. Suppon chính là tên gọi các món ăn được chế biến từ rùa mai mềm.

Đầu tiên, người ta thường làm thịt rùa rồi lấy máu của nó. Phần tim rùa được thả vào ly rượu Sake cho thực khách. Trong khi khách thưởng thức rượu, đầu bếp sẽ chế biến món chính từ thịt rùa bằng nhiều cách như nấu súp, lẩu,… Trứng rùa thường được ăn sống vì người Nhật tin rằng ăn như vậy có thể giúp cải thiện sinh lực phái mạnh.

Tuy nhiên, một bữa Suppon được phục vụ trọn vẹn thường có giá không hề rẻ. Thực khách phải chi trả từ 100 USD trở lên cho mỗi bữa ăn Suppon. Bên cạnh đó nhiều người khi lần đầu nhìn thấy hình ảnh nguyên một con rùa trong bát ăn cũng không dám nếm thử món ăn đó.

Thịt ngựa sống (Basashi)

Với khách nước ngoài, Basashi thuộc top những món ăn kinh dị nhất, nhưng với người Nhật đây lại là đặc sản truyền thống rất được ưa chuộng.

Ở các cửa hiệu tại Nhật Bản, thịt ngựa thường được chia làm ba loại: nhiều mỡ, nhiều nạc, trung hòa cả nạc và mỡ. Basashi được bảo quản lạnh và thường ăn cùng tương Shoyu, tỏi, gừng, Wasabi, hành. Một số nơi món này còn được phục vụ kiểu Yakiniku (thịt nướng), hoặc Baniku, cũng có nghĩa thịt ngựa trong tiếng Nhật. Một số người có ý kiến là vị của thịt ngựa sống khá giống thịt bò sống tuy nhiên mềm và dễ nhai hơn. Ngoài ra, người Nhật còn sáng tạo thêm các món tráng miệng lạ làm từ Basashi như kem.

Nếu thực khách lo lắng về vi khuẩn hay các sinh vật ký sinh thì phần thịt đã được bảo quản ở nhiệt độ -20 độ C trong 48 tiếng trước khi đem ra ăn. Thịt ngựa giàu protein, sắt, kẽm và ít chất béo nên được đánh giá tốt hơn so với thịt bò và heo.

Mì Ramen với nước dùng vị chocolate

Để nâng cấp món mì ramen, Mensho Tokyo đã tạo ra một sự kết hợp nhanh gọn cho món mỳ này sử dụng một loại nước dùng làm từ chocolate và nước thịt hầm thay vì nước dùng thông thường. Món mì sau đó sẽ được thêm vào chút hành lá, vài lát thịt lợn, và thậm chí chút vụn chocolate.

Các phiên bản ramen kì quặc khác bao gồm ramen vị cafe của Aroma Café với bát mì có nước dùng là cafe và những sợi mì phủ với trái cây, salami và pho mát. Thậm chí người ta còn thêm vào món mì này một viên kem vani to bự! Ajito Ism ở Tokyo cũng phục vụ một sự pha trộn đặc biệt – mì ramen pizza. Với sợi mì trộn với nước sốt cà chua và được thêm vào một lớp phủ bánh pizza truyền thống như cà chua, ớt chuông, hành tây và tỏi! Du khách có sẵn sàng thử những một bát không?

Kem vị súp hầm và mì Spaghetti Napolitano

Mọi người đều thích có một cây kem mát lạnh cho món tráng miệng. Tuy nhiên, hãy đảm bảo du khách kiểm tra lại vị kem mà du khách chọn trước khi trả tiền! Các loại kem ở Nhật Bản có rất nhiều hương vị quái đản, chẳng hạn như: vị súp hầm, súp ngô, súp miso, vị mực và thậm chí cả vị mì Ý Napoletano!

16 món ăn trên đây tuy là “kỳ quái”, nhưng khi một lần được thưởng thức chắc hẳn sẽ không ai có thể quên được. Vậy còn chần chờ gì nữa mà du khách không thực hiện một chuyến du lịch Nhật Bản để một lần thưởng thức những đặc sản “kinh dị” này? Hẳn du khách sẽ phải bị “ghiền” ngay sau đó!

Sushi – Tinh hoa ẩm thực Nhật Bản

Ẩm thực Nhật Bản vốn nổi tiếng thế giới với sự cầu kì trong cách chế biễn lẫn bài trí các món ăn, hương vị món ăn Nhật thường thanh tao, mang đậm bản sắc riêng của mỗi mùa. Trong đó món Sushi được nhắc đến như một biểu tượng văn hóa đặc trưng của “xứ Phù Tang”. 

Sushi là món ăn gồm cơm trộn giấm (Shari) kết hợp với các nguyên liệu khác (Neta). Neta và hình thức trình bày Sushi rất đa dạng, nhưng nguyên liệu chính mà tất cả các loại Sushi đều có là Shari. Neta phổ biến nhất là hải sản.

Nguồn gốc

Giống như nhiều loại món ăn cổ xưa, nguồn gốc của món Sushi được bắt nguồn từ các câu chuyện truyền thuyết và văn hóa dân gian. Trong một truyện cổ tích của Nhật Bản, có một người phụ nữ lớn tuổi đã lén giấu chậu cơm của mình vì sợ rằng kẻ trộm sẽ lấy cắp chúng. Sau một thời gian, bà thu gom những chậu cơm đó và nhận ra cơm đã bắt đầu lên men. Đồng thời, những vụn bột cá đã vô tình rơi vào cơm. Bà nhận thấy nó không chỉ ngon mà còn là một cách hữu hiệu để bảo quản cá. Và từ đó món Sushi đã ra đời.

Tuy nhiên, trong một câu chuyện dễ thương khác, nguồn gốc thực sự của món Sushi có phần bí ẩn hơn. Từ điển Trung Quốc thế kỷ 4 có đề cập đến cá ướp muối được đặt trong gạo nấu chín, khiến nó trải qua quá trình lên men. Đây là lần đầu tiên khái niệm Sushi được xuất hiện. Quá trình sử dụng gạo lên men để bảo quản cá bắt nguồn từ Đông Nam Á cách đây vài thế kỷ. Khi gạo bắt đầu lên men, axit lactic được tạo ra. Axít, cùng với muối, gây ra phản ứng làm chậm sự phát triển của vi khuẩn trong cá. Quá trình này đôi khi được gọi là tẩy uế, và là lý do tại sao nhà bếp Sushi được gọi là “Tsuke-ba” hoặc “nơi ngâm tẩm”.

Khái niệm Sushi bắt đầu xuất hiện ở Nhật Bản vào khoảng thế kỷ 9 và càng trở nên phổ biến hơn nhờ sự xuất hiện và lan rộng của Phật giáo. Việc thực hiện chế độ ăn kiêng của Phật giáo trong việc kiềm chế thịt đã làm cho nhiều người Nhật quay sang ăn cá như một khẩu phần ăn kiêng. Người Nhật được cho là người đầu tiên chế biến Sushi với tư cách là một món ăn hoàn chỉnh, ăn cơm lên men cùng với cá được bảo quản. Sự kết hợp của gạo và cá được gọi là Nare-zushi.

Funa-zushi, dạng Nare-zushi sớm nhất được biết đến, có nguồn gốc từ hơn 1.000 năm trước đây gần hồ Biwa, hồ nước ngọt lớn nhất Nhật Bản. Cá chình vàng được biết đến như Funa đã được bắt từ hồ, đóng gói trong gạo muối, và nén dưới trọng lượng để tăng tốc độ lên men. Quá trình này mất ít nhất nửa năm để hoàn thành, và chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu giàu có ở Nhật Bản từ thế kỷ 9 đến 14.

Vào cuối thế kỷ 15, Nhật Bản đã phải vật lộn trong một cuộc nội chiến. Trong thời gian này, đầu bếp thấy rằng việc tăng thêm trọng lượng cho gạo và cá có thể làm giảm thời gian lên men xuống khoảng một tháng. Họ cũng phát hiện ra rằng cá muối không cần phải phân hủy đầy đủ để có một hương vị tuyệt vời. Từ đó một loại Sushi mới đã được ra đời, được gọi là “Zushi Mama-nare”, hay “Nare-zushi nguyên chất”.

Năm 1606, Tokugawa Leyasu, một nhà độc tài quân đội Nhật Bản, chuyển thủ đô của Nhật Bản từ Kyoto đến Edo. Edo đã trải qua một quá trình thay đổi lớn. Với sự giúp đỡ của tầng lớp thương gia, thành phố nhanh chóng trở thành trung tâm của cuộc sống về đêm ở Nhật Bản. Đến thế kỷ 19, Edo đã trở thành một trong những thành phố lớn nhất thế giới, cả về quy mô đất đai và dân số. Ở Edo, những đầu bếp làm Sushi sử dụng quá trình lên men với kĩ thuật cao hơn vào giữa những năm 1700, đặt một lớp cơm nấu chín với giấm gạo bên cạnh một lớp cá. Các lớp được nén trong một hộp gỗ nhỏ trong hai giờ, sau đó cắt thành các phần phục vụ. Phương pháp mới này làm giảm đáng kể thời gian chuẩn bị cho Sushi… và nhờ một doanh nhân Nhật Bản, toàn bộ quá trình sẽ nhanh hơn.

Trong những năm 1820, một người tên là Hanaya Yohei đã nghĩ ra món Sushi Nigiri. Năm 1824, Yohei mở gian hàng Sushi đầu tiên ở quận Ryogoku của Edo. Ryogoku dịch là “biên giới của hai quốc gia” bởi vì vị trí của nó dọc theo bờ sông Sumida. Yohei đã chọn vị trí của mình một cách khôn ngoan, thiết lập gian hàng của mình gần một trong vài cây cầu vượt qua Sumida. Ông đã tận dụng tiến trình “lên men nhanh” hiện đại hơn, thêm giấm gạo và muối vào cơm tươi và để ủ trong vài phút. Sau đó ông đã cuốn một nắm gạo với một miếng cá sống. Vì cá rất tươi nên không cần trải qua quá trình lên men hay bảo quản nữa. Chính vì vậy thời gian chế biến ra món Sushi cũng được rút ngắn, chỉ trong một vài phút thay vì hàng giờ như trước đây. Gian hàng của Yohei trở nên ngày càng phổ biến và thu hút bất cứ ai đi nang qua bờ sông Sumida. Nigiri trở thành “tiêu chuẩn” mới của món Sushi thời bấy giờ.

Vào tháng 9/1923, hàng trăm xe đẩy Sushi có thể được tìm thấy quanh Edo, bây giờ được gọi là Tokyo. Khi trận động đất lớn ở Kanto xảy ra ở Tokyo, giá đất giảm đáng kể. Bi kịch này đã tạo cơ hội cho các nhà cung cấp Sushi mua thêm đất để kinh doanh trong nhà. Ngay sau đó, các nhà hàng phục vụ cho thương mại Sushi, được gọi là Sushi-ya, xuất hiện khắp thành phố thủ đô của Nhật Bản. Vào những năm 1950, Sushi hầu như chỉ được phục vụ trong nhà.

Vào những năm 1970, nhờ sự ra đời và phát triển của tủ đông lạnh, khả năng vận chuyển cá tươi qua những khoảng cách dài trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn bao giời hết, nhu cầu Sushi cao cấp ở Nhật đã bùng nổ. Các quán Sushi được mở ra khắp cả nước, và một mạng lưới nhà cung cấp và nhà phân phối đang mở rộng cho phép Sushi mở rộng trên toàn thế giới.

Thành phần và phương pháp chế biến Sushi 

Sushi có rất nhiều thành phần và công thức chế biến khác nhau. Tuy nhiên, nguyên liệu chính không thể thiếu được là cơm trộn giấm, kết hợp với các nguyên liệu hải sản, bao gồm: cá ngừ, cá hồng, cá bơn, cá mũi kiếm, cá mú, cá trình, cá cóc, cá thu, tôm, mực, bạch tuộc, các loại ốc biển, cua biển, trứng cá hồi… Ngoài ra còn có các thành phần khác như các loại rau, củ quả, đậu phụ và các gia vị kèm theo: nước tương, Wasabi (mù tạt). Cơm trộn giấm còn gọi là Sumeshi hay Sushimeshi, loại cơm này không nấu chín hoàn toàn. Còn giấm chuyên dùng để trộn cơm là Sushisu có pha một chút muối, đường và rượu ngọt Mirin.

Để làm được món Sushi truyền thống Nhật Bản chuẩn vị không phải là điều dễ dàng mà đòi khỏi rất nhiều khâu chế biến. Nước dùng để nấu cơm phải là nước tinh khiết cho ra những hạt cơm dẻo, thơm mùi gạo, không bị nát, độ mềm vừa phải và có sự kết dính. Hải sản phải tươi mới đảm bảo được độ ngậy và hương vị nguyên chất, không pha tạp. Người dân Nhật Bản thường chọn các loại hải sản được đánh bắt tại các vùng duyên hải vì cá ở đây vô cùng ngon và giàu dinh dưỡng. Khi chế biến, để món Sushi giữ được độ tinh khiết và tươi ngon, các đầu bếp thường sử dụng dụng cụ làm bằng gỗ thay vì kim loại để chất chua trong gạo khi trộn cơm và giấm sẽ không tạo nên phản phản ứng hóa học, làm biến đổi mùi vị món ăn. Đồng thời, họ còn sáng tạo trong cách trang trí, tỉa hoa quả, nắm cơm theo hình thù nghệ thuật, kết hợp màu làm từ nguyên liệu tự nhiên để món ăn thêm màu sắc bắt mắt. Chính điều này đã tạo nên nghệ thuật bày trí món ăn độc đáo của Nhật Bản mà khó có nền ẩm thực nào có thể sánh bằng.

Các loại Sushi phổ biến

Hiện nay, ở “xứ Phù Tàng” có rất nhiều loại Sushi, muôn hình muôn vẻ với thành phần, màu sắc và cách thức chế biến khác nhau.

Narezushi là một loại Sushi lên men. Nó được làm từ gạo và cá Funa (cá chép Crucian) lấy từ hồ Biwako ở Shiga vào mùa đẻ trứng. Sau đó trộn với giấm gạo và rượu Sake và ủ chúng để đợi lên men. Sau khi cá được làm sạch, lấy trứng, người ta ngâm nó trong muối khoảng 1 tháng. Tiếp đó, được rửa kỹ bằng nước rồi ủ một lần nữa trong cơm được nấu chín và cứ để như thế ít nhất 6 tháng nữa để chín. Nguyên liệu gạo chỉ được sử dụng để kích thích quá trình lên men, sau đó nó được bỏ đi và chỉ ăn phần còn lại là cá lên men.

Nigirizushi được biết đến nhiều nhất là loại Sushi có nắm cơm hình bầu dục, còn được gọi là “Sushi được ép bằng tay”. Nigirizushi gồm cơm Sushi được nắm ở phía dưới, phía trên đặt một miếng Sashimi như cá hồi, cá ngừ, bạch tuộc… Đôi khi trứng cuộn, lươn hay thanh cua cũng được đặt lên kèm theo một miếng rong biển nhỏ cuộn lại.

Makizushi là một loại Sushi truyền thống của Nhật Bản, còn được gọi là “Futomaki”. Được làm bằng cơm Sushi (cơm trộn giấm), và các nguyên liệu như thanh cua, cá hồi, trứng, dưa leo, cá ngừ… cuộn trong lá rong biển khô. Người Nhật thường làm Makizushi dành cho những buổi sự kiện ngoài trời hoặc dã ngoại hay picnic.

Hosomaki cũng giống như Makizushi, nhưng cuộn nhỏ hơn và phần nhân thường chỉ gồm cơm sushi và một nguyên liệu khác như cá hồi, thanh cua, dưa leo, trứng, quả bơ… Hosomaki cũng được mang theo trong những buổi dã ngoại, picnic…

Tekkamaki là một loại Hosomaki chứa đầy cá ngừ, đôi khi có trộn cả hành lá. Có một loại Hosomaki cá ngừ khác là Tsunamayomaki, gồm nhân là cá ngừ đóng hộp trộn sốt Mayonaise.

Ehōmaki là một loại cuộn Sushi dài với 7 thành phần – đại diện cho bảy vị thần của hạnh phúc “Shichifukujin” tượng trưng cho sự hạnh phúc và may mắn. Thành phần gồm cơm Sushi và nhân là thanh cua, cá ngừ, cá hồi, trứng, lươn… được cuốn bên ngoài là lá rong biển khô. Người Nhật ăn Ehoumaki vào đêm Setsubun (Lễ hội Ném đậu) với một lòng thành kính hướng về may mắn, nhắm mắt lại cầu nguyện cho sức khỏe và sự thành công trong công việc và cuộc sống. Sau đó chỉ được cắn một miếng mà không được cắt ra vì cắt ra là không hiệu nghiệm.

Temaki là một loại Sushi hình nón, rong biển cuộn bên ngoài bao bọc lấy lớp cơm dẻo và các loại nhân. Các nguyên liệu làm nhân được cuốn lộ ra ngoài trông rất hấp dẫn. Với hình thù đặc biệt này, Temaki Súhi thường được thực khách dùng tay để thưởng thức, không dùng đũa để gắp vì nhân sẽ rớt ra ngoài. Temaki Sushi có thể được làm bằng cá sống, cũng có thể được làm bằng cá đã được nấu chín, hoặc hoàn toàn không cần dùng đến cá. Temaki Sushi có thể được làm với bất cứ thành phần nào mà mình muốn và nó thường hay được làm chỉ với cơm và rau củ.

Gunkanmaki còn được gọi là “Sushi tàu chiến” vì hình dạng của nó. Người ta nắm một nắm cơm, bọc rong biển khô xung quanh và phía trên chứa đầy bắp và sốt Mayonnaise, trứng cá, trứng tôm, hoặc Natto.

Temarizushi còn gọi là “Sushi bóng tròn” vì bên ngoài trông y như một quả bóng đồ chơi tròn nhỏ nhắn. Temarizushi được làm bằng cách nắm cơm Sushi và phần “topping” thành hình viên, trang trí thêm trứng cá hồi, mù tạt, ngò hay chút trứng cá.

Oshizushi là “Sushi ép khuôn”. Cơm Sushi được đặt trong một cái khuôn hình chữ nhật, đặt một miếng lươn, cá hồi, trứng,… lên trên rồi đè, ép chặt khuôn lại. Vì được ép chặt lại nên vị của cơm sẽ thấm vị sốt của lươn nên khi ăn sẽ có cảm giác đậm đà khó tả.

Futomaki là một món cuộn đặc biệt, được làm từ nhiều thành phần với các biến tấu vô cùng độc đáo như: sò điệp, cá ngừ, thịt bò, thịt gà, đậu bắp dưa chuột và bơ,… Điều đặc biệt của Futomaki đó chính là được chiên vàng giòn hấp dẫn, nước sốt từ tương đậm đà, tăng thêm độ bắt miệng cho món ăn. Futomaki thường sẽ khá cay và ấm nóng hấp dẫn.

Datemaki là loại Sushi cuộn trứng ngọt, món ăn điển hình của ngày Tết (Osechi-ryori) ở Nhật Bản. Datemaki Sushi có vị mặn mặn của rong biển, chua chua của dấm, và vị ngon giòn, ngọt của nhân tôm và vị béo ngậy của trứng cuộn. Món ăn này được chấm với nước tương pha thêm một ít mù tạt cay nồng.

Inarizushi là món Sushi dùng đậu phụ Aburaage chiên giòn, bên trong chứa cơm Sushi trộn với vừng, mè. Inarizushi thường dùng trong các món chay vì ngoài đậu phụ, cơm Sushi và vừng, mè thì không có bất kỳ nguyên liệu mặn nào cả.

Uramaki (Sushi cuộn ngược) là một cuộn Sushi có kích thước trung bình với hai hoặc nhiều lớp. Nó là một dạng khác của Sushi truyền thống nhưng lại cuộn ít rong biển hơn. Uramaki khác với Sushi truyền thống vì gạo ở bên ngoài và bên trong rong biển, hay ngày nay người ta hay gọi là cơm nắm. Thành phần của nó rất đa dạng như rau hoặc hạt mè nướng. Nó có thể được làm bằng các nguyên liệu như cá ngừ, thịt cua, bơ, sốt Mayonnaise, dưa chuột hoặc cà rốt.

Chirashi Sushi còn được gọi là “Sushi trộn”. Nó gồm 2 phần là cơm và Sushi đi kèm. Tuy nhiên, phần cơm này sẽ được cho hẳn vào một tô to rồi cho thêm rượu gia vị Mirin và hạt vừng vào để cơm thêm thơm và đậm vị. Sau đó, người ta sẽ phủ lên cơm các nguyên liệu thường dùng để làm Sushi như cá ngừ, sò điệp, cá hồi, cua, tôm, trứng cá, trứng rán, rong biển,… Ngoài ra, món Chirashi Sushi này tất nhiên cũng không thể thiếu các loại rau như dưa chuột, xà lách, rau thơm… Cuối cùng là phần nước sốt Miso cay nồng được rưới đều lên trên nên món này càng hấp dẫn hơn rất nhiều.

Cách thưởng thức chuẩn vị Sushi

Sushi là một tác phẩm nghệ thuật ẩm thực đỉnh cao và người làm sushi được gọi là nghệ sĩ. Tác phẩm nghệ thuật ấy được mọi người gọi là sự hoàn hảo và để giữ trọn sự hoàn hảo ấy cần biết cách thưởng thức. Cứ ngỡ việc ăn sushi rất đơn giản, mà thật ra nó đơn giản thật! Nhưng để ăn đúng, chuẩn và tận hưởng được hết sự tinh túy của nó thì không đơn giản một chút nào!

Ăn sushi theo thứ tự

Để giữ phép lịch sự cũng như thẩm mỹ của món ăn, người Nhật thường ăn Sushi theo thứ tự từ ngoài vào trong. Ăn các loại Sushi có cá theo màu từ nhạt tới đậm để có thể thưởng thức hết hương vị của các loại cá khác nhau. Các loại cá có màu đậm và có hương vị mạnh nên ăn sau cùng để tránh làm ảnh hưởng hương vị của các món ăn khác. Sau mỗi loại khác nhau, ăn một lát gừng chua ngâm để hương vị Sushi không bị trộn lẫn.

Dùng đũa gắp

– Loại đũa để ăn Sushi chuẩn nhất là được làm bằng từ gỗ, không qua mài bóng nên thường trông thô ráp. Một đôi đũa phải dính liền hai chiếc với nhau, khi ăn thực khách mới tách chúng ra.

– Đặt miếng Sushi nằm ngang, dùng đũa kẹp chính giữa rồi gắp lên. Không nên dùng đũa để xiên vào chúng vì điều này bị coi là bất lịch sự.

– Khi thưởng thức Sushi không nên dùng đũa gắp thức ăn cho người khác mà hãy đưa đĩa thức ăn thức ăn để họ tự gắp. Hoặc nếu được chia sẻ đồ ăn đừng quên đảo đầu đũa khi gắp thức ăn của họ để thể hiện sự tôn trọng với người đó.

– Gác đũa lên kệ đũa và đặt song song với khay Sushi để mọi người biết du khách đã dùng bữa xong.

Ăn Sushi bằng tay

– Đối với những loại Sushi phía trên mặt được trang trí bằng cá, tôm thì trước tiên du khách dùng ngón cái và giữa để cầm, ngón trỏ đặt lên phần thân của miếng Sushi.

– Nên để phần cá chạm vào đầu lưỡi đầu tiên điều đó giúp du khách có thể cảm nhận được đầy đủ mùi vị của món ăn.

Dùng Wasabi (mù tạt) đúng cách

Nhiều người có thói quen cho thật nhiều Wasabi vào nước tương rồi chấm với Sushi. Tuy nhiên, người Nhật không ăn như vậy, cách ăn đúng là dùng đũa phết một ít Wasabi lên nhân. Nên ăn từ từ và tăng lượng Wasabi đến khi cảm thấy phù hợp. Cách ăn này sẽ giữ được mùi vị vốn có của sushi, lượng wasabi vừa phải kết hợp cùng nước tương thơm ngon sẽ làm cho món ăn thêm phần hài hòa.

Chấm Sushi đúng chuẩn

Nhiều người có thói quen chấm phần cơm của Sushi vào nước chấm, tuy nhiên đây lại không phải là một cách ăn đúng vì như vậy cơm sẽ bị mặn. Để ăn Sushi đúng cách, du khách phải lật ngược miếng Sushi rồi chấm phần cá vào nước sốt. Bằng cách này, vẫn giữ được hương vị của món sushi mà nguyên liệu sống lại không bị tanh.

Miếng Sushi phải được ăn hết một lần

Miếng Sushi phải được ăn gọn vào miệng trong một lần ăn vì như thế sẽ tạo cảm giác hài hòa và trọn vẹn hương vị của món ăn này. Không bao giờ được cắn một miếng rồi bỏ lại vào đĩa vì như thế thể hiện sự bất lịch sự đối với người Nhật.

Sử dụng gừng giữa các món khác nhau

Không nên trộn lẫn gừng với Sushi khi ăn. Gừng được phục vụ dùng để tẩy mùi món ăn trước trong vòm họng của thực khách để có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị của các món ăn sau. Do vậy, hãy chỉ sử dụng gừng ở giữa các món ăn.

Uống gì khi ăn Sushi?

Thưởng thức Sushi cùng rượu Sake thì quả là tuyệt vời. Vị cay của rượu và vị thanh ngọt của Sushi khiến du khách sẽ có một ấn tượng khó phai.

Sushi, món ăn mang đậm nét đặc trưng của văn hoá ẩm thực Nhật Bản và cũng là món ăn Nhật Bản được cả thế giới biết đến nhiều nhất. Người Nhật ăn sushi quanh năm nhưng mỗi mùa họ lại lựa chọn thưởng thức những món sushi khác nhau. Qua những thông tin trên đây, hẳn du khách đã có sự hiểu biết thêm về món Sushi vốn được coi là “nữ hoàng của ẩm thực Nhật Bản” rồi nhé! Hãy du lịch Nhật Bản và trải nghiệm ngay thôi nào!

Hina Matsuri – lễ hội truyền thống mang đậm màu sắc Nhật Bản

Nhật Bản có rất nhiều lễ hội truyền thống, các lễ hội này phản ánh văn hóa Nhật Bản rất rõ nét. Một trong số đó phải nhắc đến là “Hina Matsuri” – lễ hội búp bê dành cho các bé gái.

Hina Matsuri đã có lịch sử từ hơn 1.000 năm trước. Từ thời Heian (794-1185), người ta tin rằng những con búp bê nhỏ giống như những hình nhân thế mạng. Sau khi những con búp bê được những bé gái chơi, chúng sẽ được vứt xuống sông để mang theo những điểm không may hay những linh hồn xấu xa khỏi những bé gái. Ban đầu, người ta chỉ làm những con búp bê bằng rơm để tượng trưng cho hình nhân thế mạng và ném chúng xuống sông giúp những điều không tốt lành tránh xa những đứa trẻ. Đến thời Edo, những nghệ nhân đã chế tác những con búp bê đạt đến trình độ tinh xảo và người dân cũng không còn làm búp bê rơm để thả sông nữa mà thay vào đó là dùng búp bê để trưng bay trong ngày dành cho các bé gái. Cho đến ngày nay, người Nhật Bản chọn ngày mùng 3 tháng 3 hàng năm để tổ chức lễ hội cầu chúc cho các bé gái gặp những điều tốt lành gọi là “Hina Matsuri” (雛祭り).

Trong tiếng Nhật, Hina được phiên âm theo nghĩa “búp bê nhỏ”, còn Matsuri là “lễ hội truyền thống”, chính vì vậy mà Hina Matsuri có nghĩa là “lễ hội búp bê truyền thống” hoặc “lễ hội búp bê dành cho các bé gái”. Lễ hội này được tổ chức vào ngày 3/3 cũng chính là thời điểm bắt đầu của mùa hoa anh đào vì thế ở nhiều nơi khác gọi lễ hội này là “lễ hội hoa anh đào” (Momo no sekku – 桃の節句). Lễ hội này được tổ chức đều đặn mỗi năm và là nét văn hóa độc đáo không thể thiếu đối với người Nhật.

Lễ hội Hina xuất phát từ tục trầm mình trong nước để xua tan những điều không may mắn của người Trung Quốc vào thời xưa. Trước kia trong ngày tổ chức lễ hội Hina, búp bê sẽ bị thả trôi sông để bảo vệ các bé gái. Người Nhật tin rằng những con búp bê nhỏ mang hình dạng của con người có khả năng trở thành hình nhân thế mạng, vì vậy chỉ cần thả những “hình nhân thế mang” này trôi sông thì nó sẽ mang theo tất cả những gì không tốt lành đi theo. Ngày nay, lễ hội này chính là dịp để cả gia đình sum vầy tận hưởng không khí mùa xuân. Người ta sẽ sử dụng búp bê Hina để trang trí trong nhà, cầu phúc sức khỏe và may mắn tới với những bé gái trong gia đình. Đây cũng là dịp hiếm hoi mà các bé gái Nhật Bản có thể tận hưởng bữa tiệc của riêng mình.

Trong lễ hội này, các gia đình sẽ lập một khu vực đặc biệt trong nhà, có thể là căn phòng đẹp nhất của gia đình, để bày trí búp bê Hina (có thân hình chóp tinh xảo với nhiều lớp vải bọc cầu kì quanh một khối hình làm bằng rơm hay gỗ). Chúng sẽ được đặt được trang bày trên một kệ gọi là Hina-ningyo. Kệ này nếu đầy đủ sẽ gồm 7 tầng, mỗi tầng được thiết kế trang trọng trải thảm đỏ, kệ loại nhỏ hơn có thể chỉ có 5 tầng hoặc 3 tầng mà thôi. Ở tầng cao nhất có hai búp bê vua và hoàng hậu mặc trang phục lộng lẫy. Phía sau hai búp bê vua và hoàng hậu bày những tấm bình phong bằng giấy vàng, còn bên cạnh có những chiếc đèn lồng đứng vẽ hoa anh đào nở, gọi là Bonbori. Ở tầng thứ hai là 3 búp bê cung nữ. Có hai người ở tư thế đứng, người còn lại thì ngồi. Nhiệm vụ của 3 cô búp bê này là rót rượu Sake cho nhà vua và hoàng hậu. Ở giữa 3 búp bê cung nữ sẽ có 2 Takatsuki – đây là loại bàn đứng đặt Omochi hình tròn (Maru-mochi) gồm có hai tầng bánh màu hồng và trắng. Tầng thứ ba có 5 nam nhạc công. Họ cầm trong tay những nhạc cụ khác nhau như trống và sáo. Một búp bê nam cầm quạt chính là ca sĩ của bữa tiệc cung đình. Tại tầng thứ tư, người Nhật bày hai búp bê đại thần, một người già và một người trẻ. Họ thường mang cung tên trong tay. Còn ở tầng thứ năm, có 3 búp bê Samurai làm nhiệm vụ bảo vệ vua và hoàng hậu. Các tầng sáu và bảy được bày biện nhiều loại đồ dùng khác nhau, thể hiện sự sang trọng ở hoàng cung.

Với những kệ được đơn giản hóa, Người Nhật sẽ chỉ trưng bày những con búp bê quan trọng ở tầng đầu bởi bộ búp bê Hina có giá trị khá lớn vì thế không phải gia đình nào cũng có thể sắm sửa đủ một bộ búp bê hoàn chỉnh gồm 15 con.

Bộ búp bê Hina này thường được các gia đình mua sau khi sinh được bé gái và mỗi năm đều mang ra trưng bày sau đó lại được gói lại cẩn thận để cất đi. Nhiều gia đình coi bộ búp bê Hina này như là một đồ vật cực kỳ quý giá và là niềm tự hào của gia đình, gia tộc.

Ngoài những con búp bê Hina độc đáo, trong lễ hội Hina, các gia đình còn làm rất nhiều món bánh truyền thống để mời khách. Những món bánh và đồ ăn truyền thống rất được ưa chuộng trong ngày này có thể kể ra như: cơm đậu đỏ Sekihan, rượu ngọt Shirozake, bánh dày Hishi-mochi và các loại bánh kẹo hình trái cây màu trắng, xanh, vàng, hồng tượng trương cho sự tươi sáng của mùa xuân. Trong ngày này, các bé gái sẽ mời bạn bè tới nhà chơi để xem bộ búp bê Hina và ăn những món bánh truyền thống.

Trong Hina Matsuri, người Nhật còn thường chưng hoa đào ở khắp nhà bởi hoa đào tượng trưng cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nó là vật biểu tượng không thể thiếu trong ngày lễ này. Bên cạnh đó hoa đào còn tượng trưng cho những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ đó là nhẹ nhàng, điềm tĩnh, ôn hòa và quý phái.

Mặc dù phong tục thả búp bê rơm đã được hầu hết các địa phương bỏ đi trong ngày Hina Matsuri, nhưng vẫn còn tồn tại một số nơi ở tỉnh Tottori. Họ sẽ dùng những con búp bê được làm bằng giấy và đặt trong những chiếc thuyền bện bằng lá hoặc rơm sau đó được các bé gái mang thả trên sông.

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, lễ hội búp bê dành cho các bé gái đã trở thành một nét văn hóa độc đáo trong đời sống người dân Nhật Bản. Khám phá về Hina Matsuri sẽ là một trải nghiệm thú vị dành cho du khách khi đi tour Nhật Bản./.

Samurai Nhật Bản – hình tượng được cả thế giới ngưỡng mộ

Samurai Nhật Bản là một trong những hình tượng được cả thế giới ngưỡng mộ. Họ được biết đến là những người kiếm sĩ gan dạ, sử dụng vũ khí rất thành thạo, tuyệt đối trung thành với các lãnh chúa và hoàn toàn xem nhẹ cái chết. Cho đến ngày nay, tinh thần Samurai vẫn còn ảnh hưởng không nhỏ đến người dân nước Nhật. 

Samurai có nguồn gốc từ chữ “Saburau” (さ守らう), nghĩa là người coi sóc, bảo vệ, phục vụ nhưng mang tính chất quyền quý. Samurai được biết đến là những chiến binh oai hùng, được đào tạo kỹ lưỡng và có kỹ năng chiến đấu điêu luyện. Mỗi Samurai chỉ phục vụ cho một lãnh chúa hay một vị tướng quân Nhật Bản. Tuy nhiên, từ “Samurai” còn được dùng để chỉ tầng lớp võ sĩ nói chung, bao gồm cả những vị tướng quân.

Kể từ khi theo chân chủ tướng, các Samurai dường như nguyện ý trung thành tuyệt đối. Đến khi vị chủ tướng này qua đời, họ đau lòng đến mức sẽ bỏ đi lang thang, phiêu bạc trần gian với đủ các loại nghề như thợ mộc, cày cuốc hay bốc vác chứ không tìm một người chủ tướng mới cho mình. Đôi lúc, họ còn tự mổ bụng kết liễu đời mình để giữ gìn khí tiết và để được bảo vệ chủ nhân ở thế giới bên kia. Đây là một trong những câu chuyện có thật về Samurai Nhật Bản thời đó khiến cho nhiều người không khỏi xúc động và cảm phục.

Nguồn gốc của Sumurai

Trong suốt chiều dài lịch sử Nhật Bản, chiến tranh luôn đóng vai trò quan trọng. Những bộ tộc hiếu chiến kiểm soát hầu hết quần đảo ở nơi đây, mỗi bộ tộc đều có các tộc trưởng. Nhật Bản chỉ có khoảng 20% đất đai thích hợp cho nông nghiệp, vì vậy hầu hết các cuộc chiến tranh chủ yếu mang mục đích tranh giành quyền quyển kiểm soát đất đai. Chính những cuộc chiến này đã tạo ra tầng lớp Samurai mà chúng ta vẫn quen gọi là “võ sĩ đạo”.

Vào năm 660 trước công nguyên, theo truyền thuyết, Jimmu Tenno trở thành chủ soái của các bộ tộc hiếu chiến. Tenno còn được biết đến với biệt hiệu là “Chiến Binh Siêu Phàm”. Ông đã đưa dân tộc mình từ Kiushu đến chinh phục vùng Kinki, lập nên triều đại Yamoto. Những người đứng đầu triều đại này luôn tin rằng họ là con cháu của một dòng dõi siêu phàm.

Bộ tộc Yamoto đã tấn công vào các quốc gia trên đất liền ở Châu Á. Trong số những mục tiêu của họ có cả Trung Quốc, Hàn Quốc. Họ đã du nhập văn hóa, kỹ thuật và nghệ thuật của hai quốc gia này.

Những chiến binh Yayoi xa xưa đã biết chế tạo áo giáp, vũ khí trong các thế kỷ sau đó. Họ là những nhân tố của các Saimurai tại Nhật Bản. Vũ khí của thời kì sơ khai này là bao gồm cung tên và kiếm. Đến thế kỉ thứ 15 thì súng được đưa vào các trận đánh.

Tầng lớp Samurai đã nổi bật từ những cuộc chiến tranh giành đất đai giữa 3 bộ tộc chính: Minamoto, Fujiwara và Taira.

Một số Samurai có liên hệ khá mật thiết với giai cấp thống trị, số còn lại được các Daimiyo (chủ đất phong kiến) thuê mướn. Họ luôn trung thành tuyệt đối với các chủ đất, đổi lại họ được nhận đất đai và chức vụ. Các Daimyo tuyển dụng các Samurai để bảo vệ đất đai, phát triển quyền lực.

Triều đại Tokugawa hay thời kỳ Edo, là thời kỳ thịnh vượng của Samurai, diễn ra hơn 2,5 thế kỷ trong hòa bình. Tuy nhiên, cũng trong thời kỳ này, Nhật Bản đã bế quan tỏa cảng suốt 250 năm. Đến khi phó đề đốc người Mỹ Matthew Calbrath Perry xuất hiện ở vịnh Edo vào tháng 7/1853 để thương thuyết về mở cửa kinh tế, khi đó Nhật Bản mới chính thức giao thương trở lại với thế giới. Đây cũng là bước ngoặt đánh dấu thời kỳ Edo suy tàn.

Trong suốt 250 năm bế quan tỏa cảng, Nhật Bản đã xây dựng chế độ phong kiến vững mạnh cùng với sự phát triển của tầng lớp võ sĩ đạo Samurai. Đội quân Samurai khi đó phục tùng cho các Shogun (mạc chúa, chỉ những vị lãnh tướng có quyền lực rất cao trong bộ máy phong kiến Nhật Bản thời bấy giờ).

Khi thời kỳ Edo suy sụp, các Samurai không còn lãnh chúa để phục tùng. Từ đó, họ cũng không còn vị thế nào ở Nhật Bản. Cuối cùng, năm 1876, Thiên Hoàng cấm Samurai mang kiếm dẫn đến việc kết thúc thời kỳ Samurai.

Samurai xuất hiện tại Nhật Bản từ khoảng thế kỷ thứ 6 và bị giải tán trong cuộc Duy tân Minh Trị vào nửa sau thế kỷ thứ 19. Dù vậy, những cựu Samurai vẫn đóng vai trò quan trọng trong quân đội và giới trí thức sau này. Cho đến ngày nay, tinh thần Samurai vẫn còn ảnh hưởng rất nhiều đến người Nhật.

Trang phục Samurai

Tương tự như Sumo, trang phục thường ngày của Samurai là những bộ Kimono truyền thống nhưng bỏ bớt các tiểu tiết rườm rà, chỉ giữ lại 2 lớp trong và ngoài. Và điểm khác biệt lớn nhất trong phục trang của Samurai đó chính là chất liệu vải. Chất vải may Kimono cực kỳ thoáng mát, nhẹ nhàng và có khả năng hút mồ hôi tốt cho thấy sự sang trọng, quyền quý và đẳng cấp của các Samurai thời đó. Trình độ hay đẳng cấp của Samurai còn được thể hiện qua chất liệu vải bền, tốt hơn so với những người mới nhập môn.

Còn đối với trang phục chiến đấu, Samurai sẽ khoác lên mình chiếc áo giáp với cân nặng từ 15-20 kg. Những chi tiết trên bộ giáp phần nào thể hiện được tinh thần mạnh mẽ của Samurai và bảo vệ họ khi ra chiến trường. Trong bộ giáp nặng trĩu, các Samurai vẫn phải hoạt động hết sức linh hoạt, nhạy bén. Đây là điểm cho thấy tinh thần kiên cường và khả năng đáng khâm phục của võ sĩ đạo Samurai.

Thông thường, có 2 bộ giáp phổ biến dành cho Samurai chính là Do-Maru và Yoroi. Do-Maru có trọng lượng nhẹ hơn Yoroi nên thích hợp để trang bị cho lính bộ. Còn Yoroi rất nặng do trọng lượng của mũ sắt và bộ sắt bảo vệ vai nên dùng cho kỵ binh.

Các Samurai thường đi bằng dép cỏ (Waraji) và guốc gỗ (Geta). Họ cũng hay mang vớ (Tabi), đó là loại vớ “hai ngón”: chỉ có hai phần, để tách riêng ngón cái và các ngón khác (rất thuận tiện khi xài waraji). Tabi dùng hàng ngày thường có màu trắng và chúng được làm theo mùa. Vào những ngày mưa, samurai, như tất cả mọi người, mặc áo mưa làm bằng rơm (Kappa) và dùng ô gấp.

Samurai đeo kiếm ở phía trước thắt lưng (Obi). Trong đó, thanh kiếm chính thì được buộc vào Obi bởi một sợi dây nhỏ (giông giống với phương Tây) còn kiếm ngắn (Wakizaki) hay dao (Tanto) thì đeo xuyên qua Obi.

Hầu hết các văn bản và gia quy luôn nhấn mạnh vai trò to lớn của một vẻ ngoài lịch lãm, mà trong đó tóc của Samurai là một phần rất quan trọng trong diện mạo của một người đàn ông. Kiểu tóc truyền thống (được dùng tới hơn một nghìn năm) là búi tóc, nó không phải là của riêng samurai mà gắn bó mật thiết với tất cả mọi người, ngoại trừ những nhà sư, và ngay cả các chuyên gia cũng gần như không thể tìm hiểu được nguồn gốc của búi tóc.

Vũ khí của Samurai

Samurai đã đi vào huyền thoại khi họ đánh bại kẻ thù bằng các loại kiếm sắc bén với nhiều mục đích sử dụng khác nhau.

Yumi là một trong những vũ khí ra đời đầu tiên của Samurai. Yumi gồm một cây cung và những mũi tên sắc nhọn. Trong lịch sử, các vũ khí này được làm bằng gỗ và tre ép để có thể sử dụng lâu dài. Giới chuyên môn nhận định sức mạnh của Yumi sẽ được đo bằng số lượng các Samurai sử dụng nó.

Katana là vũ khí nổi bật nhất của các Samurai với chiều dài ít nhất 60cm và chỉ có một lưỡi. Các Samurai sử dụng loại kiếm hình hơi cong và vô cùng sắc bén này để chém đối phương trong khi tác chiến. Chuôi kiếm Katana đủ dài để người sử dụng dùng hai bàn tay nắm chặt. Theo truyền thống, các Samurai sẽ đeo lưỡi kiếm quay lên phía trên.

Wakizashi có lưỡi kiếm dài khoảng từ 30 cm đến 60 cm. Những thanh kiếm Wakizashi có độ dài gần bằng Katana có tên gọi là O-wakizashi, còn những thanh có độ dài gần với Tanto sẽ gọi là Ko-wakizashi. Khi các võ sĩ đeo Wakizashi cùng Katana, giới chuyên môn sẽ gọi chúng là Daisho. Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, Wakizashi là lưỡi kiếm danh dự của một Samurai. Các võ sĩ không bao giờ để chúng ở phía sau người và thường để Wakizashi dưới gối khi họ ngủ. Ngoài ra, Samurai phải để lại kiếm ngắn này khi muốn vào nhà một người khác. Nhiều chuyên gia nhận định Wakizashi là thanh kiếm hỗ trợ cho Katana và mục đích của chúng là để chặt đầu địch thủ bại trận hoặc tự tử.

Tachi là thanh kiếm một lưỡi và cũng là trường kiếm. Nó có chiều dài lưỡi kiếm khoảng 70-80 cm và nhỏ hơn Katana nhưng Katana dài và nhẹ hơn.

Odachi là một loại trường kiếm truyền thống của Nhật Bản và các Samurai thường sử dụng trong thời kỳ phong kiến. Nhiều người hay nhầm lẫn Odachi với kiếm Nodachi vì chúng đều là những thanh kiếm dài. Trên thực tế, Odachi không dùng để chiến đấu mà các võ sĩ thường sử dụng chúng làm vật thờ và trang bị cho kỵ binh. Vì chiều dài của chúng từ 165cm đến 178cm nên chúng không phù hợp với cận chiến. Theo nghiên cứu, các kỵ binh có thể dễ dàng hạ bộ binh bên dưới mà không lo ngã ngựa với loại vũ khí này.

Zanbato là một loại kiếm lớn và vô cùng đặc biệt của Nhật. Ngoại hình của kiếm có thể gần giống với Odachi nhưng bề ngang của kiếm có thể từ 30 đến 45cm. Theo nghiên cứu, những người thợ rèn nhiều kinh nghiệm tạo ra Zanbato với mục đích thử thách bản thân.

Chokuto là một trong những thanh kiếm đầu tiên trong lịch sử rèn gươm của Nhật Bản. Loại vũ khí này có lưỡi dao thẳng và vô cùng sắc bén. Mặc dù Chokuto không quá hữu dụng trong những trận chiến nhưng các Samurai thường sử dụng chúng để chiến đấu với các thanh kiếm nhẹ có lưỡi kiếm cong.

Shikomi-zue, một thanh gươm ngắn được ngụy trang như một cây gậy. Mục đích của loại vũ khí này là để không khơi dậy sự nghi ngờ của mọi người khi các Samurai thực hiện nhiệm vụ tại nơi công cộng.

Tanto còn có tên gọi khác là Đoản đao vì chiều dài của dao rất ngắn. Tanto kết hợp với Katana để trở thành bộ kiếm đôi gọi là Đại – Tiểu, biểu tượng cho tác phong và danh dự của Samurai. Theo nghiên cứu, loại vũ khí này được sử dụng để đâm các đối phương. Tuy nhiên, võ sĩ cũng sử dụng loại dao găm nhỏ này trong nghi thức Seppuku, tự mổ bụng, khi họ muốn khẳng định lòng trung thành hoặc danh dự của bản thân. Ngoài ra, nhiều người vợ của các samurai Nhật Bản đã dùng Tanto để bảo toàn danh tiết.

Aikuchi thường sử dụng Aikuchi trong những trường hợp khẩn cấp hoặc tự sát để bảo toàn danh dự hoặc danh tiết. Trong thời kỳ Edo (1603-1868), loại dao găm này trở thành trào lưu khi các võ sĩ kết hợp nó với bộ áo giáp chiến đấu của nhiều võ sĩ.

Suburito là thanh kiếm gỗ với trọng lượng khá nhẹ. Mục đích chính của nó là để ngăn hoặc đỡ các thanh kiếm khác trong quá trình luyện tập của các Samurai.

Tessen là loại quạt chiến của Nhật Bản và được thiết kế để các võ sĩ sử dụng trên chiến trường trong những trường hợp tấn công bất ngờ. Ngoài ra, Samurai còn sử dụng chúng để ra hiệu lệnh. Loại quạt chiến này có rất nhiều kích cỡ, vật liệu, hình dạng và cách sử dụng. Tessen được chia làm hai loại. Loại thứ nhất là quạt thật, gồm khung làm bằng gỗ hoặc kim loại với giấy sơn mài được gắn với khung và bọc ngoài bằng kim loại. Loại thứ hai là quạt rộng, cứng được làm bằng kim hoặc gỗ mà các Sumo thường dùng trong ngày nay. Người chỉ huy sẽ nâng hoặc hạ chiếc quạt theo những cách khác nhau để ra lệnh cho binh sĩ.

Cách chiến đấu

Samurai là những chiến binh được huấn luyện kĩ càng, được học về thiền định và gần như là không hề sợ chết. Họ tự ý thức được rằng bản thân họ vốn là những cỗ máy hủy diệt bất khả xâm phạm, và khả năng để ai đó “không phải Samurai” hạ gục được họ trong một trận đấu tay đôi gần như là không thể. Chính vì thế, Samurai tập trung phần lớn vào kiếm thuật, cách vận dụng nhiều loại vũ khí sát thương “đường đường chính chính” khác như kiếm hay Naginata, rèn luyện kỹ thuật chiến đấu trực diện đến mức bậc thầy. Họ luyện cho đến khi cả thân thể và tinh thần của họ trở nên vững chãi còn phản xạ thì nhanh như cắt, cho đến khi từng đường kiếm của họ mạnh tới mức kết liễu kẻ địch chỉ với một chiêu.

Samurai rất thông thạo các dạng kỹ thuật như: Kenjutsu (Kiếm thuật), Iaijutsu (Thuật rút kiếm), Jujutsu (Nhu thuật) và các kĩ thuật khác như Bojutsu (Côn thuật), Naginatajutsu (Thế đao thuật), Sojutsu (Thương thuật), Kodachijutsu (Đoản đao thuật) lẫn Niten (Song kiếm thuật).

Nhưng nhìn chung thì họ đều là những kiếm sĩ rất giỏi. Chính xác thì, nước Nhật không có dưới 10 kiếm sĩ xuất chúng, bởi thời đại nào cũng có vô số cái tên. Tuy nhiên, chúng ta có thể liệt kê những cái tên như: Bất bại kiếm sư Miyamoto Musashi, Bạo chúa Oda Nonunaga, Uesugi Kenshin, Hattori Hanzou, Minamoto no Yorimitsu và Minamoto no Yoshitsune.

Trong lịch sử, kiếm thuật của các Samurai đã phát triển và phân hóa thành rất nhiều kiếm phái. Dĩ nhiên, có những kiếm phái đã lụi tàn do không còn thế hệ nào thừa kế chúng. Chính những Samurai đã tạo nên sự phong phú cho nền võ thuật Nhật Bản thời kỳ phong kiến.

Bushido: biểu tượng danh giá của Samurai

Các Samurai không phải là các chiến binh đánh thuê mà là thuộc hạ của các lãnh chúa, tuân theo giá trị luân lý được gọi là “tư tưởng võ sĩ đạo” (Bushido). Bushido gồm một số các quy tắc mà các chiến binh Samurai phải tuân theo.

Người nào muốn trở thành Samurai thì phải hội đủ ba yếu tố: trung thành – can đảm – danh dự. Để gìn giữ các yếu tố này một cách tuyệt đối, có trách nhiệm, các Samurai phải qua những chuẩn bị cần thiết để có thể đương đầu với kẻ thù. Họ được tập luyện kiếm cung từ nhỏ, thực hành trà đạo, thi ca và hội họa. Từ đó, tinh thần Thần Đạo, Võ sĩ đạo đã dần dần thấm nhuần vào tư tưởng hành động của các Samurai.

Các võ sĩ đạo Samurai được ví như hoa anh đào. Bởi đời sống của những đóa hoa này rất ngắn ngủi, nhưng chúng có hai lần tuyệt đẹp: một là khi hoa nở rực rỡ dưới ánh nắng xuân và hai là khi hoa bay theo làn gió lìa cành. Samurai tự ví đời sống của mình đẹp như đời sống của những đoá hoa này. Ở đó, sự sống và sự chết đều có nét đẹp khác nhau. Sự can đảm đã tạo dựng cho các Samurai xem cái chết như là một điều vinh dự, một cái đẹp của cánh hoa đào rơi.

Trong giới võ sĩ đạo thì cái chết đối với họ nhẹ tựa như bông, nhưng chết trong danh dự hay chết trong ô nhục mới là vấn đề then chốt. Seppuku là một hình thức tự sát được xem là danh dự, đây là một phần truyền thống võ sĩ đạo, một phần mà những kiếm sĩ không thể từ chối. Nếu danh dự của họ bị xúc phạm, phạm tội tày đình, bị rơi vào tay giặc hoặc muốn chứng minh sự trong sạch, họ sẽ tự sát. Hình thức tự sát của họ có tên là “Hara-kiri” hay “Seppuku” (mổ bụng), một nghi lễ rất rườm rà và đòi hỏi tinh thần can trường của cá nhân người kiếm sĩ. Nghi lễ bắt đầu với việc Samurai đi tắm để cơ thể được sạch sẽ, thanh tịnh. Sau đó, họ mặc một chiếc áo choàng trắng và ăn bữa ăn yêu thích của mình. Sau khi hoàn tất, Samurai đặc một lưỡi kiếm nhỏ trên đĩa trống và viết một bài thơ chết tanka để bày tỏ những tâm tư, tâm trạng của mình. Tiếp theo đó, Samurai dùng kiếm và rạch bụng, tự kết liễu đời mình. Họ dùng kiếm đâm vào dạ dày và đưa kiếm từ trái sang phải. Trên phim ảnh, nghi thức mổ bụng của Samurai luôn dừng lại ở đây nhưng thực tế, đó chưa phải là bước cuối cùng. Nghi lễ rùng rợn này chỉ kết thúc khi có một người khác giúp Samurai tiếp tục dùng kiếm, chặt đứt đầu mình văng về phía trước, rơi đúng trong vòng tay của bản thân.

Ở Nhật Bản thời trung cổ có 7 quy tắc đạo đức mà các Samurai phải tuân theo, và nó phản ánh tinh thần võ sĩ đạo rất sắc nét, mạnh mẽ, chính trực và thanh tao:

義 (Gi – Công lý): việc đánh giá danh dự và công lý đối với Samurai phải tuyệt đối rõ ràng, trắng là trắng mà đen là đen. Họ luôn đặt danh dự và lòng tự trọng lên trên tiền bạc, tự chủ được bản thân, không để những ham muốn cám dỗ làm sa ngã, tinh thần trượng nghĩa chống lại mọi thế lực xấu xa, tàn ác. Đối với họ, niềm tin không phải ở người khác, mà trong chính bản thân mình. Con người trung thực không bao giờ sợ sự thật.

仁 (Jin – Nhân từ): Có thể nói đây là thuộc tính cao nhất của tinh thần. Đó là sự từ bi cho người khác. Sự cảm thông và bao dung, độ lượng, có thể chấp nhận mọi bất đồng kể cả kẻ thù của mình. Lòng nhân từ có thể cuốn trôi bất cứ điều gì cản trở sức mạnh dưới sự ảnh hưởng của nó, cũng giống như sức mạnh của nước có thể dập tắt lửa. Sức mạnh của Samurai là để dùng cho lợi ích chung chứ không phải những toan tính, vụ lợi hay hận thù cá nhân.

勇 (Yu – Can đảm): Việc trốn tránh nguy hiểm đối với các võ sĩ thì thà cho họ chọn cái chết. Samurai phải có tinh thần của một người anh hùng, nhưng không phải là sự hy sinh mù quáng, Samurai sáng suốt và mạnh mẽ, họ lấy sự tôn trọng và thận trọng thay thế nỗi sợ. Cái chết cho một nguyên nhân không xứng đáng được gọi là cái chết của một con vật. “Đó là sự can đảm thật sự để sống khi đáng sống, và chỉ chết khi thật sự phải chết”. Người Nhật nói chung có triết lý rằng “nếu chết thì phải chết đẹp”, đẹp ở đây không phải là ở hình thức mà là sự trong sạch của tâm hồn. Tinh thần võ sĩ đạo coi trọng cái chết, họ luôn quan niệm rằng: “Một cái chết có ý nghĩa, hơn là một cuộc sống vô nghĩa”. Bởi cuộc đời họ tựa như sự rực rỡ ngắn ngủi của hoa anh đào như đã nói ở trên là như vậy.

礼 (Ray – Tôn trọng): Samurai quan niệm: “Hình thức lịch sự cao nhất là sự tôn trọng”. Vậy nên mọi hành động phải xuất phát từ sự thông cảm và tôn trọng lẫn nhau. Họ không cần thiết phải tàn nhẫn để chứng minh sức mạnh của mình. Ngay cả với kẻ thù độc ác nhất các Samurai cũng phải lịch sự. Nếu không có phẩm chất này, họ nghĩ mình sẽ không hơn gì một con thú.

誠 (Makoto – Sự chân thành): Không cần phải nhiều lời, không cần hứa gì thêm. Samurai đã nói là làm, không gì khác có thể cản trở. Những gì Samurai nói ra sẽ được đảm bảo thực hiện.

名誉 (Meyё – Danh dự): Ý thức về nhân phẩm là giá trị cốt lõi trong mỗi con người, “Mất danh dự giống như một vết sẹo trên cây mà theo thời gian, thay vì giúp cây phát triển lại làm cho nó còi cọc hơn”. Với các Samurai, người duy nhất được phán xét ta là “chính ta”, nên những hành động của bạn phải thể hiện chính con người của bạn và luôn được đánh giá cẩn trọng.

忠義 (Chu gi – tận tâm): Đây được xem là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất mà một võ sĩ phải có. Trong cuộc xung đột giữa lòng trung thành và tình cảm các võ sĩ không bao giờ có được sự lựa chọn nào khác ngoài lòng trung thành. “Một samurai buộc phải đấu tranh với trí tuệ và lương tâm của mình bằng cách thể hiện sự trung thành”. Samurai tự chịu trách nhiệm cho mỗi một hành động của mình bằng tất cả sự trung thành, không ích kỷ, trung thành với lãnh tụ của mình, và là tấm gương cho cấp dưới noi theo.

Samurai đã chi phối lịch sử và chính trị của Nhật Bản trong khoảng 700 năm. Đến năm 1876, Thiên Hoàng của thời Minh Trị cho quyết định cấm sử dụng kiếm để phù hợp với những thay đổi của Nhật Bản thời đó. Điều này cũng chính thức khép lại thời đại của Samurai.

Như vậy, mặc dù vị trí của Samurai đã không còn nữa kể từ khi bị phế đạo nhưng tinh thần thượng võ, lòng dũng cảm và trung thành tuyệt đối của các Samurai thì mãi mãi là những điều tốt đẹp còn mãi đối với người dân Nhật Bản. Nếu có dịp đến Nhật Bản, du khách hãy dành một chút thời gian tìm hiểu về lịch sử Nhật Bản cũng như về các Samurai thời xưa, chắc hẳn du khách sẽ có những bài học quý giá về lòng kiên cường và dũng cảm./.

Có những điều có thể du khách chưa được biết về Geisha tại Nhật Bản

Nhật Bản không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn được biết đến với bề dày lịch sử và nền văn hóa đậm đà bản sắc. Và khi nhắc đến “xứ Phù Tang”, không thể không nhắc đến Geisha – người lưu giữ văn hóa Nhật Bản.

Geisha (芸者) gọi theo ngôn ngữ Kansai là “Geiko” hoặc “Geiki”, theo phiên âm Hán Việt là “nghệ giả”, tức là “con người của nghệ thuật”. Văn hoá võ sĩ đạo đã góp phần đưa tới sự ra đời văn hoá Geisha. Võ sĩ đạo là một hệ thống luân lý đạo đức hoàn mỹ, họ có một bộ giới luật bất thành văn mà người võ sĩ (Samurai) buộc phải tuân theo: trung thành, ngay thẳng, quang minh chính đại, cao thượng, nghĩa hiệp… Là một trong những tầng lớp cao quý và được trọng vọng tại Nhật, các Samurai có một lối sống đầy kỷ luật nhưng cũng không kém phần thanh tao: họ thường lấy kiếm đạo, nhã nhạc, thư pháp, thưởng rượu, hoa, trà… làm trò giải trí. Họ ưa được hưởng sự phục vụ từ phía nữ giới dưới hình thức văn hoá lành mạnh hợp với tâm hồn võ sĩ. Nhu cầu giải trí cao nhã ấy dẫn tới sự ra đời của Geisha.

Có một sự thật khá bất ngờ, Geisha thực thụ đầu tiên tại “xứ Phù Tang” là nam giới, xuất hiện vào khoảng năm 1730 dưới thời kỳ Edo. Chỉ khoảng 20 năm sau, Geisha nữ bắt đầu chính thức xuất hiện dưới hình thức của một Odiko (踊り子 – vũ công) và người chơi Shamisen, ngay lập tức họ nhanh chóng chiếm lĩnh nghề nghiệp, thống trị nó vào năm 1780. Tuy nhiên, nữ Geisha gặp bất cập lớn khi phải chịu lệnh cấm của chính quyền Shochu. Các cô gái phải đổi nghệ danh thành nam giới, hoạt động lén lút.

Mãi đến giữa thế kỷ 18, chính quyền nơi đây mới công nhận Geisha được dành riêng để gọi cho phái nữ làm nghệ thuật mua vui. Họ ban hành đạo luật riêng nhằm quy định Geisha là nghề truyền bá nghệ thuật, không phải mại dâm. Đến thời Minh Trị vào năm 1872, Geisha chính thức được công nhận là một nghề quan trọng và được truyền bá rộng rãi trong văn hóa Nhật Bản.

Một phụ nữ khi đã làm Geisha thì không được kết hôn. Nếu bỏ nghề Geisha, họ có thể kết hôn và sống bình thường như bao phụ nữ khác.

Các Geisha luôn xuất hiện với lớp trang điểm khá dày. Đây cũng chính là nét đặc sắc, có phần nổi bật đối với những ai hành nghề này. Việc trang điểm được phủ bằng một lớp phấn trắng dày, có màu đục ở phần mặt, ngực, cổ và bàn tay. Tuy nhiên, họ sẽ chừa lại đường viền quanh phần tóc của gương mặt để tạo cảm giác đây chính là lớp mặt nạ sau khi trang điểm. Phần môi thì được đánh son đỏ tươi. Geisha thường tô đen cho lông mày và kết hợp màu đỏ để làm nổi bật phần mắt.

Mái tóc cũng cực kỳ quý giá đối với các Geisha. Họ gìn giữ tóc bằng nhiều cách kể cả khi ngủ cũng như sử dụng gối chuyên dụng để tránh hư tóc. Thông thường có 4 kiểu búi tóc được nhiều Geisha sử dụng: Taka shimada – kiểu búi cao (dành cho những người trẻ); Tsubushi shimada – kiểu búi thấp hơn (dành cho những Geisha đã có tuổi); Uiwata – búi tóc và quấn một miếng vải màu họa tiết bông; Kiểu búi chia múi (dành cho các Maiko – người thực tập để trở thành Geisha).

Các Geisha thường chỉ mặc trang phục Kimono được may bằng tay. Vì muốn gìn giữ bản sắc văn hóa đặc trưng của quốc gia, các Geisha luôn mặc Kimono cả khi hát, múa, đánh đàn và trò chuyện. Văn hóa Nhật Bản cũng nhờ thế mà được lưu truyền từ nhiều thời kì mặc dù trải qua nhiều biến cố. Tùy thuộc vào các mùa trong năm mà Geisha sẽ chọn Kimono với họa tiết phù hợp. Đối với những Geisha trẻ, họ thường chọn áo với hoa văn sặc sỡ, nhiều màu. Còn ngược lại, các Geisha khi đã có tuổi, người ta ưu tiên những kiểu trang nhã, màu sắc nhu mì.

Công việc chính của các Geisha là mua vui cho khách bằng việc hát, múa, kể chuyện, nói chuyện hay cả những hành động khiêu gợi, nhưng họ tuyệt đối không “bán thân”. “Mãi nghệ, không mãi dâm” là câu tuyên ngôn quan trọng của các Geisha. Câu nói này cũng nhằm khẳng định họ được sinh ra để truyền tải nét đặc sắc của văn hóa Nhật Bản. Khách hàng tìm đến các quán rượu có Geisha để giải trí, thưởng thức rượu và trò chuyện với những cô hầu xinh đẹp.

Để trở thành một Geisha thực thụ không phải chỉ cần một vẻ ngoài xinh đẹp là đủ, các cô gái còn phải luyện tập một cách khắc nghiệt ngay từ khi còn nhỏ. Vào khoảng 10 tuổi, các cô gái sẽ được gửi vào một trường chuyên đào tạo Geisha (sau này, độ tuổi được nâng lên 14-15 do sự thay đổi của luật lao động Nhật vào năm 1950).

Sau khi vào trường, những người học việc mới được sống ở nơi được gọi là Okiya (屋) – một loại nhà trọ chỉ dành cho nữ thuộc sở hữu của một bà chủ được gọi là Okāsan và những người làm khác. Tại đây, Okāsan là người sẽ trả mọi chi phí cho người học việc bao gồm: quần áo, dụng cụ, thực phẩm, nhà ở và các chương trình đào tạo…; có nghĩa là trước khi trở thành Geisha, các cô gái đã mang trên mình một khoản nợ rất lớn. Khi trở thành Geisha, việc đầu tiên họ phải hoàn thành là hoàn trả toàn bộ số nợ khổng lồ này, sau khi trả hết nợ thì họ hoàn toàn có được tự do.

Sau khi vào Okiya, các cô gái sẽ được coi là một Shikomi và phải làm việc như một người giúp việc. Công việc chủ yếu của Shikomi là giúp các Geisha và Maiko khác mặc quần áo… – nhưng đồng thời, thời gian ấy, các Shikomi cũng dần được đào tạo, hình thành lối sống một cách chỉn chu, đúng mực. Ví dụ điều chỉnh mặc Yukata truyền thống như quần áo bình thường. Tiếp đến, họ sẽ được theo học một chương trình như đào tạo và luyện tập hết sức nghiêm ngặt. Những thiếu nữ phải học cách cư xử, cắm hoa, phà trà, khiêu vũ, ca hát, cách hầu chuyện, tiếp rượu, cùng cách chơi hàng loạt những nhạc cụ truyền thống như Kotsuzumi, Shimedaiko, Shamisen và Fue… Sau khoảng nửa năm, các Shikomi sẽ được đào tạo một cách chính thức, lúc này, họ được gọi là “Minarai”.

Trong thời gian này, các Minarai phải tìm được cho mình một Geiko cố vấn (một thuật ngữ khác của Geisha), người mà những cô gái sẽ gọi là Onsan (chị gái) có thể đưa họ cùng tới Ozashiki (tiệc trong các phòng chiếu truyền thống) để họ có thể quan sát cách người cố vấn của mình và các Geisha khác tương tác với khách. Bằng cách này, một khi người học việc hoàn thành khóa đào tạo chính thức của mình, cô ấy sẽ có một số kinh nghiệm trong thế giới thực, gây dựng được thiện cảm và nhận biết những khách hàng tiềm năng.

Thời gian đào tạo một Minarai sẽ bắt đầu khoảng một vài tháng trước khi cô gái ấy trở thành Maiko (Geisha tập sự). Nhưng ngay cả sau khi đã trở thành Maiko, các cô gái vẫn sẽ tiếp tục học hỏi bằng cách tham gia các sự kiện với người cố vấn lớn tuổi của mình, và cũng tiếp tục đào tạo về nghệ thuật cổ điển. Sau khi trở thành Maiko, những cô gái phải mất thêm một giai đoạn dài (có thể lên đến vài năm) để có thể kết thúc khóa học, đồng thời tốt nghiệp trở thành một Geisha thực thụ.

Có thể thấy, để trở thành một Geisha thực thụ là cả một quá trình khó khăn, vất vả. Những cô gái phải đánh đổi rất nhiều công sức để luyện tập, thực hành một cách trôi chảy, tự nhiên và khéo léo nhất. Chính vì điều đó mà tại Nhật Bản, Geisha rất được coi trọng, thậm chí trong một khoảng thời gian dài, Geisha đã trở thành hình mẫu của cái đẹp, sự thanh lịch và duyên dáng mà tất cả những người phụ nữ ở “xứ sở Phù Tang” muốn hướng đến.

Ngày nay, nghề Geisha không còn rầm rộ như trước. Số lượng Geisha đã sụt giảm dần. Tuy nhiên, văn hóa Nhật Bản vẫn luôn tồn tại và vinh danh những người Geisha chân chính. Bởi lẽ họ là người một đời vì sự nghiệp gìn giữ và lưu truyền bản sắc độc đáo của dân tộc.

Tour Nhật Bản sẽ thật đặc biệt nếu được quan sát và ngắm nhìn vẻ đẹp của Geisha tại các quán ăn truyền thống. Hãy khám phá nét văn hóa đặc sắc này khi đến Nhật Bản nhé!

Kanzashi – chiếc trâm cài tóc truyền thống Nhật Bản

Trang phục Kimono truyền thống của Nhật Bản chắc chắn không còn là điều xa lạ gì đối với khách du lịch. Nhưng du khách có biết, mỗi người phụ nữ Nhật khi khoác trên mình bộ Kimono truyền thống đều phải có những phụ kiện kết hợp không thể thiếu để thể hiện sự thanh lịch và lịch sự. Một trong số đó là trâm cài tóc Kanzashi.

Kanzashi dùng cài lên mái tóc của người phụ nữ, vừa có tác dụng cố định các búi tóc để tạo kiểu lại vừa làm duyên, tạo nên diện mạo vô cùng thu hút cho người cài chúng.

Trong suốt thời gian dài, chỉ có Maiko (những thiếu nữ đang trong thời kỳ luyện tập để trở thành Geisha) và Geisha dùng trâm cài tóc. Sau đó, những người phụ nữ khác nhận ra vẻ đẹp của trâm và bắt đầu dùng Kanzashi. Ngày nay, Kanzashi là một phụ kiện không thể thiếu khi diện những y phục truyền thống Nhật Bản như Kimono, Yukata,… trong những dịp lễ truyền thống cũng như các ngày trọng đại, với hàng triệu hình dáng và màu sắc khác nhau, mỗi cái lại mang một vẻ đẹp riêng.

Trâm cài Kanzashi có nguồn gốc từ thời Jōmon – thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên. Đến thời Heian (794-1192) khi phụ nữ bắt đầu để những kiểu tóc búi cao truyền thống thay vì kiểu Taregami – kiểu tóc dài và thẳng vốn được ưa chuộng vào thời điểm đó. Trâm cài tóc Kanzashi còn được đề cập tới trong những bài thơ và thậm chí là tác phẩm nổi tiếng – “Chuyện kể về Genji”. Nhưng có thể nói, thời kỳ hoàng kim và phát triển nhất của chiếc trâm này vào thời kỳ Edo (1603-1868). Kanzashi đã lan rộng và trở thành một làn sóng thời trang được ưa chuộng trên toàn quốc. Các nghệ nhân bắt đầu sản xuất các sản phẩm tinh xảo hơn, bao gồm một số đồ trang trí trên tóc có thể được sử dụng như vũ khí. Kanzashi thậm chí còn phổ biến tới nỗi các Mạc tướng đều bị cấm sử dụng vì chúng có thể trở thành một vũ khí bí mật gây sát thương hoặc giết người.

Ban đầu, cấu tạo của Kanzashi khá đơn giản, bao gồm phần thân dài từ 8-12cm và phần trang trí đính kèm như hạt ngọc trai, những bông hoa sắc màu, cánh bướm,… Từ những ngày đầu, Kanzashi đơn thuần được sử dụng với mục đích cố định phần tóc búi, song dần dần lại trở thành phụ kiện làm đẹp không thể thiếu của phụ nữ, làm nổi bật hoặc tô điểm, làm gia tăng điểm nhấn của mỗi người. Còn có người cho rằng, Kanzashi không chỉ có công dụng làm đẹp mà chúng còn được tin là những chiếc bùa hộ mệnh quan trọng với mỗi người.

Hơn 1.000 năm hình thành và phát triển, Kanzashi cũng đã biến đổi và dần hoàn thiện với đa dạng các kiểu dáng và kích thước.

Tama Kanzashi là kiểu dáng đơn giản và thịnh hành nhất trong thời Edo và Meiji, được sử dụng chủ yếu để cài tóc cho cô dâu, tóc búi hình bầu dục hoặc dành cho phụ nữ đã kết hôn. Cấu tạo của chiếc trâm chỉ bao gồm phần thân (có thể là một thân hoặc hai thân), đính kèm là những hạt ngọc tròn, nhỏ và sắc màu.

Kanoko Dome: “Kanoko” nghĩa là “màu nâu vàng”, “Dome” nghĩa là “cái kẹp”. Được hiểu là cái trâm màu nâu vàng, với hình dáng của những chiếc quạt cầm tay, được sáng tạo trên nhiều chất liệu và hình dáng, kích thước khác nhau. Phổ biến nhất là trâm gồm hai chân, với những chiếc quạt được gắn ở phần đầu, đính kèm với hạt ngọc trai và thường được làm bằng chất liệu sơn mài và có tông màu trầm. Loại trâm này thường được dành cho các bà, các mẹ vì nó thường được sử dụng trong những dịp lễ trang trọng.

Kushi Kanzashi có hình dạng giống như những chiếc lược chải tóc dành cho các thiếu nữ ngày xưa. Kushi Kanzashi thời xưa chủ yếu được làm bằng mai rùa hoặc gỗ với những hoa văn và họa tiết trang trí thành hình vòng cung của chiếc trâm. Ngày nay, Kushi Kanzashi chủ yếu được làm bằng sơn mài với gam màu trắng, đen và đỏ là nổi bật nhất, điểm xuyết là những bông hoa được mạ vàng tinh tế.

Bira-bira Kanzashi chủ yếu được sử dụng cho những thiếu nữ Nhật Bản thời xưa. Chiếc trâm này có hình dạng khá nữ tính và thướt tha. Bira-bira Kanzashi được hiểu là chiếc trâm cài phấp phới, bởi chúng thường được gắn phần họa tiết dài và thậm chí còn được làm bằng kim loại hoặc gắn thêm những chiếc chuông nhỏ để phát ra những âm thanh “rung rinh” trước gió. Ngày nay, chúng được thiết kế với nhiều kiểu dáng và kích thước, màu sắc độc đáo hơn và thường được sử dụng với những bộ Kimono sặc sỡ, trẻ trung.

Ōgi Kanzashi được gọi là kiểu dáng công chúa, thường được làm bằng kim loại với hình chiếc quạt, có thể phát ra âm thanh trong lúc di chuyển, thường được các Maiko đeo trên tóc ngay trên ngôi đền.

Kanzashi có đa dạng các kiểu dáng khác nhau nhưng phổ biến hơn cả là kiểu Hana Kanzashi – là hình dáng của các bông hoa được khắc họa theo mỗi mùa trong năm hoặc mang những ý nghĩa, thông điệp khác nhau:

Tháng 1: Để chào mừng không khí năm mới tươi vui, Kanzashi thường lấy ý tưởng từ những loài hoa sặc sỡ sắc màu, là đặc trưng của mùa đông như hoa cúc, hoa mơ nở rộ hay hình ảnh của những cây tre với sức sống mãnh liệt.

Tháng 2: Các mẫu thiết kế Kanzashi chủ yếu tập trung vào việc đón chào không khí mùa xuân và sự kiện tình yêu lớn nhất trong năm – ngày lễ tình nhân, vì vậy, màu hồng, đỏ sẽ là gam màu phổ biến được ưa chuộng. Trong tháng 2, hoa mơ trắng, hồng và đỏ thắm sẽ là lựa chọn phù hợp.

Tháng 3: Theo quan niệm của người Nhật, tháng 3 tượng trưng cho sự hạnh phúc của mỗi người. Bởi lẽ đó, Kanzashi lấy ý tưởng của các loài hoa thủy tiên, hoa mẫu đơn và hoa cải vàng.

Tháng 4: Đây là thời điểm mà hoa anh đào nở rộ đẹp nhất trong năm, chính vì vậy, Kanzashi vào tháng 4 chủ yếu sẽ là những bông hoa sakura hồng với đủ các khung màu và kiểu dáng khác nhau.

Tháng 5: Hoa diên vĩ, hoa tử đằng và hoa mẫu đơn sẽ là nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế Kanzashi trong tháng 5 này.

Tháng 6: Khi mùa mưa tới gần, hình ảnh những cây liễu rủ thướt tha hay những bông hoa cẩm tú cầu căng mọng tràn đầy sức sống sẽ được khắc họa trên những chiếc trâm cài tóc Kanzashi.

Tháng 7: Là thời điểm mà các lễ hội màu hè diễn ra sôi động và nhộn nhịp nhất trong năm, theo đó, Kanzashi cũng không thể bỏ qua những biểu tượng của mùa hè như chiếc quạt cầm tay, hình ảnh những chú chuồn chuồn nước đính kèm những cánh hoa sắc màu.

Tháng 8: Những chiếc trâm Kanzashi có hình của những ngôi sao lấp lánh với ý nghĩa mang lại hạnh phúc, may mắn và bình an cho mọi người sẽ là hình ảnh chủ đạo trong dịp cuối hè. Trong khi các nàng Geisha chọn cho mình những chiếc Kanzashi màu bạc thì nàng Maiko lại chọn lựa màu sắc bắt mắt hơn là đỏ hoặc hồng.

Tháng 9: Theo truyền thống vào tháng 9 hàng năm, chiếc trâm hoa Kanzashi sẽ chủ yếu mang hình dáng của hoa cát cánh – được biết tới là hoa chuông ở các nước Châu Á. Ngoài ra, một số loài hoa đặc trưng khác của mùa thu như hoa cúc hay cỏ ba lá cũng trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo.

Tháng 10: Loài hoa chi cúc thể hiện cho độ cao và bao la của mùa thu, nên những gam màu hồng và đỏ thường được sử dụng là màu sắc chủ đạo trong tháng 10 này.

Tháng 11: Những chiếc lá phong với gam màu từ xanh lá cho tới nâu đỏ sẽ là ý tưởng chủ đạo chính cho những chiếc trâm cài đầu vào tháng 11 này.

Tháng 12: Biểu tượng của Kanzashi vào tháng cuối năm sẽ là những chú mèo Maneki may mắn, hoa mochi hay hoa gạo.

Cũng giống như hầu hết các mặt hàng thủ công truyền thống khác của Nhật Bản, quá trình tạo ra Kanzashi rất công phu và đòi hỏi trình độ cao cũng như sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Chất liệu để chế tác một chiếc trâm cũng rất phong phú, từ chất liệu bình dân như gỗ, vải và hiện đại hơn là nhựa cho đến những chất liệu cao cấp hơn như đá quý, ngà voi, các loại ngọc và vải lụa.

Cầu kỳ và tinh tế là 2 đặc điểm chính của món đồ trang trí làm đẹp này. Thường có thiết kế màu sắc, kiểu dáng bắt mắt, tinh xảo. Hình ảnh các loài hoa, con vật và những món đồ gợi lên sự nữ tính như quạt giấy, cánh bướm. Tùy vào sở thích mà người dùng có thể chọn cho mình một chiếc như ý. Đó có thể là chiếc trâm mang hình chiếc đũa thon dài với một đầu duy nhất được trang trí hình quạt bằng chất liệu sơn mài. Du khách cũng có thể chọn một chiếc trâm có trang trí hai đầu hoặc có hình dáng xinh xắn như một chiếc lược, bên trên đính những họa tiết bắt mắt.

Cho đến ngày nay, Kanzashi vẫn là một phần không thể thiếu trong bộ trang phục truyền thống của Nhật Bản và được bày bán ở khắp nơi. Bởi vậy khi có dịp ghé thăm “xứ Phù Tang”, du khách có thể dễ dàng nhìn ngắm chúng và mua về làm kỷ niệm. Đó cũng là một cách để du khách hiểu biết thêm về nền văn hoá của đất nước này.

Sashimi – Đại sứ ẩm thực Nhật Bản vang danh thế giới

Nhắc đến ẩm thực Nhật Bản, hẳn du khách sẽ nghĩ ngay đến món Sushi quốc hồn quốc túy. Tuy nhiên, còn có một món ăn cùng họ với Sushi bởi cách chế biến, bài trí có nhiều điểm tương đồng, đó là Sashimi – “Nữ Hoàng đến từ đại dương bao la”.

Sashimi là tên gọi chung cho những món ăn sống mà thành phần chính là các loại hải sản tươi sống. Trong văn hoá ẩm thực Nhật Bản, người Nhật cho rằng Sashimi là món ăn tượng trưng cho sự tinh tế, may mắn và hạnh phúc, nên Sashimi thường là món khai vị trong các bữa ăn và cũng có thể được dùng làm món ăn chính ăn kèm với cơm và một chén súp Miso. Đặc biệt các thành phần trong “món sống” này rất tốt cho sức khoẻ của mọi người.

Cái tên “Sashimi” có thể hiểu một cách đơn giản nhất đó là món cắt thịt sống để ăn. Món ăn này đòi hỏi rất khắt khe về chọn lựa nguyên liệu và kỹ thuật chế biến. Để có những miếng Sashimi ngon lành, bắt mắt, người đầu bếp tại Nhật phải được đào tạo tay nghề về kỹ thuật dùng dao và lựa chọn nguyên liệu. Trong đó, nguyên liệu phổ biến nhất là các loại hải sản tươi sống và chúng phải “đạt chuẩn Sashimi” từ công cụ đánh bắt đến khâu xử lý, chế biến tại chỗ để đảm độ tươi, ngon.

Thường nguyên liệu chính người Nhật dùng để chế biến Sashimi là các loài cá như: cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá basa… bên cạnh đó các loài hải sản khác như bạch tuộc, tôm biển cũng rất thích hợp để chế biến thành món ăn sống độc đáo này. Ngoài cá, người Nhật có thể dùng thịt bò, thịt ngựa, thịt hươu hoặc thậm chí là thịt rùa để làm nên món Sashimi. Các nguyên liệu này sẽ được cắt thành từng lát mỏng, chiều rộng khoảng 2.5cm, chiều dài 4cm và dày chừng 0.5cm. Kích cỡ có thể khác nhau hoặc tạo hoa văn tùy từng loại nguyên liệu và đầu bếp tạo ra món ăn. Miếng thịt, miếng cá của Sashimi phải được cắt một cách đẹp mắt, dứt khoát, mịn như lụa. Các miếng Sashimi phải bài trí đẹp mắt, đan cài hài hòa với các loại rau, gia vị, cho ra tuyệt phẩm chinh phục mọi giác quan.

Thưởng thức món Sashimi còn một nguyên liệu không thể không nói tới đó chính là các lại nước chấm như xì dầu, tương, các loại gia vị như gừng đỏ muối mà đặc biệt là gia vị truyền thống của Nhật Bản là Wasabi. Cùng với đó là một số loại rau như: củ cải muối, lá tía tô, bạc hà, tảo biển. Sự kết hợp giữa những yếu tố này sẽ làm gia tăng hương vị thơm ngon đặc biệt của Sashimi.

Trên thực tế, nhiều người khi ăn Sashimi có thói quen hòa lẫn Wasabi vào chén nước tương hoặc xì dầu. Tuy nhiên, đây không phải cách thưởng thức Sashimi đúng của người Nhật. Wasabi hòa lẫn cùng nước tương làm hai hương vị hòa tan vào nhau, giảm độ ngon khi ăn cùng Sashimi. Cách thưởng thức Sashimi chuẩn Nhật đó là cho Wasabi trực tiếp lên Sashimi, chấm Sashimi vào nước tương nguyên chất, ăn cùng củ cải muối thái chỉ và lá tía tô.

Và hẳn nhiều người vẫn lầm tưởng gừng đỏ là món ăn kèm cùng Sashimi. Tuy nhiên không phải như vậy. Theo văn hóa thưởng thức Sashimi chuẩn Nhật thì gừng đỏ được sử dụng khi muốn đổi vị giữa các loại Sashimi khác nhau hoặc khi kết thúc ăn sashimi, bởi gừng đỏ có tác dụng làm sạch miệng, tẩy mùi, khử vị để chuyển sang ăn món kế tiếp.

Người Nhật khi thưởng thức Sashimi cũng chỉ chấm nước tương đúng một lần ở góc. Họ không đảo qua đảo lại miếng Sashimi trong chén nước chấm. Làm như vậy sẽ hỏng kết cấu của miếng thịt, hương vị của nước tương sẽ lấn át hương vị của cá tươi sống.

Sashimi được đầu bếp thái lát miếng nhỏ đủ một lần ăn. Do đó, cách thưởng thức trọn vẹn hương vị nhất là hãy ăn chỉ trong một miếng. Cắn nhỏ Sashimi thành nhiều phần khiến kết cấu miếng thịt không còn như ban đầu, ảnh hưởng tới hương vị. Ngoài ra, cắn thành nhiều miếng nhỏ bị coi là điều tối kị, thiếu lịch sự trong văn hóa dùng bữa của người Nhật Bản.

Tuy là món ăn sống nhưng Sashimi rất dễ ăn, không có vị tanh của mùi cá sống, đảm bảo an toàn cho người thưởng thức và còn mang lại cảm giác lạ miệng bất ngờ. Không chỉ hấp dẫn bởi hương vị, do được chế biến từ hải sản nên đây còn là món ăn bổ dưỡng. Với sự kết hợp của các gia vị truyền thống, vị tanh của thịt sống biến mất, thay vào đó là cảm giác ngọt mát, tươi rói của hải sản đặt trên đá lạnh, kết hợp với một chút cay, một chút chua ngọt hấp dẫn. Món ăn vừa có vị mát lạnh nhưng cũng vừa đủ ấm bụng bởi những gia vị có tính hàn, nhiệt kết hợp thật khéo léo.

Hầu hết khách du lịch nước ngoài khi đến Nhật Bản đều thưởng thức qua món Sashimi và đều có thể cảm nhận chung đó là sự tươi sống của món ăn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Những lát hải sản được xếp một cách đẹp mắt trên khay gỗ cùng với củ cải trắng bào sợi và tía tô.

Cảm nhận đầu tiên khi ăn Sashimi là vị cay xộc đến mũi, đánh thức các giác quan. Sau đó là vị mặn của nước tương hảo hạng và vị ngọt tươi ngon, mềm, béo ngậy của cá sống. Tất cả như tan vào trong miệng, trôi tuột xuống bao tử rồi mà khiến thực khách ấn tượng mãi không thôi.

Sashimi không chỉ là món ăn thu hút du khách trong nước mà bởi sự khác biệt lạ miệng, đã thu hút du khách trên toàn thế giới khi thưởng thức qua món này, bạn có dịp đến Nhật Bản để du lịch? Hãy dành chút thời gian để khám phá món Sashimi này xem hương vị độc đáo và tuyệt vời đến chừng nào nhé!

Chiêm ngưỡng 12 loại búp bê truyền thống của “xứ Phù Tang”

Búp bê (tiếng Nhật gọi là Ningyo – 人形) là một nét đặc trưng trong văn hoá nghệ thuật của đất nước Nhật Bản. Nó bao gồm nhiều loại, đặc biệt là búp bê truyền thống. Búp bê Nhật Bản có niên đại từ các bức tượng Dogu của Thời kỳ Jomon và các hình nhân Haniwa. 

Đối với người Nhật Bản, búp bê là đại diện cho chính con người họ, mang tính chất, phẩm giá như những con người của đất nước “mặt trời mọc”. Do đó, chiêm ngưỡng búp bê của Nhật Bản, người xem cũng thấy được cảnh tượng thiên nhiên cũng như cuộc sống, sắc thái văn hóa của người Nhật, từ cung đình đến dân dã: búp bê Hatsumode trong hình ảnh cô gái đi lễ chùa đầu xuân, búp bê công chúa với bộ kimono 18 lớp, búp bê cung đình với hình ảnh cung nữ đang chơi đàn biwa, búp bê Kyoto thể hiện cho thành phố Kyoto, búp bê Hoàng Thái tử,…

Một trong những mục đích lớn nhất của búp bê truyền thống của Nhật Bản là làm quà tặng cho trẻ em nhân Lễ hội bé gái ngày 3/3 và Lễ hội bé trai ngày 5/5, với ý nghĩa bảo hộ cho các em bé đó. Ngoài ra, còn có những loại búp bê để trừ tà ma, bệnh tật…

Tại Nhật Bản, búp bê truyền thống không chỉ là một món đồ chơi thông thường hay quà tặng lưu niệm, mà người Nhật tin rằng trong mỗi loại búp bê có một sức mạnh thần thông xua đuổi được tà ma, bệnh tật, uế khí, bảo vệ con người.

Với người Nhật, chơi búp bê cũng giống như thưởng trà. Búp bê không phải để trang trí, mà là một người bạn tâm tình. Do đó, nghệ nhân làm búp bê phải có khả năng thổi hồn vào từng con búp bê.

Để chế tạo một búp bê cần 20-30 người tham gia: người làm khuôn, người may trang phục, người vẽ mặt, người tạo kiểu tóc… Trong khi đó, công việc phục chế búp bê có thể thực hiện một mình và tốn ít thời gian hơn.

Người Nhật quan niệm, búp bê có linh hồn và sức mạnh nên nghệ nhân phục chế chính là người đánh thức linh hồn cho búp bê. Ngoài những kỹ năng tổng hợp, người làm công việc phục chế búp bê phải “biết trân trọng, nâng niu, vui buồn cùng búp bê”, “thay vì chỉ ngắm nhìn búp bê, tôi luôn muốn mọi người cùng nói chuyện với búp bê”.

Ở Nhật Bản có rất nhiều loại búp bê truyền thống khác nhau với đa dạng hình dáng và chất liệu. Trong đó nổi bật với 13 loại búp bê sau đây:

Búp bê Gogatsu

Gogatsu là loại búp bê dùng để trang trí trong ngày hội bé trai hàng năm vào mùng 5 tháng 5. Búp bê mặc trang phục áo giáp giống như võ sĩ thời xưa và đi kèm theo chính là kiếm đạo, cung tên,… với vẻ bề ngoài mạnh mẽ, cường tráng. Búp bê Gogatsu truyền tải thông điệp: cầu mong các bé trai đều khôn lớn, khỏe mạnh và có năng lực bảo vệ chính mình cũng như những người thân yêu.

Búp bê Hina

Búp bê Hina là loại búp bê trang trí có từ thời Heian (794-1185). Đó cũng là lý do mà búp bê Hina thường mặc trên mình những bộ trang phục lấy cảm hứng từ thời Heian. Búp bê Hina có thân hình chóp tinh xảo với nhiều lớp vải bọc cầu kì quanh một khối hình làm bằng rơm hay gỗ.

Búp bê Hina thường được sử dụng trong dịp lễ Hinamatsuri – Lễ hội búp bê của các bé gái Nhật Bản diễn ra vào ngày 3/3 hàng năm.

Không chỉ là búp bê đại diện cho các bé gái, Hina còn là biểu tượng cho vua và hoàng hậu cùng những cận thần. Vì thế mà một bộ búp bê Hina đầy đủ phải có ít nhất 15 con trong trang phục truyền thống, thể hiện đủ tính cách.

Bộ búp bê Hina được người Nhật bày trên một tấm thảm màu đỏ thắm, được xếp thành những tầng bậc cụ thể một cách trật tự. Ở tầng cao nhất có hai búp bê vua và hoàng hậu mặc trang phục lộng lẫy. Phía sau hai búp bê bày những tấm bình phong bằng giấy vàng, còn bên cạnh có những chiếc đèn lồng đứng vẽ hoa anh đào nở, gọi là bonbori. Ở tầng thứ hai, người Nhật bày 3 búp bê cung nữ. Có hai người ở tư thế đứng, người còn lại thì ngồi. Nhiệm vụ của 3 cô búp bê này là rót rượu sake cho nhà vua và hoàng hậu. Tầng thứ ba có 5 nam nhạc công. Họ cầm trong tay những nhạc cụ khác nhau như trống và sáo. Một búp bê nam cầm quạt chính là ca sĩ của bữa tiệc cung đình. Tại tầng thứ tư, người Nhật bày hai búp bê đại thần, một người già và một người trẻ. Họ thường mang cung tên trong tay. Còn ở tầng thứ năm, có 3 búp bê samurai làm nhiệm vụ bảo vệ vua và hoàng hậu. Các tầng sáu và bảy được bày biện nhiều loại đồ dùng khác nhau, thể hiện sự sang trọng ở hoàng cung.

Búp bê Kimekomi

Búp bê gỗ Kimekomi là hình ảnh của những thiếu nữ Nhật thời xưa, dịu dàng, e ấp trong bộ kimono truyền thống và vẻ đẹp cổ điển với mái tóc đen huyền, khuôn mặt tròn, bầu bĩnh (theo người Nhật, khuôn mặt tròn là khuôn mặt phúc hậu).

Loại búp bê này được chạm trổ từ gỗ cây liễu và được trang trí với những mảnh trang phục nhỏ. Kimekomi truyền thống cũng được làm từ những mẫu gỗ đẽo gọt, chạm trổ. Trên thân búp bê, người thợ sẽ rạch những đường xẻ rãnh để mép vải quần áo của búp bê có thể giấu vào đó.

Ngày nay, búp bê này là một sản phẩm mỹ nghệ phổ biến với những chiếc đầu búp bê với nhiều kiểu tóc đa dạng khác nhau có thể được mua tách rời để về ghép với thân búp bê.

Búp bê Kokeshi

Kokeshi là con búp bê gỗ làm bằng tay của người Nhật Bản. Chúng được biết đến như là một trong những tác phẩm nghệ thuật dân gian truyền thống quan trọng và lâu đời nhất của “xứ sở hoa anh đào”.

Có từ thời Edo (1600-1868), búp bê Kokeshi là sản phẩm nổi tiếng của vùng Tohoku. Những con búp bê đầu tiên được các nghệ nhân nơi đây đẽo và bán cho du khách. Kokeshi là hình các bé gái có đầu tròn tương đối to và thân hình trụ. Nét mặt được họa bằng những đường nét đơn giản. Trên thân búp bê được phủ một lớp sáp mỏng. Họa tiết trên thân cũng đơn giản như hoa lá cỏ cây với những gam màu cơ bản như đen, đỏ, vàng và tím. Điểm hết sức độc đáo ở những con búp bê này là chúng không hề có chân tay. Và, do được các nghệ sỹ gọt và vẽ hoàn toàn bằng tay nên không con nào giống con nào và tất cả đều là con duy nhất. Vì thế Kokeshi trở thành một trong những đồ chơi truyền thống hấp dẫn nhất vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Một số búp bê có khuôn mặt hạnh phúc, mỉm cười, và hân hoan, trong khi một số khác có khuôn mặt trầm ngâm, ưu tư và thậm chí rất nghiêm nghị.

Búp bê Kokeshi truyền thống mang nhiều ý nghĩa về văn hóa tâm linh độc đáo của địa phương, là biểu tượng cho sự an lành. Họ tin rằng những đứa trẻ chơi với những con búp bê này sẽ được trời che chở và khỏe mạnh. Họ cũng tin tưởng búp bê Kokeshi hứa hẹn sẽ mang đến một vụ mùa bội thu. Một số khác mua con búp bê về để chúng bảo vệ ngôi nhà khỏi hỏa hoạn…

Ngoài búp bê truyền thống, người ta còn sáng tạo ra những con búp bê Kokeshi mang hơi thở của nghệ thuật đương đại từ sau Thế chiến II. Những con Kokeshi hiện đại này có kiểu dáng đa dạng với màu sắc tự do, phóng khoáng hơn. Chúng hình thành nhờ áp dụng kỹ thuật độc đáo khác như khắc và nung, những phương pháp không sử dụng để tạo ra những con Kokeshi truyền thống. Chúng vẫn có cái đầu to nhưng đã có tóc, chân và tay với dáng vẻ điệu bộ hơn với ô, quạt, bông hoa, quả bóng trên tay, thậm chí có con búp bê mẹ địu cả con mình trên lưng…

Kokeshi được làm chủ yếu từ gỗ cây muzuki (cây nước) do thớ gỗ loài cây mềm mại hơn. Tuy nhiên, loại gỗ được ưu chuộng nhất là gỗ cây anh đào vì có gam màu sẫm truyền thống. Ngoài ra, gỗ của loài cây phong Nhật Bản cũng được sử dụng để làm búp bê Kokeshi cả truyền thống và hiện đại. Loại gỗ này được để ngoài trời từ 1 đến 5 năm trước khi đưa vào chế tác.

Từ lâu, Kokeshi cũng đã trở thành một món quà tinh tế quý giá cho những người đặc biệt. Trên thân một số búp bê được chiện tên người được tặng cùng với một số câu thơ Haiku (lối thơ cổ của đất nước Phù Tang) theo phong cách thư pháp Nhật Bản truyền thống. Kích thước Kokeshi đa dạng, bé xíu như ngón tay và cũng có khi lớn như một em bé sơ sinh. Búp bê Kokeshi thực sự là một kiệt tác nghệ thuật tuyệt vời bởi chỉ qua vài đường nét vẽ giản đơn, người nghệ sỹ đã thổi hồn và tâm trạng của mình để biến những con búp bê gỗ tưởng chừng vô tri thành những tác phẩm đầy sống động.

Búp bê Gosho

Có lịch sử khoảng 400 năm, búp bê Gosho là những bức tượng nhỏ màu trắng, có dáng vẻ mũm mĩm với những cái đầu to tròn được chạm trổ từ gỗ cây liễu. Một số búp bê Gosho không có trang phục, tuy nhiên cũng có một số con mặc quần áo sáng màu, sặc sỡ và mang nhiều phụ kiện khác nhau.

Trong thời kỳ Edo, chúng thường được Hoàng gia tặng cho các sứ giả, do đó chúng được gọi là “búp bê Hoàng cung” (御所 – Gosho). Ngoài ra, búp bê Gosho còn đại diện cho trẻ sơ sinh và có ý nghĩa mang lại may mắn cho trẻ nhỏ.

Búp bê Okiagari Koboshi

Có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 14, Okiagari Koboshi là một loại búp bê có hình dạng béo tròn được làm từ giấy bồi và chúng có thể trở lại tư thế thẳng đứng khi bị xô ngã. Okiagari Koboshi là vật mang lại may mắn, là biểu tượng của sự kiên cường trong những lúc nghịch cảnh và khả năng hồi phục.

Búp bê Teru Teru Bozu

Teru Teru Bouzu là một loại búp bê truyền thống dùng để cầu thời tiết của Nhật Bản. Trong tiếng Nhật “teru” có nghĩa là nắng còn “bouzu” là pháp sư, nhưng ngày xưa bé trai Nhật thường để đầu trọc nên chúng ta có thể dịch là “cậu bé để đầu trọc”.

Teru Teru Bouzu trở nên phổ biến từ thời kỳ Edo khi mà trẻ em thành thị thường treo nó lên để cầu nguyện thời tiết tốt cho hôm sau.

Teru Teru Bouzu rất dễ làm và thường được làm bằng khăn giấy hay vải bông. Teru Teru Bouzu thì không con nào giống con nào bởi vì mỗi con có một cách trang trí khác nhau, nhưng chúng đều có một công dụng như một lá bùa để cầu nguyện cho một ngày có thời tiết như ý muốn. Teru Teru Bouzu được trẻ em treo thành hàng ở hiên nhà hay cửa sổ. Thường trước những buổi cắm trại hay hoạt động ngoài trời, búp bê cầu mưa luôn được treo lên để cầu nguyện cho một buổi cắm trại đầy nắng ấm. Khi có ai đó treo ngược đầu búp bê hướng xuống đất có nghĩa là cầu rằng trời sẽ mưa.

Búp bê Teru Teru Bouzu gắn với một lịch sử rất đen tối mà hẳn rất ít người biết đến. Đó là câu truyện về một nhà sư hứa với nông dân là sẽ ngừng mưa và mang đến thời tiết đẹp trong một thời gian dài bởi vì cơn mưa đang phá hoại mùa màng. Nhưng khi nắng không đến và mùa màng thất bát ông đã bị hành hình.

Búp bê Daruma

Búp bê Daruma ra đời vào những năm 1603-1867 có hình tròn mô phỏng hình dáng của vị Phật Bodhidharma (Bồ Đề Lạt Ma) với hai chân bắt chéo lên nhau và hai tay xếp sát vào thân thể. Daruma không có tay chân, có râu ria và phần trọng tâm nằm ở dưới đế tương tự như lật đật, không bao giờ bị ngã.

Búp bê Daruma được làm từ loại giấy bồi truyền thống của Nhật Bản. Quy trình làm Búp bê Daruma đầu tiên sẽ là dán các lớp giấy bồi lên khung có sẵn. Sau đó là các công đoạn sơn và vẽ hoa văn trang trí lên lớp giấy bồi. Mỗi sản phẩm hoàn thiện đều phải trải qua 16 công đoạn mới có thể tạo được hình dáng hoàn chỉnh. Điểm cộng của Búp bê Daruma là tất cả các quy trình đều được làm hoàn toàn thủ công nên mỗi Daruma đều mang những biểu cảm khác nhau. Kích thước của từng búp bê cũng không đồng nhất mà phụ thuộc vào từng ý niệm của người thợ.

Màu sắc của búp bê Daruma không cố định, nhưng màu truyền thống thì vẫn là màu đỏ. Màu đỏ có thể là bắt nguồn từ màu áo đỏ của Bồ Đề Đạt Ma.

Người Nhật cũng thường viết chữ “Phước” lên bụng Daruma như một loại bùa may mắn. Mặt được vẽ đầy đủ lông mày, mũi, ria, mép. Và khi mua về, người ta có thể viết nguyện vọng hay mơ ước của mình lên má và viết tên họ lên cằm búp bê Daruma. Đến khi những mong muốn đã được xác định, hay bắt đầu có quyết định làm việc gì đó trong năm thì lấy bút lông vẽ con ngươi thứ nhất lên tròng trắng mắt của Daruma rồi đặt lên vị trí trang trọng trong công sở, hoặc ngang bàn thờ Phật trong nhà để cầu mong sự thành công. Khi điều ước của họ đã trở thành sự thật thì sẽ vẽ tiếp con ngươi thứ hai cho mắt còn lại. Mỗi hình tượng Búp bê Daruma còn thể hiện sự kiên trì và phấn đấu lao động của mỗi chủ nhân.

Ban đầu, người ta tạo ra những con búp bê này có khả năng giữ thăng bằng tốt. Dù có xô ngã chúng cỡ nào thì các con Daruma vẫn trở lại được vị trí ban đầu. Theo thời gian, điều này giúp chúng trở thành biểu tượng của sự hồi phục. Đó cũng là lý do Daruma thường trở thành món quà để tặng cho các bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em.

Ở Nhật Bản, các Búp bê Daruma cũng thường được tặng nhau trong những dịp sinh nhật, lễ tết hay khi một người bắt đầu tiến hành những dự định mới thay cho một điều chúc tốt lành nhất dành đến họ. Hàng năm, vào mùa thi cử, có hàng ngàn búp bê Daruma được các gia đình hay bạn bè mua tặng cho con em mình với lời cầu chúc may mắn. Các Daruma trở thành vật kỷ niệm sau mỗi dịp ra trường của các bạn học sinh.

Búp bê Karakuri

Karakuri là một trong những loại búp bê thú vị nhất của “xứ sở Phù Tang” vì chúng được tự chuyển động. Bắt đầu xuất hiện vào khoảng thể kỷ thứ 17, búp bê Karakuri được mệnh danh là những robot đầu tiên của Nhật Bản. Nó là một đại diện tiêu biểu của sự sáng tạo nghệ thuật dung hòa giữa mỹ thuật và máy móc thông qua sự hoạt động, lắp ráp chính xác, chỉnh chu của các cơ quan bên trong gồm dây cót, bánh răng.

Theo như truyền thống, búp bê Karakuri được làm từ gỗ và có ba loại búp bê mà du khách có thể tìm thấy là búp bê Karakuri phòng trà, búp bê Karakuri lễ hội và búp bê Karakuri sân khấu. Những búp bê Karakuri có thể làm đủ thứ chuyện, như dâng trà, nhảy múa,…

Búp bê Bunraku

Loại búp bê này có nguồn gốc từ Osaka từ những năm 1680, gắn liền với nghệ thuật múa rối có lịch sử hơn 300 năm, đặc trưng bởi câu chuyện được mài dũa và kỹ thuật cao khi điều khiển con rối như con người thật.

Búp bê Bunraku được đẽo gọt tinh vi, cẩn thận từ gỗ và sơn bằng tay và vì thiết kế cực kì công phu, phức tạp, tay chân và đầu búp bê phải do nghệ nhân giàu kinh nghiệm đảm nhận. Chính vì thế, rối Bunraku sẽ có một màn biến hóa, chuyển đổi từ mặt người sang mặt quỉ chỉ trong một vở kịch vô cùng ngạc nhiên. Những người điều khiển rối sẽ chịu trách nhiệm khâu thiết kế, tạo thân rối và trang phục – một sự kết hợp hài hòa giúp những con rối thêm sức sống hơn.

Búp bê Shikishi Ningyo

Búp bê này làm từ các tấm bìa màu, trông nó giống với búp bê kẹp sách nhưng được gấp rất cầu kỳ và khá dày. Đây là loại búp bê được lai giữa búp bê Anesama Ningyo (loại búp bê được chế tác cầu kỳ với tóc giả, trang phục bằng giấy bản, nhưng không được vẽ mặt) và búp bê Shiori Ningyo (loại búp bê nhỏ, mỏng, dẹt, để làm thanh đánh dấu trang sách).

Búp bê Hakata

Búp bê Hakata được sản xuất ở trong và xung quanh Fukuoka, một thành phố ven biển trên đảo Kyushu ở phía nam Nhật Bản.

Búp bê Hakata có lịch sử phát triển lâu đời. Một người thợ tên là Souhichi Masaki được cho là đã làm ra những con búp bê đất sét đầu tiên vào thế kỷ 17. Sau đó nhiều người thợ khác đã làm theo, dần dần các mẫu búp bê trở nên phức tạp và nhiều màu sắc hơn. Hakata phổ biến khắp nước Nhật như là một món đồ trang trí đẹp và biểu tượng tiêu biểu cho thành phố có di sản văn hóa phong phú như Fukuoka.

Búp bê làm bằng đất sét lấy tại địa phương, không tráng men. Đất sét được tạo hình theo ý muốn và nạo bớt phần ruột bên trong để búp bê nhẹ hơn. Sau đó, chúng được phơi ngoài trời khoảng 10 ngày trước khi nung trong lò ở nhiệt độ 900 độ C suốt 8 giờ và cuối cùng là công đoạn tô màu trang trí bằng màu vẽ có nguồn gốc thực vật. Những con búp bê sở hữu vẻ đẹp tinh tế và sống động là kết quả của quá trình tạo hình, nung và tô màu hết sức tỉ mỉ.

Hầu hết những con búp bê Hakata mô tả các nhân vật lịch sử nổi tiếng, nhân vật huyền thoại, võ sĩ sumo, samurai, những người phụ nữ đẹp, trẻ em… Đặc biệt, những con búp bê đắt giá còn được trang trí bằng bột vàng, bột bạc.

Trên đây là giới thiệu về các loại búp bê truyền thống của Nhật Bản. Rất mong bài viết sẽ giúp du khách hiểu thêm về nét văn hóa đặc sắc này của “xứ sở Phù Tang”!