Hiếm có đất nước nào lại lưu giữ một nền văn hóa truyền thống lâu đời với những lễ hội đặc trưng như Nhật Bản. Một năm có nhiều dịp lễ và hầu hết các dịp lễ đều kéo dài trong nhiều ngày. Trong những lễ hội đặc sắc ở “xứ sở hoa anh đào” thì các Lễ hội Lửa mang những màu sắc, dấu ấn và ý nghĩa riêng biệt.
Với người Nhật, Lửa mang ý nghĩa thiêng liêng. Đốt lửa hoặc giữ cho Lửa luôn cháy được cho là sẽ thiêu rụi và thanh tẩy những điều xấu xa, quỷ dữ. Do đó, Nhật Bản có nhiều lễ hội sử dụng Lửa. Dưới đây là 7 Lễ hội Lửa độc đáo của “xứ sở hoa anh đào”:
1. Lễ hội Lửa Dosojin
Cứ vào ngày 15/1 hàng năm, lễ hội Dosojin lại được tổ chức tại ngôi làng Nozawa Onsen thuộc tỉnh Nagano. Lễ hội này được tổ chức nhằm xua tan đen đủi cho những người ở độ tuổi 25 và 42 – hai tuổi được xem là kém may mắn với nam giới tại Nhật Bản. Lễ hội cũng nhằm tỏ lòng thành kính với các vị thần bảo hộ Dosojin.
Tâm điểm của lễ hội Dosojin là một ngôi đền bằng gỗ giả được xây dựng ở trung tâm làng. Khi lễ hội bắt đầu, những người 42 tuổi ngồi trên đỉnh ngôi đền, hát cho thần Dosojin được dựng bên kia trảng cỏ; những người 25 tuổi đứng ở phía dưới, giữ những sợi dây thừng được cột vào đền thờ. Họ phải nắm giữ những sợi dây này bằng mọi giá. Khi gần đến thời gian bắt đầu lễ hội, họ hô vang: “Mang lửa đến đây! Mang lửa đến đây!”. Điều nguyện cầu của họ sẽ sớm được hồi đáp. Nhóm dân làng mang bó đuốc lau sậy đến “tấn công” ngôi đền được dựng tạm, họ cố hết sức để đốt cháy ngôi đền. Những người đàn ông giữ dây phải bảo vệ đền thờ cho dù có chuyện gì xảy ra. Lần lượt từng người dân làng tấn công và một trận chiến của các tia lửa đỏ rực cùng ngọn lửa bùng cháy diễn ra.
Tiếng hô hào ngày càng náo nhiệt hơn và sau 90 phút hoặc lâu hơn, những người đàn ông trên đỉnh ngôi đền ném hàng chục ngọn đuốc bằng sậy (những ngọn đuốc mà họ cần để đốt đền) xuống cho dân làng. Chẳng mấy chốc, trận chiến đã đến hồi cao trào khi dòng lửa nhắm đến phía ngôi đền trở thành một “dòng sông lửa” rực cháy đang cố gắng vượt qua những chàng trai trẻ bên dưới, giờ đây phủ đầy muội và tro bụi.
Đám lửa khổng lồ thiêu rụi ngôi đền được cho là sẽ mang lại may mắn, mùa màng bội thu, sức khỏe và sự thịnh vượng của dân làng trong năm mới. Lễ hội này cũng để ăn mừng các gia đình có con đầu lòng, xua đuổi ma quỷ, linh hồn tà ác và cầu nguyện cho hôn nhân hạnh phúc.
2. Lễ hội Lửa Katsube
Vào ngày thứ Bảy thứ hai trong tháng 1 hàng năm, những người đàn ông đóng khố lại tụ tập về đền Katsube tại Moriyama-shi thuộc tỉnh Shiga để tham gia lễ hội lửa Katsube nhằm cầu mong sức khỏe, mùa màng bội thu. Lễ hội lâu đời này đã có lịch sử 800 năm và vẫn được các thế hệ trẻ trong ngôi làng gìn giữ và phát triển.
Vào sáng ngày diễn ra lễ hội, dân làng tập trung tại đền Katsube để làm 12 ngọn đuốc khổng lồ từ tre, rơm, gỗ. Những ngọn đuốc có chiều dài 5-6m, nặng khoảng 400kg. Tới buổi tối, nhóm trai làng trong độ tuổi 13-34 được gọi là các “Taimatsu-gumi” (nghĩa là những người mang đuốc) sẽ tham gia lễ rước 12 ngọn đuốc khổng lồ tới ngôi đền. Họ xếp những ngọn đuốc thành hình bán nguyệt và thắp sáng chúng đồng thời. Sau đó, nhóm khoảng 50 nam giới đóng khố bắt đầu nhảy múa cuồng nhiệt quanh đám lửa, hô vang khẩu hiệu để cầu mong năm mới sức khỏe dồi dào, tránh xa bệnh tật cho dân làng.
Lễ hội lên tới đỉnh điểm khi những ngọn đuốc khổng lồ được thắp sáng, chiếu rọi trời đêm Nhật Bản và khung cảnh đám đông nhảy múa huyên náo, hoang dã bên ngọn lửa trong tiếng trống tưng bừng.
3. Lễ hội Lửa Yamayaki
Lễ hội Yamayaki là lễ hội đốt cỏ dưới chân núi Wakakusa được tổ chức vào ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng 1 hàng năm trước khi mùa xuân tới tại tỉnh Nara. Không ai biết chính xác nguồn gốc của lễ hội này, nhưng hầu hết đều cho rằng truyền thống này được bắt đầu từ một sự kiện nhiều kỷ trước. Đó là vào năm 1760, khi hai ngôi đền Todaiji và Kofukiji đã xảy ra mâu thuẫn lớn về quyền sử dụng ngọn núi Wakakusa. Tranh chấp đi đến đỉnh điểm mà không thể giải quyết nên cả hai bên quyết định đốt ngọn núi này. Tuy nhiên, cũng có một số cách giải thích khác cho rằng lễ hội bắt nguồn từ việc người dân đốt lửa để xua đuổi lợn rừng hoặc diệt côn trùng. Dù nguồn gốc là gì, lễ hội Yamayaki đã được tổ chức tại Nara suốt nhiều thế kỷ qua.
Lễ hội này được bắt đầu vào buổi chiều tại khu vực chân núi Wakakusa với nhiều hoạt động đặc sắc. Quanh khu vực này có nhiều gian hàng đồ ăn phục vụ những người tham gia lễ hội.
Khi hoàng hôn bắt đầu tắt, các nhà sư sẽ thắp đuốc tại cầu Mizutani ở thành phố Nara và rước đuốc tới khu vực chân núi, nơi các giàn thiêu được dựng sẵn và nghi lễ Phật giáo được cử hành. Đúng 18h, lễ hội khai mạc với màn pháo hoa và ngay sau đó là nghi lễ đốt lửa. Ngọn lửa bắt đầu bùng lên từ chân núi tới đỉnh. Quá trình đốt có thể kéo dài từ 30 phút đến một tiếng tùy thuộc vào mức độ khô của cỏ.
Người dân địa phương tổ chức lễ hội Yamayaki để ngưng quá trình mở rộng của đồng cỏ và đưa đồng cỏ về trạng thái ban đầu. Bên cạnh đó, lễ hội cũng được tổ chức nhằm diệt trừ sâu bọ, tăng chất hữu cơ cho đất và cung cấp một số loại muối vô cơ cho sự sinh trưởng của cánh đồng cỏ non sẽ mọc lên sau đó.
4. Lễ hội Lửa Tejikara
Lễ hội Lửa Tejikara được tổ chức vào thứ Bảy thứ hai của tháng 4 và được cho là có lịch sử hơn 300 năm. Những thác tia lửa đổ xuống những người đàn ông cởi trần đến eo đang khiêng kiệu rước trên vai; những đợt phun tia lửa lớn bay lên từ kiệu; rất nhiều người đàn ông vừa nhảy múa tưng bừng xung quanh kiệu vừa khua chuông và đốt pháo nổ. Đây là một lễ hội náo nhiệt của âm thanh và lửa. Đèn lồng treo trên các cột tre cao 20m được thắp sáng. Người ta nói rằng năm đó sẽ có mùa thu hoạch bội thu nếu đèn lồng được thắp sáng mà không có trục trặc gì. Một chiếc kiệu rước được đung đưa qua lại liên tục bởi những người đàn ông đi dưới những thác tia lửa pháo hoa. Thuốc súng chứa trong kiệu rước được đốt bởi các thác tia lửa.
5. Lễ hội Lửa Gozan
Lễ hội Gozan, còn được gọi là “Daimonji”, được tổ chức vào ngày 16/8 hàng năm tại cố đô Kyoto. Lễ hội này được tổ chức vào dịp lễ Obon kéo dài cả tuần. Vào thời gian này, người Kyoto tin rằng tổ tiên đã khuất từ thế giới bên kia sẽ trở lại thăm người sống. Với 5 ngọn lửa khổng lồ được tốt tại các ngọn núi xung quanh thành phố (trong 5 ngọn lửa, sẽ có 3 đám có hình ký tự chữ hán và 2 đám hình cổng đền và con thuyền), lễ hội Gozan đánh dấu sự kết thúc của chuyến trở về và dẫn đường cho người chết trở lại thế giới bên kia.
Lễ hội bắt đầu vào lúc 20h tại Daimonji – ngọn núi chính của lễ hội – ở khu Higashiyama với ngọn lửa đầu tiên. 4 đám lửa còn lại lần lượt được đốt theo thứ tự ngược chiều kim đồng hồ trên các ngọn núi kế tiếp và cách nhau 15 phút. Khoảng 20h30 là cao điểm của lễ hội khi toàn bộ 5 đám lửa sẽ được đốt cháy. Mỗi đám lửa sẽ cháy trong khoảng 40 phút.
6. Lễ hội lửa Yoshida
Lễ hội lửa Yoshida được tổ chức vào ngày 26-27/8 hàng năm tại đền Fuji Sengen ở thành phố Fujiyoshida thuộc tỉnh Yamanashi. Lễ hội này có từ hơn 500 năm trước và bắt nguồn từ câu chuyện Nữ thần núi Fuji, người bị chồng buộc tội ngoại tình khi bà bất ngờ mang thai. Để chứng minh đứa con là con của chồng, bà đã tự nhốt mình trong một căn phòng tại Đền Fuji Sengen và châm lửa đốt. Đứa trẻ vẫn sống sót trong ngọn lửa dữ và được chứng minh chính là con của người chồng đa nghi.
Để tưởng nhớ truyền thuyết này, hàng năm, cư dân Fujiyoshida đưa Nữ thần núi Fuji ra khỏi ngôi nhà của bà tại Đền Fuji Sengen và rước quanh thành phố. Việc này nhằm cầu mong Nữ thần sẽ ngăn ngọn núi lửa phun trào trong năm mới. Những ngôi đền di động được mang diễu hành quanh thành phố cùng với những ngọn đuốc cao hơn 93m. Đến tham quan lễ hội này, du khách được thưởng thức màn biểu diễn trống taiko đặc sắc và thỏa sức khám phá ẩm thực địa phương tại các sạp đồ ăn đường phố trong không khí cổ xưa của Nhật Bản.
7. Lễ hội Lửa Kurama
Lễ hội lửa Kurama được tổ chức vào ngày 22/10 hàng năm tại Đền Yuki ở khu vực núi Kurama, Kyoto. Vào lúc 6h của ngày diễn ra lễ hội, ngọn lửa cháy được đặt ở phía trước của các ngôi nhà trong thành phố Kyoto, ngọn lửa này có tên gọi là “Kagaribi”. Tất cả các cư dân của Kyoto giữ “Taimatsu” hoặc ngọn đuốc thông với đủ hình dạng kích thước và chờ đến đêm họ sẽ diễu hành qua các con đường của thành phố. Nghi thức đặc biệt này là sự khởi đầu của lễ hội. Điểm nổi bật của lễ hội Kurama là các đám cháy rất lâu, với chiều cao lên tới 3m, những ngọn đuốc thông thắp sáng rực cả thành phố, một cảnh tượng hết sức ngoạn mục.
Lễ rước của lễ hội còn có sự tham gia của trẻ em mang ngọn đuốc thông nhỏ. Tiếp đó là những bó đuốc lớn hơn một chút của những thiếu niên trong làng. Cuối cùng là đám rước người lớn mang ngọn đuốc nặng hơn 80kg và hô to khẩu hiệu. Nghi lễ này kéo dài tới khoảng 20h, khi những ngọn đuốc được tập hợp tại Đền Yukia và một ngôi đền tượng trưng sẽ được đưa vào làng, diễu hành qua các con phố cho tới khi kết thúc lễ hội lúc nửa đêm.
Trong khi diễn ra lễ hội, mọi người ghé thăm đền Kurama-dera để ước nguyện những gì tốt đẹp nhất cho gia đình. Cao trào của lễ hội với sự diễu hành của hai kiệu rước Mikoshi, được đặt trên vai của những người trẻ tuổi. Tất cả các phong tục và nghi lễ của lễ hội thường diễn ra vào nửa đêm.
Khi du lịch Nhật Bản, du khách đừng nên bỏ lỡ một trong những lễ hội lửa độc đáo trên nhé! Mỗi lễ hội sẽ có nét đặc trưng riêng rất đáng để du khách trải nghiệm đấy!