Nhắc đến mùa hè ở Nhật Bản, có lẽ không mấy ai là không biết đến phong tục ăn lươn với quan niệm lươn sẽ đem đến cảm giác mát mẻ, xua tan đi cái oi nóng, khó chịu trong mùa hè ở đất nước mặt trời mọc. Tuy nhiên, không chỉ có lươn, ở đất nước “mặt trời mọc” còn có rất nhiều món ăn ngon khác dành cho mùa hè được mọi người yêu thích.
1. Lươn
Vào mùa hè, người Nhật thường có thói quen ăn Lươn, đặc biệt là ngày Doyo no Ushi no Hi (土用丑の日). Trong tiếng Nhật, “Doyo (土用)” biểu thị khoảng thời gian 18 hoặc 19 ngày trước khi bắt đầu lập xuân, lập hạ, lập thu, lập đông, “Ushi no Hi” (丑の日) có nghĩa là ngày Sửu. Người Nhật cho rằng, những ngày Doyo rơi vào ngày Sửu, gọi là “Doyo no Ushi no Hi”, là ngày nóng nhất trong năm nên sẽ là thời gian thích hợp nhất để ăn Lươn. Đây là một trong những món ăn tinh thần vào mùa hè của người dân “xứ sở anh đào” vì người Nhật cho rằng ăn lươn vào những ngày oi nóng sẽ khiến cơ thể dịu mát hơn.
Ở Nhật Bản, lươn được chế biến nhiều món khác nhau như: Kabayaki (Lươn nướng tẩm nước xốt), Shirayaki (Lươn nướng muối), Eel Nigiri (Sushi lươn), Hitsumabushi (Cơm lươn), Kimoyaki (Gan lươn nướng), Eel Hone Senbei (Snack xương lươn), Umaki (Trứng cuộn thịt lươn), Kimosui (Súp lươn).
Có thể nói, các món ăn chế biến từ lươn không chỉ hấp dẫn, mà còn bổ dưỡng và rất tốt cho sức khỏe. Ở Nhật Bản có rất nhiều nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn này như: Unagi Uomasa Restaurant (Tokyo), Suzuki (Kamata), Nodaiwa (Ginza), Izuei (Ueno), Unagi Hashimoto (Edogawabashi), Hitsumabushi Bincho (Tokyo Skytree),… Mỗi quán sẽ có một công thức và cách bày trí độc đáo riêng, vì vậy khi đến đây, du khách có thể thoải mái lựa chọn quán phù hợp nhất với sở thích và điều kiện kinh tế của mình và thưởng thức đặc sản từ lươn.
2. Cá nướng Ayu
Nếu du khách đến Nhật Bản vào mùa hè và tham gia các lễ hội đang diễn ra ở đây thì sẽ có rất nhiều cơ hội bắt gặp món cá nướng Ayu.
Ayu vốn dĩ là loài cá nước ngọt được sinh ra vào mùa thu. Sau đó, cá Ayu con sẽ trôi ra biển vào mùa đông, bơi lên thượng nguồn vào mùa xuân rồi xuất hiện ở các con sông Nhật Bản vào mùa hè. Ayu trông giống như các loại cá bình thường khác, có kích thước khoảng 2-3 ngón tay và dài không quá một bàn tay. Điểm đặc biệt của cá Ayu là chỉ sống trong những con sông sạch nhất ở Nhật Bản. Do được sống hoàn toàn trong môi trường nước không bị nhiễm bẩn nên cá Ayu này không chỉ sạch mà phần thịt còn rất thơm và ngọt.
Món cá Ayu phổ biến nhất Nhật Bản là cá sẽ được xiên tre và nướng muối trên lửa than. Thịt cá đã ngọt lại kèm theo vị mằn mặn của muối biển, mùi thơm cá sau khi nướng nên món ăn này quả hấp dẫn người nhìn vô cùng khi lỡ bắt gặp. Đặc biệt, đối với những ai thích ăn cá thì chắc chắn sẽ không thể bỏ qua những xiên cá Ayu nhìn là thèm ngay này.
3. Mì Zaru-Soba
Mì Soba có lẽ không còn xa lạ đối với những ai yêu thích ẩm thực Nhật Bản. Đây là một loại mì được làm từ bột kiều mạch, chất kết dính và nước. Trong trường hợp không có chất kết dính, người ta có thể sử dụng các nguyên liệu khác để thay thế như: trứng già, khoai mỡ, rong biển, Konyaku,… Tùy vào từng nguyên liệu cho thêm đó mà mì Soba sẽ có những hương vị và màu sắc đặc trưng khác nhau. Thậm chí, ngày nay, người ta còn biến tấu món mì Soba với nhiều hương vị độc đáo như: Soba trà xanh, Soba vừng đen.
Soba có rất nhiều cách ăn, du khách có thể ăn nóng hoặc lạnh tùy thích, nhưng vào tiết trời oi nóng thì mì Soba lạnh Zaru-Soba lại là sự lựa chọn yêu thích của rất nhiều người Nhật. Tên gọi Zaru-Soba có lẽ bắt nguồn từ chính cách ăn của nó. Đầu tiên, người ta sẽ luộc Soba và rửa qua nước mát để loại bỏ chất nhờn, sau đó vớt mì ra và đặt lên trên mành hoặc giá bằng tre (tiếng Nhật là “Zaru”). Phần mì này sẽ được ăn kèm với một bát nước chấm khác, gọi là “Soba Inoguchi”. Nước chấm này được làm từ Soba-tsuyu – loại nước chấm truyền thống dành cho mì Soba, thêm chút hành lá xắt nhỏ hoặc một chút Wasabi để tạo hương vị đậm đà hơn.
Nếu trong chuyến du lịch Nhật Bản, du khách đã ăn quá nhiều thịt, cá và muốn thưởng thức một món gì đó thanh đạm thì món mì Zaru-Soba chính là sự lựa chọn tuyệt vời!
4. Mì Somen
Somen được làm từ những sợi mì thanh mảnh với màu trắng đặc trưng. Điểm thu hút mọi người tìm đến món mì này là bởi hương vị nước súp rau củ, nhiều loại thạch và rau xanh đa dạng. Người dân Nhật vào các ngày hè rất ưa chuộng món mì Somen không chỉ bởi hương vị mà còn làm giảm cái nóng oi bức hiệu quả.
Món mì này có thể được thưởng thức lạnh hoặc nóng. Tuy nhiên, người Nhật vẫn ưa tiên ăn mì Somen với nước súp lạnh, nhằm giải nhiệt mùa hè và bổ sung các dưỡng chất.
Để thu hút thực khách, loại mì Somen truyền thống được thưởng thức với nhiều cách khác nhau. Đặc biệt nhất vẫn là Nagashi Somen – cách thưởng thức mì Somen được đặt một máng nước tre dài. Đầu bếp thả trôi mì chạy khắp nhà hàng dẫn nước sạch và giữ lạnh. Du lịch Nhật Bản trong mùa hè nóng bức, du khách có thể tìm đến một số nhà hàng đặc biệt và ăn mì lạnh ống tre thú vị này.
5. Mì lạnh Hiyashi Chuka
Nếu những bát mì Ramen, Soba nóng hổi sẽ sưởi ấm dạ dày du khách vào mùa đông lạnh giá, thì mì lạnh Hiyashi Chuka sẽ thỏa cơn thèm mì nhưng “ngại nóng” của du khách vào ngày hè. Một món mì không chỉ ngon miệng mà còn “ngon mắt” bởi cách trình bày đa sắc màu, chắc chắn sẽ lôi cuốn ánh nhìn của thực khách.
Trước tiên, người ta luộc sợi mì cho chín rồi rửa dưới nước lạnh, cho lên dĩa và đặt vài viên đá vào mì để làm lạnh. Rau củ, thịt thà cũng được thêm vào để món ăn thêm phần hấp dẫn và đậm đà dinh dưỡng. Thịt thường là xúc xích, thịt nguội, xá xíu, thịt gà chiên. Rau thì sẽ chọn các loại rau quả mùa hè như dưa leo, cà chua, rong biển, ngô (bắp), cà rốt, có cả trứng rán thái sợi, trứng luộc,…
Ăn mì phải có nước xốt. Loại nước xốt dùng cho mì lạnh Hiyashi Chuka có tên là Mentsuyu. Đó là hỗn hợp của giấm, nước tương Shoyu, dầu mè Goma, vừng… Món mì lạnh ăn kèm với nước sốt lạnh tạo nên cảm giác “cực đã” khi ăn vào ngày hè nóng bức.
6. Shabu-shabu lạnh
Nếu du khách là tín đồ của món lẩu Shabu-shabu nhưng trong thời tiết nóng nực khiến du khách cảm thấy không thoải mái thưởng thức món ăn này thì hãy thử Shabu-shabu lạnh xem sao nhé! Về cơ bản, Shabu-shabu là món lẩu, tuy nhiên, thay vì vừa nhúng thịt, rau củ vào nồi nước vừa ăn trong lúc còn nóng hổi thì shabu-shabu lạnh lại được chế biến trước bằng cách nhúng thịt qua nước sôi và vớt ra rá để nguội hoặc nhúng qua nước đá. Cách chế biến này giúp thịt giữ được vị ngọt nhưng vẫn có độ dai nhất định. Sự biến tấu vô cùng độc đáo này vừa thỏa mãn được vị giác của du khách, vừa xua đi cái nóng của mùa hè.
Món Shabu-shabu lạnh này có thể thưởng thức cùng với nhiều loại rau củ khác như một món salad hoặc ăn cùng mì Ramen, Udon, kết hợp với các loại nước tương Ponzu, nước sốt dầu vừng.
7. Đậu phụ lạnh Hiyayakko
Trong các bữa ăn mùa hè của người dân “xứ Phù Tang” không thể thiếu món Đậu phụ lạnh Hiyayakko. Đây là một món ăn đơn giản, bổ dưỡng và giúp cân bằng vị giác của du khách sau khi ăn quá nhiều món dầu mỡ.
Tuy chỉ đơn giản là miếng đậu phụ trắng được giữ lạnh, kết hợp với các loại gia vị như nước tương Shoyu, gừng, hành lá thái nhỏ, và thêm một chút cá khô bào mỏng, song Hiyayakko lại rất kích thích vị giác. Cảm giác mềm mịn mát lạnh của miếng đậu tan trong miệng đảm bảo sẽ khiến du khách quên đi thời tiết gay gắt ngay tức thời.
8. Miến thạch Tokoroten
Món ăn giải nhiệt mùa hè ở Nhật phổ biến có từ thời Edo và vẫn còn được rất yêu thích đến tận nay, đó chính là món miến thạch Tokoroten. Món này ở Nhật Bản không chỉ ăn như món giải khát mà còn được ăn như một món ăn mặn với giấm, nước tương và mù tạt.
Nhìn bề ngoài trông Tokoroten trong suốt như thạch rau câu, nhưng điểm đặc biệt là chúng có hình dáng dài và mỏng như sợi mì. Không giống như những món thạch khác, Tokoroten có kết cấu cứng và giòn hơn. Cách làm món ăn này cũng không hề phức tạp, người ta nấu rong biển tengusa chắt lấy nước hoặc nấu bột kanten rồi để nguội và đợi hỗn hợp đông lại thành khối vuông vức. Tiếp theo đó là xắt khối vuông ra thành những sợi mì dài và mảnh. Có 2 cách xắt sợi mì Tokoroten: Một là cắt thủ công bằng tay, hai là sử dụng Tentsuki (dụng cụ có phần thân làm bằng gỗ, phần đầu là kim loại với nhiều mắt nhỏ và mảnh) cho khối Tokoroten vào và dùng lực đẩy là hàng trăm sợi mì đều tắm tắp sẽ được đưa ra.
Tokoroten không chỉ là một món ăn giải nhiệt độc lạ của người Nhật, mà còn là thực phẩm rất tốt cho sức khoẻ. Với 98% thành phần là nước, món miến thạch kiểu Nhật này chứa nhiều chất xơ, không chứa gluten, là một món ăn rất phù hợp cho vào thực đơn để giảm cân.
9. Thạch Mizu-yokan
Thạch Mizu-yokan là một loại đồ ngọt truyền thống của Nhật Bản, được làm từ bột đậu đỏ Azuki và bột làm thạch.
Mizu-yokan có hàm lượng đường cao nên có thể bảo quản được tương đối lâu. Nếu được bảo quản ở điều kiện phù hợp, nhiều loại có thể để được ở nhiệt độ phòng trong thời gian dài, khoảng 1 năm hoặc thậm chí lâu hơn. Với đặc điểm đó, nhiều người Nhật còn coi Mizu-yokan như một loại thực phẩm dự trữ cho trường hợp khẩn cấp. Mặt khác, món ăn này có lượng calo khá cao nên chỉ cần ăn một lượng nhỏ thôi cũng đủ để cung cấp một lượng lớn năng lượng hoạt động cho cơ thể, vì thế nên, người ta còn phát triển món ăn này trở thành thực phẩm bổ sung chuyên dụng trong hoạt động thể thao và đặc biệt thích hợp trong những ngày hè nóng bức.
Ngày nay, Mizu-yokan không chỉ đơn giản là một món tráng miệng, nó còn được rất nhiều người Nhật ưu ái lựa chọn làm quà tặng với nhiều hình dáng đẹp mắt, đa dạng về màu sắc và hương vị.
10. Bánh Mizu Shingen Mochi
Đã bao giờ du khách thử cảm giác được nếm một giọt nước khổng lồ chưa? Sự ngọt ngào tinh tế của món bánh này sẽ mang đến cảm giác mới mẻ cho du khách trong mùa hè “xứ Phù Tang”.
Theo một giả thuyết, nguồn gốc của bánh nước là từ các loại bánh mochi có đường mà lãnh chúa Takeda Shingen của vùng Kai và vùng Shinano trong thời chiến quốc Nhật Bản rất yêu thích. Lại có giả thuyết khác cho rằng, loại bánh này xuất phát từ Akabawa Mochi – một loại bánh gạo truyền thống được dùng vào mỗi lễ hội Obon ở vùng Yamanashi.
Nguyên liệu để làm loại bánh là nguồn nước được lấy từ phía nam của dãy Alps (tên gọi chung của 3 dãy núi Hida, Kiso, Akaishi) tại Chubu. Bằng bí quyết đặc biệt nào đó, họ làm đông nước thành những giọt nước khổng lồ, trong suốt như những viên pha lê và bảo quản dưới nhiệt độ thích hợp. Loại bánh này chỉ giữ được hình dạng của nó trong vòng 30 phút. Vì vậy, du khách chỉ có thể thưởng thức món bánh nước ngay tại cửa hàng mà không thể mang về.
Rất khó để so sánh bánh nước với bất kì điều gì khác. Hầu hết thực khách đều ngạc nhiên khi nếm thử nó. Khi một giọt nước khổng lồ tan trong miệng, mang theo vị ngọt mát tự nhiên của nước trôi nhanh xuống cổ họng, rất lạ mà không một món ăn nào có thể mang lại cảm giác đó cho du khách được. Bánh nước rất mỏng manh, nó dường như có thể vỡ tan chỉ với một cái chạm nhẹ.
11. Đá bào Kakigori
Giữa thời tiết nắng nóng ở “xứ Phù Tang” mà được thưởng thức một cốc đá bào Kakigori thì còn gì tuyệt vời hơn phải không? Đây có lẽ là món tráng miệng hấp dẫn, thu hút không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng khó lòng có thể cưỡng lại được.
Ở Nhật Bản, người ta thường ăn đá bào với nhiều loại Siro với các hương vị và màu sắc khác nhau, chẳng hạn như Siro dâu màu đỏ, Siro dưa lưới màu xanh lá cây, Siro chanh màu vàng, siro cam màu da cam,… Không chỉ dừng lại ở đó, ở nhiều nơi, người ta còn biến tấu món ăn này trở nên hấp dẫn hơn bằng cách thêm đậu đỏ, bánh gạo nếp Mochi, các loại hoa quả tươi, thạch,… Một món ăn tưởng chừng như hết sức đơn giản nhưng nhờ sự kết hợp hài hòa giữa Siro và đá tạo nên một sức hút hết sức đặc biệt.
12. Jumbo Parfaits
Đây là một trong những món ăn biểu tượng trong mùa hè của giới trẻ Nhật Bản. Nó là sự kết hợp của thạch rau câu, trái cây và các lớp bánh baumukuchen được sắp xếp chất chồng lên nhau một cách nghệ thuật cao như một ngọn núi. Tùy theo từng nơi bán sẽ có sự kết hợp khác nhau vô cùng thú vị khiến du khách muốn thử nhiều lần mà không chán.
13. Kem
Một đối thủ “một chín một mười” với đá bào Kakigori là kem. Bước chân vào các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản, có lẽ sẽ có rất nhiều người nước ngoài cảm thấy ấn tượng vì sự đa dạng của các loại kem ở đây. Thậm chí, sẽ không có gì là lạ nếu như du khách bắt gặp một máy bán kem tự động ở nhà ga hay các công viên. Một số thương hiệu mà du khách thường gặp khi mua kem ở “xứ sở anh đào” có thể kể đến như: Meiji, Glico, Morigana,…
14. Dưa hấu
Dưa hấu là một trong những thức quả mùa hè mà chắc chắn chúng ta không thể không nhắc đến. Dưa hấu có rất nhiều chất dinh dưỡng như kali, citrulline và β-carotene,… Trong đó, kali được cho là có chức năng bài tiết muối dư thừa, citrulline có tác dụng mở rộng mạch máu và thúc đẩy lưu lượng máu, còn β-carotene giúp duy trì sức khỏe của da cũng như niêm mạc. Đây quả thực là một “liều thuốc quý” giúp mọi người vượt qua thời tiết oi nóng của mùa hè.
Ở Nhật Bản có nhiều loại dưa hấu nhưng tiêu biểu nhất là giống quả to (大玉 – Odama) với lớp vỏ ngoài màu xanh thẫm và phần thịt quả đỏ tươi. Những năm gần đây, các siêu thị và cửa hàng ở Nhật Bản cũng xuất hiện những loại dưa hấu khác như dưa hấu vàng, dưa hấu quả nhỏ (小玉 – Kodama), dưa hấu không hạt. Đặc trưng của dưa hấu ở Nhật là chúng đều có phần thịt quả giòn, mọng nước, đem lại cảm giác tươi mới khi thưởng thức. Loại quả này mặc dù có thành phần nước nhiều nhưng vẫn ngọt vị nên từ xa xưa đã nhận được rất nhiều cảm tình từ người dân “xứ mặt trời mọc”.
Nhắc đến dưa hấu ngon, có thể kể đến dưa hấu Kumamoto (đặc biệt là dưa hấu Ueki), dưa hấu Yachimata, Tomisato (Chiba), dưa hấu Obanazawa (Yamagata), dưa hấu Daiei, Gaburiko (Tottori), dưa hấu vùng cao nguyên Matsumoto (Nagano).
Hi vọng rằng những món ăn mà chúng tôi giới thiệu trên đây sẽ là những gợi ý tuyệt vời cho du khách khi lựa chọn các món ăn ngày hè trong chuyến du lịch Nhật Bản. Với những món ăn mặn như mì Soba, đậu phụ lạnh cho đến các món tráng miệng như dưa hấu, đá bào, du khách sẽ có rất nhiều sự kết hợp khác nhau để bữa ăn thêm đa dạng.