Không chỉ sở hữu khung cảnh đặc sắc, Nhật Bản còn có một nền ẩm thực vô cùng độc đáo. Nổi tiếng nhất phải kể đến là những món mì ngon tuyệt hảo, như: Ramen, Soba, Udon, Kishimen, Yakisoba,… Mỗi món mì sẽ mang lại những hương vị đặc riêng khiến người ta nhớ mãi.
Mì Ramen
Ramen là món ăn phổ biến nhất trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Mặc dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng món mì này lại được người dân cực kỳ ưa chuộng và trở thành món mì quốc dân của “xứ Phù Tang”.
Mì Ramen xuất phát từ Trung Quốc và được du nhập đến Nhật vào năm 1665. Một học giả Nho giáo người Trung Quốc Zhu Shunui là cố vấn của Tokugawa Mitsukuni đã mời ông thưởng thức món mì độc đáo này. Mãi đến năm 1910, nhà hàng chuyên bán Ramen được mở đầu tiên tại Yokohama bởi ông Hiroshi Osaki.
Món mì Ramen nổi tiếng với sợi mì dai, nước dùng đậm đà. Sợi mì được làm từ 4 nguyên liệu: bột mì, nước, muối và nước tro tàu. Hỗn hợp nguyên liệu này được nhào với nhau thành bột, sau đó được cán (hoặc kéo tay), cắt và hấp. Nước dùng của Ramen thì thường được hầm từ xương heo, xương gà hoặc xương bò, đồng thời kết hợp với các nguyên liệu khác như: xương bò, nấm hương (Shiitake), tảo bẹ (Kombu), Katsuobushi (vụn cá ngừ vằn phơi khô bào mỏng), Niboshi (cá mòi bé phơi khô) và hành tây. Ngoài ra, nước súp còn được nếm nếm thêm những gia vị khác để tạo hương vị đặc trưng cho món mì như: muối (Shio), nước tương (Shoyu) và tương Miso.
Để tăng thêm hương vị cho món mì, Ramen sẽ được thêm vào một số loại đồ ăn kèm như: Thịt heo (gồm Chashu – thịt xá xíu; Kakuni – thịt viên được hầm với nước tương và rượu Mirin; Bacon – thịt xông khói); Rau củ tươi (gồm có hành lá, tỏi băm, giá đỗ, hạt bắp và bắp cải,…); Rau củ khô (gồm có: nấm kim châm, mộc nhĩ, rong biển, tảo bẹ Wakame, gừng ngâm Beni Shoga); Trứng luộc (Trứng sẽ được luộc lòng đào, sau đó được tẩm ướp với rượu ngọt, nước tương trong vài tiếng); Chả cá (được làm từ các loại cá có thịt màu trắng, sau đó băm nhuyễn, cuộn lại, tạo hình và đem đi hấp chín. Mỗi cây chả cá khi cắt ra sẽ hình xoáy hồng ở giữa).
Trong nền ẩm thực đặc sắc của “xứ Phù Tang”, món mì Ramen có nhiều loại đa dạng, khác biệt từ cách chế biến cho tới loại nước dùng. Có loại Ramen sử dụng loại mì sợi to, có loại chuộng mì sợi mỏng. Mì ramen cũng có nhiều cách ăn khác nhau, có loại ăn lạnh, có loại chấm mì vào nước dùng cho tới loại chan nước dùng lên mì…
Mì Udon
Nhắc đến Udon khiến người ta nghĩ ngay đến sợi mì màu trắng đục, dày, đầu hình tròn hoặc hình vuông. Tại Nhật Bản có rất nhiều biến tấu sợi mì về kích thước, độ dài ngắn khác nhau tùy từng cửa hàng và địa phương. Khi được đem lên nấu, sợi mì sẽ nở ra tựa như mì Ý và trở nên mềm mại một cách đặc biệt.
Khi thưởng thức mì Udon, thực khách sẽ cảm nhận ngay hương vị thơm ngon và dai dai của bột mì kết hợp cùng nước dùng có vị lạ và đặc trưng – mặn nhẹ và ngọt thanh nhưng cũng không kém phần đậm đà.
Mì Udon có mì truyền thống và được cách điệu. Mì Udon truyền thống thì rất đơn giản chỉ có sợi mì và chan thêm nước được ninh từ xì dầu, gia vị Mirin và Dashi. Ngoài ra, mì Udon cũng có rất nhiều loại kiểu với tên gọi khác nhau như: Tsukimi Udon, Miso-nikomi Udon, Kitsune Udon, Tanuki Udon,…. Nhiều loại được bài trí rất kích thích vị giác và gồm nhiều thành phần khác: trứng chiên, các loại rau, cá, bánh bao, thịt lợn muối, tôm chiên.
Mì Soba
Soba là một món mì tuyệt hảo bởi có sự kết hợp của nguyên liệu là bột kiều mạch và bột mì, ăn cùng với Sushi và Tempura. Món ăn này mang đến cảm giác sợi mì giòn giòn khi cắn, kết hợp cùng sự hòa quyện của súp cuộn trên đầu lưỡi của người dùng.
Với đất nước có nền ẩm thực phát triển và mỗi món ăn đều có một nét đặc sắc riêng, đối với mì Soba cũng vậy, mỗi một cách chế biến ra bát mì Soba đều trở thành một phong cách thú vị, tương ứng với mỗi phong cách ấy là ra đời một cái tên khác nhau. Chẳng hạn: Zaru Soba là loại mì lạnh cơ bản, được phục vụ trên khay với nước chấm riêng, trên sợi mì thường có rong biển; Kake Soba là mì nóng ít béo, có nước dùng; Tempura Soba là mì ăn kèm với tôm tẩm bột chiên giòn; Kistune Soba là mì Soba ăn kèm với đậu chiên ngập dầu và Kamaboto bánh cá; Tsukimi Soba là mì Soba ăn kèm cùng với trứng sống; Nishin Soba là món mì ăn kèm cá mòi chiên. Ngoài ra còn nhiều loại mì Soba khác như: Tanuki Soba, Tororo Soba, Sansai Soba,…
Đối với mỗi người dân “xứ Phù Tang”, mì Soba không chỉ là một món ăn thông thường mà nó còn mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Sự dai và dài của sợi mì là biểu trưng cho sự trường thọ, vì thế mà mì Soba được xem là biểu tượng của sức khỏe và may mắn. Và cũng bởi thế mà, vào ngày cuối cùng trong năm cũ để tiễn năm cũ đón năm mới sang nhiều may mắn và dồi dào sức khỏe, người Nhật có phong tục ăn Mì Soba.
Mì Kishimen
Mì Kishimen còn được gọi là mì dẹt, mì phẳng. Ở Nhật Bản, mì Kishimen được bán ở rất nhiều nơi nhưng tại Nagoya, món ăn này lại được thực khách đánh giá cao hơn. Tại Nagoya, món mì Kishimen được thực khách đánh giá cao là vì có vị dai ngon, hấp dẫn không nơi nào có được. Theo thời gian, Kishimen trở thành món ăn nổi tiếng trên toàn nước Nhật.
Một tô mì Kishimen đầy đủ bao gồm: chả cá, cá ngừ, đậu hũ chiên, mực khô, tôm chiên giòn và rắc thêm hành lá trang trí. Vì được làm từ lúa mạch nên mì Kishimen nấu nhanh hơn so với các loại mì thông thường. Món ăn này được rất nhiều thực khách ưa chuộng. Bởi lẽ nó không chỉ ngon, tiện lợi, mà còn rất nhiều dinh dưỡng
Bên cạnh cách nấu mì Kishimen thông thường, du khách đến Nagoya còn có thể ăn các món kết hợp với mì Kishimen như: cà ri Kishimen, Kishimen nấu chín trong Miso (món ăn được dùng trong mùa hè), Zaru Kishimen, Kishimen ướp lạnh,…
Mì Nagashi Somen
Nagashi Somen là tên gọi của món mì ống trúc, một món ăn khá độc đáo và công phu của người Nhật. Món mì sẽ được phục vụ trên các ống trúc dài, có dòng nước lạnh chảy mạnh, cuốn trôi những sợi mì, và nếu thực khách muốn thưởng thức thì sẽ phải nhanh tay gắp chúng để ăn.
Trong món mì Nagashi Somen, một thành phần không thể thiếu là những vắt mì Somen. Mì Somen có sợi khá nhỏ (đường kính không quá 1.3mm) được làm từ bột mì, nhào nặn và kéo giãn như bình thường, nhưng sau đó phải được giữ trong kho 1 đến 2 ngày để chín và ngấm mới có thể sử dụng.
Những vắt mì Somen sẽ được thả trôi trên một máng nước chảy làm bằng ống trúc. Ngoài mì, người phục vụ cũng sẽ thả thêm một số rau củ, thịt…. vào ống trúc để thực khách thưởng thức trọn vẹn hương vị của món ăn. Thực khách muốn đón được mì phải đứng 2 bên máng tre và nhanh tay vớt mì bằng đũa, sau đó thực khách chỉ cần chấm qua sốt Tsuyu là có thể thưởng thức vị lạnh và ngọt của nước cùng sợi mì dai mềm hấp dẫn.
Nagashi Somen là món ăn thể hiện tinh thần yêu thích sự thanh đạm và lối thưởng thức cầu kì của người Nhật. Từ công đoạn chế biến mì đến thưởng thức cũng vô cùng công phu khiến đây trở thành nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của “xứ Phù Tang”.
Mì Yakisoba
Trong tiếng Nhật, “Yaki” có nghĩa là xào, “Soba” là mì, như vậy “Yakisoba” là món mì xào. Đây là một món ăn truyền thống của người dân “xứ Phù Tang” nhưng nó lại có nguồn gốc từ Trung Quốc và được coi là một biến thể của miến xào Trung Quốc. Người Nhật kể rằng quán mì Yakisoba đầu tiên xuất hiện ở Nhật Bản vào khoảng đầu thế kỷ 20.
Cho dù Yakisoba có nghĩa là mì Soba xào, nhưng sợi Soba lại hoàn toàn không được sử dụng để chế biến món ăn này. Cũng giống như món mì Ramen, Yakisoba sử dụng một loại sợi mì có nguồn gốc từ Trung Quốc được làm bằng bột mì và một loại nước điện giải gọi là Kansui. Chất kiềm trong nước khiến cho mì có màu vàng và kết cấu dai nhưng lại mịn. Mì sẽ được hấp hoặc trước khi xào.
Để có thể làm món Yakisoba, các đầu bếp sử dụng Teppanyaki (phản nướng bằng kim loại) để có thể chế biến với số lượng nhiều. Đổ dầu ăn trên Teppanyaki, chờ cho đến khi nóng đều, các đầu bếp cho thịt heo ba chỉ đã ướp tiêu, muối vào xào khoảng 3-4 phút, để thịt heo chín tái. Gạt thịt heo qua một góc, họ cho hành tây, cà rốt, cần tây vào đảo khoảng năm phút cho rau chín sơ. Sau đó tiếp tục cho bắp cải vào đảo khoảng 1 phút. Sau đó, cho sợi mì cho vào chảo cùng dầu ăn và rưới một ít nước lên để sợi mì dễ rời nhau ra và đỡ cháy khi xào. Xào đến khi mì tơi hết ra và sợi mì săn lại, thì tiếp tục cho rau, thịt heo đã xào vào mì và rưới nước sốt (loại sốt ngọt đặc quánh giống như dầu hào) để tạo nên mùi vị đặc trưng cho món ăn. Đảo qua đảo lại một lúc trên lửa cho các thứ trộn đều vào với nhau rồi múc ra dĩa, thêm các gia vị khác như củ cải Daikon bào, và hành lá thái nhuyễn,… Món mì xào Yakisoba ăn không khác mấy với mì gói xào của người Việt, cũng hấp dẫn nhưng ăn thơm nồng và lạ miệng nhờ nước sốt.
Ẩm thực Nhật Bản luôn chứa đựng rất nhiều điều thú vị và ấn tượng như chính con người nơi đây. Với những chia sẻ trên đây, hi vọng du khách đã hiểu thêm về các món mì của “xứ Phù Tang”. Hãy note nó vào sổ tay du lịch nhé! Biết đâu du khách sẽ có dịp du lịch Nhật Bản và thưởng thức chúng.