Nhật Bản vốn nổi tiếng không chỉ bởi vì là một quốc gia phát triển về mọi mặt của nền kinh tế mà còn được biết đến bởi truyền thống văn hóa sâu sắc và giữ được nét đẹp riêng của dân tộc không lẫn vào đâu được. Và trong số những điều truyền thống nổi tiếng ấy thì không thể nào bỏ qua được trò chơi đánh cầu Hanetsuki.
Hanetsuki bắt nguồn từ thời Heian, được chơi vào các ngày Tết ở Hoàng cung với ý nghĩa xua đuổi điềm xấu và mang lại may mắn cùng sự bình yên tới cho người chơi. Từ thời Edo, trò chơi này dần được phổ biến hơn với những người dân thường.
Về cơ bản, Hanetsuki có cách chơi tương tự như cầu lông nhưng không sử dụng lưới. Và trò chơi Hanetsuki của “xứ Phù Tang” cũng không sử dụng vợt cầu lông thông thường, thay vào đó người ta lại dùng những chiếc vợt gỗ có dạng hình mái chèo – gọi là Hagoita. Loại vợt này làm bằng gỗ, nhỏ vừa tay.
Sau này, Hagoita còn trở thành những món đồ mỹ nghệ độc đáo được dùng để trang trí trong các cửa tiệm và có ý nghĩa mang lại may mắn và sự trưởng thành cho các bé gái. Loại này gọi là “Oshie Hagoita”.
Vợt Oshie Hagoita được làm thủ công rất cầu kỳ. Những hình trang trí được cắt tạo hình trên các tấm giấy dày, nhồi bông vào trong và sau đó được bọc bởi những mảnh vải đẹp và dán lên tấm vợt. Và những hình trang trí này thường khắc hoạ lại những nhân vật nổi tiếng thời Edo ví dụ như những nghệ sĩ kịch Kabuki.
Oshie Hagoita được ghép từ 3 miếng gỗ để thêm phần chắc chắn cho phần mặt vợt. Ở phía sau được in hình quả mơ, hoặc những hình khác có ý nghĩa mang đến hạnh phúc và vận may. Oshie Hagoita là loại sản phẩm đặc trưng của thành phố Kasukabe, tỉnh Saitama và những người thợ thủ công nơi đây vẫn tiếp tục kế thừa truyền thống làm oshie hagoita gìn giữ truyền thống thời xa xưa của các ông cha.
Đi cùng với chiếc vợt Hagoita còn có cầu Hane được làm bằng quả bồ hòn có màu đen và lông chim. Nhưng ngày nay, những quả cầu này có nhiều hình dạng, kích thước và chất liệu được sử dụng cũng khác nhau, phù hợp theo nhu cầu của người chơi.
Trong tiếng Nhật, quả bồ hòn được gọi là “Mukuroji”, viết bằng chữ Hán với ý nghĩa “đứa trẻ không bị đau ốm”. Ngày xưa, mỗi khi bệnh dịch hoành hành người ta thường nghĩ nguyên nhân chính là do muỗi truyền bệnh. Vì vậy, khi chơi Hanetsuki, nhìn cầu Hane bay trên không khí giống như con chuồn chuồn bay và chuồn chuồn sẽ ăn muỗi, người ta nghĩ rằng nếu cầu được giữ trên không khí càng lâu thì trong năm mới người chơi sẽ càng được bảo vệ khỏi lũ muỗi.
Trò chơi này có thể được chơi bởi một hoặc nhiều người chơi và có thể được chơi theo hai cách. Đối với cách chơi “Agehane” dành cho một người chơi, họ sẽ thi xem ai tưng được cầu mà không để cầu rơi xuống đất nhiều hơn. Ở cách thứ hai – Oibane dành cho hai người chơi đối kháng nhau – họ đánh Hane qua lại với nhau. Ai để quả cầu Hane chạm xuống mặt đất coi như thua và sẽ bị đối phương quẹt mực tàu vào mặt. Đây là lúc vui nhộn nhất của trò chơi khi cả kẻ thắng, người thua đều cười sảng khoái.
Ngày nay, không chỉ trong những dịp năm mới, Hanetsuki còn là trò chơi mang lại niềm vui, tiếng cười cho mọi người trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, nếu có cơ hội, du khách hãy thử trải nghiệm trực tiếp trò chơi dù có bị thua và phải chịu phạt thì đó cũng là một kỷ niệm đáng nhớ!
Vậy là chúng ta đã cùng nhau khám phá thêm một phần nét đẹp trong truyền thống văn hóa ở “xứ sở Phù Tang”. Hi vọng sau hành trình du lịch Nhật Bản, du khách sẽ hiểu thêm được những điều thú vị về đất nước này thông qua trò chơi dân gian truyền thống Hanetsuki và những ý nghĩa, cũng như các câu chuyện lịch sử đằng sau nó.