Mãn nhãn với 6 điệu múa truyền thống của Nhật Bản

Những giai điệu rộn rã, những nụ cười rạng rỡ, cùng những bộ phục trang đầy màu sắc, những chuyển động nhịp nhàng mạnh mẽ mà mềm mại, đầy nhiệt huyết… là những gì người ta nghĩ đến khi nhắc về các điệu múa truyền thống Nhật Bản.

1. Eisa

Eisa là điệu múa truyền thống có lịch sử lâu đời. Nó bắt nguồn từ một bài hát dân gian có nguồn gốc từ cách đây vài trăm năm. Điệu múa truyền thống này được duy trì và phát huy trên khắp Okinawa – tỉnh cực nam của Nhật Bản. Người dân thông qua Eisa bày tỏ lòng kính trọng với tổ tiên vào những lễ hội mùa hè sôi động.

Nhịp điệu và những chuyển động đẹp mắt của Eisa hòa quyện cùng tiếng trống Taiko tạo nên một điệu nhảy uyển chuyển và sống động khiến người xem không thể rời mắt. Bên cạnh Eisa truyền thống, gần đây người dân bắt đầu sáng tạo nên những điệu nhảy Eisa hiện đại bằng cách sử dụng nhạc rock và nhạc pop thay cho nhạc truyền thống.

Ngày nay, nhiều sự kiện nghệ thuật được tổ chức trong đó có sự góp mặt của các nhóm khác nhau tập hợp để biểu diễn Eisa với phong cách âm nhạc và vũ đạo độc đáo của riêng họ. Một trong những sự kiện lớn nhất phải kể đến lễ hội mùa hè ở Naha. Tiêu điểm của lễ hội là cuộc diễu hành của 10.000 vũ công Eisa diễn ra vào ngày Chủ nhật của tuần lễ. Với sự pha trộn thú vị giữa cũ và mới, cuộc diễu hành trở thành một cuộc thi nhảy sôi động cho tất cả mọi người. Từ già đến trẻ tất cả đều say mê theo những vũ điệu sôi động. Cuối cuộc diễu hành là một điệu nhảy tập thể lớn được gọi là “Eisa pageant”. Nhóm 1.000 người được chọn tập luyện trong 2 tháng để thực hiện các động tác nhảy giống nhau tạo nên một màn trình diễn vô cùng đẹp mắt.

2. Yosakoi

Yosakoi xuất hiện lần đầu tiên cách đây 64 năm tại vùng Tosa (nay là tỉnh Kochi). Từ đó đến nay, điệu múa này vẫn không ngừng lan rộng và phát triển, không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được yêu thích trên toàn thế giới. Trong ngôn ngữ địa phương của vùng Tosa, Yosakoi bắt nguồn từ khẩu ngữ “Yosshakoi”, có nghĩa là “Đêm nay mời bạn đến”. Không phân biệt giới tính, tuổi tác, chuyên nghiệp hay nghiệp dư, bất cứ ai cũng đều có thể hòa chung vào trong điệu múa Yosakoi tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.

Để thực hiện điệu múa Yosakoi, những vũ công thường khoác trên mình đồ diễn là những bộ Yukata hoặc Happi. Và một trong những vật dụng không thể thiếu khi nhảy Yosakoi chính là Naruko – vật dùng bằng gỗ, có cán cầm với 3 thanh gỗ nhỏ gắn ở trên để khi lắc sẽ phát ra những âm thanh giòn giã, vui tai. Những chiếc Naruko thường có một hoặc hai mặt được sơn màu sắc truyền thống là màu đỏ hoặc màu sắc và hoa văn truyền thống của đội diễn. Ngoài Naruko thì để phù hợp với nội dung bài diễn, các đội nhảy có thể sử dụng các đạo cụ khác như đèn, quạt, dải lụa,…

Một trong những yếu tố thu hút của Yosakoi chính là âm nhạc và vũ đạo. Những bản nhạc được các đội nhảy sử dụng trong Yosakoi thường mang âm hưởng mạnh mẽ, vui tươi. Tuy nhiên, theo sự phát triển của thời gian, âm nhạc trong Yosakoi đã trở nên vô cùng đa dạng, mạnh mẽ có, dịu dàng uyển chuyển cũng có. Nhưng về cơ bản, các bài hát đều được sáng tác dựa trên bài hát gốc có tên “Yosakoi Naruko Odori” – “Vũ đạo Yosakoi Naruko” của tác giả Takemasa Eisaku. Bài hát gốc này được sáng tác dựa trên 3 bản nhạc khác mang tên “Yosakoi-bushi” (giai điệu Yosakoi), “Yocchore” (một bài hát thiếu nhi) và “Jinma-mo” (một bài dân ca tỉnh Kochi).

Đi kèm với âm nhạc là phần vũ đạo mang những nét văn hóa truyền thống kết hợp hài hòa với hơi hướng hiện đại. Các động tác trong Yosakoi thường được mô phỏng theo những hoạt động thường ngày của người dân như quăng lưới, đánh cá, giăng buồm ra khơi,… Tuy nhiên, khi Yosakoi ngày một phát triển và lan rộng ra toàn thế giới thì ngoài những yếu tố cốt lõi mang tính bắt buộc, người ta dần thêm vào những yếu tố hiện đại, hoặc kết hợp thêm những nét văn hóa riêng của quốc gia mình.

Và một yếu tố không thể thiếu trong bất cứ bài nhảy Yosakoi nào chính là nụ cười rạng rỡ trên mặt mỗi vũ công. Các vũ công không chỉ đơn thuần là hòa mình vào giai điệu mà còn phải truyền tải được tinh thần, đam mê, và nhiệt huyết của mình tới được với khán giả. Đây mới chính là mục đích cốt lõi sau cùng mà bộ môn nghệ thuật truyền thống này hướng tới.

3. Bon Odori

Bon Odori là điệu múa truyền thống Nhật Bản thường được biểu diễn trong các lễ hội mùa hè. Tên của điệu múa này có liên quan tới lễ hội Bon – lễ hội Phật giáo tại Nhật Bản diễn ra vào tháng 8 để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Điệu múa Bon Odori là điệu múa để dâng lên tổ tiên, chào đón linh hồn tổ tiên quay trở lại thế giới.

Trước đây, Bon Odori được biểu diễn theo phong cách truyền thống. Các nghệ nhân thường mặc trang phục Kimono và nhảy điệu Bon Odori theo kiểu múa vòng tròn quanh một sàn gỗ. Sàn gỗ này có tên gọi là Yakuza, đây cũng là nơi các ca sĩ và các vũ công trình diễn trong đêm hội Obon.

Ngày nay, bên cạnh điệu nhảy Bon Odori truyền thống, người Nhật còn sáng tạo nên kiểu nhảy hiện đại. Thay vì nhảy thành vòng tròn như điệu nhảy truyền thống thì vũ công lại nhảy múa trên hàng thẳng. Hoặc một kiểu nhảy Bon Odori khác nữa là vũ công sẽ cầm vật gì đó khi nhảu, có nơi vũ công cầm quạt khi nhảy múa và cũng có vũ công múa với những chiếc khăn đầy màu sắc gọi là Tenugui.

Tùy vào kiểu nhảy mà nhạc nền của điệu múa cũng thay đổi theo. Với các kiểu nhảy truyền thống thì nền nhạc là những nền nhạc truyền thống, lâu đời. Mặt khác, nền nhạc sẽ được lồng ghép các đạo cụ, phụ kiện đi kèm để minh họa thêm cho bài múa.

4. Nihon Buyo

Đây cũng là điệu múa truyền thống lâu đời của Nhật Bản, được biểu diễn bởi các vũ công trong trang phục Kimono và sử dụng một số đạo cụ như quạt, dây thừng.

Khác với điệu nhảy Bon Odori có tính quần chúng cao, Nihon Buyo thường được trình diễn trên sân khấu như là một phần của các sự kiện giải trí. Các vũ công phải trải qua quá trình luyện tập đặc biệt để trình diễn điệu múa này và thường được các nghệ nhân – được gọi là “Shiso” truyền dạy.

Nihon Buyo thường được biểu diễn trên nền nhạc cổ truyền Nhật Bản, với những động tác chậm rãi, bước di chuyển nhỏ và cử chỉ nhẹ nhàng, tinh tế.

5. Noh Mai

Noh Mai là một điệu múa cổ xuất hiện từ thế kỷ 13 ở Nhật Bản, được biểu diễn chung với âm nhạc tạo bởi sáo, những loại trống cầm tay nhỏ và đàn luýt.

Điệu múa Noh Mai thường kể những câu chuyện, như những câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng của Nhật Bản. Các nghệ nhân biểu diễn thường mặc trang phục đầy màu sắc và đôi khi đeo mặt nạ. Họ được đóng vai những nhân vật như anh hùng hay hóa trang thành ma, quỷ.

6. Kabuki

Kabuki có lẽ là điệu múa nổi tiếng nhất trong số các thể loại giải trí truyền thống ở Nhật Bản. Kabuki có đặc trưng là “kịch múa” gồm múa, hát, diễn tấu và trình diễn nghệ thuật.

Kabuki hầu hết được tổ chức trên các sân khấu Kabuki đặc biệt, phân bố khắp đất nước Nhật Bản. Các buổi diễn Kabuki thường là những câu chuyện kể về lịch sử, đời sống và xã hội Nhật Bản, mang đến cho người xem những trải nghiệm và cái nhìn chân thực về các khía cạnh của Nhật Bản mà họ không thể tìm thấy ở những hình thức nghệ thuật khác.

Kabuki nắm giữ một vị trí quan trọng trong nền văn hóa giải trí Nhật Bản trong một thời gian dài và vẫn còn phổ biến tới ngày nay. Với những cải tiến về kỹ thuật, ánh sáng, hiệu ứng,… Kabuki như đang tự làm mới mình cùng thời gian!

Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách đừng bỏ qua cơ hội được một lần “thưởng thức” 6 điệu múa truyền thống đặc sắc mà chúng tôi đã giới thiệu nhé! Chúc các du khách có một chuyến đi vui vẻ và đầy thú vị!