Nếu du khách là fan của bộ truyện Doraemon đình đám và đặc biệt có cảm tình với chú mèo máy cùng tên thì hẳn du khách luôn luôn nhớ món ăn ưa thích của chú ta, đó là chiếc bánh rán Dorayaki. Ngoài ra, đó còn là loại bánh truyền thống lâu đời ở Nhật Bản.
Bánh rán Dorayaki đã xuất hiện khá lâu trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Theo tài liệu lịch sử thì Dorayaki ra đời trong giai đoạn Taisho (1912-1926) với hình dạng ban đầu là gồm một lớp bánh được gấp lại. Và cho đến năm 1914, Dorayaki mới có 2 lớp bánh được phát minh ra bởi cửa hàng Usagiya ở quận Ueno giống như hình dáng của bánh ngày nay.
Mặc dù, bánh Dorayaki có nguồn gốc tại chính Nhật Bản, thế nhưng người Nhật lại không rõ cái tên Dorayaki này xuất phát từ đâu. Trong tiếng Nhật, “Dora” (銅鑼) có nghĩa là cồng, chiêng, và “yaki” có nghĩa là nướng, tên gọi của loại bánh này có lẽ cũng bởi nó giống với những nhạc cụ này. Truyền thuyết kể rằng một Samurai có tên Benkei đã bỏ quên chiếc chiêng (Dora) của anh ta khi rời khỏi nhà của một người nông dân, nơi anh ta ẩn náu. Người nông dân sau đó đã dùng chiếc chiêng bị bỏ lại đó để chiên ra những chiếc bánh, và từ đó gọi chúng là Dorayaki.
Ở vùng Kansai, như Osaka hay Nara, loại bánh này thường được gọi là “Mikasa” (三笠). Từ này có nghĩa là mũ rơm ba lớp; nhưng cũng là một tên khác của núi Wakakusa, một ngọn đồi thấp với dốc lên thoai thoải ở Nara. Nhiều người dân địa phương hình dung ra hình thù ngọn núi khi ăn Mikasa.
Bánh Dorayaki truyền thống có phần nhân bánh được làm từ đậu đỏ. Phần vỏ là sự kết hợp của 2 lớp bánh tròn, dẹt được làm từ bột mịn, nướng vàng và được phết mật ong bên trong.
Dần dần, theo sự thay đổi của thời gian, người Nhật còn sáng tạo ra thêm nhiều loại nhân khác để nó có thể đa dạng và hấp dẫn hơn như: nhân đậu xanh, đậu trắng, hạt dẻ, nhân kem, cafe, trà xanh matcha, chocolate, các loại mứt (mứt cam hay mứt dâu),… Thế nhưng, nhân đậu đỏ vẫn được mọi người yêu thích hơn cả bởi nó hòa quyện với phần bánh được kẹp hai bên.
Không chỉ là một loại bánh thông thường, Dorayaki còn có hẳn một ngày kỷ niệm riêng. Vào năm 2008, người Nhật đã chọn ngày 4/4 làm ngày kỷ niệm Dorayaki. Lý do chọn ngày này rất đơn giản là vì đây là loại bánh trẻ em Nhật Bản rất yêu thích. Trong khi đó, ngày bé gái ở Nhật là 3/3, ngày bé trai là 5/5 nên người Nhật đã chọn ngày ở giữa là 4/4 làm ngày bánh Dorayaki. Việc người Nhật sẽ tổ chức ngày kỷ niệm bánh Dorayaki vừa thể hiện lịch sử lâu đời của món bánh này, vừa tạo nên nét văn hóa rất riêng của họ.
Vừa có một lịch sử truyền thống lâu đời lại vừa có hẳn một ngày kỷ niệm riêng, Dorayaki không chỉ đơn giản là chiếc bánh rán của chú mèo máy Doraemon mà nó còn có vị trí rất vững trong văn hóa ẩm thực của người Nhật.
Ngày nay, cách làm Dorayaki được lan truyền khắp mạng xã hội nên cũng không khó khăn gì để làm một chiếc bánh Dorayaki và thưởng thức tại nhà. Tuy nhiên, cảm giác thưởng thức chiếc bánh này ngay tại “quê hương” của nó sẽ vẫn mang lại cảm giác hoàn toàn khác biệt. Do đó, nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách đừng quên tìm mua và thưởng thức ngay chiếc bánh rán Dorayaki ngọt ngào này nhé!