Nhật Bản, đất nước của những điều kỳ lạ. Người Nhật khiến cho rất nhiều người trên thế giới phải thảng thốt khi biết được niềm đam mê đặc biệt của họ dành cho “nhà vệ sinh” và đặc biệt là “Unko” (“phân” trong tiếng Nhật).
Bất cứ ai từng có dịp thăm thú Nhật Bản đều sẽ bị choáng ngợp bởi hệ thống nhà vệ sinh của quốc gia này. Từ những bồn rửa tay sạch bóng đến những toilet có lẽ còn nhiều công năng hơn cả chiếc iPhone, rõ ràng văn hóa “nhà nhỏ” của người Nhật không chỉ gói gọn trong việc “đi vệ sinh”.
Trên thực tế, nhà vệ sinh và đặc biệt là “phân” còn là biểu trưng cho nhiều ý nghĩa khác nhau đối với người Nhật, trong cả văn hóa truyền thống lẫn đương đại. Dưới đây là một vài ví dụ tiêu biểu cho những quan niệm đó:
Thần Toilet
Người Nhật cho rằng trong mỗi sự vật đều tồn tại một vị thần, và nhà vệ sinh cũng không ngoại lệ. Có lẽ vị thần này đã cai quản để các toilet tại Nhật Bản luôn luôn sạch sẽ chăng?
Trước kia, người ta thường sử dụng chất thải người để bón cho cây trong trồng trọt. Niềm tin vào một vị thần trong nhà vệ sinh (còn được gọi là “Kawaya Kami”) cũng nảy sinh từ thói quen này. Nhưng thực tế ngoài vai trò trên, Kawaya Kami còn được người Nhật tin rằng sẽ thúc đẩy sinh sản nhờ tính chất phát triển nông nghiệp.
Mỗi dịp đầu năm mới, nhiều phong tục thường được các gia đình tổ chức, để cầu Kawaya Kami sẽ phù hộ cho một mùa màng bội thu. Trong những ngày này, người Nhật sẽ ăn cơm theo miếng to – được coi là biểu tượng cho những may mắn mà thần linh để lại. Ngoài ra, một toilet nhất định trong căn nhà sẽ được giữ sạch sẽ và trang trí thật đẹp để tưởng nhớ vị thần đáng kính này.
Những bóng ma trong nhà vệ sinh
Người Nhật cũng tin rằng có nhiều linh hồn ẩn nấp trong nhà vệ sinh bên cạnh vị thần toilet. Một trong số đó là “Akaname” (trong tiếng Nhật có nghĩa là “kẻ liếm rác”) – một con yêu tinh sở hữu cái lưỡi dài ngoằng để ăn sạch mọi rác thải. Còn khi đang yên vị trong nhà tắm, nếu bạn vô tình nghe thấy tiếng thì thầm hỏi rằng bạn có thích một chiếc “áo măng-tô đỏ” không, thì đừng dại dột gật đầu, vì con ma Aka-Manto điển trai nhưng độc ác sẽ xé toạc da của bạn từ phía sau lưng đấy.
Nhưng truyền thuyết nổi tiếng nhất, rùng rợn nhất về ma trong nhà tắm phải kể đến “Toire no Hanako-san” (tạm dịch: Hanako của toilet). Đây cũng là một nhân vật có nhiều dị bản khác nhau được lưu truyền trong dân gian. Nhiều người nói Hanako bị bắt nạt và nhốt lại trong một buồng toilet ở trường bởi bạn bè hoặc cha mẹ. Một phiên bản khác kể rằng cô là một hồn ma nhí, thiệt mạng trong một cuộc ném bom từ thời Thế chiến II.
Nếu bạn cả gan muốn trò chuyện với Hanako, hãy đi vào một phòng vệ sinh, tìm đến buồng thứ ba và gõ cửa ba lần, hỏi: “Hanako có đó không?”. Đừng hoảng hốt nếu gặp phải Hanako nhé!
Các “biểu tượng cảm xúc” tạo nên độ “hot” trên toàn cầu
Xuất hiện lần đầu vào năm 1997, biểu tượng cảm xúc “Pile of Poo” (hoặc Poomoji, Poop Emoji, Poo Emoji) nhận được sự đón chào nồng nhiệt của người Nhật và dần lan rộng ra khắp thế giới. Không chỉ có thế, “Unko” (“phân” trong tiếng Nhật) còn truyền cảm hứng để tạo nên nhiều vật phẩm từ móc khóa điện thoại, bùa may mắn, linh vật hay thậm chí những bảo tàng siêu đáng yêu.
Sinh ra tại Nhật Bản, “Pile of Poo” hay “Unko Emoji” là biểu tượng cảm xúc vui nhộn hình một đống phân với đôi mắt mở to và nụ cười tươi. Nó xuất hiện lần đầu trong bộ 90 Emoji dành cho điện thoại di động của hãng J-PHONE (hiện nay là SoftBank Mobile) vào năm 1997.
Vào năm 2007, Google đã hợp tác với nhà mạng di động au by KDDI của Nhật Bản để phát triển Emoji dành cho Gmail với tham vọng mở rộng thị trường ở Nhật Bản và Châu Á. Lúc này, Unko Emoji thiết kế dành cho Gmail không có khuôn mặt và còn được bao xung quanh bởi những chú ruồi khiến nhiều người nhìn vào không khỏi ngượng ngùng vì khá táo bạo.
Người đóng vai trò lớn trong việc đưa Emoji này vào bộ biểu tượng cảm xúc cho Gmail là Takeshi Kishimoto, Giám đốc sản phẩm của Google tại Nhật Bản. Takeshi Kishimoto đã trao đổi trực tiếp với Giám đốc của Gmail, thuyết phục rằng Unko Emoji là biểu tượng hữu ích nhất. Đúng như dự đoán của Takeshi Kishimoto, Unko emoji đã trở thành biểu tượng cảm xúc phổ biến nhất với người dùng Nhật Bản, theo một thống kê của Google.
Sau quá trình nghiên cứu miệt mài, vào tháng 10/2008, Google ra mắt loạt Emoji đầu tiên cho Gmail; và ông lớn Apple cũng làm điều tương tự khi ra mắt bộ biểu tượng cảm xúc Apple Color Emoji, trong đó có Unko Emoji, vào ngày 21/11/2008.
Sự phổ biến của Unko tiếp tục được khẳng định khi vào năm 2010, Unko Emoji được thêm vào bộ mã Unicode ở phiên bản Unicode 6 và trở thành biểu tượng cảm xúc chính thức của Unicode vào năm 2015.
Năm 2016, Samantha Selinger-Morris của tờ ABC News đã viết trong một bài báo rằng: biểu tượng cảm xúc Pile of Poo là một trong những Emoji phổ biến nhất, nhờ sở hữu sức quyến rũ khó tả và khả năng vượt qua rào cản ngôn ngữ, chính trị. Thậm chí theo Guardian, vào tháng 08/2018, Unko Emoji còn “đánh bại” cả nữ ca sĩ đình đám Beyoncé về lượt tìm kiếm, theo thống kê của Google Trends.
Bên cạnh, Unko Emoji “làm mưa làm gió”, một biểu tượng phổ biến khác mà du khách có thể từng thấy qua là một đống phân màu vàng – “Kin no Unko”. “Kin no Unko” được xem là một biểu tượng may mắn bởi theo lý giải của nhiều người, âm tiết “un” trong từ “Unko” đồng âm với từ “may mắn” trong tiếng Nhật.
Vào năm 2006, ước tính có đến khoảng 2,7 triệu móc khóa điện thoại hình “Kin no Unko” được tiêu thụ tại Nhật Bản. Một trong những công ty lớn đứng sau việc kinh doanh móc khóa “Kin no Unko” là Ryukodo, đặt trụ sở tại Kyoto. Koji Fujii, Chủ tịch của Công ty Ryukodo đã có ý tưởng kinh doanh sản phẩm lấy cảm hứng từ “Kin no Unko” từ cuối năm 1999. Lúc bấy giờ, Nhật Bản rơi vào suy thoái kinh tế nên ông Koji muốn mang đến một sản phẩm giúp mọi người vui vẻ, điều kiện là giá thành phải rẻ.
Một số “Kin no Unko” được làm bằng sứ và mạ vàng 24 karat. Một chiếc móc khóa điện thoại hình Kin no Unko kích thước nhỏ có giá từ 105 yên, trong khi loại khổng lồ đặt trên tấm vải lụa đỏ có giá ít nhất là 2.100 Yên.
Các sản phẩm “Kin no Unko” bắt đầu trở nên phổ biến vào năm 2000 khi các nữ sinh trung học mua chúng làm quà lưu niệm trong chuyến tham quan của trường. Kể từ đó, sản phẩm lan truyền trong giới trẻ ở Nhật và tạo nên làn sóng yêu thích trên toàn quốc.
Vào năm 2017, trò chơi điện tử “The Legend of Zelda: Breath of the Wild” của Nintendo xuất hiện một món quà có tên là Hestu’s Gift giống với “Kin no Unko”.
Tòa nhà Asahi Beer Hall
“Kin no Unko” có sức hút mạnh mẽ đến nỗi tại quận Sumida ở Tokyo, người ta gọi tòa nhà Asahi Beer Hall bằng biệt danh “Unko-biru” bởi một “vật thể lạ” xuất hiện trên nóc (nhìn giống như “Unko”).
Mục đích thiết kế ban đầu của tòa nhà này không liên quan gì tới “Kin no Unko”. Thực chất, hình dáng của tòa nhà là một cốc bia với biểu tượng màu vàng khổng lồ được gọi là “Ngọn lửa Asahi”, vừa đại diện cho “trái tim bùng cháy của bia Asahi”, vừa là phần bia sủi bọt. “Ngọn lửa” này nặng tới 360 tấn, được tạo ra bởi những người đóng tàu bằng kỹ thuật đóng tàu ngầm và bên trong nó hoàn toàn rỗng.
Giáo sư Phân dạy chữ Hán (Unko Kanji Doriru)
Chữ Hán (Kanji) luôn là một phần khó nhằn trong tiếng Nhật, chưa kể đến việc trẻ em tại đây còn được yêu cầu thuộc hơn 1.000 Hán tự chỉ trong cấp bậc tiểu học. Để việc học chữ Hán trở nên dễ thở và gần gũi hơn, các nhà giáo dục Nhật Bản đã xây dựng nên một nhân vật với tạo hình đặc biệt: “Giáo sư Phân”.
Nhân vật “Giáo sư Phân” được thiết kế với cặp kính và bộ ria mép đặc trưng đã tạo nên thành công vang dội khi sách Unko Kanji Doriru (tạm dịch: Luyện Hán tự cùng thầy Phân) bán được hơn 1,83 triệu bản. Tập sách với những chữ Hán khô khan bỗng trở nên sinh động và hài hước vì chúng đều có liên quan đến “phân” đã giúp học sinh Nhật yêu thích việc học Hán tự hơn.
Những bảo tàng chủ đề “nhà vệ sinh” và “Unko” tại Nhật Bản
Mang tình yêu đặc biệt dành cho “nhà vệ sinh” và “Unko”, người Nhật còn xây dựng nên các bảo tàng dành riêng cho chúng. Bên trong Bảo tàng Văn học Himeji có một Bảo tàng Unko. Đến đây, bên cạnh các buổi triển lãm về “Unko”, du khách còn tìm thấy cuốn sách “Văn học bài tiết” với nội dung về Unko cũng như các chủ đề liên quan khác.
Vào tháng 03/2019, một phòng triển lãm tạm thời về Unko được mở ra ở Yokohama và nhanh chóng tạo nên tiếng vang. Sáu tháng sau, ban tổ chức của phòng trưng bày này đã xây dựng nên Bảo tàng Unko Tokyo, nằm ở tầng 2 của khu phức hợp mua sắm DiverCity Tokyo Plaza, quận Koto, Tokyo.
Các tác phẩm, cũng như những khu tham quan hấp dẫn bên trong bảo tàng đều dựa theo chủ đề “Max Unko Kawaii”, có nghĩa “phóng đại sự dễ thương của Unko”. Mọi thứ trong bảo tàng đều có hình dạng giống với “Unko” hoặc bồn cầu, được thiết kế theo phong cách “Kawaii” dễ thương, một nét văn hóa đặc trưng của Nhật Bản. Đây cũng là yếu tố chính tạo nên sự thành công vang dội của bảo tàng Unko, bởi người Nhật vốn cuồng những thứ xinh xắn, đáng yêu.
Du khách có thể thoải mái chụp những bức ảnh selfie độc lạ tại phòng trưng bày Un-stagenic hay chiêm ngưỡng loạt tranh minh họa về Unko được vẽ bởi các họa sĩ nổi tiếng tại khu vực Un-telarter. Thêm vào đó, bạn có thể mua những món quà lưu niệm độc đáo tại ‘Nhà máy Unko” của bảo tàng.
Là một địa điểm có một không hai về Unko, Bảo tàng Unko ở Tokyo thu hút gần 100.000 lượt khách ghé thăm mỗi tháng và mang văn hóa “nhà vệ sinh” của Nhật Bản lan rộng khắp mọi nơi.
Văn hóa Nhật Bản thật muôn màu và thú vị, từ những giai thoại truyền thống cho đến những trào lưu không thể “chuối” hơn xoay quanh khu vực mà ai cũng tưởng mình đã biết – nhà vệ sinh và “Unko”. Vậy mới thấy trí tưởng tượng của của con người ta có thể phong phú đến nhường nào. Nếu du khách có hứng thú với nét văn hóa “kỳ lạ” này, hãy Book Tour Nhật Bản của chúng tôi để có cơ hội tự mình khám phá nhiều hơn nhé!