Người Nhật không có văn hóa nhận tiền tip

Tại nhiều quốc gia, việc đưa tiền tip (“boa”) thể hiện sự hài lòng của khách hàng sau khi trải nghiệm dịch vụ. Tuy nhiên, văn hóa này không tồn tại phổ biến ở đất nước Nhật Bản.

Trong văn hoá Nhật Bản, việc đưa tiền tip khi sử dụng dịch vụ được coi là khá kỳ lạ và đôi khi có thể dẫn tới những tình huống khá ngại ngùng, lúng túng. Hầu hết nhân viên làm việc trong các ngành dịch vụ tại Nhật Bản, từ người lái xe taxi, tới nhân viên phục vụ tại nhà hàng, khách sạn… đều không mong đợi nhận được tiền tip sau khi khách hàng trải nghiệm dịch vụ của họ. Điều này cũng áp dụng với các nhà hàng, từ những nhà hàng trong các khách sạn xa xỉ cho tới những quán ramen nhỏ bé bên lề đường, các quán cafe, các quán bar,… Tất cả những gì khách hàng cần làm để bày tỏ lòng biết ơn trước dịch vụ tuyệt vời tại nơi này là thái độ lịch sự, niềm nở với nhân viên, một cái cúi đầu, một nụ cười chào tạm biệt họ trước khi rời đi.

Ở các nhà hàng, người Nhật muốn thể hiện hơn nữa thái độ trân trọng của mình, nhưng lại không thể đưa tiền tip. thì cũng có thể để lại trên bàn ăn những món quà nhỏ bé rất đẹp mắt để cảm ơn và bày tỏ sự đánh giá cao, khích lệ người phục vụ. Đó được gọi là Origami Tip, những tác phẩm gấp giấy nghệ thuật tỷ mẩn như chứa đựng tấm lòng của người gấp giấy. Khác với sự thực dụng của việc cảm ơn bằng tiền bạc, đây là nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Nhật, đầy chân thành và ấm áp.

Vậy thì lý do tại sao mà văn hoá tiền tip không tồn tại phổ biến ở đất nước Nhật Bản? Chúng ta sẽ xem xét ở những khía cạnh sau đây:

Một số cuốn sách nói rằng “boa” bị coi là hành động bất lịch sự ở Nhật Bản. Người Nhật coi tiền bạc là thành quả của lao động nên nếu ai đó đưa thêm tiền ngoài giá niêm yết họ sẽ cảm thấy như mình bị xúc phạm vì cảm thấy như mình làm việc không hiệu quả dẫn đến việc không được trả công đầy đủ nên mới cần thêm tiền boa. Tuy nhiên, theo trang Live Japan, điều đó không hoàn toàn đúng. Đơn giản, tip có thể là một thứ xa lạ trong văn hóa Nhật Bản.

Ở một nguyên nhân khác, người Nhật có thứ khác thay tiền tip. Khi đi du lịch Nhật Bản, du khách sẽ không phải trả bất cứ thứ gì ngoài hóa đơn của mình. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tổng số tiền của du khách bằng với chi phí đồ ăn mà du khách đã mua. Khi du khách bước vào một nhà hàng Nhật Bản, du khách sẽ được phục vụ một món khai vị nhỏ. Nó không miễn phí như khăn nóng hoặc khăn lạnh bạn hay dùng. Otoshi là tên của món khai vị đó – thứ mà du khách nhất định phải trả tiền dù muốn hay không. Otoshi thường có giá khoảng 500 Yên/người nhưng ở những nơi cao cấp hơn thì có thể là 1.000 Yên. Mặc dù có vẻ là một mức giá dễ chịu cho với món khai vị thông thường nhưng thực ra chỉ khoảng 2-3 miếng hoặc là một món Salad đơn giản với các nguyên liệu bình dân. Thực ra, mục đích của món ăn này nhằm “làm trơn” phí dịch vụ của bữa ăn.

Điều quan trọng là họ nhận thấy rằng mình đã được trả lương tương xứng với công sức và được nhận những “hậu đãi” phục vụ tốt cho cuộc sống của họ.

Người Nhật cũng có quan niệm rằng: cuộc sống của nhân viên gắn chặt với sinh tồn của nơi làm việc. Khi họ phục vụ không tốt, khách không quay trở lại, thì nhà hàng của họ sẽ nguy cơ phá sản. Đó là động lực to lớn hơn một chút tiền tip.

Như đã nói ở trên, văn hoá “boa” không phổ biến ở “xứ Phù Tang”. Tại nhà hàng, tiệm cắt tóc, taxi, combini,… “boa” tiền đều không phù hợp. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ người Nhật vẫn gửi tip như một lời cảm ơn tới những người đã phục vụ, hỗ trợ mình.

Tại các Ryokan, một người phụ nữ gọi là Nakai-san – nhân viên lữ quán – sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn, chăm sóc mọi nhu cầu của khách trong suốt thời gian họ lưu trú tại đó. Khác với tip thường được tặng sau khi sử dụng dịch vụ, người Nhật sẽ gửi một phong bì đến Nakai-san như lời chào hỏi, đi kèm với câu “お世話になります” (Xin hãy chiếu cố) vào ngày đầu đến lữ quán, ngay sau khi Nakai-san hướng dẫn khách nhận phòng và cung cấp các thông tin cần thiết. Món tiền này được gọi là “Kokorozuke”.

Để cảm ơn sự cực nhọc của các nhân viên vận chuyển, khuân vác, người thuê cũng có thể gửi phong bì Kokorozuke cho từng người.

Người tổ chức, chụp ảnh, làm tóc, MC… cũng có thể là đối tượng để nhận tiền boa thích hợp.

Tip còn có thể dành cho nhân viên công ty. Đây là một phong tục phổ biến trong các công ty Nhật. Khi bán được những đơn hàng lớn, một số tiền nhỏ sẽ được cho vào trong phong bì màu đỏ có in chữ “大入” (Ooiri) và trao cho nhân viên có liên quan để cảm ơn nỗ lực của họ.

Trong văn hóa Nhật Bản, boa tiền trực tiếp là vô cùng thô lỗ với người nhận. Những tờ tiền sạch cần được cho vào phong bì và trao cho người nhận bằng cả hai tay, họ cũng dùng cả hai tay để nhận. Phong bì đựng tiền có thể là Pochi-bukuro hay Kaishi và tiền giấy được sử dụng thay vì tiền xu. Pochi-bukuro là phong bì nhỏ dùng để đựng tiền mừng tuổi dịp năm mới, tiền boa hay tiền mừng. “ポチ – Pochi” trong phương ngữ Kansai nghĩa là một chấm hoặc vật nhỏ, cũng như thái độ khiêm tốn của người Nhật khi tặng quà cho người khác. Kaishi là một tập giấy người Nhật luôn mang theo bên mình vào thời Kimono vẫn là trang phục hàng ngày, và ngày nay nó có thể được sử dụng làm khăn giấy, giấy ghi chú… vô cùng tiện lợi. Ta có thể xếp giấy Kaishi thành phong bì đựng tiền trong trường hợp không có sẵn Pochi-bukuro.

Nhật Bản là một điểm đến được rất nhiều khách du lịch trên thế giới ưa thích và lựa chọn. Văn hóa tiền tip tại đây cũng vô cùng đặc biệt so với các quốc gia khác, chính vì vậy, du khách nên tìm hiểu kỹ trước khi du lịch Nhật Bản nhé!