Những điều thú vị về môn võ Aikido độc đáo của Nhật Bản

Nhật Bản được biết đến không chỉ với nền văn hóa nhiều màu sắc mà còn là nơi khởi nguồn của những môn võ trứ danh. Trong số đó không thể không nhắc Aikido (Hiệp khí đạo).

Aikido là một bộ môn võ thuật hiện đại có nguồn gốc từ Nhật Bản. Theo nhiều ghi chép sót lại, trong giai đoạn đầu tiên thành lập của môn phái, tên gọi “Aikido” lúc đó là Aiki-Jujutsu. Tên gọi Aikido là hợp nhất của 3 chữ: “Ai” là hài hoà, hòa hợp, yêu thương; “ki” là khí, tinh thần, còn “do” là con đường đi, đạo. Như vậy, có thể hiểu Aikido là môn võ chỉ ra con đường giúp võ sinh hòa hợp với vũ trụ.

Môn võ này được tổ sư Morihei Ueshiba (còn được gọi là O Sensei, 1883-1969) phát triển vào đầu thế kỷ 20. Với những am hiểu về nhu thuật (Jujutsu), kiếm thuật và thương thuật, tổ sư Ueshiba đã dành một nửa đời mình để nghiên cứu và phát triển một môn võ thuật mới. Aikido được xem là sự kết hợp giữa những đòn khóa và ném của Nhu thuật (Jujitsu) cùng với những chuyển động cơ thể trong Kiếm thuật (Kenjutsu) và Thương thuật (Sojutsu). Không chỉ tiếp thu tinh hoa của các trường phái khác, tổ sư Ueshiba còn thêm cả những kỹ thuật mới do chính ông tạo ra vào trong Aikido.

Theo O-Sensei, Aikido không chỉ là một môn võ dùng để đánh bại kẻ thù mà còn là con đường giúp cải thiện tính cách và nâng cao tinh thần của con người. Ông đã đặt tên môn võ này là “Aikido”, tức là “con đường hợp nhất với năng lượng sống” hoặc “con đường của tinh thần hài hòa”. Hiểu sâu xa hơn, tên môn võ này muốn nhắn nhủ đến Akidoka (người tập Aikido) rằng, hãy yêu thương thế giới và những người sống quanh mình.

Trong Aikido cũng như hầu hết các môn võ “xứ sở Phù Tang”, luyện tập thể chất và rèn luyện tinh thần luôn song hành. Người tập Aikido không được khuyến khích tấn công hoặc khiêu khích đối thủ trước. Ngược lại, nó tập trung vào việc hóa giải các đòn tấn công của đối thủ thay vì thực hiện các đòn tấn công chủ động. Người tập sẽ được học cách đánh ngã, khóa đối thủ một cách an toàn nhất cho cả hai bên. Các động tác uyển chuyển, hài hòa, dẻo dai, kết hợp với sức mạnh mang lại nhiều lợi ích cho người tập. Về mặt tinh thần, người tập võ Aikido phải nhớ rõ tính “bất tương tranh” của môn võ. Hầu hết các môn võ đều tìm kiếm tuyệt chiêu hạ gục đối phương, nhưng Aikido lại cho rằng chiến thắng nào cũng chỉ là tương đối. Một người giỏi hôm nay chưa chắc đã là người giỏi ngày mai. Người chiến thắng lại thường có nhiều tính xấu như chủ quan, tự mãn… Aikido không tập trung vào việc thắng người mà chủ yếu tập trung vào lợi ích rèn luyện sức khỏe, không đề cao sự huy hoàng của chiến thắng mà đề cao sự hài hòa của con người và vũ trụ, thể hiện triết lý sống cao đẹp của người Nhật Bản.

Trong Aikido, các kỹ thuật được chia làm 3 phần chính, bao gồm: Nage (kỹ thuật ném), Osae (kỹ thuật giữ và kiểm soát), Kokyu-ho (kỹ thuật thở). Đặc điểm chính của các kỹ thuật này là không tập trung vào tấn công hay sức mạnh mà chủ yếu quan tâm đến độ chính xác và kịp thời khi thực hiện chúng. Trong Aikido vẫn có một số đòn tấn công như Atemi, nhưng chúng lại không được sử dụng với mục đích gây thương tích cho đối thủ. Ngược lại, chúng chỉ được dùng để đánh lạc hướng và giúp Akidoka giành thế chủ động trong trận đánh.

Để luyện tập Aikido, Akidoka sẽ sử dụng các vũ khí bao gồm gậy gỗ ngắn (Jo), kiếm gỗ (Bokken), dao (Tanto) và một số trường phái sử dụng súng. Môn sinh sẽ được dạy các động tác cướp và kiểm soát vũ khí từ tay đối thủ. Việc luyện tập này sẽ không chỉ giúp đối phó với nhiều tình huống thực chiến mà còn rèn luyện được các kỹ thuật về di chuyển, cảm nhận về khoảng cách, thời gian trong không gian sao cho hợp lý nhất.

Trang phục cũng là thứ không thể thiếu khi tập Aikido. Đồng phục Aikido (Dogi hoặc Keikogi) có tay áo và ống quần hơi ngắn, cho phép người tập di chuyển cũng như thực hiện các động tác bắt và quật đối thủ một cách dễ dàng. Ngoài ra, một loại trang phục khác có tên là Hakama cũng có thể được mặc khi tập Aikido. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể mặc Hakama. Loại trang phục này chỉ dành cho những Aikidokan đai đen.

Về cấp độ của các môn sinh trong hiệp khí đạo, sẽ được phân biệt bởi dây đai trên trang phục. Theo đó, người tập được chia làm 2 hạng là “cấp” (Kyu) và “đẳng” (Dan), tương ứng với hai màu đai là trắng và đen. Thông thường, võ Aikido sẽ có 6 cấp và 3 đẳng. Sau đây là những cấp bậc trong Aikido theo thứ tự từ sơ cấp để cao cấp: Kyu thứ 6 (Rokukyu) – đai trắng, Kyu thứ 5 (Gokyu) – đai trắng, Kyu thứ 4 (Yonkyu) – đai trắng, Kyu thứ 3 (Sankyu) – đai trắng, Kyu thứ 2 (Nikyu) – đai trắng, Đệ nhất Kyu (Ikkyu) – đai trắng, Sơ đẳng (Shodan) – đai đen, Nhị đẳng (Nidan) – đai đen, Tam đẳng (Sandan) – đai đen. Mỗi cấp bậc cụ thể sẽ có những bài kiểm tra năng lực khác nhau.

Trên đây là một số thông tin về Aikido Nhật Bản. Qua bài viết, hi vọng giúp du khách biết nhiều hơn về môn võ thuật truyền thống Aikido và những nét văn hóa truyền thống của “xứ Phù Tang”. Nếu du khách muốn khám phá nhiều hơn, hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Nhật Bản nhé!