“Nomikai” – Văn hóa nhậu của người Nhật

Người Nhật vẫn thường được biết đến với vẻ ngoài hào nhoáng trên các phương tiện truyền thông. Họ lao động miệt mài, hết mình vì công việc, lịch sự và sạch sẽ… Tuy nhiên, họ cũng có những mặt tối mà truyền thông dường như đã bỏ quên, ví dụ như “Nomikai” – văn hóa nhậu.

Có thể khẳng định rằng người Nhật đặc biệt thích uống rượu mạnh. Việc uống rượu bia cũng đã thấm vào máu người Nhật từ xa xưa và ngày nay nó trở thành một tệ nạn mà nhiều người khó tránh.

Trên thực tế, rất nhiều nhân viên ở Nhật Bản hiện nay buộc phải tham gia những cuộc nhậu sau giờ làm để có thể thăng tiến hoặc tạo mối quan hệ với đồng nghiệp. Cũng vì vậy mà việc nhậu say nằm vật vã ra lề đường hay ga tàu điện ngầm xuất hiện rất nhiều vào mỗi đêm tại các thành phố lớn của đất nước này. Điều đáng nói là từ một thứ đồ uống đơn thuần, rượu bia đang trở thành công cụ để bắt nạt nhân viên mới, đồng thời thành kẻ sát nhân cướp đi tính mạng của hàng nghìn thanh niên Nhật Bản mỗi năm.

Những buổi nhậu toan tính

“Nhậu” là một khái niệm gây nhiều tranh cãi, người ủng hộ nhưng cũng có kẻ phản đối kịch liệt. Bỏ qua những cuộc tranh luận xem nhậu tốt hay xấu, khó ai có thể phủ nhận bàn nhậu giúp người ta giao tiếp tốt hơn. Xoay quanh những ly rượu, cốc bia, họ có đủ chuyện để nói với nhau. Đôi khi, những bức tường ngăn cách cũng có thể gỡ bỏ chỉ sau bữa nhậu.

Đó cũng là lý do thuật ngữ “Nomunication” ra đời. Từ này là sự kết hợp giữa “Nomikai” và “Communication” (giao tiếp). Có thể hiểu, với người Nhật, buổi nhậu “Nomikai” không đơn thuần là bữa ăn. Đó là nơi để đồng nghiệp với đồng nghiệp, sếp với nhân viên hay các đối tác trao đổi, gắn kết nhau.

Về cơ bản, mục đích của Nomikai không xấu. Tuy nhiên, chính sự gắn kết trong bữa nhậu khiến nhiều người gặp áp lực không thể thoát ra. Việc từ chối bữa nhậu không khác gì tuyên bố “tự xa rời tập thể”. Gaijin Blog, trang viết về văn hóa và cuộc sống ở Nhật Bản, cho biết những người không đến các buổi nhậu dễ “bỏ lỡ cơ hội thăng tiến và bị kỳ thị trong công ty”. Vì thế, trong các công ty Nhật Bản, nhân viên kỳ cựu thường truyền tai nhau bí kíp: “Nếu muốn thăng tiến, việc đầu tiên là phải biết uống”. Chủ blog này nhấn mạnh nhiều vị sếp thường sử dụng Nomikai như một cách để đánh giá nhân viên. Thông qua các buổi nhậu, họ có thể nhìn thấy sự tương tác của cấp dưới, những điểm mạnh, điểm yếu cũng dần lộ ra. Quan trọng hơn cả, cách đối xử với sếp của nhân viên cũng có thể bị xem xét và đánh giá chỉ sau bữa nhậu.

Lý do những bữa nhậu có sức nặng như thế cũng một phần vì lối sống nguyên tắc của người Nhật. Trong một công ty, tất cả phải nhất nhất theo quy định. Nhân viên đến đúng giờ, ngồi họp vào đầu ngày. Giờ ăn trưa kéo dài một tiếng, bắt đầu từ 12h. Trong giờ làm việc, bạn phải tập trung tuyệt đối. Shigo (nói chuyện riêng) cần hạn chế ở mức tối thiểu. Sống trong không gian khắt khe như vậy, gây dựng mối quan hệ thân thiết là điều quá khó khăn. Do đó, họ chỉ có thể vui vẻ bên nhau trong những quán nhậu sau giờ làm việc để không ảnh hưởng tới tập thể.

Mua rượu dễ dàng

Tại Nhật Bản, người tiêu dùng có thể tìm mua rượu bia dễ hơn cả kẹo cao su. Chúng được bán tràn lan trong các cửa hàng tiện lợi hay những siêu thị nhỏ mở cửa 24/7. Yêu cầu giấy phép kinh doanh rượu tại “xứ Phù Tang” không có nhiều và người bán hàng chẳng mấy khi kiểm tra độ tuổi của người mua chúng. Bởi vậy, đồ uống có cồn này xuất hiện gần như ở mọi sự kiện trong văn hóa Nhật Bản.

Người Nhật uống rượu bia trên phố, ngoài bãi biển, trong công viên, trên tàu điện ngầm hay bất cứ nơi nào trên đất nước. Thậm chí máy bán hàng tự động rượu bia cũng là loại phổ biến nhất ở Nhật Bản và đương nhiên chúng chẳng thể phân biệt người mua có trên 20 tuổi theo luật định hay không.

Nomikai – nét văn hóa không thể thiếu trong xã hội Nhật Bản

Tại Nhật Bản, những bữa tiệc rượu (hay còn gọi là “Nomikai”) đã trở thành một văn hóa không thể thiếu trong xã hội. Thậm chí người ta còn gọi chúng là “Nomication” để ám chỉ văn hóa xã giao qua những chén rượu.

Trong một xã hội chú trọng phép tắc như Nhật Bản, rượu bia là công cụ dễ nhất để “phá băng” các mối quan hệ cũng như tạo nên sự gần gũi. Người Nhật hoàn toàn có thể lấy cớ say rượu để có những hành động trái quy tắc theo một khía cạnh nào đó nhằm giải tỏa tâm lý hoặc kéo gần thêm quan hệ.

Đặc biệt, nền kinh tế Nhật đang tăng trưởng chậm và người dân gặp đủ vấn đề từ mức lương, việc làm, chăm con, giá cả sinh hoạt cho đến chuyện tình duyên. Một xã hội lịch sự thái quá cũng như văn hóa cứng nhắc khiến nhiều người muốn uống rượu để giải tỏa tâm lý, bởi xã hội chấp nhận những kẻ say làm điều ngu ngốc.

Bên cạnh đó, trái với văn hóa Phương Tây khi các cá nhân có thể tự chủ quyết định khi nào thì nên uống và lúc nào nên dừng, những bữa nhậu tại Nhật hay các quốc gia Châu Á thường mang nặng tính cả nể. Những người tham gia bữa tiệc khó lòng kiểm soát lượng rượu mình uống do bị ép, bị khích hay đơn giản là do “văn hóa” từ xưa là thế.

Những kẻ nát rượu và hệ lụy đi kèm

Chính những điều trên đã tạo nên những kẻ nát rượu ở Nhật Bản. Dù muốn hay không, việc tiêu thụ rượu thường xuyên khiến người Nhật quen với sự hiện diện của đồ uống có cồn và nhiều người lâm vào cảnh nghiện rượu lúc nào không hay. Đi kèm với đó là hàng loạt các chứng bệnh như giảm thị lực, rối loạn tâm lý, bạo hành gia đình, stress…

Tệ hơn, vấn nạn học sinh uống rượu bia tại Nhật Bản đã chẳng còn gì mới bởi xã hội không đặt nặng chuyện này. Trong khi đó, tình trạng bạo hành gia đình ngày một tăng ở Nhật Bản với hơn 9.000 vụ được thông báo đến cảnh sát mỗi năm. Thậm chí bạo hành gia đình chỉ được coi là phạm pháp ở Nhật từ năm 2002.

Đó là chưa kể đến những vụ cưỡng bức, quấy rối tình dục, tự tử,… không được báo với cảnh sát do xã hội không có một cơ chế hay nhận thức bảo vệ các nạn nhân. Phụ nữ uống say bị cưỡng bức tại Nhật Bản vẫn bị xã hội coi là “gái hư” thay vì một nạn nhân cần được bảo vệ.

Điều đáng ngạc nhiên là xã hội và Chính phủ Nhật dường như ngại đề cập đến vấn đề này, hay nói chính xác hơn là họ không muốn thừa nhận mình gặp vấn đề về rượu bia. Báo cáo của Bộ Y tế Nhật Bản cho thấy 1,09 triệu người nước này đang nghiện rượu nhưng chỉ 40% thực sự điều trị, đó là chưa kể đến rất nhiều người nghiện rượu nhưng không nhận ra hoặc không dám thừa nhận vì tính sĩ diện, vì tinh thần “Samurai”.

Một yếu tố nữa khiến nhiều người ngạc nhiên là chính sự an toàn cũng như văn hóa tôn trọng không gian cá nhân, hệ thống giao thông công cộng hiện đại lại đang khiến người Nhật thoải mái say bí tỉ. Sự an toàn khiến con nhậu thoải mái uống tới tận đêm khuya, sự tôn trọng cá nhân khiến họ vô tư ngủ bên lề đường và hệ thống giao thông công cộng thuận tiện khiến họ chẳng cần bị phạt vì lái xe khi say rượu.

Vậy là du khách đã có sự hiểu biết thêm về nét văn hóa Nomikai ở “xứ Phù Tang”. Nếu du khách muốn khám phá thêm về nền văn hóa đặc sắc của đất nước này, hãy book Tour Nhật Bản của chúng tôi nhé! Chúc du khách có một chuyến đi vui vẻ và đầy thú vị!