Ẩm thực Nhật Bản nổi tiếng với rất nhiều món ăn kinh điển như Sushi, Sashimi, Tempura hay các món mì. Thế nhưng sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc về những món lẩu trứ danh. Món ăn tuy giản dị nhưng đã khiến bao trái tim thổn thức trong những ngày tuyết rơi lạnh lẽo ở “xứ Phù Tang”.
Những món lẩu Nhật thường được nhắc đến với tên gọi chung là “Nabemono” (những món ăn được chế biến từ hải sản, thịt gà, thịt lợn và rau quả bằng cách nấu trong nồi hầm đặt ngay trên bàn ăn).
Ở Nhật Bản, có nhiều loại Nabemono khác nhau tùy thuộc vào các nguyên liệu làm nên chúng. Trong đó, có 5 món lẩu nổi tiếng nhất là: Yosenabe, Oden, Sukiyaki, Shabu Shabu, và Chanko Nabe.
Lẩu Yosenabe
Từ xưa đến nay, Nhật Bản nổi tiếng với những món ăn thanh đạm và bổ dưỡng. Vì vậy, phong cách lẩu Nhật thường chú trọng sử dụng các nguyên liệu có tính giải nhiệt và thanh mát để khi thưởng thức không bị đầy bụng hay nhanh ngán. Lẩu Yosenabe mang hương vị truyền thống nhận được sự yêu thích của nhiều “tín đồ” ẩm thực tại Nhật Bản cũng như trên khắp thế giới.
Trong tiếng Nhật, “Yonsenabe” có nghĩa là “sự tập hợp”, bởi vậy món ăn này còn được biết đến với cái tên là “lẩu tổng hợp”. Theo đó, tất cả nguyên liệu của món lẩu đều được nấu chung trong một nồi. Điểm đặc biệt của lẩu Yosenabe nằm ở phần nước lẩu thanh đạm nhưng đậm đà, chế biến từ cá bào Bonito, khi thưởng thức dùng kèm với nước tương Miso.
Lẩu Yosenabe có hương vị đa dạng và sử dụng nhiều nguyên liệu phong phú như thịt gà, cá hồi, tôm, đậu hũ,… Dù thêm các nguyên liệu tùy thích khác, hương vị món lẩu vẫn không bị ảnh hưởng. Cách chế biến không quá phức tạp nhưng để lẩu Yosenabe chuẩn vị, cần lựa chọn nguyên liệu tươi để đảm bảo độ ngon.
Đầu tiên, sử dụng nước hầm xương làm nước lẩu, chú ý vớt bọt lúc hầm xương thường xuyên để nước lẩu trong và có vị ngọt thanh. Khi nước lẩu sôi, thêm thịt gà chặt khúc vừa ăn, tôm, nấm hương vào nấu chín rồi múc ra để riêng. Để có một nồi lẩu Yosenabe bắt mắt, cần chuẩn bị một chiếc nồi khác, xếp thịt gà, tôm cùng rau, nấm, đậu hũ vào trước, chế nước lẩu rồi đun sôi lên thưởng thức.
Theo truyền thống, lẩu Yosenabe được người Nhật dùng kèm với mì Udon. Những loại rau ăn kèm thích hợp của món lẩu này phải kể đến như: cải thảo, nấm kim châm, rau tần ô,… chấm cùng nước tương Miso. Với hương vị thanh mát, nguyên liệu đa dạng, bổ dưỡng, lẩu Yosenabe sẽ là món ăn thú vị để chiêu đãi cả nhà dịp cuối tuần.
Lẩu Sukiyaki
Sukiyaki là một món lẩu nổi tiếng của Nhật Bản, được dùng trong một nồi lẩu rất nông làm bằng hợp kim sắt. Lẩu Sukiyaki có hương vị ngọt bùi xen lẫn vị mặn giống như nước sốt Teriyaki, tuy nhiên khi kết hợp giữa thịt bò Kobe và một số loại rau ăn kèm thì lẩu Sukiyaki đã tạo nên hương vị riêng mà không một loại lẩu nào có thể có được. Đó cũng là điểm đặc trưng của lẩu Sukiyaki mà được người dân Nhật Bản rất ưa chuộng.
Cũng giống với “Sushi”, lẩu Sukiyaki cũng là một trong những nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực Nhật Bản, nhưng nó được phân biệt mùi vị tuỳ theo từng vùng miền khác nhau. Tại miền Đông Nhật Bản (Kanto), họ sử dụng nước sốt “Warishita” (có nguyên liệu chính là đường, nước tương, Mirin,…) để làm nước cốt chính của nồi lẩu khi nhúng thịt và rau. Tuy nhiên, tại miền Tây Nhật Bản (Kansai) thì lẩu Sukiyaki được làm theo cách là sử dụng đường và nước tương để nấu trực tiếp lẩu kèm với thịt bò.
Lẩu Sukiyaki đặc biệt chú trọng tới nguyên liệu là thịt bò tươi. Thịt bò được cắt lát mỏng để nhằm ngấm gia vị một cách nhanh nhất mà vẫn giữ được vị ngon và ngọt của thịt. Những miếng thịt bò thượng hạng ấy được nhúng sơ qua nước lẩu rồi chấm vào chén trứng gà sống đánh nhuyễn, độ nóng của thịt bò làm trứng chín và tạo thành một lớp mỏng bao quanh bên ngoài. Vị mềm ngọt của thịt bò hòa cùng vị béo bùi của trứng rất hấp dẫn, đã ăn một lần thì sẽ không bao giờ quên.
Ngoài thịt bò và nước sốt, lẩu Sukiyaki còn bao gồm rất nhiều nguyên liệu khác như: Mì Ito Konnyaku, Kikuna (rau tần ô), Nấm Enoki, Naganegi (Tỏi tây – boa rô).
Nồi dùng để nấu lẩu Sukiyaki có đặc điểm là phần đáy cạn hơn hơn so với các loại nồi thông thường nên lượng nước gia vị cho vào nồi khá ít. Đầu tiên, người ta sẽ rán sơ các nguyên liệu trong nồi cho thơm rồi thêm nước gia vị vào đun sôi. Sau khi các nguyên liệu đã chín vừa ăn thì thực khách sẽ gắp ra và chấm vào chén trứng sống rồi thưởng thức. Thịt bò, nấm, rau sau khi đun sôi đã ngấm nước gia vị mà còn được chấm vào chén trứng béo ngậy như tan chảy ngay trong miệng khi nếm thử.
Lẩu Shabu Shabu
Lẩu Shabu Shabu từ lâu đã trở thành một món ăn đặc trưng và quen thuộc của người Nhật. Món lẩu này khi ăn người ta sẽ nhúng miếng thịt bò thái mỏng vào nồi nước lẩu đang sôi sùng sục. Tên gọi “Shabu Shabu” cũng bắt nguồn từ những âm thanh phát ra khi nhúng thịt vào nồi.
Tại Nhật Bản, lẩu Shabu Shabu được đánh giá là có hương vị khá ngon và không bị lẫn lộn với bất kỳ loại lẩu nào. Thành phần chính của lẩu Shabu Shabu bao gồm thịt bò Wagyu và rau củ thái mỏng, ăn kèm với nước sốt mè. Tại nhiều nơi, thịt heo, thịt gà, thịt cừu, vịt, hoặc tôm hùm… cũng được sử dụng để nhúng lẩu.
Điểm đặc trưng của lẩu Shabu Shabu nằm ở phần nước dùng – được nấu từ bột cá ăn cùng với lát thịt bò mỏng và to chính là một sự kết hợp vô cùng tuyệt vời. Thịt bò sẽ được chấm với nước sốt mè tạo nên hương vị béo ngậy và mùi thơm đặc trưng của lẩu, ăn kèm với các loại rau và nấm.
Một buổi tối mùa đông được quây quần cùng bạn bè hoặc những người thân trong gia đình bên một cái nồi lẩu Shabu Shabu nghi ngút khói, thơm lừng và đậm đà hương vị, chắc chắn sẽ khiến người ta cảm thấy ấm lòng ngay lập tức.
Lẩu Oden
Với bề dày phát triển hơn 800 năm, Oden từ một tô canh hầm đậu phụ đơn giản trở thành món ăn với nhiều nguyên liệu thơm ngon bậc nhất. Thay vì sử dụng nước dùng riêng và cho các nguyên liệu vào khi sôi, thì lẩu Oden có cách nấu gần giống như ninh và hầm. Tùy vào vùng, miền sẽ có cách chế biến khác nhau.
Nguyên liệu cho món ăn quen thuộc này thường là củ cải trắng, trứng gà, đậu hũ, các loại chả cá, thạch Konnyaku,… Tùy địa phương, người ta có thể cho thêm bạch tuộc hoặc gân bò. Mặc dù, hầu như các nguyên liệu đều có thể thay đổi, nhưng duy chỉ có củ cải luôn luôn phải có trong nồi lẩu Oden. Chính nguyên liệu này là bí quyết tạo nên vị ngọt rất đặc trưng của lẩu Nhật nói chung. Không chỉ thế với thành phần dinh dưỡng của mình, củ cải còn giúp nồi nước dùng trở nên trong vắt, kích thích thị giác của thực khách.
Thần thái của món lẩu Oden lại nằm ở nước dùng Dashi được nấu từ tảo bẹ Kombu, cá bào Hana Katsuo và nước tương lạt Ushukuchi. Tuy nhiên, đối với một số vùng như Shuzuoka, nước dùng lại được chế biến từ nước hầm xương gà và nước tương đậm. Thứ nước dùng đặc biệt này thấm vào từ miếng chả cá, củ cải, thịt heo, khoai mỡ… mang đến cho thực khách cảm giác “cực đã” khi thưởng thức. Đặc biệt hơn, chính các nguyên liệu được ninh cùng Dashi lại tạo nên hương vị khác biệt cho món lẩu Oden. Vì thế, người đầu bếp luôn phải tính toán sao cho nước dùng không bị quá mặn bởi hải sản hay quá ngọt bởi các loại rau của và thịt.
Lẩu Oden tuy là món ăn nhưng nó còn được thổi hồn để trở thành nét văn hóa, là quốc hồn quốc túy của Nhật Bản. Đồ ăn phải được sắp xếp gọn gàng như chính tính cách của người Nhật vậy. Mỗi nguyên liệu thêm vào được tính toán chi li, cẩn thẩn như đức tính nổi tiếng của người dân “xứ sở Phù Tang”.
Lẩu Chanko Nabe
Chanko Nabe là một món lẩu truyền thống và là món ăn chính hằng ngày trong thực đơn của các võ sĩ Sumo. Chanko Nabe tương tự như các loại lẩu khác ở Nhật Bản, nhưng do món ăn này chuyên dùng cho đô vật nên được cân nhắc rất kỹ về thành phần nguyên liệu cũng như giá trị dinh dưỡng của món ăn. Thế nên món lẩu này cũng rất được ưa chuộng bởi người dân “xứ Phù Tang”.
Đặc trưng thú vị của Chanko Nabe đó là không hề có công thức nấu cụ thể. Bởi tất cả các loại thực phẩm đều có thể được dùng để làm nguyên liệu món ăn. Do đó, Chanko Nabe có rất nhiều phiên bản và tất nhiên hương vị món ăn cũng đa dạng vô cùng.
Mặc dù khác nhau về nguyên liệu đi kèm nhưng phần nước dùng của Chanko Nabe tương đối giống nhau. Điểm đặc biệt là nước dùng cho nồi lẩu này không dùng heo hoặc bò. Mặc dù vậy, bò và heo vẫn được phép dùng làm nguyên liệu ăn kèm. Nước dùng sẽ được chế biến từ cá cơm biển. Để làm dậy lên mùi thơm và làm tăng thêm hương vị cho Chanko Nabe, đầu bếp còn sử dụng thêm nước hầm gà, Miso, nước tương, rượu Mirin hoặc rượu Sake. Đặc biệt không thể thiếu hành boaro để giúp tăng mùi thơm của lẩu.
Dọn kèm với phần nước dùng ngon ngọt trong nồi lẩu là đa dạng các nguyên liệu hấp dẫn như các loại thịt bò, heo, hải sản, gà, thịt viên, cá viên, cá, tôm, cua, xúc xích, đậu phụ, các loại nấm, nhiều loại rau như cà rốt, cải thảo, hành lá, hành tây, hẹ… Ngoài ra còn có thêm mì Udon hoặc mì Chuka (loại mì kiểu Trung Quốc).
5 món lẩu trứ danh của nền ẩm thực Nhật Bản như chúng tôi vừa giới thiệu trên đây có khiến du khách háo hức thực hiện ngay một chuyến du lịch Nhật Bản để thưởng thức chúng? Nếu câu trả lời là có thì hãy đồng hành cùng chúng tôi trong tour Nhật Bản đầy thú vị nhé!