Trò chơi đá bóng Kemari cổ xưa của người Nhật

Nhật Bản vốn nổi tiếng không chỉ bởi vì là một quốc gia phát triển về mọi mặt của nền kinh tế mà còn được biết đến bởi truyền thống văn hóa sâu sắc và giữ được nét đẹp riêng của dân tộc không lẫn vào đâu được. Và trong số những điều truyền thống nổi tiếng ấy thì không thể nào bỏ qua được trò chơi đá bóng Kemari.

Nguồn gốc của Kemari

Kemari có lịch sử lâu đời khoảng 1.400 năm nhưng vẫn được người Nhật yêu thích và bảo tồn cho đến ngày nay. Trò chơi này đã có mặt ở Nhật Bản vào năm 644 trong thời Asuka (thế kỷ 6 đến thế kỷ 8), được cho là du nhập từ Trung Quốc. Kemari chịu ảnh hưởng từ môn thể thao Cuju (Thúc cúc – hình thức đá bóng xuất hiện đầu tiên trên thế giới) của Trung Quốc.

Vào thời Heian (794 – 1185), Kemari rất được giới quý tộc ưa chuộng và là trò chơi phổ biến trong Hoàng cung. Đến thời Kamakura (1185 – 1333), ngoài Hoàng gia, các tầng lớp chiến binh cũng tham gia chơi môn thể thao này. Qua đến thời Muromachi (1336 – 1570) và thời Edo (1600 – 1867), danh tiếng của Kemari ngày càng phổ biến khi được nhắc đến trong các vở kịch Noh, hài kịch Kyogen và tiểu thuyết thời Edo. Trò chơi Kemari cũng được dân chúng cực kỳ yêu thích trong thời Edo. Tuy nhiên, vào thời Minh Trị (1868 – 1912), với sự ảnh hưởng phương Tây đã khiến trò chơi Kemari dần dần bị quên lãng, và nó đã trên bờ vực bị xóa sổ vĩnh viễn. Mặc dù vậy, trong năm 1903, nhờ sự ủng hộ của Thiên hoàng Minh Trị, Shukiku Hozonkai – Hiệp hội bảo tồn Kemari đã được thành lập. Shukiku Hozonkai đã có những động thái tích cực nhằm hồi sinh Kemari truyền thống. Kết quả là Kemari đã được lưu giữ và truyền lại cho đến tận ngày nay.

Cách chơi Kemari

Kemari là môn thể thao không cạnh tranh với mục tiêu là tất cả người chơi phải hợp tác với nhau, chuyền bóng sao cho quả bóng không chạm đất. Người chơi có thể sử dụng bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể như đầu, chân, lưng, đầu gối và tùy vào luật chơi từng nơi, cũng có thể dùng khuỷu tay. Tuy nhiên, không được phép dùng bàn tay và cánh tay để chuyền bóng.

Quả bóng dùng để chơi trong trò Kemari được gọi là Mari, nặng khoảng 150g, có đường kính khoảng 18cm và được làm vô cùng công phu. Mari làm từ lớp da hươu với phần lông hướng vào bên trong và phần da hướng ra ngoài. Quả bóng được nhồi bằng hạt lúa mạch để tạo hình tròn, sau khi hình dạng của quả bóng hình thành, các hạt này được lấy ra ngoài. Tiếp đó, người ta dùng da ngựa để khâu quả bóng lại.

Quả bóng Mari thường được đá lên không trung ở độ cao khoảng 3 đến 4m vì người ta cho rằng độ cao này sẽ tạo ra âm thanh dễ chịu nhất và cú xoay đẹp nhất trên không. Mỗi Mariashi nên chuyền bóng cho người chơi khác trong vòng 3 cú đá thì được cho là đẹp nhất. Một trận bóng Kemari kết thúc khi người chơi ở vị trí “Ken” thực hiện cú đá cuối cùng, sau đó dùng tay phải lăn bóng vào giữa sân.

Số lượng người chơi trò Kemari có thể gồm 4, 6 hoặc 8 người, trong đó, đội 8 người trở thành tiêu chuẩn của trò chơi Kemari hiện nay. Người chơi trong trò Kemari được gọi là “Mariashi”. Một Mariashi giỏi là người giúp cho người nhận bóng có thể dễ dàng điều khiển quả bóng và giữ nó được lâu trên không trung.

Điều đặc biệt là những người chơi Kemari sẽ mặc trang phục cung đình truyền thống của Nhật Bản, với áo dài tay Suikan và chiếc mũ Eboshi của các thầy tế đạo Shinto. Những chiếc tay áo dài đầy màu sắc vung lên theo cử động của người chơi khiến họ tựa như đang múa thay vì đang chơi một môn thể thao.

Kemari thường được chơi trên mặt sân bằng phẳng rộng khoảng 15m2 được gọi là Kakari, với bốn góc trồng bốn loại cây khác nhau: cây hoa anh đào ở phía Đông Bắc, cây thông ở phía Tây Bắc, cây liễu ở phía Đông Nam và cây phong ở phía Tây Nam. Nhưng theo thời gian, bốn cây này đã được thay thế bằng cây tre.

Trọng tài của trò chơi Kemari (gọi là “Kensho”) sẽ hỗ trợ cho trận đấu. Trong số các Mariashi, có một người được chỉ định là “Ken” – nhận nhiệm vụ phát bóng bắt đầu trận đấu. Khi đá bóng, các Mariashi sẽ nói “Ari!”, “Ya” hoặc “O!” tạo nên không khí chơi bóng rất vui vẻ, hào hứng.

Trong quá trình diễn ra trò chơi, một thành viên Hiệp hội bảo tồn đóng vai trò bình luận viên, tường thuật và giải thích luật chơi cho đám đông khán giả để họ có thể hiểu thêm về trò chơi truyền thống này.

Dù trò chơi được tổ chức trong không gian nhỏ, sân bóng là một góc sân trong đền thờ, lễ hội vẫn thu hút đám đông tham gia. Ai nấy cũng nở nụ cười vui tươi khi trái bóng cất lên mang theo những niềm vui năm mới đến.

Lễ hội Kemari Hajime

Kemari Hajime là lễ hội nổi tiếng của Nhật Bản trong nghi lễ năm mới. Sự kiện này được tổ chức vào ngày 04/01 tại đền Shimogamo, ở phường Sakyo, Kyoto.

Lễ hội Kemari Hajime là sự kỷ niệm sự kiện khi Fujiwara no Kamatari đã có cuộc họp với Hoàng đế Tenchi thảo luận về ý tưởng của mình để lật đổ Sogas, và địa điểm đó là nơi diễn ra một trò chơi bóng đá.

Dù ra đời từ rất lâu nhưng Kemari vẫn giữ được sức hút đặc biệt với tất cả người xem. Trong không khí đầu xuân, trò chơi chuyền bóng không chạm đất như lời cầu mong cho một năm mới thuận lợi và phát triển.

Vậy là chúng ta đã cùng nhau khám phá thêm một phần nét đẹp trong truyền thống văn hóa ở “xứ sở Phù Tang”. Hi vọng sau hành trình du lịch Nhật Bản, du khách sẽ hiểu thêm được những điều thú vị về đất nước này thông qua trò chơi Kemari và những ý nghĩa, cũng như các câu chuyện lịch sử đằng sau nó.