5 đền chùa tâm linh nổi tiếng nhất của tỉnh Aichi, Nhật Bản

Tỉnh Aichi ở Nhật Bản là quê hương của rất nhiều tướng lĩnh thời Chiến quốc. Nhiều địa điểm gắn liền với các vị tướng như Lâu đài Nagoya được xây dựng bởi Ieyasu vẫn còn tồn tại đến ngày nay, và du khách có thể cảm nhận những chứng tích sống về sự tồn tại của họ ở khắp mọi nơi. Bên cạnh đó, tỉnh Aichi còn sở hữu số lượng lớn các đền chùa xưa gắn liền với những truyền thuyết tâm linh lâu đời, được nhiều khách viếng thăm để cầu may mắn, bình an.

1 – Đền Toyokawa Inari

Toyokawa Inari được biết đến là một ngôi đền cầu kinh doanh thịnh vượng, gia đình bình an, phúc lộc dồi dào. Được thành lập bởi nhà sư Tokai Geki vào năm 1441, Toyokawa Inari là một trong 3 ngôi đền thờ thần Inari Okami lớn nhất Nhật Bản. Inari Okami – Vị thần của nông nghiệp, mùa màng, thương mại, và các ngành nghề liên quan đến nông nghiệp. Thần Inari thường được tưởng tượng là một con cáo hoặc một người phụ nữ mang một bó lúa mì trên tay.

Toyokawa Inari được xây dựng theo thiết kế kiến trúc truyền thống Nhật Bản và có nhiều khuôn viên và tòa nhà độc đáo. Nổi bật trong chùa là cổng chào đón rực rỡ và hành lang đầy tượng cáo đỏ, tượng trưng cho thần Inari. Các tượng cáo được đặt tại đây như biểu tượng của sự may mắn và thành công.

Sau khi tham quan điện thờ chính thì Đồi cáo (Reiko-zuka) là địa điểm linh thiêng không thể bỏ qua khi ghé thăm Toyokawa Inari. Reiko-zuka nằm ngoài lối đi chính của Đền. Tại đây, du khách sẽ thấy một khung cảnh cực kỳ ấn tượng với những hàng trải dọc khoảng 1.000 tượng cáo đá, mỗi con cáo đại diện cho những nguyện vọng đã được ước nguyện thành công tại đền. Khu vực này được gọi là nơi hội tụ của những nguyện vọng đã thành hiện thực, một nơi linh thiêng thu hút nhiều người đến để cầu may mắn.

Bên ngoài ngôi đền này, có một thị trấn sôi động với nhiều quán ăn và cửa hàng lưu niệm hấp dẫn. Một trong những món ăn đặc trưng, không thể bỏ qua ở đây là Toyokawa Inarizushi. Đây là một loại Sushi có phần cơm được gói bên trong lớp vỏ đậu phụ tẩm vị giòn tan. Món Sushi này xuất phát từ truyền thống dâng cơm vào “abura-age” để tôn vinh thần Inari, vị thần cáo linh thiêng. Ngày nay, Toyokawa Inarizushi đã được biến tấu với nhiều phong cách mới, chẳng hạn như Sushi phủ thịt lợn Miso hay lươn nướng.

2 – Đền Atsuta

Được xây dựng cách đây hơn 1.900 năm, Atsuta Jingu (hay: “Atsuta-san”) là một ngôi đền linh thiêng vô cùng nổi tiếng ở Nhật Bản. Mỗi năm, nơi đây thu hút khoảng 7 triệu lượt khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về để cầu tài lộc may mắn.

Atsuta Jingu trấn tọa bên trong khu rừng Atsuta no Mori, phía Nam thành phố Nagoya. Khi bước vào bên trong Đền, du khách dường như bị choáng ngợp trước khuôn viên rộng tới 190.000m2 với những cây long não hơn 1.000 tuổi mọc sum suê. Bước chậm rãi trong khuôn viên xanh mát rộng lớn của ngôi đền sẽ phần nào giúp du khách cảm thấy sự thư thái, bình yên trong tâm hồn.

Phía trong và ngoài khuôn khổ của Đền Atsuta-jingu có tới 43 điện thờ chính, phụ khác nhau. Chỉ tính riêng các nghi thức chính tại đây hàng năm có tới hơn 70 sự kiện được tổ chức. Bên cạnh đó, phía trong Bảo tàng bảo vật của Đền có tới 6.000 vật trong đó có nhiều đồ là báu vật quốc gia cũng như tài sản văn hóa quan trọng. Đặc biệt, Atsuta Jingu nổi tiếng là nơi thờ cúng thanh gươm Kusanagi no Tsurugi được Nữ thần Mặt trời Amaterasu trao cho thần Ninigi, tổ tiên của dòng dõi Hoàng gia Nhật Bản khi ông được cử xuống hạ giới để bình định nước Nhật. Đây là một trong ba bảo vật linh thiêng, hay còn được biết với tên gọi “Tam chủng thần khí”, được lưu truyền qua các thế hệ Nhật hoàng.

Nữ giới rất yêu thích ngôi đền này bởi vì tại khuôn viên của Atsuta-jingu có Đền Shimizu-sha là nơi có thờ vị thần của Mắt và vị thần của Làn da đẹp. Tương truyền chỉ cần thoa nước lên da 3 lần thì da sẽ trở nên đẹp hơn và nước chạm vào mắt thì mắt sẽ trở nên rõ ràng hơn. Chính vì vậy, những chị em mong muốn mình trở nên đẹp hơn thường tới thăm viếng Đền khá đông.

3 – Chùa Osu Kannon

Osu Kannon là một ngôi chùa đẹp và nổi tiếng nằm ở trung tâm Nagoya của tỉnh Aichi. Được biết đến với tên gọi chính thức là “Kitano-san Shinpuku-ji Hōshō-in”, ngôi chùa là địa điểm tâm linh thu hút khách du lịch cũng như những người sùng bái tôn giáo.

Osu Kannon thuộc phái Shingon (có dòng truyền thừa trực tiếp từ Trung Quốc và bắt nguồn ở Ấn Độ). Đúng như tên gọi của ngôi chùa, vị thần được thờ phụng chính ở đây là Phật Quan Âm, đức Phật của lòng nhân ái, lòng từ bi và cứu khổ cứu nạn (còn được gọi là Kanzeon-Bosatsu, hay Avalokiteśvara), người thường được miêu tả với nét mặt dịu dàng. Trong chùa có một pho tượng Quan Âm lớn bằng gỗ được chạm khắc bởi Kobo Daishi, vị sư sáng lập phái Shingon của Phật giáo. Ngôi chùa là một trong “33 chùa Quan Âm Owari”, tập hợp những ngôi chùa thờ Phật Quan Âm ở khu vực này.

Bên trong chính điện của ngôi chùa, du khách có thể nhìn thấy một chiếc lồng đèn giấy lớn màu đỏ. Những người hành hương tới ngôi chùa viết điều ước trên những mảnh giấy nhỏ và gắn vào dây đỡ chiếc lồng đèn lớn với hi vọng được Phật Quan Âm chứng nhận. Phía dưới chính điện là kho sách Shinpukuji với hơn 15.000 văn thư cổ điển của Nhật Bản và Trung Quốc cũng như rất nhiều đồ vật linh thiêng được coi là “báu vật quốc gia” và “di sản văn hóa quan trọng”. Trong số đó là bản sao cổ nhất của Kojiki, một ghi chép biên niên tập hợp các thần thoại về nguồn gốc của đảo Nhật Bản cũng như Kami, hay thần Shinto.

4 – Đền Momotaro

Thành phố Inuyama thuộc tỉnh Aichi nổi tiếng với Lâu đài Inuyama và dòng sông Kiso. Đền Momotaro nằm cách Lâu đài Inuyama dọc theo sông Kiso khoảng 3km. Vì có nguồn gốc từ truyền thuyết về Momotaro được sinh ra từ một quả đào khổng lồ, Đền Momotaro trở thành một địa điểm linh thiêng cầu sức khỏe cho trẻ em.

Ngay khi bước vào Đền Momotaro, du khách không khỏi ấn tượng với cổng Torii hình quả đào hiếm thấy ở Nhật Bản. Bên trong ngôi Đền, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc đầy màu sắc của các nhân vật trong truyện cổ tích Momotaro như người mẹ, con khỉ, con chó, chim trĩ… Các bức tượng được tạo ra bởi nhà điêu khắc Shoun Asano quá cố.

5 – Đền Koinomizu

Koinomizu là một ngôi đền cầu duyên cực kỳ nổi tiếng đối với giới trẻ Nhật Bản, được cho mang đến hiệu quả trong việc chữa “bệnh tương tư”. Vì là ngôi đền thờ nữ thần nước nên cổng Torii ở đây có màu xanh dương nhạt.

Đền Koinomizu có nguồn gốc từ truyền thuyết về Thiên hoàng Ingyou, người sau khi được thần núi Miwa ở tỉnh Yamato (nay là tỉnh Nara) mách bảo rằng có một dòng nước thần giúp chữa bách bệnh, kéo dài tuổi thọ, đã lên đường tìm kiếm và mang được nước về để chữa trị cho hoàng hậu. Vào thời Heian, một giai thoại khác được lưu truyền về nàng Sakurahime, người đã đến thăm vùng đất này để tìm nguồn nước giúp chữa lành bệnh của người mình yêu, nhưng không may đã trút hơi thở cuối cùng trước khi tiếp cận được nguồn nước. Ban đầu, nguồn nước Koinomizu được tôn sùng vì có thể chữa được bách bệnh, nhưng về sau nó được cho là có hiệu quả trong việc trị “bệnh tương tư” nên ngôi đền đã trở nên nổi tiếng với tư cách là nơi thờ vị thần hôn nhân.

Người ta nói rằng nếu lấy nguồn nước ở Đền rồi viết điều ước lên cốc giấy thì điều ước sẽ thành hiện thực. Với cốc giấy giá 200 Yên, du khách cho nước Koinomizu đã mua vào khoảng 1/2 cốc giấy rồi dâng lên bàn thờ thần.

Tỉnh Aichi có rất nhiều điểm du lịch tâm linh, nơi du khách có thể cầu xin may mắn về tình duyên, sức khỏe, tài lộc đến đường con cái. Những địa điểm trên còn sở hữu thiên nhiên xinh đẹp, ẩm thực phong phú, biến chúng thành điểm dừng chân mà du khách không nên bỏ lỡ khi có dịp du lịch Nhật Bản.