Hashima – “hòn đảo ma” giữa biển khơi Nhật Bản

Nhật Bản với sự đa dạng của cảnh sắc, văn hóa và ẩm thực, cùng vô vàn những yếu tố thu hút lữ khách. Trong đó phải kể đến một địa điểm nằm ngoài khơi Nagasaki, nơi từng được sử dụng làm bối cảnh cho một bộ phim của chàng “Điệp viên 007” James Bond, đó là Đảo Hashima được UNESCO công nhận là di sản thế giới với danh hiệu “di sản công nghiệp thời kỳ Meiji của Nhật Bản”. 

Hashima là một hòn đảo nhỏ nằm cách Cảng Nagasaki khoảng 20km. Đảo Hashima còn được biết dưới cái tên “Gunkanjima”, hay “Đảo Chiến hạm”, vì hình dáng tương tự như một tàu chiến khi nhìn từ xa. Hòn đảo được bao quanh bởi một bức tường chắn sóng, lấp đầy bởi các tòa nhà đổ nát, bỏ hoang – một thành phố hoàn toàn không có người ở trong hơn 40 năm.

Hòn đảo dài 480m, rộng 150m này từng là một cộng đồng thịnh vượng, đông đúc. Đặc biệt chính là khu tổ hợp Block 65 với những dãy nhà kiên cố, 317 căn hộ cùng sân chơi nhỏ trên mái nhà. Được biết, vào cuối thế kỷ thứ XIX, Hashima là nơi sinh sống của hàng ngàn phụ nữ, đàn ông và trẻ em. Dân số của Đảo Hashima đạt đỉnh vào khoảng năm 1960, khi có gần 5.300 người. Đây cũng là địa điểm có mật độ dân số cao nhất trong lịch sử được ghi nhận trên toàn thế giới. Để có thể chứa được nhiều người trong một khu vực nhỏ như vậy, mọi mảnh đất đều được bồi đắp lên, dần dần hình dạng của hòn đảo trông giống như một chiến hạm khổng lồ.

Vào đầu những năm 1900, Đảo Hashima được phát triển bởi Tập đoàn Mitsubishi để khai thác than, từ đó cũng tập trung nhiều người ở hơn nữa. Các mỏ ở đây mở cửa 24 giờ trong ngày và xoay vòng với 3 ca 8 tiếng. Làm việc ở nơi dưới mực nước biển 1.000m, những người đàn ông phải làm việc vất vả trong không gian chật chội và ngột ngạt, họ phải đi vệ sinh vào các hố nhỏ mà họ tự đào.

Để phục vụ những người thợ mỏ, các chung cư cao tầng được xây dựng lên, liên kết với nhau bằng sân, hành lang và cầu thang. Ngoài ra, nơi này còn có trường học, khu trò chơi, phòng gym, rạp chiếu phim, quán bar, nhà hàng… thậm chí có cả những ngôi chùa, đền thờ thần linh. Tất cả đều được bao bọc bởi bức tường chắn sóng bảo vệ.

Theo thời gian, Đảo Hashima ngày càng có ít ý nghĩa về kinh tế hơn. Vào cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX, nền kinh tế Nhật Bản bỗng nhảy vọt với sự xâm chiếm của dầu mỏ. Trữ lượng than bắt đầu cạn kiệt và dầu mỏ bắt đầu thay thế than, các mỏ than dần đi vào quên lãng, hòn đảo này đã buộc phải đóng cửa và những người sinh sống tại đây cũng rời đi. Và vào một ngày giữa tháng 4/1974, khi cư dân đảo cuối cùng lên thuyền trở về Nagasaki, Tập đoàn Mitsubishi tuyên bố đóng cửa hòn đảo Hashima, hòn đảo này chính thức bị bỏ hoang. 

Trong 3 thập kỷ bị hoang, các cơn bão kéo qua đã khiến các khu dân cư và cơ sở hạ tầng xuống cấp, tạo cho hòn đảo một bầu không khí kỳ lạ. Các căn hộ bắt đầu đổ nát, trong khoảng sân trống trải, cây cối, cỏ dại bắt đầu mọc lên. Những ô cửa kính vỡ toang, những tờ báo cũ mặc sức theo gió biển thổi bay khắp đường phố. Mọi thứ không hề bị xáo trộn gì kể từ khi cư dân rời bỏ nhà cửa, để lại từ giày dép, đồ điện tử cho đến bảng đen đầy bài giảng. Đảo Hashima hệt như một “thị trấn ma” giữa biển.

Do nguy cơ sụp đổ của các tòa kiến trúc, việc tiếp cận với Đảo Hashima từng là việc bị nghiêm cấm. Trong nhiều năm, khách du lịch tò mò chỉ có thể khám phá, nhìn ngắm hòn đảo từ các chuyến du thuyền tham quan quanh đảo. Nhưng kể từ năm 2009, các công ty du lịch đã được phép mở hoạt động đến hòn đảo này. Đặt chân lên đảo, du khách sẽ được tham quan những cầu thang hình chữ X độc đáo, nhà cửa, các máy móc làm việc… mang tính biểu tượng đặc trưng. Tuy nhiên, một số thứ như lối vào hầm mỏ, các tòa nhà chung cư đổ nát sẽ không được phép vào để đảm bảo an toàn cho khách.

Có thể thấy, Đảo Hashima không có quá nhiều hoạt động giải trí, thế nhưng nơi đây lại sở hữu khung cảnh thanh bình, vắng vẻ sẽ mang lại cho du khách những trải nghiệm khám phá độc đáo. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách đừng quên dừng chân khám phá Đảo Hashima nhé! Chúc du khách có một hành trình đầy thú vị!

Đảo Aoshima – “Thánh địa” mèo lớn nhất Nhật Bản

Nếu du khách là người yêu mèo đến mức “phát cuồng” thì chắc hẳn du khách đã từng mơ về một “thiên đường” – nơi những chú mèo được tự do tung tăng khắp mọi ngõ ngách và chẳng phải bận tâm chuyện “thế sự” của loài người. Vậy hãy cùng xách ba lô lên và để chúng tôi dẫn du khách đến với “Thánh địa” mèo lớn nhất Nhật Bản – Đảo Aoshima.

Đảo Aoshima dài chưa đến 2km ngoài khơi Nhật Bản từ lâu đã trở thành điểm đến trong mơ của những người “cuồng” mèo. Hòn đảo này nằm cách thị trấn Nagahama thuộc thành phố Ozu của tỉnh Ehime 13,5km về phía Bắc. Đảo có cảnh quan thiên nhiên được bảo tồn gần như nguyên vẹn với những bãi cát trắng bao quanh bốn bề và đi sâu vào phía trong du khách sẽ được hòa mình vào màu xanh thanh mát của khu rừng cận nhiệt đới.

Được biết, Đảo Aoshima từng là một làng chài trù phú với số dân lên đến gần 1.000 người vào năm 1945. Thời gian trôi đi, số lượng dân cư trên đảo giảm dần. Năm 1985, dân số đã giảm xuống dưới 100 người khi ngày càng nhiều người trẻ rời khỏi đảo để tới các thành phố trên đất liền tìm kế sinh nhai. Đến năm 2019, chỉ còn 6 cư dân sinh sống ở đảo; trong khi đó có khoảng 200 chú mèo. Với số lượng “cư dân bốn chân” hơn hẳn số người sinh sống, người dân và du khách đã gọi nơi đây là “Đảo mèo”.

Ban đầu, một vài con mèo được đưa lên đảo để bắt chuột trong khu cảng đầy tàu thuyền chở cá. Sống giữa kho thức ăn khổng lồ, không có thiên địch và được người dân chăm sóc tận tình, những chú mèo lớn dần, các lứa mèo con lần lượt ra đời và trưởng thành. Tốc độ sinh sôi của mèo nhanh chóng tăng lên cùng với sự dịch chuyển dân số khiến “cư dân bốn chân” áp đảo, rồi “chiếm cứ” cả hòn đảo. Để kiểm soát số lượng mèo, giới chức đã cho triệt sản một số con.

Vào năm 2013, số lượng khách du lịch từ khắp nơi đến Đảo Aoshima bắt đầu tăng sau khi những bức ảnh chụp những chú mèo sống trên đảo của một nhiếp ảnh gia nổi tiếng được giới thiệu trên TV.

Nằm ở giữa biển, nên phương tiện duy nhất để đến Đảo Aoshima là chuyến phà xuất phát từ Cảng Nagahama. Hai chuyến khứ hồi khởi hành đều đặn mỗi ngày. Ngay khi đặt chân lên đảo, du khách sẽ được chào đón bởi hàng chục “hướng dẫn viên bốn chân” với đủ màu sắc đa dạng. Dù sống hoang dã, song nhờ tiếp xúc thường xuyên với người dân, khách du lịch và các tình nguyện viên nên chúng rất thân thiện và quấn người. Thậm chí, nhiều chú mèo còn biết làm nũng xin ăn. Trước những ánh mắt tròn xoe ấy, không ít vị khách cho biết chỉ muốn ôm, chụp hình và cho mèo ăn ngay tại cảng. Chúng cũng không “kén cá chọn canh”, mà chỉ cần ăn cơm, khoai tây chiên hay kẹo bánh từ khách.

Lang thang trên đảo, du khách sẽ thấy có rất nhiều ngôi nhà bỏ hoang, nhân chứng của một thời kỳ trong quá khứ khi con người còn sinh sống khá nhiều. Hiện nay những căn nhà này tuy không còn chủ nhân nhưng cũng chẳng ai nỡ phá bỏ vì chúng đã trở thành “tổ ấm” cho những chú mèo trú ẩn. Hầu hết những chú mèo trên đảo đều có màu lông na ná như nhau là vàng cam hoặc xám, bên cạnh đó còn một đặc điểm ngoại hình rất dễ nhận ra là chú nào chú nấy đều béo tốt mập mạp vì được người dân cũng như khách du lịch cho ăn nhiệt tình!

Việc ôm, chụp hình và chơi đùa với mèo được cho phép tại đảo nhưng nếu du khách cho mèo ăn tại cảng hay vị trí bất kỳ trên đảo, thì không chỉ làm phiền người dân mà còn không tập cho chúng thói quen và sự kỷ luật. Nên dù có “xiêu lòng” trước hàng chục ánh mắt trông mong, du khách cũng nên di chuyển theo các bảng hướng dẫn, đến khu vực được chỉ định cho mèo ăn. Khi cho mèo ăn, du khách cũng nên đặt hẳn thức ăn xuống đất, không nên cầm trên tay cho ăn trực tiếp nhằm để phòng một số chú mèo khi lấy thức ăn cắn phải nhé!

Du khách có thể dạo quanh làng chài ngắm các “cư dân bốn chân” thoải mái làm điều mà chúng thích từ nằm lăn giữa đường, phơi nắng trên mái nhà… mà không lo sợ ai làm phiền hay đe dọa. Du khách cũng có thể chọn vừa thư giãn gần bến cảng, ngắm mặt biển lấp lánh ánh nắng hay những chú mèo đang thong thả đi bộ dọc bờ biển hoặc lim dim phơi mình trên một mỏm đá gần đó.

Trên đảo không có những dịch vụ lưu trú, nhà hàng, tạp hóa hay máy bán hàng tự động… thường thấy, bởi vậy, khách thường về lại đất liền vào cuối ngày. Tuy Aoshima không phải là một địa danh du lịch nhưng đang dần dần trở nên cuốn hút với cộng đồng những người yêu mèo vì nơi đây thực sự mang lại cảm giác thư giãn cho những vị khách mỗi khi họ đến đảo và ngắm những chú mèo nô đùa.

“Thiên đường mèo” Aoshima đang đợi du khách đến để cùng chơi đùa với nhau đấy! Hãy Book Tour Nhật Bản và cùng chúng tôi có nhiều trải nghiệm thú vị nhé!

Đảo Aogashima – “Thiên đường giữa biển khơi” ở Nhật Bản

Nằm cách Tokyo 35km về phía Nam và được bao quanh bởi vùng biển Philippines là hòn đảo mang tên “Aogashima”, thuộc quần đảo Izu của Nhật Bản. Cho tới ngày nay, mặc dù vẫn còn tiềm ẩn mối nguy từ hoạt động núi lửa, nhưng hơn 200 cư dân ở Đảo Aogashima vẫn duy trì việc sinh sống lâu dài tại đây.

Aogashima chỉ rộng khoảng 2,5km và dài 3,4km, nằm lọt thỏm trong miệng núi lửa và bao quanh bởi những vách đá gồ ghề của lớp trầm tích núi lửa rất dốc. Aogashima được cho là kết quả của sự hình thành từ các tàn tích chồng lên nhau của ít nhất 4 miệng núi lửa dưới lòng đất. Quan trọng hơn, bên trong hòn đảo này là Maruyama, một núi lửa hình nón nhỏ hơn hiện tại vẫn được coi là đang hoạt động.

Bờ biển phía Nam nổi lên một ngọn núi dốc đứng có tên gọi “Ikenosawa”. Đỉnh Otonbu với độ cao 432m so với mực nước biển là vị trí cao nhất trên đảo. Khi đặt chân lên đây, du khách sẽ có cái nhìn toàn cảnh về hòn đảo này cũng như không gian bao la của Thái Bình Dương.

Đảo Aogashima sở hữu những cảnh quan nhiệt đới, cùng hệ động thực vật phong phú khiến nhiều người ngỡ ngàng khi lần đầu chiêm ngưỡng. Với khí hậu ôn hòa, ẩm ướt do ảnh hưởng của dòng hải lưu biển, vì thế Đảo Aogashima cũng là nhà của nhiều loài chim hoang dã khác nhau trên đường đi trú đông. Cuộc sống tại đây vô cùng trong lành, yên bình tựa như đang được hòa mình vào thiên nhiên.

Mang trên mình vẻ đẹp hoang sơ, yên bình là thế nhưng ít ai biết rằng Đảo Aogashima lại được Cơ quan Khí tượng Nhật Bản xếp vào loại núi lửa hạng C. Lần phun trào lớn cuối cùng tại hòn đảo này được ghi nhận là vào khoảng năm 1781-1785, khiến 170 trên tổng số 327 cư dân đảo bị thiệt mạng và nhiều người sống sót sợ hãi trốn chạy khỏi đảo.

Phải mất gần 50 năm để nơi đây được phục hồi hoàn toàn, trước khi một số cư dân quyết định quay trở lại sinh sống trên hòn đảo xinh đẹp này. Cho tới ngày nay, mặc dù vẫn còn tiềm ẩn mối nguy từ hoạt động núi lửa, tuy nhiên cư dân của Aogashima vẫn duy trì việc sinh sống lâu dài tại đây.

Những người dân sinh sống trên đảo tự sản xuất nông nghiệp, đánh bắt cá và mở một số dịch vụ để phục vụ khách du lịch. Họ cùng nhau xây dựng một thị trấn nhỏ bên trong những vách đá dựng đứng của miệng núi lửa với khá đầy đủ mọi tiện nghi sinh hoạt. Trên đảo có trường học, bưu điện, phòng tắm hơi địa nhiệt, khu cắm trại, nhà hàng và quán xá,… Tất cả hàng hóa sẽ được đưa đến đảo bằng đường tàu biển.

Được biết, cuộc sống của người dân trên đảo phụ thuộc nhiều vào nguồn địa nhiệt từ núi lửa đang hoạt động. Họ tận dụng nguồn nhiệt này để nấu ăn và sưởi ấm.

Do địa hình hiểm trở, Aogashima là một hòn đảo hiếm khi được ghé thăm. Những vách đá dựng đứng gồ ghề của trầm tích núi lửa nhiều lớp bao quanh toàn bộ hòn đảo, nơi đây cũng không có nhiều bến cảng để neo đậu tàu thuyền. Theo đó, du khách chỉ có thể lên đảo bằng trực thăng từ hòn đảo láng giềng Hachijojima cách đó 60km, và mỗi chuyến bay chỉ chở tối đa 9 người. Việc di chuyển bằng trực thăng ra tham quan đảo cũng phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết nơi đây, vì những ngày sương mù dày đặc các chuyến trực thăng lên đảo sẽ buộc phải hủy bỏ.

Khi đã đặt chân lên đảo, du khách có thể tham quan nhà máy sản xuất muối Hingya nằm ven rìa miệng núi lửa Maruyama. Đây là loại muối cao cấp được sử dụng chế biến một số món ăn Nhật. Du khách có thể tham quan quy trình tạo nên sản phẩm muối chất lượng cao này từ nước biển Kuroshio giàu khoáng chất và canxi, quá trình kết tinh trải qua nhiều tuần nhờ làn khói hơi bốc ra từ miệng núi lửa…

Thưởng thức rượu Shochu (dân địa phương gọi là Aochu) cũng là điều không thể bỏ qua. Không ít người khẳng định rượu Shochu được chưng cất từ khoai lang, lúa mì trên đảo có hương vị khác biệt và mang lại nhiều cảm giác hơn cho thực khách.

Trong một vài ngày thăm Đảo Aogashima, du khách có thể khám phá những con đường mòn hay thế giới kỳ ảo dưới làn nước màu ngọc lam. Và để tận hưởng hương vị núi lửa, du khách có thể thư giãn tại một phòng tắm hơi với nguồn nước nóng đầy khoáng chất có lợi cho sức khỏe hay phòng tắm hơi địa nhiệt Fureai Community Spa được cung cấp bởi khói núi lửa nằm ở trung tâm đảo. Du khách cũng nên trải nghiệm việc nấu bữa trưa bằng hệ thống nấu bằng năng lượng núi lửa được thiết kế tại khu cắm trại…

Có thể thấy, Đảo Aogashima không có quá nhiều hoạt động giải trí, thế nhưng nơi đây lại sở hữu khung cảnh thanh bình, vắng vẻ và gần như biệt lập với đất liền sẽ luôn mang lại cho du khách những phút giây sảng khoái, thư thái trong tâm hồn. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách đừng quên dừng chân khám phá “Thiên đường giữa biển khơi” Aogashima nhé! Chúc du khách có một hành trình đầy thú vị!

5 đền chùa tâm linh nổi tiếng nhất của tỉnh Aichi, Nhật Bản

Tỉnh Aichi ở Nhật Bản là quê hương của rất nhiều tướng lĩnh thời Chiến quốc. Nhiều địa điểm gắn liền với các vị tướng như Lâu đài Nagoya được xây dựng bởi Ieyasu vẫn còn tồn tại đến ngày nay, và du khách có thể cảm nhận những chứng tích sống về sự tồn tại của họ ở khắp mọi nơi. Bên cạnh đó, tỉnh Aichi còn sở hữu số lượng lớn các đền chùa xưa gắn liền với những truyền thuyết tâm linh lâu đời, được nhiều khách viếng thăm để cầu may mắn, bình an.

1 – Đền Toyokawa Inari

Toyokawa Inari được biết đến là một ngôi đền cầu kinh doanh thịnh vượng, gia đình bình an, phúc lộc dồi dào. Được thành lập bởi nhà sư Tokai Geki vào năm 1441, Toyokawa Inari là một trong 3 ngôi đền thờ thần Inari Okami lớn nhất Nhật Bản. Inari Okami – Vị thần của nông nghiệp, mùa màng, thương mại, và các ngành nghề liên quan đến nông nghiệp. Thần Inari thường được tưởng tượng là một con cáo hoặc một người phụ nữ mang một bó lúa mì trên tay.

Toyokawa Inari được xây dựng theo thiết kế kiến trúc truyền thống Nhật Bản và có nhiều khuôn viên và tòa nhà độc đáo. Nổi bật trong chùa là cổng chào đón rực rỡ và hành lang đầy tượng cáo đỏ, tượng trưng cho thần Inari. Các tượng cáo được đặt tại đây như biểu tượng của sự may mắn và thành công.

Sau khi tham quan điện thờ chính thì Đồi cáo (Reiko-zuka) là địa điểm linh thiêng không thể bỏ qua khi ghé thăm Toyokawa Inari. Reiko-zuka nằm ngoài lối đi chính của Đền. Tại đây, du khách sẽ thấy một khung cảnh cực kỳ ấn tượng với những hàng trải dọc khoảng 1.000 tượng cáo đá, mỗi con cáo đại diện cho những nguyện vọng đã được ước nguyện thành công tại đền. Khu vực này được gọi là nơi hội tụ của những nguyện vọng đã thành hiện thực, một nơi linh thiêng thu hút nhiều người đến để cầu may mắn.

Bên ngoài ngôi đền này, có một thị trấn sôi động với nhiều quán ăn và cửa hàng lưu niệm hấp dẫn. Một trong những món ăn đặc trưng, không thể bỏ qua ở đây là Toyokawa Inarizushi. Đây là một loại Sushi có phần cơm được gói bên trong lớp vỏ đậu phụ tẩm vị giòn tan. Món Sushi này xuất phát từ truyền thống dâng cơm vào “abura-age” để tôn vinh thần Inari, vị thần cáo linh thiêng. Ngày nay, Toyokawa Inarizushi đã được biến tấu với nhiều phong cách mới, chẳng hạn như Sushi phủ thịt lợn Miso hay lươn nướng.

2 – Đền Atsuta

Được xây dựng cách đây hơn 1.900 năm, Atsuta Jingu (hay: “Atsuta-san”) là một ngôi đền linh thiêng vô cùng nổi tiếng ở Nhật Bản. Mỗi năm, nơi đây thu hút khoảng 7 triệu lượt khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về để cầu tài lộc may mắn.

Atsuta Jingu trấn tọa bên trong khu rừng Atsuta no Mori, phía Nam thành phố Nagoya. Khi bước vào bên trong Đền, du khách dường như bị choáng ngợp trước khuôn viên rộng tới 190.000m2 với những cây long não hơn 1.000 tuổi mọc sum suê. Bước chậm rãi trong khuôn viên xanh mát rộng lớn của ngôi đền sẽ phần nào giúp du khách cảm thấy sự thư thái, bình yên trong tâm hồn.

Phía trong và ngoài khuôn khổ của Đền Atsuta-jingu có tới 43 điện thờ chính, phụ khác nhau. Chỉ tính riêng các nghi thức chính tại đây hàng năm có tới hơn 70 sự kiện được tổ chức. Bên cạnh đó, phía trong Bảo tàng bảo vật của Đền có tới 6.000 vật trong đó có nhiều đồ là báu vật quốc gia cũng như tài sản văn hóa quan trọng. Đặc biệt, Atsuta Jingu nổi tiếng là nơi thờ cúng thanh gươm Kusanagi no Tsurugi được Nữ thần Mặt trời Amaterasu trao cho thần Ninigi, tổ tiên của dòng dõi Hoàng gia Nhật Bản khi ông được cử xuống hạ giới để bình định nước Nhật. Đây là một trong ba bảo vật linh thiêng, hay còn được biết với tên gọi “Tam chủng thần khí”, được lưu truyền qua các thế hệ Nhật hoàng.

Nữ giới rất yêu thích ngôi đền này bởi vì tại khuôn viên của Atsuta-jingu có Đền Shimizu-sha là nơi có thờ vị thần của Mắt và vị thần của Làn da đẹp. Tương truyền chỉ cần thoa nước lên da 3 lần thì da sẽ trở nên đẹp hơn và nước chạm vào mắt thì mắt sẽ trở nên rõ ràng hơn. Chính vì vậy, những chị em mong muốn mình trở nên đẹp hơn thường tới thăm viếng Đền khá đông.

3 – Chùa Osu Kannon

Osu Kannon là một ngôi chùa đẹp và nổi tiếng nằm ở trung tâm Nagoya của tỉnh Aichi. Được biết đến với tên gọi chính thức là “Kitano-san Shinpuku-ji Hōshō-in”, ngôi chùa là địa điểm tâm linh thu hút khách du lịch cũng như những người sùng bái tôn giáo.

Osu Kannon thuộc phái Shingon (có dòng truyền thừa trực tiếp từ Trung Quốc và bắt nguồn ở Ấn Độ). Đúng như tên gọi của ngôi chùa, vị thần được thờ phụng chính ở đây là Phật Quan Âm, đức Phật của lòng nhân ái, lòng từ bi và cứu khổ cứu nạn (còn được gọi là Kanzeon-Bosatsu, hay Avalokiteśvara), người thường được miêu tả với nét mặt dịu dàng. Trong chùa có một pho tượng Quan Âm lớn bằng gỗ được chạm khắc bởi Kobo Daishi, vị sư sáng lập phái Shingon của Phật giáo. Ngôi chùa là một trong “33 chùa Quan Âm Owari”, tập hợp những ngôi chùa thờ Phật Quan Âm ở khu vực này.

Bên trong chính điện của ngôi chùa, du khách có thể nhìn thấy một chiếc lồng đèn giấy lớn màu đỏ. Những người hành hương tới ngôi chùa viết điều ước trên những mảnh giấy nhỏ và gắn vào dây đỡ chiếc lồng đèn lớn với hi vọng được Phật Quan Âm chứng nhận. Phía dưới chính điện là kho sách Shinpukuji với hơn 15.000 văn thư cổ điển của Nhật Bản và Trung Quốc cũng như rất nhiều đồ vật linh thiêng được coi là “báu vật quốc gia” và “di sản văn hóa quan trọng”. Trong số đó là bản sao cổ nhất của Kojiki, một ghi chép biên niên tập hợp các thần thoại về nguồn gốc của đảo Nhật Bản cũng như Kami, hay thần Shinto.

4 – Đền Momotaro

Thành phố Inuyama thuộc tỉnh Aichi nổi tiếng với Lâu đài Inuyama và dòng sông Kiso. Đền Momotaro nằm cách Lâu đài Inuyama dọc theo sông Kiso khoảng 3km. Vì có nguồn gốc từ truyền thuyết về Momotaro được sinh ra từ một quả đào khổng lồ, Đền Momotaro trở thành một địa điểm linh thiêng cầu sức khỏe cho trẻ em.

Ngay khi bước vào Đền Momotaro, du khách không khỏi ấn tượng với cổng Torii hình quả đào hiếm thấy ở Nhật Bản. Bên trong ngôi Đền, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc đầy màu sắc của các nhân vật trong truyện cổ tích Momotaro như người mẹ, con khỉ, con chó, chim trĩ… Các bức tượng được tạo ra bởi nhà điêu khắc Shoun Asano quá cố.

5 – Đền Koinomizu

Koinomizu là một ngôi đền cầu duyên cực kỳ nổi tiếng đối với giới trẻ Nhật Bản, được cho mang đến hiệu quả trong việc chữa “bệnh tương tư”. Vì là ngôi đền thờ nữ thần nước nên cổng Torii ở đây có màu xanh dương nhạt.

Đền Koinomizu có nguồn gốc từ truyền thuyết về Thiên hoàng Ingyou, người sau khi được thần núi Miwa ở tỉnh Yamato (nay là tỉnh Nara) mách bảo rằng có một dòng nước thần giúp chữa bách bệnh, kéo dài tuổi thọ, đã lên đường tìm kiếm và mang được nước về để chữa trị cho hoàng hậu. Vào thời Heian, một giai thoại khác được lưu truyền về nàng Sakurahime, người đã đến thăm vùng đất này để tìm nguồn nước giúp chữa lành bệnh của người mình yêu, nhưng không may đã trút hơi thở cuối cùng trước khi tiếp cận được nguồn nước. Ban đầu, nguồn nước Koinomizu được tôn sùng vì có thể chữa được bách bệnh, nhưng về sau nó được cho là có hiệu quả trong việc trị “bệnh tương tư” nên ngôi đền đã trở nên nổi tiếng với tư cách là nơi thờ vị thần hôn nhân.

Người ta nói rằng nếu lấy nguồn nước ở Đền rồi viết điều ước lên cốc giấy thì điều ước sẽ thành hiện thực. Với cốc giấy giá 200 Yên, du khách cho nước Koinomizu đã mua vào khoảng 1/2 cốc giấy rồi dâng lên bàn thờ thần.

Tỉnh Aichi có rất nhiều điểm du lịch tâm linh, nơi du khách có thể cầu xin may mắn về tình duyên, sức khỏe, tài lộc đến đường con cái. Những địa điểm trên còn sở hữu thiên nhiên xinh đẹp, ẩm thực phong phú, biến chúng thành điểm dừng chân mà du khách không nên bỏ lỡ khi có dịp du lịch Nhật Bản.

Koorogi Shoyu – Nước tương làm từ loài dế độc đáo tại tỉnh Aichi, Nhật Bản

Tỉnh Aichi của Nhật Bản nổi tiếng với nền ẩm thực đa dạng và phong phú được gọi là “Nagoya Meshi”, trong đó, tương đỏ Hatcho Miso làm hoàn toàn từ đậu nành được xem như “trái tim” của Nagoya Meshi. Gần đây, một nhà sản xuất tương Miso lâu năm tại Aichi đã gây ấn tượng mạnh với ý tưởng chế biến Miso và nước tương từ dế với tên gọi “Koorogi Shoyu”, làm đa dạng thêm nền ẩm thực nơi đây.

Được thành lập vào năm 1928, nhà sản xuất tương Miso – “Noda Miso Shoten” tại tỉnh Aichi nổi tiếng với việc sản xuất Miso bằng bồn gỗ truyền thống với sản lượng đến 2.000 tấn/năm. Không dừng lại ở đó, Noda Miso Shoten đã bắt đầu lên kế hoạch sản xuất Miso từ dế và châu chấu vào năm 2017.

Ý tưởng này xuất phát từ thắc mắc của một học viên trong lớp học dạy làm Miso của chủ tịch đời thứ 4 Noda Yoshinari, 36 tuổi. Cách đây 6 năm, Noda Yoshinari đã mở các lớp dạy làm Miso và nhận được câu hỏi từ một học viên rằng liệu có thể tạo ra Miso từ côn trùng. Là một người đam mê du lịch và cũng đã thử nhiều loại côn trùng ở nước ngoài, anh nhận thấy chúng rất giàu protein, giống với đậu nành – nguyên liệu chính của Hatcho Miso. Việc ăn côn trùng được xem như một giải pháp cho tình trạng thiếu lương thực ở một số nơi trên thế giới. Vì vậy, anh bắt đầu nghiên cứu sản xuất Miso từ dế và châu chấu từ năm 2017.

Năm 2019, Noda Yoshinari đã giới thiệu tương Miso từ côn trùng tại một sự kiện dành cho các doanh nhân trẻ. Tại đây, anh đã gặp người của nhà hàng Antcicada tại quận Chuo, Tokyo nổi tiếng với món Ramen dế. Trước đó, nhà hàng này cũng đã tính đến việc tạo ra nước tương từ dế nên họ đã đề nghị hợp tác cùng Noda Yoshinari trong việc nghiên cứu và sản xuất loại nước tương mới.

Sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, bắt đầu từ tháng 1/2020, kế hoạch đưa nước tương dế ra mắt thị trường được chuẩn bị và vào tháng 9/2020, lô sản phẩm đầu tiên chính thức được giới thiệu đến người tiêu dùng với tên gọi “Koorogi Shoyu”.

Để làm ra một chai Koorogi Shoyu 100ml cần 480 con dế và giá đã bao gồm thuế của sản phẩm là 1.640 Yên (khoảng 340.000 VND), cao gấp 10 đến 20 lần so với nước tương làm từ đậu nành. Tuy nhiên, nếu việc tiêu thụ côn trùng tăng dẫn đến sản lượng dế tăng theo, giá thành sản phẩm này có thể được hạ xuống.

Nước tương Koorogi Shoyu có vị mặn và thơm nồng. Dế được sử dụng là loại mang lại hương vị tinh tế, nhẹ nhàng, được cung cấp bởi công ty Gurirasu Co., Ltd. tại tỉnh Tokushima và Taiyo Green Energy Co., Ltd. ở tỉnh Saitama. Dế được nghiền thành bột, xử lý bằng men Koji và muối trong những thùng gỗ tại Noda Miso Shoten, hoàn toàn không sử dụng đậu nành trong quá trình sản xuất để tạo nên dòng nước tương khác biệt.

Koorogi Shoyu sẽ phù hợp khi dùng chung với Sashimi các loại cá thịt trắng và các món khác mà không làm mất đi hương vị nhẹ, tinh tế của nước tương. Nó cũng thích hợp khi dùng chung với món cơm nắm nướng hay bánh Dango rưới nước tương.

Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội thử qua hương vị độc đáo của Koorogi Shoyu nhé! Hẳn đây cũng sẽ là một trải nghiệm thú vị mà du khách khó lòng quên được trong hành trình khám phá “xứ sở mặt trời mọc” của mình.

Những quả trứng cá nhỏ trong ẩm thực Nhật Bản

Nếu đã từng thử qua món Sushi hoặc Sashimi, chắc chắn du khách sẽ thấy quen thuộc với những loại trứng cá. Do màu sắc rực rỡ và kết cấu giòn nên trứng cá thường được dùng làm vật trang trí cho các món ăn. Có nhiều loại trứng cá thường được sử dụng trong ẩm thực Nhật Bản, bao gồm: Masago, Tobiko, Ikura, Kazunoko, Mentaiko,… 

1 – Ikura

Ikura có màu cam được lấy ra từ bụng của Cá Hồi, sau đó đem ướp với muối hoặc nước muối để bảo quản. Mọi quy trình từ đánh bắt, sơ chế, tách trứng đến đóng hộp đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sau đó được cấp đông theo theo điều kiện xuất khẩu để đảm bảo hương vị của trứng cá khi rã đông vẫn thơm và ngon. Ikura có màu cam tươi, hình tròn bóng. Khi còn tươi ăn trứng có ít vị mặn, giòn sựt, không tanh.

Cũng như các dòng trứng cá khác, Ikura được lấy ra từ bầu trứng trước khi chúng sinh nở, trứng có kích thước lớn và phát triển tốt nhất. Phần Cá Hồi còn lại sẽ được chế biến trong suốt thời gian đó, Ikura được bảo quản cẩn thận và từ những dải trứng cá được sàng lọc thành từng quả trứng nhỏ.

Đối với Ikura truyền thống, sau khi lấy trứng cá ra, người ta thường ướp với muối hoặc bảo quản trong nước muối rồi mới dùng cho các món ăn, nhiều nơi ở Nhật Bản, họ ăn Ikura tươi ngay khi lấy ra từ bụng cá. Ikura còn là nguyên liệu “khét tiếng” với món Sashimi hay Sushi, vì khi ăn cách này sẽ cảm nhận trọn vẹn hương vị nguyên bản của trứng cá. Không nên chế biến với nhiệt độ cao vì khi đó trứng bị vỡ mất đi hương vị và dưỡng chất.

Ngoài những món ăn phổ biến như Sushi, Sashimi,… Ikura cũng có thể trộn cùng cơm nóng ăn trực tiếp; hay phết lên bánh mì, trang trí hải sản và ăn kèm với thịt cá sống, hoặc ăn kèm hàu sữa chấm mù tạt. Một số món ăn khác như: Cơm rang Ikura, bánh bao nhân Ikura, súp Ikura,…

2 – Tobiko

“Tobiko” là thuật ngữ tiếng Nhật chỉ trứng cá được thu hoạch từ Cá Chuồn (thuộc họ Exocoetidae), chẳng hạn như Cá Chuồn Nhật Bản (Chilopogon Agoo). Vì loại cá này sống chủ yếu ở vùng nước ấm nhiệt đới nên Tobiko tự nhiên có màu từ đỏ đến cam rực rỡ và cực kỳ tươi sáng. Trên thị trường, Tobiko thường được bán với các màu nhuộm như: đen (pha mực), vàng (lấy màu từ Yuzu), xanh (vị Wasabi) và đỏ (củ cải đường).

Tobiko có kích thước nhỏ từ 0,5 – 0,8mm, có vị hơi ngọt xen lẫn vị mặn. Trứng cá chuồn có kết cấu giòn khi nhai và được dùng để trang trí bên ngoài nhiều loại Maki, được bọc trong Nori cho món Nigiri hoặc làm điểm nhấn cho món Sashimi hoặc Donburi.

Tobiko không chỉ vỏn vẹn trong món Sushi, Sashimi hay Nigiri mà du khách biết, nhiều nơi sử dụng chúng để biến tấu thành món mới từ trong nhà hàng cho đến món ăn đường phố, hay sự kết hợp giữa hương vị Âu – Á vô cùng phong phú, có thể thấy xu hướng ẩm thực sử dụng Tobiko ngày càng đa dạng. Với Tobiko, người Nhật thường ăn cơm cùng với một quả trứng sống, một ít trứng cá chuồn và rau thơm rắc bên trên, món ăn sẽ được dùng chung với nước tương pha dầu oliu. Hoặc một phiên bản khác thường gặp là ăn cơm cùng Natto – một món đậu tương nguyên hạt lên men cùng với Tobiko và một nhúm rong biển vụn.

3 – Masago

Masago có màu cam nhạt và thường bị nhầm với trứng Cá Chuồn (Tobiko), nhưng Masago lại có kích thước nhỏ hơn một chút. Masago có vị mặn ngọt, đôi lúc hơi có vị đắng, tuy nhiên kết cấu thì không giòn bằng Tobiko. Masago có hương vị thơm ngon mà không quá tanh, đó là lý do nó được sử dụng rộng rãi trong việc trang trí Sushi và các món ăn khác.

Masago được ngư dân thu hoạch từ các thành viên của họ Cá Osmeridae, chẳng hạn như Cá Capelin (Cá Ốt). Cá Capelin là một loại cá nhỏ làm thức ăn gia súc có kích thước bằng Cá Mòi, được tìm thấy ở Bắc Đại Tây Dương, Bắc Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương.

Ở Nhật Bản, Masago thường có nguồn gốc từ Shishamo (Spirinchus lanceolatus), một loài cá có nguồn gốc từ đảo Hokkaido. Trứng cá ngay sau khi thu hoạch có màu cam nhạt, do đó cần phải được nhuộm hoặc ướp trước khi phân phối trên toàn thế giới. Sự xuất hiện phổ biến của Masago là màu cam sáng, đen và đỏ.

Giống như Tobiko, các đầu bếp sử dụng Masago làm vật trang trí cho món California Sushi và các món cơm khác. Nó cũng là thành phần chính của nước sốt kem Masago.

4 – Kazunoko

Được biết vào những ngày đầu năm mới, người Nhật thường chuẩn bị món trứng Cá Trích (Kazunoko) trong những bữa ăn của mình. Không những vậy, nó còn là một trong những món rất được ưa thích và hầu như xuất hiện quanh năm ở các nhà hàng Sushi, Sashimi ở Nhật Bản.

“Kazunoko” trong tiếng Nhật mang nghĩa “nhiều con”, là biểu tượng cho sự sinh sản và gia đình thịnh vượng. Một túi trứng của Cá Trích có thể chứa hơn 100.000 trứng cá. Do đó món ngon này đã trở thành biểu tượng của việc có nhiều con cái, đồng thời cũng là món ăn mang tinh thần cầu may mắn, bình an và sự sung túc trong gia đình trong suốt 1 năm.

Kazunoko có màu vàng và được thu hoạch từ dạ con của Cá Trích hoặc trên Kombu – một loại tảo biển mà loài Cá Trích thích đẻ trứng lên trên. Trứng cá rất nhỏ và giòn giống như Tobiko. Sau khi thu hoạch, người ta sẽ ngâm trứng vào nước muối rồi rửa sạch và đông lạnh, chính vì thế chúng sẽ tạo thành hình khối trông khá giống với múi bưởi. Một vài cách chế biến khác của Kazunoko là ngâm với một số loại gia vị đặc trưng Nhật Bản như: nước tương, Dashi, Sake và Mirin.

5 – Mentaiko

Mentaiko là loại trứng Cá Tuyết đặc trưng của vùng đất Nhật Bản. Đây là nguyên liệu không chỉ mang đến hương vị đặc trưng và thơm ngon cho món ăn mà còn là nguyên liệu chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cực kỳ tốt cho sức khỏe con người.

Mentaiko sẽ gây “ấn tượng mạnh” với khách nước ngoài bởi màu sắc, hình dáng và cả hương vị độc đáo. Đặc trưng của Mentaiko chính là màu sắc đỏ đậm được ướp với ớt và hạt tiêu vô cùng bắt mắt. Khi thưởng thức, du khách sẽ cảm nhận được hương vị đặc trưng của trứng cá tuyết kết hợp với vị cay của ớt và tiêu, cùng với đó là vị hơi mặn của muối; cùng với đó là độ giòn tan.

PRO-280A

Không chỉ là thực phẩm mang lại hương vị thơm ngon, độc đáo cho người thưởng thức mà Mentaiko còn được đánh giá cao bởi những giá trị dinh dưỡng mà nó mang lại cho người ăn. Nó chứa một hàm lượng lớn chất đạm, DHA, iot, giàu omega-3 và acid béo không no khác,… mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe người dùng. Chính vì vậy mà món ăn này không chỉ được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản mà ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, Mentaiko cũng là một trong những nguyên liệu được các đầu bếp hàng đầu hết sức quan tâm.

Tại Nhật Bản, Mentaiko có thể được ăn kèm cùng với cơm nóng. Ngoài ra, Mentaiko cũng được dùng để ăn kèm với nhiều loại món ăn khác nhau để tăng hương vị và độ thơm ngon, chẳng hạn như: Mentaiko Gohan (Cơm trộn Mentaiko), Mì Ý sốt trứng Cá Tuyết cay, Khoai tây nướng Mentaiko, Giá đỗ trộn Mentaiko.

Trứng cá có vị ngon ngọt, giòn, chứa nhiều chất dinh dưỡng là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Du khách có thể dễ dàng tìm mua chúng ở bất kỳ cửa hàng tạp hóa chuyên bán đồ Nhật Bản. Hi vọng với những thông tin hữu ích này, du khách có thể tìm được loại trứng cá ưng ý để sử dụng sau chuyến du lịch Nhật Bản.

Nét tinh tế của Nhật Bản qua 11 nghề thủ công truyền thống

Từ lâu, Nhật Bản vốn nổi tiếng với những cảnh quan thiên nhiên làm say đắm lòng người và cả nền văn hóa đặc sắc. Không những thế, Nhật Bản còn là cái nôi của hàng chục nghề thủ công truyền thống có lịch sử hàng trăm, hàng ngàn năm.

Một đất nước với phần lớn lịch sử trong sự cô lập, Nhật Bản đã khẳng định truyền thống nghệ thuật và những ngành nghề thủ công độc đáo được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mà không bị biến đổi bởi bất kỳ tác động nào từ thế giới bên ngoài. Dù là bất kể nghề thủ công truyền thống Nhật Bản nào đi nữa thì nó cũng luôn chứa đựng bên trong những câu chuyện về lịch sử, về cái đẹp vô giá, về những giá trị tinh thần không thể nào có được lần hai.

Dao rèn Sakai

Không chỉ được biết đến với cụm lăng mộ Mozu-Furuichi Kofun, một trong 3 lăng mộ lớn nhất thế giới, thành phố Sakai của tỉnh Osaka còn sở hữu nghề rèn dao truyền thống nức tiếng. Đây cũng là một trong những vùng sản xuất dao, kéo chất lượng cao, chiếm đến 98% thị phần dao nhà bếp chuyên nghiệp ở Nhật Bản.

Nghề rèn dao ở Sakai đã có lịch sử hơn 600 năm. Dao nhà bếp Sakai đặc trưng bởi việc kết hợp hai loại vật liệu: thép cứng và sắt mềm khiến dao vừa có độ sắc bén lại vừa dẻo dai. Có 3 công đoạn chính là rèn dao, mài dao và gắn chuôi, mỗi công đoạn sẽ do một nghệ nhân chuyên về lĩnh vực đó đảm nhiệm. Đặc biệt, giống như kiếm Nhật, những chiếc dao Sakai chỉ được mài sắc một mặt và mặt còn lại phẳng, giúp tạo nên những vết cắt đẹp, mịn, bảo đảm giữ nguyên vị ngon umami của nguyên liệu. Do vậy, không chỉ trở thành báu vật của các đầu bếp người Nhật, dao rèn Sakai còn được giới đầu bếp khắp nơi trên thế giới mong muốn sở hữu.

Sản xuất rượu thủ công

Được thành lập hơn 300 năm về trước, Naniwa Shuzo là xưởng rượu có lịch sử lâu đời nhất tại thành phố Hannan thuộc tỉnh Osaka. Khác với các xưởng rượu sử dụng công nghệ hiện đại, nơi đây vẫn trung thành với phương pháp ủ rượu thủ công cổ xưa. Nguồn nước suối tinh khiết chảy từ núi Izumi hòa quyện với hạt gạo thơm ngon được trồng tại vùng Hannan, qua tay nghề thuần thục của các nghệ nhân sẽ tạo ra mẻ rượu tuyệt hảo, là sự pha trộn độc đáo của vị ngọt, chua, đắng và chát làm mê hoặc lòng người.

Nhờ vào bí quyết sản xuất rượu thủ công được lưu truyền qua các thế hệ, Naniwa Shuzo đã nhận vô số giải thưởng danh giá trong lĩnh vực sản xuất rượu Sake. Gần đây nhất, vào tháng 3/2021, dòng rượu nổi tiếng ở Hannan được làm từ những hạt gạo với độ mài đạt tới 40% đã xuất sắc nhận được giải thưởng của Thống đốc Osaka cho loại rượu ngon nhất.

Mặc dù rượu thủ công được ủ từ tháng 11 đến đầu tháng 3, du khách vẫn có thể đến tham quan xưởng Naniwa Shuzo vào bất kỳ thời điểm nào trong năm để vừa tận mắt khám phá quy trình nấu rượu lâu đời, vừa được nếm thử nhiều loại rượu khác nhau.

Nghề làm giấy Washi

Quận Fukui ở miền Trung Nhật Bản nổi tiếng với Washi, một loại giấy được làm từ sợi của cây gampi, cây bụi mitsumata và bụi dâu. Vùng Goka, bao gồm 5 ngôi làng được gọi chung là “Echizen Washi no Sato”, đã làm giấy Washi từ thế kỷ VI; ngày nay có 67 nhà máy giấy ở đây, sử dụng cả phương pháp chế biến thủ công và công nghiệp. Mỗi xưởng đều có nét riêng của mình: Ichibei Iwano, một nhà sản xuất giấy thế hệ thứ 9, vẫn làm mọi thứ thủ công bằng tay và chuyên về Hosho, hoặc giấy được sử dụng để in mộc bản cho nghệ thuật Ukiyo-e của Nhật Bản; còn Jiyomon Paper Studio thì sản xuất nhãn giấy cho những chai rượu Sake. Nghề làm giấy thủ công truyền thống độc đáo này của Nhật Bản sẽ luôn được bảo tồn và phát triển qua các thế hệ.

Để có kiến thức cơ bản về nghề thủ công này, du khách hãy ghé thăm Bảo tàng Văn hóa & Giấy ở thành phố Echizen, sau đó tiếp tục tham quan Bảo tàng Thủ công & Giấy Udatsu gần đó, nơi du khách có thể quan sát các màn trình diễn làm giấy thực tế bằng các công cụ cổ điển vô cùng sống động. Tại Paccorus House, du khách thậm chí có thể tự mình làm giấy bằng cách sử dụng hoa ép theo mùa, quá trình này mất khoảng 20 phút. Umeda Shop trên Washi Street sẽ là một điểm dừng đáng giá khác, du khách sẽ có những lựa chọn tuyệt vời với các mặt hàng giấy được làm thủ công hoặc sản xuất bằng máy và việc bạn cần làm chỉ là điền vào đơn đặt hàng tùy chỉnh theo yêu cầu.

Quạt gấp truyền thống Miyawaki Baisenan

Được thành lập vào năm 1823 tại quận Nakagyo thuộc thành phố Kyoto, cửa hàng quạt gấp truyền thống Miyawaki Baisenan vẫn giữ nguyên kiến trúc nhà gỗ truyền thống vốn phổ biến ở các con phố cổ Nhật Bản. Đây là nơi lưu giữ lịch sử và các đặc trưng của quạt gấp Kyoto, loại quạt không chỉ dùng làm mát mà còn được sử dụng để làm đạo cụ biểu diễn trong nghệ thuật kịch Noh hay hài kịch Kyogen.

Người ta thường nói, một chiếc quạt gấp Kyoto làm ra phải trải qua bàn tay của nghệ nhân 87 lần, từ đó thấy được sự tỉ mỉ và công phu đặt vào từng sản phẩm. Quy trình tạo ra một chiếc quạt bao gồm hơn 20 công đoạn, từ làm khung và mặt giấy, trang trí, mài nhẵn…, mỗi công đoạn lại được đảm nhiệm bởi một nghệ nhân chuyên biệt.

Khi ghé thăm Miyawaki Baisenan, du khách sẽ được khám phá “mê cung” của những chiếc quạt gấp ở tầng 1 của cửa hàng. Đặc biệt, tại trần nhà ở tầng 2 là kiệt tác tranh tường vẽ những chiếc quạt giấy, một tác phẩm tâm huyết do 48 bậc thầy hội họa Kyoto thời bấy giờ như Tomioka Tessai, Takeuchi Seiho hoàn thành vào năm 1902. Trải qua gần 200 năm, Miyawaki Baisenan vẫn luôn là một tượng đài đối với những người trót “phải lòng” chiếc quạt gấp truyền thống của Nhật Bản.

Nghề làm sứ

Arita nằm ở quận Saga là một trong những làng nghề nổi tiếng nhất ở Nhật Bản, đã sản xuất đồ sứ đặc trưng của mình từ thế kỷ XVII. Chỉ có một vài xưởng còn hoạt động cho tới tận ngày hôm nay, nhưng đặc biệt, ở đây có một quần thể gốm sứ 22 cửa hàng (Arita Será), cộng với các phòng trưng bày đồ sứ cao cấp (Arita Sứ Lab, Koransha) và một lễ hội và chợ sứ hàng năm (Arita Toukiichi) được tổ chức vào tháng Tư hàng năm.

Tuy nhiên, điểm dừng chân đầu tiên cho du khách tìm hiểu về đồ sứ là Bảo tàng gốm Kyushu. Triển lãm trưng bày cả đồ gốm truyền thống và đương đại được sản xuất tại khu vực Hizen, bao gồm các đồ gốm Karatsu, Nabeshima và Arita. Trong khi đó tại Bảo tàng Kakiemon, “số 0” trong các bình và lọ được sản xuất theo phong cách Kakiemon, một loại sứ tráng men phổ biến được sản xuất ở Arita cho đến cuối thế kỷ XVII, nó có các thiết kế hoa đầy màu sắc được bố trí trên một thân gốm màu trắng sữa. Bảo tàng này trưng bày các tác phẩm của các bậc thầy thế hệ 12, 13, và 14, cũng như các tác phẩm của học viên hiện thời của Sakaida Kakiemon XV.

Để có trải nghiệm thực tế hơn, du khách hãy đến xưởng gốm Rokuro-za. Sau một bản demo ngắn với các hướng dẫn viên địa phương, “những lính mới” có thể leo lên phía sau bánh xe của thợ gốm chuyên nghiệp và thử nghiệm các kỹ năng của chính họ (và các tác phẩm cuối cùng của họ sẽ được gửi lại sau khi sản phẩm bằng gốm đó đã được nung).

Nghề làm vật dụng bằng kim loại Owari Shippo

Khác với các sản phẩm gốm sứ thông thường được sản xuất từ đất sét, nguyên liệu chính của Owari Shippo là kim loại. Tương tự như cách nung chảy gốm trong lò nung, những tấm kim loại bằng bạc hoặc đồng được dùng để tạo khung cho sản phẩm Owari Shippo, với men thuỷ tinh được tráng trên bề mặt.

Thành phẩm Owari Shippo thường rất tinh xảo với bề mặt được trang trí bằng các loại hoa văn phong phú. Cảnh vật thường được thể hiện nhất trên bề mặt Owari Shippo là phong cảnh hữu tình, hoa cỏ, chim, bướm, gió, mặt trăng.

Owari Shippo bắt nguồn từ những năm cuối thời Edo, khi những món mỹ nghệ như cốc uống rượu Sake bắt đầu được sản xuất ở vùng đất do gia tộc Owari cai quản. Một người hầu cận của nhà Owari tên Tsunekichi Kaji đã thành công học tập và cải tiến kỹ thuật làm đồ thủ công bằng kim loại của Hà Lan để tạo ra những sản phẩm chất lượng. Kỹ thuật này nhanh chóng phổ biến nhiều nơi và giúp định danh Owari Shippo trong giới thủ công mỹ nghệ.

Quá trình sản xuất Owari Shippo đòi hỏi những nghệ nhân chuyên nghiệp và tỉ mẩn. Các công đoạn cơ bản sẽ bao gồm làm khung, vẽ trang trí, gắn dây bạc bằng một loại keo đặc biệt, tráng men thuỷ tinh, nung và đánh bóng. Quá trình nung được lặp đi lặp lại khoảng 4-8 lần, sau đó bề mặt mới được đánh bóng và trang trí, tạo nên những sản phẩm toát lên vẻ đẹp sang trọng và cổ điển phương Đông.

Nghề dệt thủ công Bashō-fu

Bashō-fu, một loại vải dệt thủ công truyền thống từng được hoàng gia Ryukyu mặc, được sản xuất độc quyền tại Kijōka, một ngôi làng nhỏ ở quận Ōgimi ở phía Bắc Okinawa. Các sợi vải tinh tế đến từ lá của Itobasho, một loại chuối hoang dã; việc thu hoạch, kéo sợi, nhuộm tự nhiên và dệt vải đều được thực hiện tại địa phương. Sản xuất đã giảm trong những năm gần đây do sự thiếu của Itobasho và sự mai một trong số lượng của những người thợ thủ công Bashō-fu lành nghề. Phải mất tới 3 tháng và phải kéo sợ tới 200 cây để dệt một bộ Kimono Bashō-fu; vì vậy, đây được coi như là một sản phẩm đắt giá đích thực, có thể lấy tới vài triệu Yên, hoặc hàng chục ngàn USD.

Taira Toshiko, chủ tịch 98 tuổi của Hiệp hội bảo tồn Kijoka Bashō-fu và là một trong những nghệ nhân dân gian cùng một số ít những học viên còn lại đang ngày ngày làm việc chăm chỉ để bảo tồn và hồi sinh nghề thủ công này; Mieko Taira, con dâu của bà, là người kế vị được chỉ định của bà. Khách du lịch đến Okinawa có thể học di sản nghề thủ công Bashō-fu tại Ōgimi Village Bashō-fu Kaikan, một không gian được xây dựng với mục đích để dạy cho những người học về nghệ thuật Bashō-fu. Du khách được chào đón để quan sát quá trình sản xuất và có thể mua những món quà Bashō-fu nhỏ tại đây.

Nghề làm vải Denim

Hãy hỏi bất kỳ người sùng bái Denim nào và họ sẽ nói với du khách rằng nơi tốt nhất thế giới có nguồn vải Denim là Nhật Bản. 5 công ty trong hoặc gần thành phố Osaka được ghi nhận với sự hồi sinh của nghề làm vải Denim Nhật Bản, bắt đầu với việc nhà thiết kế thời trang Shigeharu Tagaki thành lập Studio D’Artisan vào năm 1979. Với sự ra mắt này, Tagaki nhằm mục đích tái tạo Denim Mỹ những năm 1960 danh tiếng, tuy chất lượng của loại vải này đã xuống dốc không phanh kể từ khi chúng được sản xuất theo dây chuyền hàng loạt. Tagaki rời công ty vào giữa những năm 1990, nhưng ông vẫn được ghi nhận bởi sự thiết lập những tiêu chuẩn vàng cho Denim thô Nhật Bản.

Những người săn lùng vải Denim luôn sẵn sàng lên kế hoạch cho một chuyến đi đến Nhật Bản sẽ tìm thấy không thiếu các cửa hàng Denim cho họ “giải phóng” hầu bao của mình. Tại Osaka, du khách sẽ tìm thấy những lá cờ đầu là Warehouse và Studio D’Artisan, cùng với Samurai Jeans, đây chính là điểm dừng chân đầu tiên cho những người muốn mua dòng Jeans cổ điển 15 oz. lấy cảm hứng từ Levi’s 501s. Village Authentic Clothing Arc là một sự lựa chọn khác, cửa hàng này cung cấp Denim đến từ Fullcount, Pherrow, và Mister Freedom x Sugar Cane.

Để đến gần hơn với nguồn chính, hãy đi 2 giờ về phía Tây đến Kurashiki ở quận Okayama, nơi hàng chục nhà máy nhuộm chàm do gia đình điều hành vẫn đang hoạt động. Tại đây, du khách có thể lướt qua Bảo tàng Jeans Betty Smith; tham quan nhà máy dệt nhuộm chàm Takashiro Senkou 80 tuổi (ở đó, nếu du khách đặt chỗ trước, du khách có thể tự tay nhuộm thử); hoặc đi dạo xuống Kojima Jeans của Kurashiki – một dãy phố mua sắm với các nhà thương hiệu Denim cao cấp (Jeanzoo, Momotaro Jeans, Japan Blue)!

Nghề nhuộm Arimatsu Narumi Shibori

Shibori là một kỹ thuật nhuộm buộc vải tinh vi được lưu truyền từ những người xây Lâu đài Nagoya ở thành phố Nagoya, Aichi. Trong thời kỳ Keicho (1596-1615), Takeda Shokuro đã học hỏi kỹ thuật này và quảng bá nó với tên gọi “Kukuri-shibori”. Phương pháp này dựa trên ý tưởng cốt lõi là sau khi in hoa văn lên mảnh vải thì vải được cột bằng chỉ bông trước khi nhuộm. Vì thế khi nhuộm, chỗ cột sẽ không được nhuộm và tạo thành các hoa văn khác nhau khi gỡ chỉ ra. Chính vì vậy, công đoạn buộc vải là đặc biệt quan trọng để quyết định chất lượng sản phẩm.

Kỹ thuật buộc vải có đến hơn một trăm biến thể, đơn cử như Kumo-shibori (kiểu mây), Arashi-shibori (kiểu bão), Yuki-shibori (kiểu tuyết), và chỉ có thể thực hiện thủ công nếu muốn tạo ra bố cục như ý. Quá trình nhuộm buộc này kéo dài trung bình 50-60 ngày, với nhiều thợ thủ công chuyên trách các công đoạn khác nhau.

Với vẻ đẹp truyền thống, hiện nay, nghề nhuộm này chủ yếu phục vụ việc sản xuất Furisode (Kimono dài tay), Houmongi (Kimono thường dùng trong đám tiệc), vải lụa, Yukata, lẫn các sản phẩm trang trí nội thất khác.

Nghề làm bút vẽ truyền thống Fude-shi

Trong gần 2 thế kỷ, thị trấn miền núi Kumano thuộc tỉnh Hiroshima là nơi sản xuất hàng đầu các loại bút vẽ thủ công chất lượng cao. Được biết, 80 công ty gia đình ở Kumano thống trị 80% sản lượng bút vẽ nội địa của Nhật Bản, với tổng số lên đến 15.000.000 bút vẽ mỗi năm. Trong số 27.000 cư dân của thị trấn, người ta ước tính rằng có tới 1.500 người làm bút vẽ truyền thống tại đây. Trên thực tế, thị trấn rất tôn sùng những cây cọ vẽ, có một nghi lễ đặc biệt ở Đền Sakakiyama vào thế kỷ thứ 10, nơi những chiếc bút vẽ được hỏa táng trong Lễ hội Fude no Matsuri và Lễ hội Mùa Thu Kumano.

Đối với những vị khách du lịch mong muốn tìm hiểu kiến ​​thức về loại bút lông đặc biệt này, có Fudenosato Kobo, một bảo tàng và xưởng thiết kế chuyên tổ chức và thiết kế các bản demo và xưởng thực hành. Bảo tàng là nơi trưng bày của một cọ vẽ thư pháp dài 12 feet, nặng 882 pound, và cửa hàng quà tặng ở đây bán 1.500 kiểu cọ, bao gồm cọ vẽ và cọ trang điểm được sản xuất bởi 32 công ty có trụ sở tại Kumano. Giá chỉ trong khoảng vài USD, vì vậy, không có lý do gì để không mang về nhà một vài món quà lưu niệm thủ công ấn tượng và đặc biệt.

Nghề làm bàn thờ Phật giáo Nagoya Butsudan và Mikawa Butsudan

Ngoài đồ thủ công mỹ nghệ có kích thước nhỏ và vừa, tỉnh Aichi cũng nổi tiếng có nghề làm bàn thờ Phật giáo chất lượng cao, nổi bật là Nagoya Butsudan và Mikawa Butsudan. Cả Nagoya và Mikawa đều có nhiều thợ thủ công tay nghề cao, sử dụng các loại gỗ quý như thông, tuyết tùng và cây bách để sản xuất bàn thờ.

Nagoya Butsudan có mặt bàn thờ cao ráo và ba cửa phía trước có thể kéo lên để mở ra. Kiểu bàn thờ này giúp hạn chế hư hại do lũ lụt. Trong khi đó, do vùng Mikawa có tập quán bày bàn thờ Phật trong tủ nên Mikawa Butsudan làm bàn thờ kích thước vừa vặn với bệ thấp và đặc trưng bởi kiểu trang trí lượn sóng.

Nagoya Butsudan bắt nguồn từ năm 1695, khi các thợ thủ công từng tham gia xây dựng Chùa Higashi Honganji sử dụng gỗ bách để làm bàn thờ Phật giáo và chạm trổ những chi tiết nghệ thuật chất lượng, đặt nền tảng cho làng nghề hiện nay. Còn Mikawa Butsudan ra đời muộn hơn một chút, vào khoảng năm 1704. Lúc này, nghệ nhân của gia tộc Shohachi bắt đầu dùng gỗ quý để sản xuất bàn thờ Phật giáo. Nhờ tuyến đường vận chuyển dọc sông Yahagi và sơn mài sẵn có ở khu vực Bắc Mikawa, Mikawa Butsudan nhanh chóng phát triển.

Cả Nagoya và Mikawa Butsudan đều cho thấy đỉnh cao của nghệ thuật với thành phẩm là sự kết hợp của chuyên gia đến từ 8 lĩnh vực gồm nghề mộc, nội thất đền chùa, điêu khắc, trang trí, sơn mài, sơn mài bằng vàng, mạ vàng và lắp ráp.

11 nghề thủ công truyền thống trên đây đã góp phần tạo nên những sự khác biệt đến bất ngờ cho văn hóa Nhật Bản. Khi có dịp du lịch Nhật Bản, du khách hãy tự mình khám phá thêm nhé! Cũng đừng quên mua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ về làm kỷ niệm. Đó cũng là một cách để du khách hiểu biết thêm về nền văn hóa của đất nước này.

Quán “Kawaii Monster Café” đầy màu sắc vui nhộn tại Nhật Bản

Trong thời gian gần đây, những quán cafe theo chủ đề như quán cafe mèo, chó cưng hay quán cafe cá đã không còn xa lạ đối với nhiều người. Tuy nhiên, quán cafe về chủ đề quái vật ở Nhật Bản sẽ khiến nhiều người thích thú. Đó là quán “Kawaii Monster Café” (tạm dịch: “Yêu quái dễ thương”) nằm ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Địa điểm này sẽ thích hợp với những cô nàng yêu thích sự dễ thương.

Quán “Kawaii Monster Café” lấy ý tưởng từ những quái vật dễ thương, ngộ nghĩnh theo phong cách Kawaii. Theo từ điển định nghĩa, “Kawaii” là cảm giác ấm áp được che chở. Ngày nay, từ “Kawaii” đã được mở rộng hơn và được các cô gái dùng để chỉ những thứ mình thích hay những thứ dễ thương. “Kawaii” phát triển khá mạnh ở Nhật Bản và trở thành văn hóa Kawaii. Ngoài ra, người Nhật còn biến văn hóa Kawaii thành một biểu tượng của mình.

Được biết, quán “Kawaii Monster Café” là tâm huyết của Sebastian Masuda – nghệ sĩ và là người dẫn đầu phong cách thời trang “kawaii” Harajuku. Đứa con tinh thần này của ông thu hút rất nhiều giới trẻ yêu thích phong cách thời trang Harajuku. Làm sao du khách có thể từ chối sự dễ thương của cảnh vật và kể cả dàn tiếp viên xinh đẹp đáng yêu, đây quả là một trải nghiệm thú vị!

Kawaii Monster Café bắt đầu hoạt động từ tháng 8/2015. Bất kỳ ai khi bước chân vào quán cũng sẽ có cảm giác như đang lạc vào một thế giới khác bởi nội thất ở đây được thiết kế theo kiểu mô phỏng phần bên trong cơ thể của một con quái vật. Du khách như được thỏa lòng với những thứ vô cùng dễ thương, phải nói là siêu dễ thương với những viên kẹo ngọt ngào và những chú quái vật cute đến nỗi nhìn không nỡ ghét.

Giống như Wonderland của Alice hay Candyland của Willy Wonka, quán “Kawaii Monster Café” nổi bật bởi nội thất độc đáo đầy màu sắc vui nhộn của những con quái vật cùng đồ ăn, thức uống đặc thù. Quán được chia làm 5 khu vực chính với từng chủ đề: Sweets Go Round, Mushroom Disco, Milk Stand, Bar Experiment và Mel-Tea Room.

  • Mushroom Disco là khu vực được bố trí theo từng bàn riêng biệt. Đây như là một khu rừng đầy màu sắc của những cây nấm độc to lớn uốn lượn khắp nơi. Khu vực này là nơi thưởng thức đồ ăn, thức uống và trò chuyện nên không gian khá thân mật và ấm cúng.
  • Milk Stand giống như một phần khác của Mushroom Disco với cách bố trí bàn ngồi giống nhau nhưng theo một chủ đề khác nhau. Thỏ, cừu, ngựa… cùng với một số lượng lớn các bình sữa trẻ em được treo ngược lơ lửng bên trên cũng vừa là hệ thống đèn trần chiếu sáng một cách sáng tạo.
  • Bar Experiment dành cho những món đồ uống cocktail ngon và thú vị. Bao quanh khu này là một con sứa lớn phát ra một màu xanh để tạo hiệu ứng như đang ở dưới đại dương. ‘Experiment” ám chỉ đến việc quán sử dụng các thiết bị phòng thí nghiệm trong việc phục vụ khách hàng như ống nghiệm được sử dụng làm ly để uống…
  • Mel-Tea Room: Để vào khu vực này, du khách được dẫn dắt bởi một đàn kiến. Căn phòng Mel-Tea tràn đầy hình ảnh “ngọt ngào” của những chiếc bánh Macaron, kem sữa tươi, chocolate… Đây là không gian cho một “bữa tiệc trà kawaii” và những món bánh hấp dẫn.

Hơn nữa, ngoài các khu vực chính, quán còn bố trí nhiều khu vực xung quanh để phục vụ khách hàng và một phòng Vip Pinkcatroom diện tích tương đối rộng. Hầu hết các không gian được tăng cường bày trí và “tô màu” với mọi thứ ngộ nghĩnh. Đặc biệt, nằm “ẩn” ở cuối hành lang, một khu vực trò chuyện với nhiều hình chiếc môi đỏ được trang trí khắp tường như ám chỉ “phụ nữ nói nhiều”. Một điều thú vị khiến địa điểm này trở nên hoàn hảo chính là thực đơn mang phong cách của quán và những nhân viên được hóa trang thành các “monster girls”.

Khi bước qua cánh cổng của quán, du khách sẽ được chào đón bởi biểu tượng “Sweets Go Round”. Nổi bật ngay chính giữa là chiếc bánh kem màu sắc khổng lồ cũng là chiếc đu quay với nhiều thú nhún khác nhau kết hợp ánh sáng đèn xung quanh. Hiệu ứng màu sắc còn được nhấn mạnh bởi phần trần bằng gương phản chiếu như trong một quán bar sang trọng.

Nữ nhân viên của quán trong những bộ trang phục sặc sỡ có hình dáng “cô quỷ nhỏ” sẽ đưa du khách đi tham quan xung quanh. Họ sẽ cho du khách thấy những khía cạnh có phần kỳ quái của văn hóa Kawaii. Và du khách hoàn toàn có thể nắm bắt được những xu hướng đang thịnh hành trong nền văn hóa này thông qua trang phục của họ.

Nội thất không phải là điểm độc đáo duy nhất tại đây khi các món ăn và đồ uống của quán cũng được chế biến rất lạ mắt. Du khách có thể thưởng thức món mì Ý và tráng miệng đầy màu sắc cũng như các món cocktail kỳ lạ. Thức ăn và đồ uống ở đây được đánh giá không những dễ thương mà còn rất ngon nữa.

Với những điều khác biệt mà quán “Kawaii Monster Café” mang lại, nhiều người cho rằng đây thật sự là một trải nghiệm thú vị và mới lạ đáng thử một lần trong đời. Còn chần chờ gì nữa mà du khách không đến ngay với “Kawaii Monster Café” trong chuyến du lịch Nhật Bản?

Bảo tàng Xe đạp Shimano – điểm đến được yêu thích tại Osaka, Nhật Bản

Thành phố Sakai của tỉnh Osaka được biết đến là nơi khởi nguồn của ngành công nghiệp xe đạp Nhật Bản, từng phát triển thịnh vượng, là nơi các tập đoàn kinh doanh xe đạp lớn của nước này đặt trụ sở. Nơi đây cũng thu hút rất nhiều người đam mê xe đạp và khách nước ngoài với Bảo tàng Xe đạp Shimano.

Tại thành phố Sakai, kỹ thuật gia công kim loại đã được hình thành và rất phát triển từ thế kỷ XVI thông qua việc chế tạo súng và dao. Sau thời kỳ Minh Trị, kỹ thuật này tiếp tục được ứng dụng vào việc sửa chữa xe đạp du nhập từ nước ngoài, từ đó khởi nguồn cho ngành sản xuất xe đạp của Sakai.

Bảo tàng Xe đạp Shimano được xây dựng nhằm ghi dấu các giai đoạn hình thành và phát triển của xe đạp từ thời sơ khai cho đến hiện tại, truyền lại niềm cảm hứng tìm hiểu, khám phá đối với loại phương tiện giao thông thú vị này.

Bảo tàng được khai trương vào tháng 3/2022, thay bảo tàng cũ có tuổi đời 30 năm nhân sự kiện kỷ niệm 70 năm thành lập Tập đoàn Xe đạp Shimano nổi tiếng của Nhật Bản, do Trung tâm Phát triển Xe đạp Shimano – một tổ chức hoạt động vì lợi ích cộng đồng điều hành.

Bảo tàng này có kiến trúc đơn giản với phương châm “Đơn giản và không ồn ào” để khách tham quan trải nghiệm lịch sử phát triển tự nhiên của xe đạp. Ngoài ra, thay vì đưa nhiều thông tin giải thích, Bảo tàng đã áp dụng công nghệ số hóa, sử dụng các màn hình cảm ứng để du khách trực tiếp trải nghiệm, giúp thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu của tất cả đối tượng, trong đó có trẻ em và những người mới bắt đầu.

Bảo tàng Xe đạp Shimano là một bộ sưu tập đồ sộ với 462 chiếc xe đạp, trong đó có 82 chiếc được trưng bày cố định ở không gian trung tâm.

Tại khu “Lịch sử ra đời của xe đạp”, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng chiếc xe Draisinne, được cho là chiếc xe đạp hai bánh đầu tiên của loài người, do một người Đức phát minh vào năm 1817. Xe Draisinne có đặc điểm là bánh trước có thể lái được, nhưng không có bàn đạp và được di chuyển bằng cách sử dụng chân để đẩy. Tại khu trưng bày này, một màn hình lớn trình chiếu tác phẩm “Giấc mơ của các nhà phát minh”, kể về quá trình hình thành và phát triển của những chiếc xe đạp sơ khai cũng như nỗ lực sáng tạo của các nhà phát minh trên thế giới để có được chiếc xe đạp hoàn thiện như hiện nay.

Tiếp đến là khu “Mở rộng xe đạp” cho thấy quá trình ứng dụng các công nghệ hiện đại vào việc sản xuất các loại xe đạp đa dạng từ xe đạp dân dụng, xe đạp đường trường, xe đạp thể thao, xe đạp đa dụng… Tại đây, các màn hình số có sẵn những clip như “công nghệ của xe đạp”, “vai trò của các bộ phận trong xe đạp” đưa ra những giải thích khoa học như lý do tại sao xe đạp không bị đổ, có thể di chuyển dễ dàng… Cũng tại đây, từng chi tiết nhỏ nhất của chiếc xe đạp hiện đại được tháo rời để người xem hiểu rõ tính năng, tác dụng của các bộ phận.

Ngoài ra, người xem có thể trực tiếp trải nghiệm các công nghệ hiện đại nhất của bộ phận hộp số, phanh cũng như so sánh trọng lượng khung xe sau khi áp dụng các công nghệ hiện đại nhằm cải thiện độ cứng, độ bền, trong khi giảm tối đa trọng lượng của xe, chủ yếu phục vụ các tay đua xe chuyên nghiệp.

Cuối cùng là khu “xe đạp và tương lai” với đặc trưng là các bức tranh tường mô tả vai trò của xe đạp đối với cuộc sống của con người kèm theo các thông điệp như: “đạp xe giúp thư thái tâm trí”, “đạp xe giúp bảo vệ môi trường”, “đạp xe mang lại một xã hội phát triển hài hòa giữa hiện đại và thiên nhiên”,… qua đó giúp du khách cảm nhận được việc sử dụng xe đạp hằng ngày không chỉ mang lại giá trị sức khỏe và tinh thần mà còn tác động tích cực đến xã hội và môi trường toàn cầu.

Ngoài ra, Bảo tàng Xe đạp Shimano cũng giành một không gian riêng với bộ sưu tập khoảng 5.000 sách, tạp chí các loại về xe đạp, cho phép khách tham quan có thể tìm hiểu chi tiết hơn về lịch sử xe đạp, khơi dậy nguồn cảm hứng khám phá chuyên sâu về lĩnh vực này.

Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách hãy thử một lần đặt chân đến khám phá Bảo tàng Xe đạp Shimano độc lạ này nhé! Chắc chắn du khách sẽ có thêm được trải nghiệm thú vị trong hành trình vi vu “xứ Phù Tang”.

15 Bảo tàng hấp dẫn thu hút khách tham quan tại Osaka, Nhật Bản

Tỉnh Osaka là một trong những địa danh du lịch nổi tiếng của Nhật Bản. Tại vùng đất này, du khách sẽ được tận hưởng vẻ đẹp tự nhiên tuyệt đẹp và thưởng thức vô số món ăn ngon, mới lạ và hấp dẫn. Bên cạnh đó, Osaka cũng thu hút lữ khách bởi nhiều bảo tàng thú vị.

1. Bảo tàng Lịch sử Osaka

Bảo tàng Lịch sử Osaka được khai trương vào năm 2001, nằm trong tòa cao ốc nằm bên cạnh hội trường NHK Osaka và đối diện với Lâu đài Osaka nổi tiếng.

Các phòng triển lãm của Bảo tàng chủ yếu trưng bày các hiện vật và tác phẩm xoay quanh lịch sử của Osaka, tái hiện lại lịch sử của thành phố, từ thời cổ xưa – khi Osaka còn là thủ đô đầu tiên của Nhật Bản cho đến thời kỳ Showa, khi các khu mua sắm sầm uất tràn ngập khắp nơi.

Điểm nhấn lớn nhất của Bảo tàng Lịch sử Osaka là Cung điện Naniwa-no-Miya. Cung điện được phát hiện đầu tiên vào năm 1954 thông qua một cuộc khảo sát khai quật. Ngoài ra, trên tầng 10 mà nhà vật cổ đại, nội thất của cung điện đã được khôi phục lại kích thước thực tế và du khách có thể tìm hiểu về lối sống trong quá khứ thông qua các hiện vật.

Bảo tàng nằm ở các tầng trên của tòa nhà. Khi vào bảo tàng, du khách sẽ được hướng dẫn đi lên các tầng cao bằng thang máy để vào khu triển lãm sau đó sẽ tham quan theo hướng “đi xuống dần” các tầng. Ở các tầng dưới là khu vực nhà hàng, shopping rộng lớn nên rất thuận tiện cho du khách nghỉ ngơi sau cả tiếng đồng hồ đi bộ tham quan khu vực bảo tàng phía trên.

2. Bảo tàng Khoa học Osaka

Bảo tàng khoa học Osaka nằm ở Nakanoshima được xây dựng để kỷ niệm 100 năm thành lập thành phố Osaka. Tại Bảo tàng, du khách sẽ có cơ hội khám phá khoa học thông qua các màn hình và các thí nghiệm. Du khách cũng có thể tận hưởng một chuyến đi qua bầu trời đầy sao tuyệt đẹp tại một không gian vũ trụ đẳng cấp thế giới với một ánh sáng và âm nhạc. Có 200 màn hình tương tác và trình diễn khoa học với chủ đề của không gian và năng lượng, các mô hình vũ trụ thực tế với màn hình mái vòm lớn nhất thế giới với đường kính 26,5m.

Bảo tàng triển lãm trên diện tích 4 tầng lầu. Trên tầng 4 là không gian theo chủ đề, có hiển thị các mô hình và hình ảnh của trái đất, mặt trời và những khám phá khoa học từ thời cổ đại đến thời hiện đại được đặc trưng qua các thiết bị thí nghiệm khác nhau. Tầng 3 có chủ đề của khoa học quen thuộc và có những cuộc triển lãm, các thí nghiệm về các chất quen thuộc với cuộc sống hàng ngày như khoáng sản, đá quý, pha lê, nhựa, dệt may, thuốc chữa bệnh. Trên tầng 2 là khu vực dành cho cha mẹ và trẻ em, du khách có thể chơi ở một khu vực thí nghiệm tương tác trong đó sử dụng quả bóng, gương, gió và âm thanh. Và tầng 1 là “Điện và Năng lượng”, du khách có thể khám phá những thử nghiệm với máy phát điện và sử dụng điện.

Bảo tàng có một cửa hàng lưu niệm lớn bán rất nhiều loại vật phẩm vừa đẹp vừa hữu ích. Những bạn nhỏ yêu thích thiên văn học sẽ không thể bỏ qua các cuốn sách khoa học thường thức lung linh ở đây. Chưa kể, bản đồ sao, cẩm nang ngắm sao, hướng dẫn thí nghiệm vui, ngoài ra là vô vàn văn phòng phẩm và đồ trang trí được thiết kế độc đáo đảm bảo sẽ khiến du khách không thể kiềm lòng mà rút hầu bao đấy!

3. Bảo tàng Dân tộc học Quốc gia

Đây vừa là bảo tàng và đồng thời là viện nghiên cứu lớn nhất của Nhật Bản trong các lĩnh vực nhân văn và khoa học xã hội. Bảo tàng được thành lập vào năm 1974 và mở cửa chính thức cho công chúng tham quan vào năm 1977. Nó được xây dựng trên nền móng cũ của Expo’70 – Hội chợ triển lãm thế giới được tổ chức thường niên tại thành phố Suita, Osaka.

Bộ sưu tập sáng lập của bảo tàng được gọi là “Bộ sưu tập gác mái”, đây là một bộ sưu tập các tài liệu, chủ yếu là của Nhật Bản. Bộ sưu tập này bao gồm một số phát hiện ban đầu về các hiện vật khảo cổ Jōmon. Các bộ sưu tập tiếp theo đã được tập hợp lại để khai trương vào năm 1977 và qua nhiều năm, Bảo tàng tiếp tục thu thập thêm nhiều hiện vật khác và mở rộng bộ sưu tập của mình lên một quy mô vô cùng đồ sộ.

Trọng tâm chính của các bộ sưu tập tại đây là phim ảnh, các hình ảnh tĩnh, những bản ghi âm và các vật thể đại diện cho các khía cạnh khác nhau của cuộc sống hàng ngày, từ nông nghiệp đến thực phẩm, đời sống đô thị, hàng thủ công dân gian và tôn giáo. Bảo tàng còn có một phòng trưng bày các hiện vật biểu trưng cho văn hóa của tất cả các khu vực lớn trên thế giới.

4. Bảo tàng về Nhà & Đời sống Osaka

Bảo tàng về Nhà & Đời sống Osaka được thành lập đầu tiên vào năm 2001 nhằm để giới thiệu về lịch sử và văn hóa của người dân Osaka trong thời kỳ Edo (giữa năm 1603 – 1868) cho đến sau chiến tranh. Bảo tàng nổi tiếng này có những mô hình kích thước thật của toàn bộ thành phố Osaka, thực sự là độc nhất vô nhị!

Bảo tàng tái hiện đầy sáng tạo vô số khía cạnh của đời sống đô thị, dựa trên những nghiên cứu học thuật không ngừng nghỉ. Từ những đường phố cho đến những tòa nhà tráng lệ, không có chi tiết nào bị bỏ qua. Bằng cách sử dụng những công nghệ hiện có ngày nay, trải nghiệm hút hồn này mô phỏng quá trình biến đổi từ buổi sáng đến buổi tối dưới dạng những âm thanh mà bạn thường nghe thấy trong quá khứ trong những vở kịch được trình chiếu suốt chuyến thăm của bạn, làm cho trải nghiệm quyến rũ này trở nên sống động.

Bảo tàng này cũng tái hiện lại các tháp canh cứu hỏa, các Sento (là các nhà tắm công cộng), và những cửa hàng buôn bán kiểu truyền thống của thời quá khứ. Hãy bước vào các ngôi nhà ở đây để trải nghiệm thế nào là cuộc sống ở Osaka thời xưa. Nổi bật với những thiết kế tuyệt đẹp, những không gian sống xuyên thời gian này có những phòng trà, thảm Tatami, và những căn bếp truyền thống. Bảo tàng về nhà & cuộc sống Osaka cũng có rất nhiều mô hình trưng bày tương tác, cho phép du khách chạm vào và cảm nhận những vật phẩm trưng bày. Các mô hình trưng bày có tính giáo dục này cho phép du khách thực sự được trải nghiệm phong cách sống cổ xưa một thời ở Osaka.

Đến với Bảo tàng, du khách có thể tham quan theo ý mình. Du khách có thể đến khu vực cho thuê Kimono để trải nghiệm mặc Kimono và đi dạo xung quanh thị trấn Osaka được mô phỏng của năm 1830. Bên cạnh đó, bên trong thị trấn mô phỏng còn có các âm thanh của mưa gió, sấm chớp hoặc là ánh sáng vào buổi sáng, buổi trưa, buổi tối được tạo ra từ người thiết kế. Ngoài ra, còn có khu mua bán, khu trò chơi hoặc trà đạo cũng được thiết kế tại đây cho người tham quan. Tiếp đó, du khách lên tầng 10 là đài quan sát thiên văn và nhìn ra đường phố Osaka thời kỳ lịch sử. Hơn nữa, du khách có thể xem một “sân khấu rối tự động” cho du khách thấy cảnh mua sắm sôi động ở khu Shinsaibashi và một công viên giải trí thời Meji.

5. Bảo tàng Nhân Quyền Osaka

Bảo tàng Nhân Quyền Osaka nằm ở Naniwa-ku, một phường ở phía Nam thành phố Osaka. Là bảo tàng tổng hợp đầu tiên dành riêng cho nhân quyền tại Nhật Bản, trọng tâm của các cuộc triển lãm thường trực là lịch sử của cuộc đấu tranh chống phân biệt đối xử của các nhóm dân tộc thiểu số của quốc gia: Burakumin, Ainu của Hokkaidoaidō…

Bảo tàng Nhân quyền Osaka được thành lập vào năm 1985 như là một kho lưu trữ các tài liệu liên quan đến Burakumin – đẳng cấp thấp nhất dưới chế độ phong kiến cũ (chống lại sự phân biệt đối xử tiếp tục vào thời hiện đại). Bảo tàng đã phát triển để bao gồm nhiều chủ đề khác nhau, từ chính trị tình dục đến các cuộc đấu tranh của Nhật Bản của tổ tiên Hàn Quốc. Bảo tàng cũng đề cập đến các vấn đề mà cộng đồng LGBTQ đã phải đối mặt ở Nhật Bản cũng như những người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử bị kỳ thị sau Thế chiến II.

6. Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Osaka

Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Osaka hiện đang sưu tầm và trưng bày những tác phẩm mỹ thuật theo phong cách đương đại trên khắp nước Nhật từ sau chiến tranh thế giới thứ II. Ghé thăm Bảo tàng, du khách sẽ được giới thiệu một loạt các xu hướng nghệ thuật trong và ngoài nước.

Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Osaka cũng hứa hẹn sẽ trở thành một không gian công cộng có thể tạo điều kiện cho sự tương tác giữa con người với nghệ thuật, đây là nơi du khách có thể thoải mái thưởng thức và đánh giá các tác phẩm nghệ thuật đương đại.

Bảo tàng không được xây dựng trên mặt đất, mà mọi tác phẩm nghệ thuật đều được lưu giữ trong một kiến trúc 3 tầng ẩn sâu trong lòng đất. Tầng trệt là sảnh ở lối vào, được gắn kính, tạo một hiệu ứng thị giác vô cùng bắt mắt với khách tham quan. Tầng hầm thứ nhất là các phòng chức năng như: khu nhà hàng, phòng điều dưỡng, phòng trẻ em, phòng giữ đồ, toa lét đa năng, cửa hàng bán sản phẩm. Bức tường nằm cạnh cửa hàng bán sản phẩm có treo các tác phẩm của nghệ thuật gia Jiro Takamatsu. Tầng hầm thứ hai là phòng triển lãm cố định – nơi tổ chức các buổi triển lãm theo kế hoạch để giới thiệu tác phẩm mỹ thuật hiện đại của các tác giả trẻ. Ở khu vực nối từ tầng hầm thứ nhất xuống tầng hầm thứ hai thường trưng bày tác phẩm của các họa sĩ Joan Miro, Alexander Calder, Suda Yoshihiro. Tầng hầm thứ ba, không chỉ là nơi trưng bày các tác phẩm mỹ thuật hiện đại mà còn thường xuyên tổ chức các buổi triển lãm của nhiều đơn vị báo chí.

7. Bảo tàng Nghệ thuật Abeno Harukas

Abeno Harukas là niềm kiêu hãnh của khu phố thương mại trung tâm ở Osaka. Khi hoàn thiện vào năm 2010, tòa cao ốc khổng lồ này ngay lập tức trở thành tòa nhà chọc trời cao nhất ở Nhật Bản, với chiều cao lên tới 300m. Bên trong công trình cao sừng sững với các tầng được đặt so le nhau này, du khách sẽ được tiếp cận một trong những cửa hàng bách hóa lớn nhất Nhật Bản cùng các nhà hàng ẩm thực hảo hạng, thêm vào đó là một phòng bảo tàng nghệ thuật vô cùng độc đáo cũng như đài quan sát trên sân thượng, từ đó du khách có thể dễ dàng ngắm nhìn khung cảnh đô thị Osaka đang trên đà phát triển.

Bảo tàng Nghệ thuật Abeno Harukas tọa lạc ở tầng thứ 16 của tòa cao ốc Abeno Harukas, là nơi triển lãm nhiều tác phẩm nghệ thuật tới từ cả Nhật Bản và các nước phương Tây theo nhiều phong cách khác nhau. Bảo tàng không trưng bày cố định các tác phẩm nghệ thuật mà thay đổi theo các chủ đề, mỗi chủ đề đều mang một nội dung triển lãm mới mẻ và vô cùng độc đáo. Nơi đây đồng thời cũng là địa điểm tổ chức các buổi triển lãm quốc bảo, di sản văn hóa quan trọng của Nhật Bản.

Tầng 16 cũng là chỗ dừng chân nghỉ ngơi cho du khách với vườn cây xanh tốt ở sảnh bảo tàng, mang tới cho khách nghỉ chân một cảm giác vô cùng thư thái và tươi mát tới từ thiên nhiên, từ đây du khách cũng có thể ngắm nhịp sống vội vã của thành phố Osaka bên dưới. Thật tuyệt khi vừa được hít thở không khí trong lành vừa cùng lúc trải tầm mắt ra khắp khu phố thương mại trung tâm của Osaka.

8. Bảo tàng Gốm sứ Mỹ nghệ Osaka

Bảo tàng Gốm sứ Mỹ nghệ Osaka nằm yên bình giữa sự xanh tươi trù phú tại Công viên Nakanoshima. Thành lập vào tháng 11/1982, do được Công ty 21 của Tập đoàn Sumitomo nguyên tặng, thành phố Osaka thông báo xây dựng bảo tàng và giao cho nhiệm vụ trưng bày và bảo quản “Bộ sưu tập Ataka”.

Bộ sưu tập Ataka là bộ sưu tập nổi tiếng nhất của Bảo tàng Gốm sứ Mỹ nghệ Osaka, chủ yếu bao gồm tạo tác gốm sứ đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn trưng bày các tác phẩm gốm sứ của Nhật Bản cũng như các tác phẩm từ “Bộ sưu tập Rhee Byung-Chang” bởi các nhà sưu tầm dành tặng. Ngoài ra, Bảo tàng cũng triển lãm các tác phẩm của nghệ nhân Hamada Shoji. Có thể nói rằng, Bảo tàng tự hào là nơi cất giữ tuyệt tác gốm sứ Đông Á về chất lượng cũng như số lượng trên toàn thế giới.

Ban đầu, có nhiều quy định, ý kiến khác nhau khi thiết kế thi công xây dựng Bảo tàng, bao gồm chiều cao, hình thức và màu sắc, để hòa hợp với không khí của Công viên Nakanoshima, nơi bảo tàng dự kiến sẽ được xây dựng. Mặt khác, cũng có một quyết tâm tạo ra một tòa nhà phù hợp với hình ảnh của bảo tàng là nơi trưng bày những tuyệt tác mỹ nghệ gốm sứ. Do đó, tòa nhà vuông bao bọc bằng gạch sứ đã được xây nên, với sự ngạc nhiên của mọi người, dường như vô tình thừa hưởng cấu trúc cốt lõi tương tự như của Khách sạn Osaka và Hiệp hội Ngân hàng Osaka.

Các hiện vật trưng bày trong bảo tàng được phân loại theo từng quốc gia và thời đại, và đặt ở các phòng trưng bày riêng. Những tác phẩm trưng bày chính gồm quốc bảo là chén “Yuteki Tenmoku Jawan” và bình hoa “Tobiseijihanaike” cùng các di sản văn hóa quan trọng như bình hoa “Sejicho Kabotan Karakusa Monhei”, chậu “Hakuji Kokkaren Kamonsen”, đĩa “Seka Botan Karakusa Monban”,…Bảo tàng còn trưng bày các tác phẩm gốm nghệ thuật hiện đại bên ngoài các phòng triển lãm. Không chỉ vậy, bên trong Bảo tàng còn có các cửa hàng bán sản phẩm và quán cafe.

9. Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Osaka

Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Osaka tọa lạc tại Công viên Tennoji. Bảo tàng được khai trương vào tháng 5/1936 với mục tiêu trao cho cư dân thành phố Osaka cơ hội được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ, cũng như hỗ trợ và thúc đẩy nền văn hóa nghệ thuật độc đáo của Osaka.

Cấu trúc cơ sở hạ tầng của Bảo tàng bao gồm một tòa nhà chính với một khu vườn rộng lớn bao quanh. Bên trong bảo tàng là 2 tầng lầu, và 1 tầng hầm. 2 tầng lầu trên mặt đất là nơi trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật đồ sộ với số lượng lên tới hơn 8.400 công trình nghệ thuật lớn nhỏ xuất xứ từ khắp nơi trên thế giới. Trong đó có rất nhiều tác phẩm được Chính phủ Nhật Bản coi là Báu Vật Quốc Gia. Các tác phẩm trưng bày trong bảo tàng đa phần đều được các doanh nhân quyên tặng hoặc bảo tàng tự mua về. Nơi đây nổi tiếng vì các công trình nghệ thuật mang tầm tuyệt tác của Nhật Bản và Trung Quốc, nhưng ngoài ra, bảo tàng cũng thường xuyên tổ chức nhiều buổi triển lãm ngắn và trưng bày vô số các tác phẩm nổi tiếng thế giới như các bức họa của Vermeer, Van Gogh, Ukiyo-e hay những tác phẩm hội họa từ Bảo tàng Cung điện Quốc gia Đài Bắc. Ngoài ra, nơi đây cũng từng tổ chức một buổi triển lãm những tác phẩm nghệ thuật mang hơi hướng Phật giáo được sản xuất bởi tập đoàn Walt Disney – một triển lãm chưa từng có tiền lệ ở Nhật Bản.

10. Bảo tàng Kamigata Ukiyoe

Nếu du khách muốn tìm hiểu thêm về nghệ thuật truyền thống ở Osaka thì Bảo tàng Kamigata Ukiyoe là một địa điểm lý tưởng. Đây là nơi du khách có thể tìm hiểu tất cả về nghệ thuật Ukiyoe, một loại hình in của Nhật Bản và cung là một trong những nghề thủ công ít được biết đến ở Nhật Bản.

Với nghệ thuật Ukiyoe, các bản in được làm bằng các khối gỗ và chính bảo tàng được tạo kiểu trên một ngôi nhà truyền thống của Nhật Bản.

11. Bảo tàng Cupnoodles

Cupnoodles Museum ở thành phố Ikeda thuộc tỉnh Osaka được thành lập vào năm 1999 bởi Công ty Nissin để tưởng nhớ, vinh danh Andō Momofuku cùng phát minh vĩ đại và quan trọng của ông đối với lịch sử loài người, đó chính là món mì ăn liền.

Bảo tàng có 2 tầng lầu, nơi không chỉ trưng bày hơn 800 sản phẩm mì ly trên toàn thế giới, mà còn cung cấp cái nhìn khái quát nhất về hành trình từ khi ông Ando Momofuku phát minh ra gói mì ăn liền đầu tiên, cho đến triển vọng phát triển trong tương lai. Đặc biệt, điểm nhấn của Bảo tàng là du khách có thể tham gia vào một số hoạt động trải nghiệm vô cùng thú vị, như tự tạo ra cốc mì của riêng mình chẳng hạn.

Sau khi qua cửa vào ở tầng 1, du khách sẽ ngay lập tức được đến với đường hầm mì ăn liền “Instant Noodles Tunnel” với các sản phẩm mì ăn liền của Nissin được trưng bày theo dòng thời gian được ra mắt trên thị trường từ năm 1958. Cùng với đó là bức tường Cup Noodles với tất cả các mẫu mã, hương vị của thương hiệu mì ăn liền Cup Noodles được trưng bày trên bức tường khổng lồ.

Sang khu vực bên cạnh, du khách sẽ bắt mô hình tái hiện lại căn phòng nghiên cứu của Ando Momofuku, nơi ông đã cho ra đời món mì ăn liền đầu tiên trên thế giới – “Chicken Ramen”.

Khi đến đây, nếu đã đói bụng, du khách có thể sang khu “Tasting Room” để được trở thành một kẻ sành mì chính hiệu. Tại đây để sẵn rất nhiều máy bán hàng tự động, du khách có thể mua được những loại mì ăn liền đặc biệt nhất, thậm chí có cả những loại rất hiếm được bày bán, những loại còn đang trong giai đoạn thử nghiệm hương vị và ngồi ăn uống tại chỗ. Cuối cùng là khu “My Cup Noodles Factory” cho du khách trải nghiệm tự chế tạo và trang trí ly mì Cup Noodles. Tại đây, du khách sẽ bắt đầu thỏa sức trang trí ly mì theo sở thích. Có rất nhiều dãy bàn được trang bị sẵn bút lông đủ màu để du khách có thể thỏa sức sáng tạo trong việc thiết kế ly mì của riêng mình. Cảm giác như được sống lại những ngày tháng tuổi thơ đi chơi tô tượng, làm tranh cát vậy! Sau khi hoàn thành công đoạn thiết kế ly mì, du khách mang “thành phẩm” đến quầy chế biến để chứng kiến quá trình đóng gói và sản xuất.

Tiếp tục lên tầng 2 của Bảo tàng là khu trưng bày những di vật của ông Andō Momofuku, bao gồm những ghi chép về thành tựu, huân huy chương và các giải thưởng ông đã đạt được trong suốt cuộc đời. Bên cạnh là khu “Chicken Ramen Factory” giúp du khách khám phá thêm về Chicken Ramen bằng cách học làm mì bằng tay.

Trước khi kết thúc chuyến tham quan thú vị tại Cupnoodles Museum, du khách đừng quên ghé thăm khu vực bán quà lưu niệm. Không chỉ có mì ăn liền, tại đây còn bày bán rất nhiều những vật phẩm đáng yêu với hình ảnh chủ đạo là “Hiyoko-chan” (linh vật của Chicken Ramen) như: bút viết, sổ, móc khóa, cốc uống nước, bánh kẹo…

12. Bảo tàng Takoyaki

Takoyaki được coi là món ăn biểu tượng của Osaka nên không có gì ngạc nhiên khi tại đây có hẳn một Bảo tàng Takoyaki. Đến đây, du khách có thể tìm hiểu về lịch sử hình thành món ăn độc đáo này cũng như chiêm ngưỡng các mẫu biến thể có từ năm 1935.

Vị trí của bảo tàng này cũng khá là đặc biệt khi nằm ở phía bên ngoài của Công viên Universal Studios. Tuy được hình tượng hóa với ý nghĩa là bảo tàng nhưng về bản chất, đây là một tổ hợp gồm có tổng cộng 5 nhà hàng Takoyaki. Mỗi nhà hàng sẽ có một sự đặc trưng khác biệt riêng, có thể là công thức chế biến khác biệt, nguyên liệu có sự khác biệt,…

Một số đặc trưng của nhà hàng trong Bảo tàng Takoyaki như sau: Nhà hàng Jyuuhachiban sẽ có công thức riêng khi chế biến món Takoyaki với hình dạng sắc nét cụ thể, vị béo ngọt của kem và có cả sữa từ bột tempura và cảm giác giòn rụm của vỏ ngoài thật sự rất kích thích vị giác. Một nhà hàng khác tên là Yamachan có sự độc đáo khi thực hiện chế biến món Takoyaki với 10 loại hoa quả khác nhau. Ngoài ra còn rất nhiều những nhà hàng chế biến món Takoyaki không hề có sự trùng hợp về công thức chế biến món ăn được yêu thích nhiều này.

Những chiếc Takoyaki được người đầu bếp chế biến bằng tất cả sự tinh tế trong cách làm, cả sự tỉ mỉ và nghiêm túc để có thể hoàn thành nên món ăn thơm ngon. Và trong bảo tàng này thì còn có đền thờ vị thần Ebisu để có thể cầu cho việc làm thuận lợi, tạo ra được món Takoyaki thơm ngon, đúng vị, hoàn hảo nhất để đem đến cho thực khách cảm giác trải nghiệm tốt nhất.

Tuy Bảo tàng Takoyaki không quá nổi bật như các bảo tàng ẩm thực khác nhưng cũng là một địa điểm hấp dẫn tuyệt vời để du khách có thể hiểu hơn về món ăn nổi tiếng này đấy!

13. Bảo tàng Zouhei

Mở cửa vào năm 1969, Bảo tàng Zouhei được xây dựng lại từ Nhà máy Nhiệt điện Zouheikyoku cũ, với đặc trưng lối xây dựng bằng những viên gạch đỏ mang dấu ấn từ thời Meiji (năm 1868-1912). Khoảng 4.000 vật phẩm chủ yếu là tiền tệ Nhật Bản thời xưa chẳng hạn như đồng lớn, đồng nhỏ và cả huân chương, medal đều được trưng bày ở đây.

14. Bảo tàng Thành phố Sakai 

Bảo tàng Thành phố Sakai nằm trong Công viên Daisen ở thành phố Sakai, thuộc tỉnh Osaka. Bảo tàng rộng khoảng 1.330m2 được chia thành các khu vực thời cổ đại, thời trung cổ, thời hiện đại và thời hiện đại.

Bảo tàng trưng bày lịch sử của Sakai từ thời cổ đại đến ngày nay, bao gồm các hiện vật được khai quật từ Nhóm Mozu Kofun, được đại diện bởi Hoàng đế Nintoku Tumulus (Nhóm Mozu Kofun cùng với Nhóm Furuichi Kofun, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới với tư cách là Nhóm Mozu-Furuichi Kofun: Lăng mộ gò đất của Nhật Bản cổ đại, vào ngày 6/7/2019), hàng hóa và tài liệu lịch sử còn sót lại từ thời kỳ thương mại cao của Sakai với tư cách là một thành phố tự trị và tài liệu về các nhân vật lịch sử sinh ra ở Sakai, bao gồm Gyōki và Sen-no Rikyu.

15. Bảo tàng Xe đạp Shimano

Bảo tàng Xe đạp Shimano được xây dựng nhằm ghi dấu các giai đoạn hình thành và phát triển của xe đạp từ thời sơ khai cho đến hiện tại, truyền lại niềm cảm hứng tìm hiểu, khám phá đối với loại phương tiện giao thông thú vị này. Bảo tàng được khai trương vào tháng 3/2022, thay bảo tàng cũ có tuổi đời 30 năm nhân sự kiện kỷ niệm 70 năm thành lập Tập đoàn Xe đạp Shimano nổi tiếng của Nhật Bản, do Trung tâm Phát triển Xe đạp Shimano – một tổ chức hoạt động vì lợi ích cộng đồng điều hành.

Bảo tàng này có kiến trúc đơn giản với phương châm “Đơn giản và không ồn ào” để khách tham quan trải nghiệm lịch sử phát triển tự nhiên của xe đạp. Ngoài ra, thay vì đưa nhiều thông tin giải thích, Bảo tàng đã áp dụng công nghệ số hóa, sử dụng các màn hình cảm ứng để du khách trực tiếp trải nghiệm, giúp thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu của tất cả đối tượng, trong đó có trẻ em và những người mới bắt đầu.

Bảo tàng Xe đạp Shimano là một bộ sưu tập đồ sộ với 462 chiếc xe đạp, trong đó có 82 chiếc được trưng bày cố định ở không gian trung tâm. Tại khu “Lịch sử ra đời của xe đạp”, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng chiếc xe Draisinne, được cho là chiếc xe đạp hai bánh đầu tiên của loài người, do một người Đức phát minh vào năm 1817. Xe Draisinne có đặc điểm là bánh trước có thể lái được, nhưng không có bàn đạp và được di chuyển bằng cách sử dụng chân để đẩy. Tại khu trưng bày này, một màn hình lớn trình chiếu tác phẩm “Giấc mơ của các nhà phát minh,” kể về quá trình hình thành và phát triển của những chiếc xe đạp sơ khai cũng như nỗ lực sáng tạo của các nhà phát minh trên thế giới để có được chiếc xe đạp hoàn thiện như hiện nay.

Tiếp đến là khu “Mở rộng xe đạp” cho thấy quá trình ứng dụng các công nghệ hiện đại vào việc sản xuất các loại xe đạp đa dạng từ xe đạp dân dụng, xe đạp đường trường, xe đạp thể thao, xe đạp đa dụng… Tại đây, các màn hình số có sẵn những clip như “công nghệ của xe đạp,” “vai trò của các bộ phận trong xe đạp,” đưa ra những giải thích khoa học như lý do tại sao xe đạp không bị đổ, có thể di chuyển dễ dàng… Cũng tại đây, từng chi tiết nhỏ nhất của chiếc xe đạp hiện đại được tháo rời để người xem hiểu rõ tính năng, tác dụng của các bộ phận.

Ngoài ra, người xem có thể trực tiếp trải nghiệm các công nghệ hiện đại nhất của bộ phận hộp số, phanh cũng như so sánh trọng lượng khung xe sau khi áp dụng các công nghệ hiện đại nhằm cải thiện độ cứng, độ bền, trong khi giảm tối đa trọng lượng của xe, chủ yếu phục vụ các tay đua xe chuyên nghiệp.

Cuối cùng là khu “xe đạp và tương lai” với đặc trưng là các bức tranh tường mô tả vai trò của xe đạp đối với cuộc sống của con người kèm theo các thông điệp như “đạp xe giúp thư thái tâm trí”, “đạp xe giúp bảo vệ môi trường”, “đạp xe mang lại một xã hội phát triển hài hòa giữa hiện đại và thiên nhiên”,… qua đó giúp du khách cảm nhận được việc sử dụng xe đạp hằng ngày không chỉ mang lại giá trị sức khỏe và tinh thần mà còn tác động tích cực đến xã hội và môi trường toàn cầu.

Ngoài ra, Bảo tàng Xe đạp Shimano cũng giành một không gian riêng với bộ sưu tập khoảng 5.000 sách, tạp chí các loại về xe đạp, cho phép khách tham quan có thể tìm hiểu chi tiết hơn về lịch sử xe đạp, khơi dậy nguồn cảm hứng khám phá chuyên sâu về lĩnh vực này.

Hãy Book Tour Nhật Bản và cùng chúng tôi “cất cánh ước mơ” khám phá vẻ đẹp muôn màu của “xứ Phù Tang” trong chuyến hành trình đến các Bảo tàng hấp dẫn ở Osaka, chắc chắn chúng sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm hấp dẫn nhất!