Mì Ramen là một trong những món ăn đại diện cho nền ẩm thực Nhật Bản. Hầu như mỗi địa phương ở Nhật Bản đều có hương vị Ramen riêng như: Tonkatsu Ramen (Kyuushuu), Miso Ramen (Hokkaido)… Tuy nhiên, có một món mì Ramen rất độc đáo mang tên “Ramen Fire” mà chưa nơi nào dám thử nghiệm ngoài Nhà hàng Menbakaichidai ở Tokyo.
Nhìn bên ngoài, Nhà hàng Menbakaichidai cũng giống như nhiều quán mì Ramen thông thường khác, nhưng điều khiến nơi này thu hút sự tò mò của thực khách là món mì Ramen mới lạ và phong cách phục vụ có phần mạo hiểm. Sau khi chuẩn bị đầy đủ các thành phần chính trong bát mì, khâu chế biến cuối cùng, cũng là khâu quan trọng và đặc biệt nhất sẽ được trình diễn ngay trước mặt thực khách. Thay vì xào tỏi và hành trên chảo rồi mang ra thì người ta sẽ làm cho nó cháy ngay trong tô và ngay trước mặt thực khách. Đây không phải là “làm màu” để hút khách, mà có mục đích cả đấy! Nhà hàng này được quản lý bởi một gia đình có truyền thống làm Mì Ramen qua nhiều thế hệ, và họ tin rằng việc “đốt cháy” hành tỏi ngay trong nước dùng sẽ khiến hương vị của cả tô mì được nâng lên một tầng cao mới.
Về cơ bản, mì lửa Ramen (thực chất là món mì Ramen hành tỏi cháy) của nhà hàng sẽ bao gồm một ít nước tương đậu nành, nước dùng được hầm từ thịt heo, gà và cá để tạo vị ngọt. Sau đó, người ta sẽ cho vào một vắt mì sợi cùng vài lát thịt lợn và rất nhiều hành lá xanh phủ kín cả bát mì. Nguyên liệu không thể thiếu để làm nên nét riêng biệt của món ăn này là lớp dầu đặc biệt để tạo thành ngọn lửa.
Khi bước vào nhà hàng, có lẽ du khách sẽ phải giật mình “thon thót” khi trên quầy, đã có sẵn một vài vị khách cùng ánh lửa chớp nhá phừng phừng. Đây có lẽ sẽ là thời điểm tốt để quay trở ra nếu du khách thuộc team sợ lửa. Tuy nhiên, nếu mang trong mình “máu liều” thích khám phá thì còn ngại gì mà không trải nghiệm món ăn này? Đối với những khách mới, nhà hàng sẽ hỏi họ đến từ đâu, để biết chắc về ngôn ngữ của người đó và tiện cho việc hướng dẫn hơn.
Thực khách sẽ được phổ biến cho về các lựa chọn trong menu, với các món: Fire Ramen (Ramen lửa), cơm chiên, Gyoza và gà chiên. Sau khi đã gọi món, thực khách sẽ được nhân viên hướng dẫn về các quy trình an toàn cho việc thưởng thức. Trước hết, nhân viên yêu cầu thực khách buộc gọn tóc lên đỉnh đầu nếu có tóc xõa “lòa xòa” trước trán. Bởi nếu không buộc tóc mái thì có thể phần tóc trước trán sẽ cháy bị sém. Thứ hai, các thực khách phải ngồi yên một chỗ và đeo tạp dề ngay trước ngực và bụng. Chiếc tạp dề này có kích cỡ bao trùm cả mặt trước cơ thể, không chỉ với mục đích tránh vấy bẩn mà còn giúp độ nóng từ lửa và các tia lửa không bắn vào người, làm cháy sém quần áo. Thực khách cũng sẽ được yêu cầu ngồi với hai tay đặt sau ghế và ngồi thẳng, để đề phòng quá sợ hãi mà té ngửa (có lẽ chuyện này đã xảy ra vài lần rồi). Mặt khác, thực khách sẽ không được sử dụng điện thoại hay quay phim trong quá trình này. Tuy nhiên, nhà hàng cũng chuẩn bị sẵn những gậy selfie và dụng cụ giữ điện thoại để khách có thể đặt chế độ quay tự động và thu lại khoảnh khắc “bùng cháy”.
Khi mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng, đầu bếp sẽ rưới lớp dầu lên bát mì, ngọn lửa cùng lúc bùng lên dữ dội. Khoảnh khắc này có thể sẽ khiến nhiều thực khách thót tim nhưng sau đó mùi thơm từ hành tỏi cháy, hương bị từ các nguyên liệu bốc lên khiến vị giác được kích thích và càng nôn nóng được thưởng thức bát mì hơn.
Sau khi đã chứng kiến xong màn trình diễn “hết hồn”, thực khách sẽ được ăn. Tuy nhiên, nhà hàng cũng khuyến cáo thực khách không nên chạm vào tô mì, bởi nó rất nóng và hãy còn bóng nhẫy dầu, sẽ làm bẩn áo. Mì Ramen ở đây được đánh giá là đậm vị, có hương vị bùng nổ từ nước dùng gà và hải sản cùng thịt heo xá xíu. Tuy nhiên, hội không ăn hành chắc sẽ không thích điều này bởi vì trong tô đầy một màu xanh ngắt từ đầu hành và tỏi. Đó là loại hành Kyoto, có khả năng tạo ra hương vị thơm lừng khi bị cháy (cũng là lý do tại sao người ta làm màn trình diễn này). Một tô mì lửa Ramen của Nhà hàng Menbakaichidai có giá 1.250 Yên (khoảng 250.000 VND).
Món mì lửa Ramen mà chúng tôi vừa giới thiệu trên đây có khiến du khách háo hức thực hiện ngay một chuyến du lịch Nhật Bản để thưởng thức chúng? Nếu câu trả lời là có thì hãy đồng hành cùng chúng tôi trong Tour Nhật Bản đầy thú vị nhé!
Fukuoka là thành phố lớn nhất trên hòn đảo phía Tây Kyushu của Nhật Bản và nổi tiếng vì là nơi sinh ra món mì Tonkotsu Ramen. Tuy nhiên, ở thành phố này còn có rất nhiều các món đặc sản địa phương vô cùng hấp dẫn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ lần lượt khám phá 5 khu vực bên trong Fukuoka, mà tại mỗi địa điểm đều có rất nhiều nhà hàng để du khách có thể thưởng thức nền ẩm thực phong phú và đa dạng của Fukuoka.
Khu phố ẩm thực Nakasu
Bên cạnh những món ăn độc đáo của địa phương, Fukuoka còn nổi tiếng với những quầy ăn đường phố “Yatai” ở khắp nơi trong thành phố. Văn hóa quầy ăn đường phố Yatai này đã có bề dày lịch sử hàng trăm năm, bắt đầu với những chiếc xe hàng làm bằng gỗ để chở đồ ăn trong thời Minh Trị (1868-1912). Cho dù nét văn hóa này đã dần “lui vào dĩ vãng” ở một số nơi khác trên Nhật Bản, nhưng Yatai vẫn rất được yêu mến bởi người dân Fukuoka và đã trở thành một một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực nơi đây.
Số lượng những hàng Yatai tập trung đông nhất ở Nakasu – một hòn đảo nhỏ nằm chính giữa trung tâm thành phố. Từ khoảng 18-19h, những quầy hàng lần lượt mở cửa tạo nên khung cảnh vô cùng thu hút với cả con phố sáng đèn giữa màn trời đêm. Chuyến tham quan Fukuoka của du khách sẽ không thể trọn vẹn nếu du khách chưa thử dừng chân tại một trong những nhà hàng ở đây và cảm nhận bầu không khí ấm áp, thân thiện và thưởng thức những món ăn tuyệt vời. Đầu tiên, du khách hãy dừng chân tại quầy hàng Yatai Donryu để thưởng thức một trong những món ăn nổi tiếng nhất của thành phố Fukuoka, đó chính là mì Hakata Ramen. Món mì Ramen tuyệt hảo này nổi tiếng nhờ nước dùng Tonkotsu (nước hầm xương lợn) rất đặc và sánh kết hợp với sợi mì mỏng. Tại Yatai Donryu, du khách sẽ được thưởng thức món mì Ramen tuyệt hảo trong bầu không khí hoài cổ của những quầy hàng ăn xưa với giá cả vô cùng hợp lý.
Một lựa chọn tuyệt vời nữa dành cho du khách ở các hàng Yatai ở Nakasu là Takechan. Đây là hàng ăn rất nổi tiếng với món há cảo vừa miệng “Tetsunabe Gyoza” (món há cảo kiểu Nhật được rán trên chảo gang nóng) ăn kèm với món gia vị “Yuzu Kosho” đặc trưng của Nhật Bản được làm từ ớt, vỏ quả yuzu cùng một chút. Món há cảo ở đây ngon đến nỗi rất nhiều thực khách từ tỉnh khác đã tìm đến đây chỉ để được thưởng thức món ăn này.
Cuối cùng, du khách cũng đừng bỏ lỡ cơ hội ghé quầy ăn có tên “Yamako”. Chủ của hàng ăn này vốn là một đầu bếp chuyên ẩm thực phương Tây nên thực đơn của quán khá lạ lẫm dành cho một quầy Yatai. Một trong những món ăn tuyệt hảo nhất ở đây là món cà tím nướng cùng với Mentaiko (trứng cá tuyết) và phô mai. Trứng cá tuyết là một trong những đặc sản của Fukuoka và được bếp trưởng của nhà hàng Yamako chế biến theo phương pháp vô cùng sáng tạo.
Khu phố Tenjin
Tenjin là khu phố trung tâm của thành phố Fukuoka, nổi tiếng với những cửa hàng thời trang, những quầy bar sành điệu và cả những nhà hàng ẩm thực nổi tiếng. Tuy nhiên, phía sau những tòa nhà rực rỡ ánh đèn sầm uất, Tenjin còn có những công viên rất yên bình, những đền thờ linh thiêng và cả những công trình đẹp cổ kính nơi du khách có thể chiêm ngưỡng một phần của thành phố Fukuoka thời xa xưa.
Một trong những khu vực lưu giữ được nét cổ kính trong thành phố chính là khu Yatai ở Tenjin, với những quầy hàng phục vụ các món ăn tuyệt hảo vùng Fukuoka tới tận gần sáng. Khu Yatai của Tenjin rất được yêu thích bởi người dân thành phố và là một điểm nhấn quan trọng cho cuộc sống về đêm của khu dân cư này cũng như là một địa điểm tuyệt vời để du khách có thể khám phá nền văn hóa ẩm thực đậm đà bản sắc của thành phố khi tham quan và chiêm ngưỡng sự đan xen giữa khung cảnh thành phố xưa cũ và hiện tại.
Khi tới Tenjin, du khách hãy dừng chân tại Nhà hàng Kitaro, nơi du khách có thể thưởng thức món ăn nổi tiếng của Hakata có tên là “Motsunabe” (món lòng và nội tạng bò hoặc heo kho). Tại Kitaro, các đầu bếp của nhà hàng chế biến món ăn theo phong cách đơn giản và truyền thống của Fukuoka với nước dùng từ Shoyu nên món ăn rất thanh nhẹ và dễ ăn.
Một đặc sản khác ở Tenjin là món mì “Yaki Ramen” của quán Kokinchan. Món mì Ramen đặc biệt này gồm sợi mì mềm, rau, thịt lợn và “Kamaboko” (một dạng thanh hải sản surimi) rán giòn trên chảo gang và ngâm trong nước chấm làm từ loại súp tonkotsu nổi tiếng của Hakata.
Đến với Nhà hàng Manryu, du khách lại được thưởng thức món “Mentaiko Tamagoyaki” (trứng cuộn trứng cá cay) nổi tiếng. Với lịch sử hơn 60 năm tuổi, Nhà hàng Manryu được coi là một trong những quầy hàng ăn có bề dày lịch sử lâu đời nhất ở Fukuoka và cũng là nơi sáng tạo nên món ăn độc đáo này và đây cũng là món ăn được ưa chuộng nhất tại nhà hàng này. Công thức chế biến món ăn này đã được giữ nguyên và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nên hương vị tuyệt vời của món ăn chẳng hề thay đổi qua thời gian.
Cuối cùng, nếu du khách muốn tráng miệng với các món ăn ngọt, hãy tới Daimyo Parfait Fruits Planet để thưởng thức những món bánh Parfait hoa quả tuyệt vời cùng những trái dâu Amaou hảo hạng với kích thước khổng lồ thường có vào tháng 11 tới tháng 5.
Chợ Yanagibashi Rengo
Được mệnh danh là “căn bếp của Fukuoka”, khu chợ Yanagibashi Rengo gồm có 47 cửa hàng, gồm các quầy bán thịt, cá, rau xanh và nhiều thực phẩm khác. Vì chất lượng thực phẩm ở đây rất tốt nên đầu bếp từ khắp nơi trong thành phố và các khách du lịch đều đổ về đây để lựa chọn những món ăn tuyệt vời nhất.
Khu chợ này hoạt động từ năm 1916, ban đầu chỉ là một quầy bán cá. Sau khi quầy bán cá này trở nên nổi tiếng, các cửa hàng xung quanh cũng dần mọc lên tại đây. Chợ Yanagibashi không chỉ là một di tích lịch sử mang trong mình một diện mạo cổ kính lịch lãm mà còn là địa điểm lý tưởng để bạn có thể mua các món ăn đặc sản địa phương như món “Karashi Mentaiko” (trứng cá tuyết cay) hoặc món “Nori” (rong biển khô) ướp gia vị được gói trong những chiếc hộp được trang trí rất đẹp mắt.
Du khách sẽ còn có thể cảm nhận rõ hơn bầu không khí sống động bên trong khu chợ khi tới một trong những quán nhậu Izakaya nổi tiếng nhất ở Fukuoka với đặc sản của quán là món Torikawa (món da gà xiên que nướng). Mặc dù quán Murasaki Yakitori Kenkyujo có thực đơn cực kỳ đa dạng và phong phú nhưng bạn nhất định phải thử món da gà nướng xiên que ở đây. Da gà “Torikawa” được nướng rất vừa lửa nên phía ngoài thì giòn tan còn bên trong thì mọng nước mà có giá lại rất mềm, nên thực khách ăn mãi mà không chán.
Quán Hakata Daruma là một địa điểm khám phá ẩm thực khác mà du khách không thể bỏ lỡ khi tới gần khu chợ Yanagibashi. Tới đây, du khách sẽ được thưởng thức những bát mì Hakata Ramen vô cùng hấp dẫn, với nước hầm xương béo ngậy và sợi mì rất mỏng, khiến thực khách chắc chắn sẽ rất hài lòng khi tới quán.
Chợ cá Nagahama
Nagahama là chợ cá lớn nhất ở Fukuoka và là một điểm đến tuyệt vời để thưởng thức những món hải sản thơm ngon của thành phố. Chợ mở cửa cho mọi người dân và khách du lịch tới đây có thể khám phá khu vực bên trong của chợ và có dịp chứng kiến hoạt động mổ xẻ và bán đấu giá cá ngừ đại dương.
Kể cả nếu du khách không tham quan khu chợ vào ngày chợ mở cửa, du khách vẫn có thể đi tới những cửa hàng lưu niệm nằm ở tầng một của chợ để mua sắm, hoặc khám phá những hoạt động bên trong chợ từ lối đi trên tầng 2 và thưởng thức những món hải sản tuyệt vời tại một trong những nhà hàng ẩm thực hấp dẫn ở quanh khu.
Chỉ cách khu chợ vài phút là du khách có thể thưởng thức một trong những món đặc sản của thành phố là “Goma Saba” (Sashimi cá thu với vừng) tại Nhà hàng Hakata Gomasabaya. Ở đây, tất cả những nguyên liệu chế biến đều được lựa chọn kỹ càng từ chợ cá Nagahama gần đó để đảm bảo độ tươi ngon cho các món ăn. Trong các món ăn ở đây, món “Goma Saba Don Teishoku” là món ăn rất được ưa chuộng. Món ăn này gồm một set đồ ăn lớn gồm Sashimi cá thu ngâm trong xì dầu và vừng trắng, một bát cơm, súp Miso, salad và một quả trứng lòng đào với giá rất phải chăng.
Nằm bên trong chợ cá Nagahama, Nhà hàng Hakata Uogashi Ichiba Kaikanten là một địa chỉ khác để du khách có thể thưởng thức những món hải sản tươi sống. Du khách hãy thử tới sảnh tầng 1 của chợ để thưởng thức những miếng Sashimi cá thu hảo hạng ở đây nhé!
Phố mua sắm Kawabata
Kawabata là khu phố mua sắm cổ nhất ở Fukuoka, nằm ở khu dân cư sôi động với hơn 130 năm lịch sử. Với chiều dài 400m, khu phố mua sắm này gồm 2 khu vòm mua sắm Kawabata Chuo và Kami-Kawabata, với 130 cửa hàng bán rất nhiều sản phẩm khác nhau từ quần áo, nhà hàng và các đặc sản, tạo nên một bầu không khí vô cùng sôi động.
Khu vòm mua sắm Kawabata còn là trung tâm lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống rất có giá trị, vì đây là nơi những chiếc kiệu của lễ hội Hakata Gion Yamakasa được trưng bày trong mùa lễ hội. Một trong những chiếc kiệu được trang trí cầu kỳ và tinh xảo được đặt ở quảng trường Kawabata Zenzai trong suốt cả năm, nên bạn đừng bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng khi du khách tới đây!
Nhiều người biết đến Fukuoka là nơi có món mì Ramen tuyệt hảo nhất, nhưng không nhiều người biết rằng thành phố này còn có món mì Udon (loại mì của Nhật được làm từ bột mì có sợi dày) hảo hạng. Nếu du khách đang khám phá khu phố mua sắm Kawabata, hãy dành chút thời gian ghé Nhà hàng Karonouron! Đi vào hoạt động từ năm 1882, đây là cửa hàng chuyên mì Udon kiểu Hakata lâu đời nhất trong thành phố. Ở nơi đây còn có một món ăn tuyệt hảo nữa của Fukuoka có tên là “Goboten Udon” (mì Udon ăn kèm với rễ ngưu bàng rán) mà trong đó họ sử dụng loại mì gia truyền làm từ bột mì địa phương và nước muối, tạo nên sợi mì mềm và dẹt kết hợp hoàn hảo với rễ củ ngưu bàng rán vừa giòn vừa ngọt.
Một lựa chọn tuyệt vời nữa nếu du khách ở trong khu vực này là Nhà hàng Hakata Mizutaki Toriden, nơi du khách có thể thưởng thức món lẩu đặc biệt của Fukuoka có tên là “Mizutaki” (lẩu gà). Tại đây, nhà hàng chỉ sử dụng các nguyên liệu địa phương và phải mất 6 giờ đồng hồ để tạo ra vị nước lẩu ngậy và sánh. Khi ăn lẩu, du khách hãy ăn theo hướng dẫn của nhà hàng, nấu thịt trước tiên, sau đó tới “Tsumire” (thịt gà xay) và cuối cùng mới thả các loại rau củ vào. Sau đó, du khách chấm đồ ăn vào nước chấm “Ponzu” gia truyền (từ quả chanh) và thưởng thức món lẩu tuyệt hảo.
Nếu du khách muốn ăn loại đồ ăn nhanh và dễ dàng gọn nhẹ thì hãy thử ghé qua Tetsunabe Gyoza! Đây là nhà hàng đã sáng tạo ra món Tetsunabe đầu tiên. Tại địa điểm ăn uống nổi tiếng dành cho các tín đồ sành ăn này, du khách có thể thưởng thức món há cảo Gyoza nóng hổi thơm ngon vừa được đầu bếp làm xong và bưng ra ngay từ chảo nóng và đồng thời đánh giá tay nghề của chính đầu bếp vừa chế biến món há cảo cho du khách khi chiêm ngưỡng họ vừa tự tay nặn bánh, chế biến khiến chiếc bánh có vỏ giòn ngon mà bên trong lại vô cùng thơm ngon!
Fukuoka thực sự là thánh địa của những người sành ăn. Từ món mì Ramen ngon tuyệt đến những món hải sản tươi sống, món bánh há cảo Gyoza hấp dẫn, thành phố này có rất nhiều đặc sản địa phương đến nỗi du khách nhất định sẽ tìm thấy ít nhất một món khoái khẩu phù hợp với sở thích của mình cũng như đem đến cho du khách những trải nghiệm về những hương vị mới mẻ nữa. Hãy lưu lại những nhà hàng, quán ăn đặc sắc nổi bật này cho chuyến khám phá vùng đất Fukuoka đầy quyến rũ khi du lịch Nhật Bản nhé!
Đối với mỗi người Nhật, gạo là một nguyên liệu đóng vai trò quan trọng để góp phần làm cho bữa ăn thêm phần hấp dẫn hơn. Các loại gạo Nhật Bản có một sự đặc trưng riêng, gạo được nấu lên mang độ ngon và dẻo riêng biệt. Chính vì vậy mà các loại gạo tại đây vô cùng nổi tiếng, được nhiều người trên thế giới ưa chuộng.
Ẩm thực Nhật Bản nổi tiếng các món ăn công phu, tỉ mỉ như Sushi, cơm trộn,… Chính sự đặc biệt của gạo Nhật Bản đã làm nên những món ăn có hương vị độc đáo, đậm chất riêng của “xứ sở hoa anh đào”. Dưới đây là 10 loại gạo ngon được ưa chuộng nhất ở Nhật Bản:
Gạo Koshihikari
Gạo Koshihikari là loại gạo nổi tiếng tại Nhật Bản. Loại gạo này được trồng lần đầu tiên vào năm 1956 tại tỉnh Fukui, sau này được đổi tên thành Koshi (Koshi là tên thời cổ của khu vực Echigo trong đó bao gồm tỉnh Fukui và Niigata ngày nay). Từ “Koshihikari” trong tiếng Nhật có nghĩa là “ánh sáng hy vọng của Koshi” và loại gạo này nổi bật với hạt gạo tròn, trắng bóng, khi nấu chín tạo ra những hạt cơm thơm dẻo, trông rất ngon mắt và có vị ngọt hậu đậm đà. Đây là sự lựa chọn tuyệt vời để ăn kèm có nhiều các món ăn ngon của Nhật Bản.
Koshihikari chiếm hơn 1/3 tổng diện tích trồng lúa tại Nhật và được trồng phổ biến tại nhiều địa phương trên nước Nhật, phổ biến tại: Niigata, Fukui, Chiba, Tochigi, Ibaraki, Toyama, Kagoshima và Miyazaki,… Trong đó nổi tiếng nhất là gạo Uonuma Koshihikari của tỉnh Niigata. Địa phương này có khí hậu đặc thù với sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm cùng mùa đông kéo dài giúp cho đất được nghỉ ngơi một thời gian dài dưới lớp băng tuyết dày. Chính lớp đất màu mỡ phì nhiêu này đã góp phần tạo nên thương hiệu gạo Uonuma Koshihikari trứ danh với chất lượng tuyệt hảo và có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với gạo Koshihikari được trồng tại các khu vực khác.
Gạo Hitomebore
“Hitomebore” trong tiếng Nhật nghĩa là “yêu từ cái nhìn đầu tiên”. Năm 1993, Nhật Bản phải hứng chịu một đợt lạnh rất lớn. Chính vì vậy, họ đã cải tiến, lai tạo ra giống gạo Hitomebore từ một giống gạo địa phương sẵn có để thích ứng với điều kiện thời tiết giá lạnh. Giống gạo Hitomebore mới đầu được trồng tại tỉnh Miyagi sau đó mở rộng ra nhiều khu vực khác, chủ yếu là những vùng có thời tiết giá lạnh như: tỉnh Akita, Fukushima và Iwate.
Gạo Hitomebore có đặc trưng là hạt gạo to, có độ bóng đẹp, hạt gạo khi nấu lên dẻo và thơm. So với các loại gạo khác, khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt dịu, hương vị cân bằng nhẹ nhàng, phù hợp với bất kỳ món ăn nào.
Gạo Akitakomachi
Tên gọi của gạo Akitakomachi được đặt theo tên của một nhà thơ nữ thời Heian, người được coi là một trong ba người phụ nữ đẹp nhất Nhật Bản. Gạo Akitakomachi có nguồn gốc từ tỉnh Akita, được lai giống từ gạo Koshihikari và giống gạo địa phương vào năm 1975. Việc lai giống này đã tạo ra loại gạo có khả năng chống chịu tốt với gió và sâu bệnh. Điều kiện tự nhiên thuận lợi như sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, cùng nguồn nước tinh khiết tại Akita đã góp phần làm nên hương vị thơm ngon được đánh giá cao của gạo Akitakomachi. Hiện nay, gạo Akitakomachi được trồng tại nhiều nơi trên nước Nhật trong đó có 2 vựa lúa chính là tại tỉnh Akita và Iwate .
Gạo Akitakomachi có hương thơm, hạt gạo bóng mẩy trông vô cùng hấp dẫn. Khi chín, hạt cơm trắng bông với hương vị tuyệt hảo sẽ kích thích cả thị giác và khứu giác của bạn. Những hạt cơm với vị ngọt đậm đà này lưu giữ được vị ngon ngay cả khi để nguội và thích hợp khi dùng với các món ăn có hương vị nhẹ nhàng. Đây là loại gạo hoàn hảo để chế biến món Sushi.
Gạo Haenuki
Haenuki là một trong những giống gạo lâu đời nhất tại Nhật Bản. Giống lúa của loại gạo này được canh tác quy mô lớn tại tỉnh Yamagata từ năm 1992. Tên gọi “Haenuki” có nghĩa là “nguyên sinh” vì gạo được trồng tại khu vực bao quanh là núi non nên được hưởng lợi từ khí hậu tuyệt vời tại đây. Haenuki là giống gạo có khả năng chống chịu với sâu bệnh tốt cùng với năng suất ổn định nên nhanh chóng trở thành giống gạo chính được trồng tại tỉnh Yamagata.
Gạo Haenuki có hương vị thơm ngon, kết cấu dẻo, vị ngọt dịu và mềm ngay cả khi ăn nguội nên thường được dùng để làm cơm nắm Onigiri và cơm hộp Bento cho bữa trưa.
Giống gạo này được Hiệp hội kiểm định ngũ cốc Nhật Bản đánh giá cao trong nhiều năm nhưng lại ít được biết đến vì chủ yếu chỉ được trồng tại tỉnh Yamagata.
Gạo Sasanishiki
Sasanishiki là niềm tự hào của vùng Sendai tỉnh Miyagi. Giống lúa này bắt đầu được canh tác rộng rãi từ năm 1963 tại tỉnh Miyagi. Tuy nhiên, do khả năng chống chịu với thời tiết và sâu bệnh kém nên từ năm 1993 diện tích trồng trọt của giống gạo này đã bị thu hẹp. Hiện giống gạo Sasanishiki chỉ được sản xuất với sản lượng nhỏ, chủ yếu tại vựa lúa Miyagi.
Gạo Sasanishiki có hạt tròn, mẩy, cứng hơn các loại gạo khác. Cơm khi nấu chín có độ kết bám cao, thơm ngào ngạt, hạt cơm căng bóng đẹp mắt, vị ngọt đậm đà. Đây là một loại gạo lý tưởng để chế biến Sushi và cơm nắm Onigiri.
Gạo Tsuyahime
Tsuyahime là một giống lúa gạo được phát triển và đưa vào sản xuất hàng loạt tại tỉnh Yamagata từ năm 2010, được cải tiến từ một giống gạo từ xa xưa có tên “Kameno-o”. Tên gọi “Tsuyahime” trong tiếng Nhật có nghĩa là “công chúa tỏa sáng”. Giống gạo này dễ canh tác, có thể chịu được thời tiết nắng nóng tốt hơn các giống gạo khác. Kích cỡ hạt gạo Tsuyahime to hơn các loại gạo thông thường, màu trắng bóng, hương vị và mùi thơm ngọt dịu, cơm nấu lên có độ dẻo bám, thơm ngon ngay cả khi ăn nguội.
Loại gạo này được Hiệp hội kiểm định ngũ cốc Nhật Bản xếp vào loại gạo cao cấp ngay từ lần đầu tiên ra mắt thị trường vào năm 2010. Những người nông dân tại Yamagata đã dày công trồng trọt với mục tiêu đưa gạo Tsuyahime sánh ngang với loại gạo nổi tiếng nhất tại Nhật Bản là gạo Koshihikari. Thực tế ngày nay, gạo Tsuyahime được những người sành ăn đánh giá cao hơn vì cam kết hàm lượng thuốc trừ sâu sử dụng ít hơn gạo Koshihikari gấp 5 lần.
Gạo Yumepirika
Trong tiếng Nhật, “Yume” có nghĩa là “giấc mơ” và “Pirika” trong tiếng của người Ainu có nghĩa là “đẹp”. Do vậy, tên của loại gạo này có nghĩa là “giấc mơ đẹp”. Giống gạo Yumepirika được trồng chủ yếu tại Hokkaido và được xem là sản vật của vùng đất lạnh giá này sau nhiều năm nỗ lực cải tiến giống cây trồng. Quy trình sản xuất gạo được kiểm soát nghiêm ngặt để đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất, đảm bảo hương vị thơm ngon của giống lúa gạo.
Gạo Yumepirika có màu trắng như tuyết, khi nấu lên cơm dẻo, bám và mềm ngon. Cơm nấu từ gạo Yumepirika có dư vị ngọt và thơm ngon ngay cả khi ăn nguội nên thường được sử dụng để làm Sushi, cơm nắm Onigiri hay cơm hộp Bento.
Gạo Japonica
Cũng giống như gạo lứt Việt Nam, gạo lứt Japonica của Nhật Bản có màu trắng trong, hạt dài đều, khi nấu cơm có vị ngọt, mùi thơm tự nhiên đặc biệt rất dẻo, cơm kết dính với nhau và khi để nguội thì ăn rất ngon. Với ai thích ăn gạo dẻo thì gạo Japonica là lựa chọn tuyệt vời.
Gạo Japonica được đánh giá cao về chất lượng đến khâu giống, gieo trồng đến khi thu hoạch, được người tiêu dùng tin tưởng khi sử dụng. Gạo Japonica thơm ngon, thời gian bảo quản lâu là những gì thực khách có thể cảm nhận được. Ngoài dùng nấu cơm cho các bữa ăn hàng ngày, người Nhật còn dùng gạo Japonica cho nhiều món ăn hấp dẫn khác nữa.
Gạo Nishiki
Đây là một trong những loại gạo cao cấp và đắt tại Nhật Bản, được sử dụng rất nhiều trong các bữa tiệc hay gia đình quý tộc. Đặc biệt, loại gạo này được dùng nhiều trong việc chế biến rượu Sake. Loại gạo này giúp cho rượu Sake có hương vị phức tạp, êm ái và thơm ngon.
Gạo Akira
Loại gạo này được sản xuất theo quy trình công nghiệp sạch,hạn chế sử dụng phân bón hóa học và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Gạo đã được kiểm nghiệm và công bố chất lượng. Cơm được nấu xong ngon, thơm nhẹ, mềm, dẻo, vị đậm đặc biệt tốt cho trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai. Gạo Akira là nguyên liệu không thể thiếu làm Sushi – một món ăn truyền thống của Nhật Bản.
Gạo Nhật có vị ngon, dẻo và là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Du khách có thể dễ dàng tìm mua các loại gạo này tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản. Hi vọng với những thông tin hữu ích này, du khách có thể tìm được loại gạo ưng ý để sử dụng sau chuyến du lịch Nhật Bản.
Bản thân ẩm thực Nhật Bản đã luôn cuốn hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới với nhiều món ngon độc đáo. Trong đó phải kể đến 10 món đặc sản của vùng đất Niigata, tạo nên nét thú vị nơi đây và càng tăng sức hấp dẫn đối với lữ khách.
Là một tỉnh miền núi và ven biển, Niigata có nhiều đặc sản và món ăn nổi tiếng. Dưới đây là những món đặc sản du khách không thể bỏ qua khi đến Niigata:
1. Gạo Uonuma Koshihikari
Gạo Koshihikari là loại gạo nổi tiếng tại Nhật Bản. Loại gạo này được trồng lần đầu tiên vào năm 1956 tại tỉnh Fukui, sau này được đổi tên thành Koshi (Koshi là tên thời cổ của khu vực Echigo trong đó bao gồm tỉnh Fukui và Niigata ngày nay). Từ “Koshihikari” trong tiếng Nhật có nghĩa là “ánh sáng hy vọng của Koshi” và loại gạo này nổi bật với hạt gạo tròn, trắng bóng, khi nấu chín tạo ra những hạt cơm thơm dẻo, trông rất ngon mắt và có vị ngọt hậu đậm đà. Đây là sự lựa chọn tuyệt vời để ăn kèm có nhiều các món ăn ngon của Nhật Bản.
Koshihikari chiếm hơn 1/3 tổng diện tích trồng lúa tại Nhật Bản và được trồng phổ biến tại nhiều địa phương trên nước Nhật, phổ biến tại Niigata, Fukui, Chiba, Tochigi, Ibaraki, Toyama, Kagoshima và Miyazaki,… Trong đó nổi tiếng nhất là gạo Uonuma Koshihikari của tỉnh Niigata. Địa phương này có khí hậu đặc thù với sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm cùng mùa đông kéo dài giúp cho đất được nghỉ ngơi một thời gian dài dưới lớp băng tuyết dày. Chính lớp đất màu mỡ phì nhiêu này đã góp phần tạo nên thương hiệu gạo Uonuma Koshihikari trứ danh với chất lượng tuyệt hảo và có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với gạo Koshihikari được trồng tại các khu vực khác.
2. Wappameshi
Gỗ cây tuyết tùng được dát mỏng rồi uốn cong lại tạo thành chiếc hộp đựng cơm gọi là “Wappa”. Gạo được nấu chín qua một lần, sau đó cho vào trong hộp Wappa cùng với nước dùng Dashi và hải sản theo mùa rồi đem hấp chín, tạo nên món cơm Wappameshi trứ danh. Loại gạo thường dùng để nấu Wappameshi là gạo Koshihikari, đi kèm các loại nguyên liệu địa phương như: thịt gà, cá hồi, trứng cá hồi, hàu,… Món ăn sẽ có mùi thơm toả ra ngào ngạt và vị ngọt hoà quyện giữa cơm cùng các nguyên liệu khiến thực khách phải nhớ mãi.
3. Niigata Sushi Zanmai Kiwami
Sushi ngày nay được biết đến trên toàn thế giới như một món ăn lành mạnh: ít calo, ít chất béo và có giá trị dinh dưỡng cao. Sushi đã trở nên phổ biến từ thời Edo, như một loại thức ăn nhanh mới được ăn ngoài trời. Ngày nay, Sushi vẫn là một trong những món ăn được người Nhật yêu thích. Với Niigata, nơi có nguồn hải sản phong phú, và môi trường thuần khiết cho các giống lúa. Cả hai điều kiện này đều tạo nên một món Sushi ngon nhất.
Với lợi thế nhiều sông, núi sát biển. Sau mỗi mùa đông lạnh giá, nước từ trên núi cao đổ ra biển mang theo nhiều chất dinh dưỡng, tạo ra các sinh vật phù du chất lượng cao, từ đó kích thích sinh trưởng của các loài thực vật, cá và động vật biển. động vật có vỏ ở vùng biển gần đó. Sự phong phú của thức ăn đã thu hút và nuôi dưỡng nhiều loại cá đặc biệt (ngon và bổ dưỡng), bao gồm một số lượng lớn các loài “cá thịt” (Shiromi) theo mùa. Thật vậy, Niigata được mệnh danh là “vương quốc Shiromi” ở Nhật Bản, nơi có món “Cá trắng” ngon theo mùa quanh năm.
4. Hegisoba
Đây là một loại Soba có nguồn gốc từ vùng Uonuma, sử dụng rong biển Funori làm chất kết dính nên sợi mì có màu xanh lục và kết cấu mịn mượt. Cái tên “Hegisoba” xuất phát từ “Hegi” – một loại hộp thường được người dân địa phương dùng để bày biện món mì này. Hegisoba được cuộn lại thành từng khoanh vừa ăn trông vô cùng đẹp mắt.
Những sợi mì Soba được tạo ra từ các thành phần chính: bột kiều mạch, trộn với bột mì, khoai lang và ngưu bàng núi. Một số cửa hàng còn cho thêm lòng trắng trứng gà vào để hòa quyện, tạo nên một loại mì độc đáo, khi ăn sẽ có cảm giác hơi dai, giòn, dễ nuốt.
Để thưởng thức mì Hegisoba, khách sẽ ăn kèm với nước chấm. Chủ quán sẽ bày một đĩa mì lớn cho bàn khoảng 4-6 người, mỗi người ăn thì lấy 1 suất mì, cho vào bát riêng, rồi chấm mì vào bát nước chấm, và thưởng thức. Thú vị hơn cả, khi ăn, người Nhật sẽ phát ra âm thanh để tạo cảm giác ăn ngon miệng. Đó sẽ là lịch sử và lòng hiếu khách đối với chủ nhà. Món này ăn cũng khá thú vị, vì tiếng húp nước chấm với mì cứ văng vẳng bên tai. Sau khi ăn xong, chủ nhà hàng sẽ nhận một ấm nước dùng nóng, thực khách cần cho nước này vào bát, hòa tan cho bớt mặn, sau khi ăn thì uống như nước canh. Kết thúc bữa ăn Soba nghiền với một bát súp nóng.
5. Cá Shirauo
Cá Shirauo dài khoảng 5cm có màu trắng tinh hoặc trong mờ thuộc họ cá bống trắng. Đây là một loại cá theo mùa thường được đánh bắt trên bờ biển Nhật Bản và được chế biến theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như: để sống rồi cuộn với cơm tạo thành Gunkan; hoặc luộc với muối, hoặc cắt sợi rồi chiên tạo thành món Kakiage,… Không chỉ vậy, cá Shirauo còn được bọc trứng đem chiên lên rồi bày lên mặt đĩa mì Soba tạo nên món Shirauo Soba đặc sắc.
6. Anko Nabe
Khu vực ven thành phố Itoigawa thuộc tỉnh Niigata là nơi nổi tiếng với câu nói “Chúng ta không nên bỏ đi bất kỳ bộ phận nào của cá”, và cũng là nơi bắt nguồn nên món Anko Nabe – món ăn tận dụng tất tần tật mọi thứ của cá. Được ninh từ thịt cá, nội tạng cá và vây cá cùng với các loại rau củ, Anko Nabe thường được ăn trong khoảng từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau – giai đoạn thu được gan cá tốt nhất khi cá sinh sản nhiều.
7. Noppei Jiru (Súp Noppei)
Súp Noppe là một món ăn truyền thống của Nhật Bản. Ngày nay, Noppei rất phổ biến và được sử dụng thường xuyên quanh năm. Nguyên liệu chế biến món Noppe của Niigata bao gồm: thịt gà, khoai môn, cà rốt, măng, Konyaku, mọc nhĩ, bạch quả luộc, Naruto,… cùng các loại gia vị tạo nên hương vị đặc trưng của vùng.
8. Sasadango
Đây là loại bánh gạo truyền thống của Nhật Bản, hay “Dango”, với nhân đậu đỏ và được gói bằng một loại lá tre, được gọi là “Sasa”. Nó từng được ăn vào ngày lễ hội của “những cậu bé” (Tango no Sekku) vào ngày 5/5 hàng năm. Nhưng ngày nay, người ta ăn Dango quanh năm, và cũng thường được dùng làm quà biếu.
Bánh được làm bằng gạo nếp và đậu đỏ thơm, gói bằng một ít lá tre, cuộn bên ngoài bằng rơm vàng. Khi ngắt bỏ lá, mùi thơm sẽ tỏa ra. Bánh khi ăn sẽ có cảm giác mềm, thơm, có vị ngọt của đường và mùi thơm của Đậu đỏ. Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra về nguồn gốc của Sasadango, một trong nhiều giả thuyết phổ biến: nhà lãnh đạo nổi tiếng Uesugi Kenshin đã sử dụng loại bánh này trong Chiến tranh (1467-1568), vì bánh rất dễ bảo quản. . Sau thời kỳ này, Sasadango vẫn là một món ăn bình dân nhưng không mấy phổ biến. Nhưng với sự phát triển của du lịch, ngày nay Sasadango đang trở nên phổ biến ở Niigata. Bạn có thể mua Sasadanga dễ dàng tại Ga Tàu Niigata, Sân bay Niigata, Furusato Mura và các địa điểm khác.
9. Imobotamochi
Thêm một món bánh hấp dẫn trứ danh của vùng đất Niigata là “Imobotamochi”. Gạo và khoai môn được nghiền và trộn chung với nhau tạo thành vỏ, đậu đỏ nghiền làm nhân tạo nên món bánh Imobotamochi thơm ngon. Imobotamochi được người dân Niigata dâng lên các vị thần như một tín hiệu bắt đầu cho vụ mùa thu hoạch trong năm.
10. Rượu Nihonshu
Rượu gạo truyền thống của Nhật Bản “Nihonshu” (Nhật Bổn Tửu) giữ vai trò quan trọng trong văn hóa ẩm thực và đời sống tinh thần của người dân “xứ Phù Tang”. Trong đó, tỉnh Niigata với hơn 90 xưởng sản xuất rượu truyền thống, được biết đến như vương quốc rượu ở Nhật Bản. Không quá khi nói rằng, nhắc đến Niigata là nhắc đến rượu!
Rượu gạo của tỉnh Niigata đặc trưng bởi hương vị nhẹ và không ngọt. Nhiều loại rượu ở đây sử dụng gạo “Gohyakumangoku”, một loại gạo có kích thước lớn và lượng tinh bột cao tập trung ở tâm hạt, rất lý tưởng cho việc nấu rượu. Mặt khác, nguồn nước của Niigata là nước “siêu mềm” (thuật ngữ chỉ nguồn nước mà trong thành phần không chứa kim loại nặng có hại cho con người). Với hàm lượng khoáng chất thấp trong nước, quá trình lên men của rượu cũng diễn ra chậm hơn do mùa đông kéo dài. Chính những điều kiện này tạo nên hương vị nhẹ nhàng và sảng khoái đặc trưng của rượu Niigata.
Ngoài 10 đặc sản trứ danh trên, du khách cũng có thể tìm thấy những loại trái cây của Niigata như: Táo, lê, dâu tây… Nếu đến vào mùa thu hoạch trái cây, đừng bỏ lỡ thưởng thức trái cây theo mùa!
Đến với vùng đất Niigata tươi đẹp của “xứ Phù Tang”, du khách không chỉ có cơ hội chiêm ngưỡng những cảnh đẹp đặc sắc mà còn được tận hưởng những món ăn ngon hấp dẫn. Khám phá một vùng đất mới chưa bao giờ thú vị đến thế khi du khách chọn Tour Nhât Bản của chúng tôi!
Nagano từ lâu đã được biết đến là một cửa ngõ giao thương quan trọng và là một điểm du lịch đầy lôi cuốn của Nhật Bản. Chính vì thế, nền ẩm thực tại đây cũng được chú trọng xây dựng với nhiều loại thực phẩm vùng miền độc đáo để tạo nên những ấn tượng khó phai cho khách du lịch.
Mì Shinshu Soba
Nếu hỏi người Nhật tên của một thương hiệu mì Soba ngon, hẳn nhiều người sẽ trả lời là: “Shinshu Soba”. Shinshu là tên gọi cũ của tỉnh Nagano, và mì Soba là một trong những đặc sản ở đây.
Mì Shinshu Soba có kết cấu và hương vị tuyệt hảo do điều kiện lý tưởng để trồng Soba ở Nagano, và loại mì này cũng chứa ít calo hơn so với các loại mì khác ở Nhật Bản như Ramen hay Udon. Phải chăng Soba là một trong những bí quyết giúp người dân Nagano kéo dài tuổi thọ?
Bánh bao Oyaki
Một món ăn nhẹ nổi tiếng với người dân địa phương, và cũng được làm từ Soba khác chính là Oyaki – loại bánh bao truyền thống sử dụng hỗn hợp bột trộn từ bột kiều mạch và bột mì. Bột bánh được nhồi nhân trước khi nướng. Nhân Oyaki rất đa dạng, từ các loại rau như nozawana (một loại rau củ muối của địa phương), bí ngô nghiền (món ưa thích của đa số) và cà tím với miso (món yêu thích của mình), cho đến các loại nhân ngọt như bột đậu đỏ, pho mát và táo (đặc sản nổi tiếng nhất của Nagano).
Xuất xứ từ khu vực nhiều băng tuyết ở phía Bắc Nagano, ngày nay các cửa hàng bán Oyaki có thể được tìm thấy ở khắp nơi trên toàn tỉnh Nagano, và Oyaki là một món ăn nhẹ phổ biến đến mức du khách thậm chí có thể tìm thấy chúng ở các quán tạp hóa địa phương, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng bán đồ lưu niệm.
Bánh bột lá tre
Cái tên của món bánh này như đã nói lên cách chế biến và thành phần của món ăn. Bánh được làm từ bột gạo và quán với lá tre. Khi thưởng thức bánh, du khách sẽ cảm nhận được độ dai ngon, hương thơm của lá tre cùng nhân bánh ngọt bùi hòa quyện cùng nhau mang lại món bánh hấp dẫn.
Bánh Itochu Sugomori
Itochu Sugomori được biết đến là loại bánh đại diện của tỉnh Nagano. Đây là một loại Wagashi cao cấp với lớp vỏ ngoài là chocolate trắng và bên trong là nhân đậu màu vàng tươi. Ngoài ra, Itochu Sugomori còn có các vị trái cây và bánh theo mùa, du khách có thể tùy ý lựa chọn theo sở thích.
Gà rán Sanzoku-yaki
Đây là một món gà rán đặc biệt, được chế biến bằng cách ướp thịt đùi hoặc thịt ức với ướp tỏi, hành tây và nước tương rồi chiên trong dầu ngập mặt. Món ăn này được cho là có nguồn gốc từ Matsumoto hoặc Shiojiri, rồi phổ biến toàn tỉnh Nagano.
Món Sanzoku-yaki có thể dễ dàng được tìm thấy tại những quán rượu Izakaya xung quanh Nagano và các nhà hàng có phục vụ đồ ăn địa phương.
Cá Iwana
Sống ở những vùng nước sạch và trong, cá Iwana (cá hồi đốm trắng) chủ yếu sinh sống ở thượng nguồn các con sông chính và các nhánh kênh rạch, hay tại những nơi có dòng nước trong vắt tuyệt đẹp như vùng núi ở Nagano, nơi nguồn cung cấp nước là lớp tuyết tan chảy xuống từ đỉnh núi.
Cách tốt nhất để được thưởng thức trọn vị cá Iwana là nướng từ từ trên bếp lửa. Không giống như những loài cá biển với kích thước lớn hơn, du khách có thể ăn toàn bộ một con cá Iwana: từ đầu, vây, đuôi, xương cho tới tất cả các bộ phận, và vị sẽ còn tuyệt vời hơn khi dùng chung với bia và các loại rượu.
Một cách thú vị khác để thưởng thức hương vị cá Iwana là ngâm thành rượu Sake Iwana Kotsu, còn được gọi là “rượu Sake xương cá Iwana”. Cá iwana sau khi nướng sẽ được ngâm với rượu Sake ấm (rượu gạo), đựng trong chén rót rượu hình con cá. Sau một thời gian, hương thơm và vị ngọt của cá Iwana sẽ ngấm vào rượu Sake, cho ra một thức uống hoàn hảo đủ để sưởi ấm bạn trong mùa đông lạnh giá ở Nagano.
Cá hồi Shinshu
Mặc dù cá nước ngọt hoàn toàn ăn được và có hương vị tuyệt hảo, nhưng lại không thể ăn sống như Sashimi. Vì vậy, những người nuôi cá ở tỉnh Nagano đã nghiên cứu phát triển ra một loại cá lai mới. Sau hơn 10 năm nghiên cứu và thử nghiệm, Cá hồi Shinshu đã được nuôi dưỡng thành công vào năm 2004. Dù được gọi là cá hồi, nhưng cá hồi Shinshu thực chất là một loài cá lai, được tạo ra bằng cách phối giống cá hồi vân cái với cá hồi nâu đực.
Với kết cấu thịt mịn màng và màu cam tươi hấp dẫn, cá hồi Shinshu có hương vị tinh tế, mượt mà và đồng đều, không để lại dư vị tanh. Thịt của nó rất ngon dù ăn theo bất kỳ cách nào, có thể làm Sashimi, nướng, lẩu Shabu-shabu hoặc những món ăn khác.
Rau miền núi
Như tên gọi của nó, rau miền núi (Sansai) ban đầu được dùng để chỉ các loại thực vật hoang dã ăn được mọc trên núi, thường có vào mùa xuân. Một số loại rau núi phổ biến bao gồm Kogomi (dương xỉ đầu violon), Warabi (dương xỉ diều hâu), và Fukinoto (cây kim tâm). Ngày nay, một số loại rau miền núi đã được nuôi trồng trên ruộng đồng để nhiều người có thể thưởng thức những loại rau ngon lành này. Dù trông có vẻ mộc mạc đơn sơ, nhưng các loại rau miền núi rất đậm đà hương vị, một số còn có kết cấu vô cùng độc đáo.
Có thể thưởng thức rau miền núi theo nhiều cách khác nhau. Sansai Soba (mì Soba ăn với nước dùng ấm và các loại rau củ miền núi) là một món ăn phổ biến kết hợp 2 loại thực phẩm nổi tiếng của Nagano: rau miền núi và mì Soba. Những cách khác để thể thưởng thức rau miền núi là tẩm bột chiên như Tempura, hoặc ăn kèm với cơm.
Nấm
Tỉnh Nagano có rất nhiều loại nấm hảo hạng, đây cũng là một trong số những nơi sản xuất và nuôi trồng nấm thiên nhiên lớn nhất Nhật Bản.
Tuy nhiên, có một loại nấm thiên nhiên nổi bật hơn hẳn so với các loại khác, vua của các loại nấm: Matsutake – loại nấm đắt nhất Nhật Bản. Không như các loại nấm thông thường: Shimeji hay Enoki, dù những người nông dân đã cố gắng nhiều năm, nhưng không thể nuôi trồng Matsutake trong nhà vườn. Vì vậy, loại nấm này chỉ có thể được thu hoạch ngoài tự nhiên.
Nấm Matsutake thường mọc dưới gốc thông, và được ưa chuộng vì vị cay độc đáo và hương thơm đậm đà. Với địa hình đồi núi và lượng mưa dồi dào, Nagano là nơi sản xuất nấm Matsutake hàng đầu Nhật Bản. Vào mùa thu, khi nấm Matsutake đến vụ thu hoạch, các nhà hàng đặc sản cao cấp thậm chí còn có các suất Matsutake – suất ăn bao gồm các món ăn với nguyên liệu chính là nấm Matsutake. Cụ thể thì khu vực xung quanh thành phố Ueda cung cấp số lượng lớn loại nấm này, và du khách có thể thấy vô số nhà hàng chuyên phục vụ các suất ăn trên. Có thể thưởng thức nấm Matsutake theo nhiều cách, nhưng để trọn vẹn tôn lên hương vị của nó, du khách nên nướng trực tiếp trên bếp than.
Táo Shinshu
Không thể nói về Nagano mà không nhắc đến loại thực phẩm đặc trưng nhất ở đây: táo (Ringo). Dù Nagano chỉ xếp thứ hai về sản xuất táo (số một là tỉnh Aomori), nhưng nhiều người sành táo sẽ nói rằng táo Shinshu là loại táo ngon nhất Nhật Bản, với độ ngọt đặc biệt.
Nằm trên cao nên Nagano có sự chênh lệch nhiệt độ rõ rệt: ngày ấm áp và đêm mát mẻ rất lý tưởng cho việc trồng táo. Đất đai màu mỡ, giàu tro núi lửa cũng góp phần tạo nên kích thước và hương vị thơm ngon của táo Shinshu.
Táo là một phần bản sắc của Nagano, đến nỗi linh vật của tỉnh là Arukuma thậm chí còn đội một quả táo trên đầu, và bạn có thể tìm thấy rất nhiều loại bánh kẹo vị táo trên khắp Nagano. Nếu thích táo tươi, du khách có thể thử tham gia hái táo tại một trong số nhiều vườn táo ở Nagano từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11.
Hạt dẻ
Ẩn mình ở phía Bắc Nagano là Obuse, thị trấn nhỏ nhất tỉnh, nổi tiếng với hạt dẻ thơm ngon và các món tráng miệng hấp dẫn làm từ hạt dẻ. Thị trấn Obuse đã có lịch sử 600 năm trồng loài cây này. Kích thước lớn và hương vị đậm đà khiến hạt dẻ của Obuse được nhiều người ưa chuộng.
Theo cách truyền thống, hạt dẻ sẽ được nghiền nát hoặc trộn với cơm, nhưng ngày nay các đầu bếp bánh ngọt sáng tạo đã phát triển thêm nhiều món tráng miệng sử dụng hạt dẻ luộc nguyên hạt và bột hạt dẻ. Các loại bánh kẹo Nhật Bản phổ biến bao gồm Dorayaki hạt dẻ và Yokan hạt dẻ, còn kiểu Tây thì có bánh Mont Blanc, một loại bánh kem hạt dẻ lấy cảm hứng từ ẩm thực Pháp, đã trở thành một trong những món tráng miệng mùa thu phổ biến nhất Nhật Bản.
Nozawana
Khi đến thăm Nagano, một món thực phẩm muối chua mà du khách nhất định phải thử là Nozawana. Nozawana là một loại rau chịu được cả nhiệt độ nóng và lạnh, phát triển tốt trong khí hậu lạnh giá ở Nagano. Khi muối, hương vị của Nozawana được nâng tầm và kết cấu của nó trở nên giòn rụm. Du khách có thể thấy Nozawana muối chua được bán riêng, hoặc thậm chí làm thành nhân bánh Oyaki và cơm nắm Onigiri.
Côn trùng
Với nguồn thịt và đạm hạn chế, người dân Nagano thường ăn các loại côn trùng như: châu chấu (Inago), ấu trùng ong (Hachinoko), và nhộng tằm (Kaiko no Sanagi) để bổ sung cho chế độ ăn của họ. Những loài côn trùng này là nguồn cung cấp đạm và vitamin B12 dồi dào. Thường được nêm nếm bằng nước tương, đường và rượu Sake, Inago giòn và được dùng làm đồ nhắm với rượu, trong khi Hachinoko mềm hơn và có thể ăn kèm cơm.
Khi người ta có nguồn cung các loại thịt tốt hơn, và bắt đầu chăn nuôi gia súc, nhu cầu tiêu thụ côn trùng đã giảm xuống. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thấy nhiều loại côn trùng kể trên được rao bán trong các cửa hàng tạp hóa ở Nagano, cũng như trong các gian hàng đồ ăn đường phố và ở các lễ hội. Thời gian gần đây, với xu hướng ẩm thực lành mạnh lên ngôi, côn trùng đang được ưa chuộng trở lại vì chúng là một nguồn thực phẩm bền vững. Du khách có muốn thử không?
Thịt thú rừng
Ngoài việc có nhiều đồi núi, Nagano còn là một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn nhất Nhật Bản. Cư ngụ trong các khu rừng là các loài lợn rừng, hươu, nai, gấu và thỏ. Trước đây, vì nguồn đạm khan hiếm nên thịt thú rừng là một phần của cuộc sống hàng ngày, thường được chế biến thành lẩu và món hầm. Nhưng với quá trình hiện đại hóa và ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài du nhập vào từ thời Minh Trị (1868 – 1912), thịt thú rừng dần trở nên ít phổ biến. Tuy nhiên gần đây, thịt thú rừng, đặc biệt là thịt nai (Shikaniku), đã phổ biến trở lại dưới dạng Gibier, một thuật ngữ vay mượn từ tiếng Pháp, trong tiếng Nhật hiện được sử dụng để chỉ động vật hoang dã để tiêu thụ. Những năm gần đây, số lượng hươu bùng nổ gây ra tai nạn giao thông khi chúng băng qua đường bộ, đường sắt và phá hoại mùa màng, đem đến nhiều phiền toái cho người nông dân. Với nguồn cung hươu nai dồi dào, thịt hươu nai đã xuất hiện trở lại trong thực đơn các nhà hàng xung quanh tỉnh Nagano.
Du khách có thể do dự khi thử thịt thú rừng vì sợ “mùi hôi thú vật”, nhưng các phương pháp hiện đại đã được phát triển để giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn thứ mùi này. Ngoài ngon miệng, thịt hươu nai còn được cho là rất tốt cho sức khỏe: giàu đạm, ít chất béo và giàu các loại khoáng chất như canxi và sắt. Như cá hồi Shinshu là đại diện thương hiệu cá của Nagano, thịt thú rừng Shinshu đang nhanh chóng thu hút được nhiều sự chú ý với tư cách là thương hiệu thịt động vật hoang dã đại diện của tỉnh Nagano. Du khách có thể dễ dàng tìm thấy chúng tại các nhà hàng xung quanh khu vực.
Thịt bò táo Shinshu
Ẩm thực Nagano còn có một món đặc biệt mà du khách nên qua đó là món thịt bò táo Shinshu (Shinshū ringo gyū), với kết cấu mềm tan trong miệng, hương vị êm dịu và dư vị ngọt ngào tinh tế. Bí quyết của vị ngọt này nằm ở khâu chăn nuôi: bò được ăn chế độ đặc biệt bao gồm các thực phẩm địa phương của Nagano và táo Shinshu. Thực tế, loại bò này còn được gọi riêng là “bò Shinshu nuôi bằng táo”. Món thịt bò táo có thể được thưởng thức theo nhiều cách khác nhau, nhưng du khách nên dùng ăn Teppanyaki.
Đến với vùng đất Nagano tươi đẹp của “xứ Phù Tang”, du khách không chỉ có cơ hội chiêm ngưỡng những cảnh đẹp đặc sắc mà còn được tận hưởng những món ăn ngon hấp dẫn. Khám phá một vùng đất mới chưa bao giờ thú vị đến thế khi du khách chọn Tour Nhât Bản của chúng tôi!
Nằm cách thủ đô Tokyo khoảng 555km về phía Nam, Fukuoka từ lâu đã được coi là cửa ngõ của Châu Á. Từ đó, nền ẩm thực của thành phố cũng nhận sự ảnh hưởng lớn bởi cách nấu và gia vị đặc trưng từ Trung Quốc, Hàn Quốc cũng như ẩm thực truyền thống Nhật Bản.
Không chỉ là “cửa ngõ” kinh tế-văn hóa của đảo Kyushu, Fukuoka còn là “thiên đường ẩm thực” nổi tiếng nhất nhì Nhật Bản. “Thiên đường ẩm thực” này có rất nhiều món ăn ngon nức tiếng chinh phục bất kỳ thực khách nào khi được một lần thưởng thức.
1. Tonkotsu Ramen
Ramen là một loại mì truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản. Bất cứ nơi nào trên nước Nhật, du khách cũng có thể tìm thấy món mì này với hàng trăm cách chế biến khác nhau, thế nhưng cách chế biến mì Ramen ở Fukuoka lại được đánh giá là ngon và đậm đà nhất. Và tại Fukuoka, biến thể của Ramen được gọi với cái tên “Tonkotsu Ramen”.
Tonkotsu Ramen được chế biến hết sức công phu: Sợi mì dai, mềm được làm từ bột mì và nước muối; nước dùng sánh mịn, ngọt và đậm đà là bởi các phần xương và mỡ lợn được hầm trong nhiều giờ cùng một số loại nguyên liệu bí mật khác. Khi ăn, người đầu bếp sẽ thả mì vào bát, xếp thịt lợn, rong biển, trứng luộc, hành tươi, nấm,… lên trên và rưới nước dùng vào, thực khách có thể ăn Tonkotsu Ramen kèm với gừng ngâm, dấm ớt và tiêu….
2. Ramen Yaki
Thêm một món mì đặc sản nổi tiếng của Fukuoka – Ramen Yaki. Món ngon này được một chủ nhà hàng Yatai phát minh ra cách đây hơn 40 năm.
Ramen Yaki gồm những sợi mì Ramen được luộc chín, sau đó đem xào qua với rau, thịt lợn và nước sốt Tonkotsu, khi ăn sẽ cho thêm trứng luộc hoặc trứng gà sống và sốt Worcestershire nóng hổi, gừng ngâm dấm.
3. Udon
Fukuoka luôn tự hào khi là “thiên đường của mì Udon”. Udon tại đây được làm từ sợi mì dày, nước sốt sệt có vị ngọt và ăn cùng hành lá. Tuy được chế biến đơn giản nhưng để thỏa mãn vị giác của thực khách thì quả thực khó có món ăn nào khác có thể đánh bại Udon của Fukuoka.
4. Lẩu Motsunabe
Món lẩu này là món ăn yêu thích của dân địa phương Fukuoka trong những tháng lạnh. Từ “Motsu’” trong Motsunabe dùng để chỉ nội tạng của bò và heo. Bằng cách sử dụng các bộ phận thường bị bỏ đi của động vật, món ăn này nổi tiếng là để giảm chất thải động vật và là một cách ăn thịt bền vững hơn. Món này cũng được biết đến là dùng phần thịt nhiều dinh dưỡng có chứa vitamin B và collagen.
Lẩu Motsunabe được làm từ dạ dày và ruột, cũng như các loại rau xanh trồng được trong mùa đông như: tỏi tây, bắp cải, giá đỗ và hẹ. Tất cả đều được hầm trong nước dùng đậm đà, có vị tương, ớt, tỏi, và thường là Miso.
Sau khi ăn hết rau và thịt, du khách có thể cho một ít mì hoặc cơm vào nước dùng để thưởng thức tới giọt cuối cùng. Lẩu Motsunabe thường được kết hợp với một số loại rượu Shochu của vùng Kyushu.
Trong văn hóa của Nhật, mọi người thường cùng ngồi quây quần và chia sẻ với nhau món Motsunabe này để tạo nên không khí hòa đồng. Hãy một lần trải nghiệm món ăn này với những người bạn của mình nhé vì đây chắc hẳn sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời!
5. Lẩu Mizutaki
Mizutaki có nguồn gốc từ vùng Kyushu và Kansai, là một kiểu lẩu khác giống Motsunabe. Món này thường được nấu với gà và ăn cùng nhiều loại rau theo mùa, cũng như hành lá, đậu hũ và nấm. Mọi nguyên liệu được hầm trong nước dùng Dashi. Khi nấu, collagen tiết ra từ xương mang lại cho nước dùng một hương vị đậm đà và làm cho nước dùng sóng sánh.
Lẩu Mizutaki có hương vị đơn giản và nhẹ nhàng. Món ăn đôi khi được phục vụ với nước chấm Ponzu trong một cái chén nhỏ, thực khách có thể chấm tăng hương vị. Hãy nhớ thêm một ít cơm hoặc mì vào lúc cuối để có thể húp trọn nước dùng!
6. Kaisen-don
Vùng biển xung quanh Kyushu rất phong phú về sinh vật biển và chính điều này khiến hải sản trở thành mặt hàng chủ lực trên đảo. Một trong những cách tốt nhất để có thể thưởng thức trọn vị tươi ngon của hải sản đó là Kaisen-don. Thông thường, hải sản được phục vụ sống để giữ được hương vị nguyên bản nhất.
7. Tetsunabe Gyoza
Gyoza hay còn gọi là bánh bao, có nguồn gốc xuất phát từ Trung Quốc và nghe nói rằng Fukuoka là điểm đặt chân đầu tiên khi Gyoza đến với Nhật Bản. Nhân bánh được làm từ thịt lợn xay, bắp cải, hành lá, rau thơm cùng gia vị và được bọc bên ngoài bằng lớp vỏ bột mỏng.
Thông thường, người Nhật thường đặt Gyoza lên bát mì Ramen và ăn cùng mì mà không lo bánh bị mềm ỉu; nhưng các quán Yatai ở Fukuoka lại có cách chế biến và thưởng thức riêng. Những chiếc bánh được đặt trên một chiếc Getsuza Tetsunabe (chảo gang nhỏ) còn nóng, có đủ nước tương và tương ớt. Với cách chế biến sáng tạo này, Tetsunabe Gyoza vẫn còn nóng và giòn khi ăn. Hương vị tuyệt vời kích thích vị giác bởi cả sắc, hương, vị đã đưa Tetsunabe Gyoza trở thành một trong những món ăn ngon nhất tại “xứ Phù Tang”.
8. Chicken Sashimi
Thực khách phương Tây thường gặp rắc rối với món Sashimi gà, nhưng hãy yên tâm, vượt qua những trở ngại ban đầu thì hẳn sẽ vô cùng thích thú với món ăn này. Fukuoka là thủ đô của Sashimi gà bởi sẽ không có nơi nào tốt hơn để du khách thưởng thức món ăn này ngoài Fukuoka.
9. Yakitori
Nếu du khách khó có thể quen với các món tái, sống ở Nhật Bản, thì gà nướng Yakitori kiểu Nhật là một trải nghiệm ẩm thực vừa an toàn vừa ngon miệng. Gà sau khi được xắt thành từng miếng vừa ăn, ướp trong mù tạt, nước tương Shoyu sẽ được xiên vào từng chiếc que tre rồi nướng trên bếp than hồng cho đến khi tỏa mùi thơm ngậy đặc trưng. Yakitori ngon nhất là được ăn kèm với bát nước sốt đậu tương Miso.
10. Tsukune
Cũng như nhiều món ăn Yatai (món ăn đường phố) ở Nhật, gà viên chiên Tsukune ngon nhất là khi uống cùng với rượu Sake. Cổ, cánh, chân, thịt gà sau khi băm nhuyễn, ướp gia vị sẽ được nhồi trong một vỏ bánh bằng bột mì cán mỏng rồi nướng lên bếp than hồng với một chút muối. Thực khách sau khi gọi món sẽ được nhà hàng bày kèm một quả trứng chim cút sống và một bát tương đậu nành vị ngọt. Đây là “món ruột” rất tiện lợi của dân văn phòng sau những giờ làm việc căng thẳng.
11. Bacon Maki
Món thịt nướng thơm lừng, cuốn hút thực khách bằng dáng hình hấp dẫn của những lát thịt mỏng cuốn lấy măng tây, đậu bắp và ớt xanh cùng mùi vị thơm lừng và mằn mặn của thịt lợn, vị ngọt của các loại hải sản tươi như: mực, tôm, sò huyết được bày trí đơn giản nhưng vô cùng tinh tế cùng sốt Mayonnaise, bên cạnh bát nước sốt Ponzu pha chanh. Du khách sẽ “gục ngã” ngay trước món ăn hiện đại và tuyệt hảo này khi đến với Fukuoka.
12. Mentaiko
Mentaiko là trứng cá tuyết cay, nghĩa là trứng cá muối ớt cay. Món này được du nhập vào Fukuoka sau Thế chiến II thông qua giao thương từ Busan ở Hàn Quốc.
Một trong những lý do món này được mọi người yêu thích là do kết cấu độc đáo của trứng cá tuyết, như muốn tan chảy trong miệng của thực khách. Một trong những cách dễ nhất để thưởng thức hương vị và kết cấu nồng ấm của Mentaiko là ăn cùng với cơm trắng. Tuy nhiên, trứng cá tuyết cay cũng được chế biến trong nhiều món khác, một số món phổ biến nhất dùng Mentaiko gồm: Omurice, mì ống sốt kem, Pizza và mì Udon. Món này cũng là một món ăn nhẹ trong quán bar vì vị mặn của nó thích hợp khi uống cùng với rượu Shochu, rượu Sake hoặc bia.
13. Umegae Mochi
Umegae Mochi là một đặc sản thực sự của Fukuoka mà du khách sẽ phải vật lộn để tìm kiếm nếu ở địa điểm khác. Umegae Mochi là bánh đậu nướng ngọt bọc trong bột gạo và thường được ăn nóng. Từ xa xưa, thị trấn Dazaifu vẫn là nơi tốt nhất để mua được món tráng miệng ngon tuyệt này.
14. Dâu tây Amaou
Mặc dù có khoảng 300 giống dâu tây khác nhau trên thế giới, nhưng Amaou là một trong những loại dâu tây ngon nhất thế giới. Dâu này được trồng chủ yếu ở Itojima thuộc Fukuoka vì nơi đây có khí hậu hoàn hảo để những quả dâu mọng nước này chín từ từ. Chúng hết sức đặc biệt và được đặt tên theo một từ viết tắt mô tả những đặc điểm tốt nhất của dâu tây Amaou: “amai” (ngọt), “marui” (tròn), “okii” (lớn) và “umai” (ngon). Những quả dâu tây này nổi tiếng với màu sắc tươi sáng, hương vị ngọt ngào và kích thước lớn. Dâu tây đã trở thành một món ngon mùa đông phổ biến ở Nhật Bản và ngày 5 tháng Giêng là Ngày Dâu tây ở Nhật Bản.
Việc trồng dâu tây ở Nhật Bản bắt đầu từ thời Minh Trị. Sự phát triển của dâu tây Amaou lần đầu tiên bắt đầu vào năm 2002. Theo thời gian, dâu tây Amaou đã trở thành một món quà phổ biến và nó thường được kết hợp với các món ăn và đồ ăn nhẹ phổ biến khác. Dâu tây Amaou lý tưởng nhất khi đi kèm với bánh Giáng sinh kiểu Nhật, cùng với đó là nguyên liệu hoàn hảo cho món bánh Ichigo Daifuku (bánh dày nhân dâu tây).
Đến Fukuoka, du khách không chỉ có cơ hội chiêm ngưỡng những cảnh đẹp đặc sắc mà còn được tận hưởng những món ăn ngon hấp dẫn. Khám phá một vùng đất mới chưa bao giờ thú vị đến thế khi du khách chọn Tour Nhât Bản của chúng tôi!
Ở Nhật Bản có một loại mì Soba vô cùng đặc biệt có tên là “Toshikoshi Soba”, biểu tượng của sự trường thọ và may mắn. Vào mỗi dịp năm mới, người Nhật có thói quen làm những bát mì trường thọ Toshikoshi Soba để thưởng thức cùng với người thân của mình.
Ăn Toshikoshi Soba vào dịp năm mới, hay cụ thể hơn, vào đêm giao thừa, là một trong những phong tục độc đáo của người Nhật. Truyền thống này được cho là bắt nguồn từ khoảng 800 năm trước vào thời kỳ Kamakura. Khi đó có một ngôi chùa đã tiến hành làm mì Soba và phát cho những người nghèo vào dịp năm mới. Đến thời Edo, món mì này trở nên phổ biến và trở thành món mì truyền thống vào dịp năm mới của người Nhật kéo dài đến tận ngày nay.
Toshikoshi Soba gồm những sợi mì được làm từ bột kiều mạch trộn với với một số loại chất kết dính (trứng gà, khoai mỡ,…) cùng với một lượng nước và gia vị theo một tỉ lệ nhất định để tạo nên những sợi mì dài, dai và dễ cắn đứt trong quá trình ăn.
Toshikoshi Soba có 2 loại phổ biến là mì lạnh và mì nóng. Mì lạnh là kiểu mà mì được đặt trên một khay riêng và được rắc lên đó một ít rong biển khô. Khi ăn chấm cùng với một loại nước sốt được làm từ Dashi, nước tương ngọt, mirin có tên là Tsuyu. Mì nóng là kiểu ăn mà nước dùng Tsuyu sẽ được làm nóng và cho vào cùng với bát mì và thêm một ít gia vị như hành tây cắt lát, ớt bột cùng với một số loại gia vị được nêm nếm vừa ăn khác.
Tuỳ theo loại mì lạnh hoặc mì nóng mà chúng sẽ có những hương vị đặc trưng khác nhau. Đối với mì trường thọ ăn lạnh thì chúng được ăn bởi phong cách ăn tương đối cầu kỳ nên giúp người ăn cảm nhận được vị thơm ngon của sợi mì, vị đậm đà của sốt Tsuyu. Đồng thời các gia vị nêm kèm như hành ngò, mùi tạy càng giúp làm dậy lên hương vị và sự thơm ngon của bát mì. Đối với Toshikoshi Soba được ăn nóng thì khi ăn chúng có hương vị tương tự như phở Việt Nam của chúng ta rất thích hợp cho việc ăn trong những ngày thời tiết se lạnh, đặc biệt là những ngày cuối năm tại Nhật Bản.
Đối với mỗi người Nhật, Toshikoshi Soba không thể thiếu vào dịp năm mới vì sau khi đi lễ vào đêm giao thừa, món mì kiều mạch dễ tiêu hóa sẽ là món ăn nhẹ phù hợp với đại đa số người dân nên được người dân Nhật vô cùng yêu thích khi ăn món ăn này vào dịp năm mới. Ngoài ra, ăn mì trường thọ còn có ý nghĩa là hi vọng người ăn có thể vượt qua mọi khó khăn để đứng dậy vươn lên giống với hình ảnh của những cây mì Soba có thể sống được sau những trận mưa gió, sấm sét lớn.
Một giả thuyết nữa được nhiều người truyền nhau là từ xưa, những người thợ kim hoàn thường sử dụng những quả bóng làm từ mì soba để thu lại các hạt bụi vàng khi làm việc. Chính vì lý do này, người Nhật Bản tin rằng ăn mì trường thọ trong năm mới sẽ giúp mang lại may mắn cho bản thân và mọi người xung quanh.
Hơn tất cả, Toshikoshi Soba được coi là biểu tượng của sự trường thọ nhờ hình dạng dài. So với Ramen và các loại mì khác ở Nhật Bản, sợi mì Soba khá dai nhưng cũng dễ cắn đứt khi ăn. Vì vậy, Soba tượng trưng cho “chia tay năm cũ”.
Nếu muốn có nhiều may mắn trong năm mới, người Nhật còn cho thêm một số topping kèm với mì Soba. Có rất nhiều topping ngon và mang ý nghĩa tốt lành trong văn hóa Nhật Bản. Một loại topping cổ điển nhưng không kém phần tuyệt vời là hành lá. Hành trong tiếng Nhật là “Negi”, là cách chơi chữ của động từ “Negu”, có nghĩa là “cầu nguyện để được bảo vệ”. Ngoài ra còn có “Abura-age”, hay những tấm đậu phụ chiên, được coi là món khoái khẩu của thần cáo Inari, vị thần ban phước cho việc làm ăn buôn bán và thu hoạch. Những món hải sản ăn kèm mì Soba cũng mang rất nhiều ý nghĩa biểu tượng. Ví dụ, hình dạng con tôm gợi lên hình ảnh bộ râu dài và cái lưng gù của một người may mắn sống đến khi già. Bánh cá đỏ và trắng, được gọi là “Kamaboko”, cũng là một lựa chọn không tồi bởi nó có những tông màu mang đến sự may mắn.
Mặc dù được gọi là “mì đêm giao thừa” nhưng ăn Toshikoshi Soba vào đúng nửa đêm lại bị coi là xui xẻo. Điều này liên quan đến ý nghĩa đã nói ở trên là chia tay năm cũ. Thời điểm nửa đêm là thời điểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới. Vậy nên, nếu ăn mì lúc nửa đêm, thì sẽ không thể bỏ sau lưng những rắc rối của năm cũ, thay vào đó là mang chúng sang năm sau. Ở một số vùng của Nhật Bản, Toshikoshi Soba được ăn sau lễ mừng năm mới.
Trên đây là những thông tin về món mì trường thọ “may mắn” của người Nhật. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách đừng bỏ qua việc thưởng thức món ăn thú vị và độc đáo này nhé!
“Donabe” có nghĩa là “nồi đất sét” trong tiếng Nhật, và nó là một trong những chiếc tàu nấu ăn lâu đời nhất của Nhật Bản. Đây là một trong những dụng cụ nấu ăn thông dụng mà bất kỳ gia đình Nhật Bản nào cũng có ít nhất một chiếc trong bếp.
Có nguồn gốc từ tỉnh Iga của Nhật Bản, nồi đất Donabe được làm bằng đất sét với các đặc tính lý tưởng để hoạt động ở nhiệt độ cao, bao gồm trong lò nung và trong quá trình nấu nhiệt độ cao (trên ngọn lửa mở hoặc trong lò nướng). Loại đất sét này từ Iga cực kỳ xốp, có nghĩa là nó tạo nhiệt từ từ (và tương tự như nồi nấu chậm, có thể mất nhiều thời gian hơn để làm nóng ban đầu) nhưng nó giữ nhiệt hiệu quả khi nhiệt độ cao nhất.
Các Donabe thường được tráng men bên trong và xốp ở bên ngoài. Mỗi gia đình Nhật Bản đều có ít nhất một chiếc Donabe trong nhà bếp, và đó là một phần quan trọng trong bữa ăn của họ.
Ưu điểm lớn nhất của Donabe là nó giúp giữ ấm thức ăn ngay cả sau khi được bắc khỏi bếp. Dĩ nhiên, người Nhật có thể dùng nó để nấu Nabe (món canh hầm gồm nhiều nguyên liệu nấu chung một nồi, tương tự như lẩu của Việt Nam) nhưng Donabe còn có thể được sử dụng để nấu nhiều món khác như: súp, hầm, hấp và nấu cơm,…
Với nó, người Nhật có thể dễ dàng khiến đồ ăn (đặc biệt là cơm) có kết cấu đặc biệt mà nồi cơm điện không thể làm được. Nấu chậm bằng nồi đất khiến các nguyên liệu tỏa ra hương thơm vốn có, ngay cả khi nguội. Vì vậy mà Donabe trở thành vật dụng không thể thiếu trong căn bếp của người Nhật.
Loại nồi đất nổi tiếng nhất Nhật Bản đến từ Mie (vùng Kansai): Iga-yaki được cho là đã có 1300 năm tuổi. 4.000.000 năm trước, vùng Iga bây giờ chính là lòng hồ Biwa, đất sét từ Iga được dùng cho các sản phẩm gốm địa phương. Loại đất sét này có sức chống chịu cao với lửa. Đồ gốm ở đây được nung trong lò đất suốt 3 ngày.
Nổi tiếng với sự bền chắc và vẻ mộc mạc, các món đồ gốm Iga là những món đầu tiên có “mấu tai”. Đặc tính này sau đó được nhiều nơi sản xuất đồ gốm bắt chước và ngày nay du khách có thể bắt gặp nó trong các phòng trà, cũng như nhiều loại đồ gia dụng.
Một số món ăn đặc sản của Nhật Bản được nấu trong chiếc nồi đất sét Donabe chắc chắn sẽ cho ra hương vị độc đáo hơn. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách cũng có thể tìm mua Donabe để chế biến cho những người thân yêu của mình những món ăn tuyệt hảo!
Khi nhắc đến ẩm thực Nhật Bản, ngoài món Sushi huyền thoại thì còn có thịt bò Kobe, một loại thịt thượng hạng nhất thế giới chắc chắn du khách không thể bỏ qua. Đảm bảo tiêu chuẩn khắt khe về nguồn thịt bò Kobe, những nhà hàng tại Tokyo khiến thực khách sẵn sàng chi một số tiền lớn cho một suất ăn.
1. Zakuro
Địa chỉ: B1F, 2 8, 3-chōme, Nihonbashi Chuo, Tokyo, Nhật Bản.
Một trong những cách tốt nhất để thử thịt bò Kobe là thông qua món ăn truyền thống và phổ biến Shabu-shabu. Về cơ bản, Shabu-shabu là một món lẩu kiểu Nhật có rau và những phần ngon nhất của thịt bò luộc trong nước. Tên của món ăn là một từ tượng hình mô tả âm thanh được tạo ra khi du khách khuấy các thành phần của món lẩu trong nồi.
Tại Nhà hàng Zakuro, du khách có thể thử các kỹ năng nấu ăn của mình bằng cách tự làm Shabu-shabu tại một trong những phòng ăn riêng bằng gỗ truyền thống rải rác khắp nhà hàng. Nó mở cửa cho cả bữa trưa và bữa tối, vì vậy không có lý do gì mà du khách không ghé thăm khi muốn thưởng thức thịt bò Kobe hảo hạng.
2. Omotesando Ukai-Tei
Địa chỉ: 1 10, 5-chōme, Jingūmae Shibuya, Tokyo, Nhật Bản.
Nếu du khách đã từng thử qua thịt bò Kobe theo kiểu Shabu-shabu, thì không thể bỏ qua Teppanyaki. Có lẽ thường được biết đến hơn nhiều món ăn khác, Teppanyaki là thực phẩm được nướng trên một vỉ sắt lớn (đĩa). Từ này xuất phát từ “teppan”, có nghĩa là đĩa sắt và “yaki” có nghĩa là nướng. Mặc dù đây chủ yếu là một cách để nấu thịt bò nhưng Teppanyaki cũng có thể dùng để chế bến bất kỳ món ăn nào được nướng trên một đĩa lớn – ví dụ như: tôm, Okonomiyaki và Yakisoba (mì).
Nằm ở trung tâm nổi tiếng của Omotesando, Tokyo là Ukai-Tei, một nhà hàng Teppanyaki kết hợp thịt bò Kobe và ẩm thực kiểu Pháp. Phong cách chế biến thịt bò Kobe của nhà hàng này rất độc đáo. Miếng thịt bò thượng hạng Kobe sẽ được từng đầu bếp chuyên nghiệp chế biến theo phong cách Teppanyaki – nướng thịt ở trên một vỉ sắt lớn hoặc chiếc chảo lớn trước sự chứng kiến của thực khách nhà hàng.
Chế biến trên chiếc chảo phẳng lớn không chỉ là phong cách nấu ăn mà còn là nghệ thuật nổi tiếng được rất nhiều đầu bếp chuyên nghiệp Nhật Bản đánh giá cao. Qua cách chế biến độc lạ này, thực khách sẽ được hiểu hơn về quy trình chế biến, hiểu hơn về tính thẩm mỹ cũng như nghệ thuật để làm ra được món Kobe đảm bảo vị béo ngọt và thơm ngon.
Không gian của nhà hàng được trang trí theo hướng mang đến sự huyền ảo cho thực khách thưởng thức món ăn. Tone màu chủ đạo của nhà hàng thịt bò Kobe nổi tiếng Tokyo này là đỏ. Xuyên suốt không gian là ánh đèn vàng đặc trưng, điều này thường thấy ở các nhà hàng nổi tiếng. Không gian mang đến sự ấm cúng và thân thiện sẽ giúp cho mỗi thực khách có thể thưởng thức được hương vị đặc trưng của bò Kobe trọn vẹn nhất.
3. Kobe Beef Kaiseki 511
Địa chỉ: 28 3, 4-chōme, Akasaka Minato, Tokyo, Nhật Bản.
Tuy không có vị trí giữa lòng thủ đô Tokyo nhưng chuỗi nhà hàng bò Kobe Kaiseki 511 lại có sức hút đối với thực khách yêu thích thịt bò lạ thường. Nhà hàng Kobe Kaiseki 511 tọa lạc ở vùng ngoại ô cao cấp của Akasaka, Tokyio, vốn là một nơi nổi tiếng giàu có của Nhật Bản. Vì sở hữu sự giàu có đặc trưng nên người dân nơi đây chuộng những thức ăn thượng hạng rất nhiều, tiêu biểu là những nơi có thịt bò Kobe.
Lý giải cho số “511” trong tên của nhà hàng mình, Kobe Kaiseki 511 đã đề cập rằng họ muốn mang đến cho những thực khách của nhà hàng loại thịt bò Kobe với chất lượng tuyệt hảo. Đó là loại thịt bò A5 – một loại Kobe sở hữu tỷ lệ giữa mỡ và thịt đạt đến mức cao nhất của tiêu chuẩn thịt bò chất lượng ở Nhật Bản.
Và khi đến Nhà hàng Kobe Kaiseki 511, những thực khách quen thuộc đều lựa chọn món thịt Kobe nướng cho phần ăn của mình. Vị béo ngọt tan chảy trong khoang miệng cùng với hương thơm đặc trưng chỉ có ở những phần thịt bò Kobe nướng đã khiến cho mỗi một lần thưởng thức của thực khách là một lần tuyệt vời không thể tả được.
Vị thơm ngon ấm nóng của miếng thịt bò Kobe đã giúp cho Nhà hàng Kobe Kaiseki 511 trở nên nổi tiếng mà bất kì người sành ăn nào ở Tokyo là không thể không biết đến.
4. Ginza Gyuan
Địa chỉ: 6 13, 6-chōme, Ginza Chuo, Tokyo, Nhật Bản.
Nằm trong một tầng hầm giữa thánh địa bán lẻ sầm uất Ginza, Nhà hàng Gyuan chắc chắn là một trong những nơi tốt nhất để thưởng thức món thịt bò Kobe thượng hạng nhưng lại có mức giá vô cùng hợp lý. Với các phòng được ốp gỗ tái chế thân mật và thái độ phục vụ truyền thống của Nhật Bản, đây được cho là một trong những trải nghiệm thịt bò Kobe chân thực nhất mà du khách có thể tiếp cận.
5. New York Grill
Địa chỉ: 1-2 7, 3-chōme, Nishishinjuku Shinjuku, Tokyo, Nhật Bản.
Nằm trên cao nhất của Park Hyatt, tại New York Grill, du khách có thể bị choáng ngợp với khung cảnh ngoạn mục của đường chân trời Tokyo. Bếp trưởng chuyên nghiệp và dàn phụ bếp được đào tạo bài bản bậc nhất thế giới. Hầm rượu vang với đầy đủ các rượu vang nổi tiếng từ Mỹ đến Nhật Bản. Thịt bò Kobe đều được chọn lọc cẩn thận và có nguồn gốc từ Hokkaido, Saga hoặc Sendai. Mỗi món ăn trong thực đơn đều được sáng tạo và lấy cảm hứng từ các hương vị quốc tế của New York.
6. Ningyocho Imahan
Địa chỉ: 10, 2 Chome, Nihonbashiningyocho Chuo, Tokyo, Nhật Bản.
Nhà hàng này đã được thành lập cách đây 120 năm. Với quy mô vừa là một cửa hàng bán thịt vừa là một nhà hàng chế biến. Điều này đồng nghĩa du khách có thể thưởng thức những lát thịt tươi ngon nóng hổi nhất. Nhà hàng ngồi bệt trên sàn theo phong cách ăn uống truyền thống của Nhật Bản, với khoảng 50 USD, du khách đã có một bữa ăn bò Kobe giá rẻ nhưng không hề kém chất lượng.
7. Roast Beef Ohno
Địa chỉ: 10-31, 4-chōme, Jingūmae, Shibuya, Tokyo, Nhật Bản.
Thịt bò Kobe ở Roast Beef Ohno được chế biến với rất nhiều cách khác nhau. Kết hợp với các nguyên liệu như: trứng, hành tây, cơm,… tùy theo sở thích của thực khách. Có hai món được lựa chọn nhiều nhất ở đây là Wagyu với miếng bò mỏng tái và Australian roast gồm thịt bò ăn kèm với cơm và trứng.
Thịt bò Kobe không phải dễ dàng tìm thấy và mua được do quy trình chăn nuôi khép kín và đặc biệt. Người nuôi phải tốn rất nhiều thời gian và chi phí để tạo ra món thịt bò Kobe sở hữu tỷ lệ tiêu thụ là 0,6% mỗi năm. Không đơn giản mà thịt bò Kobe lại được xem là món thịt bò đắt nhất thế giới. Vì thế, những nhà hàng thịt bò Kobe trên đây cũng được xem là nhà hàng thượng hạng đắt nhất Tokyo hiện nay. Trong chuyển du lịch Nhật Bản, nếu có điều kiện, du khách hãy thử ghé những nhà hàng này để thưởng thức trọn vẹn hương vị của thịt bò Kobe hảo hạng nhé!
Được mệnh danh là kinh đô của đồ ngọt tại Nhật Bản, Tokyo sở hữu những cửa hàng bánh ngọt ngon nhất, hấp dẫn nhất và luôn đông kín người xếp hàng. Đến Tokyo, du khách không thể bỏ lỡ những chiếc quán bánh xinh xắn ẩn chứa hương vị đáng kinh ngạc nhất định phải thử một lần trong đời.
1. Gontran Cherrier
Địa chỉ: 2-2-1 Shinjuku, Tokyo, Nhật Bản.
Pháp là cái nôi của bánh ngọt, nhưng Nhật Bản cũng là một nơi có những loại bánh ngon nhất thế giới. Không khó để tìm thấy một số tiệm bánh ngọt ở Tokyo, với những hàng dài đợi mua bánh. Một thợ bánh nổi tiếng người Pháp Gontran Cherrier đã thành công ở Tokyo, đầu tiên với một tiệm bánh mì cùng tên nổi tiếng ở Shibuya và các chi nhánh sau đó ở Nihonbashi và Shinjuku. Khác với những kỹ năng được mài giũa từ các nhà hàng theo phong cách Michelin, vẻ ngoài điển trai và phong cách dễ gần của Gontran có thể đã đóng góp một phần vào sự nổi tiếng của tiệm bánh của anh ấy. Gontran Cherrier đã tìm thấy một trong những vị trí tốt nhất ở Shinjuku, một không gian 2 tầng ở phía Nam sân thượng cách xa vô cùng dân cư gia nkunku, với một cây cầu kết nối với Lumia.
Tầng dưới là tiệm bánh, trong khi tầng trên là nơi du khách có thể ngồi để thưởng thức những chiếc bánh ngọt ngào. Thực đơn ở đây rất đa dạng với nhiều món bánh ngon, nhưng bạn nên thử những món nổi tiếng bán chạy tại đây là Kouign-Amann, Croissant và Matcha Scone. Bánh sừng bò với những lớp bánh ngon, giòn hơi thanh và mềm tan trong miệng. Kouign-Amann là một loại bánh hơi béo nhưng nó thật sự tuyệt vời và là một món bánh phải thử ở Gontran Cherrier.
2. Occitania
Địa chỉ: 739, 1-chome, Nihonbashikakigaracho Chuo-ku, Tokyo, Nhật Bản.
Occitania là một cửa hàng bánh ngọt Pháp được phát triển bởi Club Harie. Tại đây, du khách sẽ tìm thấy vô số bánh ngọt tươi và bất ngờ được làm bởi kỹ năng và sự nhạy cảm tuyệt vời của đầu bếp Kazuhiro Nakayama trong truyền thống của bánh ngọt Pháp, được giám sát bởi Stéphane Tréand, người nhận danh hiệu MOF (Thợ thủ công giỏi nhất nước Pháp). Họ cung cấp các loại bánh ngọt thú vị như: bánh ngọt và Macarons thấm các nguyên liệu theo mùa.
Gần 90% những miếng bánh nhỏ xinh tại đây là những chiếc bánh dựa trên mousse rất mượt và mịn, và bánh cũng có thể giữ ở nhiệt độ phòng khá lâu cũng như khó bị biến dạng khi di chuyển. Hơn nữa, mỗi miếng bánh đều được trang trí không dưới 3 loại họa tiết khác nhau.
3. Hidemi Sugino
Địa chỉ: 176, 3 Chome, Kyobashi Chuo-ku, Tokyo, Nhật Bản.
Hidemi Sugino là người phương Đông đầu tiên giành chiến thắng trong cuộc thi danh tiếng nhất, “La Coupe du Monde de la Patisserie”, giải bánh ngọt thế giới năm 1991. Ông cũng là người phương Đông đầu tiên trở thành thành viên của Ark Desserts, chỉ có 85 thành viên xung quanh thế giới. Sau khi được đào tạo ở Pháp được vài năm, anh ấy đã trở lại Nhật Bản và được thuê làm Patissier tại nhiều cửa hàng khác nhau trước khi mở cửa hàng Hidemi Sugino của mình ở Kobe. Sau đó, ông chuyển cửa hàng của mình đến Kyobashi, Tokyo vào năm 2001. Bánh ngọt tại đây được hạn chế mức đường và có những sáng tạo riêng có lẽ là nghệ thuật nhất trong tất cả các Patissiers ở Nhật Bản.
Nằm trên một con phố yên tĩnh ở Kyobashi, Hidemi Sugino bán những chiếc bánh trông giống như những tác phẩm nghệ thuật, ngon tuyệt vời cùng với nhiều kem. Hidemi Sugino đặc biệt nổi tiếng với những món bánh tuyệt vời – bánh nhiều lớp gồm Mousse, bọt biển, mứt, và kem. Một số bánh rất tinh tế đến nỗi chúng chỉ có thể ăn ngay trong cửa hàng, vì chúng sẽ hỏng khi vận chuyển hoặc để ở nhiệt độ phòng trong hơn 15 phút. Một số món bánh nổi tiếng khác của tiệm bánh này là Marie, một loại bánh Mousse dâu & Pistachio tuyệt hảo; Ambrosi – một chiếc bánh Mousse với chocolate. Chỉ có 10 miếng bánh được làm mỗi ngày, vì vậy du khách sẽ rất may mắn khi được thưởng thức cả hai cùng một lúc.
4. Patisserie Sadaharu Aoki
Địa chỉ: 1 4, 3-chome, Marunouchi Chiyoda-ku, Tokyo, Nhật Bản.
Sadaharu Aoki là một tiệm bánh tọa lạc tại Tokyo Midtown – một trung tâm mua sắm sành điệu, hợp thời trang nằm ở Roppongi, Tokyo. Khi đi thẳng ra ga Roppongi của tuyến Hibiya vào Midtown, du khách sẽ bị thu hút bởi một cửa hàng thanh lịch với màu trắng tinh khiết, Sadaharu Aoki hơi nhỏ và chỉ có 10 bộ bàn ghế.
Được đào tạo về nghệ thuật làm bánh ngọt ở cả Nhật Bản và Pháp, Sadaharu Aoki được truyền cảm hứng để sáng tạo ra những chiếc bánh vừa ngon vừa mang tính nghệ thuật cao. Nhà sản xuất bánh ngọt nổi tiếng của Nhật Bản đã tạo nên tên tuổi của mình bằng cách sử dụng một cách làm bánh khác thường: bằng cách truyền hương vị Nhật Bản vào các loại bánh truyền thống nổi tiếng của Pháp như Millefeuille, Eclairs và Macarons. Bánh ở đây là sự kết hợp giữa hương vị độc đáo của ẩm thực Nhật Bản với nghệ thuật làm bánh ngọt của Pháp. Sadaharu Aoki luôn biết cách để tạo ra một “Thế giới bánh” đầy sáng tạo, tựa như những chiếc sừng bò trà xanh hoặc bánh Eclair mè đen mà du khách không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào. Những chiếc bánh được làm rất hoàn mỹ, và cực kỳ chính xác. Bánh được trang trí nhiều lớp phức tạp với các thành phần khác nhau, một số mảnh đi kèm với việc bổ sung feuilletine cho thêm kết cấu tinh tế, nhưng các lớp bọt biển có thể ẩm hơn.
5. Le Pain Quotidien
Địa chỉ: 20, 3-chome, Nishishinjuku Shinjuku-ku, Tokyo, Nhật Bản.
Trên tầng đầu tiên của Nhà hát thành phố Tokyo là một quán cafe bánh ngọt sang trọng thú vị hoàn hảo cho những người muốn ăn một cái gì đó nhẹ trước hoặc sau buổi hòa nhạc hoặc buổi biểu diễn nhà hát. Với hơn 80 chi nhánh trên toàn thế giới từ London đến Úc, Le Pain Quotidien là một chuỗi quán cafe có trụ sở tại Bỉ phục vụ các món ăn hữu cơ và tươi với các nguyên liệu chất lượng, được các đầu bếp, thợ làm bánh và nhà sản xuất bánh ngọt đối xử rất tôn trọng. Rất chú ý đến chi tiết, trình bày tuyệt vời với đội ngũ nhân viên thân thiện ấm áp luôn nắm bắt phong cách hiện đại quán cafe này.
Bước vào Le Pain Quotidien có cảm giác như bước một quán cafe theo phong cách rất Châu Âu. Nó có một cảm giác ấm cúng, với những chiếc bàn gỗ nhỏ và một cái bàn lớn, cũng như mùi của những món nướng tỏa khắp phòng. Mọi nhóm tuổi cũng được đại diện ở đây, bao gồm cả những người cao tuổi thưởng thức những món chính, những khách hàng đơn độc mải mê với một cuốn sách và hay những sinh viên đang làm bài hoặc làm việc. Le Pain Quotidien có nghĩa đen là bánh mì hàng ngày, và các ổ bánh mì và bánh mì (với lớp vỏ giòn và bên trong mềm và ấm) chỉ là món khai vị của một loạt các món ăn thú vị được cung cấp tại đây.
6. Pompadour
Địa chỉ: 352, 6-chōme, Roppongi Minato-ku, Tokyo, Nhật Bản.
Quay trở lại vào cuối những năm 1800, Yokohama được biết đến là trung tâm thương mại nước ngoài nhờ việc khai trương Cảng Yokohama. Trên thực tế, nhiều người phương Tây đã chuyển đến khu vực này và các cửa hàng phát triển mạnh ở Motomachi St., nơi nổi tiếng về mua sắm, quán cafe, cửa hàng và tiệm bánh. Và bởi vì những cửa hàng này được tạo ra bởi người phương Tây, nó sẽ là công cụ giới thiệu thế giới với văn hóa phương Tây. Một trong những tiệm bánh được thành lập ở khu vực vào cuối thập niên 60 là Tiệm bánh Pompadour, và tiếp tục từ nguồn gốc ở Motomachi đến nay đã mở rộng cơ sở trên khắp Nhật Bản.
Tiệm bánh Pompadour tự hào trong việc sử dụng các công thức nấu ăn và lựa chọn bột mì một cách cẩn thận từ các kỹ thuật sử dụng bột mì của bánh mì Pháp và Đan Mạch từ các thợ thủ công Châu Âu và thực hiện một cam kết về chất lượng. Với công thức này, tiệm bánh Pompadour đã cho “ra đời” nhiều loại bánh hấp dẫn như: bánh mì Đức, bánh mì phô mai Onion, bánh phô mai Pan, bánh Sandwich, bánh Baguette Pháp, bánh mì Cheese Butter, bánh mì bơ Pháp, sữa bò Pháp và nhiều hơn nữa, chúng đều bán rất chạy. Nhưng nhìn chung, nếu du kháchlà một người hâm mộ bánh mì và muốn thử sự sáng tạo của Pompadour, hãy chắc chắn rằng đừng quên ghé thăm một tiệm bánh ở Pompadour tại Nhật Bản!
7. Brasserie Viron
Địa chỉ: 833, Udagawachō, Shibuya-ku, Tokyo, Nhật Bản.
Chỉ sử dụng loại bột tốt nhất có nguồn gốc từ nhà sản xuất bột Pháp Minorities Viron, tiệm bánh Brasserie Viron nổi tiếng cung cấp bánh mì và bánh ngọt chất lượng nhất Tokyo. Với tất cả mọi thứ, từ bánh mì Baguette đơn giản đến những chiếc bánh và bánh ngọt lạ mắt cũng như bánh Sandwich, du khách sẽ cảm thấy ở đây như một “thiên đường” bánh ngọt.
8. Le Pain de Joël Robuchon
Địa chỉ: 121, 2-chōme, Shibuya Shibuya-ku, Tokyo, Nhật Bản.
Tiệm bánh Le Pain de Joel Robuchon nằm trên tầng B2F của Trung tâm Thương mại Hikarie ShinQ gần ga Shibuya nổi tiếng với những chiếc bánh Sandwich được làm thủ công. Bánh mì Baguette và bánh mì bột chua Pháp của họ được làm với các thành phần chất lượng cao. Tiệm bánh này thậm chí còn cung cấp bánh mì được phục vụ tại các Nhà hàng Joel Robuchon trực thuộc.
Tại tiệm bánh này, bánh mì không chỉ là một sản phẩm bình thường. Bánh mì ở đây có nghĩa là bí quyết, sự khéo léo, truyền thống. Những người thợ làm bánh Masahiro, Takuma và Louis đứng trước lò nướng lúc 4 giờ sáng, làm mọi thứ từ bánh mì cổ điển đến các loại bánh đặc sản như: Gorgonzola, bánh ngọt Viennoiserie và đồ ăn nhẹ Nhật Bản.
9. Pâtisserie La Rose des Japonais
Địa chỉ: 2442, 3-chōme, Kameari Katsushika-ku, Tokyo, Nhật Bản.
Đầu bếp bánh ngọt từng đoạt giải thưởng đã mở tiệm bánh này, Hiroshi Igarashi, tạo ra những chiếc bánh đẹp và sáng tạo, pha trộn hương vị phương Tây và phương Đông và cùng thiết kế cửa hàng đẹp mắt. Tiệm bánh nằm trong khuôn viên của đền Kameari Katori, cách ga Kameari 5 phút đi bộ.
Có rất nhiều loại bánh ngọt ngon trong các tủ trưng bày trong cửa hàng, vì vậy du khách có thể thử rất nhiều các loại bánh như: bánh Pixie, Montblanc,… Ngoài ra, còn có một khu vực quán cafe, nhưng nó không quá lớn. Bánh ngọt đến nỗi kem tan chảy trong miệng rất tuyệt vời cùng thiết kế đẹp đến mức làm du khách muốn kiềm chế vì sợ làm hỏng nét đẹp đồ ăn.
Trên những con phố hiện đại cùng sự nhộn nhịp, xô bồ của Tokyo, bên cạnh những trung tâm thương mại hay nhà hàng, cũng xuất hiện rất nhiều các cửa hàng bán bánh mì và bánh ngọt rất ngon. Nếu có dịp dừng chân tại Tokyo trong hành trình du lịch Nhật Bản, du khách hãy ghé qua những cửa hàng này và tìm cho mình món tráng miệng yêu thích nhé!