Nhật Bản với sự đa dạng của cảnh sắc, văn hóa và ẩm thực, cùng vô vàn những yếu tố thu hút lữ khách. Trong đó phải kể đến một địa điểm nằm ngoài khơi Nagasaki, nơi từng được sử dụng làm bối cảnh cho một bộ phim của chàng “Điệp viên 007” James Bond, đó là Đảo Hashima được UNESCO công nhận là di sản thế giới với danh hiệu “di sản công nghiệp thời kỳ Meiji của Nhật Bản”.
Hashima là một hòn đảo nhỏ nằm cách Cảng Nagasaki khoảng 20km. Đảo Hashima còn được biết dưới cái tên “Gunkanjima”, hay “Đảo Chiến hạm”, vì hình dáng tương tự như một tàu chiến khi nhìn từ xa. Hòn đảo được bao quanh bởi một bức tường chắn sóng, lấp đầy bởi các tòa nhà đổ nát, bỏ hoang – một thành phố hoàn toàn không có người ở trong hơn 40 năm.
Hòn đảo dài 480m, rộng 150m này từng là một cộng đồng thịnh vượng, đông đúc. Đặc biệt chính là khu tổ hợp Block 65 với những dãy nhà kiên cố, 317 căn hộ cùng sân chơi nhỏ trên mái nhà. Được biết, vào cuối thế kỷ thứ XIX, Hashima là nơi sinh sống của hàng ngàn phụ nữ, đàn ông và trẻ em. Dân số của Đảo Hashima đạt đỉnh vào khoảng năm 1960, khi có gần 5.300 người. Đây cũng là địa điểm có mật độ dân số cao nhất trong lịch sử được ghi nhận trên toàn thế giới. Để có thể chứa được nhiều người trong một khu vực nhỏ như vậy, mọi mảnh đất đều được bồi đắp lên, dần dần hình dạng của hòn đảo trông giống như một chiến hạm khổng lồ.
Vào đầu những năm 1900, Đảo Hashima được phát triển bởi Tập đoàn Mitsubishi để khai thác than, từ đó cũng tập trung nhiều người ở hơn nữa. Các mỏ ở đây mở cửa 24 giờ trong ngày và xoay vòng với 3 ca 8 tiếng. Làm việc ở nơi dưới mực nước biển 1.000m, những người đàn ông phải làm việc vất vả trong không gian chật chội và ngột ngạt, họ phải đi vệ sinh vào các hố nhỏ mà họ tự đào.
Để phục vụ những người thợ mỏ, các chung cư cao tầng được xây dựng lên, liên kết với nhau bằng sân, hành lang và cầu thang. Ngoài ra, nơi này còn có trường học, khu trò chơi, phòng gym, rạp chiếu phim, quán bar, nhà hàng… thậm chí có cả những ngôi chùa, đền thờ thần linh. Tất cả đều được bao bọc bởi bức tường chắn sóng bảo vệ.
Theo thời gian, Đảo Hashima ngày càng có ít ý nghĩa về kinh tế hơn. Vào cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX, nền kinh tế Nhật Bản bỗng nhảy vọt với sự xâm chiếm của dầu mỏ. Trữ lượng than bắt đầu cạn kiệt và dầu mỏ bắt đầu thay thế than, các mỏ than dần đi vào quên lãng, hòn đảo này đã buộc phải đóng cửa và những người sinh sống tại đây cũng rời đi. Và vào một ngày giữa tháng 4/1974, khi cư dân đảo cuối cùng lên thuyền trở về Nagasaki, Tập đoàn Mitsubishi tuyên bố đóng cửa hòn đảo Hashima, hòn đảo này chính thức bị bỏ hoang.
Trong 3 thập kỷ bị hoang, các cơn bão kéo qua đã khiến các khu dân cư và cơ sở hạ tầng xuống cấp, tạo cho hòn đảo một bầu không khí kỳ lạ. Các căn hộ bắt đầu đổ nát, trong khoảng sân trống trải, cây cối, cỏ dại bắt đầu mọc lên. Những ô cửa kính vỡ toang, những tờ báo cũ mặc sức theo gió biển thổi bay khắp đường phố. Mọi thứ không hề bị xáo trộn gì kể từ khi cư dân rời bỏ nhà cửa, để lại từ giày dép, đồ điện tử cho đến bảng đen đầy bài giảng. Đảo Hashima hệt như một “thị trấn ma” giữa biển.
Do nguy cơ sụp đổ của các tòa kiến trúc, việc tiếp cận với Đảo Hashima từng là việc bị nghiêm cấm. Trong nhiều năm, khách du lịch tò mò chỉ có thể khám phá, nhìn ngắm hòn đảo từ các chuyến du thuyền tham quan quanh đảo. Nhưng kể từ năm 2009, các công ty du lịch đã được phép mở hoạt động đến hòn đảo này. Đặt chân lên đảo, du khách sẽ được tham quan những cầu thang hình chữ X độc đáo, nhà cửa, các máy móc làm việc… mang tính biểu tượng đặc trưng. Tuy nhiên, một số thứ như lối vào hầm mỏ, các tòa nhà chung cư đổ nát sẽ không được phép vào để đảm bảo an toàn cho khách.
Có thể thấy, Đảo Hashima không có quá nhiều hoạt động giải trí, thế nhưng nơi đây lại sở hữu khung cảnh thanh bình, vắng vẻ sẽ mang lại cho du khách những trải nghiệm khám phá độc đáo. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách đừng quên dừng chân khám phá Đảo Hashima nhé! Chúc du khách có một hành trình đầy thú vị!