Từ lâu, Nhật Bản vốn nổi tiếng với những cảnh quan thiên nhiên làm say đắm lòng người và cả nền văn hóa đặc sắc. Không những thế, Nhật Bản còn là cái nôi của hàng chục nghề thủ công truyền thống có lịch sử hàng trăm, hàng ngàn năm.
Một đất nước với phần lớn lịch sử trong sự cô lập, Nhật Bản đã khẳng định truyền thống nghệ thuật và những ngành nghề thủ công độc đáo được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mà không bị biến đổi bởi bất kỳ tác động nào từ thế giới bên ngoài. Dù là bất kể nghề thủ công truyền thống Nhật Bản nào đi nữa thì nó cũng luôn chứa đựng bên trong những câu chuyện về lịch sử, về cái đẹp vô giá, về những giá trị tinh thần không thể nào có được lần hai.
Dao rèn Sakai
Không chỉ được biết đến với cụm lăng mộ Mozu-Furuichi Kofun, một trong 3 lăng mộ lớn nhất thế giới, thành phố Sakai của tỉnh Osaka còn sở hữu nghề rèn dao truyền thống nức tiếng. Đây cũng là một trong những vùng sản xuất dao, kéo chất lượng cao, chiếm đến 98% thị phần dao nhà bếp chuyên nghiệp ở Nhật Bản.
Nghề rèn dao ở Sakai đã có lịch sử hơn 600 năm. Dao nhà bếp Sakai đặc trưng bởi việc kết hợp hai loại vật liệu: thép cứng và sắt mềm khiến dao vừa có độ sắc bén lại vừa dẻo dai. Có 3 công đoạn chính là rèn dao, mài dao và gắn chuôi, mỗi công đoạn sẽ do một nghệ nhân chuyên về lĩnh vực đó đảm nhiệm. Đặc biệt, giống như kiếm Nhật, những chiếc dao Sakai chỉ được mài sắc một mặt và mặt còn lại phẳng, giúp tạo nên những vết cắt đẹp, mịn, bảo đảm giữ nguyên vị ngon umami của nguyên liệu. Do vậy, không chỉ trở thành báu vật của các đầu bếp người Nhật, dao rèn Sakai còn được giới đầu bếp khắp nơi trên thế giới mong muốn sở hữu.
Sản xuất rượu thủ công
Được thành lập hơn 300 năm về trước, Naniwa Shuzo là xưởng rượu có lịch sử lâu đời nhất tại thành phố Hannan thuộc tỉnh Osaka. Khác với các xưởng rượu sử dụng công nghệ hiện đại, nơi đây vẫn trung thành với phương pháp ủ rượu thủ công cổ xưa. Nguồn nước suối tinh khiết chảy từ núi Izumi hòa quyện với hạt gạo thơm ngon được trồng tại vùng Hannan, qua tay nghề thuần thục của các nghệ nhân sẽ tạo ra mẻ rượu tuyệt hảo, là sự pha trộn độc đáo của vị ngọt, chua, đắng và chát làm mê hoặc lòng người.
Nhờ vào bí quyết sản xuất rượu thủ công được lưu truyền qua các thế hệ, Naniwa Shuzo đã nhận vô số giải thưởng danh giá trong lĩnh vực sản xuất rượu Sake. Gần đây nhất, vào tháng 3/2021, dòng rượu nổi tiếng ở Hannan được làm từ những hạt gạo với độ mài đạt tới 40% đã xuất sắc nhận được giải thưởng của Thống đốc Osaka cho loại rượu ngon nhất.
Mặc dù rượu thủ công được ủ từ tháng 11 đến đầu tháng 3, du khách vẫn có thể đến tham quan xưởng Naniwa Shuzo vào bất kỳ thời điểm nào trong năm để vừa tận mắt khám phá quy trình nấu rượu lâu đời, vừa được nếm thử nhiều loại rượu khác nhau.
Nghề làm giấy Washi
Quận Fukui ở miền Trung Nhật Bản nổi tiếng với Washi, một loại giấy được làm từ sợi của cây gampi, cây bụi mitsumata và bụi dâu. Vùng Goka, bao gồm 5 ngôi làng được gọi chung là “Echizen Washi no Sato”, đã làm giấy Washi từ thế kỷ VI; ngày nay có 67 nhà máy giấy ở đây, sử dụng cả phương pháp chế biến thủ công và công nghiệp. Mỗi xưởng đều có nét riêng của mình: Ichibei Iwano, một nhà sản xuất giấy thế hệ thứ 9, vẫn làm mọi thứ thủ công bằng tay và chuyên về Hosho, hoặc giấy được sử dụng để in mộc bản cho nghệ thuật Ukiyo-e của Nhật Bản; còn Jiyomon Paper Studio thì sản xuất nhãn giấy cho những chai rượu Sake. Nghề làm giấy thủ công truyền thống độc đáo này của Nhật Bản sẽ luôn được bảo tồn và phát triển qua các thế hệ.
Để có kiến thức cơ bản về nghề thủ công này, du khách hãy ghé thăm Bảo tàng Văn hóa & Giấy ở thành phố Echizen, sau đó tiếp tục tham quan Bảo tàng Thủ công & Giấy Udatsu gần đó, nơi du khách có thể quan sát các màn trình diễn làm giấy thực tế bằng các công cụ cổ điển vô cùng sống động. Tại Paccorus House, du khách thậm chí có thể tự mình làm giấy bằng cách sử dụng hoa ép theo mùa, quá trình này mất khoảng 20 phút. Umeda Shop trên Washi Street sẽ là một điểm dừng đáng giá khác, du khách sẽ có những lựa chọn tuyệt vời với các mặt hàng giấy được làm thủ công hoặc sản xuất bằng máy và việc bạn cần làm chỉ là điền vào đơn đặt hàng tùy chỉnh theo yêu cầu.
Quạt gấp truyền thống Miyawaki Baisenan
Được thành lập vào năm 1823 tại quận Nakagyo thuộc thành phố Kyoto, cửa hàng quạt gấp truyền thống Miyawaki Baisenan vẫn giữ nguyên kiến trúc nhà gỗ truyền thống vốn phổ biến ở các con phố cổ Nhật Bản. Đây là nơi lưu giữ lịch sử và các đặc trưng của quạt gấp Kyoto, loại quạt không chỉ dùng làm mát mà còn được sử dụng để làm đạo cụ biểu diễn trong nghệ thuật kịch Noh hay hài kịch Kyogen.
Người ta thường nói, một chiếc quạt gấp Kyoto làm ra phải trải qua bàn tay của nghệ nhân 87 lần, từ đó thấy được sự tỉ mỉ và công phu đặt vào từng sản phẩm. Quy trình tạo ra một chiếc quạt bao gồm hơn 20 công đoạn, từ làm khung và mặt giấy, trang trí, mài nhẵn…, mỗi công đoạn lại được đảm nhiệm bởi một nghệ nhân chuyên biệt.
Khi ghé thăm Miyawaki Baisenan, du khách sẽ được khám phá “mê cung” của những chiếc quạt gấp ở tầng 1 của cửa hàng. Đặc biệt, tại trần nhà ở tầng 2 là kiệt tác tranh tường vẽ những chiếc quạt giấy, một tác phẩm tâm huyết do 48 bậc thầy hội họa Kyoto thời bấy giờ như Tomioka Tessai, Takeuchi Seiho hoàn thành vào năm 1902. Trải qua gần 200 năm, Miyawaki Baisenan vẫn luôn là một tượng đài đối với những người trót “phải lòng” chiếc quạt gấp truyền thống của Nhật Bản.
Nghề làm sứ
Arita nằm ở quận Saga là một trong những làng nghề nổi tiếng nhất ở Nhật Bản, đã sản xuất đồ sứ đặc trưng của mình từ thế kỷ XVII. Chỉ có một vài xưởng còn hoạt động cho tới tận ngày hôm nay, nhưng đặc biệt, ở đây có một quần thể gốm sứ 22 cửa hàng (Arita Será), cộng với các phòng trưng bày đồ sứ cao cấp (Arita Sứ Lab, Koransha) và một lễ hội và chợ sứ hàng năm (Arita Toukiichi) được tổ chức vào tháng Tư hàng năm.
Tuy nhiên, điểm dừng chân đầu tiên cho du khách tìm hiểu về đồ sứ là Bảo tàng gốm Kyushu. Triển lãm trưng bày cả đồ gốm truyền thống và đương đại được sản xuất tại khu vực Hizen, bao gồm các đồ gốm Karatsu, Nabeshima và Arita. Trong khi đó tại Bảo tàng Kakiemon, “số 0” trong các bình và lọ được sản xuất theo phong cách Kakiemon, một loại sứ tráng men phổ biến được sản xuất ở Arita cho đến cuối thế kỷ XVII, nó có các thiết kế hoa đầy màu sắc được bố trí trên một thân gốm màu trắng sữa. Bảo tàng này trưng bày các tác phẩm của các bậc thầy thế hệ 12, 13, và 14, cũng như các tác phẩm của học viên hiện thời của Sakaida Kakiemon XV.
Để có trải nghiệm thực tế hơn, du khách hãy đến xưởng gốm Rokuro-za. Sau một bản demo ngắn với các hướng dẫn viên địa phương, “những lính mới” có thể leo lên phía sau bánh xe của thợ gốm chuyên nghiệp và thử nghiệm các kỹ năng của chính họ (và các tác phẩm cuối cùng của họ sẽ được gửi lại sau khi sản phẩm bằng gốm đó đã được nung).
Nghề làm vật dụng bằng kim loại Owari Shippo
Khác với các sản phẩm gốm sứ thông thường được sản xuất từ đất sét, nguyên liệu chính của Owari Shippo là kim loại. Tương tự như cách nung chảy gốm trong lò nung, những tấm kim loại bằng bạc hoặc đồng được dùng để tạo khung cho sản phẩm Owari Shippo, với men thuỷ tinh được tráng trên bề mặt.
Thành phẩm Owari Shippo thường rất tinh xảo với bề mặt được trang trí bằng các loại hoa văn phong phú. Cảnh vật thường được thể hiện nhất trên bề mặt Owari Shippo là phong cảnh hữu tình, hoa cỏ, chim, bướm, gió, mặt trăng.
Owari Shippo bắt nguồn từ những năm cuối thời Edo, khi những món mỹ nghệ như cốc uống rượu Sake bắt đầu được sản xuất ở vùng đất do gia tộc Owari cai quản. Một người hầu cận của nhà Owari tên Tsunekichi Kaji đã thành công học tập và cải tiến kỹ thuật làm đồ thủ công bằng kim loại của Hà Lan để tạo ra những sản phẩm chất lượng. Kỹ thuật này nhanh chóng phổ biến nhiều nơi và giúp định danh Owari Shippo trong giới thủ công mỹ nghệ.
Quá trình sản xuất Owari Shippo đòi hỏi những nghệ nhân chuyên nghiệp và tỉ mẩn. Các công đoạn cơ bản sẽ bao gồm làm khung, vẽ trang trí, gắn dây bạc bằng một loại keo đặc biệt, tráng men thuỷ tinh, nung và đánh bóng. Quá trình nung được lặp đi lặp lại khoảng 4-8 lần, sau đó bề mặt mới được đánh bóng và trang trí, tạo nên những sản phẩm toát lên vẻ đẹp sang trọng và cổ điển phương Đông.
Nghề dệt thủ công Bashō-fu
Bashō-fu, một loại vải dệt thủ công truyền thống từng được hoàng gia Ryukyu mặc, được sản xuất độc quyền tại Kijōka, một ngôi làng nhỏ ở quận Ōgimi ở phía Bắc Okinawa. Các sợi vải tinh tế đến từ lá của Itobasho, một loại chuối hoang dã; việc thu hoạch, kéo sợi, nhuộm tự nhiên và dệt vải đều được thực hiện tại địa phương. Sản xuất đã giảm trong những năm gần đây do sự thiếu của Itobasho và sự mai một trong số lượng của những người thợ thủ công Bashō-fu lành nghề. Phải mất tới 3 tháng và phải kéo sợ tới 200 cây để dệt một bộ Kimono Bashō-fu; vì vậy, đây được coi như là một sản phẩm đắt giá đích thực, có thể lấy tới vài triệu Yên, hoặc hàng chục ngàn USD.
Taira Toshiko, chủ tịch 98 tuổi của Hiệp hội bảo tồn Kijoka Bashō-fu và là một trong những nghệ nhân dân gian cùng một số ít những học viên còn lại đang ngày ngày làm việc chăm chỉ để bảo tồn và hồi sinh nghề thủ công này; Mieko Taira, con dâu của bà, là người kế vị được chỉ định của bà. Khách du lịch đến Okinawa có thể học di sản nghề thủ công Bashō-fu tại Ōgimi Village Bashō-fu Kaikan, một không gian được xây dựng với mục đích để dạy cho những người học về nghệ thuật Bashō-fu. Du khách được chào đón để quan sát quá trình sản xuất và có thể mua những món quà Bashō-fu nhỏ tại đây.
Nghề làm vải Denim
Hãy hỏi bất kỳ người sùng bái Denim nào và họ sẽ nói với du khách rằng nơi tốt nhất thế giới có nguồn vải Denim là Nhật Bản. 5 công ty trong hoặc gần thành phố Osaka được ghi nhận với sự hồi sinh của nghề làm vải Denim Nhật Bản, bắt đầu với việc nhà thiết kế thời trang Shigeharu Tagaki thành lập Studio D’Artisan vào năm 1979. Với sự ra mắt này, Tagaki nhằm mục đích tái tạo Denim Mỹ những năm 1960 danh tiếng, tuy chất lượng của loại vải này đã xuống dốc không phanh kể từ khi chúng được sản xuất theo dây chuyền hàng loạt. Tagaki rời công ty vào giữa những năm 1990, nhưng ông vẫn được ghi nhận bởi sự thiết lập những tiêu chuẩn vàng cho Denim thô Nhật Bản.
Những người săn lùng vải Denim luôn sẵn sàng lên kế hoạch cho một chuyến đi đến Nhật Bản sẽ tìm thấy không thiếu các cửa hàng Denim cho họ “giải phóng” hầu bao của mình. Tại Osaka, du khách sẽ tìm thấy những lá cờ đầu là Warehouse và Studio D’Artisan, cùng với Samurai Jeans, đây chính là điểm dừng chân đầu tiên cho những người muốn mua dòng Jeans cổ điển 15 oz. lấy cảm hứng từ Levi’s 501s. Village Authentic Clothing Arc là một sự lựa chọn khác, cửa hàng này cung cấp Denim đến từ Fullcount, Pherrow, và Mister Freedom x Sugar Cane.
Để đến gần hơn với nguồn chính, hãy đi 2 giờ về phía Tây đến Kurashiki ở quận Okayama, nơi hàng chục nhà máy nhuộm chàm do gia đình điều hành vẫn đang hoạt động. Tại đây, du khách có thể lướt qua Bảo tàng Jeans Betty Smith; tham quan nhà máy dệt nhuộm chàm Takashiro Senkou 80 tuổi (ở đó, nếu du khách đặt chỗ trước, du khách có thể tự tay nhuộm thử); hoặc đi dạo xuống Kojima Jeans của Kurashiki – một dãy phố mua sắm với các nhà thương hiệu Denim cao cấp (Jeanzoo, Momotaro Jeans, Japan Blue)!
Nghề nhuộm Arimatsu Narumi Shibori
Shibori là một kỹ thuật nhuộm buộc vải tinh vi được lưu truyền từ những người xây Lâu đài Nagoya ở thành phố Nagoya, Aichi. Trong thời kỳ Keicho (1596-1615), Takeda Shokuro đã học hỏi kỹ thuật này và quảng bá nó với tên gọi “Kukuri-shibori”. Phương pháp này dựa trên ý tưởng cốt lõi là sau khi in hoa văn lên mảnh vải thì vải được cột bằng chỉ bông trước khi nhuộm. Vì thế khi nhuộm, chỗ cột sẽ không được nhuộm và tạo thành các hoa văn khác nhau khi gỡ chỉ ra. Chính vì vậy, công đoạn buộc vải là đặc biệt quan trọng để quyết định chất lượng sản phẩm.
Kỹ thuật buộc vải có đến hơn một trăm biến thể, đơn cử như Kumo-shibori (kiểu mây), Arashi-shibori (kiểu bão), Yuki-shibori (kiểu tuyết), và chỉ có thể thực hiện thủ công nếu muốn tạo ra bố cục như ý. Quá trình nhuộm buộc này kéo dài trung bình 50-60 ngày, với nhiều thợ thủ công chuyên trách các công đoạn khác nhau.
Với vẻ đẹp truyền thống, hiện nay, nghề nhuộm này chủ yếu phục vụ việc sản xuất Furisode (Kimono dài tay), Houmongi (Kimono thường dùng trong đám tiệc), vải lụa, Yukata, lẫn các sản phẩm trang trí nội thất khác.
Nghề làm bút vẽ truyền thống Fude-shi
Trong gần 2 thế kỷ, thị trấn miền núi Kumano thuộc tỉnh Hiroshima là nơi sản xuất hàng đầu các loại bút vẽ thủ công chất lượng cao. Được biết, 80 công ty gia đình ở Kumano thống trị 80% sản lượng bút vẽ nội địa của Nhật Bản, với tổng số lên đến 15.000.000 bút vẽ mỗi năm. Trong số 27.000 cư dân của thị trấn, người ta ước tính rằng có tới 1.500 người làm bút vẽ truyền thống tại đây. Trên thực tế, thị trấn rất tôn sùng những cây cọ vẽ, có một nghi lễ đặc biệt ở Đền Sakakiyama vào thế kỷ thứ 10, nơi những chiếc bút vẽ được hỏa táng trong Lễ hội Fude no Matsuri và Lễ hội Mùa Thu Kumano.
Đối với những vị khách du lịch mong muốn tìm hiểu kiến thức về loại bút lông đặc biệt này, có Fudenosato Kobo, một bảo tàng và xưởng thiết kế chuyên tổ chức và thiết kế các bản demo và xưởng thực hành. Bảo tàng là nơi trưng bày của một cọ vẽ thư pháp dài 12 feet, nặng 882 pound, và cửa hàng quà tặng ở đây bán 1.500 kiểu cọ, bao gồm cọ vẽ và cọ trang điểm được sản xuất bởi 32 công ty có trụ sở tại Kumano. Giá chỉ trong khoảng vài USD, vì vậy, không có lý do gì để không mang về nhà một vài món quà lưu niệm thủ công ấn tượng và đặc biệt.
Nghề làm bàn thờ Phật giáo Nagoya Butsudan và Mikawa Butsudan
Ngoài đồ thủ công mỹ nghệ có kích thước nhỏ và vừa, tỉnh Aichi cũng nổi tiếng có nghề làm bàn thờ Phật giáo chất lượng cao, nổi bật là Nagoya Butsudan và Mikawa Butsudan. Cả Nagoya và Mikawa đều có nhiều thợ thủ công tay nghề cao, sử dụng các loại gỗ quý như thông, tuyết tùng và cây bách để sản xuất bàn thờ.
Nagoya Butsudan có mặt bàn thờ cao ráo và ba cửa phía trước có thể kéo lên để mở ra. Kiểu bàn thờ này giúp hạn chế hư hại do lũ lụt. Trong khi đó, do vùng Mikawa có tập quán bày bàn thờ Phật trong tủ nên Mikawa Butsudan làm bàn thờ kích thước vừa vặn với bệ thấp và đặc trưng bởi kiểu trang trí lượn sóng.
Nagoya Butsudan bắt nguồn từ năm 1695, khi các thợ thủ công từng tham gia xây dựng Chùa Higashi Honganji sử dụng gỗ bách để làm bàn thờ Phật giáo và chạm trổ những chi tiết nghệ thuật chất lượng, đặt nền tảng cho làng nghề hiện nay. Còn Mikawa Butsudan ra đời muộn hơn một chút, vào khoảng năm 1704. Lúc này, nghệ nhân của gia tộc Shohachi bắt đầu dùng gỗ quý để sản xuất bàn thờ Phật giáo. Nhờ tuyến đường vận chuyển dọc sông Yahagi và sơn mài sẵn có ở khu vực Bắc Mikawa, Mikawa Butsudan nhanh chóng phát triển.
Cả Nagoya và Mikawa Butsudan đều cho thấy đỉnh cao của nghệ thuật với thành phẩm là sự kết hợp của chuyên gia đến từ 8 lĩnh vực gồm nghề mộc, nội thất đền chùa, điêu khắc, trang trí, sơn mài, sơn mài bằng vàng, mạ vàng và lắp ráp.
11 nghề thủ công truyền thống trên đây đã góp phần tạo nên những sự khác biệt đến bất ngờ cho văn hóa Nhật Bản. Khi có dịp du lịch Nhật Bản, du khách hãy tự mình khám phá thêm nhé! Cũng đừng quên mua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ về làm kỷ niệm. Đó cũng là một cách để du khách hiểu biết thêm về nền văn hóa của đất nước này.