Bùa hộ mệnh Omamori mang lại sự may mắn cho người Nhật

Nhắc đến các vật mang lại may mắn ở Nhật Bản, ngoài mèo may mắn, cỏ 4 lá hay búp bê Daruma thì còn có bùa Omamori. Loại bùa này được người Nhật tin rằng nó tượng trưng cho thần Shinto và giúp người đeo nó được các vị thần phù hộ. Khi mong muốn điều gì đó, người ta thường mang bùa may mắn Omamori bên người.

Khi nhắc đến bùa chú, nhiều người sẽ thấy ác cảm vì trước kia, bùa thường được sử dụng với mục đích xấu khi ai đó có ý định hãm hại người khác. Tuy nhiên, bùa Omamori thì hoàn toàn trái ngược, đó chính là chiếc bùa may mắn mang lại những điều tốt lành cho người sử dụng chúng. Loại bùa này được bán nhiều tại các đền thờ Shinto cũng như các ngôi chùa Phật giáo trên khắp đất nước Nhật Bản.

Từ “Omamori” trong tiếng Nhật có nghĩa là bảo vệ. Những chiếc bùa Omamori hiện nay được làm nhỏ bằng lòng bàn tay, bên trong có chứa gỗ hoặc giấy được cho là đã yểm linh khí của các vị thần.

Có rất ít tài liệu đề cập đến sự nguồn gốc của bùa Omamori. Một trong số ít cho rằng: bùa Omamori có xuất phát từ tín ngưỡng Thần đạo. Đây là một tín ngưỡng bản địa được hình thành từ thuở hồng hoang của Nhật Bản. Còn theo học giả Yanagita Kunio (1969), ông cho rằng: “Người Nhật luôn tin vào các loại bùa. Việc bùa được bán rộng rãi ở chùa và các đền thờ có thể xuất phát từ thời Tokugawa hoặc là sau đó”.

Bùa hộ mệnh Omamori trước kia thường được làm bằng tấm lụa hoặc mảnh gỗ có khắc những điều ước mong muốn của người đeo lên đó. Ngày nay, loại bùa này được phổ biến và làm từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau như decal, thẻ tín dụng, gương phản chiếu của xe đạp,… Mỗi tấm bùa sẽ được thiết kế với kiểu dáng nhỏ gọn thích hợp với việc mang theo bên mình.

Về màu sắc, những tấm bùa Omamori trước kia thường được làm từ chất liệu gỗ nên có màu của gỗ. Tuy nhiên, ngày nay, chúng được phổ biến hơn nên được làm bởi nhiều chất liệu và với nhiều màu sắc khác nhau vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa là quà tặng vô cùng thú vị mà khách du lịch dành cho những người thân và bạn bè của mình.

Trong nền văn hóa Nhật Bản, bùa Omamori được xem như một vật tượng trưng có thể mang đến sự may mắn và bình an cho người đeo nó, chúng tượng trưng cho vị thần Shinto nên rất được kính trọng tại đây.

Người dân Nhật thường đến những ngôi chùa, đền để xin những tấm bùa Omamori cầu bình an này cho những người thân của mình. Hiện nay, bùa Omamori được thiết kế một cách đẹp mắt có thể làm móc treo điện thoại, để trong túi xách,… để có thể lúc nào cũng được bên cạnh người cần chúng.

Tại “xứ Phù Tang”, bùa Omamori được chia thành nhiều loại với công dụng khác nhau: Bùa Omamori cầu phúc (Shiawase) với ý nghĩa là giúp bạn có được hạnh phúc trong cuộc sống. Bùa Omamori cầu mong lưu thông an toàn (Kotsu anzen) – đây vốn là bùa hộ thân của tài xế và lẫn phương tiện tham gia giao thông. Bùa Omamori cầu tình duyên (Enmusubi) với 2 loại: loại Enmusubi dành cho những ai đang tìm kiếm tình yêu, thường được bán lẻ từng chiếc một; và loại Enmusubi dành cho người đang yêu và có mong muốn được bên nhau trọn đời, thường được bán theo cặp. Bùa Omamori cầu sinh nở an toàn (Anzan) là loại bùa dùng để cầu cho các bà mẹ đang mang thai, sinh nở an toàn và dễ dàng. Bùa Omamori tránh tà (Yakuyoke) là những loại gần nhất với các Omamori cầu may thông dụng. Chúng giữ tà ma tránh xa. Bùa Omamori cầu may (Kaiun) sẽ đem may mắn tới cho tất cả mọi người. Bùa Omamori cầu học hành (Gakugyo-joju) phổ biến cho học sinh. Chúng vừa mang ý nghĩa cầu chúc học hành tấn tới và thi đậu. Chúng thường được cất trong hộp bút, treo ở cặp sách và được giữ rất cẩn thận trước mỗi kỳ thi. Bùa Omamori cầu sức khỏe (Kenko) được cho là sẽ đưa tới cho mỗi cá nhân sự bảo vệ. Loại bùa này được cho là có tác dụng phòng bệnh và giúp khỏe mạnh. Bùa Omamori cầu tài lộc (Shobai hanjo) giúp cho hoạt động kinh doanh tốt lên. Và còn rất nhiều loại Omamori khác như: cầu an ninh kỹ thuật số, hộ thân trước gấu, cầu an cho thú cưng, đi câu thành công, cầu an toàn máy móc thiết bị nặng, tế vật, biểu diễn nghệ thuật,…

Người Nhật thời xưa và nay sẽ có những cách dùng bùa Omamori khác nhau, tuy nhiên họ vẫn giữ cho mình những nguyên tắc nhất định khi sử dụng bùa để có thể phát huy hết công dụng của lá bùa đến với họ.

Mỗi loại bùa Omamori sẽ có một nơi cất giữ đặc trưng khác nhau điển hình như: Đối với những loại bùa Omamori cầu tình duyên thì người xin bùa phải mang theo chúng bên mình mọi lúc mọi nơi để có thể dễ dàng gặp được đối tượng trăm năm của mình một cách dễ dàng nhất. Đối với bùa Omamori cầu học hành thì khi cần sử dụng bùa hãy cầm bằng cả 2 tay và thả lỏng, họ quan niệm điều này có thể khiến cho họ có thể vận dụng được tối đa lượng kiến thức mà mình học tập vào bài thi của mình hiệu quả. Đối với những loại bùa cầu an toàn thì người dùng thường đặt chúng bên cạnh những phương tiện di chuyển của mình hoặc làm móc treo chìa khóa giúp mang đến sự an toàn cho họ trong quá trình di chuyển. Còn đối với những tấm bùa đặt ở nhà để cầu bình an và may mắn thì người Nhật thường đặt chúng ở những nơi cao và sạch sẽ như bản thờ và lót bên dưới chung một tấm khăn trắng để thể hiện sự kính trọng đối với lá bùa của mình.

Người Nhật cũng có quan niệm rằng những tấm bùa Omamori nếu mở ra thì sẽ không còn linh nữa nên việc mở bùa là điều tuyệt đối không nên làm.

Người Nhật xem lá bùa Omamori là một loại thần linh không giống như hàng hóa nên chúng sẽ không có hạn sử dụng. Họ chỉ đổi lá bùa của mình để xua tan những cái xấu của năm cũ và đón nhận những điều tốt đẹp trong năm mới mà thôi.

Điều cấm kỵ khi sử dụng bùa Omamori là không được vứt chúng vào thùng rác điều này được cho là hành động thể hiện sự bất kính với thần linh. Khi du khách đã có cho mình một tấm bùa mới hãy đem trả tấm bùa cũ vào tại nơi mà du khách đã xin chúng để thể hiện sự tôn trong của mình dành cho các đấng thần linh đã che chở du khách trong suốt thời gian xin bùa.

Nếu du khách có dịp du lịch Nhật Bản xinh đẹp, đừng quên chọn mua những tấm bùa Omamori cho bản thân hoặc làm quà tặng cho người thân bạn bè của mình để cầu chúc sự may mắn và thành công nhé!