Đàn ông Nhật Bản ngại kết hôn

Giới trẻ càng ngày càng không muốn hẹn hò, kết hôn là vấn đề xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là tại các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, câu chuyện khác một chút. Tỷ lệ người trẻ Nhật Bản thuộc cả hai giới chọn cuộc sống độc thân ngày càng tăng cao, nhưng không phải phụ nữ như ở nhiều nơi, mà đàn ông mới là người ngại kết hôn hơn cả.

Viện nghiên cứu an sinh xã hội và dân số quốc gia gần đây đã tuyên bố rằng: 24% đàn ông Nhật Bản chưa kết hôn ở tuổi 50, so với 14% ở phụ nữ. Điều tra mức sinh quốc gia năm 2015 (đối với nam và nữ từ 18 đến 34 tuổi chưa kết hôn) cho thấy 60% nam giới và 50% nữ giới cho biết họ “chưa muốn kết hôn”. 48% nam giới trả lời khảo sát cho biết: “Tôi không nghĩ mình sẽ cô đơn ngay cả khi tiếp tục sống một mình” – tăng 10% so với năm 1997.

Kazuhisa Arakawa, tác giả của cuốn Xã hội siêu độc thân: Cú sốc của quốc gia độc thân cho rằng đây mới chỉ là sự khởi đầu. Ông nói: “Người ta ước tính rằng vào năm 2035, cứ 3 người đàn ông thì có một người sẽ không kết hôn cả đời. Tỷ lệ người chưa kết hôn suốt đời (những người vẫn chưa kết hôn ở tuổi 50 được Chính phủ Nhật Bản coi là có 0% cơ hội kết hôn trong tương lai) bắt đầu tăng nhanh vào những năm 1990. Trước đó, từ những năm 1980 trở về trước, hầu hết mọi người ở Nhật Bản đều sẽ kết hôn”.

Sự biến động kinh tế, xã hội góp phần lớn vào thay đổi này. Cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 là thời điểm bong bóng kinh tế Nhật Bản bị vỡ. Trong 30 năm kể từ đó, thu nhập trung bình của người lao động giảm dần đều. Mối bận tâm về tài chính cho tương lai là một trong những lý do khiến nam thanh niên trốn tránh trách nhiệm hôn nhân. Ở Nhật Bản đến nay vẫn có quan niệm phổ biến sau khi kết hôn, nam giới phải là trụ cột kinh tế gia đình, đồng nghĩa với việc họ bị hạn chế quyền tự do sử dụng tiền. Họ sống độc thân vì muốn sử dụng tiền cho bản thân.

Văn hóa vô cùng mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống của người Nhật đã hình thành nên một thế hệ hoàn toàn thoải mái với việc sống một mình. Đơn giản là họ không có thời gian để cảm thấy cô đơn vì làm việc quá nhiều.

Trong khi ngày càng có nhiều phụ nữ đi làm thay vì ở nhà nội trợ như chuẩn mực truyền thống đã lỗi thời, thì sự bình đẳng mới này cũng không giúp được gì cho nam giới. Họ vẫn phải chịu gánh nặng của môi trường làm việc thường xuyên bị áp lực và tăng ca khủng khiếp.

Ông Kazuhisa Arakawa cũng chỉ ra rằng chỉ có 30% đàn ông Nhật Bản chủ động trong chuyện tình cảm. Trong số 42% đàn ông Nhật Bản độc thân trong độ tuổi 18-34, chỉ 30% vẫn còn nung nấu ý định hẹn hò, tìm kiếm đối tác. Cứ 10 người đàn ông Nhật Bản thì có 7 người không hề cố gắng hẹn hò và tất nhiên điều này dẫn đến gặp khó khăn trong việc kết hôn. Tệ hơn nữa, hầu hết phụ nữ cũng thụ động.

Ở một khía cạnh khác, dường như xã hội Nhật Bản dường như đang “tồn tại” nền văn hóa chấp nhận người độc thân. Người Nhật thuộc mọi giới tính đang ngày càng thể hiện sự ưa thích tự do cá nhân hơn các mối quan hệ. Tư tưởng “thích một mình” này của họ không bị phản đối, phán xét và không bị cho là lập dị như tại nhiều quốc gia Châu Á khác, đặc biệt là ở thành phố lớn. Các thành phố của Nhật Bản giúp người ta có một cuộc sống tiện lợi dù độc thân: những quán ăn, quán bar, cửa hàng, khách sạn hay cả quán karaoke phục vụ khách đi một mình có ở khắp mọi nơi.

Và thực tế, người Nhật vẫn thấy ổn khi sống một mình. Tỷ lệ kết hôn giảm không có nghĩa là Nhật Bản sẽ trở thành một xã hội cô đơn, nơi các cá nhân sống mà không có bất kỳ mối quan hệ nào. Không thể nhầm lẫn giữa việc ở một mình và bị cắt đứt khỏi xã hội. Mọi người vẫn kết nối với nhau, chỉ là họ không đặt việc phải tìm kiếm ai đó để ở bên mọi lúc và lâu dài lên làm ưu tiên hàng đầu. Sự độc lập về mặt cảm xúc giúp người Nhật thấy ổn khi ở một mình.

Văn hóa và đời sống của người dân “xứ Phù Tang” nói chung quả thật có rất nhiều điều thú vị. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách hãy dành thời gian khám phá và trải nghiệm nhiều hơn về nền văn hóa đặc sắc này nhé! Chúc du khách du khách có một chuyến đi vui vẻ!