Du khách đã từng nghe qua 26 luật lệ kỳ lạ ở Nhật Bản?

Nhật Bản là một quốc gia tồn tại một số thói quen khá khó hiểu, giả như vừa đi vừa ăn được coi là bất lịch sự, thậm chí mệt mỏi mà “nhỡ” gục đầu vào vai người khác trên tàu điện cũng là một nguyên nhân khiến người khác khó chịu. Song song với những thói quen này, “xứ Phù Tang” cũng có vài luật lệ khá kỳ quặc khiến khách du lịch nước ngoài phải “quay tít thò lò”.

1. Ép ai đó uống rượu là bất hợp pháp

Trong các Nomikai (tiệc nhậu), các sếp và đồng nghiệp thường là những nhân vật chính. Áp lực từ bạn bè, không dám từ chối cấp trên… là những lý do phổ biến khiến người Nhật phải uống bia rượu dù không muốn.

Những điều này có thể được coi là “quấy rối bằng quyền lực”. Vì vậy, để bảo vệ người lao động Nhật Bản, điều luật này đã được thông qua. Cũng chính vậy mà số lượng các buổi nhậu nhẹt tương tự đã giảm đáng kể.

2. Uống rượu trên đường phố là hợp pháp

Không giống như nhiều quốc gia khác đang từ hạn chế đến cấm đoán việc uống rượu bừa bãi ngoài đường phố hoặc nơi công cộng, Nhật Bản cho phép người dân được sử dụng đồ uống có cồn ngay cả khi không phải trong nhà hàng, quán ăn. Bằng chứng là có rất nhiều máy bán hàng tự động có bán bia và rượu Sake đặt ngoài đường, cũng như người Nhật có một lễ hội tên Hanami, ở đó mọi người sẽ tụ tập dưới gốc cây anh đào để ngắm hoa, thưởng rượu.

Tuy nhiên, lạt mềm thì buộc chặt, đã cho uống thoải mái thì phải có trách nhiệm, đừng mượn rượu làm càn, “hóa thú”, phá làng phá xóm là được.

3. Được hút thuốc ở bên trong tất cả quán xá nhưng không được hút thuốc ngoài đường

Nhật Bản có giá bán lẻ thuốc lá vào loại rẻ nhất trên thế giới, vì vậy việc người Nhật phì phèo điếu thuốc trên tay không hiếm gặp. Phần lớn các quán ăn, quầy bar từ nhỏ đến sang trọng đều cho phép khách hàng được hút thuốc trong không gian nhà hàng, và chỉ bên trong mà thôi.

Theo tờ JapanTimes, một số điều luật mới được ban hành ở quốc gia này cấm việc người dân hút thuốc bên ngoài ở các thành phố lớn. Các quán ăn, nhà hàng giờ cũng bắt đầu xây dựng khu vực riêng cho những người hút thuốc và không hút thuốc. Vì thế, du khách đừng nghĩ rằng có thể cầm điếu thuốc lá đi tung tẩy từ trong quán ra ngoài đường, khả năng bị phạt là rất cao đấy.

4. Người chế biến cá nóc cần phải có giấy phép hoặc giấy chứng nhận

Bất kỳ ai cũng cần phải có giấy phép hoặc giấy chứng nhận của cơ quan chức năng trước khi được là người chế biến cá nóc. Chất độc có trong thịt cá nóc khiến Chính phủ Nhật Bản luôn dè chứng với loại thực phẩm “kén” người chế biến này. Cá nóc tuy rất bổ, nhưng không bao giờ được cho vào thực đơn của Nhật hoàng.

5. Không được pha rượu, làm nồng độ cồn nặng hơn khi uống ở nhà

Bạn không được pha rượu, làm nồng độ cồn nặng hơn khi uống ở nhà, dù chỉ là 1%. Nồng độ của rượu, bia đã được Chính phủ và nhà sản xuất quy định nghiêm ngặt.

6. Có thể bị bỏ tù vì bỏ kem vào hộp thư

Bỏ kem vào hộp thư nghe có vẻ như một trò đùa vô hại, nhưng ở Nhật Bản, bạn có thể bị phạt tù tới 5 năm hoặc bị phạt tối đa 500.000 Yên nếu làm như vậy.

Năm 2006, một người đưa thư 42 tuổi đến từ tỉnh Saitama đã bị bắt vì để kem chocolate bên trong hộp thư. Vì vậy, điều 78 của Luật Bưu chính ra đời nhằm bảo vệ tất cả các tài sản bưu chính khỏi những hư hại không đáng có.

7. Một số loại thuốc kê đơn hợp pháp trên thế giới nhưng lại bị coi là bất hợp pháp tại Nhật Bản

Luật pháp Nhật Bản cho phép du khách mang nhiều thuốc theo người, kể cả số lượng có nhiều đến mức đủ dùng trong tận 2 tháng cũng không sao. Tuy nhiên, quốc gia này nghiêm cấm các loại thuốc có thành phần chứa chất kích thích (chất pseudoephedrine), vì vậy các loại thuốc xông xoang, thuốc chống dị ứng và các chất giảm đau sẽ không được phép mang vào Nhật Bản.

Thế nhưng vấn đề là rất khó để biết được loại thuốc nào được mang, loại thuốc nào bị cấm khi phía Nhật Bản vẫn chưa cung cấp rõ ràng bảng phân loại thuốc của họ. Giải pháp cho vấn đề này là, nếu du khách có mang thuốc theo người, hãy nhớ mang kèm tờ kê đơn của bác sĩ giải thích rõ công dụng, mục đích của loại thuốc ấy.

8. Người lái xe sẽ bị phạt nếu té nước mưa vào người đi bộ

Hẳn ai cũng một lần trải qua cảm giác bị những chiếc xe phóng nhanh hắt nước mưa đọng trên đường vào người. Ở “xứ Phù Tang”, việc lái xe bất cẩn như vậy không được chấp nhận và người lái xe có thể bị phạt tới 7.000 Yên.

Luật cũng quy định rằng các phương tiện phải lắp các tấm chắn bùn hoặc chạy chậm hơn khi trời mưa để không bị ảnh hưởng đến sự an toàn của người đi bộ.

9. Bị phạt tiền nếu không không báo cáo một vụ cháy cho cảnh sát

Tại Nhật Bản, bạn hoàn toàn có thể bị phạt số tiền lên tới 10.000 Yên vì việc không báo cáo một vụ cháy cho cảnh sát. Việc truy tội sẽ không áp dụng với tất cả mọi người, trừ phi bạn là chủ nhà hay hàng xóm sát vách nơi xảy ra vụ cháy. Tại đây, kiến trúc nhà bằng gỗ rất phổ biến. Nếu như bạn không báo cháy kịp thời thì hậu quả thực sự khó lường.

10. Không thể đổ rác quá sớm

Trước hết, bạn cần phân loại rác tại nhà và thực hiện nghiêm túc “3R”- tạm dịch là tái chế, giảm thiểu rác và tái sử dụng. Ngoài ra, có một số quy định liên quan đến rác như: bạn chỉ được mang rác ra xe bán tải vào những ngày được chỉ định.

Việc đem rác ra trước khi xe thu gom tới không hữu ích lắm ở Nhật Bản, vì theo họ điều này có thể dẫn dụ gấu trúc hoang tới lục phá thùng rác. Ngoài ra, để rác trước nhà có nguy cơ hỏa hoạn.

11. Chuyển thư hàng xóm của bạn bị sai địa chỉ cho họ là bất hợp pháp

Điều 42 của Luật Bưu chính được đưa ra để bảo vệ quyền riêng tư của cả người gửi và người nhận. Vì vậy, chuyển thư của hàng xóm cho họ khi nó tình cờ xuất hiện trong hộp thư của bạn là bất hợp pháp – một điều luật kỳ lạ ở Nhật Bản chẳng mấy ai tin.

Nếu có lá thư lạ nào đi lạc vào hộp thư nhà bạn, hãy gửi lại và để bưu điện xử lý. Tội trạng này không quá nghiêm trọng, bạn có thể không bị buộc tội vì đưa trả thư cho hàng xóm (trừ khi họ cố tình gây hấn với bạn).

12. Vợ chồng sống riêng là bất hợp pháp trừ khi có “lý do chính đáng”

Trừ khi có lý do chính đáng (công việc, sức khỏe…), vợ chồng được quy định là phải ở cùng nhau nhằm đảm bảo họ san sẻ chi phí sinh hoạt và ngăn tỷ lệ ly hôn do thời gian ly thân kéo dài.

13. Phụ nữ Nhật Bản sau khi ly hôn, buộc phải đợi 6 tháng rồi mới được kết hôn lại

Điều này đã được cụ thể hóa trong luật chứ không chỉ ràng buộc theo truyền thống hay phong tục nào. Ngoài ra, trong 6 tháng này, nếu người phụ nữ sinh con thì người con sẽ là con hợp pháp của chồng cũ. Việc ly hôn cũng phải được tổ chức thành buổi lễ và được nhiều người chứng kiến bằng nghi thức đập nhẫn cưới.

14. Phụ nữ không được phép đến Đền Ominesanji

Núi Omine là tên gọi chung cho các ngọn núi Sanjogatake, Inamuragatake, Daifugendake, Misen, Hakkyogatake. Trong đó, trên đỉnh Sanjogatale có một ngôi chùa cổ đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2004.

Tuy nhiên, trong hàng thế kỷ qua, phụ nữ đã hoàn toàn bị cấm lên tham quan ngọn núi và ngôi chùa linh thiêng này, nguyên nhân là để tránh “gây phâm tâm”.

Ngày nay, việc phân biệt đối xử đã không còn như trước nữa nhưng luật lệ ở đỉnh Sanjo này vẫn không hề thay đổi. Ở trước đường dẫn lên đỉnh núi nhà chùa thậm chí còn có một tấm biển ghi rõ luật lệ này.

15. Phụ nữ không được phép đặt chân lên Đảo Okinoshima

Đảo Okinoshima nằm ở Kyushu được công nhận là di sản văn hóa thế giới vì những giá trị lịch sử to lớn mà hòn đảo đang mang trong mình. Theo luật lệ, người đến đảo có thể mang đồ vật vào cúng lễ nhưng không được mang ra khỏi đảo bất cứ vật gì cho dù là một hòn đá. Không chỉ vậy, nơi đây còn một nguyên tắc đó là đối với nam giới, phải tắm rửa sạch sẽ trước khi lên đảo còn phụ nữ bị cấm lên đảo.

16. Phụ nữ không được phép bước vào võ đài thi đấu Sumo

Thêm một luật lê kỳ lạ nữa là phụ nữ không được phép bước vào võ đài thi đấu Sumo vì sẽ làm “vấy bẩn võ đài”. Cho dù ngày nay Sumo cũng dành cho cả phái nữ nhưng họ chưa bao giờ được công nhận là những võ sĩ chuyên nghiệp. Luật cấm này đã có truyền thống qua nhiều thế kỷ và không ai muốn thay đổi vì không muốn xúc phạm tới tổ tiên. Nhưng đối với những cô gái có niềm đam mê với bộ môn đấu vật thì đó lại là điều giết chết đi ước mơ của họ.

17. Phụ nữ không được ở trong một số khách sạn con nhộng

Dịch vụ khách sạn con nhộng hiện tại đã xuất hiện tại nhiều thành phố ở Việt Nam và đối tượng phục vụ cả nam lẫn nữ. Nhưng tại Nhật Bản, đối tượng hướng tới là các doanh nhân nam, mặc dù ngày nay có một số khách sạn con nhộng cho phép du khách nữ thuê. Nhưng vẫn rất ít phụ nữ đến khách sạn kiểu này vì phải đến 99/100 lần họ bị từ chối phục vụ.

18. Công nhận đứa trẻ là công dân Nhật Bản khi được sinh ra ngoài giá thú với bố là người Nhật

Nếu một đứa trẻ được sinh ra ngoài giá thú với bố là người Nhật Bản, mẹ là người ngoại quốc, thì người cha phải chính thức công nhận đứa trẻ là công dân Nhật Bản ngay từ khi nó còn trong bụng mẹ. Nếu không, người cha cũng phải công nhận và “thu nạp” đứa con đó là người Nhật Bản trước khi nó đủ 20 tuổi. Điều này dễ hiểu phần nào khi Nhật Bản là đất nước vô cùng nhân văn, ngoài ra dân số “già” cũng là điều hối thúc các nhà làm luật tôn trọng “dòng máu Nhật Bản” mà bất kỳ đứa trẻ nào mang trong mình.

19. Công dân Nhật Bản trong độ tuổi từ 40 đến 74 phải đo vòng eo hàng năm

Là một phần của Luật Metabo năm 2008, Chính phủ sẽ kiểm tra vòng eo của công dân sau khi họ bước sang tuổi 40 nhằm đảm bảo họ luôn khỏe mạnh. Giới hạn vòng eo đối với nam là 85,09cm và 89,92cm đối với nữ.

Các công ty thậm chí còn sắp xếp các khóa học giảm cân để giúp những nhân viên khỏe mạnh, cân đối. Vì Nhật Bản là quốc có dân số già nên, người cao tuổi cần phải thật khỏe mạnh nếu không muốn trả một lượng phí khổng lồ để chăm sóc sức khỏe.

20. Công ty bảo hiểm quốc gia sẽ không trả tiền cho thân nhân của người tự tử

Nếu bạn tự tử, các công ty bảo hiểm quốc gia sẽ không trả tiền cho thân nhân của bạn. Điều luật này bám sát thực tế, khi Nhật Bản là một trong những quốc gia có số lượng các vụ tự tử vì khủng hoảng tinh thần, trốn nợ cao nhất thế giới.

21. Cấm dùng đồng xu để làm mặt xây chuyền

Ở Nhật Bản, rất khó để chúng ta bắt gặp những mặt dây chuyền có xâu đồng xu. Vì ở đây có điều luật cấm không được làm hỏng, phá hoại hoặc vứt bỏ tiền tệ. Nếu bị bắt quả tang, bạn sẽ bị phạt tới 200.000 Yên, hoặc phạt tù 1 năm.

22. Người nước ngoài buộc phải mang theo hộ chiếu 24/7

Chính phủ Nhật Bản cho phép lực lượng cảnh sát có quyền dừng bất cứ người nước ngoài nào lại để kiểm tra hành chính. Bởi vậy, khi đến Nhật Bản, vật bất li thân của du khách ngoài quần áo, tiền bạc còn có hộ chiếu để chứng minh thân thế của mình. Nếu khi bị kiểm tra đột xuất mà không mang hộ chiếu, rất có thể du khách sẽ được thử cảm giác bị tạm giữ mà chẳng làm điều gì sai ngoại trừ đãng trí.

23. Công dân Nhật Bản cần thông báo cho Chính phủ trước khi đến Nam Cực

Hầu hết mọi người không cần thông báo cho Chính phủ về điểm đến kỳ nghỉ tiếp theo của họ. Nhưng ở Nhật Bản, công dân cần phải làm vậy nếu muốn du lịch đến Nam Cực. Vốn là vào năm 1997, Nhật Bản đã ký Hiệp ước Nam Cực nhằm giữ nơi này an toàn trước tác hại của môi trường. Vì thế, Nhật Bản hạn chế công dân tham gia vào các hoạt động có thể khiến hiệp ước bị phá vỡ.

24. Có thể bị ngồi tù tới 29 ngày nếu để lộ đùi hoặc mông nơi công cộng

Những chiếc váy ngắn là trang phục khá được ưa chuộng với phụ nữ Nhật. Tuy vậy, việc để lộ đùi hoặc mông nơi công cộng là vi phạm pháp luật theo một đạo luật được thông qua năm 1948. Hầu hết mọi người không biết về quy tắc này và nó hiếm khi được thi hành.

25. Sở hữu máy bộ đàm mua từ quốc gia khác là bất hợp pháp

Mang theo máy bộ đàm khi du lịch Nhật Bản có thể hơi kì quặc. Nhưng nếu khách du lịch có ý định cho nó vào hành lý, hãy nghĩ lại.

Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào mạng lưới phát thanh để chuyển tiếp những thông tin quan trọng. Máy bộ đàm nước ngoài của du khách có thể khiến mạng lưới trở nên lộn xộn vì nhiễu sóng. Nếu không tuân thủ luật này, du khách có thể bị phạt tù 1 năm hoặc phạt tiền lên đến 1.000.000 Yên.

26. Thưởng cho người tham gia vận động bầu cử cho một Đảng thành công

Nếu tham gia vận động bầu cử cho một Đảng thành công, những người này sẽ được Đảng đó “hoàn trả” 12.000 yên cho một kỳ nghỉ ở khách sạn, 3.000 Yên cho tiền ăn uống và 500 Yên cho đồ ăn nhẹ mỗi ngày nghỉ. Họ cho rằng, những người dân tham gia ủng hộ đã giúp họ có được chiến thắng và vinh quang này, vì vậy họ xứng đáng được trả công.

Văn hóa Nhật Bản rất đặc sắc nhưng ẩn trong nó là vô số nhiều phong tục tập quán mà người nước ngoài như chúng ta không thể hiểu được, điển hình là những luật lệ kỳ quặc ở trên. Tuy vậy, nếu chúng đã trở thành những luật lệ thì khi tới du lịch Nhật Bản, du khách cần lưu ý tránh mắc phải, nếu không sẽ bị phạt tiền một cách oan uổng, thậm chí phải đi “bóc lịch”.