Harikuyo – ngày người Nhật tưởng niệm những chiếc kim gãy hoặc hoen gỉ

Harikuyo là ngày mà người Nhật, đặc biệt là những người con gái và phụ nữ tưởng niệm những chiếc kim chỉ bị gãy hoặc hoen gỉ, không thể sử dụng được nữa. Lễ tưởng niệm này dường như mang ý nghĩa tri ân công lao và cầu mong cải thiện trong công việc may vá.

Theo tiếng Nhật, “Hari” có nghĩa là cây kim, còn “Kuyo” là lễ tưởng niệm linh hồn của ai hoặc cái gì đó. Về nguồn gốc, có nhiều giả thuyết cho rằng Harikuyo là một phong tục được du nhập từ Trung Quốc vào thế kỷ thứ 9. Vào nửa sau thế kỷ thứ 9, Hoàng đế Kiyowa (thời Heian) đã cho xây dựng một khu tưởng niệm những cây kim ở chùa Horinji, thể hiện sự coi trọng rất cao thông qua “Lễ tưởng niệm những chiếc kim”.

Harikuyo như mang ý nghĩa tri ân công lao và cầu mong cải thiện trong công việc may vá. Từ đó, lễ hội này đã được phát triển khá mạnh mẽ, nhất là vào thời kỳ Muromachi, khi những chiếc kim sắt bắt đầu được sản xuất hàng loạt.

Hàng năm, ở Nhật Bản, ngày lễ này được tổ chức vào ngày 8/2 và ngày 8/12 – được gọi chung là “Kotoyoka”. Trong đó, Harikuyo vào ngày 8/2 được gọi là “Kotohajime”, nghĩa là ngày bắt đầu công việc, thường đươc tổ chức ở phía Đông Nhật Bản (vùng Kanto); còn ngày 8/12 được gọi là “Kotoosame”, nghĩa là ngày kết thúc công việc, được diễn ra ở phía Tây Nhật Bản (vùng Kansai). Cả hai ngày này đều được coi là “ngày sống bằng sự khiêm tốn” và nên nghỉ việc may vá, vì vậy nó là đã được chọn để trở thành ngày Lễ Kim gãy.

Vào ngày này, hàng trăm phụ nữ tập hợp lại, mặc những bộ Kimono nhiều màu sắc, họ mang những chiếc kim không còn dùng được nữa, chiếc thì gẫy, chiếc thì cong, chiếc thì gỉ sét… đến các đền thờ hoặc chùa để nhờ các nhà sư tiến hành nghi lễ tụng kinh, cầu siêu cho linh hồn của chiếc kim này.

Trong buổi lễ, mọi người chuẩn bị một bàn thờ nhỏ có 3 bậc. Bậc trên cùng dùng để bày bánh, hoa quả cúng. Bậc giữa được đặt một bánh đậu phụ (Tofu), hoặc Konnyaku (thạch), Mochi và bậc dưới cùng là nơi để những dụng cụ mạy mặc (kim, chỉ, kéo…). Thêm vào đó, người Nhật trang trí bàn thờ bằng những dải trắng linh thiêng và nhiều chiếc dây khác.

Sau nghi lễ tụng kinh, những cây kim ấy sẽ được cắm vào Tofu (đậu hũ), Konnyaku (thạch) hoặc Mochi. Hành động này được xem là hình thức “vỗ về” kim sau khoảng thời gian dài chúng đã miệt mài giúp con người khâu vá. Đó cũng là nơi để bảo vệ mũi kim, để nó không làm tổn hại ai trước khi “yên nghỉ” trong miếng đậu phụ mềm… Ngoài ra, lễ cầu siêu còn có một ý nghĩa khác nữa đó là “đôi khi có những bí mật và nhiều điều đau đớn mà phụ nữ không thể nói với đàn ông, họ gửi những bí mật này vào những chiếc kim và cầu xin trời phật loại bỏ chúng đi”. Bên cạnh đó, còn nhiều giả thuyết về ý nghĩa của nghi lễ này, chẳng hạn phụ nữ làm lễ để cầu nguyện trở thành một người đẹp có làn da trắng và làm việc siêng năng, những chiếc kim gãy là một vật tế tốt nhất để các vị thần nhìn thấy sự cố gắng. Sau khi kết thúc, người ta sẽ gói chúng vào trong giấy và thả xuống sông, hoặc đặt chúng trong đền thờ.

Ngôi Đền nổi tiếng cho ngày Harikuyo là Awashima Jinja ở tỉnh Wakayama, được xem là nơi thờ Thần phụ nữ. Sensoji ở Tokyo cũng là một nơi khác nổi tiếng cho lễ tưởng niệm các cây kim. Những người đến lễ tưởng niệm thường là ngư dân địa phương, sinh viên ngành dệt may hoặc bác sĩ, y tá.

Sau buổi lễ, tất cả các các cây kim đã bị gãy sẽ được chôn cất ở Hariduka (phần mộ của những cây kim) để chúng có thể yên nghỉ. Không riêng gì kim, ở “xứ Phù Tang” có nhiều ngày để tưởng niệm linh hồn đồ vật, nổi tiếng nhất là lễ tưởng niệm búp bê cũ,… do quan niệm “vạn vật hữu linh”.

Đồng thời, vào ngày Harikuyo, các thợ may sẽ ngừng làm việc để công cụ của họ được nghỉ ngơi. Nhân cơ hội này họ đến Đền, cầu chúc cho một năm may mắn và phúc lành cho công việc của họ được thuận lợi.

Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách đừng bỏ cơ hội tham gia ngày lễ Harikuyo đầy độc đáo này nhé! Chắc chắn du khách sẽ có được thêm nhiều trải nghiệm thú vị trong hành trình vi vu “xứ Phù Tang”.