Kawaya No Kami – Vị thần Toilet sinh ra từ đống phân theo truyền thuyết Nhật Bản

Không phải cứ là thần là sẽ ở trong đền thờ, thần điện uy nghiêm tráng lệ gì. Trong thần thoại Nhật Bản, cái “nhà xí” cũng có hẳn một vị thần cai quản, đó là “Kawaya No Kami”.

Khi đặt chân đến Nhật Bản, du khách luôn thấy thích thú về nhà vệ sinh tại đất nước này. Nhà vệ sinh ở đây luôn được giữ sạch sẽ, thơm tho, còn có thiết kế rất hiện đại với công nghệ 4.0 như điều chỉnh nhiệt độ, phát nhạc, điều khiển quá trình lau rửa tự động theo yêu cầu… Người Nhật “phát cuồng” vì nhà vệ sinh, xem nó là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa. Lý do để họ lại thần thánh nhà vệ sinh như vậy là bởi vì sự tồn tại của thần Kawaya no Kami.

Theo truyền thuyết dân gian, thần Kawaya no Kami được sinh ra trong một ca “đẻ khó” của nữ thần Izanami. Khi Izanami hạ sinh thần lửa Kagutsuchi thì bị bốc cháy, cơ thể đau đớn quằn quại và ở trong tình trạng tiểu tiện, đại tiện lung tung. Trong cái đống “chất thải” mà nữ thần Izanami theo cơn đau phun ra ngoài đó có Kawaya no Kami.

Mặc dù sinh ra từ phân nhưng thần Kawaya no Kami không có ngoại hình xấu “ma chê quỷ hờn” hay bốc mùi kinh khủng mà trông khá “hiền lành”. Thần Kawaya no Kami thường được miêu tả với hình dáng ông già mù trên tay cầm theo một ngọn giáo và ngồi ngay trên bồn cầu. Theo quan niệm dân gian, khi vào nhà vệ sinh, các phàm nhân phải ho lên một tiếng nhằm thông báo với thần Kawaya no Kami cất cây giáo “nhường chỗ” để giải quyết vấn đề cấp bách, còn nếu cứ im lặng tiến vào thì sẽ nhận lấy kết cục “cực thốn”.

Kawaya no Kami đã có từ thời xa xưa, cái thời chưa có bồ cầu giật nước và người dân dùng chất thải của nhân loại để làm phân bón nông nghiệp. Lúc ấy, nhà vệ sinh không được an toàn mà dễ xảy ra tai nạn ngoài mong muốn nếu con người đi đứng không cẩn thận. Nếu lâm vào tình trạng bi đát thì người xưa sẽ bị ngã lộn cổ, té xuống và nhận lấy một kết cục đau thương nồng nặc mùi vị. Vì vậy, thần Kawaya no Kami xuất hiện để giúp con người tránh nguy cơ ngã chổng vó xuống hố phân, yên tâm xả hết những gánh nặng chất chứa trong người. Ngoài ra, thần Kawaya no Kami còn ban phát cho mùa màng bội thu và phù hộ cho những đứa trẻ mới sinh luôn khỏe mạnh, đẹp đẽ, giúp con người thoát khỏi các bệnh tật về mắt, miệng và phụ khoa.

Tuy nhiên, để được thần Kawaya no Kami ghé thăm thường xuyên thì người dân phải luôn giữ nhà vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, thậm chí còn lập bàn thờ, trang trí bắt mắt. Lúc đó thần Kawaya no Kami sẽ hài lòng mà đến ban phước lành cho gia chủ. Còn nếu nhà xí ở trong tình trạng bẩn thỉu, hôi thối thì thần sẽ giận dỗi và trừng phạt. Hình phạt là những đứa con của ngôi nhà đó sẽ sinh ra trong ốm đau, bệnh tật, nhan sắc xấu xí, cuộc sống không hạnh phúc.

Vào năm mới, ở mỗi địa phương sẽ có nghi lễ cúng bái thần Kawaya no Kami với phong tục khác nhau. Ở một số nơi các thành viên trong gia đình sẽ ngồi ăn cơm trên một chiếc chiếu rơm trước cửa nhà vệ sinh, hình thức này được cho là thưởng thức lộc của thần Kawaya no Kami để lại. Tại đảo Ishigaki, người dân dùng nhang, hoa và rượu gạo để làm lễ. Nhân dân đảo Kyūshū thì đặt những nhánh cây liễu trang trí bằng bánh Mochi để làm lễ vật đặt trong nhà vệ sinh.

Văn hóa “xứ Phù Tang” quả thực có nhiều tập tục quái lạ, nhưng chính điều đó đã tạo nên những điểm độc đáo thú vị mà cũng thiết thực, gần gũi với cuộc sống đời thường, mang bản sắc riêng chỉ có ở Nhật Bản. ếu du khách có hứng thú với nét văn hóa “kỳ lạ” này, hãy Book Tour Nhật Bản của chúng tôi để có cơ hội tự mình khám phá nhiều hơn nhé!