Khám phá về chiếc khăn Tenugui trong văn hoá Nhật Bản

Khi nói về văn hóa Nhật Bản không thể không nhắc đến Tenugui – loại khăn truyền thống của “xứ Phù Tang”. Nó không chỉ là một chiếc khăn thông thường mà còn có một lịch sử lâu dài, mang nhiều chức năng độc đáo và là một món quà tuyệt vời cho những ai đến Nhật Bản.

“Tenugui” được ghép từ chữ “Te” (手), tức “Thủ”, và “Nugui” (ぬぐい), tức “Lau”. Tuy nhiên, chiếc khăn này không chỉ được dùng để lau tay mà còn có rất nhiều công dụng khác.

Tenugui là một loại khăn mỏng được làm từ vải cotton, hình chữ nhật, có kích thước khoảng 35x90cm, được nhuộm màu hoặc các hình vẽ truyền thống Nhật Bản.

Tenugui được người Nhật chia thành nhiều loại theo độ mịn của vải, loại vải chính được làm khăn là “Tokuoka”, “Oka” và “Bun (Sori)”. Vải càng mịn thiết kế càng cao. Ngoài phân chia theo độ mịn của vải, khăn Tenugui được chia theo kỹ thuật được sử dụng để trang trí cho chúng như “Chusen” nhuộm và in.

Ngày nay, khăn Tenugui được sử dụng vô cùng biến hóa với nhiều hoa văn và màu sắc đa đạng cùng cách sử dụng vô cùng biến hóa.

Nguồn gốc của chiếc khăn Tenugui

Khăn Tenugui xuất hiện cách đây hơn 500 năm. Vào thời kỳ Nara (710-794), người dân Nhật sử dụng Tenugui để lau chùi những bức tượng Phật hoặc Thần đạo. Thời điểm này khá ít khăn tay được sử dụng bởi giá thành của vải khi đó khá đắt tiền.

Cho đến thời Heian (794-1185), chúng được sử dụng là vật trang trí trong các lễ hội hay khi thực hiện những nghi thức liên quan đến thần linh. Thế nhưng, tại thời điểm này, vải là một thứ hàng hóa vô cùng xa xỉ. Nên đến thời Kamakura (1185-1333) chúng mới được nhiều người dân tại Nhật Bản lựa chọn.

Mãi cho đến thời Kamakura (1185-1333), Tenugui mới được phổ biến rộng rãi trên toàn nước Nhật. Người dân dùng khăn này để lau tay, lau mồ hôi và quấn lên đầu.

Bước vào thời đại Edo (1603-1868), vải đã trở nên thông dụng hơn rất nhiều. Nhờ đó nên những chiếc khăn Tenugui dường như trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống của người Nhật. Chúng được tạo thành với những hoa văn, họa tiết khác nhau mang đến sự độc đáo trong sản phẩm.

Cũng vào thời này, sự xuất hiện của những cuộc thi thiết kế hoa văn hay nhuộm màu mang tên Tenugui Awase được nở rộ. Thế nhưng phải đến thời Showa (1926-1989) khi người dân Nhật phát minh ra kỹ thuật nhuộm Chusen thì lúc này ngành này mới trở nên phổ biến hơn.

Khăn Tenugui đã vượt lên cả giới hạn là một món đồ dùng hằng ngày. Và trở thành một biểu tượng nghệ thuật cho nền văn hóa Nhật Bản được đông đảo bạn bè trên thế giới yêu thích.

Những họa tiết độc đáo của khăn Tenugui

Logo Kamawanu

Kamawanu có sự kết hợp của cái lưỡi hái (Kama), hình tròn (Wa) và chữ “Nu”. Đây chính là họa tiết thịnh hành khi nghệ sĩ Kabuki lừng danh Ichikawa Danjuro VII (1791-1859) và sử dụng trong trang phục biểu diễn của mình.

Cá nóc (Fugu)

Cá nóc được người Nhật gọi là “Fuku”, theo đồng âm với chữ “Phúc” cũng đọc là “Fuku”. Chính vì thế loài cá này theo quan niệm của người Nhật là biểu trưng cho sự may mắn và mang đến phúc lành.

Lá cây gai dầu (Asa no ha)

Đây là họa tiết hình học, nhìn qua chúng khá giống cây lá gai nên được gọi là “Asa no ha”.

Fukuro

“Fukuro” trong tiếng Nhật đồng âm với từ “Không gian khổ”. Chính vì thế sử dụng họa tiết này cũng chính là biểu thị cho sự may mắn.

Hoạ tiết mùa hè Yanagi ni Uchiwa

Gồm hình ảnh đặc trưng nhất của mùa hè Nhật Bản với chiếc quạt giấy (Uchiwa) cùng cành liễu (Yanagi).

Công dụng của khăn Tenugui trong cuộc sống hiện đại đối với người Nhật

Ngày nay, Tenugui với nhiều hoa văn và màu sắc đa đạng không chỉ được sử dụng để lau tay hoặc lau mặt mà còn được sử dụng như một món phụ kiện làm đẹp hoặc dùng để gói đồ.

Người Nhật thường mang theo khăn tay bên người với công dụng làm sạch các vết bẩn trên quần áo, da, tóc, hay thậm chí là lâu yên xe đạp, thấm mồ hôi,… Tuy nhiên, không chỉ một chiếc dùng cho tất cả mục đích trên mà người Nhật thường chia khăn tay của họ thành 2 – 3 chiếc mang bên mình. Với lợi thế mau thấm hút mồ hôi hơn khăn tắm hoặc các loại khăn nhỏ khác, người ta có thể dễ dàng mang đi bất kỳ đâu và sử dụng nhiều lần trong ngày.

Tenugui còn được sử dụng để gói quà lưu niệm, trang trí. Người Nhật thường lấy khăn để bày tỏ lòng thành của đối phương trong tình yêu, hoặc có những bí mật không muốn ai biết thì giấu vào khăn đến khi nào khăn rách mới thôi. Bên cạnh đó, để sang trọng hơn trong những buổi gặp mặt họ thường lấy khăn gói rượu Sake hoặc trà bên trong.

Trong mỗi bữa cơm, khăn Tenugui thường dùng làm miếng lót để tránh thức ăn rơi vãi ra bàn hoặc vương vãi nơi khác.

Sử dụng khăn Tenugui khi rửa mặt sẽ giúp lấy đi tế bào chết, vảy sừng dư thừa, mang đến làn da mềm mại, mịn màng. Cách sử dụng là làm ướt khăn, cho bọt xà phòng/sữa rửa mặt lên khăn và nhẹ nhàng thoa đều lên da rồi rửa sạch.

Một chiếc khăn Tenugui với họa tiết đẹp cũng có thể được cho vào khung tranh và treo lên tường để trang trí giống như một bức tranh nghệ thuật. Chúng sẽ làm cho căn phòng có cảm giác sáng sủa, vui tươi hơn.

Bên cạnh đó, món vật dụng đặc trưng này còn giúp ích khi đi picnic. Trong các kỳ nghỉ lễ, người Nhật thường xuyên hội họp ăn uống cùng gia đình, bạn bè. Tenugui giúp các bà nội trợ gói thức ăn hay các hộp bento dễ dàng hơn. Ngoài ra, bạn cùng có thể dùng chúng để lót thức ăn khi picnic tại các công viên.

Đặc biệt, Tenugui cũng là một phụ kiện thời trang siêu thời thượng. Người Nhật thường dùng khăn để cột đầu trong quá trình làm việc vừa giúp tóc gọn gàng, không bị gió hất đi, vừa thời trang. Khi nấu ăn còn tránh làm cho tóc rụng vào thức ăn. Một số người Nhật thì sử dụng khăn tay như một chiếc cổ áo bên trong áo Kimono, hoặc như là một phụ kiện thời trang thay vì là chiếc khăn quàng cổ quen thuộc. Tenugui trở thành “khăn cột tay” – phong cách hiphop dành cho các cô cậu đam mê, cột khăn vào tay không những tăng thêm phần thời trang mà còn “tiện tay” lau mồ hôi trên trán sau những giờ luyện tập đẫm mồ hôi.

Cách giặt và bảo quản khăn tay của người Nhật

Người Nhật Bản nổi tiếng thế giới bởi sự chăm chỉ, nhẫn nại, cẩn thận, rất lịch sự và tôn trọng con người, văn hóa, thiên nhiên. Nên họ luôn dùng phương pháp giặt tay thay vì giặt máy, khi giặt máy sẽ làm khăn tay bị mất màu, nhàu nhĩ, có một vài loại khăn tay có thể phai màu khi giặt hoặc phản ứng với nước nóng nên nếu giặt chung có thể dính màu sang các quần áo khác.

Nếu khăn bị sờn hoặc bung chỉ ở mép khăn, người Nhật có thể khâu lại hoặc cắt bỏ phần sờn hoặc bung để tiếp tục sử dụng.

Khăn Tenugui là món quà hấp dẫn mà du khách có thể tìm thấy khi du lịch Nhật Bản. Đừng chần chừ để sở hữu một chiếc khăn Tenugui cho bản thân và làm quà tặng gia đình, bạn bè nhé!