Nengajo – thiệp chúc mừng năm mới ở “xứ Phù Tang”

Nếu như người Phương Tây có phong tục gửi thiệp chúc mừng vào dịp Giáng Sinh, thì ở Nhật Bản lại gửi thiệp chúc mừng năm mới, được gọi là “Nengajo”. Cứ vào khoảng thời gian cuối năm, người Nhật lại tất bật chuẩn bị để gửi đi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp và thậm chí là cả đối tác.

Tại Nhật Bản, từ thời Heian (794-1185), người Nhật đã có phong tục đi chúc tết những người lớn tuổi, cấp trên, họ hàng,… vào những ngày đầu xuân năm mới để hỏi thăm sức khỏe và gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến họ. Những người sống ở xa thường sẽ gửi thư thăm hỏi nếu không thể trực tiếp tới gặp mặt. Sau đó, vào những năm đầu của thời kỳ Minh Trị, hệ thống bưu chính ở Nhật Bản (Japan Post) được thành lập, đánh dấu một bước ngoặt lớn cho văn hoá gửi thiệp chúc mừng đầu năm, đặc biệt là từ sau năm 1873, khi bưu điện bắt đầu phát hành bưu thiếp Nengajo (các tấm thiệp này được tối giản chỉ viết chữ “Chúc mừng năm mới”, tên người nhận và địa chỉ) thì việc gửi thiệp mừng năm mới cũng bắt đầu tăng lên đáng kể và trở nên phổ biến như ngày nay.

Vốn dĩ trước đây, Nengajo được gửi đi khi người ta không thể trực tiếp ghé thăm và chúc mừng năm mới đối phương. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, việc gửi Nengajo trở nên phổ biến hơn, dù có thể gặp trực tiếp hay không thì người Nhật cũng gửi Nengajo cho tất cả những người thân, bạn bè, thầy cô giáo, đối tác làm ăn, đồng nghiệp và những người mà họ đã nhận được Nengajo từ năm trước đó. Đây vừa là lời chúc mừng năm mới nhưng cũng là một cách thể hiện lời cảm ơn vì sự quan tâm, giúp đỡ của đối phương đến mình trong suốt một năm đã qua, đồng thời thể hiện sự hi vọng giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp với nhau trong năm tới.

Thông thường, thiệp Nengajo sẽ được người Nhật gửi đi từ ngày 15/12 và đối phương sẽ nhận được thiệp vào ngày 1/1. Lúc này, để đảm bảo rằng thiệp của người gửi được giao đúng hạn (tức là ngày 1/1), Japan Post bắt đầu chấp nhận thiệp được đánh dấu “Nenga” (lời chúc mừng năm mới) từ ngày 15/12 và giữ chúng để chuyển phát vào ngày đầu năm mới.

Ở Nhật Bản, thiệp năm mới Nengajo được bán tại khắp các bưu điện, cửa hàng văn phòng phẩm và cửa hàng tiện lợi cho đến đầu tháng 1. Người ta có thể chọn một tấm thiệp trống và tự trang trí nó hoặc chọn một tấm thiệp được thiết kế sẵn. Các thiết kế Nengajo phổ biến nhất thường kết hợp eto hoặc động vật hoàng đạo cho năm mới, các họa tiết truyền thống của Nhật Bản như núi Phú Sĩ hoặc mặt trời mọc và các nhân vật nổi tiếng như Hello Kitty và chuột Mickey.

Những tấm thiệp Nengajo luôn thể hiện sự chân thành của người gửi khi những lời chúc được viết bằng tay. Việc tự tay viết những điều tốt đẹp dành tặng cho những người thân yêu mang ý nghĩa tuyệt vời, thể hiện sự trân trọng và chân thành của người gửi dành cho đối phương.

Trong phong tục đặc sắc này, người Nhật còn có một kiêng kị rất quan trọng, đó là việc kiêng gửi thiệp chúc mừng năm mới cho gia đình có tang trong năm vừa qua. Những gia đình có tang sự thường gửi thiệp báo có tên “Mochuu Hagaki” cho người thân, thông báo rằng họ sẽ không đón năm mới như thông thường và tất nhiên họ cũng từ chối nhận Nengajo vào năm mới.

Văn hóa “xứ Phù Tang” quả thật có rất nhiều nét đặc sắc, là “liều thuốc” kích thích bất cứ ai muốn tò mò về vùng đất xinh đẹp này. Nếu du khách muốn tự mình khám phá nhiều điều thú vị hơn thì hãy book Tour Nhật Bản của chúng tôi nhé! Chúc du khách có một chuyến đi vui vẻ và thú vị!