Phụ nữ Nhật theo đuổi chuẩn mực của cái đẹp tự ngàn xưa. Ở mỗi thời đại lại là một câu chuyện thú vị. Cho đến nay, khi xu hướng làm đẹp đã thay đổi rất nhiều, câu chuyện về lịch sử làm đẹp của người Nhật vẫn chứa sức hút mãnh liệt đối với nhiều nhà làm nghiên cứu và thời trang.
“Đẹp” chính là mong muốn chung của phụ nữ ở mọi thời đại. Từ xa xưa, phụ nữ Nhật Bản luôn được cả thế giới biết đến với vẻ đẹp tự nhiên và thuần khiết. Mặc dù các xu hướng đã thay đổi rất nhiều theo thời gian, tuy nhiên ẩn sâu trong phong cách hiện đại của các tín đồ thời trang ở “xứ sở mặt trời mọc” vẫn luôn chứa đựng những nét đặc trưng trong văn hóa làm đẹp của người Nhật xưa.
Theo ghi chép trong các biên niên sử được gọi là “Kojiki” (ghi chép về các vấn đề cổ đại) và “Nihon Shoki” (cuốn sách cổ thứ hai của lịch sử cổ điển Nhật Bản), ngay cả trong thời cổ đại, các phong tục làm đẹp đặc trưng như vẽ mặt bằng sắc tố đỏ đã tồn tại. Các hình thức trang điểm từ thời xa xưa đã khá đa dạng, màu má và phấn phủ cũng đã du nhập vào Nhật Bản từ rất lâu cùng với làn sóng văn hóa từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Nhiều tài liệu cho rằng loại bột đắp mặt đầu tiên của Nhật Bản được sản xuất bởi một thầy tu Phật giáo. Vị thầy tu này đã dâng lên Hoàng hậu Nhật Bản phát minh của mình và nhanh chóng nhận được lời khen ngợi và sự tin dùng trong hoàng gia. Đây cũng là một trong những nền móng đầu tiên đưa Nhật Bản trở thành một trong những thị trường mỹ phẩm lớn trên thế giới.
Răng đen là biểu tượng của vẻ đẹp và sự tự do
Trong thời kỳ Heian (794-1185), các sản phẩm làm đẹp của Nhật Bản đã thoát khỏi ảnh hưởng của các mô hình Trung Quốc và tạo ra một phong cách thẩm mỹ riêng biệt. Xu hướng làm đẹp lý tưởng của phụ nữ thời đó là tóc dài thẳng, mặt đánh phấn trắng, lông mày tô đậm và răng đen nhánh. Thời kỳ này, hầu hết trang điểm vẫn chỉ dành cho giới thượng lưu.
Ohaguro – phong cách nhuộm răng đen nhánh được coi là biểu tượng sắc đẹp ở Nhật Bản suốt nhiều thế kỷ sau đó. Các chuyên gia cho rằng, một trong những lý do chính khiến Ohaguro phổ biến là do trong hàng trăm năm, những thứ “đen như mực” ở Nhật Bản được coi là đẹp hoàn hảo. Và hướng đến cái đẹp là lẽ tự nhiên của con người, giống như việc tẩy trắng răng của thời hiện đại.
Sự hòa quyện hoàn hảo của đỏ, trắng và đen
Vào đầu thời kỳ Edo (1600-1868), sử dụng mỹ phẩm và trang điểm bắt đầu phổ biến trong đời sống của người dân Nhật Bản. Trong thời kỳ này, mỹ phẩm thường tập trung vào bảng màu gồm 3 màu cơ bản: đỏ (son môi, sơn móng tay), trắng (phấn phủ mặt được gọi là “Oshiroi”) và đen (bôi đen răng, chì kẻ mày). Phấn phủ trắng được sử dụng để tạo ra một làn da trắng hoàn toàn, nổi bật trên đó là môi được tô đỏ thắm thường được tô nhỏ hơn so với hình dạng môi tự nhiên, lông mày và răng được tô đen nhánh.
Phụ nữ thời kỳ này đặc biệt quan tâm đến việc thoa bột lên mặt để tạo nên một làn da hoàn mỹ, làn da trắng như bột được coi là “biểu tượng của một người phụ nữ đẹp”.
Vào thế kỷ 17, thời đại Edo, khi nền hòa bình được duy trì trên toàn thế giới, thì xu hướng trang điểm nhẹ nhàng lên ngôi, phụ nữ Nhật bắt đầu ý thức cao hơn về việc giữ gìn vẻ đẹp thật sự của làn da trần. Phương pháp sử dụng phần cám gạo rơi ra trong công đoạn tách cám gạo lứt như một loại nguyên liệu rửa mặt chính là ví dụ điển hình cho nền văn hóa lúa gạo ở Nhật Bản. Ngoài ra, dưỡng da bằng Keshousui (một dạng Lotion của Nhật Bản) làm từ trái mướp là hình thức rất phổ biến. Cám gạo và mướp đều là những nguyên liệu quen thuộc trong sản phẩm dưỡng da ngày nay. Những “người bạn” thân thiết của làn da quả là không thay đổi dù là xưa hay nay. Ngày nay, vô vàn các loại sữa rửa mặt được bày bán, các loại sách hướng dẫn cách pha chế tinh chất làm đẹp, dưỡng trắng da, hay cách rửa mặt sao cho da căng bóng, rõ ràng, ý thức giữ gìn vẻ đẹp làn da ngày càng được nâng cao.
Đến cuối thời Edo, son môi màu đỏ đậm cũng trở nên ngày càng thịnh hành, các chất màu được tạo ra từ hoa nghệ tây tươi trở nên đắt đỏ đến mức được ví như vàng.
Sự du nhập của văn hóa làm đẹp kiểu Tây phương
Vào thế kỷ 19, thời đại Minh Trị, Nhật Bản hướng đến mục tiêu hiện đại hóa và lần lượt tiếp nhận nhiều văn hóa của phương Tây. Trong những vật phẩm du nhập từ các nước Âu Mỹ, có thể kể đến phấn trang điểm có màu gần giống với nước da người Nhật Bản, xà phòng và kem dưỡng da. Đây là thời đại mà kiểu trang điểm nền với tông màu da tự nhiên dần thay thế kiểu bôi trắng toát cả gương mặt vốn thịnh hành từ trước đến nay, chứng tỏ một làn da mộc đẹp tự nhiên chiếm nhiều sự ưu ái hơn hẳn. Cách dưỡng da cơ bản vào thời này là rửa mặt để lấy đi bụi bẩn, cung cấp độ ẩm cho da bằng Keshousui, sau đó dưỡng ẩm da bằng kem chứa nhiều dưỡng chất. Có vô số các loại kem như kem dùng để mát-xa, kem tẩy trang, kem lót trang điểm,… và là món mỹ phẩm ước ao của nhiều cô gái Nhật. Bên cạnh đó, khoảng nửa sau thời đại Meiji, các cơ sở chăm sóc sắc đẹp xuất hiện và trở thành tâm điểm chú ý của các cô gái sành điệu. Do phí chăm sóc khá đắt đỏ nên loại hình này chỉ phổ biến đối với một bộ phận nhỏ thuộc giới thượng lưu. Tuy nhiên, có thể nói, nền công nghiệp sắc đẹp Nhật Bản đã phát triển từ 100 năm về trước.
Bước tiến trong cách trang điểm với phong cách nhẹ nhàng và tự nhiên
Đầu thế kỷ 20, theo dòng phát triển hiện đại của xã hội, xu hướng trang điểm của phụ nữ Nhật cũng dần chuyển sang phong cách nhẹ nhàng và đề cao sự thuận tiện nhiều hơn. Ngoài màu trắng và đỏ truyền thống, phấn phủ và son môi bắt đầu có nhiều màu sắc nhẹ nhàng hơn.
Từ năm 1910 trở đi, ngành công nghiệp mỹ phẩm của “xứ Phù Tang” bắt đầu chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hóa phương Tây, đặc biệt sau Thế chiến thứ hai cùng với làn sóng tạp chí và phim ảnh của Mỹ. Thời kỳ này, các sản phẩm chăm sóc da cũng xuất hiện nhiều hơn trên thị trường.
Vào nửa đầu thế kỷ 20, phụ nữ Nhật dần tiến thân vào xã hội. Nếu trước đây, trong xã hội Nhật Bản, phụ nữ luôn gắn liền với hình ảnh những bà nội trợ thì giờ đây, họ đã bắt đầu tạo dựng nên sự nghiệp riêng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trang điểm và thời trang được xem như một trong những chuẩn mực cần có khi giao tiếp và dần trở nên được chú trọng hơn. Đối với mỹ phẩm dưỡng da, Keshousui và kem là những nhu yếu phẩm. Bên cạnh đó, vào thời gian này, sản phẩm và phương pháp dưỡng da phân chia theo mùa, độ tuổi và loại da như da khô hay da dầu bắt đầu được phổ cập. Ngoài ra, cùng với sự xuất hiện của loại kem nền chứa dầu, vốn dành cho người da nhờn hay nhiều mồ hôi, sản phẩm tẩy trang dạng kem cũng ra đời. Khi Nhật Bản bước vào thời kỳ chiến tranh, con đường đến với việc làm đẹp trở nên xa xôi hơn, tuy nhiên, cùng với công cuộc tái thiết sau chiến tranh, một lần nữa, ý thức về cái đẹp của phụ nữ Nhật lại trở nên cao hơn bao giờ hết.
Bước vào thời kỳ hậu chiến, một lần nữa, thị trường làm đẹp Nhật Bản lại trở nên nhộn nhịp. Cùng với sự phát triển của ngành kỹ thuật sắc đẹp, hàng loạt mỹ phẩm có bổ sung các chức năng tiên tiến như làm trắng, dưỡng ẩm sâu, chống lão hóa hay chăm sóc da mụn,… lần lượt ra đời. Nhiều phong cách trang điểm lần lượt lên ngôi, như phong cách của ngôi sao Andrey Hepburn, da nâu hay tỉa mảnh chân mày,… và hiện nay là xu hướng “trang điểm tự nhiên”. Phong cách này được nhiều người ưa chuộng với làn da với lớp trang điểm mỏng nhẹ như da thật, đường nét chân màu, màu phấn mắt, màu son cũng rất tự nhiên.
Ngày nay, Nhật Bản đã trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thị trường mỹ phẩm và sản phẩm làm đẹp trên toàn thế giới. Ngành công nghiệp mỹ phẩm của “xứ Phù Tang” đã khẳng định được vị thế vững chắc và được toàn cầu đón nhận.
Mặc dù khuôn mặt trắng bột của thời Edo không còn tồn tại cho đến ngày nay và chủ yếu được tái hiện trên sân khấu, nhưng làn da trắng đẹp vẫn là một vẻ đẹp lý tưởng quan trọng đối với nhiều người Nhật. Đây cũng chính là chân lý làm đẹp đã tồn tại ở Nhật Bản từ thời xa xưa, không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào của phương Tây.
Con người và văn hóa “xứ Phù Tang” quả thực có quá nhiều điều thú vị thu hút khách du lịch trên thế giới tìm đến khám phá và trải nghiệm. Nếu du khách có hứng thú với con người và nền văn hóa đặc sắc ở nơi đây, hãy Book Tour Nhật Bản của chúng tôi nhé!