Quan niệm về cái đẹp của người Nhật

Quan điểm về cái đẹp (ý thức thẩm mỹ) của người Nhật rất tinh tế. Những thứ tưởng chừng rất bình dị, nhưng theo quan điểm của họ, chúng có vẻ đẹp riêng. 

Ý thức thẩm mỹ của người Nhật đã được hình thành từ lâu đời và ăn sâu trong nền văn hóa truyền thống của họ. Nó được hình thành nên bởi những tiêu chuẩn nhất định của xã hội, bản sắc văn hóa dân tộc và từ ý thức của nhiều nền nghệ thuật khác nhau để tạo nên hình thái thẩm mỹ đặc trưng riêng mà không xen lẫn với bất kỳ nền văn hóa nào.

Tinh hoa trong thẩm mỹ của người Nhật được nhiều người ca ngợi, họ giữ được những tư duy về thẩm mỹ truyền thống nhưng không quá lỗi thời, họ hình thành nên những phong cách đặc trưng cho quốc gia của mình khiến nhiều người phải nhớ đến và tạo nên những vẻ đẹp thẩm mỹ đặc sắc để quy định thành một bản sắc trong xã hội hiện đại cũng như trong lịch sử truyền thống của họ qua nhiều đời.

Từ xa xưa, phạm trù giá trị “cái đẹp” được người Nhật nhắc đến trong huyền thoại nữ thần Mặt trời Amaterasu (Kojiki – Cổ sự kí). Huyền tích ấy một mặt giải thích nguồn gốc của sự sống, mặt khác, nhấn mạnh hơi ấm của lòng nhân ái và cái thiện. Amaterasu còn được xem là vị thần thủy tổ của dòng dõi Thiên Hoàng. Nhìn trên một giao diện rộng, có thể khẳng định rằng, qua mỗi thời đại, người Nhật luôn bổ sung, tô điểm cho quan niệm về cái đẹp thêm đầy đặn, sâu sắc và tươi mới. Nhưng suy cho cùng, cái gốc của nó bao gồm 4 nguyên lý thẩm mỹ: Wabi – cái đẹp giản dị đời thường; Sabi – cái đẹp mang dấu ấn thời gian; Aware – cái đẹp u buồn; và Yugen – cái đẹp u huyền.

Ngày nay, người Nhật phát triển quan niệm về cái đẹp lên một bước, gắn cái đẹp với nguyên tắc thực hành, bao gồm 9 phạm trù thẩm mỹ như sau:

Wabi-sabi (không hoàn hảo)

Trong quan niệm về vẻ đẹp của người Nhật thì Wabi-sabi (không hoàn hảo) chiếm vị trí quan trọng nhất. Wabi-sabi bắt nguồn từ học thuyết Zen (thiền) trong Phật giáo Nhật Bản, bắt nguồn từ ba dấu hiệu tồn tại theo giáo lý nhà Phật là: vô thường – đau khổ – không bản ngã.

Nếu để cắt nghĩa cụm từ Wabi-sabi thì “wabi” có nghĩa là tính tối giản, không vĩnh cửu, không hoàn hảo; còn “sabi” để chỉ ảnh hưởng của thời gian lên vật thể, con người theo năm tháng. Kết hợp lại với nhau, Wabi-sabi đề cao việc chấp thuận sự việc, sự vật trên đời vốn có khiếm khuyết, vốn phải già đi, cũng như tìm thấy vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo.

Hai yếu tố của cụm từ khi kết hợp lại bổ sung và hoàn chỉnh lẫn nhau tại thành triết lý sống độc đáo của người Nhật. Wabi-sabi là triết lý sống tập trung vào tìm kiếm vẻ đẹp trong mọi vật, nhìn thấy vẻ đẹp trong bản chất tự nhiên và thô sơ của sự vật, sự việc. Wabi-sabi là chấp nhận mọi việc, mọi thứ như vốn có: không hoàn hảo, không vĩnh viễn, không toàn vẹn. Wabi-sabi đề cao tính đơn giản và vẻ đẹp nguyên bản của sự vật, của cuộc sống. Triết lý này cũng đề cao cuộc sống vượt lên trên những phù phiếm xa hoa của vật chất. Wabi-sabi khuyến khích con người chấp nhận và mở lòng với những khiếm khuyết trong cuộc sống, để từ đó cuộc sống trở nên nhẹ nhàng và dễ dàng hơn.

Miyabi (sang trọng)

Quan niệm về vẻ đẹp sang trọng với người Nhật sẽ là những điều rất khác biệt. Đối với họ vẻ đẹp sang trọng sẽ là loại bỏ những điều không đẹp đẽ, không sạch sẽ và thô tục. Trong văn hóa của người Nhật, họ đề cao vẻ đẹp này và xem thường những người hay chửi rủa, dùng những lời lẽ thô tục là hành vi bất lịch sự và không thể hiện sự lịch thiệp đều là xấu xí.

Shibui (tinh tế)

Sự tinh tế là một trong những vẻ đẹp thường được người Nhật hướng đến. Người Nhật có quan niệm về sự tinh tế chính là sự đơn giản, nhẹ nhàng và không phô trương quá lố.

Đối với văn hóa của người Nhật, Shibui là một trong những tiêu chuẩn khó theo đuổi nhất bởi ranh giới giữa sự tinh tế và xuề xòa là rất mong manh. Điều đó có nghĩa là “mọi thứ đẹp khi bạn là chính mình”. Ngoài ra, quan niệm vẻ đẹp này còn được chỉ về sự nhỏ nhắn, dễ thương.

Iki (độc đáo)

Sự độc đáo cũng có những vẻ đẹp riêng biệt và đối với người Nhật, độc đáo ở đây phải đi kèm với sự tinh tế mới được xem là vẻ đẹp thực thụ. Đối với những điều quá độc đáo và quá khác biệt đều được xem là sự không thẩm mỹ. Sự độc đáo và vượt trội bất thường sẽ không được xem như là một tiêu chuẩn thẩm mỹ đối với người Nhật.

Jo-ha-kyu (Chậm, tăng tốc, kết thúc)

Jo-ha-kyu có thể hiểu là bắt đầu từ từ, tăng tốc và kết thúc đột ngột. Đây là quan niệm thẩm mỹ được áp dụng trong nghi lễ trà đạo truyền thống của Nhật Bản và được mở rộng sang lĩnh vực võ thuật. Ngày nay, một số các lĩnh vực nghệ thuật khác cũng sử dụng xu hướng Jo-ha-kyu như: Phim ảnh, âm nhạc, quảng cáo.

Yugen (Bí ẩn)

Bí ẩn một quan niệm về vẻ đẹp mang tính trừu tượng và có phần khó hiểu. Trong văn hóa của người Nhật, để tạo thêm phần thú vị cho cuộc sống đôi khi nên giữ riêng cho mình những bí mật, những sự bí ẩn để tạo sự lôi cuốn và điều đó góp phần tạo nên vẻ đẹp cho con người “xứ sở hoa anh đào”.

Geido (kỷ luật và đạo đức)

Nhật Bản – một quốc gia nổi tiếng với sự tôn trọng, kỷ luật vào đạo đức rất cao thì chắc chắn Geido cũng là một trong những tiêu chí và quan niệm tốt để đánh giá vẻ đẹp nhân cách của một người. Người Nhật quan niệm đạo đức và nghệ thuật làm nên sự cuốn hút.

Ensou (Khoảng trống)

Ensou là khoảng không gian thanh tịnh. Nó được đại diện bởi một vòng tròn, còn được hiểu là vô cực. Thật khó để diễn tả điều này. Có lẽ, chúng ta cần dành thời gian và thiền định để hiểu được nó.

Kawaii (Dễ thương)

Kawaii, hay còn gọi là dễ thương, là câu nói cửa miệng của người Nhật. Về nghĩa gốc, nó biểu trưng cho lòng che chở, bao dung, là tình thương đối với những con vật nhỏ bé, những em bé ngộ nghĩnh. Về nghĩa phái sinh, nó gắn liền với phong cách thời trang trẻ như kiểu tóc, cách trang điểm đẹp đẽ được thanh niên Nhật ưa chuộng vào những thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Mặc dù, còn nhiều ý kiến trái ngược nhau, song về cơ bản, phạm trù này đã được xã hội Nhật Bản chấp nhận, bởi tính chất của nó phù hợp với bối cảnh giao lưu, hội nhập văn hóa truyền thống và hiện đại.

Ngày nay, quan niệm về vẻ đẹp của người Nhật trong thời hiện đại đã có nhiều thay đổi. Sự mở cửa và phát triển của Nhật Bản đã du nhập nên những văn hóa nước ngoài. Chính vì vậy, vẻ đẹp thời hiện đại cũng có chút biến đổi. Nhiều quan niệm về cái đẹp dần được mở rộng ra hơn trong văn hóa của người Nhật. Đã có những sự phá cách nhất định và quan niệm về vẻ đẹp khác lạ hoàn toàn so với trước đây. Dẫu vậy thì dù có phát triển đến đâu Nhật Bản vẫn giữ được những vẻ đẹp truyền thống của mình một cách vững bền.

Văn hóa và con người “xứ Phù Tang” còn có rất nhiều nét thú vị và đặc sắc. Hãy du lịch Nhật Bản và khám phá nhé!