Đặt chân đến Nhật Bản, không khó để du khách bắt gặp hình ảnh người Nhật đứng đọc sách ở bất cứ nơi đâu như ga tàu, hiệu sách, quán cafe,… Đó cũng chính là một phần trong nét văn hóa của người Nhật có tên là “Tachiyomi” (立ち読み) – Văn hóa “đứng đọc”.
Nhật Bản là đất nước có chặng đường lịch sử dài với nhiều cuộc chuyển mình thần kỳ. Tuy là quốc gia bại trận trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhưng Nhật Bản đã đứng dậy trên đống tro tàn và một lần nữa dân tộc này lại lập nên kỳ tích vươn mình phát triển trở thành một quốc gia với nền kinh tế phát triển vượt bậc. Động lực cho sự hồi sinh đến kinh ngạc của Nhật Bản không gì khác hơn là đội ngũ trí thức hùng hậu mà đất nước này đã có được từ nhiều thế kỷ theo học phương Tây. Có thể nói, thái độ cầu thị, khiêm nhường và tinh thần ham học hỏi vốn có của người Nhật đã mang lại cho họ một phương tiện vô cùng hiệu quả để tái thiết và dựng xây đất nước – đó là tri thức.
Vì vậy, bất cứ đâu trên đất nước “Mặt trời mọc” như công viên, quán cafe, tàu điện, sân ga, bến đỗ xe bus, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tiệm sách, tiệm bách hóa,… du khách đều có thể bắt gặp người Nhật đang cầm trên tay một quyển sách và say sưa đọc. Họ đọc say sưa không kể tuổi tác dù là người lớn hay những em bé, họ thích đọc ham học hỏi, ham tìm tòi, có sự kiên nhẫn với từng trang sách.
Bởi trong xã hội công nghiệp hối hả như Nhật Bản và tác phong làm việc với khối việc công việc lớn thì thời gian dành cho nghỉ ngơi không nhiều nhưng người Nhật sử dụng vốn thời gian ít ỏi đó cho việc nghiền ngẫm những cuốn sách. Họ tận dụng những khoảng thời gian trống để đọc sách. Và người nước ngoài rất hiếu kì khi bắt gặp cảnh tượng trên một toa tàu mà các hành khách đều im lặng bởi nhiều người trong số họ đang mải đọc một cuốn sách, hay một tờ báo.
Về phần cửa hàng sách, đặc biệt là các hiệu sách lớn tại Nhật Bản, du khách dễ dàng bắt gặp những hàng người đứng ken cứng quanh các kệ sách, đọc chăm chú từ ít phút đến vài giờ. Hẳn nhiên đôi lúc việc đứng đọc nhiều gây nên những bất tiện không đáng có và đồng thời một số người lợi dụng việc này để đọc miễn phí mà không mua sách. Vì vậy, ở một vài chỗ có thông báo với dòng chữ: “立ち読みをご遠慮ください”, có nghĩa “Hãy vui lòng không đứng đọc!”, nhưng đây lại là điều rất hiếm trong các cửa hàng sách ở Nhật Bản.
Nếu có hạn chế, các hiệu sách thường chỉ hạn chế việc “coi cọp” với các đầu truyện tranh hoặc tạp chí màu cỡ lớn bằng cách bọc plastic, tuy nhiên hầu hết các thể loại khác đều được trưng bày bình thường vì người Nhật nhìn chung có thói quen sử dụng và bảo quản đồ dùng, đặc biệt là sách, rất kĩ lưỡng.
Thực tế, đại đa số người thích sách sẽ không nề hà bỏ tiền mua một cuốn để tự sở hữu, nghĩ theo hướng tích cực, Tachiyomi là một cách để độc giả trải nghiệm trước sản phẩm mình quan tâm trước khi quyết định có bỏ tiền mua nó hay không.
Qua thời gian, Tachiyomi không hề mất đi mà chỉ là được “nâng cấp” thành phiên bản hiện đại và đa dạng hơn, tức mở rộng phương tiện dùng để đọc. Ban đầu, người Nhật phát minh ra những cuốn sách nhỏ gọn chỉ tương đương kích cỡ một gang bàn tay, có thể dễ dàng bỏ vào túi xách hay túi áo. Các cuốn sách nhỏ này có cỡ chữ vừa đủ để đọc trong khi các trang giấy được gia công mỏng tới mức một cuốn vài trăm trang cũng có thể nằm gọn trong lòng bàn tay.
Tiếp đến, người Nhật đọc ebook hay nhật báo trên điện thoại. Trong thư viện các trường đại học, không thiếu những tờ nhật báo được cẩn thận gắn trên những tấm biển đứng, và càng không thiếu những người dừng lại đứng trầm ngâm một lúc để cập nhật tin tức nổi bật trong ngày.
Như thế, nghĩ xa hơn thì Tachiyomi thực tế là một phương pháp cập nhật thông tin nhanh và và quy mô lớn, nếu lượng thông tin đó là tích cực thì sẽ quy đổi thành kiến thức hữu ích. Lượng kiến thức mà độc giả thu thập trong khoảng thời gian đứng đọc khi gộp lại có thể bằng nhiều ngày ngồi nhà đọc sách.
Văn hóa “đứng đọc” hay nhìn rộng hơn là thói quen “đứng” của người Nhật đã trở thành một điểm đặc trưng. Nhiều người có thể đứng chờ nhiều tiếng đồng hồ để chơi một trò chơi trong công viên giải trí, có thể đứng trên tàu lắc lư nhưng không tựa hẳn người vào thành tàu cho đỡ mỏi,…
Dần dần, văn hóa “đứng đọc” đã lan sang các lĩnh vực khác, như: “đứng ăn” (Tachigui), “đứng uống” (Tachinomi), “đứng bán” (Tachiuri). Trong đó, Tachigui phổ biến ở nhiều cửa hàng trong các đô thị lớn bởi điều này giúp giảm diện tích trong bối cảnh mật độ dân số quá cao tại các đô thị này. Chưa kể, Tachigui còn mang lại cảm giác ngầm “ăn nhanh để còn đi”. Hẳn nhiên cũng có một số nơi xem Tachigui và Tachinomi như một phong cách thú vị, điển hình là có không ít các quán bar đứng sang trọng và độc đáo tại Nhật Bản.
Có thể nói, người Nhật đã được luyện thói quen đứng từ bé. Việc tập “đứng” phản ánh sự kiên nhẫn nổi tiếng của đại đa số người dân Nhật cả trước đây lẫn bây giờ, hay ở một khía cạnh khác là phản ánh nhịp sống vội vã của người Nhật với phong cách tiết kiệm thời gian tối đa, hoàn thành được nhiều việc hết mức có thể trong khoảng thời gian ngắn nhất.
Vậy là du khách đã có sự hiểu biết thêm về nét văn hóa Tachiyomi ở “xứ Phù Tang”. Nếu du khách muốn khám phá thêm về nền văn hóa đặc sắc của đất nước này, hãy book Tour Nhật Bản của chúng tôi nhé! Chúc du khách có một chuyến đi vui vẻ và đầy thú vị!