Kiến trúc nhà cửa của Nhật Bản từ bao đời nay đều mang đến cho mọi người nhiều bất ngờ đặc biệt và sự thật đằng sau càng khiến nhiều người cảm thấy ngưỡng mộ và tâm phục hơn. Trong nội thất nhà cửa của Nhật Bản, đặc biệt là trong hầu hết các căn nhà truyền thống Nhật Bản đều có tấm chắn cửa Shoji độc đáo.
Trong kiến trúc nhà xưa của người Nhật không thể thiếu tấm chắn Shoji (hay còn gọi là cửa Shoji). Đây là một loại cửa trượt truyền thống của “xứ Phù Tang” giúp tạo nên sự hòa hợp và sự thanh thoát gần gũi giữa kiến trúc nhà ở và kiến trúc cảnh vật xung quanh ngôi nhà của người Nhật.
Tấm chắn Shoji được đưa vào trong căn nhà Nhật Bản để ngăn cách khu vực sống bên ngoài và khu vực sống bên trong, đồng thời vẫn không làm cho căn nhà bị thiếu ánh sáng và ngột ngạt. Cửa Shoji giúp ngăn cách căn phòng với thế giới bên ngoài, tạo cảm giác an toàn và thanh thản đầu óc vào buổi đêm.
Được biết, tấm chắn Shoji có nguồn gốc từ mô hình tấm chăn gập của người Trung Hoa. Tấm chắn Trung Hoa, có lúc được làm bằng giấy, mà chúng ta biết ngày nay có từ thế kỷ thứ 8 sau Công nguyên. Tuy nhiên, cũng có tài liệu cho rằng nó có từ triều đại Zhou (thế kỷ 4 – 3 trước Công nguyên). Cũng thật thú vị khi những bức họa về tấm chắn lại có thể tìm thấy trong các ngôi mộ từ triều đại Han (năm 200 trước Công nguyên – 200 sau Công nguyên).
Ban đầu, cửa Shoji chỉ là một loại cửa cố định, được dán phủ bằng giấy hoặc vải, sau đó, người Nhật đã cải tiến cửa lại theo phong cách riêng, cửa được thiết kế dạng trượt và dùng một loại giấy đặc biệt để dán phủ. Loại giấy này được gọi là giấy Washi có màu trắng đục trông như gạo. Washi truyền thống được làm từ cây dâu tằm (Kozo) và cây bụi (Mitsumata và Ganpi), nó vô cùng đắt đỏ và hiếm vì nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên và được làm thủ công, mãi đến những năm 1960 khi dùng các sợi hóa học để thay thế thì loại giấy này mới có giá phải chăng hơn.
Vật liệu quan trọng còn lại của Shoji là bộ khung cửa (Kumiko), cấu tạo của cửa Shoji tuyệt vời ở chỗ là nó tối thiểu nguyên vật liệu đến thấp nhất (chỉ cần 2 loại), việc còn lại là làm sao để nâng cao hiệu quả của từng loại. Người ta phát hiện ra, khi những mảnh gỗ nhỏ được trộn lẫn với nhau, chúng sẽ trở nên chắc chắn và cứng cáp hơn rất nhiều. Bộ khung cửa bằng gỗ thường được lắp theo các mẫu hình học đơn giản, không chỉ mang lại vẻ đẹp tinh tế mà còn giúp nó chắc hơn và cố định giấy tốt hơn.
Hiện nay, ở “xứ Phù Tang” có nhiều loại cửa Shoji khác nhau, được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau trong đời sống như là: Yukimi Shoji là loại cửa dùng để ngắm tuyết, một phần bên dưới cửa được thiết kế theo dạng cửa gập, khi cần ngắm khung cảnh bên ngoài có thể dễ dàng mở ra và gập lại khi trời quá lạnh nhưng vẫn có thể thấy rõ cảnh vật bên ngoài từ trong nhà. Đây là một ý tưởng hay giúp cho mọi người có thể dành thời gian thưởng thức khung cảnh tuyết rơi, nhìn màu tuyết trắng xóa lặng lẽ phủ khắp mặt đất. Kazari Shoji được thiết kế các chi tiết trang trí lên phần giấy hoặc bộ khung, khi ánh sáng ngoài trời ban ngày hoặc ánh đèn ban đêm chiếu vào, cửa sẽ càng thêm sinh động với các vật trang trí. Cửa bốn phần là loại cửa được chia làm 4 phần, mỗi khung cửa cắt một phần khác nhau của cùng một khung cảnh, nó mang lại cảm giác mới lạ và thú vị hơn so với khung cửa rộng thông thường. Satori no Mado – cửa có dạng hình tròn, là một đặc trưng của phong cách thiền và thể hiện sự giác ngộ, hình cửa tròn gợi ý về hình ảnh một thế giới rộng lớn, một vũ trụ bao la. Mayoi no Mado – cửa có hình chữ nhật, bốn góc đại diện cho 4 giai đoạn không thể tránh khỏi của đời người – sinh, lão, bệnh, tử.
Shoji dùng cho các bữa tiệc trà, làm phông nền cho buổi ca nhạc hay vũ hội, bảo vệ các nghi thức Phật giáo và ngăn cách với những hoạt động bên ngoài ngôi nhà. Kiểu gập của tấm chắn phụ thuộc vào mục đích sử dụng. Ví dụ, tấm chắn gập đôi nhỏ dùng cho tiệc trà trong khi tấm chắn lớn với 8 nếp gấp lại dùng làm phông cho các vũ hội. Ngoài ra, tấm chắn nhẹ và linh hoạt được sử dụng khi cần di chuyển nhanh. Tấm chắn nhẹ nhưng chắc chắn lại được dùng với hàng rào mắt cáo và gỗ cứng, phủ lớp giấy được làm thủ công trong các hoạt động cụ thể và tương tự “Karibari”.
Tấm chắn Shoji được dùng làm cửa ra vào, cửa sổ, cửa nhà tắm và dùng làm tấm ngăn ở mọi nơi với mục đích riêng tư. Vì thế chúng có thể được gọi là tấm ngăn phòng Shoji. Chúng hữu dụng khi được dùng làm vách ngăn văn phòng, cửa tủ, cửa sổ trần nhà và tấm ván đặt ở đầu giường. Với vẻ gọn gàng giản dị, trông chúng rất tự nhiên khi được dùng làm cửa sổ thiết kế đặc biệt.
Tấm chắn cửa Shoji nổi tiếng không chỉ đơn thuần là nét đẹp tinh tế văn hóa truyền thống mà còn là sự yêu thích đặc biệt của các căn nhà ở “xứ Phù Tang” hiện nay. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách hãy khám phá nhiều hơn về những nét văn hóa truyền thống của đất nước này nhé!