Nhật Bản, đất nước có nền văn hóa lâu đời với nhiều nét đẹp độc đáo, trong đó có văn hóa trà đạo. Đây là một nghệ thuật tinh tế, cầu kỳ ẩn chứa cả nghệ thuật sống trong cách thưởng trà.
Trà đạo trong tiếng Nhật là “Sadou” – nghệ thuật thưởng trà được cả thế giới nghiêng mình ngưỡng mộ. Văn hóa trà đạo của Nhật Bản ảnh hưởng từ văn hóa trà Trung Quốc nhưng chứa đựng sự tỉ mỉ, chỉn chu và nghi thức cầu kỳ đặc trưng Nhật Bản.
Trà đạo Nhật Bản bắt nguồn từ Thiền môn Phật giáo
Tài liệu xưa ghi chép rằng, trà Nhật vốn có nguồn gốc từ Trung Hoa. Vào thế kỷ thứ VIII (giai đoạn từ thời Nara đến thời Heian), trà đã được du nhập vào Nhật Bản, tương truyền là do các sứ thần và du học sinh đã mang từ Trung Quốc về. Thưởng trà thời bấy giờ chưa phổ biến và được biết đến là một trong những nghi lễ xa hoa chỉ có trong giới quý tộc.
Đến thế kỷ XII (thời Kamakura), vị cao tăng người Nhật Eisai (1141-1215) sang Trung Hoa để học đạo và đã mang một vài hạt giống trà để trồng tại sân chùa, nhưng ông đã nghĩ đó là thuốc. Đây cũng chính là lý do giải thích cho sự ra đời của cuốn “Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký” (Kissa Yojoki) do ông viết nên, ghi chép về những công dụng của trà. Cuốn sách sau đó được lưu truyền rộng rãi và cũng từ đó việc thưởng trà dần trở nên phổ biến với những vị thiền sư tại Nhật Bản.
Đến cuối thế kỷ XV (thời Chiến quốc), một trường phái đầu tiên về uống trà ra đời với tên gọi là “Wabicha”. Trường phái này do Murata Jukou (1423-1502), học trò của nhà Thiền sư Ikyu (1394-1481) phái thiền Rinzai sáng tạo ra mang hơi hướng của tinh thần và sự giản dị.
Hưởng ứng tư tưởng đó, một người Nhật Bản khác là Senno Rikyu (1522-1591) sống vào giai đoạn cuối thế kỷ XVI (thời Azuchi Momoyama) đã kết hợp việc uống trà với các triết lý Thiền và cũng hình thành ra một trường phái có cách pha và uống trà khác biệt với thông thường. Nước trà của trường phái này có tên gọi là “cha no yuu” và dần dần được trình tự hoá thành một nghệ thuật, được gọi là “Sadou”, nghĩa là Trà đạo. Từ đó đến nay, nghệ thuật này càng được hoàn thiện và phổ biến, trở thành một nét văn hoá đặc trưng của người dân “xứ Phù Tang”.
Trà đạo Nhật Bản không chỉ đơn thuần là phép tắc uống trà
Trà đạo không chỉ đơn thuần là phép tắc uống trà, mà còn là một phương tiện hữu hiệu nhằm làm trong sạch tâm hồn bằng cách hòa mình với thiên nhiên, từ đó tu tâm dưỡng tính để đạt giác ngộ. Tinh thần của Trà Đạo được thể hiện qua 4 từ: “Hòa – Kính – Thanh – Tịnh”.
“Hòa” có thể được hiểu như sự hài hòa giữa Trà Nhân và Trà Thất, giữa những Trà Nhân với nhau, và giữa Trà Nhân với những dụng cụ pha trà. Nó như một sợi dây tạo một mối giây liên kết khăng khít về những hiện hữu tại giây phút hiện tại.
Từ “Kính”, ngoài mặt chữ là sự tôn kính, kính trọng, hay tôn trọng những Trà Nhân, những sự vật hiện hữu tại giây phút trong hiện tại xung quanh, mà nó còn thể hiện một sự trân trọng, biết ơn. Một nghệ thuật sống của sự khiêm nhường, giảm cái tôi và ngã chấp.
Từ “Thanh” là sự thanh khiết, khiết tịnh trong tâm, một cái thâm thánh thiện, hài hòa, khiêm nhường. Và khi Hòa – Kính – Thanh đều đạt được đến một mức độ nhất định thì từ “Tịnh” sẽ xuất hiện.
“Tịnh” ở đây chỉ còn là mặt kết quả, khi tâm hoàn toàn được an trú tại giây phút hiện tại, con người sẽ ý thức được từng cử chỉ, từng hành động, từng lời nói và mọi sự vật xung quanh. Không còn quá khứ, không tương lai, mọi sự chỉ trong giây phút này, tại đây và ngay bây giờ. Con người sẽ đạt đến một trạng thái cao về mặt tinh thần và tâm linh. Một sự an lạc và hạnh phúc thực sự.
Như vậy, với bốn từ “Hòa – Kính – Thanh – Tịnh” như là một thước đo của mỗi Trà Nhân để có thể biết được mình đang ở đâu trên con đường Trà Đạo.
Chính những giá trị vô cùng độc đáo, nhưng đầy giá trị về nhân văn, Trà đạo không chỉ trở thành một nét văn hóa độc đáo của đất nước Nhật Bản, mà nó còn thể hiện một nét văn hóa đầy tính nhân văn ở cấp độ cao của đất nước này.
Nghệ thuật pha và rót trà
Nghệ thuật pha trà đạo rất công phu và tỉ mỉ, người pha cần có sự tập trung cao và hết sức nhịp nhàng, khéo léo.
Dụng cụ pha trà đạo được làm làm từ tre, gỗ, đất nung… với những hình dạng thô sơ và được trang trí rất mộc mạc. Điều này cũng cho thấy sự ảnh hưởng của triết lý tránh sự xa hoa của thiền tông. Dụng cụ gồm có bình thủy tinh hoặc ấm đất sẫm màu để đựng nước sôi pha trà; Ấm trà hoặc một cốc pha trà loại có miệng lớn; Cây Chasen để đánh trà và một muỗng lấy bột trà (hai dụng cụ này được làm tinh tế bằng tre); hai chiếc khăn sạch được gấp sẵn, một cái để vệ sinh bình thủy tinh hay ấm, một cái được dùng để vệ sinh cốc trà.
Loại trà đạo gồm có trà xanh lá và trà bột. Trước đây là lá trà nhưng ngày nay người Nhật đã không có nhiều thời gian và họ muốn pha trà nhanh hơn nên đã xay lá trà thành bột.
Nước pha trà cũng là một quy chuẩn trong trà đạo Nhật Bản. Tuyệt đối không bao giờ dùng nước đang sôi để pha trà. Nước pha trà luôn phải được giữ trong một bình thuỷ hoặc được nấu trong một ấm kim khí không đậy nắp được đun trên bồn than rất yếu để giữ nước luôn ở khoảng 80-90°C.
Trước khi pha trà, người pha phải vệ sinh các dụng cụ sạch sẽ bằng nước nóng và cũng là làm ấm dụng cụ. Sau đó dùng khăn sạch để lau khô các dụng cụ.
Ngay việc cho trà vào ấm pha trà cũng không thể tùy tiện mà phụ thuộc vào từng loại trà khác nhau. Với loại trà ngon cỡ trung bình, người ta thường tính cho một người khách khoảng một muỗng cà phê trà xanh nhưng nếu dưới 3 người khách thì lượng trà sẽ được cho nhiều hơn một chút để tránh quá nhạt.
Đối với loại trà xanh cỡ trung bình, công đoạn “pha trà” được chia thành 3 lần:
Lần thứ nhất: Trà được pha với nước nóng ở khoảng 60°C rồi ngấm trà khoảng 2 phút trước khi rót cho khách. Nước sôi từ bình thủy được rót ra một bình trà khác (hay chén tống) để giảm nhiệt độ trước khi rót vào bình pha trà. Nước pha trà lần đầu luôn được coi là đậm đà nhất, mùi vị trà thấm vào vị giác nhiều nhất.
Lần thứ hai: Trà được pha với nước nóng khoảng 80°C trong khoảng 30-40 giây. Nước được vào ấm pha trà rồi lắc nhẹ ấm và rót ra tách cho khách. Nước cũng được rót qua bình trung gian nhưng nhanh hơn để có nhiệt độ như mong muốn. Đối với những người pha trà quen thuộc, họ có thể điều chỉnh nhiệt độ từ bình thủy rót vào bình pha trà bằng các thủ thuật như rót nước thật chậm, để cao vòi nước trên bình pha trà… Nước trà thứ hai tuy đã mất đi chút ít vị trà nhưng vẫn dậy hương trà thơm ngon tạo nên nét độc đáo của trà xanh Nhật Bản.
Lần thứ ba: Nước pha ở nhiệt độ khoảng 90°C, cũng khoảng 30-40 giây. Sau khi qua các giai đoạn rót vào bình thủy, từ bình thủy rót vào ấm pha trà, nước chỉ còn ở nhiệt độ khoảng 90 độ C nên có thể được rót trực tiếp từ bình thủy vào ấm trà.
Đối với những loại trà ngon đặc biệt, người ta có thể pha trà lần thứ 4 hay lần thứ 5 (cách thức pha như lần thứ 3) mà nước trà vẫn xanh và còn mùi vị. Nhưng đối với những loại trà xanh hạ phẩm, việc pha trà hơi khác một chút: lần thứ nhất, nhiệt độ của nước phải ở khoảng 70-80°C và ngâm trà trong 2 phút; lần thứ hai, nước pha ở nhiệt độ khoảng 90°C, ngâm trà khoảng 1-2 phút; không có lần thứ 3 vì trà đã không còn mùi vị nữa.
Khi pha trà còn cần phải chú ý đến lượng nước pha trà sao cho vừa đủ để mỗi lần rót trà cho khách phải hết trọn vẹn nước trong bình pha trà. Nếu còn sót lại sẽ làm giảm chất lượng của lần uống trà kế tiếp vì sai nhiệt độ và làm mất màu xanh của trà.
Cách rót trà trong trà đạo Nhật Bản cũng là một nghệ thuật. Người rót sẽ lấy một tay cầm quai của bình hay ấm đất pha trà và một tay đỡ phần dưới cùng của ấm rồi rót từ từ. Và điều cấm kị trong nghệ thuật trà đạo Nhật Bản là khi rót trà cho khách không bao giờ rót một lần đầy tách rồi rót tiếp cho người khách kế tiếp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến độ đậm nhạt của nước trà trong mỗi tách cũng như không đều về lượng trà trong mỗi tách. Vì thế các tách trà đều được đặt trong một khay rồi rót lần thứ nhất theo thứ tự 1, 2, 3, 4… với khoảng 30ml (cho mỗi tách, cỡ lớn 70ml), sau đó rót lần thứ hai với thứ tự ngược lại 4, 3, 2,1 mỗi lần khoảng 20ml (sao cho mỗi tách có tổng cộng 50ml nước trà) nếu còn dư chút ít trong bình, nên phân đều cho các tách. Sau đó mới đưa mời khách uống.
Trà thất – không gian kiến trúc Nhật Bản đặc biệt của trà đạo
Trà thất là một căn phòng có kích thước nhỏ dành riêng cho việc thực hiện nghi thức trà đạo và thưởng trà. Đó là một căn phòng đơn sơ giản dị, được làm rất mong manh gợi một cảm giác vô thường và trống rỗng, thường nằm ở một góc vườn. Khu vườn này thường được trang trí đơn giản, chú trọng yếu tố tĩnh tâm nên chỉ tập trung vào các màu nhạt, chỉ điểm thêm một vài cảnh sắc để tạo một nét chấm phá trong khung cảnh thung lũng hay núi non cô tịch, yên bình.
Lối vào phòng nhỏ và thấp, mỗi khi bước vào nhà phải cúi đầu với vẻ cung kín, cẩn trọng, những người võ sĩ đạo thường phải để lại kiếm của mình ở bên. Trên con đường dẫn đến trà thất sẽ có một tiểu cảnh là một tảng đá lớn được khoét thành một cái chén đựng đầy nước từ cành tre rót xuống, mọi người phải rửa tay ở đây trước khi bước vào ngôi nhà.
Căn phòng thường được trải những tấm chiếu tre hoặc thảm rơm được sắp xếp thành hình vuông rất đẹp và trang nhã. Bên trong căn phòng luôn mang bầu không khí lặng lẽ yên ả, không có màu sắc rực rỡ, chỉ có màu vàng nhạt của tấm thảm rơm và màu tro của những bức tường làm bằng giấy, tạo nên một khung cảnh trơ trọi, đượm buồn.
Tokonoma là một góc phòng được bày trí và hơi thụt vào trong vách tường. Tokonoma là một trong bốn yếu tố chủ yếu tạo nên một căn phòng khách của ngôi nhà, khi bước vào một trà thất, mọi người thường quỳ xuống và nhìn ngắm Tokonoma một lát. Thông thường, Tokonoma được trang trí với một bức tranh hoặc một bức thư pháp, một cái kệ nhỏ đựng hoa và một hộp hương trầm. Vào những ngày lễ hay tùy theo mùa mà những gia đình truyền thống ở Nhật sẽ trưng bày các vật dụng theo những chủ đề tương ứng.
Thông thường, hoa thể hiện cho tình cảm của chủ nhà trong một buổi tiệc trà. Hoa sẽ được cắm trong một chiếc bình hoặc một cái lọ mộc mạc, đơn giản được làm từ nhiều chất liệu như từ đồng, gốm cho đến tre, thuỷ tinh… Chabana là phong cách cắm hoa đơn giản và thanh lịch trong Trà đạo. Phong cách cắm hoa Chabana chính là không có bất kỳ qui tắc nào cho chuẩn mực nghệ thuật cắm hoa trong trà thất.
Và trong trà thất đương nhiên không thể thiếu “Kakejiku” – tên gọi cho món đồ, có thể là một bức tranh treo tường, một bức thư pháp hoặc là một bức thư họa. Những bức thư pháp treo tại trà thất thường mang một ý nghĩa sâu xa.
Văn hóa trà đạo qua nghệ thuật thưởng thức
Với trà đạo, người Nhật luôn cải biến tục uống trà khi nó được du nhập từ nước ngoài vào nhằm tạo ra một nghệ thuật uống trà của riêng đất nước mình. Khám phá văn hóa trà đạo mới thấy được trà đạo không đơn thuần chì là phép tắc uống trà mà hơn hết trà đạo là một phương tiện hữu hiệu làm sạch tâm hồn bằng cách thả mình vào thiên nhiên, tu tâm dưỡng tính để đạt giác ngộ.
Nếu như các vị nhà nho của Trung Quốc và Việt Nam thưởng thức trà chậm rãi nhâm nhi từng tí một thì trà đạo của Nhật Bản lại thưởng thức nhanh chóng trái ngược với cách pha trà tỉ mỉ. Uống trà đạo Nhật Bản phải uống thành từng ngụm to đàng hoàng để có đủ lượng nước trà thấm vào tất cả các màng niêm của miệng. Thưởng thức trà đạo luôn có một chút bánh đi kèm để làm gia tăng hương vị của trà. Loại bánh được sử dụng để ăn kèm với trà đạo Nhật Bản nhiều nhất là Wagashi, vị ngọt thanh của Wagashi hòa quyện cùng vị đắng của trà xanh tạo nên một vị khó tả, nhẹ nhàng lâng lâng khó có thể kiếm được ở bất kỳ món ẩm thực nào. Một lưu ý nữa là phải ăn hết bánh trong miệng rồi mới uống trà, lúc ấy mới có thể cảm nhận hết được hương vị độc đáo khi thưởng thức trà đạo Nhật Bản.
Trà đạo là một nét văn hóa truyền thống được lưu truyền bao đời của người dân “xứ Phù Tang”. Chính vì vậy, khi đi du lịch Nhật Bản, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm tinh hoa nghệ thuật trà đạo độc đáo này nhé! Chúc du khách có một hành trình vui vẻ và đầy thú vị!