Văn hoá đi thang máy của người Nhật

Người Nhật đánh giá người khác không chỉ ở cách nói chuyện mà còn quan sát cả cử chỉ, thái độ mà người đó thể hiện ra ngoài. Sở dĩ người Nhật có những thói quen tuyệt vời như vậy bởi những đứa trẻ ở Nhật được dạy dỗ như vậy ngay từ khi chúng bắt đầu nhận thức được thế giới xung quanh. Và văn hóa đi thang máy của người Nhật cũng là một ví dụ điển hình.

Văn hóa đi thang máy của người Nhật không đơn giản chỉ là bước ra bước vào, chọn tầng để bấm, ung dung tự tại muốn làm gì thì làm cho đến khi cửa thang mở ra và tới đúng tầng cần tới. Người Nhật coi việc đi thang máy là một nét văn hóa, cũng như là một thước đo độ văn minh ứng xử của mỗi người mỗi người.

Trước hết, nét đẹp văn hoá này được thể hiện qua hình ảnh của những tiếp viên thang máy. Tại Nhật Bản, ở những cửa hàng bách hóa, trung tâm mua sắm luôn các cô gái tiếp viên thang máy xinh đẹp thân thiện trong bộ đồng phục chỉn chu như tiếp viên hàng không, cùng với những nghi lễ, lễ phép lời chào thân thiện tới hành khách khi sử dụng thang máy. Ở mỗi tầng mỗi khu trọng điểm sẽ được phân công một cô gái xinh đẹp thân thiện chức vụ là “tiếp viên thang máy” với trọng trách bên cạnh thể hiện sự mến khách, ngoài ra tiếp viên thang máy còn có nhiệm vụ cao cả trong việc hướng dẫn hành khách khi sử dụng thang máy đúng cách giúp đỡ những người tàn tật, khiếm thị sử dụng thang một cách dễ dàng giúp họ tự tin hơn khi sử dụng thang không còn mặc cảm hay e ngại khi phải làm phiền tới người lạ. Dường như nững nét văn hóa nơi công cộng ở Nhật Bản như là một chuỗi mắt xích với nhau, những nét văn hóa đó được hình thành từ trong suy nghĩ của mỗi cá nhân vì vậy mỗi hành động từ trẻ nhỏ cho tới người già đều nói lên nét văn hóa cách ứng xử của người dân nơi đây.

Người Nhật được biết đến là dân tộc có lối sống nguyên tắc, họ khá nghiêm khắc với bản thân, con cháu hoặc những người xung quanh nhất là nơi công cộng. Nhiều người thường đùa nhau văn hóa ứng xử của người Nhật được chạy thẳng như một đường ray, nếu chỉ cần đi chệch hướng một chút có thể họ đã bị tách ra khỏi đường ray đó, tạo nên sự đánh giá và thái độ của người bên cạnh với bạn ngay. Chính cách ứng xử đó tạo ra cách sử dụng thang máy rất chuyên nghiệp, ngay từ việc đứng đợi thang máy đã thể hiện rõ ý thức của những con người nơi đây khi luôn được xếp hàng thẳng tắp. Khi đứng đợi thang máy, một hành động vô ý thức đó là dàn hàng đứng chắn trước cửa đợi thang máy. Hành động đúng là đứng tránh ra hai bên cửa thang để người bên trong bước ra trước thì mới vào được. Đứng dịch ra vừa tiện cho việc bước vào thang máy, vừa không làm ảnh hưởng đến tâm trạng của người trong thang bước ra.

Ở những nơi làm việc như cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, các nhân viên luôn phải nắm rõ quy tắc ứng xử trong thang máy để không làm mất lòng sếp. Cụ thể là đi cùng thang máy với cấp trên, người có vai trò thấp nhất (nhân viên) phải ấn nút thang máy và giữ cho cửa thang máy mở cho đến khi cấp trên hoặc khách hàng bước vào an toàn. Khi giữ cửa, phải đứng tư thế nghiêm trang, khuôn mặt nên mỉm cười, đầu cúi chào và nói “Xin mời!” khi khách bước vào. Sau khi cấp trên hoặc khách hàng đã bước vào thang máy, nhân viên phải nhanh chóng bước vào và đứng ở vị trí sát bên bảng điều khiển để chọn số tầng cho từng người. Khi thang máy đến nơi, người có vai trò thấp nhất phải tiếp tục giữ cửa thang máy cho đến khi mọi người bước ra ngoài.

Trong nguyên tắc của người Nhật, bất kể làm việc gì họ cũng đều có phân biệt cấp bậc rõ ràng, ngay cả vị trí đứng trong thang máy cũng cho thấy được ai là người có vai trò quan trọng nhất trong công ty. Theo đó, người có vai trò quan trọng nhất sẽ đứng phía trong bên phải của thang máy (số 1), kế bên là người có vai trò quan trọng thứ 2 (số)… và sau đó là những người có vai trò nhân viên (số 3, 4). Trong số 3 và 4, có thể hiểu số 4 là hậu bối của số 3 hoặc vai trò trong công ty Nhật thấp hơn số 3.

Khi vào trong thang mỗi người luôn tìm vị trí đứng thích hợp để nhường chỗ cho những người vào sau, họ luôn giữ lịch sự khi ở trong thang máy, không gây ồn ào, không cười đùa, không nói chuyện to, không gây ảnh hưởng đến người xung quanh, tất cả mọi người đều thể hiện như nhau không kể người già hay trẻ nhỏ. Cho đến khi bước ra khỏi thang máy cũng có thứ tự, không chen lấn, xô đẩy, họ luôn nhường nhau, đây chính là điểm khác biệt giữa cách sử dụng thang máy của người Nhật và người dân ở các nước khác.

Khi đến với thang cuốn ở đó là những dòng người nối đuôi nhau không có chuyện chen lấn xô đẩy, hàng hóa cồng kềnh… Nếu được dịp tới Nhật Bản, hãy ghé chân tới các trung tâm thương mại và quan sát cách người Nhật đi thang cuốn, du khách sẽ phải thốt lên trong đầu: “Chuyện gì thế nhỉ? Tại sao người ta lại xếp thành một hàng dài và đứng gọn về một phía? Phải chăng ở tầng trên đang có sự kiện gì?”. Rõ ràng chỗ trống vẫn còn rất nhiều, tại sao không ai vượt lên mà vẫn cần mẫn đứng đó xếp hàng? Thực tế, đây là khung cảnh hết sức bình thường và phổ biến tại bất cứ siêu thị hoặc trung tâm thương mại nào tại Nhật Bản. Dù có rất nhiều thang cuốn, dù chẳng có sự kiện nào cần phải xếp hàng thì người dân vẫn luôn đứng sang một bên thang và để trống bên còn lại. Việc này diễn ra một cách nhịp nhàng, đều đặn, trật tự và không hề có ngoại lệ nào, như thể dân Nhật bị “thôi miên” vậy.

Dường như ở cái “xứ sở hoa anh đào” này, tĩnh lặng đã trở thành một quy chuẩn, cũng là cái không khí len lỏi khắp đất nước có nền văn hóa được coi là tinh hoa nhân loại này. Khu mua sắm, khu tàu điện, thư viện, trường học, tất cả đều phảng một nét gì đó có phần hơi lơ đãng, cứ chầm chậm, hiền hòa, chẳng xô bồ, không một chút sỗ sàng. Đến Nhật Bản, đừng vội! Văn hóa sử dụng thang máy của người Nhật thực ra chẳng có gì quá to tát, chỉ là một chút ý thức mà thôi./.