Ý nghĩa cực độc đáo về 6 “Họ” hiếm nhất Nhật Bản

Có thể du khách chưa biết, tại Nhật Bản có đến hơn 120.000 “Họ” khác nhau. Lý do là vì trước đây 80% người Nhật không có “Họ” và sau cải cách Minh Trị, để dễ quản lý, thu thuế, nhà nước đã cho phép họ tự chọn “Họ” của mình.

Trong văn hóa Nhật Bản, “Họ” phản ánh rất rõ nét những đặc trưng về địa vị xã hội, về tôn giáo và quê hương của người Nhật. Dưới đây là ý nghĩa của 6 “Họ” hiếm nhất Nhật Bản:

1. Myouga (440 người)

Myouga có nghĩa là “Gừng” trong tiếng Nhật. Đây là loại gia vị quý tại “xứ sở Phù Tang”, chỉ xuất hiện vào mùa hè và đầu mùa thu hằng năm. Đặc điểm của gừng Nhật Bản là có màu đỏ, hương thơm rất dễ chịu, tương tự như lá bạc hà, được sử dụng rất phổ biến trong các món ăn truyền thống như: súp Miso, mì lạnh,…

2. Jinja (330 người)

Jinja có nghĩa là “đền thờ thần đạo”. Tại nước Nhật có đến 70% dân số theo thần đạo, vì vậy cũng rất dễ hiểu khi rất nhiều người Nhật có họ chứa chữ “thần – 神”, nhưng “Jinja” lại là một Họ cực hiếm gặp.

3. Senjou (120 người)

“Senjou” là từ cổ trong tiếng Nhật chỉ các thầy dạy kiếm đạo. Có thể, tổ tiên của Họ “Senjou” xuất thân là người dạy kiếm đạo. Ngoài ra, theo ký tự Kanji thì cũng có thể hiểu là “Sensei” tức giáo viên, bác sĩ hay những người có kiến thức uyên thâm.

4. Kyoto (90 người)

Thành phố Kyoto rất nổi tiếng ở Nhật Bản, nhưng có lẽ ít người biết rằng cũng có dòng họ mang tên “Kyoto”. Nhiều giả thuyết cho rằng tên gọi của dòng họ này được bắt nguồn từ chính thành phố Kyoto – cố đô một thời của Nhật Bản.

5. Dango (10 người)

“Dango” là dòng họ hiếm và có cái tên độc đáo nhất ở Nhật Bản – “bánh nếp ăn cùng nước tương”. Đây là tên gọi của một loại bánh tương tự như Mochi và là một trong những món ăn được yêu thích, đặc biệt vào dịp Trung Thu tại Nhật Bản. Có lẽ, người lập ra dòng họ “Dango” rất yêu thích loại bánh nếp này chăng?

6. Mikan (10 người)

Với số lượng người chỉ dừng lại ở con số 10, dòng họ “Mikan” cũng được rất nhiều người biết đến với ý nghĩa độc đáo của mình – “Cam Nhật Bản”. Đây là giống cam không hạt, đậm vị ngọt và có một chút chua nhẹ, là một trong những loại quả được yêu thích nhất mùa thu đông ở Nhật Bản.

Có một lịch sử lâu đời về các “Họ” khác nhau ở Nhật Bản, tất cả đều ra đời theo nhiều cách khác nhau. Nguồn gốc của các “Họ” này có thể bắt nguồn từ nghề nghiệp, địa hình, phong cảnh, địa danh và thậm chí cả hướng đi.

Văn hóa “xứ Phù Tang” quả thật có rất nhiều điều thú vị. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách hãy dành thời gian khám phá và trải nghiệm nhiều hơn về nét văn hóa đặc sắc này nhé! Chúc du khách có một chuyến đi vui vẻ!