Nhật Bản được coi là “thiên đường ẩm thực” với vô vàn món ăn ngon, lạ và đẹp mắt được chế biến vô cùng công phu. Chính vì vậy, ẩm thực là một trải nghiệm tuyệt vời mà du khách chắc chắn không thể bỏ lỡ khi đến với “xứ Phù Tang”. Thế nhưng, ít người biết, các nhà hàng ở Nhật Bản thường có bộ quy tắc riêng mà khó có thể tìm thấy ở bất kỳ quốc gia nào khác.
Nhật Bản là một quốc gia rất coi trọng quy tắc ứng xử. Nơi đây có hơn hàng trăm quy tắc ứng xử để du khách có thể học hỏi. Sau đây là một vài quy tắc ứng xử du khách cần lưu ý khi đến nhà hàng Nhật để tránh bị nhận xét là hành động không phải phép:
Cởi giày trước khi bước vào bên trong nhà hàng
Mỗi nhà hàng sẽ có quy tắc khác nhau, một số sẽ cho phép khách hàng đi giày vào, nhưng hầu hết đều có quy định cởi giày trước khi vào. Vì vậy, hãy cẩn thận kiểm tra các quy định trước khi bước vào để tránh bị hiểu nhầm là bất lịch sự.
Hầu hết Izakayas – một dạng quán bar bình dân của Nhật Bản phục vụ đồ uống có cồn và đồ ăn nhẹ – đều có lịch sử truyền thống lâu đời nên họ đều áp dụng các quy tắc về giày dép. Ở một số Izakayas truyền thống, sẽ có nhân viên cất giày vào tủ cho khách. Còn ở những Izakayas bình thường, khách sẽ được nhắc nhở tự cất giày vào tủ.
Vào phòng ăn một cách lịch sự
Quay lưng về phía phòng ăn là vi phạm nguyên tắc nên khi đóng cửa, du khách hãy đứng nghiêng sang một bên. Nếu đã có người ở trong phòng thì du khách nên chào: “失礼いたします” (Shitsureishimasu – Tôi xin thất lễ) trước khi bước vào phòng.
Khi bước vào phòng thì nên lưu ý không giẫm lên ngạch cửa hoặc mép chiếu, vì người Nhật tin rằng có thần linh ngự ở ngạch cửa, nếu giẫm lên nơi thần linh ngự trị thì sẽ không tốt cho gia chủ.
Mang tất khi đến nhà hàng Nhật
Phần lớn nhà hàng Nhật đều không cho mang giày dép vào. Du khách nên đi tất để tránh đi chân trần vào phòng ăn, đặc biệt là những phòng trải chiếu Tatami. Để giải thích cho việc này thì nhiều người nói rằng khi ta đi chân trần giẫm lên chiếu thì những bụi bẩn và mồ hôi trong quá trình đi chuyển sẽ dính vào làm bẩn chiếu. Bên cạnh đó, chiếu Tatami thường được làm bằng chất liệu đặc biệt và khó vệ sinh bằng chất tẩy rửa thông thường. Vì vậy, nếu đã đến nhà hàng Nhật thì tốt nhất là du khách nên mang tất. Nếu không thì du khách phải rửa sạch chân trước bước lên chiếu.
Không giẫm lên đệm ngồi
Tuyệt đối không được giẫm lên đệm. Vì ngày xưa ở Nhật Bản chỉ có những người thân phận cao quý mới được ngồi đệm. Chính vì vậy mà đệm ngồi là vật thể hiện sự mến khách của nhà hàng đối với những vị khách của mình. Nếu giẫm lên đệm sẽ bị cho là một hành động thô lỗ.
Không ngồi lên đệm khi chưa được mời và không lật đệm hay thay đổi vị trí đệm ngồi. Sau khi được mời ngồi, du khách hãy nắm nhẹ hai tay và đặt xuống đệm làm trụ, sau đó trượt đầu gối về phía trước rồi ngồi xuống.
Đặt phụ kiện gọn gàng
Nếu du khách có mang theo túi xách, áo khoác hoặc khăn choàng cổ thì nên sắp xếp chúng một cách gọn gàng rồi đặt chúng ở dưới gầm bàn ăn lớn kiểu Nhật. Nếu món ăn được phục vụ trên bàn thấp thì đặt sang phía bên trái của mình
Ngồi ở đúng vị trí dành cho mình
Người Nhật có quy tắc phân vị trí ngồi khá khắt khe, thậm chí có chút phiền phức đối với những ai đến từ các quốc gia không có quy tắc này. Cụ thể là chỗ ngồi gần với cửa ra vào là hàng dưới, chỗ ngồi gần với hốc tường, hoặc là nơi xa cửa ra vào nhất đối với phòng không có hốc tường là hàng trên. Và một điều hiển nhiên là người có vai vế lớn sẽ ngồi ở hàng trên, vai vế càng lớn thì ngồi càng xa cửa ra vào. Ngược lại, người có vai vế thấp nhất sẽ ngồi ở hàng dưới, nơi gần cửa ra vào nhất.
Lưu ý sau khi đã ngồi vào chỗ mà có người đáng ra nên ngồi hàng trên bước vào, nếu bữa ăn chưa bắt đầu thì hãy khẽ khàng nhường chỗ. Còn nếu đang giữa bữa ăn thì không cần di chuyển.
Không mang đồ ăn ở ngoài vào
Nhà hàng là nơi kinh doanh thức ăn, để thể hiện sự lịch sự, tuyệt đối không mang thức ăn, nước uống mua từ ngoài vào và dùng chúng ngay trong nhà hàng nếu du khách không muốn bị tính thêm tiền phụ thu.
Đồ ăn thường không phục vụ cùng một lúc
Tại các nhà hàng Nhật Bản, đồ ăn chỉ được nấu khi khách hàng gọi nên nếu đó là một món ăn cần thời gian nấu lâu thì đừng sốt ruột, đầu bếp hoặc nhân viên phục vụ sẽ không quên khách. Điều này để đảm bảo các món ăn luôn tươi ngon và nóng sốt nhất có thể.
Món ăn nhẹ tính phí
“Otishi” (hay “Tsukidashi”) là một loại đồ ăn nhẹ thường được mang lên khi thực khách gọi rượu trong các Izakayas, đôi khi chúng cũng được phục vụ cùng nước ngọt. Theo phong tục Nhật Bản, ăn và uống phải đi đôi cùng nhau, nên Otishi dùng để nhắm rượu trong khi đợi đồ ăn chính lên.
Một số món Otoshi điển hình bao gồm: thịt hoặc rau hấp, dưa chuột muối, Salad truyền thống, cá nướng hoặc mì. Nhiều du khách nghĩ rằng món ăn kèm này là miễn phí. Tuy nhiên, chúng có giá khoảng 400 – 700 Yên sẽ được thể hiện trên hóa đơn khi tính tiền.
Ăn thỏa thích không giới hạn với Tabehoudai
Ở Nhật Bản có rất nhiều nhà hàng phục vụ các suất ăn Tabehoudai. Với suất ăn này, thực khách chỉ phải bỏ ra một số tiền nhất định, sẽ được ăn no nê, thỏa thích tương tự như hình thức buffet. Giá vé cho suất ăn này cũng không đắt.
Tuy nhiên, không giống như buffet truyền thống, Tabehoudai quy định khoảng thời gian nhất định để ăn, thường là khoảng 90-120 phút. Hầu hết, Tabehoudai đều phục vụ một loại thức ăn cụ thể, từ Salad, thịt, Sushi và các món ăn Âu – Á khác.
Không sử dụng điện thoại
Người Nhật xem trọng việc giao tiếp và kết thân qua bữa ăn, vì thế một, quy tắc ăn ở nhà hàng Nhật Bản là không sử dụng điện thoại trong bữa. Hành động như vậy được xem là thất lễ.
Không gây ồn ào
Khi dùng bữa tại nhà hàng “ở xứ Phù Tang”, hãy nói chuyện với âm lượng vừa phải, không gây ồn ào. Ngoài du khách ra thì còn có rất nhiều người Nhật khác đến dùng bữa, vậy nên hãy đảm bảo du khách không làm ảnh hưởng đến bữa ăn của họ khi nói chuyện quá to tiếng dẫn đến phiền hà.
Không bỏ thừa đồ ăn
Ở một số quốc gia, các nhà hàng có thể sẵn lòng phục vụ tất cả những món đồ ăn mà khách gọi, không quan tâm đến việc khách có xử lý hết chúng hay không. Tuy nhiên, thật là sai lầm nếu du khách làm điều đó tại các nhà hàng ở Nhật Bản.
Người Nhật coi việc để thừa thức ăn hay gọi thêm đồ ăn mới khi chưa ăn hết đồ sẵn có là bất lịch sự. Điều này liên quan đến một trong những khái niệm cơ bản trong văn hóa Nhật Bản, “Mottainai”, để chỉ cảm giác hối tiếc vì đã lãng phí một thứ gì đó. Đây là một trong những lý do tại sao khẩu phần ăn của người Nhật khá ít, nhằm tránh lãng phí. Tất nhiên, cũng có những lý do bất khả kháng khiến du khách không thể ăn hết số đồ ăn, khi đó chỉ cần giải thích rõ ràng với nhân viên phục vụ.
Nói “Không” với tiền Tip
Văn hóa tiền Tip rất phổ biến ở hầu hết quốc gia trên thế giới. Ở nhiều nơi, tiền Tip là để thể hiện thái độ văn minh và tôn trọng đối với những người phục vụ. Tuy nhiên, Nhật Bản là một trong những đất nước hiếm hoi không chấp nhận tiền Tip ở bất cứ nơi đâu.
Quy định bất thành văn này được áp dụng cho rất nhiều dịch vụ ở Nhật Bản, không chỉ nhà hàng, quán bar mà cả các khách sạn cũng áp dụng. Văn hóa Nhật Bản đề cao sự chăm chỉ, tôn trọng và công bằng. Vì vậy, việc để lại tiền Tip là không cần thiết, đôi khi còn khiến họ cảm thấy khó xử khi cho rằng thực khách đang ám chỉ những người chủ không đưa ra mức lương công bằng.
Ở một số nhà hàng, phí dịch vụ có thể được cộng thêm vào hóa đơn, khoảng 10-15% tổng giá trị. Tuy nhiên, nếu không có phí dịch vụ, thực khách cũng không cần Tip thêm cho họ.
Bài viết vừa rồi đã gửi đến du khách một số quy tắc khi ăn uống tại nhà hàng ở Nhật Bản. Chúc du khách có những chuyến du lịch Nhật Bản và trải nghiệm nhà hàng thật tuyệt vời!