18 sự thật thú vị về Hoàng gia Nhật Bản

Không ồn ào và phô trương, cũng không xuất hiện nhiều như những gia đình Hoàng gia khác trên thế giới, Hoàng gia Nhật Bản luôn giữ cho mình một sự khép kín nhất định, nếu không muốn nói là có phần bí ẩn. Vì vậy, đằng sau cánh cửa cung cấm, Hoàng gia Nhật Bản còn nhiều điều thú vị không được nhiều người biết đến.

Hoàng gia Nhật trị vì lâu nhất thế giới

Nhà Yamato của Nhật Bản là triều đại thừa tập lâu dài nhất trong lịch sử vẫn còn tồn tại. Hoàng gia Nhật Bản công nhận 125 vị Thiên hoàng chính thống kể từ Thiên hoàng đầu tiên là Jimmu (Thần Vũ) bắt đầu vào ngày 11/2/660 TCN cho đến đương kim Thiên Hoàng Naruhito (Đức Nhân).

Kéo dài 2.676 năm, nhưng nếu bỏ qua các vị Thiên Hoàng theo huyền sử thì thời gian trị vì thực sự chỉ khoảng 1.700 năm, tuy thế cũng đủ để xếp Hoàng gia Nhật Bản có thời gian trị vì lâu nhất thế giới. So sánh với Việt Nam, triều đại tồn tại lâu nhất (nếu không tính thời Hồng Bàng) thì là nhà Lý 216 năm (1009-1226) và nhà Hậu Lê 356 năm nhưng bị gián đoạn.

Hoàng gia Nhật Bản là hoàng gia duy nhất phải “nhận lương” của bề tôi

Thời kỳ chiến quốc ở Nhật Bản, các phe phái, lãnh chúa địa phương đánh giết lẫn nhau vô cùng khốc liệt. Tất cả chỉ là vì muốn tranh giành chức vị Shogun. Có một điều khá thú vị là do các Shogun là người nắm hết quyền hành, kể cả việc thu thuế và chi tiêu ngân khố nên thành ra chính Shogun mới là người chi trả các chi phí cho Hoàng gia chứ không phải ngược lại, tức là kẻ bề tôi trả lương cho quân chủ của mình. Theo số liệu từ một vài nguồn tham khảo, một năm Mạc phủ được cấp 50.000 Koku chi phí, còn Hoàng gia chỉ có 2000 Koku.

Thiên Hoàng – “Hoàng đế của Nhật Bản”

Thiên Hoàng (天皇てんのう Tenno), còn gọi là Ngự Môn (御門みかど Mikado) hay Đế (帝てい Tei) là tước hiệu của người được tôn là Hoàng đế ở Nhật Bản. Nhiều sách báo ở Việt Nam gọi là Nhật Hoàng (日皇), giới truyền thông Anh ngữ gọi người đứng đầu triều đình Nhật Bản là Emperor of Japan (nghĩa là “Hoàng đế của Nhật Bản”). Thiên Hoàng là người đứng đầu hoàng gia và là nguyên thủ quốc gia theo truyền thống của Nhật Bản.

Tổ tiên của Thiên hoàng xuất thân là thủ lĩnh bộ lạc Yamato, nên Hoàng gia Nhật Bản còn được gọi là Nhà Yamato. Theo Cổ Sự Ký và Nhật Bản Thư Kỷ, Đế quốc Nhật Bản được Thần Vũ Thiên hoàng sáng lập năm 660 TCN. Tuy nhiên, mốc này được coi là mang tính truyền thuyết hơn là thực tế, vì hiện chưa có chứng cứ khảo cổ khẳng định sự tồn tại của 28 vị Thiên Hoàng đầu tiên. Phần chính sử Nhật Bản có thể xác minh được chỉ bắt đầu với Khâm Minh Thiên hoàng (539-571), Thiên Hoàng thứ 29 theo Danh sách Thiên Hoàng truyền thống. Dù tính theo mốc nào thì Hoàng gia Nhật Bản vẫn là gia tộc quân chủ còn tồn tại lâu dài nhất trên thế giới. Trong suốt lịch sử Nhật Bản, gia tộc Thiên Hoàng chưa từng bị dòng họ khác soán ngôi (có những Thiên Hoàng bị phế truất, nhưng ngôi vị sau đó vẫn được giao cho người khác trong hoàng tộc chứ không bị dòng họ khác đoạt mất), vì vậy Thiên Hoàng hiện nay vẫn là con cháu nội tộc của dòng họ nhà Yamato từ hơn 2.000 năm trước.

Hiện tại, Thiên Hoàng là vị quân chủ duy nhất trên thế giới xưng hiệu “Hoàng đế”, hoàng gia các nước khác chỉ sử dụng danh hiệu “Quốc Vương”. Đương kim Thiên hoàng là Naruhito (徳仁; Đức Nhân), niên hiệu là Lệnh Hoà (令和; Reiwa). Ông lên ngôi vào năm 2019 sau khi cha ông, tức Thiên Hoàng Akihito (明仁天皇, Akihito Tenno) thoái vị.

Thiên Hoàng được xem là con cháu của thần linh và kiêm luôn vị trí giáo chủ của Thần đạo Nhật Bản

Thần đạo là một đạo giáo truyền thống của Nhật Bản và những người thuộc dòng dõi Hoàng gia Nhật luôn luôn theo tôn giáo này vì theo quan niệm, Thiên Hoàng chính là con cháu của vị thần quyền năng nhất trong Thần đạo – Thái Dương Thần Nữ (Thần Mặt trời) nên cũng được xem là thần linh, điều này muôn đời nay, dù xã hội có phát triển đến mức nào thì người Nhật vẫn một mực tin là sự thật. Chưa kể, Thiên Hoàng ngoài vị trí như người đứng đầu nước Nhật ra, còn kiêm luôn vị trí Giáo chủ của Thần Đạo.

Nói thêm một chút về thần đạo Nhật Bản, thì tôn giáo này có tư tưởng khác với những tôn giáo còn lại ở “xứ Phù Tang” ở chỗ không cấm hay buộc con người làm gì, mà chỉ khuyên nên hướng tới sự trong sáng và tránh điều ác.

Thực quyền của Thiên Hoàng

Từ sau Cải cách Minh Trị (1869), Nhật Bản bắt đầu theo chế độ quân chủ lập hiến (vẫn giữ nguyên vai trò của Vua như thời phong kiến những vua sẽ không còn nắm thực quyền mà quyền lực chủ yếu thuộc về quốc hội, chính phủ). Tuy nhiên, trên thực tế cho tới năm 1945, Thiên Hoàng của Nhật Bản vẫn còn quyền lực khá lớn như quyền giải tán nghị viện, tuyên chiến với nước khác, là Thống Soái tối cao của Nhật Bản.

Sau năm 1945, Thiên Hoàng không còn thực quyền mà chỉ là người đứng đầu quốc gia về danh nghĩa. Thiên Hoàng được xem như là biểu tượng của đất nước Nhật Bản và được người dân Nhật tôn kính. Ngoài ra, Thiên Hoàng còn có vai trò là Giáo chủ của Thần đạo Nhật Bản.

Theo Hiến pháp hiện nay của Nhật Bản, nhiệm vụ của Thiên Hoàng được quy định cụ thể như sau: Ban hành các tu chính án Hiến pháp, đạo luật, sắc lệnh và hiệp ước; Triệu tập Quốc hội, Giải tán Hạ nghị viện; Tuyên bố kết quả cuộc tổng tuyển cử Quốc hội; Bổ nhiệm hay bãi miễn các Bộ trưởng, các viên chức theo pháp luật hiện hành, có toàn quyền trong việc uỷ nhiệm thư với đại sứ, bộ trưởng; Thực hiện ân xá, giảm án, hoãn thi hành án, khôi phục quyền công dân; Trao huân chương; Xác định việc Quốc hội chuẩn y các hiệp định quốc tế, các văn bản ngoại giao theo pháp luật hiện hành; Tiếp đón các Bộ trưởng và Đại sứ quốc tế; Đại diện quốc gia trong các buổi lễ long trọng.

Chúng ta có thể thấy vai trò chính của Thiên Hoàng hiện nay giống như những vị đại sứ. Ông thường đi dự những lễ hội truyền thống của đất nước mình, thỉnh thoảng cũng sang nước ngoài gặp các vị lãnh thủ của quốc gia khác tuy nhiên mục đích chuyến đi chỉ là thăm hỏi, không hề có mục đích chính trị gì.

Ngoài ra, những năm gần đây mỗi năm Thiên Hoàng đều dành ra thời gian để đi thăm, động viên những doanh nghiệp đang phát triển và có những cống hiến tốt cho xã hội hoặc ông đi làm từ thiện, hỗ trợ giúp đỡ những vùng bị thiên tai.

Hirohito – Thiên hoàng trị vì lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản

Hirohito (29/4/1901-7/1/1989) là vị Thiên Hoàng thứ 124 của Nhật Bản. Ông làm vua từ năm 1926 đến 1989, có thời gian trị vì dài hơn bất cứ một Thiên Hoàng nào khác trong lịch sử Nhật Bản, và là vị vua cuối cùng ủng hộ sự thần thánh của Thiên Hoàng. Trong cuộc đời ông đã chứng kiến không ít sự kiện quan trọng trong lịch sử nước Nhật.

Mặc dù được biết tới bên ngoài Nhật Bản với tên riêng Hirohito, các tài liệu của Nhật Bản hiện nay chỉ sử dụng tên Thiên hoàng Chiêu Hòa để nói tới ông vì Chiêu Hòa vừa là niên hiệu duy nhất trong thời gian Thiên hoàng ở ngôi, và cũng là thụy hiệu sau khi qua đời của ông. Tại Nhật Bản việc sử dụng tên riêng (Hirohito) để nói tới vị Thiên Hoàng bị cho là một hành động phạm thượng.

Thiên Hoàng Hirohito sống vào thời kỳ đặc biệt quan trọng thứ hai trong lịch sử cận đại Nhật Bản, sau cuộc Duy Tân của Thiên Hoàng Minh Trị năm xưa. Sau chiến tranh, Thiên Hoàng bắt tay vào việc tái thiết Nhật Bản trong khi đất nước bị xâm chiếm. Ngày 3/11/1946, Hiến pháp mới của Nhật được ban bố. Hiệp ước có hiệu lực vào ngày 3/5/1947, đã quy định Thiên Hoàng chỉ là “Biểu tượng của quốc gia, và cho sự hoà hợp của dân tộc”, chứ không có quyền lực chính trị. Công cuộc tái thiết đã khiến Nhật Bản trở thành một quốc gia dân chủ với mức độ đô thị hóa cao và là một trong các quốc gia đứng đầu thế giới về công nghiệp và khoa học kỹ thuật. Sự “thần kỳ” của nước Nhật thời bấy giờ đã khiến cho các nước khác thực sự ngạc nhiên và ngưỡng mộ.

Ngoài ra, ông cũng là một nhà nghiên cứu sinh học thực hiện một số công trình về sinh vật học biển. Ông qua đời năm 1989 và Hoàng thái tử Akihito lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Bình Thành.

Có nhiều Nữ hoàng nhất thế giới

Trong lịch sử thế giới, các triều đại quân chủ từ thời phong kiến cho đến tận ngày nay, thì vị trí đứng đầu giang sơn hiếm khi nào rơi vào tay của nữ giới, kể cả những quốc gia coi trọng phụ nữ như châu Âu đi chăng nữa. Và nếu trong suốt gần hơn 100 triều đại của Trung Quốc chỉ có một vị nữ hoàng duy nhất là Võ Tắc Thiên, hoặc 6 nữ hoàng của Vương quốc Anh hoặc 4 nữ Nga hoàng thì vẫn còn thua với con số 9 nữ Thiên Hoàng của Nhật Bản.

Người phụ nữ đầu tiên nắm giữ vị trí Thiên Hoàng là Thôi Cổ Thiên Hoàng, sau bà là Hoàng Cực Thiên Hoàng, Tề Minh Thiên Hoàng, Tri Thống Thiên Hoàng, Nguyên Minh Thiên Hoàng, Nguyên Chính Thiên Hoàng, Hiếu Khiêm Thiên Hoàng, Minh Chính Thiên Hoàng và Hậu Anh Đinh Thiên Hoàng.

Điều đặc biệt đáng nói ở đây, là thời phong kiến, Nhật Bản cũng như bao quốc gia Châu Á khác chịu ảnh hưởng với quan niệm “trọng nam khinh nữ” nặng nề, vì thế số lượng 9 nữ Thiên hoàng từng trị vì đất nước quả thực khiến người ta bất ngờ.

Thiên Hoàng có truyền ngôi khi đang tại vị?

Thiên Hoàng Akihito sinh năm 1933, năm nay ngài đã 85 tuổi. Trở thành nhà vua của một triều đại đã không còn nắm quyền lực trong tay là một điều không phải ai cũng muốn, và thật dễ hiểu khi Thiên Hoàng Akihito đã lên kế hoạch nhường ngôi trước khi về với Tiên hoàng.

Tháng 8/2016, truyền hình Nhật Bản đã phát sóng bài phát biểu dài khoảng 10 phút của Thiên Hoàng Akihito, trong đó ông có gợi ý là sẽ có thể nhường lại ngôi vị cho con cháu.

Văn phòng quản lý các công việc của Hoàng Cung và cơ quan quản lý cho gia đình vào lúc đó đã nói họ đang xem xét các ý kiến. Đáp lại, cơ quan cầm quyền đã thực hiện điều luật chỉ được dùng duy nhất một lần rằng sẽ cho phép Thiên Hoàng Akihito “nghỉ hưu” vào ngày 30/4/2019.

Thiên Hoàng và con cháu hoàng tộc Nhật Bản không có Họ

Có một sự thật ít ai biết rằng, người Nhật xưa kia vốn không hề có họ mà chỉ có tên. Tuy nhiên, theo chiều dài phát triển của lịch sử thì chính sự gia tăng dân số đã thúc đẩy sự hình thành các dòng họ ở Nhật Bản.

Thời gian đầu chỉ có các quan lại, quý tộc Nhật Bản mới có họ, còn người dân thì không. Và những họ ban đầu của người Nhật chỉ là địa danh, hoặc chức quan, ví dụ như Shinshou Ninagawa chỉ ra rằng tổ tiên sống ở Ninagawa và chức danh là người gác cổng (Shinshou).

Đến thời Duy Tân Minh Trị, để tiện quản lý hộ tịch, Chính phủ Nhật Bản đã đặt ra “Lệnh tên họ”, dùng biện pháp mạnh để người dân thường có họ. Chính vào lúc này người Nhật mới bắt đầu có họ phổ biến hơn, thậm chí một số người Nhật còn vội vàng mà “tự chế” lấy một cái họ kỳ quặc như “Mitarashi” (nhà vệ sinh), “Nojiri” (đuôi thú)…

Nhưng, đến tận ngày nay, vẫn có một trường hợp đặc biệt của Nhật Bản chính là Thiên Hoàng không hề có họ bởi như đã nói, người dân Nhật coi Thiên Hoàng và dòng dõi hoàng tộc là con cháu của thần linh, ai ai cũng tôn sùng và biết đến, vì thế không cần một cái họ để thể hiện phạm vi quyền lực, thế lực, cũng không cần thể hiện chức danh hay quê quán.

Chỉ có trong một thời gian đặc biệt vào thời kỳ Heian (năm 794) kéo dài đến thời kỳ Chiến Quốc thì trong hoàng tộc Nhật Bản có xuất hiện họ, đó chính là những con cháu không đủ khả năng kế vị sẽ được Thiên Hoàng ban cho họ mới để tự phát triển thành chi nhánh của Hoàng gia, và những họ này đến nay đã phát triển thành 4 gia tộc hùng mạnh tại Nhật Bản, đó là Minamoto, Taira, Fujiwara và Tachibana.

Một trường hợp khác là con gái trong Hoàng tộc của Thiên Hoàng được gả đi thì phải theo họ chồng.

Phụ nữ không được truyền ngai vàng

Trong việc thừa kế, Nhật Bản áp dụng và tuân theo Luật Salic. Điều đó có nghĩa là phụ nữ sẽ không được trở thành Thiên Hoàng. Đồng thời, nữ nhân nào trong hoàng tộc kết hôn với người bình thường cũng sẽ trở thành một người bình thường, không liên quan gì đến hoàng tộc nữa. Chẳng hạn, Công chúa Mako hiện đã đính hôn với bạn trai Kei Komuro, một người bình thường, học để trở thành một luật sư. Khi cô kết hôn với anh ta, Mako sẽ chính thức rời khỏi gia đình hoàng gia và trở thành một người bình thường.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ. Trước thời kỳ Cách mạng Minh Trị 1889, từng có 8 công chúa thừa kế ngai vàng từ cha đẻ của mình. Họ được gọi là “Tenno”.

Phải đến sau Cách mạng Minh Trị, các quy tắc kế vị mới được thắt chặt, và Hiến pháp năm 1949 đã xác định lại những tiêu chuẩn cần có để trở thành Thiên Hoàng Nhật Bản.

Có một số lo ngại rằng số người thừa kế là nam đang giảm dần và việc loại bỏ quyền thừa kế của những công chúa kết hôn với thường dân có thể làm cho vấn đề tồi tệ hơn. Lựa chọn vì đó mà sẽ trở nên khó khăn hơn.

Áp lực mang tên “Người thừa kế”

Tư tưởng có người nối dõi tông đường gây ra áp lực vô cùng lớn đối với nhiều người, nhất là trong văn hóa Á Đông. Hoàng gia Nhật Bản cũng không phải ngoại lệ, Hoàng thái tử phi Masako hiểu rất rõ điều này.

Mặc dù Masako và Naruhito kết hôn vào năm 1993 nhưng phải đến năm 2001, cô công chúa nhỏ Aiko mới chào đời, thế nhưng họ vẫn không thể sinh ra một bé trai – người thừa kế trực tiếp của ngai vàng.

Trong 8 năm, Hoàng thái tử phi Masako vẫn hứa hẹn rằng cuối cùng sẽ có một người thừa kế. Sự chờ đợi đã bắt đầu một số tin đồn xung quanh Nhật Bản rằng gia đình Hoàng gia phải dùng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Tờ London Independent là tờ báo đầu tiên đập tan những tin tức này. Nhưng sau đó, vào năm 2007, một nhà báo người Úc tên là Ben Hills đã xuất bản một cuốn sách về công chúa, và ông đã cho rằng tin đồn này rất có thể là thật. Cuốn sách sau đó đã bị cấm ở Nhật Bản vì đã tạo ra những ồn ào xung quanh cuộc sống cá nhân của Hoàng thái tử phi Masako.

Phân chia tầng lớp trong hoàng tộc

Gia đình hoàng gia Nhật Bản thực tế được chia thành 2 tầng khác nhau, 6 thành viên thuộc nội đình, họ là những người được hỗ trợ bởi thuế và làm nhiệm vụ của hoàng tộc, và ngoại đình, bao gồm 13 hoàng tử và công chúa nhỏ.

Đó là nơi các anh chị em của Thiên Hoàng, cùng với các hậu duệ của họ sinh sống. Ngoại đình cũng bao gồm con trai thứ hai của Thiên Hoàng và gia đình của ông, cùng các góa phụ của các hoàng tử và con cái của họ.

Ám sát

Kể từ khi tập hợp được 961 người với nhiệm vụ chính là đảm bảo sự an toàn cho Hoàng gia, rất nhiều lần họ đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Thiên Hoàng Hirohito là một trường hợp như thế, ông đã sống sót sau 3 lần thử thách của cuộc đời mình. Một học sinh cấp tiến tên là Daisuke Namba đã cố gắng giết ông vào năm 1923, nhưng đã thất bại và bị xử tử vào năm 1924. Trước đó, vào năm 1923, một kẻ vô chính phủ tên là Fumiko Kaneko đã cùng với một nhà hoạt động Hàn Quốc tên là Pak Yeol cố gắng ám sát Thiên Hoàng Hirochito. Một nhà hoạt động độc lập Hàn Quốc tên là Lee Bong-chang cùng từng cố gắng hạ sát Nhật Hoàng vào năm 1932 (Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc vào thời điểm đó).

Biệt đội phòng vệ tinh nhuệ bậc nhất thế giới

Là quê hương của các Ninja và Samurai, nên việc Nhật Bản đào tạo một đội quân tinh nhuệ bảo vệ hoàng thất là lẽ đương nhiên. Từ năm 1867 đến năm 1945, gia đình Hoàng gia được bảo vệ bởi một nhóm gọi là Konoe Shidan.

Về cơ bản, Thiên Hoàng sẽ tuyển mộ những người lính tốt nhất có thể tìm thấy, tập hợp họ lại thành một khu quân sự riêng, và tiến hành huấn luyện đội quân này theo những công nghệ chiến đấu mới nhất, tuyệt vời nhất. Đây được coi là một trong những hệ thống an ninh hiệu quả nhất trên thế giới, nhiệm vụ chính là bảo vệ gia đình Hoàng gia, Thiên Hoàng và khu vực sinh sống của Hoàng gia khỏi bất kỳ mối đe dọa nào.

Ở thời điểm thập niên 1870, đơn vị có 12.000 sĩ quan, được đưa vào biên chế và là một phần trong quân đội. Khi Nhật Bản thua trận trong Thế chiến II, Konoe Shidan cũng tan rã, vì Nhật không còn được phép có quân đội nữa. Tuy nhiên, họ được tái lập dưới thẩm quyền của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản hai năm sau đó. Họ được gọi là Cảnh sát Hoàng gia. Có tất cả 961 nhân viên an ninh, công việc của họ là bảo vệ nơi cư trú và tài sản của Hoàng gia.

Kiểm duyệt chặt chẽ

Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản kiểm soát gần như tất cả các thông tin sắp ra về gia đình. Các nhà báo Nhật Bản công tác tại các tòa soạn uy tín, đều thuộc về cơ quan báo chí Nhật Bản.

Nếu họ muốn giữ bí mật, họ phải tuân theo một quy trình thường lệ để báo cáo về gia đình Hoàng gia.

Họ phải gửi bất kỳ câu hỏi nào họ có cho cơ quan này để được chấp thuận, điều đó được hiểu rằng các câu hỏi cần phải nhẹ nhàng và tôn trọng – không có câu hỏi khó cho Thiên Hoàng.

Chính sách kiểm soát chặt chẽ này thực sự tương đối mới. Từ năm 1945 đến năm 1961, báo chí trong nước khá cởi mở về vị hoàng đế của họ. Sau đó, vào những năm 1960, một người cực đoan đã viết châm biếm về các nhà cách mạng “hạ bệ” gia đình Hoàng gia. Những người cực kỳ ủng hộ chủ nghĩa dân tộc và cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản đã phát điên lên, và sau đó, vào ngày 1/2/1961, một thiếu niên đột nhập vào các văn phòng tạp chí nơi cuốn sách được xuất bản và giết một người giúp việc. Sau đó, báo chí trở nên vô cùng thận trọng khi hỏi về gia đình Hoàng gia Nhật Bản.

Thu nhập của Hoàng gia Nhật Bản

Sau khi Thế chiến II nổ ra, hầu hết tài sản của Hoàng gia bị chính quyền Mỹ đang đóng quân tại đây sung công. Các thành viên hoàng tộc không có tài sản riêng mà phải chi tiêu theo đúng quy định. Toàn bộ các số tiền chi cho đi lại, ăn ở, may mặc… đều lấy từ ngân sách nhà nước.

Dù vậy, mức đãi ngộ dành cho các thành viên hoàng tộc vẫn rất cao. Một năm, các mức chi dành cho Hoàng gia vào khoảng 9.519.157.323 Yên. Bên trong hoàng cung có khoảng 1.000 người phục vụ và hàng trăm cảnh sát bảo vệ. Họ sở hữu những loại rượu giá trị, những món đồ cổ vài trăm năm quý hiếm,…

Không ít người thắc mắc tại sao Hoàng gia Nhật Bản lại được đãi ngộ đặc biệt như vậy. Lý do rất đơn giản: Bởi Thiên Hoàng và Hoàng gia là biểu tượng của đất nước.

Hoàng gia Nhật Bản sở hữu những bất động sản nào?

Nhật Bản có một số bất động sản nhà nước trên toàn quốc do hoàng tộc sở hữu và sử dụng. Hoàng cung ở Tokyo là địa điểm nổi tiếng nhất. Đây là nơi Thiên Hoàng và Hoàng hậu lưu trú.

Ngoài ra, còn phải kể đến: Dinh thự Akasaka; một số biệt thự nằm bên ngoài Tokyo dùng để làm nơi nghỉ mát cho các thành viên Hoàng gia (chẳng hạn như Biệt thự Nasu ở tỉnh Tochigi, được xây vào năm 1926 và mở rộng vào năm 1935; Biệt thự Hayama bên bờ vịnh Sagami ở tỉnh Kanagawa; Biệt thự Suzaki sở hữu riêng một bãi biển, nằm ở Shimoda, tỉnh Shizuoka); Hoàng cung Kyoto (với nhiều tòa nhà được xây từ năm 1855, bao gồm hội trường Shishinden, nơi đăng quang của hoàng đế Taishou và hoàng đế Showa. Bên cạnh hội trường là cung điện Omiya, được xây vào năm 1867).

Hoàng gia cũng sở hữu một trang trại trải rộng 2,5 km2 tại các thị trấn Takanezewa và Haga ở tỉnh Tochigi. Trang trại sản xuất thịt, trứng, sữa và rau để Hoàng gia và khách sử dụng.

Của hồi môn

Mỗi khi một thành viên của Hoàng gia bày tỏ mong muốn tự tổ chức một cuộc sống gia đình riêng hoặc khi một công chúa tỏ ý muốn kết hôn với một thường dân thì Hội đồng Kinh tế Hoàng gia sẽ để lại cho thành viên đó một khoản tiền nho nhỏ. Số tiền mà một thành viên nhận được sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh. Ví dụ như công chúa Nori có 152,5 triệu Yên trong tài khoản khi cô kết hôn với một nhân viên đô thị ở Tokyo vào năm 2005.

Hoàng gia Nhật Bản vốn là một gia đình hoàng tộc không thể hiện nhiều với phần còn lại của thế giới. Bởi thế, những điều kể trên chỉ là một phần trong số rất nhiều những sự thật ít người biết về họ. Nếu du khách muốn khám phá nhiều hơn thế nữa, đừng bỏ qua một tour Nhật Bản nhé!