Trong văn hóa Nhật Bản, chú bò đỏ Akabeko là một trong những vật tượng trưng mang lại may mắn cho người có nó. Người Nhật cho rằng những ai sở hữu một chú bò Akabeko sẽ gặp nhiều may mắn và giúp xua đuổi những bệnh tật trong nhà.
Tại “xứ Phù Tang”, chú bò đỏ Akabeko được xem là món quà nhỏ xinh xắn nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa mà người Nhật thường tặng nhau hoặc dùng để làm vật trưng bày, làm móc chìa khóa hay dùng làm đồ chơi cho trẻ em.
Truyền thuyết về chú bò đỏ Akabeko được bắt nguồn từ một chú bò có thật tại vùng đất Aizu thuộc tỉnh Fukushima ở Nhật Bản. Theo đó, vào năm 807, sau khi hoàn thành ngôi đền Enzo-ji, một chú bò được sử dụng trong quá trình xây dựng ngôi đền đã không chịu rời khỏi nơi đây, da thịt nó biến thành đá và được đặt tên là Akabeko (“beko” mang nghĩa là con bò trong tiếng Aizu). Cũng từ đó hình ảnh chú bò màu đỏ trở thành biểu tượng cho sự cống hiến hết mình cho Đức Phật.
Sau khi lãnh chúa Toyotomi Hideyyoshi thống nhất Nhật Bản, năm 1590, ông đã sai người đại diện của mình là Gamo Ujisato tới quản lý khu vực Aizu. Khi tới trị vì nơi này, lãnh chúa Gamo Ujisato được biết đến câu chuyện về chú bò đỏ Akabeko, ông đã yêu cầu các nghệ nhân cùng đi theo đến Aizu từ vùng đất Kyoto làm ra một món đồ chơi theo hình ảnh của chú bò đỏ này. Từ đó, đồ chơi chú bò đỏ được ra đời như một biểu tượng đặc trưng của vùng đất Aizu.
Cũng trong thời gian đó, đất nước Nhật Bản trải qua một trận dịch đậu mùa khủng khiếp. Người dân vùng Aizu nhận thấy rằng, những đứa trẻ có món đồ chơi chú bò đỏ đều không bị nhiễm bệnh, nên người ta tin rằng chú bò đỏ chính là linh vật giúp cho trẻ em tránh được bệnh đậu mùa. Kể từ đó, chú bò đỏ Akabeko càng trở nên phổ biến hơn, được mọi người dân Nhật Bản ưa chuộng tới tận bây giờ.
Để tạo nên chú bò may mắn Akabeko, người Nhật sử dụng nguyên liệu hoàn toàn từ giấy bồi và sơn mài. Chú bò gồm có hai phần chính: phần đầu – cổ và phần thân. Phần thân được làm rỗng bên trong và được gắn với phần đầu – cổ bằng một sợi dây. Khi di chuyển, đầu chú bò sẽ lúc lắc lên xuống hoặc sang phải sang trái rất ngộ nghĩnh.
Các chú bò được làm từ các xưởng thủ công gia đình với kỹ thuật được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Mỗi chú bò Akabeko sẽ được các nghệ nhân thực hiện hoàn toàn bằng tay (thủ công) và phải mất 10 ngày mới có thể hoàn thành.
Bước đầu tiên, nghệ nhân dùng giấy Washi ướt quấn xung quanh hai khuôn gỗ có hình đầu – cổ và hình thân bò, sau đó để khô. Khi giấy đã khô, họ tách hai phần đó làm hai theo chiều dọc con bò để tháo phần khuôn gỗ ra, rồi tiếp tục quấn thêm giấy washi để gắn hai nửa đã tách ra thành hình dáng nguyên vẹn của phần đầu – cổ và phần thân. Bước tiếp theo là phần tô màu trang trí sản phẩm. Các nghệ nhân bắt đầu sơn màu cho chú bò, màu đen sơn trước, sau đó tới màu đỏ đặc trưng rồi vẽ mắt trắng và các họa tiết khác cho chú bò thêm sinh động. Các họa tiết trên chú bò Akabeko cũng mang đặc trưng riêng của từng xưởng làm nên nó, ví dụ như xưởng Igarashi thường viết chữ “Kanji Kotobuki” (寿 – mang nghĩa trường thọ và may mắn) trên lưng chú bò, và vẽ hình mặt trời và mặt trăng ở hai bên, trong khi các xưởng khác lại thêm các họa tiết màu vàng. Cuối cùng chú bò đỏ được khoác lên mình một lớp sơn mỏng. Ngày nay, các chú bò đỏ Akabeko còn được gắn thêm một số vật trang trí với nhiều ý nghĩa khác nhau như lục lạc, búa gỗ, con mắt ác hay một mảnh chiếu, bùa may mắn, thẻ gỗ,…
Trong chuyến du lịch Nhật Bản, nếu du khách muốn trải nghiệm tạo ra những chú bò đỏ Akabeko của riêng mình, hãy thử đến “Ikoi-no-Kan Hotto in Yanaizu”. Ở đây, ngoài các cửa hàng bán đặc sản địa phương, khu ẩm thực, spa miễn phí còn có khu vực dành riêng cho khách tô vẽ lên bức tượng Akabeko có sẵn với giá 800 Yên/con trong vòng tối đa 1 tiếng. Sau khi hoàn thành, du khách sẽ được tặng một chiếc hộp để đựng tác phẩm của mình mang về nhà. Vì Akabeko có hình dạng và thiết kế đơn giản nên vẽ hình là một hoạt động thú vị mà cả người lớn và trẻ em đều rất yêu thích.
Nếu đã có kế hoạch cho chuyến du lịch Nhật Bản sắp tới thì nhớ đừng quên nhìn ngắm những chú bò đỏ Akabeko vô cùng đáng yêu và thậm chí mang một chú về làm quà nhé!