Bóng chày – môn thể thao quốc dân đầy mê hoặc ở “xứ Phù Tang”

Khi nhắc đến thể thao Nhật Bản, hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến Bóng đá, Bóng bầu dục, Bóng chuyền hay Sumo. Thế nhưng, ở “xứ Phù Tang”, môn thể thao được yêu thích nhất lại là Bóng chày.

Bóng chày, được người Nhật gọi là “野球” (Yakyuu), nghĩa đen là “bóng sân”, là một hiện tượng quốc gia ở Nhật Bản. Masaoka Shiki, một trong bốn bậc thầy Haiku vĩ đại của Nhật Bản, đã viết một số bài thơ ca ngợi môn thể thao này. Bóng chày thậm chí còn phổ biến hơn cả môn Sumo truyền thống của “đất nước mặt trời mọc”.

Theo dữ liệu do Dịch vụ Nghiên cứu Trung ương của Nhật Bản công bố vào năm 2018, 48% người được hỏi cho rằng bóng chày là môn thể thao yêu thích của họ. Đấu vật Sumo và bóng đá xếp ở vị trí thứ hai với tỷ lệ khoảng 25% mỗi môn.

Trò tiêu khiển yêu thích của người Mỹ, bóng chày, hiện đã trở nên phổ biến ở Nhật Bản đến nỗi rất nhiều người ở đây còn tưởng rằng bóng chày có nguồn gốc từ quốc gia Châu Á này. Đây là sự kiện thể thao được nhiều người tham dự nhất trong cả nước Nhật và là sự kiện thu hút đông đảo người hâm mộ từ mọi tầng lớp.

Lịch sử bóng chày ở Nhật Bản

Bóng chày du nhập vào Nhật Bản vào năm 1872 bởi một giáo viên tiếng Anh người Mỹ tên là Horace Wilson, người đã giảng dạy tại Học viện Kaisei Tokyo. Đó là đầu thời kỳ Minh Trị (1868-1912), thời kỳ mà việc áp dụng các phong tục và tập quán từ phương Tây rất thịnh hành.

Môn thể thao này đã không phổ biến trên toàn Nhật Bản cho đến khi Thế chiến II kết thúc. Trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng Nhật Bản, các lính Mỹ đã quảng bá rất nhiều cho môn thể thao này. Các huyền thoại bóng chày như: Babe Ruth, Lou Gehrig và Joe DiMaggio đã thành lập một giải đấu All-Star và thi đấu với các cầu thủ địa phương Nhật Bản.

Bất chấp việc các cầu thủ Nhật Bản thua cuộc, cảnh tượng này đã tạo nên sự chấn động trên khắp đất nước. Điều đó đã khiến người Nhật cải thiện cấu trúc giải bóng chày nghiệp dư của họ và dẫn đến việc thành lập một giải đấu bóng chày chuyên nghiệp vào tháng 12/1934. Đội bóng chày đầu tiên của Nhật Bản, Tokyo Giants, ban đầu được đặt tên là “Câu lạc bộ Dainippon Tokyo Yakyu” đã chơi trận đấu chuyên nghiệp đầu tiên của họ ở Nagoya vào tháng 2/1936. Tuy nhiên, bóng chày chỉ được công nhận rộng rãi sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trở thành môn thể thao đồng đội phổ biến nhất của đất nước kể từ đó.

Cũng trong suốt thời gian môn bóng chày phát triển ở Nhật Bản, nó đã có nhiều sự thay đổi, chẳng hạn như bóng chày của Nhật là có thể chấp nhận tỉ số hòa, nhưng Mỹ thì ngược lại. Theo luật bóng chày của Mỹ nếu không có tỉ số chênh lệch, họ sẽ bắt buộc phải tổ chức thêm các hiệp phụ cho đến khi tìm được đội chiến thắng. Nhật Bản sử dụng loại bóng và gậy nhỏ hơn so với Mỹ. Hơn nữa, việc khiêu khích đối thủ không được ủng hộ ở Nhật Bản, dù điều này khá phổ biến ở Mỹ. Những sự thay đổi này là để phù hợp với văn hóa và xã hội Nhật Bản, nhưng dù thay đổi thế nào thì tinh thần thể thao vẫn luôn được đề cao.

Những phẩm chất có trong bóng chày Nhật Bản

Những chuyên gia đã chỉ ra rằng các đặc điểm chính của trò chơi hấp dẫn này là đạo đức làm việc của người Nhật. Bóng chày phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần đồng đội, sự kiên trì và kỷ luật, đó là những phẩm chất mà người Nhật tôn sùng.

Lòng trung thành cũng là một đặc tính được đánh giá cao trong môn thể thao này. Các cầu thủ bóng chày Nhật Bản có xu hướng thi đấu cho duy nhất một đội trong suốt sự nghiệp, mặc dù đôi khi có những cầu thủ được mời chơi tại giải nhà nghề của Mỹ, ví dụ như ngôi sao Nhật Bản Ichiro Suzuki, người đang giữ kỷ lục ấn tượng đánh trúng bóng 262 lần trong một mùa giải tại Mỹ, và một tân binh tên là Shohei Ohtani hiện đang làm dậy sóng tại Mỹ.

Luật bóng chày

Một trận bóng chày gồm có 9 hiệp và không bị giới hạn thời gian như bóng đá. Sau 9 hiệp đó, đội nào có nhiều điểm hơn thì sẽ chiến thắng. Trong từng hiệp, mỗi đội sẽ có hai lượt: tấn công và phòng thủ. Số trọng tài trong mỗi trận không cố định, tuy nhiên thường mỗi trận bóng sẽ có 4 trọng tài, và con số này có thể tăng lên nếu đó là những trận đấu quan trọng.

Mỗi lần thi đấu gồm có 2 đội, mỗi đội 9 người. Trong đó, có một người bắt bóng và một người ném bóng là cố định. Những cầu thủ còn lại thì chạy trên sân để bắt bóng.

– Cầu thủ ném bóng (Pitcher): Đây là cầu thủ giữ vai trò quan trọng nhất trong đội. Họ sẽ đứng đối diện và ném thẳng về phía cầu thủ bắt bóng. Người ném bóng cũng được coi là một cầu thủ sân trong.

– Cầu thủ bắt bóng (Catcher): Nhiệm vụ chính của họ là chụp và ném trả bóng lại cho pitcher, cố gắng ngăn không cho những cầu thủ đang chạy trên sân bắt được bóng và mang về sân nhà để ghi điểm.

– Cầu thủ thứ nhất (First baseman): Với nhiệm vụ là chụp được những trái bóng ném ra từ đồng đội sân trong, nó khá là đơn giản so với các nhiệm vụ của cầu thủ còn lại.

– Cầu thủ thứ hai (Second baseman): Vị trí này đòi hỏi cầu thủ cần có nhiều kỹ năng để có thể bảo vệ second base.

– Cầu thủ thứ ba (Third baseman): Dù chỉ với nhiệm vụ bắt bóng nhưng vị trí này lại được tăng độ khó lên khi phải ném lại bóng cho cầu thủ thứ nhất và thứ hai.

– Cầu thủ trung tâm (Shortstop): Với trình độ phòng thủ tốt nhất trong đội bóng, đây là vị trí đòi hỏi tính chính xác và độ nhanh nhạy cao.

– Cầu thủ ngoài sân cánh phải (Right fielder): Đây là cầu thủ với nhiệm vụ phòng thủ phía ngoài sân đứng ngay sau cầu thủ thứ hai của đội bóng.

– Cầu thủ ngoài sân cánh trái (Left fielder): Với nhiệm vụ khá giống với cầu thủ ngoài sân cánh phải, họ chỉ khác vị trí là đứng bên ngoài sân trái và đứng sau cầu thủ trung tâm.

– Cầu thủ ngoài sân trung lộ (Center fielder): phòng thủ vị trí giữa sân phía sau cầu thủ thứ hai, thường là cầu thủ chạy nhanh nhất trong 3 cầu thủ ở ngoài sân.

Giải đấu chuyên nghiệp và Giải vô địch trung học

Hằng năm ở Nhật Bản có đầy đủ các giải thi đấu bóng chày, từ các giải đấu chuyên nghiệp cho đến những giải đấu của học sinh ở các trường trung học. Dù là giải đấu nào thì cũng được thu hút nhiều người xem và đến cổ vũ. Bóng chày chuyên nghiệp của Nhật Bản như chúng ta đã biết được thành lập từ những năm 1950. Bóng chày Chuyên nghiệp Nhật Bản bao gồm hai giải đấu, Pacific League và Central League, mỗi giải có sáu đội. Các đội liên minh lớn thuộc sở hữu của các tổ chức công ty khác nhau. Central League bao gồm những chú Rồng của Tokyo Chunichi, Những chú hổ Hanshin của Osaka, Những chú Nhạn Yakult và Những Người khổng lồ Yomiuri của Tokyo, Những Ngôi sao Vịnh Yokohama và Cá Chép Hiroshima. Pacific League bao gồm Osaka’s Kintetsu Buffaloes, Tokyo’s Nippon Ham Fighters, Kobe’s Orix Blue Wave, Tokorozawa’s Seibu Lions, Fukuoka Daiei Hawks và Chiba Lotte Marines.

Bắt đầu từ đầu tháng 4, các đội tham gia 130 trận đấu tại thành phố quê hương của họ và các thị trấn trong khu vực mà không có đại diện của các đội chuyên nghiệp. Sau đó, các nhà vô địch ở các giải đấu đó sẽ cạnh tranh chức vô địch quốc gia cuối mùa giải vào tháng 10. Tất cả các trận đấu này đều được phát sóng trên toàn quốc và thu hút hàng chục triệu khán giả.

Bóng chày cũng rất phổ biến ở cấp trung học Nhật Bản. Kể từ năm 1915, các cầu thủ bóng chày trung học đã tham gia vào các giải vô địch quốc gia được tổ chức vào tháng 4 và tháng 8 hàng năm. Khoảng 4.000 đội tham gia giai đoạn đầu và các đội hàng đầu từ 47 quận của đất nước sẽ tụ họp tại Hyogo cho giải đấu Koshien kéo dài 10 ngày. Không giống như ở Mỹ, nơi các trận đấu bóng chày dành cho học sinh trung học chỉ thu hút vài trăm khán giả, các trận đấu ở trường trung học Nhật Bản thu hút hàng triệu khán giả và được phát sóng trên toàn quốc. Những người chơi xuất sắc nhất trong các giải đấu này sẽ thu hút được sự chú ý và trở thành những người nổi tiếng chỉ sau một đêm. Các đội chuyên nghiệp cũng triển khai tuyển trạch viên theo dõi và tuyển chọn những cầu thủ mới tốt nhất vào vòng đấu chuyên nghiệp.

Hòa mình vào một trận bóng chày

Vé thường có giá từ 3.000 Yên đến 10.000 Yên (tương đương 27-90 USD), có thể mua tại sân vận động vào ngày thi đấu (mặc dù có thể hết vé cho các trận cuối tuần và ngày lễ). Mua vé trực tuyến cũng phổ biến, hầu hết các trang bán vé đều bằng tiếng Nhật.

Các trận bóng chày của Nhật Bản được đánh giá rất thu hút, ngay cả những người không theo dõi môn thể thao này cũng sẽ thấy rất hào hứng khi xem.

Ngoài sân cỏ, bóng chày ở Nhật Bản không chỉ là một môn thể thao dành cho khán giả. Mỗi trận đấu đều dành riêng một khu vực rộng lớn dành cho đội cổ vũ. Các đội cổ vũ thường có đồng phục riêng cho các thành viên nam và nữ, có người dẫn dắt đứng đầu với nhiệm vụ chính là khích lệ khán giả cổ vũ cho đội nhà, mang lại sự nồng nhiệt cho trận đấu. Họ thường được tập hợp thành từng đội với trang phục đồng nhất, gợi cảm, tay cầm chùm hoa, nhảy múa theo các vũ điệu đã được tập dượt thành thục hoặc theo các tình tiết phát sinh trong trận thi đấu.

Sự vui vẻ với một chút say sưa là một yếu tố khác tạo nên sự náo nhiệt trong những trận đấu bóng chày. Trên khán đài, thường có những người phụ nữ đi bộ qua khắp các hàng ghế với những chiếc thùng nặng trĩu bia lạnh và các loại rượu bán cho khán giả. Khán giả cũng được khuyến khích mang theo đồ uống và thực phẩm, nhưng phải sử dụng cốc do sân vận động cung cấp.

Bóng chày – một phần văn hóa của người Nhật

Với một đất nước có tỷ lệ béo phì thấp nhất thế giới, từ khi còn nhỏ, việc chú trọng vào thể thao cho con trẻ được các bố mẹ Nhật đặc biệt quan tâm. Bóng chày là một sự lựa chọn ưu tiên khi các em đã quen với những bài thể dục hàng ngày. Bóng chày cũng được đưa vào giảng dạy như một môn học chính thức bắt buộc tại Nhật Bản từ cấp tiểu học. Không chỉ vậy, kể cả những người đã có tuổi, đây cũng là một môn thể thao không thể thiếu mỗi khi rảnh rỗi.

Các giải đấu được tổ chức thường xuyên ở khắp nơi trên cả nước từ cấp trung học cho tới cấp đại học. Hầu như tất cả mọi người đều thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối dành cho đội bóng đại diện cho tỉnh của họ khi được tham gia các giải vô địch toàn quốc. Người Nhật đã coi bóng chày trở thành một phần văn hóa của họ, rất khó để tách tình cảm mà người hâm mộ bóng chày Nhật Bản dành cho đội của họ với tình yêu của những thành phố mà các đội này đại diện. Do đó, khi du khách đi bộ xuống phố, du khách có thể nhận ra màu sắc của các đội bóng chày địa phương hầu như ở khắp mọi nơi. Bên cạnh đó, du khách sẽ bắt gặp các cửa hàng bán áo đấu, móc chìa khóa, cờ hiệu, bóng chày có chữ ký và lịch đều được trang trí bằng biểu tượng của đội bóng chày của thành phố. Không chỉ các đội chuyên nghiệp mới có lượng người hâm mộ trung thành. Du khách thường có thể thấy mọi người ngừng các hoạt động bình thường của họ và đổ xô đến sân chơi bóng, nghe đài hoặc xem truyền hình bất cứ khi nào một đội bóng thiếu niên ít được biết đến thi đấu. Họ có thể chưa bao giờ nghe nói về đội bóng đó cũng như họ làm điều đó đơn giản vì họ yêu thích bóng chày. Không chỉ có các chàng trai mà ngay cả người già và các cô gái Nhật Bản cũng thường xuyên luyện tập bóng chày. Vì thế, các sân bóng chày còn dễ dàng tìm thấy hơn rất nhiều so với sân bóng đá mini như tại Việt Nam.

Người Nhật yêu bóng chày, đến mức đem nó vào cả Manga. Những bộ truyện này được hưởng ứng rất nhiệt tình, không lấy làm lạ khi các bộ truyện tranh bóng chày huyền thoại như: Captain, Touch, Major,… từng làm chao đảo thị trường Manga Nhật Bản trong một thời gian dài.

Ở Nhật Bản, các cậu con trai thường nói đùa với nhau rằng: “Nếu không biết chơi bóng chày thì sẽ khó tìm được bạn gái, nếu bạn chơi bóng chày giỏi thì sẽ có rất nhiều cô gái theo đuổi bạn”. Nhiều cầu thủ bóng chày nổi tiếng, từng chơi cho các đội bóng nước ngoài và đạt được nhiều danh hiệu như: Ichiro Suzuki, Shohei Ohtani, Hideki Matsui trở thành những thần tượng trong lòng nhiều người Nhật. Họ cũng được coi là biểu tượng của tính cách con người Nhật Bản, mang văn hóa Nhật Bản ra thế giới.

Qua bài viết, hi vọng giúp du khách biết nhiều hơn về môn Bóng chày được người Nhật yêu thích và những nét văn hóa truyền thống của “xứ sở hoa anh đào”. Nếu du khách muốn khám phá nhiều hơn, hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Nhật Bản nhé!