Nghệ thuật Bonsai Nhật Bản là một biểu tượng trong giới nghệ thuật mà bất cứ ai có hứng thú về làm đẹp các loại cây đều phải trầm trồ trước vẻ đẹp tinh tế của nó. Nghệ thuật Bonsai không đơn giản là cắt tỉa các cành cây, lá hoa mà đặc biệt hơn chính là sự khéo léo trong cách uốn nắn và làm đẹp cả thân và rễ cây.
“Bonsai” (Bồn Tài) là thuật ngữ được dùng để chỉ nghệ thuật trồng cây cảnh trong chậu của “xứ sở Phù Tang”, được tạo hình theo dáng vẻ thanh nhã trong quá trình chăm sóc. “Bon” – “bồn” mang nghĩa là cái chậu để trồng cây trồng hoa và “sai” – “tài” có nghĩa là cây con, cây cảnh, nên Bonsai được hiểu là kỹ thuật trồng cây con trong chậu. Vốn chỉ đơn giản là làm vườn trồng cây nhưng càng về sau thì được nâng tầm lên thành một bộ môn nghệ thuật Bonsai Nhật Bản nổi tiếng khắp thế giới. Người trồng cây cảnh Bonsai thường cắt tỉa bằng các dụng cụ đơn giản như kéo tỉa, ống sắt, kẽm,… để tạo dáng cây trong suốt quá trình trồng.
Theo nhiều tư liệu, nguồn gốc ra đời của loại hình nghệ thuật Bonsai xuất phát từ Trung Quốc, phát hiện đầu tiên về cây Bonsai vào năm 1972 trong lăng mộ của hoàng tử Zhang Huai – đời nhà Đường (618-907 SCN). Sau đó du nhập vào Nhật Bản và Hàn Quốc, nghệ thuật Bonsai được phát triển rộng rãi nhất ở Nhật Bản, người dân đã phát hiện trên núi có những cây có kích thước bé, mọc hoang dã trên rừng, chúng có sức sống cực kỳ mãnh liệt dù trong điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, họ đã đem những loại cây ấy về cho trồng trong chậu và cắt tỉa chúng. Dần dần, được người Nhật nâng tầm lên thành một bộ môn nghệ thuật thanh tao và đến nay thì được biết tới là đặc trưng của đất nước Nhật Bản. Chỉ cần nhắc đến Bonsai thì người ta sẽ nghĩ ngay tới hình ảnh những chậu cây được cắt tỉa đẹp mắt mang hình dáng uốn lượn uyển chuyển tinh tế như chính người tạo ra nó. Khi xưa, nghệ thuật Bonsai là một bộ môn chỉ dành cho những người quyền quý, có thời gian và óc thẩm mỹ chăm bẵm lâu ngày mới tạo nên được một chậu cây có dáng vóc độc đáo.
Hình ảnh những chậu Bonsai đầu tiên xuất hiện trong tranh Kasugaaongen – gengi của tác giả Takakane Takasshina vẽ vào năm 1309 ở đền Kasuga vào thời Kamakura (1192-1333). Đây được xem như là tuyệt tác tranh vẽ mở đầu, xuất hiện hình ảnh nghệ thuật Bonsai Nhật. Thêm vào đó, nghệ thuật tuồng cổ Nô của Nhật với tên gọi là “Hachi – no – ki” được hiểu là cây trong chậu cũng đã nâng tầm giá trị cho nghệ thuật Bonsai Nhật Bản.
Nhật Bản được biết đến là nơi phát triển nghệ thuật Bonsai nhất, tuy nhiên theo lịch sử, sự thịnh hành về một thú vui cây cảnh Bonsai cũng chỉ bắt đầu nổi bật vào giai đoạn Heian (794-1185 SCN) và Kamakura (1185-1333 SCN) thông qua các nhà sư Phật giáo. Vào thời Thất Đinh – Muromachi (1334-1573) thì ảnh hưởng sắc thái Thiền nên Bonsai thời điểm này cũng nhỏ hơn và thường được trưng bày trong nhà để thưởng thức. Theo lịch sử trải dài của bộ môn nghệ thuật Bonsai thì thời kỳ hoàng kim của Bonsai phải kể đến là thời Giang Hộ – Edo với triết lý Phật giáo hòa cùng bản ngã tự nhiên. Bonsai thời điểm này cũng mang nhiều kỹ xảo hơn, tinh tế hơn và kín đáo, trầm mặc hơn rất nhiều. Cho đến thời Minh Trị thiên hoàng (1868-1912) thì người Nhật bắt đầu dùng dây thép uốn nắn để có được thân cây uyển chuyển như mong muốn. Cũng chính thời điểm này nghệ thuật Bonsai Nhật Bản vươn tầm cao mới, nhận được sự ngưỡng vọng của các nước phương Tây và thế giới.
Đỉnh cao của nghệ thuật Bonsai Nhật Bản là vào năm 1914 một cuộc triển lãm cây cảnh Bonsai đầu tiên được tổ chức tại thủ đô Tokyo tạo nên tiền lệ mỗi năm đều tổ chức kể từ năm 1934. Càng về sau, nghệ thuật Bonsai Nhật Bản càng được nâng cao và tạo nên những bước biến chuyển khác biệt hơn mỗi ngày.
Không chỉ nhận được sự công nhận của cả thế giới mà nghệ thuật Bonsai Nhật Bản còn quy tụ được nhiều nghệ nhân quyết tâm theo con đường này. Với họ, Bonsai mang một hơi thở riêng biệt mà chỉ có những người đam mê và yêu thích mới cảm nhận hết được tinh túy của nó.
Những chậu cây Bonsai nhỏ xinh được kết hợp những yếu tố mang sắc thái Thiền vào việc tạo hình. Mỗi tác phẩm Bonsai đều mang một ý nghĩa và ẩn chứa một câu chuyện rất thú vị. Điểm đặc biệt ở đây chính là việc những chậu cây Bonsai luôn mang một vẻ đơn giản nhưng lại luôn gợi sự hình dung, trí tưởng tượng cho người chiêm ngưỡng chúng. Người Nhật vốn rất yêu thiên nhiên. Do đó mọi thứ trong cuộc sống của họ, những suy nghĩ riêng hay những đề tài tôn giáo đều trở thành nguồn cảm hứng để họ tạo nên những chậu Bonsai độc đáo.
Nghệ thuật Bonsai Nhật Bản mang dáng vẻ của tinh thần nước Nhật với triết lý, tôn giáo, thẩm mỹ hòa hợp và bổ trợ cho nhau. Ngay cả tín ngưỡng Thần Đạo – Shinto của Nhật cũng đề cao sự hòa hợp, gần gũi với thiên nhiên. Và trong triết lý thiền nơi mà bất toàn (wabi – sabi), lại chứa đựng tính thiêng (kami), hợp thành cảm hứng cho bonsai phát triển, cái bất đối xứng, trái quy luật của cây lại bên ngoài dư ẩn bên trong sự linh thiêng, thần tính… Chính vì thế, muốn hiểu được nghệ thuật Bonsai thì phải học và hiểu hết từng giá trị cốt lõi của nó mới mong hòa nhập được với loại hình nghệ thuật cao cấp này.
Theo các nghệ nhân tạo dáng cho cây cảnh Bonsai thì thường uốn theo 5 thế cơ bản rồi về sau mới tạo nên nhiều thế ấn tượng khác mà đến nay chúng ta có thể thưởng thức sự đa dạng của nghệ thuật Bonsai Nhật. 5 thế cơ bản bao gồm: Chokkan (thẳng đứng), Moyogi (thẳng đứng phóng khoáng), Shakan (nghiêng), Kengai (thác đổ) và Han Kengai (bán thác đổ). Mỗi thế đứng của cây sẽ mang một ý nghĩa khác nhau và cách tạo thế cũng khác nhau, tùy vào ý đồ thể hiện mà người nghệ nhân sẽ chọn thế hợp nhất. Càng về sau, óc sáng tạo đỉnh cao của các nghệ nhân cho ra đời thêm nhiều thế độc đáo và khó hơn như: Sekijoju (rễ phủ trên đá), Ishizuke (rễ trong đá), Hokidachi (chổi), Windswept (bạt phong), Ikadabuki (song thụ và tam thụ), Clump style (thế lùm), Bunjin-gi (văn nhân), Weeping style (thế cành rủ), Dead wood (thế gỗ mục), Yose Uye (nhóm cây hay rừng),…
Ngoại hình của những chậu cây Bonsai Nhật thì phải xét đến 4 yếu tố quan trọng nhất là: bộ gốc rễ, thân cây, cành lá, hoa của cây cảnh. Rễ cây: theo quan niệm người Nhật thì đây là cội nguồn của sự vững chãi. Một cây Bonsai đẹp cần phải có một bộ rễ to, khỏe và chắc chắn. Bộ rễ cần phải nổi bật như kiểu nhô cao khỏi mặt đất, bám vào một phiến đá… Thân cây: Đây là bộ phận trụ cột, chống đỡ cho cả cây, thân cây càng già thì càng có giá trị. Các nghệ nhân có thể cắt nhiều vết trên thân cây để tạo sự già cỗi cho thân cây. Cành lá cây: Một bộ phận không thể thiếu trong Bonsai. Lá cây, tán cây không được phép che hết phần thân cây. Hoa hoặc quả: Đối với những loại cây Bonsai ít lá mà thường có hoa với quả thì việc màu sắc của hoa hay quả là yếu tố quyết định. Những cây có hoa và quả màu đỏ thường được nhiều người chơi Bonsai yêu thích.
Vào thời kỳ sơ khai thì những loại cây quý và tuổi thọ cao thường được chọn như tùng, si, bách, đa… Những nghệ nhân lớn tuổi và có tuổi đời gắn bó với Bonsai lâu năm hơn thì những chậu Bonsai thực sự đẹp phải mang nét cổ kính, già, nét hoang sơ kết hợp dịu dàng tạo nên sự rung động ngay khi ngắm nhìn. Tuy vậy nhưng càng về thời kỳ phát triển của nghệ thuật Bonsai Nhật thì những loại cây khác cũng được chọn làm chứ không nhất thiết là cây quý thì mới được. Theo các nghệ nhân này thì kỹ thuật và tâm huyết sẽ giúp họ tạo ra được một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có một không hai.
Những chậu Bonsai cứ thế vươn mình hưởng thụ khí trời qua bốn mùa, đứng hiên ngang như chưa từng chịu đau đớn của sự uốn nắn bao năm tháng khiến người xem phải tĩnh tâm ngắm nhìn. Chẳng trách sao người Nhật lại đam mê bộ môn nghệ thuật tinh thần này như vậy, không có một thế lực vật chất nào có thể đánh đổi được những giá trị tinh tế mà Bonsai mang tới.
Việc trồng và chăm sóc những chậu cây Bonsai đã thể hiện tinh thần yêu thiên nhiên, gần gũi với cỏ cây hoa lá và góp phần thể hiện được tính kiên trì, chịu khó của người Nhật. Để trồng và chăm sóc cũng như tạo dáng cho một chậu cây Bonsai hay thậm chí là một vườn Bonsai không phải là việc một sớm một chiều, mà điều đó là cả một quá trình lâu dài.
Ngày nay, nghệ thuật Bonsai ở “xứ Phù Tang” lại được nâng lên một tầm cao mới bởi sự ra đời một dự án gọi là “Air Bonsai” (cây bonsai bay lơ lửng). Air Bonsai là một là dự án được làm hoàn toàn từ Nhật Bản với sự sáng tạo và tài tình của những kỹ sư Nhật Bản. Đây có thể xem là điều không tưởng trước đây và người Nhật đã biến những điều không thể thành có thể. “Bonsai lơ lửng” là một gốc cây Bonsai mini bay lơ lửng trên không nhờ vào cơ chế từ tính, kết hợp với phần đế bên dưới.
Air Bonsai vô cùng độc đáo nhưng vẫn giữ được cho mình vẻ đẹp và duyên dáng vốn có. Để cây Bonsai có thể lơ lửng được phải cần đến nguồn điện hỗ trợ và phần đế có khe cắm điện ở phía dưới đáy, khi cắm vào nguồn điện thì sẽ có đèn phát sáng báo hiệu. Về cơ bản, Air Bonsai sẽ gồm hai phần: phần đế và phần gốc cây bonsai mini phía trên. Chúng ta hãy đi từ dưới lên, là phần đế trước: đây được gọi là phần năng lượng, hay là bộ não của toàn hệ thống bởi nó sẽ phát ra lực từ tính, nó sẽ có cơ chế xoay, tức là giúp cho phần cây bonsai phía trên vừa bay vừa xoay tròn đều. Đề cập đến chất liệu phần đế có mặt trên cùng làm bằng gương, phần thân làm từ gốm sứ Nhật Bản dòng Imari truyền thống.
Được biết, phần đế sẽ có nhiều phiên bản, bao gồm các phiên bản làm thủ công bởi các nghệ nhân ở Nhật Bản, tất nhiên là giá cũng sẽ rất khác biệt. Phần gốc cây Bonsai: cũng có từ tính bên trong để có thể kết hợp với phần đế tạo ra lực hút ngược lại, cân bằng lực sẽ giúp nó bay lơ lửng trên không. Phần gốc cây Bonsai mini này cũng sẽ có hai loại riêng biệt là: Moss và Lava. Trong đó Moss sẽ có dạng tròn, bên trong là bọt biển để giúp việc trông cây dễ hơn. Phần Lava được làm từ đá núi lửa Sakurajima ở phía nam của Kyushu, phần đá này được làm lại sao cho nó có trọng lượng nhẹ, phù hợp cho cả hệ thống và trồng cây được.
Có thể nói, giá trị của nghệ thuật Bonsai ở Nhật Bản chưa bao giờ phai nhạt và luôn chuyển mình qua thời gian. Nếu yêu thiên nhiên mà chưa biết đến Bonsai thì thực sự là một thiếu sót lớn đối với người nghệ nhân tinh thần.
Nét đẹp trong loại hình nghệ thuật Bonsai của Nhật Bản rất khó thể có thể miêu tả hết được. Chỉ có thể thực hiện ngay một chuyến du lịch Nhật Bản cùng chúng tôi, du khách mới có thể khám phá được hết những “nét đẹp” văn hóa này.