Nền văn hóa Nhật Bản gắn liền với hải sản tươi sống – được thể hiện qua những món ăn “Quốc hồn quốc túy” là Sashimi và Sushi. Có một loài cá dù có thể không bằng cá Ngừ nhưng nó luôn có trong danh sách những loài cá đắt đỏ nhất trong các nhà hàng hạng sang đó là Cá Nóc (Fugu).
Cá Nóc là một trong những sinh vật độc nhất trên thế giới khi sở hữu chất độc kinh hoàng có thể dễ dàng tước đoạt mạng người chỉ trong chốc lát. Nó chứa chất độc “Tetrodotoxin” – loại độc tố gây chết người cao gấp 1.200 lần so với chất độc xyanua và một con cá duy nhất có đủ chất độc để giết 30 người. Bởi thế, loài cá này từ lâu đã được nhiều quốc gia liệt vào danh sách đen tuyệt đối không được ăn. Tuy nhiên, bất ngờ là riêng tại Nhật Bản, cá Nóc lại được xem là một loại đặc sản đáng giá.
Trên thực tế, Cá Nóc đã từng là món một món ăn “quốc cấm” của Nhật Bản trong thế kỷ 16, sau sự kiện một nhóm Samurai không thể tỉnh dậy vì ăn phải món cá này. Và nó cũng là loài cá duy nhất mà bất chấp hương vị thơm ngon cũng chưa bao giờ được xuất hiện trong hoàng cung.
Nhưng ít ai biết rằng hàm lượng dinh dưỡng vô cùng lớn nên nó cũng được nhiều người Nhật ưa chuộng. Cũng chính vì thế Chính phủ Nhật Bản đã ra quy định, chỉ những người được cấp chứng chỉ chế biến Cá Nóc sau ít nhất 2 năm đào tạo mới có thể kinh doanh “mặc hàng” dễ gây chết người này.
Hiện nay, trên thế giới có hơn 120 loài Cá Nóc, trong đó có khoảng 50 loài được tìm thấy ở Nhật Bản và chỉ có 22 loài có thể ăn được. Torafugu (Cá Nóc Hổ) được coi là phổ biến nhất, ngon nhất và cũng đắt tiền nhất. Để thưởng thức 100g thịt Cá Nóc Hổ, thực khách sẽ phải chi từ 5.000 Yên (khoảng 1.000.000 VND) đến 35.000 Yên (khoảng 7.500.000 VND).
Với miếng thịt cá vừa “độc”, vừa “đắt”, thực khách có thể yêu cầu chế biến theo sở thích, như: Sashimi Cá Nóc, Lẩu Chirinabe, Fugu Karaage (Cá Nóc chiên giòn – thịt Cá Nóc được tẩm bột và chiên trong dầu), Fugu No Hirezake (Phần vây của cá nóc được làm khô, nướng với lửa và thêm rượu nóng), Cháo Cá Nóc, cá Nóc ngâm rượu Sak,… Riêng Shirako (túi tinh hoàn của Cá Nóc), thực khách muốn ăn thử phải bỏ ra thêm 10.000 Yên (khoảng 2.100.000 VND) cho 2 túi vì món này rất hiếm, chỉ được tìm thấy vào mùa Cá Nóc giao phối.
Tưởng như dễ dàng nhưng thực sự để chế biến một loài cá từ cực độc thành những món đặc sản thì vô cùng khó khăn. Trước hết, các đầu bếp phải thành thạo một kỹ thuật cắt mang tên “Usu-Zukuri” có nghĩa là “thái cá mỏng” và tác phẩm hoàn thành có hình dáng hoa Cúc một loại hoa tượng trưng cho sự trường thọ và những phẩm chất cao quý trong văn hóa Nhật Bản.
Ngoài kỹ năng dùng dao thượng thừa, để có thể nhanh chóng lọc đi lớp da độc của Cá Nóc, người đầu bếp còn phải xác định được “chất độc nằm ở đâu”. Với cá Nóc, độc tố nằm rất nhiều ở ruột, nội tạng, buồng trứng, gan, mắt, da, và cả máu, vì thế từng bước loại bỏ chất độc ra khỏi cá và tránh để nhiễm vào thịt thực sự là một công đoạn khó nhằn, yêu cầu độ chính xác cao.
Quả thật, dù biết qua bàn tay tài hoa của những người đầu bếp Nhật Bản lành nghề, cá Nóc sẽ trở thành một món ăn hảo hạng và an toàn. Tuy nhiên, cho vào miệng món ăn cực độc này vẫn là một hành động được đánh giá là can đảm, khiến không ít người phải lạnh sống lưng, sởn da gà. Còn du khách, nếu có cơ hội du lịch Nhật Bản, du khách có dám thưởng thức các món đặc sản từ Cá Nóc không?