Cáo Inari – linh vật thiêng trong đời sống tâm linh của người Nhật

Trong chuyến du lịch Nhật Bản, nếu du khách ghé thăm những nơi linh thiêng như đền, chùa, chắc hẳn ít nhất một lần du khách bắt gặp hình ảnh của những chú cáo Inara. Từ những bức tượng có kích thước nhỏ đến lớn, cho tới những hình vẽ đặc trưng đều khắc họa hình ảnh của chú cáo lanh lợi Inari này. Chúng xuất hiện tại hơn 30.000 ngôi đền chùa trên khắp “xứ Phù Tang”. 

Theo tín ngưỡng Thần đạo Shinto của người Nhật, trong thế giới tự nhiên tồn tại rất nhiều vị thần khác nhau. Mỗi vị thần biểu tượng cho một lĩnh vực khác nhau như thần biển, thần mặt trời hay thần lửa,… Trong đó, Inari (hay: Inari Okami) là vị thần của lúa gạo, nông nghiệp, thương nghiệp và nghề rèn, của sự phì nhiêu, gạo, trà và rượu Sake, cũng là vị thần được thờ phụng rộng rãi trên đất nước “Mặt Trời mọc”, từ Thần đạo tới Phật giáo.

Đôi khi thần Inari được đồng nhất với Benzaiten và Daikiniten, và đôi khi thần cũng được coi là nữ giới, hoặc một vị thần lưỡng tính.

Thần Inari xuất hiện dưới nhiều hình dạng, nhưng hình dạng nổi tiếng nhất vẫn là hình con cáo trắng. Các bảo vật của thần rất đa dạng, như bó lúa, con cáo, viên ngọc ước và con cáo, tất nhiên. Do đó, những đền thờ thần Inari thường sẽ có tượng cáo nhỏ đóng vai trò như những người bảo vệ đền thờ. Chúng còn được gọi là cáo Inari.

Trong các bức tượng đá ở đền thờ, cáo Inari thường được mặc những chiếc yếm màu đỏ. Theo tín ngưỡng Thần đạo, màu đỏ là biểu tượng của các vị thần và được cho là có tác dụng xua đuổi bệnh tật và năng lượng xấu chống lại các linh hồn ma quỷ.

Trong văn học dân gian Nhật Bản, cáo thường được miêu tả là loài vật sở hữu trí thông minh và tuổi thọ cao. Chính điều này đã làm cáo trở thành hình tượng chủ yếu và là nguồn cảm hứng của phong cách nghệ thuật truyền thống được gọi là “Ukiyo-e” – tranh khắc gỗ thời Edo.

Trong nhiều câu chuyện dân gian Nhật Bản, người ta cũng thường thấy cáo gây ra những trò nghịch ngợm để trừng phạt những kẻ tham lam hoặc khoe khoang. Một chủ đề chung được tìm thấy trong những câu chuyện này là việc cáo biến hình thành một người phụ nữ xinh đẹp, bị lạc và cần được giúp đỡ. Sau khi mời người phụ nữ bí ẩn này qua đêm, chủ nhà thức dậy vào sáng hôm sau và phát hiện người phụ nữ mất tích cùng với thức ăn và vật dụng có giá trị của họ. Những con cáo đặc biệt tinh nghịch cũng được cho là đã cạo trọc đầu cho gia chủ khi họ đang ngủ.

Hình tượng của những chú cáo Inari không chỉ đi sâu vào đời sống tâm linh mà chúng đã trở thành một phần văn hóa không thể thiếu của người Nhật.

Chúng trở thành hình tượng chủ yếu của phong cách nghệ thuật truyền thống được gọi là “Ukiyo-e” (tranh khắc gỗ thời Edo). Chúng cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm thơ, văn, điêu khắc, thậm chí len lỏi vào văn hóa ẩm thực truyền thống. Tiêu biểu phải kể đến món Inari Sushi.

Inari Sushi có lớp vỏ ngoài làm từ đậu phụ vị hơi ngọt, hay còn được gọi là “Aburaage”. Miếng đậu phụ này được chiên giòn, xếp thành hình túi chứa đầy cơm trông khá giống những chiếc tai cáo. Và theo quan niệm người Nhật, đậu phụ rán là món khoái khẩu của loài cáo nên đồ cúng lễ ở những ngôi đền thờ vị thần này thường là đậu phụ rán hay là món Inari Sushi, thay vì tiền như các ngôi đền khác. Thêm vào đó, những món ăn có sự hiện diện của đậu phụ rán trong đó thường được đặt tên kèm từ “Kitsune” chẳng hạn như: Kitsune Udon, hay Kitsune Soba.

Khi tham gia lễ hội ở Nhật Bản, du khách sẽ thấy khá nhiều gian hàng truyền thống bày bán nhiều loại mặt nạ đủ màu sắc. Trong số đó không thể thiếu Kitsune – chiếc mặt nạ màu trắng biểu tượng cho cáo Inari. Những chiếc mặt nạ Kitsune này ban đầu được sử dụng trong các điệu múa nghi lễ Thần đạo và các tiết mục biểu diễn sân khấu của Nhật Bản, nhưng hiện nay chúng khá phổ biến trong văn hóa Cosplay và dùng để trang trí đem lại may mắn. Tuy nhiên, mặt nạ Kitsune vẫn được sử dụng trong một số nghi lễ. Theo truyền thuyết, cáo từng mang hình dáng con người và đến thăm đền Oji Inari ở Tokyo vào những ngày đầu năm mới. Chính vì vậy, hàng năm, vào ngày lễ Oji Kitsune-no-Gyoretsu, hàng trăm người đeo mặt nạ Kitsune diễu hành để kỷ niệm sự kiện này.

Cáo Inari cũng xuất hiện rất nhiều trong những chương trình truyền hình và manga, bao gồm các tác phẩm nổi tiếng như Pokemon và Naruto. Đặc biệt hơn cả là trong truyện tranh Manga và phim hoạt hình anime “Inari, Konkon, Koi Iroha” kể về một cô gái có tên là Inari Fushimi, người cứu một chú cáo con khỏi chết đuối dưới sông. Nữ thần tại một ngôi đền gần đó đã rất cảm kích trước lòng tốt của cô bé và ban thưởng cho Inari Fushimi quyền năng biến hình, giống như những con cáo của văn hóa dân gian Nhật Bản được cho là có thể biến hóa thành người.

Và khi nhắc đến cáo Inari, người Nhật sẽ luôn nhớ về một huyền thoại bí ẩn và lãng mạn nhất của “xứ Phù Tang” – “Đám cưới của loài cáo” (Kitsune no yomeiri). Một mô tả về Kitsune no yomeiri xuất phát từ cuốn sách Echigo Naruse xuất bản trong thời Horeki (1751-1764): “Vào những đêm tĩnh mịch, ở những nơi bí mật, chuỗi lồng đèn và những ngọn đuốc trải dài hơn hai dặm. Người ta nói rằng vào những đêm đó, những con cáo trẻ sẽ tổ chức đám cưới của chúng”.

Giai thoại về Kitsune no yomeiri thường gắn liền với những câu chuyện về ma thuật và sự mê hoặc của loài cáo. Thời kì Meiji, nhà thơ Tanka Masaoca đã viết: “Khi mưa rơi xuống từ bầu trời trong xanh ngay đúng giờ Ngọ là lúc vua Tử Vĩ đón cô dâu của mình”. Đây là một hiện tượng tự nhiên khác lạ, người Nhật cho rằng lúc này những con cáo đã triệu hồi mưa để che giấu đám cưới cho chúng.

Ngày nay, nhiều thành phố tổ chức các lễ hội “đám cưới của cáo” tạo ra các cuộc rước đèn nổi tiếng, thu hút rất nhiều khách du lịch vào thị trấn và có sự tham gia của nhiều quan chức địa phương. Đôi khi “cô dâu” và “chú rể” được lựa chọn như một “cuộc thi sắc đẹp”.

Ở tỉnh Yamaguchi, Kitsune no yomeiri được thực hiện vào ngày 3 tháng 11 hàng năm trong Lễ hội Inari. Những người biểu diễn vợ chồng cáo trong lễ này thường là người ở Kudamatsu. Người ta tin rằng khi phụ nữ tham gia vào vai “cô dâu cáo” trong ngày cưới này sẽ may mắn gặp được đối tượng lý tưởng và sẽ có nhiều phúc lành nếu tổ chức hôn lễ trong cùng một đền thờ nơi diễn ra lễ hội.

Đất nước, văn hoá và con người “xứ Phù Tang” còn có nhiều nét thú vị đang chờ đón du khách đến khám phá và trải nghiệm. Vậy còn chần chờ gì nữa mà không thực hiện ngay một chuyến du lịch Nhật Bản?