Câu chuyện về 47 “lãng nhân” – biểu tượng cho tinh thần võ sĩ đạo của Nhật Bản

Câu chuyện về 47 “lãng nhân” Samurai (Ronin) xả thân lấy lại danh dự cho chủ cũ là một trong những truyền thuyết nổi tiếng của Nhật Bản, thu hút du khách đến đền Sengakuji tại thành phố Tokyo. Ngôi đền với 47 ngôi mộ của những Ronin nổi tiếng. Câu chuyện của họ là minh chứng cho lòng trung thành, sức mạnh ý chí và khí chất đáng trân trọng của các Samurai Nhật Bản thời xưa.

Samurai được xem là một trong những chiến binh vĩ đại nhất được biết đến trong lịch sử Nhật Bản. Những quy tắc sống của họ đã được lãng mạn hóa và trở nên phổ biến vào cuối thế kỷ 19 nhờ cuốn sách Bushido: Linh hồn của Nhật Bản, do Inazo Nitobe viết. Trong cuốn sách, Nitobe nhấn mạnh tám giá trị chân chính của Bushidō (đạo lý của chiến binh), gồm công lý, lòng dũng cảm, lòng nhân từ, tính đúng mực, chân thành, danh dự, lòng trung thành và sự tự chủ. Bản chất của Bushidō được thể hiện qua một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất về Samurai – 47 lãng nhân.

47 lãng nhân là một câu chuyện về Genroku Akō – một sự kiện lịch sử xảy ra ở Nhật Bản vào đầu thế kỷ 18. Câu chuyện bắt đầu vào năm 1701, tại Nhật Bản dưới sự cai quản về hình thức của Thiên hoàng ở Kyoto nhưng thực quyền thuộc về đại tướng quân (Shogun) Tokugawa Tsunayoshi tại Edo.

Để tỏ ý kính trọng Thiên hoàng, Tokugawa hàng năm dâng tặng cống vật tới Kyoto vào dịp năm mới, đổi lại Thiên hoàng cho khâm sai tới Edo. Năm đó, nhiệm vụ đón tiếp khâm sai được đại tướng quân giao cho hai thân tín trẻ là Naganori Asano, chúa tỉnh Harima và thành Ako cùng với Munehare Date, chúa tỉnh Sendai.

Bước ngoặt câu chuyện tới khi Tokugawa cử Yoshinaka Kira – một vị quan lớn tuổi tới để trợ giúp hai lãnh chúa trẻ về lễ nghi đón tiếp. Thế nhưng Yoshinaka Kira lại là một tham quan kiêu ngạo, đòi hỏi cả Naganori Asano và Munehare Date phải hối lộ cho ông ta những món quà giá trị.

Vì họ không đáp ứng, Yoshinaka Kira tỏ ra khó chịu, thường xuyên lăng mạ và sỉ nhục cả hai. Munehare Date là người nổi giận trước, suýt nữa đã định giết chết Yoshinaka Kira. May sao, quân sư đã khuyên can ông. Munehare Date sau đó đã hối lộ cho Yoshinaka Kira một khoản cực lớn để ông ta đối xử với mình tử tế.

Ngược lại, Naganori Asano là một người cực kỳ trọng đạo đức, ông không chấp nhận được hành động hối lộ mà Yoshinaka Kira yêu cầu. Hệ quả là Naganori Asano bị xúc phạm rất nhiều lần.

Cao trào là khi Yoshinaka Kira xúc phạm Naganori Asano bằng cách chửi bới vị lãnh chúa trẻ là “thằng khốn quê mùa không biết cư xử”. Thế là vào ngày 14/3/1701, tại thành Edo, Naganori Asano đã rút đoản kiếm Wakizashi tấn công Yoshinaka Kira, nhưng chỉ làm ông ta bị thương ở mặt.

Vào thời kỳ đó, hành động của Naganori Asano bị khép vào trọng tội: tấn công quan của đại tướng quân ngay ở thành Edo. Naganori Asano buộc phải thực hiện nghi lễ mổ bụng tự sát Seppuku. Ngay hôm sau, ông đã tự kết liễu mình.

Hung tin này nhanh chóng được truyền về thành Ako. Thân quyến của Naganori Asano, trưởng quân sư của lãnh chúa quá cố là Oishi Kuranosuke và các Samurai thuộc hạ đã vô cùng đau xót, không chỉ bởi chủ nhân đã qua đời một cách oan ức mà toàn bộ tài sản, đất đai của ông đều bị chính quyền tịch thu.

Thêm vào đó, gia tộc của lãnh chúa Naganori Asano bị truất quyền thừa kế và 321 Samurai dưới trướng ông bị giải tán phải trở thành “lãng nhân” (Ronin – Samurai mất chủ). Trong khi đó, tham quan Yoshinaka Kira vẫn nhởn nhơ, không bị xử tội gì.

Chính điều này đã gây nên sự phẫn nộ vô cùng lớn đối với các thuộc hạ của Naganori Asano. Họ đã cầu xin đại tướng quân Tokugawa Tsunayoshi để lấy lại danh dự và tài sản cho chủ nhân của mình nhưng điều vô ích, vì vậy 60 “Ronin” đã tập hợp lại dưới sự chỉ đạo của Oishi Kuranosuke – nguyên trưởng quân sư của Naganori Asano quá cố để thực hiện kế hoạch trả thù.

Để tránh khỏi sự nghi ngờ của Yoshinaka Kira và vây cánh đồng minh, những lãng nhân này chia nhau ra, giả làm các thương nhân, nhà sư, thậm chí là kẻ nghiện ngập để chờ thời cơ trả thù. Oishi Kuranosuke cùng những lãng nhân đã vạch kế hoạch và thu thập vũ khí. Ông cũng đưa toàn bộ gia đình về Tokyo sinh sống để tiện chăm sóc rồi gửi đi lánh nạn ở nơi khác đề phòng thân quyến bị giết hại hay bị trừng phạt do hành động trả thù của ông bị bại lộ.

Sau 2 năm, thời cơ đã tới với các lãng nhân. Trong số 60 người, Oishi Kuranosuke chỉ cho phép 46 người cùng với mình tấn công vào dinh thự của Kira. Đêm ngày 14/12/1702, 47 lãng nhân đột nhập vào nhà riêng của viên tham quan. Trong vòng 1,5 giờ đồng hồ, 47 lãng nhân đã đánh bại 61 vệ sĩ của Yoshinaka Kira mà không hề bị thương một vết nhỏ nào. Họ bắt được Yoshinaka Kira khi đang trốn trong một ngôi nhà phụ.

Nhóm lãng nhân yêu cầu Yoshinaka Kira thực hiện nghi lễ Seppuku nhưng ông ta không chịu. Kết quả là y bị các lãng nhân chặt đầu, mang tới mộ của Naganori Asano để tế lễ. Trên đường đi, một lãng nhân được lệnh phái tới Ako báo tin kế hoạch trả thù đã thành công.

Trong lúc nhóm Samurai “bị mất chủ” đem thủ cấp của Yoshinaka Kira tới bái tế vong hồn lãnh chúa Naganori Asano, câu chuyện về cuộc trả thù của họ nhanh chóng được lan truyền. Người dân ca ngợi họ vì lòng trung thành, sự dũng cảm và tinh thần võ sĩ đạo. Thậm chí nhiều người còn mời nhóm lãng nhân nghỉ ngơi, uống nước trước khi tiếp tục hành trình.

Khi tới Tuyền Nhạc Tự – nơi chôn cất lãnh chúa Naganori Asano, Oishi Kuranosuke tắm rửa sạch sẽ cho thủ cấp của Yoshinaka Kira, sau đó bái tế chủ soái cũ. Hoàn thành cuộc trả thù, 47 lãnh nhân này đã đầu thú trước triều đình.

Tuy rằng luật pháp thời đó cấm những hành động trả thù dã man nhưng nhiều người bao gồm cả các quan triều đình cũng cảm thấy rằng Naganori Asano đã phải chịu một cái chết bất công. Hơn nữa lòng trung thành của các lãng nhân đối với chủ nhân của mình đã được coi là hình ảnh tiêu biểu cho các giá trị truyền thống của “Bushido” (tinh thần chiến binh), mà nhiều người cho rằng đã bị mai một dần trong một xã hội suy đồi.

Cuối cùng, các lãng nhân được đại tướng quân Tokugawa Tsunayoshi ban cho quyền được thực hiện nghi lễ Seppuku – tự hành quyết như những vị anh hùng, riêng lãng nhân trẻ nhất là Terasaka Kichiemon thì được miễn tội. Thế là, 46 lãng nhân còn lại tự chia thành 4 nhóm nhỏ, tất cả đồng loạt tự sát tại Tuyền Nhạc Tự, bên cạnh bia mộ của chủ soái Naganori Asano. Sau đó, họ được chôn cất bên cạnh người chủ cũ của mình. Về phần Terasaka Kichiemon, ông sống tới khoảng năm 1747 và sau khi chết, cũng được đem tới chôn cạnh các chiến hữu năm xưa.

Từ đó, huyền thoại về 47 lãng nhân kết thúc và trở thành một trong những câu chuyện nổi tiếng trở thành biểu tượng bất diệt về lòng trung thành và niềm tự hào về tinh thần võ sĩ đạo của dân tộc Nhật Bản.

Về sau, 47 lãng nhân và chủ nhân của họ đã được lập đền thờ mang tên Sengakuji, hiện thu hút được rất nhiều khách thập phương. Vào ngày 14/12 hằng năm, tại đây sẽ diễn ra lễ hội lớn để tưởng niệm cái chết của các Samurai trung thành.

Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách hãy dành một chút thời gian tìm hiểu về lịch sử Nhật Bản cũng như về các Samurai thời xưa, chắc hẳn du khách sẽ có những bài học quý giá về lòng kiên cường và dũng cảm.