Chợ đồ cổ Oedo – Thế giới thu nhỏ của lịch sử, nghệ thuật và sự sáng tạo ở Nhật Bản

Chợ đồ cổ Oedo ở Tokyo là một địa điểm hấp dẫn dành cho những ai yêu thích khám phá văn hóa Nhật Bản và săn lùng những món đồ cũ độc lạ. Nằm ẩn mình giữa lòng thủ đô nhộn nhịp, chợ đồ cổ này là một thế giới thu nhỏ của lịch sử, nghệ thuật và sự sáng tạo. 

Chợ đồ cổ Oedo được tổ chức vào Chủ nhật tuần thứ 1 và thứ 3 hàng tháng tại Quảng trường mặt đất, Diễn đàn Quốc tế Tokyo ở Yurakucho và được xem là một trong những chợ đồ cổ ngoài trời lớn nhất ở Nhật Bản. Không chỉ thu hút sự chú ý ở trong nước, tin tức về khu chợ còn xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nước ngoài, khiến những người nước ngoài yêu thích đồ cổ cũng phải tìm đến đây.

Được biết, khu chợ Oedo được mở cửa vào tháng 9/2003 với mục đích là để khám phá những giá trị thực của cổ vật, đồng thời xây dựng nơi giao lưu văn hóa nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 400 năm thành lập Mạc phủ Edo.

Chợ đồ cổ Oedo không tập trung vào một chủ đề nhất định, các gian hàng đồ cổ Nhật Bản và phương Tây thường được đặt cạnh nhau. Ngoài đồ cổ Nhật Bản, tại đây còn tập trung rất nhiều các món đồ lặt vặt và đồ cũ của Châu Âu, cảm giác như du khách có thể tìm thấy đồ cũ của mọi thời đại và mọi quốc gia tại đây.

Du khách có thể tìm thấy một gian hàng quần áo kiểu Nhật, cũng như những gian hàng bán dụng cụ ăn uống kiểu phương Tây, những món hàng đồ cổ của Anh thế kỷ XVIII, cho đến những sản phẩm thời kỳ Taisho của Nhật thế kỷ XX. Du khách chắc chắn cũng sẽ ngạc nhiên khi biết rằng những người bán hàng ở đây ở mọi lứa tuổi khác nhau, trong đó có rất nhiều người trẻ, những người có thể giao tiếp cơ bản được bằng tiếng Anh và tiếng Trung.

Đến với Chợ đồ cổ Oedo, du khách cũng sẽ rất thích thú khi bắt gặp một cửa hàng với các món đồ cổ đến từ Anh, nào là bộ đồ ăn của Anh từ những năm 1950-1970, những chai thủy tinh tinh tế và dễ thương, đồ nội thất như ghế bành từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX ước tính có tuổi đời từ ​​100-150 năm. Đây chắc chắn là một gian hàng không thể bỏ qua đối với những ai yêu thích nước Anh. Cửa hàng hầu như luôn có mặt tại mọi buổi họp chợ đồ cổ Oedo.

Tiếp đến, du khách không thể bỏ lỡ việc ghé gian hàng đồ chơi của Mỹ được điều hành bởi một cặp vợ chồng lớn tuổi. Nhìn vào đây, du khách sẽ có cảm giác như thể họ vừa mang bộ sưu tập ở nhà của mình ra chợ vậy. Gian hàng được trang trí bằng các đồ vật và sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ. Từ những con búp bê Mỹ những năm 1960 với màu sắc sặc sỡ, cho đến những bộ đồ ăn của Mỹ, những tấm biển bằng sắt mộc mạc, những chiếc cúc áo với nhiều màu sắc và hình dạng khác nhau. Tại đây có rất nhiều mặt hàng đa dạng cho mọi đối tượng từ phụ nữ trẻ đến những người cao tuổi, nên thu hút rất nhiều khách du lịch nước ngoài ghé thăm.

Rồi thì gian hàng Wamonoya như thổi làn gió mới vào những món đồ truyền thống khiến cho nhiều người phải dừng lại khi đang dạo quanh khu chợ. Những mặt hàng lặt vặt kiểu Nhật đơn giản mà ấm áp với màu nâu được đặt cạnh nhau. Đồ vật đầu tiên “đập” vào mắt du khách là giỏ hoa tử đằng hình hồ lô vô cùng xinh đẹp.

Ông chủ cửa hàng sẽ nhiệt tình giới thiệu về mọi thứ. Phần lớn đồ cổ của ông là từ thời Taisho (1912-1926) đến đầu thời Showa (1926-1989). Chiếc giỏ đan bằng tre để đựng hoa tử đằng tuyệt đẹp này vốn được sử dụng như một dụng cụ đánh cá có tuổi đời từ 80 đến 100 năm. Những người ngày xưa thường đeo nó quanh eo và đặt những con cá họ đánh bắt được của mình vào đó. Tuy nhiên, ngày nay, một số người sử dụng nó như bình hoa treo tường bằng cách buộc một sợi dây xung quanh và treo lên tường. Hóa ra là một đồ vật có thể có nhiều cách sử dụng sáng tạo như vậy.

Chợ đồ cổ Oedo như càng “níu chân” du khách bởi cửa hàng bán khung tranh lưu giữ hình ảnh về những ngày xưa tươi đẹp. Những bức tranh được đặt ngẫu nhiên trên mặt đất thành từng lớp, và những vị khách thi thoảng ghé qua rất thích ngắm nhìn chúng. Ngoài những bức tranh phong cách phương Tây treo trên tường, còn có những bức tranh hình bóng Geisha khổ A4 và các tác phẩm nghệ thuật trên giấy khác. Trong vô số những bức tranh tại đây, chắc hẳn thứ khiến du khách chú ý nhất là chiếc bàn tính lớn, nó lớn đến mức du khách khó có thể cầm lên được bằng một tay. Theo chủ cửa hàng, một người vô cùng cá tính, loại bàn tính cỡ lớn này thực chất được một giáo viên trong trường sử dụng để dạy toán trước đây. Nó đã được đặt phía trước bảng đen để cho học sinh xem, nhưng bây giờ có rất ít cơ hội để xem nó. Trong khi bàn tính cũ thường có 5 hạt thì bàn tính này chỉ có 4 hạt.

Nếu du khách đi một vòng quanh khu chợ, du khách sẽ thấy rằng các gian hàng của Chợ đồ cổ Oedo có rất nhiều thể loại, từ các cửa hàng chuyên bán các mặt hàng cụ thể đến các cửa hàng tạp hóa với nhiều sản phẩm khác nhau. Hơn nữa, nơi đây còn được biết đến là nơi tập trung các gian hàng bán Kimono đã qua sử dụng, và các phụ kiện liên quan đến Kimono như: Haori, Obi, dép, và những miếng vải thừa. Du khách có thể thường xuyên bắt gặp những người mặc Kimono đi mua sắm tại đây.

Cho dù du khách là một người đam mê đồ cổ, một người đang tìm kiếm một món hời hay một người chỉ tò mò muốn biết chợ đồ cổ là như thế nào, thì Chợ đồ cổ Oedo chắc chắn là điểm đến lý tưởng dành cho du khách một nơi mà bất kỳ ai cũng có thể đến, tận hưởng và hòa mình bầu không khí hoài cổ. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách hãy dành thời gian ghé thăm khu chợ đồ cổ nổi tiếng này tại Tokyo nhé!