Dù là quốc gia nổi tiếng với sự phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại, song từ trước tới nay, nhiều thủ tục hành chính tại Nhật Bản đều yêu cầu phải sử dụng con dấu cá nhân có tên gọi “Hanko”. Hầu như người Nhật nào cũng có Hanko dùng để thay thế chữ ký trong các văn bản.
Con dấu được gọi là “Hanko” hoặc “Inkan” và được sử dụng bởi cá nhân hoặc công ty. Những con dấu này sẽ được người Nhật sử dụng cùng với một hộp mực màu đỏ có tên là “Shuniku” để đóng dấu những giấy tờ như đơn nhận hàng, giấy đăng ký kết hôn, đơn thực hiện giao dịch rút và chuyển tiền trong tài khoản,… Nói cách khác, con dấu Inkan được sử dụng thay cho chữ ký của người Nhật.
Lịch sử con dấu Hanko
Con dấu được sử dụng cho mục đích chính trị lần đầu tiên ở Nhật Bản là vào thời Nara, thế kỷ thứ 8. Khi đó, hệ thống chính quyền ở Nhật được xây dựng dựa theo mô hình vương triều của Trung Quốc. Lúc bấy giờ, do con dấu là biểu tượng cho quyền lực của người đứng đầu đất nước nên chỉ có Thiên hoàng sử dụng nó. Con dấu được dùng để xác nhận Chỉ dụ do Thiên hoàng ban ra. Đến giữa thế kỷ thứ 8, giới quý tộc ở Nhật Bản mới được phép dùng con dấu của riêng họ.
Đến thời Chiến quốc Sengoku, thế kỷ 15, lịch sử con dấu ở Nhật Bản bước sang giai đoạn mới khi các lãnh chúa phát động chiến tranh giành quyền lực, qua đó, người chiến thắng được quyền tạo ra cho mình con dấu đẹp nhất, mang tính biểu tượng nhất. Các hình ảnh tượng trưng phổ biến trên các con dấu vào thời kỳ này là Rồng, Sư tử, Hổ,… Những con vật thể hiện uy lực và sự dũng mãnh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chỉ cần nhìn vào con dấu người ta biết được thế lực của người sở hữu nó.
Đến thời Edo, thế kỷ 17, con dấu bắt đầu được dùng trong dân chúng. Điển hình là trong giao dịch mua bán, các thương nhân sử dụng con dấu để xác nhận đơn hàng, hóa đơn thanh toán tiền. Mỗi doanh nghiệp có con dấu riêng, thế là hàng loạt con dấu với đủ kiểu dáng khác nhau ra đời.
Thời kỳ Mạc phủ với chính sách bế quan tỏa cảng kéo dài từ đầu thế kỷ 17 chính thức kết thúc vào năm 1867, thay vào đó là thời Minh Trị tập trung phát triển đất nước theo chủ trương học tập văn minh phương Tây.
Tuy nhiên, chính quyền Minh Trị không từ bỏ việc sử dụng con dấu, trái lại còn phổ biến rộng rãi ra toàn dân. Nếu trước đây chỉ có giới quý tộc, võ sĩ hay thương nhân được dùng con dấu thì đến giai đoạn này mọi người dân đều có con dấu của riêng mình.
Chất liệu và kích thước của Hanko
Về chất liệu, Hanko thường được làm từ gỗ, nhựa hoặc đá. Hanko bằng gỗ là chất liệu được ưa chuộng nhiều nhất.
Hanko có đường kính nằm trong khoảng từ 8mm đến 25mm, trong đó loại Hanko 25mm có kích thước khá to nên đôi khi người Nhật khó có thể đóng dấu chúng trên những tờ đơn được thiết kế dành cho Hanko cỡ nhỏ. Theo quy định, Hanko 13.5mm có kích thước vừa với 2 hàng gồm 3 chữ cái tiếng Nhật và Hanko 16.5mm có thể vừa với 2 hàng gồm 5 chữ.
Các loại Hanko cá nhân
Hanko được sử dụng trong nhiều việc, từ những việc hàng ngày như xác nhận đã nhận thư, bưu phẩm đến những giao dịch, ký kết hợp đồng, mở tài khoản ngân hàng… Tuy nhiên, không phải Hanko nào cũng sử dụng được cho những giao dịch quan trọng (chẳng hạn như ký kết hợp đồng mua bán, mở tài khoản ngân hàng…). Đối với những giao dịch như vậy, người Nhật phải sử dụng loại Hanko đã được đăng ký (với chính quyền địa phương).
Jitsuin là con dấu phải được đăng ký chính thức với chính quyền địa phương. Người Nhật dùng nó trong các loại giấy tờ quan trọng như: giấy kết hôn, giấy khai sinh, chứng tử, mua bán xe ô tô,… Đây là con dấu quan trọng nhất và có tính bảo mật cao nhất. Người Nhật có thói quen đựng con dấu Jitsuin của mình trong một chiếc hộp trang trí hoa văn rất đẹp. Vì tính bảo mật cao nên con dấu Jitsuin phải được cất giữ cẩn thận, nhiều người gửi nó trong tủ bảo hiểm ở ngân hàng.
Ginkoin là cách gọi đối với Hanko có hiệu lực trong lĩnh vực ngân hàng. Người Nhật dùng con dấu Ginkoin đã đăng ký để mở tài khoản ngân hàng hoặc thực hiện các giao dịch có liên quan. Khi cần rút tiền tiết kiệm, khách hàng dùng Ginkoin để đóng dấu thay cho chữ ký mẫu.
Mitomein được sử dụng trong các công việc trao đổi hàng ngày như giao hàng, xác nhận thư từ, bưu phẩm… Con dấu Mitomein có tính bảo mật thấp, chúng được làm bằng gỗ thường và được bán rộng rãi tại các cửa hàng.
Shachihata Japan được biết đến là một trong những hãng làm Hanko theo yêu cầu uy tín và nổi tiếng nhất. Một con dấu Hanko có giá dao động khoảng 100 đến 2.000 Yên.
Nhật Bản cũng đã có những động thái bãi bỏ con dấu Hanko, nhưng …
Trong thời đại mà ngày càng có nhiều người nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, việc sử dụng con dấu đã được du di hơn, thậm chí ngân hàng Resona hay Shinsei cho phép mở và giao dịch tài khoản bằng chữ ký tay. Nhưng luật bất thành văn, nếu là người Nhật thì vẫn là con dấu, còn người nước ngoài được khuyên là nên có con dấu, vì có nhiều cơ quan tổ chức bắt buộc 100% chỉ dùng con dấu.
Năm 1997, trong nội bộ đảng phái Nhật Bản xuất hiện một kiến nghị “Đánh giá lại con dấu cá nhân”, nhưng đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ, nhất là từ phía các nghị sĩ tỉnh Yamanishi – tỉnh sản xuất nhiều con dấu nhất Nhật Bản. Từ đó đến nay không có bất kỳ kiến nghị nào như vậy nữa.
Văn hóa con dấu của Nhật Bản không bao giờ biến mất
Con dấu Hanko vẫn còn tồn tại có thể vì nó tạo nên một đặc sắc trong văn hóa Nhật Bản, tuy nhiên nếu xét trên phương diện kinh tế và đời sống thì thay đổi con dấu thành chữ ký tay hoặc ký số có thể là một tổn thất lớn. Rất nhiều người sẽ gặp rắc rối khi ngành công nghiệp con dấu không còn nữa.
Thứ nhất, đó là những người kinh doanh con dấu. Quy mô của ngành công nghiệp con dấu Nhật Bản là 300 tỷ Yên và có khoảng 10.000 cửa hàng kinh doanh con dấu trên toàn quốc. Nếu văn hóa con dấu bị bãi bỏ, người ta ước tính lợi ích thu được không bù đắp được sự thất thoát của cải cũng như sự thất nghiệp của người kinh doanh con dấu.
Thứ hai, đó là tầng lớp người lớn tuổi tại Nhật Bản. Họ đã quen với việc dùng con dấu trong hàng chục năm, hơn nữa tên Kanji viết tay cũng đòi hỏi sự tinh mắt và sức lực, vốn là hai thứ ngày càng xa rời những người già. Vì vậy, nếu con dấu bị vô hiệu hóa, người già sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Văn hoá Nhật Bản quả thật có rất nhiều điều thú vị. Nếu du khách có hứng thú khám phá về vùng đất tuyệt vời này, hãy Book Tour Nhật Bản của chúng tôi nhé! Chắc chắn rằng, hành trình vi vu “xứ Phù Tang” sẽ để lại trong lòng du khách những ấn tượng khó quên!