Đặc sắc lễ hội Koinobori dành cho các bé trai ở Nhật Bản

Tháng 5 rạo rực ghé đến dẫn theo vô số lễ hội mùa hè sắc màu trải dài trên khắp Nhật Bản. Nếu là tín đồ của truyện tranh manga, đặc biệt là Doraemon gắn liền tuổi thơ, hẳn mọi người sẽ không còn quá xa lạ với hình ảnh những chiếc lồng đèn cá chép phấp phới bay trong gió hè. Và treo lồng đèn cá chép cũng chính là một trong những hoạt động diễn ra trong Lễ hội Koinobori.

Lễ hội Koinobori (Koinobori Matsuri) đã được người Nhật tổ chức cách đây hàng ngàn năm và được sử sách ghi lại là có từ thời Edo (1603-1868). Lễ hội này sở dĩ có tên là “Koinobori” vì trong lễ hội này có một thứ không thể thiếu được chính là cờ cá chép (hoặc đèn lồng cá chép). Người Nhật chọn hình ảnh cá chép trong vô vàn các loài cá vì cá chép biểu tượng cho lòng dũng cảm và tính ngoan cường, vượt ngũ môn để hoá rồng.

Tại Nhật Bản, Koinobori Matsuri là lễ hội dành cho bé trai vì với người Nhật, các bé trai sẽ giống như cá chép khi trưởng thành và thuận lợi vượt ngũ môn. Ngoài ra, đây còn là một loài cá rất kiên cường dù có bị bắt cũng giãy dụa nhiều hơn so với các loài cá khác, hình ảnh này giống với hình ảnh của các Samurai luôn dũng cảm và không bao giờ đánh mất danh dự. Thế nên hình ảnh cá chép được lấy làm biểu tượng của lễ hội bé trai ở “xứ Phù Tang”.

Vào ngày tết Đoan Ngọ ngày mùng 5 tháng 5 hàng năm, Koinobori Matsuri sẽ được tổ chức. Trong ngày lễ này, mọi nhà có con trai sẽ treo lên những chiếc đèn lồng cá chép để cầu chúc cho các bé trai sức khỏe, kiên cường và tự lập trong cuộc sống.

Những chiếc đèn lồng cá chép dùng trong lễ hội thường được làm bằng vải. Bên ngoài cờ được trang trí rất sặc sỡ với 5 màu chủ đạo là đỏ, đen, xanh lá, xanh lam, xanh tím. Chúng giống con cá chép y như thật, rỗng ở bên trong và miệng của cá chép được gắn một vòng tròn giúp cờ có thể đón gió bay lên. Cờ cá chép có rất nhiều kích thước từ loại nhỏ vài chục centimet cho đến loại lớn dài 10m cũng rất thường thấy. Nói về kích thước thì cờ cá chép phổ biến nhất là loại cờ dài khoảng 1,5m, còn loại cờ lớn nhất từng được biết đến là cờ cá chép dài 100m nặng đến 350 kg được làm ra ở một xưởng làm cờ cá chép thủ công ở Kazo thuộc tỉnh Saitama.

Những chiếc đèn lồng cá chép này được người Nhật treo từ tháng 4 cho đến giữa tháng 5. Tuỳ vào số lượng bé trai trong nhà mà người Nhật sẽ treo số lượng cờ cá chép nhiều hay ít, tuy nhiên không có quy định về việc treo cờ nên mỗi gia đình thường treo 3-5 cái vào những ngày diễn ra lễ hội. Nếu có cơ hội đến Nhật Bản trong dịp này, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh những chú cá chép bay trong gió biểu tượng cho sự kỳ vọng gửi gắm cho tương lai.

Đèn lồng Koinobori được trang trí rất đẹp mắt được treo theo một dải với năm màu cơ bản: vàng, đỏ, đen, xanh lá và trắng. Sở dĩ như vậy vì người Nhật tin rằng năm màu sắc này sẽ đại diện cho thuyết ngũ hành tạo ra sự hài hòa, phát triển hưng thịnh.

Bên cạnh 5 màu sắc cơ bản đại diện cho quan niệm ngũ hành, người Nhật còn có một trường ý nghĩa về từng màu sắc riêng biệt thể hiện cho những đức tính của con người trong mỗi chiếc lồng đèn cá chép khác nhau. Trong đó màu đen là biểu hiện của mặt nước vào đông tĩnh lặng, đây là màu tượng trưng cho người cha – trụ cột vững chãi của gia đình và cũng chính lẽ ấy mà bao giờ ta cũng thấy hình ảnh cá chép màu đen to nhất trên mỗi dải lồng đèn. Tiếp đến là màu đỏ, màu của lửa cháy, của sự nhiệt huyết tận tình, tận tâm tượng trưng cho hình ảnh người mẹ luôn cố gắng, nỗ lực hết mình vì con cái và gia đình. Cuối cùng là màu xanh, màu của cây cỏ đâm chồi nảy lộc như tượng trưng cho sự phát triển khỏe mạnh của những đứa trẻ…

Khi treo đèn lồng cá chép, người Nhật thường treo nhiều đèn lồng trên một dây phơi. Nếu có ao nước, họ sẽ treo đèn gần mặt nước. Nếu treo đèn ở nhà riêng, người Nhật sẽ dựng một cột đèn và treo dọc theo cột. Đôi khi do diện tích chật hẹp người Nhật chỉ có thể treo trên một chiếc gậy nhỏ và buộc lên cao.

Ngoài đèn lồng cá chép, trong Lễ hội Koinobori, người Nhật còn trưng bày những con búp bê Kintarou. Theo quan niệm của người Nhật, búp bê Kintarou là hình tượng của một vị anh hùng thiếu nhi trong truyền thuyết Nhật Bản, nổi tiếng với sức mạnh phi thường khi còn nhỏ, cưỡi một con cá chép lớn, trên đầu đội mũ sắt của võ sĩ.

Như nhiều lễ hội truyền thống khác ở “xứ Phù Tang”, Koinobori Matsuri cũng không thể thiếu các món ăn đặc trưng. Trong lễ hội, người Nhâtj thường làm các món bánh truyền thống như Mochi, Obento hay các món bánh có hình dạng cá chép để mời khách.

Trong những ngày này, các bé trai thường sẽ mời bạn bè tới nhà chơi để “khoe” về những chiếc đèn lồng và mời bạn bè ăn những món bánh cá chép ngon tuyệt của gia đình mình.

Cùng với lễ hội Hina Matsuri dành cho các bé gái, lễ hội Koinobori thể hiện sự kỳ vọng về thế hệ tương lai mang nhiều ý nghĩa và là một nét văn hóa không thể thiếu trong lòng người Nhật. Nếu bạn muốn cảm nhận hết những nét độc đáo và ý nghĩa của lễ hội này, hãy du lịch Nhật Bản vào đầu tháng 5 và cảm nhận nhé!