Đền Atsuta ở Nhật Bản – Nơi du khách trải nghiệm không gian thiêng liêng, bình yên

Atsuta Jingu là một trong những ngôi đền có bề dày lịch sử lớn nhất tại Nhật Bản. Nằm yên bình trong lòng thành phố Nagoya sầm uất, Đền Atsuta vẫn giữ được sự thiêng liêng vốn có và được người dân gọi với cái tên thân thương là “Atsugi Sama”. Đền Atsuta đã chứng kiến bao sự đổi thay, thăng trầm, biến cố của cả đất nước Nhật Bản.

Là một trong ba đền thờ Thần đạo quan trọng nhất Nhật Bản, Atsuta Jingu là trung tâm tôn giáo của Nagoya và được cho là được cho là có niên đại gần 2.000 năm. Vào thời Hoàng đế Keiko, năm 113 sau Công nguyên, khi Hoàng tử Yamato Takeru qua đời thì tài sản của ông gồm thanh kiếm Kusanagi, được đặt trong một ngôi đền tại nhà của người phụ nữ góa. Đến năm thứ 51 của triều đại Keiko, những di tích này được dời đến vị trí hiện tại tại Đền Atsuta.

Câu chuyện về việc thành lập ngôi đền này được ghi lại trong 2 tác phẩm lịch sử cổ xưa nhất của Nhật Bản: Kojiki và Nihon Shoki, được viết lần lượt vào năm 712 và 720 sau Công nguyên. Trong thời kỳ Meiji (1868 – 1912), ngôi đền đã trải qua một quá trình trùng tu với kiến trúc truyền thống hoàn toàn Nhật Bản mang tên “Shinmei-zukuri”.

Đền Atsuta trấn tọa bên trong khu rừng Atsuta no Mori, phía Nam thành phố Nagoya. Khi bước vào bên trong Đền, du khách dường như bị choáng ngợp trước khuôn viên rộng tới 190.000m2 với rừng cây xanh thoáng đãng, yên bình. Bước chậm rãi trong khuôn viên xanh mát rộng lớn của ngôi đền sẽ phần nào giúp du khách cảm thấy sự thư thái, bình yên trong tâm hồn.

Bên trong khuôn viên rộng lớn này, du khách cũng sẽ bị choáng ngợp bởi 43 điện thờ chính và phụ khác nhau. Trong đó, Điện chính Hongu là nơi tâm linh và thiêng liêng nhất của Đền Atsuta. Điện Hongu cũng là nơi cất giữ thanh gươm Kusanagi no Tsurugi được Nữ thần Mặt trời Amaterasu trao cho thần Ninigi, tổ tiên của dòng dõi Hoàng gia Nhật Bản khi ông được cử xuống hạ giới để bình định nước Nhật. Đây là một trong ba bảo vật linh thiêng, hay còn được biết với tên gọi “Tam chủng thần khí”, được lưu truyền qua các thế hệ Nhật hoàng. Với vẻ đẹp đậm chất văn hóa của Nhật Bản, tham quan và cảm nhận bầu không khí của Điện Hongu là cách hiệu quả nhất để du khách cảm nhận được giá trị lịch sử và sự thiêng liêng của ngôi đền Atsuta.

Một báu vật quan trọng khác mà du khách có thể nhìn thấy đó chính là Nobunaga-Bei – một bức tường đá cổ xưa đặc biệt ở Nagoya. Trước trận đánh Okehazama vào năm 1560, Shogun Oda Nobunaga đã tới đây để cầu nguyện, mong rằng anh sẽ chiến thắng trên chiến trường. Khi anh thực hiện điều đó và giành chiến thắng, để bày tỏ lòng biết ơn, Oda Nobunaga đã quyết định hiến tặng bức tường này cho Đền Atsuta.

Bên cạnh đó, bên trong Bảo tàng bảo vật của Đền Atsuta cũng đang lưu trữ và trưng bày lên đến 6.000 hiện vật. Trong đó, đa phần đều là những báu vật quốc gia hoặc tài sản văn hóa quan trọng của “xứ Phù Tang”. Có thể kể tới trang phục cổ xưa, đồ đạc hay những dụng cụ truyền thống như rìu, nỏ,… Du khách cũng có thể ngắm những chiếc mặt nạ Bugaku với những đường nét thiết kế tinh xảo thường được sử dụng trong những ngày lễ hội đặc biệt.

Không chỉ vậy, các nghi thức văn hóa truyền thống cũng được gìn giữ tại nơi đây với hơn 70 sự kiện được tổ chức mỗi năm. Người dân đến đây rất đông trong mỗi lần sự kiện được tổ chức. Và mỗi lần cần xin những lời khuyên quan trọng trong cuộc đời, có rất nhiều người đã đến Đền để xin ý kiến từ các vị tăng gia. 

Là nơi lưu trữ bảo vật thiêng liêng, Đền Atsuta từng được nhiều lãnh chúa thời xưa đến thăm để cầu mong sức mạnh. Đến nay, nhiều người vẫn tin rằng ngôi đền này vẫn đang lưu giữ và tan tỏa sức mạnh quý hiếm của thời xa xưa. Với mục đích xua tan tà khí, nhiều người tìm đến ngôi đền để cảm nhận được sự an nhiên.

Nằm trong lòng thành phố năng động, nhưng Đền Atsuta vẫn thoát ly khỏi cuộc sống hiện đại, toát lên được vẻ đẹp yên bình với khuôn viên cây xanh rộng lớn, thoáng mát. Đặc biệt, khi dạo bộ trong khuôn viên xanh rộng lớn ấy, du khách sẽ được nhìn ngắm cây cổ thụ Goshinboku thuộc giống cây phát tài (Cinnamomum Camphora) đã có lịch sử hơn 1.000 năm tuổi. Một câu chuyện cổ xưa cho biết nó đã được trồng và chăm sóc bởi Kukai Kobo Daishi – một giáo sĩ Phật giáo nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản. Theo truyền thống, cây cổ thụ ngàn năm này được xem là một biểu tượng của sự mạnh mẽ và sự linh thiêng. Theo tương truyền của người xưa, nếu ai đến đây cầu phúc thì có thể gặp nhiều may mắn trong cuộc sống cũng như công việc bởi cây cổ thụ tỏa ra một nguồn năng lượng kỳ lạ, huyền bí.

Đi sâu vào trong khu rừng nhỏ, du khách sẽ bắt gặp Đền Shimizu Sha – nơi thờ vị thần của Mắt và vị thần của Làn da đẹp. Bên cạnh đó, phía Bắc của ngôi đền còn có một dòng suối. Tương truyền chỉ cần thoa nước lên da 3 lần thì da sẽ trở nên đẹp hơn và nước chạm vào mắt thì mắt sẽ trở nên rõ ràng hơn. Chính vì vậy, những chị em mong muốn mình trở nên đẹp hơn thường tới thăm viếng Đền khá đông.

Đền Atsuta không chỉ là một di tích lịch sử mà nó còn là một bằng chứng sống của di sản văn hóa và tâm linh phong phú của Nhật Bản. Cho dù du khách đang tìm kiếm một kết nối sâu sắc với lịch sử Nhật Bản hoặc đơn giản chỉ muốn trải nghiệm không gian yên bình, Đền Atsuta đem lại cho du khách một hành trình độc đáo và phong phú qua thời gian và truyền thống. Đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá điểm đến đặc biệt này trong chuyến du lịch Nhật Bản nhé!