Trang phục truyền thống của Nhật Bản không chỉ có Kimono, Yukata mà còn có nhiều phụ kiện đi kèm khác nữa, trong đó có Guốc gỗ Geta. Mỗi một đôi guốc gỗ nhỏ nhắn ấy đều là vẻ đẹp kết tinh của óc thẩm mỹ tinh tế và bàn tay khéo léo của những nghệ nhân Nhật Bản.
Geta là một dạng guốc gỗ truyền thống của Nhật Bản, được kết hợp giữa guốc và dép xỏ ngón. Guốc Geta được xem như là một tác phẩm nghệ thuật thể hiện sự sáng tạo và khéo léo của những người nghệ nhân Nhật Bản.
Geta được dùng đồng bộ với Kimono hay Yukata, hoặc với trang phục thường trong những tháng hè. Đôi khi Geta được mang khi trời mưa hoặc tuyết để giữ bàn chân khô ráo, do chiều cao và độ chống thấm của nó. Bên cạnh đó, chúng ta cũng bắt gặp hình ảnh đôi guốc Geta trên bàn chân của các đô vật Sumo. Những Geisha học nghề, còn được gọi là “Maiko”, cũng sẽ đi những đôi Geta đặc biệt để phù hợp với Tabi và trang phục của họ.
Thường đôi guốc Geta được làm từ gỗ và vải dù. Nó có cấu tạo chính là phần đế được làm bằng gỗ, phần răng dưới đế và quai buộc. Những chiếc guốc Geta hoàn toàn được làm thủ công, tức bằng tay, tỉ mỉ và cẩn thận. Chính vì vậy mà nó rất chắc chắn và bền bỉ.
Theo tư liệu để lại, guốc gỗ Geta bắt nguồn từ vùng Yamatai khoảng 2.000 năm trước, những đôi Geta ban đầu được làm rất đơn giản từ những miếng ván lớn, có đóng lỗ để xỏ quai với công dụng chính là không để bị lún bùn khi cấy lúa và đánh dấu những chỗ đã bón phân.
Trải qua các thời kỳ phát triển của lịch sử Nhật Bản, Guốc Geta ngày càng được cải tiến một cách nhanh chóng và trở nên phổ biến ở thành phố Edo (tức là thủ đô Tokyo bây giờ) từ thế kỷ 18. Guốc Geta có một miếng đế bằng gỗ hình chữ nhật với hai miếng gỗ đỡ bên dưới và một cái quai ở bên trên. Các ngón chân giữ lấy phần trên của quai. Guốc được làm từ nguyên liệu chính là gỗ, đôi khi được vẽ sơn mài, có các thớ nổi để kích thích lưu thông, tuần hoàn máu. Những đôi guốc tốt được làm từ vải dù loại xịn. Hầu hết có trang trí hoa văn theo phong cách truyền thống Nhật: cỏ cây, hoa lá, phong cảnh thiên nhiên… Các đôi Geta cũng có nhiều hình dạng khác nhau, chẳng hạn như hình bầu dục (nữ tính hơn) hay hình chữ nhật (nam tính hơn), và các màu sắc được sử dụng có thể là màu tự nhiên, sơn mài, hoặc nhuộm màu.
Nhưng Guốc Geta chỉ thực sự “bùng nổ” và phát triển rộng rãi với nhiều kiểu dáng (dành cho cả nam, nữ, trẻ em) và màu sắc trang trí vào thời Meji. Đến nay, chỉ tính riêng phần đế đã có đến 4 hình thức gia công tiêu biểu là kiểu chạm khắc Kamakura, kiểu sơn mài Tsugaru (miền Tây tỉnh Aomori), kiểu đắp vỏ anh đào (vùng Kakunodate tỉnh Akita) và kiểu lát vỏ tre. Trong đó, kiểu Kamakura đặc biệt nổi bật với lối trang trí ở phần đế vô cùng phong phú như Mặt lão (khuôn mặt hạnh phúc viên mãn của một ông lão, tượng trưng cho sự trường thọ), Cá chép (tượng trưng cho ý chí cầu tiến) hay Cây trúc (tượng trưng cho sức sống và sự khoẻ mạnh).
Không chỉ riêng phần đế được chế tác và trang trí công phu, nghệ nhân Geta còn thổi hồn vào cả những quai guốc nhỏ bé. Thông thường, quai guốc được trang trí tương tự với hoa văn của Kimono nhưng đơn giản hơn, có loại chỉ có một màu đen hoặc đỏ trơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều đôi được trang trí vô cùng cầu kì và quý phái. Đặc biệt, màu sắc của chúng cũng được lựa chọn theo từng mùa. Những hoa văn đặc trưng có thể kể đến là Phượng hoàng – Kì lân (tượng trưng cho điềm lành, sự tốt đẹp), Yushoku (loại hoa văn của quý tộc và là nền tảng cơ bản cho các hoa văn của Nhật Bản) hay Rắn Kanoko (loại hoa văn trông giống với da của loài rắn Kanoko).
Ngoài ra, dưới ảnh hưởng của Thiền, các nghệ nhân cũng sử dụng một số cảm thức thẩm mỹ truyền thống để đưa vào tác phẩm nghệ thuật của mình, như Aware (ai), Sabi (tịch), Wabi (sá), Yugen (u huyền),… Nhờ đó, Geta không chỉ đơn thuần là vật đi dưới chân mà còn khắc họa bản sắc đặc trưng của con người Nhật Bản, đó là sự giản đơn và tinh tế.
Điều đặc biệt, khi đi đôi guốc gỗ Geta chính là âm thanh “clacking” khi đi bộ. Âm thanh này được phát ra nhờ hai phần hỗ trợ cho Geta được gọi là “răng” cũng làm bằng gỗ, nhưng thường rất nhẹ và có 2 răng. Mỗi khi đi bộ, chúng phát ra âm thanh rất đặc trưng, tiếng lách cách trên đường phố. Ngoài ra, có một số loại Geta với một răng, ba răng. Một nét đáng chú ý nữa là lòng bàn của răng có thể có đế cao su dán lên chúng.
“Tác phẩm nghệ thuật” ấy khi kết hợp với trang phục truyền thống Kimono hay Yukata thì còn gì đẹp bằng. Và sẽ rất thú vị nếu vào những ngày đầu năm mới hay trong các hội chợ mùa hè, du khách nghe thấy khắp con phố rộn lên tiếng nhịp guốc gõ vui nhộn.
Không dừng lại ở đó, Geta còn là “nhân vật chính” của một số lễ hội văn hóa dân gian như hội thi ném Geta (Fukuyama), múa Geta trong lễ hội Benkei (Wakayama) hay trong lễ hội nhảy múa Niigata,… Ở một số địa phương, Geta còn được dùng để bói thời tiết: ném Geta lên rồi chờ nó rơi xuống, nếu Geta nằm sấp thì trời nắng, nằm ngửa thì trời mưa. Đặc biệt, ở các nhà trọ suối nước nóng, Yukata và Geta thường được chuẩn bị cho khách mượn để mang ra ngoài chơi.
Du khách cũng có thể bắt gặp rất nhiều cửa hàng ở Nhật Bản bày bán Geta. Giá cả Geta dao động từ 500 Yên trở lên, tùy vào kích thước cùng vật liệu làm quai và đế. Chẳng hạn, một đôi Geta làm bằng gỗ tuyết tùng cháy thông thường có giá dao động trong khoảng 1.400-3.000 Yên, nhưng Geta làm bằng gỗ tuyết tùng vùng Akita có thể lên tới trên 100.000 Yên.
Diện một bộ trang phục Kimono hoàn chỉnh cùng với đôi guốc gỗ Geta như diện lên một tác phẩm nghệ thuật trên người. Và bởi vậy, vẻ đẹp của chúng không chỉ là nguồn cảm hứng sáng tạo cho những nhà thiết kế mà còn là niềm tự hào của con người Nhật Bản.