Jidai Matsuri (Lễ hội của các thời đại) là một trong 3 lễ hội nổi tiếng nhất ở Kyoto, Nhật Bản. Lễ hội được ví như “một cuốn sách giáo khoa lịch sử chân thực và sinh động” mang đến cho người tham gia sự trải nghiệm về quá khứ hào hùng của đất nước Nhật Bản.
Jidai Matsuri được tổ chức tại Đền Heian Jingu ở thành phố Kyoto (Kyoto-shi), thuộc phủ Kyoto (Kyoto-fu). Lễ hội được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1895, nhân kỷ niệm 1100 năm sự kiện dời đô từ Nagaoka đến Heian của Thiên hoàng Kanmu Tenno (781-806). Vì vậy, ý nghĩa ban đầu của lễ hội là nhằm tôn vinh công lao của vị Thiên hoàng này. Bên cạnh đó, ngoài việc tôn vinh Thiên hoàng Kanmu, lễ hội còn tôn vinh Thiên hoàng Komei (1831-1867), là người có công trong việc khẳng định vai trò của Heian-kyo trong giai đoạn quyền lực nằm trong tay Mạc phủ Tokugawa tại Edo. Đồng thời, ông cũng là vị Thiên hoàng cuối cùng trị vì tại Heian-kyo.
Sau thành công của lần tổ chức đầu tiên, Jidai Matsuri được tiếp tục tổ chức trong năm tiếp theo và trở thành một lễ hội thường niên của cố đô Kyoto. Từ năm 1896, ngày tổ chức lễ hội được xác định chính thức là ngày 22/10 vốn là ngày dời đô từ Nagaoka sang Heian-kyo.
Lễ hội được bắt đầu diễn ra vào lúc 7h30 tại Đền Heian. Sau khi các nghi lễ tại Đền Heian kết thúc, linh hồn của hai vị Thiên hoàng Kanmu và Komei, tượng trưng cho sự thiêng liêng của thần linh, sẽ được rước lên kiệu Mikoshi. Cùng với đám rước thần, kiệu Mikoshi sẽ được khiêng đến cung điện Kyoto, là nơi sinh sống trước đây của hai vị Thiên hoàng này.
Đúng vào lúc 12h00, thần linh lại được rước lên kiệu trở về điện Heian. Lần này, cùng với sự trở về đám rước thần là các đoàn diễu hành tái hiện các nhân vật lịch sử, phong tục, trang phục,… thuộc 9 thời đại: Meiji, Edo, Azuchi Momoyama, Yoshino, Muromachi, Kamakura, Fujiwara, Heian, Enryaku (bao gồm cả thời Nara).
Đi đầu là đoàn diễu hành tái hiện “Thời kỳ Meiji”, thời kỳ mà Mạc phủ Edo – đứng đầu là các tướng quân (Shogun) ở Tokyo, và chính quyền Meiji – đứng đầu là Thiên hoàng của Kyoto, cùng tranh ngôi. Sự kiện này diễn ra khoảng đầu thế kỷ XIX.
Vì là lễ hội của Kyoto, nên hình ảnh đại diện cho Meiji chính là trang phục quân binh đã hợp sức gây dựng nên Chính phủ Meiji. Cũng có những người cải trang thành các nhân vật nổi tiếng trong thời kỳ này như: Sakamoto Ryoma, Saigo Takamori, Katsura Kogoro, hay Takasugi Shinsaku,…
Tiếp theo là đoàn diễn hành “Thời kỳ Edo” – thời kỳ kéo dài từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX. “Edo” là tên gọi cũ của Tokyo, cũng là thời kỳ các vị tướng trong gia tộc Tokugawa sinh sống ở đây và nắm trong tay nền chính trị Nhật Bản.
Trung tâm chính trị ở thời kỳ này là vùng Kanto mà chủ yếu là Edo (Tokyo ngày nay), nhưng dù vậy thì Kyoto – nơi được bố trí chỗ ở cho Thiên hoàng – vẫn có vai trò quan trọng như một thủ đô của Nhật. Nếu Thiên hoàng mới lên ngôi thì các sứ giả của tướng quân sẽ xếp thành hàng để nghênh đón vị Thiên hoàng mới. Đoàn diễu hành thời kỳ Edo chính là phỏng theo điều này.
Ngoài ra cũng có nhiều người diễu hành đóng giả những người phụ nữ có đóng góp tích cực ở Kyoto trong thời kỳ Edo, giúp du khách có thể mường tượng ra dáng vẻ tầng lớp thượng lưu, hoàng tộc, và các nghệ sĩ đương thời.
Sau đoàn diễu hành “Thời kỳ Edo” là đoàn diễu hành “Thời kỳ Azuchi Momoyama”. Đoàn diễu hành sẽ cải trang thành Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi và những vị chư hầu phục vụ họ.
Thời kỳ Muromachi – kéo dài từ giữa thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI – là thời kỳ mà các tướng quân trong gia tộc Ashikaga của Mạc phủ Muromachi đặt trung tâm chính trị ở quận Muromachi, Kyoto. Thế nhưng, hoạt động diễu hành về thời kỳ Muromachi được diễn ra từ năm 2007, còn trước đó thời kỳ này bị cắt bớt đi. Lý do cho việc đó là vì vị tướng đầu tiên trong gia tộc Ashikaga, Ashikaga Takauji, đã giành được quyền lực bằng cách lật đổ Thiên hoàng.
Từ thời Meiji khi bắt đầu lễ hội, đến khi kết thúc Chiến tranh Thái Bình Dương (Chiến tranh thế giới thứ II), Nhật Bản luôn được giáo dục để tôn thờ Thiên hoàng, nên khi gia tộc Ashikaga chống lại Thiên hoàng thì bị ghét rất nhiều. Đến mức không chỉ người dân mà cả những nhà nghiên cứu cũng cho rằng họ là “kẻ xấu”. Nhưng khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, trải qua một khoảng thời gian dài, ý niệm về Thiên hoàng cũng thay đổi, Ashikaga Takauji được đánh giá khách quan hơn nên thời kỳ của ông cũng được góp mặt trong Lễ hội Jidai.
Khoảng thời gian giữa thế kỷ XIV được gọi là “Thời kỳ Yoshino” (Thời kỳ Nam Bắc Triều) trong lịch sử chính thống Nhật Bản. Vào thời kỳ này, triều đình bị chia thành Kyoto và Yoshino ở tỉnh Nara, cũng như có cả hai Thiên hoàng.
Chiến thắng cuối cùng thuộc về triều đại Kyoto hay được gọi là Bắc Triều, nhưng về mặt lý thuyết Nam Triều ở Yoshino vẫn được cho là chính thống, nên vừa có đoàn diễu hành gồm những người cải trang thành “Kusunoki Masashige” (Samurai đứng về phía Nam Triều) và vừa có đoàn diễu hành những người phụ nữ đóng góp tích cực trong thời kỳ Yoshino cùng thời kỳ “Kamakura” dưới đây.
Thời kỳ Kamakura là thời kỳ Mạc phủ Kamakura lên nắm quyền từ cuối thế kỷ XII đến nửa đầu thế kỷ XIV. Trung tâm chính trị của thời kỳ này cũng là vùng Kanto mà chủ yếu tập trung ở tỉnh Kanagawa, nhưng vì “Cuộc nổi loạn Jokyu”, sự kiện mà Thiên hoàng và Mạc phủ giao chiến, nên cũng chỉ diễu hành những người đứng về phía Thiên hoàng.
Thời kỳ Fujiwara là thời kỳ mà giới quý tộc ở Kyoto phát triển rực rỡ nhất, kéo dài từ cuối thế kỷ IX đến thế kỷ XII. Vào thời kỳ này, gia tộc Fujiwara – gia tộc có quyền lực nhất trong giới quý tộc – đã thực hiện một cuộc chiến chính trị với gia tộc của Thiên hoàng. Trong đoàn diễu hành của thời kỳ này có sự tham gia của những người cải trang thành các quý tộc hay những người phụ nữ có đóng góp tích cực ở thời kỳ Fujiwara.
Cuối cùng là đoàn diễu hành “Thời kỳ Enryaku” – thời kỳ lần đầu thủ đô được thành lập ở Kyoto vào cuối thể kỷ VIII. Những người diễu hành cải trang thành các học giả hay Samurai đương thời.
Và tiếp sau đó là diễu hành kiệu Mikoshi của Đền Heian, xen lẫn những người dân sống ở Kyoto và tất cả con cháu của Samurai từng phụng sự cho các vị Thiên hoàng thời xưa.
Với các vị khách tham dự lễ hội, việc chiêm ngưỡng sự trình diễn của các đoàn diễu hành này trong đoạn đường dài hơn 2km từ Cung điện Kyoto đến Đền Heian chính là điều thú vị nhất. Du khách dường như được đưa trở về từng thời kỳ lịch sử đã qua của Kyoto. Không những vậy, hình ảnh của kiệu Mikoshi, đám rước, nhân vật lịch sử, trang phục cung đình cùng với tiếng nhạc réo rắt khiến người tham dự đang đắm mình trong bầu không khí thiêng liêng của lễ hội có cảm giác như được chứng kiến từng thời khắc lịch sử của cố đô. Đó cũng chính là điểm nhấn quan trọng của lễ hội này.
Book Tour Nhật Bản của chúng tôi chính là cơ hội để du khách ghé thăm Kyoto và tham gia Lễ hội Jidai đặc sắc. Lễ hội Jidai hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời!