Joya-no-Kane – Lễ khai chuông vào đêm Giao thừa ở Nhật Bản

Joya-no-Kane (除夜の鐘) là tên gọi của truyền thống đánh 108 tiếng chuông vào đêm giao thừa tại các ngôi chùa của Nhật Bản nhằm mục đích gội rửa những phiền não, ham muốn và nghiệp chướng của con người trong năm cũ để hướng đến những điều tốt đẹp của năm mới.

Các quốc gia trên thế giới đều có những cách riêng để ăn mừng sự khởi đầu của một chu kỳ mới quay quanh Mặt trời của Trái Đất. Chẳng hạn như ở Ý có phong tục ăn đậu lăng, trong khi ở Mexico thịt cừu được trao tặng đến những người thân yêu để họ không phải “thiếu len” trong năm mới. Còn tại “xứ Phù Tang” thì có Lễ khai chuông Joya-no-Kane – một nghi lễ Phật giáo diễn ra vào thời điểm chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Trong tiếng Nhật, từ “Joya” là một cách nói “đêm Giao thừa”, “Kane” có nghĩa là “chuông”.

Được biết, phong tục Joya-no-Kane bắt nguồn từ Trung Quốc vào thời Kamakura (1192-1333), khi đó các cơ sở tự viện thiền tông Phật giáo Nhật Bản đã áp dụng theo phương thức của Trung Quốc là đánh đại hồng chung 108 tiếng chuông vào 2 buổi sáng chiều. Đến thời Muromachi (1336-1673) thì đổi sang đánh đại hồng chung vào đêm Giao thừa và kéo dài đến tận ngày nay.

Theo truyền thống, những nhà sư sẽ là người thực hiện nghị thức Joya-no-Kane và trực tiếp đánh 108 tiếng chuông (Nhà sư sẽ tiếng hàng đánh 107 tiếng chuông chùa vào đêm giao thừa 31/12 và tiếng chuông thứ 108 là đánh vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới). Bên cạnh đó, có một số ít ngôi chùa sẽ cho phép các Phật tử hoặc du khách thực hiện nghi lễ này.

Vậy du khách có thắc mắc tại sao là 108 tiếng chuông mà không phải là con số khác? Theo giáo lý nhà Phật, con số này tượng trưng cho tham vọng, nhục dục và nghiệp chướng của con người trong suốt cả cuộc đời. Những tiếng chuông chùa lúc này sẽ có tác dụng ngân vang thông Thiên đường, hạ triệt địa phủ và vơi đi những nghiệp chướng, muộn phiền của năm cũ để đón chào năm mới. Bên cạnh đó, nó được cho là có khả năng gạt bỏ những ham muốn đó khỏi trái tim và tâm trí của những người bình thường, đón chào năm mới với một tâm hồn trong sạch và an lạc thịnh đạt nhất.

Vào đêm Giao thừa (khoảng 23h), nhiều ngôi chùa trên khắp Nhật Bản sẽ bắt đầu rung chuông. Trong đó, Chùa Sensoji, chùa Hongwanji và chùa Zenpukuji là những ngôi chùa có truyền thống Joya-no-Kane từ lâu đời. Tại những ngôi chùa này, vào đêm Giao thừa có rất nhiều người tập trung một phần để đón Giao thừa, cầu mong sự may mắn và sức khoẻ đến với bản thân trong năm mới, một phần là để nghe tiếng chuông chùa để gội rửa những ham muốn và muộn phiền của bản thân chào đón năm mới an nhiên và hạnh phúc.

Chùa Todaiji thuộc tỉnh Nara và chùa Chion-in tỉnh Kyoto là hai ngôi chùa nổi tiếng với những quả chuông khổng lồ, cần tới 17 nhà sư hợp lực để đánh chuông trong nghi thức Joya-no-Kane. Chính vì sự hoành tráng của những quả chuông và nghi thức thực hiện khiến cho nghi thứ Joya-no-Kane tại những ngôi chùa này luôn thu hút sự quan tâm và tìm đến của nhiều người Nhật vào dịp đêm Giao thừa.

Ngoài 108 tiếng chuông chùa vang vọng, lễ Joya-no-Kane còn thường đi kèm với những mâm cỗ truyền thống – linh hồn của nền văn hóa ẩm thực Nhật Bản, như rượu Sake, Osechi Ryor (một loại hộp đựng các món ăn đại diện cho sự giàu có, điềm lành, sức khỏe và tuổi thọ),…

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp du khách hiểu thêm về một phong tục truyền thống của người dân “xứ Phù Tang” trong dịp năm mới. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản vào thời điểm này, đừng nên bỏ lỡ việc trải nghiệm nghi thức Joya-no-Kane tại những ngôi chùa lớn nhé!